Nghi vấn cái tâm của chúng ta từ đâu ?

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
A Di DA Phat.....em có câu hỏi này không biết có nên hỏi hay không em bị vô minh che lấp và phiền não thì vô tận......không biết tại sao em có cái nghi vấn cái tâm của chúng ta từ đâu ?

Đạo ở chỗ bình thường nhất, chứ đâu phải là chuyện xa vời! Đói thì ăn, khát thì uống, nóng thì quạt, lạnh thì sửi... cứ làm vậy đi thì thoải mái hơn.

Những điều vui vẻ nhất đang ở sát bên mình mà không chịu hưởng, lại cứ chạy lung tung tìm những điều xa vời làm chi cho sanh phiền não vậy?

Đạo ở ngay chỗ tâm tạo. Muốn ở lại trong lục đạo này chịu khổ thì cứ bám vào thế tục này mà tranh chấp với nhau, muốn vãng sanh thành đạo thì thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Như vậy lo niệm Phật không hay hơn sao?

Muốn được quả báo tốt lành thì lo làm thiện lành, đừng làm ác. "Nhân duyên quả báo tơ hào không sai", hãy lo làm việc thiện lành thì lo gì sẽ không có quả báo thiện lành. Chứ còn cứ lo tìm quả báo thiện lành thì đã làm điều ngược ngạo, giống như trồng cây ngược mà trông cho có quả tốt được sao?

Phiền não nhiều là do nghiệp nhân nặng. Biết nghiệp nhân thì hãy lo tạo phước, đừng nên nương vào nghiệp nữa, thì cuộc đời này mới có cơ hội thoát khổ được vui!

Ngài Liên Trì đại sư có dạy đại ý như vầy, người mà cứ nghĩ đến nghiệp chướng quá khứ, thì tâm này đang duyên với nghiệp. Nghiệp này, nghiệp nọ, vô lượng vô biên nghiệp sẽ thay phiên nhau hiện ra, trùng trùng duyên khởi, thì tâm sẽ bị trói buộc vào đó, rất khó có cơ hội giải thoát!

Phải biết buông nghiệp ra mà lo trói mình với câu A-Di-Đà Phật hiệu. Phải biết buông lục đạo ra mà bám vào cõi Tây phương. Đó mới là an toàn.

Như vậy phiền não từ đâu có vậy? Từ chỗ không chịu biết đủ. Không chịu biết đủ thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, bị thiếu thốn thì tâm không bao giờ được an lạc. Không được an lạc thì thường xuyên mong cầu có được cái này cái khác. Mong cầu mãi thì có năng lực nào cung ứng đủ cho mình... Từ đó sanh ra phiền não!

Như vậy phiền não này thực ra chỉ là giả! Là giả mà mình cứ chấp vào giả nên nó thành ra thực. Đã thực rồi thì nó quần mình đến điên đảo, đến chóng mặt, đến tối mù! Tự mình làm khổ cho mình đó thôi!

Đời mạt pháp này có ai là hàng thượng căn, thượng trí? Đã là hạng hạ ngu rồi thì ai tránh khỏi bị vô minh che lấp? Vây thì chuyện vô minh che lấp là việc đương nhiên, ai cũng bị vướng cả. Xin đạo hữu chớ nên buồn phiền hay tự trách về chuyện này làm chi.

Có điều đáng nên phân giải là, cùng một môi trường mà có người vui, người buồn, có người sướng, có người khổ, có người an lạc, có người phiền não... Tại sao vậy?

Tất cả đều do chính mình tạo ra, nó từ trong lòng của mình hiện ra đó.

Như vậy, hãy tập buông bỏ nhiều một chút thì từ từ những phiền não sẽ hết dần đi.

Những chuyện hôm qua thì đã qua rôi, xin để nó qua luôn đi. Chuyện ngày mai chưa tới, chớ nghĩ tới nữa. Hiện tại đây, hãy vui vẻ sống, tập buông xả nhiều một chút. Nếu có lúc suy nghĩ vẫn vơ, hãy cố gắng đề khởi câu "A-Di-Đa Phật". Nếu có thể hãy niệm ra tiếng thì tốt hơn niệm thầm. Cứ niệm Phật, niệm tới đi, đừng nêu lên vấn đề gì cả, thì tự nhiên mọi trở ngại sẽ được giải quyết.

Buông xả mới có sự tu hành tốt. Những cái gì cao xa xin chớ cần bận tâm quá, hãy thực tâm niệm Phật, bớt những thứ mong cầu của thế gian, thì tâm sẽ được thanh tịnh.

Ví dụ, như câu hỏi Tâm từ đâu có? Những câu hỏi này khó trả lời lắm! Xin nói gọn để an được cái tâm phần nào mà thôi, chứ không thể viên mãn!

Một là "Chơn-Tâm" hay là "Linh-Tri-Tâm". Đây là Chơn-Tâm tự tánh của chính mình. Cái Chơn-Tâm này ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có.chỗ nào cũng có nên nó không ở một chỗ nào cả. Muốn biết Chơn Tâm ở đâu, chỉ khi nào thành Phật rồi mới thấy. Ta chưa thành Phật thì chưa thấy Chơn Tâm đâu.

Như vậy câu hỏi này đưa chính mình vào sự bế tắt! Tự mình dẫn mình vào sự bế tắt là tự tạo ra phiền não cho chính mình vậy. Không tốt!

Hai là, thấp hơn một bực, gọi là "Duyên-Lự-Tâm". Tâm này thì dễ thấy, dễ cảm nhận hơn. Hễ có suy nghĩ, có buồn khổ, có ghét thương, có tính toán, có giận hờn, có phiền não, v.v... là biết có tâm. Chính cái "Duyên-Lự-Tâm" nó điều khiển những sinh hoạt này. Đây là cái tâm tạo nghiệp lục đạo. Ví dụ cụ thể, như đạo hữu nói, đang bị nhiều phiền não, thì đây chính là đang bị cái Duyên-Lự-Tâm nó quậy phá đó. Liệng nó đi thì hết phiền não thôi.

Ba là, còn một cái tâm nữa, dễ thấy, có thể chụp hình được, gọi là "Nhục-Đoàn-Tâm", tức là cái cục thịt cân nặng cỡ 1/2 kg, nó ở giữa lồng ngực phía bên trái. Thế gian gọi là "Trái Tim". Trái tim của con người nó gần giống như trái tim con heo, cỡ đó. Hỏi bác sĩ họ sẽ nói rõ hơn.

Tâm, Phật, Chúng-sanh tuy ba mà một. Tâm này là Chơn-Tâm, chứ không phải là cái tâm đang suy nghĩ đử thứ, cũng không phải là cục thị 1/2 kg. Chúng sanh nào cũng có Chơn-Tâm này. Chơn-Tâm này chính là Phật. Cho nên, mới nói, tuy ba mà một là vậy. Khi ta thành Phật rồi thì sẽ thấy được Chơn-Tâm.

Bây giờ chúng ta còn là phàm phu, cái Chơn-Tâm này đã bị che lấp rồi, tìm không ra đâu. Hãy thành tâm niệm Phật thì tự nhiên một ngày nào đó Chơn-Tâm sẽ tự hiển lộ.

Chúc an nhiên niệm Phật.

Diệu Âm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

I

imported_gioidinhhue

Guest
Cách trợ niệm của Tịnh Tông Học Hội

Cách trợ niệm của Tịnh Tông Học Hội

Hỏi:

Sau khi tụi em niệm được vài tiếng, 3-4 giờ gì đó thì gia đình đó có mời một vị tới ... vị đó tới thì bắt đầu đụng vào thân thể của người quá cố, tìm hơi ấm, vẽ chữ lên tay chân v.v... Khi em thấy vậy thì nhóm tụi em liền rút lui ra về vì cảm thấy không hợp với phương pháp trợ niệm của Tịnh Tông Học Hội. Sau đó em có nghe các đồng tu khác kể lại là vị đó dùng tay ấn vô trán của người quá cố suốt buổi, và lúc đó ... CD lên mọi người niệm Phật theo, niệm rất nhanh... Vì em cảm thấy phương pháp làm như vậy có thể ảnh hưởng tới việc vãng sanh...

Trả lời:

Trên thế gian này có rất nhiều cách hộ niệm khác nhau. Diệu-Âm chỉ biết cách hộ niệm cho người lâm chung vãng sanh về Tây-phương Cực-Lạc của Tịnh-tông học hội, đây cũng là Phương pháp của chư Tổ Tịnh-Tông ứng dụng xưa nay cứu người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Phương Pháp này là sự ứng dụng kinh Phật một cách cụ thể, chính xác và rất đúng theo các kinh A-Di-Đà, Vô-Lượng-Thọ, Quán-Vô-Lượng-Thọ và các kinh đại thừa khác.

Còn những cách hộ niệm khác thì vì không biết cho nên không dám bàn tới!

Trước đây Diệu-Âm có đọc qua những cách gọi là "Trợ niệm" rất lạ lùng, ví dụ như người hộ niệm lấy tay chận động mạch máu chính ở cổ của người bệnh, chỉ cho phép máu chạy lên đầu, không cho máu chạy xuống dưới(?). Hoặc có cách hướng dẫn phải tạo một vết thương cho chảy máu để thần thức theo đó mà xuất ra(?), v.v... những phương cách này nghe qua quá nguy hiểm! Mất tự nhiên! Cũng không biết bắt nguồn từ đâu? Nên Diệu-Âm quyết định không dám theo!

Có một sách khác viết ra, trình bày cho người bệnh nghe đến những cảnh giới rất ghê sợ! Những hình ảnh đó, người bình thường nghe đến nhiều khi cũng phải sợ rợn tóc gáy, huống chi là người sắp chết! Điều này thật trái với cách hộ niệm của Tịnh-độ tông. Tịnh-độ tông thì làm cho người ra đi an lành, vui vẻ, ứng theo kinh gọi là tâm bất điên đảo, còn ở đây thì ngược lại. Thấy vậy Diệu-Âm không dám theo.

Có nhiều cách gọi là "Hộ niệm", nhưng thực ra hình thức giống như một pháp chiêu hồn, lên đồng, pháp cầu siêu sau khi chết, v.v... chứ không phải hộ niệm vãng sanh.

Có những pháp khác hộ niệm cho người chết, nhưng không chủ tâm giúp cho người sắp bỏ báo thân vãng sanh Cực-lạc quốc của Phật A-Di-Đà, mà họ chỉ nhắm đến việc giúp cho người chết thoát được cảnh giới xấu nào hay cảnh đó, rồi cầu cho người đó tái sanh trở lại làm người, hoặc các cảnh giới khác trong ba đường thiện...

Tất cả những cách hộ niệm khác lạ này Diệu-Âm không biết rõ, nên không dám phê bình đến. Chư vị muốn biết phải tự tìm hiểu lấy. Nếu chưa thấu rõ những phương pháp đó ứng hợp căn cơ nào, trường hợp nào, mà chư vị vội vã đem ra áp dụng thì hậu quả đúng hay sai, quí vị phải tự chịu trách nhiệm lấy về vấn đề nhân quả. Trong đời Diệu-Âm đã chứng kiến tận mắt rất nhiều cuộc niệm Phật vãng sanh, thoại tướng tốt đẹp bất khả tư nghì, người ra đi theo A-Di-Đà Phật về nước Cực-lạc, thật đúng như kinh Phật dạy. Thấy vậy Diệu-Âm quyết lòng tin theo pháp hộ niệm của Tịnh-tông và nhiệt lòng tuyên dương pháp này để cứu người vãng sanh. Quyết lòng không dám thay đổi, cũng không dám hiếu kỳ hay bắt chước người khác để thí nghiệm những phương pháp lạ.

Nhắc lại, phương pháp hộ niệm của Tịnh-tông là giúp cho người sắp xả bỏ báo thân niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nếu người đi làm được ba điều Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, hơn nữa được trợ niệm cẩn thận thì hình như người nào cũng ra đi an nhiên, nhiều tướng lành hiện ra bất khả tư nghì. Dựa vào kinh mà ấn chứng, ta tin tưởng người đó được vãng sanh Cực-lạc. Hiện tại ở Việt-Nam hiện tượng này đã xảy ra khắp nơi, hàng ngày, thật là một cơ duyên thù thắng cho người Việt chúng ta vậy.

Những điều cấm kỵ căn bản là trong vòng 8 giờ từ lúc tắt thở:

- Không được đụng chạm vào thân xác người chết.

- Không được hiếu kỳ sờ mó, thăm dò hơi ấm.

- Người thân không được khóc lóc, than thở bên cạnh thân xác.

Trường hợp nêu ra trong câu hỏi này thì thân xác đã bị đụng chạm, bị vẽ vời, bị ấn vào trán để làm phép gì đó(?), v.v... nghĩa là bị đụng chạm quá sớm sau khi tắt thở. Đây là điều không hợp với cách hộ niệm của Tịnh-tông.

Hỏi rằng, đó là phương pháp gì? Có đúng pháp hộ niệm không? Thần thức có được vãng sanh không? Có bị nạn gì không? Sẽ đi về cảnh giới nào? ... Xin thưa rằng, Diệu-Âm không biết. Chỉ biết chư Tổ Tịnh-độ cấm làm như vậy, thì Diệu-Âm nói không nên làm! Thế thôi.

A-di-đà Phật

Diệu Âm

(20/11/2008)

http://www.tinhthuquan.com/HoNiemVanDap/201108-1.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên