Lợi ích thiết thực của lòng tin

Nhuận Tâm

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
7 Thg 10 2012
Bài viết
271
Điểm tương tác
115
Điểm
43
Địa chỉ
Canada
<dl class="article-info"><dd class="createdby"> TK. Minh Viên</dd></dl>


Dù đời hay đạo, cuộc sống sang hay hèn… thì lòng tin vẫn là điều không thể thiếu đối với mỗi chúng ta. Một xã hội vật chất phát triển như ngày hôm nay, con người mãi lo chạy theo ngũ dục trần gian, đeo đuổi danh vọng, tranh giành quyền thế,… lòng tin dễ dàng bị đánh mất bởi những lời hứa đầu môi chót lưỡi. Lòng tin có một giá trị rất lớn trong cuộc sống này, nó góp phần quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau, là cội gốc sinh ra các pháp lành,… và sẽ hiển hiện qua những hành xử thường nhật của con người.
Với cuộc sống chộn rộn, và nhiều áp lực do công việc đem đến, chúng ta mãi chạy đua theo thời gian để kiếm tiền, để phát triển địa vị bên ngoài xã hội. Trong khi đó, thời gian ngồi lại dùng cơm chung hay để chia sẻ, lắng nghe những tâm tình của vợ, của con hay của những người thân trong gia đình lại quá ít. Có rất nhiều trường hợp cha mẹ mãi lo làm ăn, cả ngày không thấy mặt con; chồng đi làm ăn xa, không biết vợ con sống thế nào, chỉ nghĩ đem tiền về là đủ. Như vậy làm sao thấu hiểu được vợ và con đang cần gì ở nơi mình. Lâu ngày, sự tin tưởng và cảm thông cho nhau cũng mất dần.
Lòng tin (tín), tức tác dụng tinh thần khiến cho tâm và tác dụng của tâm sinh ra niềm tin thanh tịnh đối với một đối tượng nào đó… (Từ điển Phật học Huệ Quang). Trong một gia đình, nếu vợ không tin tưởng chồng hay ngược lại chồng luôn nghi ngờ vợ, thì hạnh phúc rất khó tồn tại. Trong một công ty, ông giám đốc không tin tưởng để giao phó công việc cho nhân viên của mình, nhân viên với tâm do dự, nghi ngờ không biết sự chỉ đạo của sếp có đúng không. Như vậy thử hỏi công việc của công ty này có trôi chảy và phát triển được hay không? Cho nên Đức Khổng Tử nói: Nếu nghi thì đừng dùng, mà đã dùng thì đừng nghi. Cuộc sống vốn dĩ là tương đối, nếu ta cảm thấy một người có thể chấp nhận được trên một phương diện khả dĩ nào đó, thì ta nên đặt niềm tin để giao phó cho họ. Bởi vì ai ai cũng phải có học có làm, rồi mới có kinh nghiệm về sau. Chúng ta cứ tập cho họ làm, sai thì góp ý, sửa chữa. Lần hồi, họ sẽ làm một cách thành thạo, có kết quả tốt và họ sẽ là những người kề vai, sát cánh cùng ta trong suốt cuộc hành trình.
Đặt niềm tin vào người khác đã khó, và tự thân mỗi người chúng ta sống như thế nào để có niềm tin với mọi người thì lại càng khó hơn. Người xưa có câu: “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Chúng ta phải nên tập cho mình có một đời sống “quy tắc” với chính bản thân mình, có nghĩa là: hẹn ai, làm việc gì phải đúng giờ, đúng giấc. Hứa với ai điều gì thì phải cố gắng làm cho xong, nếu nhắm không được thì không nên hứa và cố gắng làm tròn bổn phận được giao phó. Nếu thực tập được như thế, thì niềm tin lần hồi được củng cố và tăng trưởng thêm lên.
Trong 5 điều đạo đức căn bản của một người Phật tử mà Đức Thế Tôn đã chế định thì điều thứ 4 là không được nói dối. Đang trên bước đường tu tập, chúng ta đừng bao giờ nói dối với ai về bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ để không phải ăn năn, hối hận, mất đi niềm tin với mọi người. Khi xưa có một chú bé hằng ngày chăn cừu trong một ngôi làng nọ. Một hôm chú cảm thấy buồn và bèn nghĩ ra một cách để lừa mọi người cho vui, chú liền la lên: Bà con ơi, có chó sói đến ăn cừu. Thế là mọi người trong làng ai nấy đều cầm cây, gậy chạy lên đồi nhưng không thấy sói đâu cả, mà thấy chú bé cười vui vẻ vì đã lừa được mọi người. Lần thứ hai cũng tương tự như thế, mọi người ai nấy rất giận và đã nhắc nhở chú: “Lần sau không nên có hành động như thế nữa”, chú bé cũng cười vì vui. Vài hôm sau, bỗng có sói xuất hiện thiệt, chú chạy đi từng nhà kêu bà con cứu đàn cừu, nhưng mọi người nghĩ rằng chú bé lại dở trò lừa mình nên không ai ra hết, thế là bầy cừu bị sói tha đi mất. Chú ngồi một mình khóc lóc thảm thiết.
Trong cuộc sống, chữ tín vốn rất quan trọng, đánh mất chữ tín là đồng nghĩa với đánh mất tất cả. Đối với người tu học Phật thì lòng tin cũng hết sức là quan trọng, niềm tin là cửa ngõ để vào đạo, là nền tảng cho sự tu tập, hướng thiện và cũng là mẹ sanh ra các công đức. Phật dạy, một người khi đã có lòng tin, thì sẽ được 5 lợi ích. Đó là: được các bậc thiện nhân, chân nhân thương tưởng, thăm viếng, đến nhà thọ trai, thuyết pháp và lợi ích cuối cùng đó là người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Đặc biệt, người này là chỗ nương tựa cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam và nữ cư sĩ. Cũng giống như trên một khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. (Kinh Tăng Chi II).
Theo tuệ giác của Thế Tôn, niềm tin phải có trí tuệ đi kèm, như vậy mới gọi là chánh tín. Ngài luôn khuyến khích các đệ tử của mình sau khi nghe một điều gì nên suy tư và đem ra bàn luận cho rõ ràng, rồi mới ứng dụng thực hành. Niềm tin về giáo pháp của hàng đệ tử được thành tựu sau khi quán sát, tư duy và chiêm nghiệm. Mặt khác, một hành giả đang trên bước đường tu tập thì cần phải có niềm tin đối với pháp môn mà mình đã chọn. Chính niềm tin này là động lực thúc đẩy cho ta tinh tấn hơn trong những lúc tâm rơi vào trạng thái giải đãi, buông lung.
Muốn tin sâu, tin chắc thì phải hiểu rõ giáo pháp. Hãy mở mắt để thấy rõ rồi tin. Do vậy thích thú nghiên tầm kinh điển, say mê học hỏi giáo pháp nhằm hiểu biết sâu sắc hơn lời dạy của Phật, để ứng dụng trong cuộc sống, ngõ hầu được an vui, hạnh phúc. Nếu hằng ngày, chúng ta huân tập nếp sống và thói quen ưa thích học hỏi và chiêm nghiệm giáo pháp như thế, và chúng ta cảm nhận được niềm vui và niềm tin do pháp hỷ đem lại thì lần hồi tâm của chúng ta sẽ xa lần mọi thú vui dục lạc hạ liệt trong cuộc đời.
Vị Tỷ-kheo thích pháp
Mến pháp, suy tư pháp
Tâm tư niệm chánh pháp
Không rời bỏ chánh pháp.
(Pháp Cú, 364)
Với những ai có lòng tịnh tín với ba ngôi quý báu, thì người ấy mới chuyên tâm tu tập và hành trì một cách không biết mệt mỏi. Lúc bấy giờ, người ấy mới nhận chân được lời của đấng giác ngộ nói là đúng chân lý:
Lòng tin đối với người
Là tài sản tối thượng
Chánh pháp khéo hành trì,
Đem đến chơn an lạc…”
(Kinh Tương Ưng I).
Như vậy, mỗi người chúng ta phải nhận chân được giá trị của cuộc sống này, để có lòng tin, thực hành chánh pháp, chuyển hóa phiền não, làm chủ bản thân để có được hạnh phúc dài lâu.
http://www.daophatkhatsi.vn


 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên