Những kỷ niệm buồn vui (Phần 1) (Thích Huyền Diệu)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Nhiều người Việt Nam khi đến thăm đất Phật Ấn Độ đã được tiếp kiến thầy Huyền Diệu, được ngụ tại ngôi chùa Việt Nam ở Lumbini, Nepal (nơi Phật ra đời) và Boddhgaya, Ấn Độ (nơi Phật thành đạo). Cuộc đời của nhà sư trụ trì hai ngôi chùa ấy được tái hiện trong cuốn tự truyện mà ĐBND trích đăng một số phần ở đây, giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài học đầu đời

Tôi sinh ra vốn là một đứa trẻ èo uột, đau bệnh triền miên đến độ thầy thuốc cho rằng sẽ khó lòng sống đến mười tuổi. Thể chất yếu đuối như vậy khiến tôi trở nên vô cùng nhút nhát và sợ sệt đủ thứ. Không chỉ sợ bóng tối, sợ ma quỷ, tôi còn ngại tiếp xúc với cả bạn bè cùng trang lứa.

Một bất hạnh lớn hơn là cha mẹ tôi chia tay nhau khi tôi còn rất nhỏ. Thời gian đầu tôi sống với má, nhưng rồi sau đó về ở với ba tại một làng nhỏ của huyện Mỏ Cày thuộc tỉnh Bến Tre.

Thời gian này, tôi đi học tại một ngôi trường làng khá xa, hàng ngày phải đi bộ khoảng hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhà trường có sáu lớp học, tất cả đều nền đất, mái lợp bằng lá dừa, mỗi khi trời mưa lớn thường bị dột nhiều nơi, thế là cả lớp phải nghỉ học.

Thật vui thích khi lần đầu tiên được ngồi đàng hoàng trên băng ghế chứ không phải ngồi bệt trên nền đất quanh tấm phản gỗ như hồi học lớp vỡ lòng, vì vậy tôi rất siêng năng học tập. Điều đáng buồn là việc tôi học giỏi, được bảng danh dự, thầy cô quý mến lại khiến cho nhiều bạn cùng lớp ganh ghét. Biết tôi nhút nhát, họ tìm đủ cách chọc phá như lén đổ mực vào chỗ tôi ngồi, thẩy bụi phấn lên đầu hoặc đón tôi trên đường đi học để buông những lời chế giễu hay dọa nạt. Tôi vừa buồn vừa sợ nhưng không dám phản ứng, chỉ về nhà khóc và đòi nghỉ học. Ba tôi phải thu xếp thì giờ mỗi ngày đưa con đến trường và đón về. Nhờ vậy tôi được yên thân một thời gian, bắt đầu cảm thấy vui vẻ trở lại. Nhưng rồi bạn bè trong lớp xúm nhau trêu chọc: “Cái thằng lớn xác mà còn bắt ba dẫn đi học…” Tôi mắc cỡ và quyết định đi học một mình.

Một buổi chiều, trên đường về tôi bị một nhóm bạn cùng lớp chặn đường trêu chọc. Tôi sợ quá bỏ chạy nhưng họ vẫn tiếp tục đuổi theo. Hoảng hốt, tôi vấp phải tảng đá nên té nhào, bị chảy máu đầu và lấm lem mình mẩy. Nhóm bạn thấy vậy mới chịu buông tha và bỏ đi, còn tôi ôm bộ mặt đầy máu vừa chạy về nhà vừa khóc. Tôi phải nghỉ học vì vết thương trên đầu hành đau nhức, đêm đêm lại ngủ không yên với nỗi ám ảnh về việc mới xảy ra. Vì vậy mấy ngày sau mặc dù có thể đi học trở lại nhưng tôi giả bộ như chưa lành bệnh để được tiếp tục ở nhà. Gần một tháng sau, ba tôi không muốn con mình bỏ học quá lâu nên nhỏ nhẹ khuyên tôi trở lại lớp. Thương ba làm lụng cực khổ mới có tiền cho con ăn học, tôi miễn cưỡng nghe lời.

Một hôm tôi đang trên đường tới trường thì gặp nhóm bạn cùng lớp và cả một anh lớp lớn hơn. Nhìn thấy tôi, họ ùa tới vây quanh. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và la lớn: “Để cho tao yên, tại sao bây cứ chọc ghẹo tao hoài vậy…” Ngay lúc đó, anh học trò lớp lớn tên Mai nhào tới làm ra vẻ hung hăng nói rằng sẽ đánh tôi bể sọ. Sợ quá hóa liều, tôi quăng cặp xuống đất rồi nắm chặt bàn tay, dùng hết sức đấm mạnh vào mặt anh khiến máu mũi phun ra. Cả nhóm thấy vậy ùa nhau bỏ chạy, kể cả anh bị tôi đánh. Tình hình thay đổi đột ngột khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa đắc ý, không dè phản ứng bất ngờ của mình khiến cả nhóm hoảng sợ đến vậy! Tôi lượm cặp lên và bình thản đến trường. Lớp học bữa đó vắng nhiều vì mấy bạn kia sợ quá chạy luôn về nhà.

Không ngờ, một tuần lễ sau, ba tôi bị thầy hiệu trưởng mời đến để giải quyết sự việc ba má anh Mai “kiện” về việc tôi đánh con họ. Tôi cũng phải lên trình diện tại phòng hiệu trưởng, lúc đó anh Mai đang có mặt cùng với ba má của anh.

Sau khi mọi người yên vị, thầy hiệu trưởng hỏi anh Mai trước:

- Ai đánh em?

Anh Mai chỉ sang tôi:

- Trò này đánh em.

- Tại sao em cao lớn hơn nhiều mà trò này lại dám đánh?

- Dạ, tại mấy đứa trong lớp của nó rủ em đi chọc ghẹo nó cho vui.

Thầy hiệu trưởng quay sang tôi:

- Tại sao em lại đánh trò này chảy máu mũi?

- Dạ, tại anh ấy và các bạn cứ chọc ghẹo em hoài, hôm đó lại còn đòi đánh em bể sọ.

Ba tôi lúc đó mới lên tiếng:

- Con tôi bị bạn chọc ghẹo và dọa đánh nhiều lần tới nỗi không dám đi học. Tôi quá bận bịu, khi nào sắp xếp được công việc để đưa cháu tới trường thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi cháu xin đi học một mình, dè đâu lại xảy ra chuyện đánh nhau. Tôi rất buồn và chân thành xin lỗi anh chị cũng như xin quý thầy cô tha thứ cho cháu…

Ba tôi chưa dứt lời thì ba má anh Mai cắt ngang:

- Không xin lỗi xin phải gì hết. Chúng tôi yêu cầu nhà trường trừng trị trò này thẳng tay và phải đuổi học ngay.

Tôi ngồi nghe hai bên nói qua nói lại mà thấy ân hận nên bật khóc, không ngờ hành động của mình khiến ba phải chịu phiền phức.

Thầy hiệu trưởng ôn tồn:

- Xin hãy phát biểu một cách nhẹ nhàng và tôn trọng lẫn nhau.

Các thầy cô cùng tham dự phiên xử cũng góp lời:

- Chuyện xảy ra là do trò lớn trêu chọc trước và còn đòi đánh bể sọ khiến trò nhỏ sợ hãi, lại không có ai ở đó để bênh vực nên đã phản ứng tự vệ. Chúng tôi cho rằng lỗi trước tiên chính là ở trò lớn.

Ba má anh kia nổi giận:

- Quý thầy cô nói vậy là không công bằng. Hễ đánh người là có lỗi, không thể bênh vực hay bào chữa…

Thầy hiệu trưởng yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh để cùng nhau giải quyết mọi chuyện trong tình thương, sự thông cảm và tương kính. Thầy gọi hai chúng tôi đến trước mặt rồi nói:

- Cả hai trò đều có lỗi. Còn nhỏ thì phải cố gắng học hành để nên người hữu dụng cho gia đình, cho xã hội và đất nước, tại sao lại đi chọc ghẹo, khiêu khích để dẫn tới đánh nhau lỗ đầu chảy máu, làm phiền đến thầy cô và cha mẹ, gây tiếng xấu cho trường chúng ta? Trò lớn là người gây sự trước, đáng lẽ tôi phạt nặng hơn, nhưng đây là lần đầu tiên nên tôi chỉ phạt tượng trưng, cả hai phải nhổ cỏ và quét trường trong vòng một tuần lễ, vậy là công bằng. Hai em hãy xin lỗi cha mẹ và các thầy cô, cũng như phải hứa sẽ không tái phạm.

Tôi lập tức vâng lời, xin lỗi thầy hiệu trưởng, các thầy cô, ba má anh Mai và ba tôi. Nhưng anh Mai một mực nói rằng mình không có lỗi gì hết, còn ba má anh thì tỏ ra rất bất bình, giận dữ đứng dậy kéo con ra về mà không chào ai hết.

Hôm sau tôi đi học như thường lệ, chấp hành hình phạt nhổ cỏ, quét dọn trường học và các lớp. Trong khi đó anh Mai không trở lại trường, về sau tôi được biết ba má anh đã cho con đi học ở trường khác.

Lợi ích trước mắt mà tôi nhận được là từ đó không còn bị bạn bè chọc ghẹo nữa. Điều này mang lại cho tôi ảo tưởng mình là kẻ chiến thắng, tin rằng có thể dùng sức mạnh để khuất phục người khác. Lòng tự cao tự đại nổi lên, tôi nảy ra ý nghĩ đi học võ thật giỏi, trước hết để tự bảo vệ mình, sau đó là để trừ gian diệt bạo.
Tôi bèn năn nỉ ba cho đi học Judo, nhưng ba tôi không đồng ý:

- Thân hình con ốm yếu lại mang đủ thứ bệnh thì làm sao mà học võ được, mà con học võ để làm gì?

- Để con có thể chống lại những kẻ hay hiếp đáp, dọa nạt người khác. Và cũng để cứu nhân độ thế.

Ba sửng sốt hỏi nghe lời ai mà nói năng lạ vậy, tôi trả lời tự mình nghĩ ra thôi. Ba tôi gạt đi:

- Con lo cho thân mình còn chưa xong, nói chi đến chuyện giúp người khác.

Ba nói thêm:

- Con thấy đó, hôm trước nhà trường xử vụ con đánh lộn, hai cô chú kia nặng lời nhưng ba đâu có phản ứng mà chỉ năn nỉ họ thôi. Thế là mọi chuyện từ từ cũng yên. Vì vậy, nếu có ai hăm dọa hay đòi đánh thì mình ráng giữ thái độ hòa nhã nhẫn nhịn để thuyết phục người ta. Còn nếu họ vẫn làm dữ thì tìm cách bỏ đi để khỏi mang lụy vào thân. Chuyện đó không có gì phải xấu hổ.

Lời khuyên nhẹ nhàng của người cha đã in sâu vào tâm trí trẻ thơ của tôi, rồi khi lớn lên tôi đã lấy đó làm phương cách xử thế ở đời.

Ba tôi còn cảnh báo, sự việc tôi đánh bạn vừa qua dù chỉ là phản ứng tự vệ nhưng cũng là hành động sai quấy, sẽ mang lại hậu quả không hay cho tôi về sau.

Quả nhiên, không bao lâu lời tiên đoán ấy thành sự thật.

Vào một buổi chiều, tôi đang trên đường từ trường về nhà thì bất ngờ anh Mai không biết từ đâu lù lù xuất hiện. Tôi điếng hồn, chưa kịp phản ứng thì khoảng năm sáu anh khác tướng tá bặm trợn nhào vô đánh tôi tới tấp. Tôi tối tăm mày mặt, vừa la hét vừa tìm cách bỏ chạy nhưng không sao thoát được. Tôi sợ quá quỳ xuống lạy như tế sao: “Mấy anh tha lỗi cho em, xin đừng đánh nữa, tội nghiệp em lắm”.

Nhưng họ vẫn không động lòng mà tiếp tục ra tay cho đến khi tôi ngã xuống ngất lịm mới chịu bỏ đi. Khi tỉnh dậy trời đã sụp tối, tôi sợ hãi khóc lớn thì thấy ba tôi xuất hiện. Do ở nhà chờ hoài mà con vẫn chưa về nên ông lo lắng đi tìm và khi nghe tiếng la khóc cũng như nhìn thấy tôi đầy máu me, ba tôi chạy tới ôm lấy con mà khóc.

Tôi đau quá đi không nổi nên ba tôi phải cõng về nhà. Bà con trong xóm kéo tới phụ giúp, người lau rửa vết thương và băng bó, người chạy đi mời thầy thuốc. Mọi người tỏ ra lo lắng khi nhận ra tôi bị thương khắp người, chảy máu đầu, bể lỗ mũi, mặt mày sưng vù, gãy bốn cái răng, tay chân bầm tím.

Khi nghe tôi kể chuyện bị mấy anh học trò lớn ở xóm trên xúm lại đánh quá tàn nhẫn, ai nấy đều tức giận và bàn với nhau: “Phải đi tìm đám du côn đó đánh một trận để trả thù”.

Mặc dù đang rất buồn lo, nhưng ba tôi vẫn mềm mỏng bảo mọi người không nên có cử chỉ thù hằn hay bạo động và nói: “Bà con hãy bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó. Mình sẽ nhờ cảnh sát điều tra và đưa ra pháp luật phân xử”.

Những ngày tiếp theo, khá nhiều thầy cô và bạn bè đến thăm, trong số đó có cả ba má của anh Mai. Thấy tôi bị thương khá nặng, ông bà cầm tay tôi mà nước mắt rưng rưng, quay sang xin lỗi ba tôi và nói rằng sẽ phạt nặng anh Mai. Ba tôi tuy rất buồn nhưng cũng kiềm chế không nói lời trách móc nào. Thế nhưng khi họ ra về thì mấy người hàng xóm không nhịn được đã lớn tiếng chửi rủa. Ba tôi vội vã can ngăn mọi người: “Đây chỉ là chuyện xích mích giữa trẻ con với nhau, không nên làm lớn chuyện, liên lụy đến người lớn”.

Chưa đầy tuần lễ, anh Mai và mấy người bạn đã bị bắt đưa về nhốt ở bót. Cha mẹ họ hốt hoảng chạy đến gặp ba tôi năn nỉ nhờ bãi nại. Ba tôi tuy rất buồn phiền chuyện con mình bị đánh trọng thương, nhưng cũng không vui khi thấy con của người khác bị bắt nhốt khiến cha mẹ họ lo sợ. Thế là ba tôi đồng ý đi cùng với họ đến bót xin bãi nại. Tuy nhiên, người trưởng bót không đồng ý và cho rằng việc kéo bè kết đảng đánh người gần chết như vậy phải bị trừng trị đúng với luật pháp để sau này họ không dám tái phạm.

Ba tôi vẫn kiên trì nài nỉ ông trưởng bót: “Mấy cháu còn nhỏ, bị nhốt mãi thế này thì tội nghiệp lắm. Chúng trẻ người non dạ nên trót làm điều sai quấy, tôi thành khẩn xin ông tha cho các cháu về nhà để ngày mai còn kịp đi học. Nếu bị nhốt lâu ngày việc học hành thi cử sẽ gặp khó khăn”.

Trong khi ba tôi thuyết phục ông trưởng bót thì mấy bậc cha mẹ kia lo lắng đứng ngồi không yên. Ba tôi nhất định ngồi lại cho tới khuya, dù bị mời ra hoài vẫn không chịu về. Cuối cùng ông trưởng bót cũng xiêu lòng, đồng ý thả tất cả với điều kiện ba tôi phải viết giấy bãi nại, đồng thời làm cam kết nếu trong những ngày tới sức khỏe của tôi có bề gì thì cũng không được khiếu nại.

Ba tôi đồng ý làm mọi việc theo đúng yêu cầu và sau đó anh Mai cùng các bạn được thả.

Nhờ lòng khoan dung của ba tôi mà mọi nóng giận, thù hận đã tan biến một cách nhiệm mầu, người của hai làng càng trân trọng quý mến nhau hơn, về sau lại còn giúp đỡ nhau trong việc làm ăn buôn bán.

Mấy chục năm sau, tôi lại có cơ hội giúp đỡ gia đình anh. Cuối năm 1978, anh vượt biên qua được đến trại tị nạn Pulau Bidong, sau đó chúng tôi mất liên lạc với nhau.

Cho đến mùa đông năm 1980, một hôm tôi đang chạy bộ tại khu vườn Luxembourg ở Paris, bất chợt nhìn thấy đôi vợ chồng người châu Á dắt hai đứa trẻ đi trên đường ngập đầy tuyết rơi trắng xóa. Vẻ mặt họ bơ phờ, ăn mặc phong phanh nên đi sát bên nhau để cho ấm.

Tôi tò mò chạy chậm lại, quan sát kỹ thì sững sờ nhận ra đó chính là anh Mai. Vợ chồng anh cùng hai con sang đây chưa bao lâu. Cuộc sống nơi đất khách quê người quá nhiều khó khăn, các con còn nhỏ dại, anh thì không rành tiếng Pháp nên đang phải đi học lại. Vợ anh xin được việc làm trong một nhà hàng với đồng lương ít ỏi, khoản tiền trợ cấp của chính phủ không nhiều, nên phải tằn tiện lắm mới đủ sống.

Tôi an ủi hai người và hứa sẽ hỗ trợ hết sức trong khả năng của mình. Sau đó, tôi mời gia đình anh cùng đi ăn sáng tại nhà hàng La Rotonde ở gần đó. Đây là một nhà hàng nổi tiếng, từng là nơi gặp gỡ của nhiều tao nhân mặc khách cũng như các triết gia và văn nhân lừng danh thế giới. Jean Paul Sartre và Simone De Beauvoir vẫn thường gặp gỡ nhau tại nơi này.

Còn gì xúc động hơn khi những người đồng hương hội ngộ nhau nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi vui vẻ nói đủ thứ chuyện và ôn lại chuyện đánh lộn ngày xưa. Tôi đùa hồi đó chỉ đánh anh có một cái nhưng sau lại bị anh và các bạn đánh đến hàng trăm cái, đúng là quả báo nhãn tiền. Chúng tôi cùng cười với nhau về kỷ niệm khó quên. Tôi rất vui lại có cơ hội giúp đỡ anh Mai và gia đình trong những năm đầu chân ướt chân ráo trên đất Pháp.

Từ đó đến nay, anh chị giữ liên lạc với tôi thường xuyên và thương quý tôi như em ruột. Anh chị hiện đã nghỉ hưu và sống nhàn nhã với khoản trợ cấp hưu trí của chính phủ. Đặc biệt anh chị là người luôn giúp đỡ tôi trong các công tác từ thiện, làm việc phước đức trong hàng chục năm qua (còn nữa).

TT Thích Huyền Diệu

Theo bungbinhsaigon.net

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Vị ân sư

Chiến tranh xảy ra, đe dọa đến mạng sống dân thường, chấm dứt những tháng ngày êm ả của tôi tại làng quê vùng Mỏ Cày. Tôi được ba đưa trở về Sài Gòn ở với má để cho an toàn hơn.




Cuộc đời dân nghèo nơi phồn hoa đô hội thật cực khổ, quanh năm giật gấu vá vai vẫn không đủ sống. Má tôi luôn phải thức thật khuya dậy thật sớm để nấu xôi, làm bánh rồi gánh ra chợ bán, khi đi bán thì thay áo lành, nhưng ở nhà thì mặc toàn đồ rách với nhiều miếng vá chằng vá đụp. Cuộc sống quá vất vả khiến má tôi trở nên nghiêm khắc với con và kết quả là tôi luôn phải hứng chịu những trận đòn đau mỗi khi má buồn bực hay mệt mỏi.

Đó là lý do khiến tôi một lần nữa lại đau buồn quyết định rời khỏi nhà trong một đêm khuya đầy hoang mang và sợ sệt, lang thang xuống tận bến phà Mỹ Tho và may mắn gặp được vị ân sư là thầy Hoằng Nhơn, trụ trì Mai Sơn Tự ở Thất Sơn, một vị Thầy nổi tiếng hiền lành và đức độ.

Thầy đã đợi tôi ở đó hết mấy ngày qua. Đây chính là một trong những phước duyên lớn lao nhất trong đời tôi. Mọi người vẫn quan niệm rằng tầm sư học đạo, nhưng đối với các bậc chân sư thì chính vị thầy là người đi tìm môn sinh, như một người sáng tìm kiếm người còn đang trong chỗ tối tăm để mở mang giáo hóa. Về phía học trò, một khi có đầy đủ sự mong mỏi và lòng thành thì chân sư sẽ đến.

Thầy Hoằng Nhơn đã đưa tôi về Mai Sơn Tự chữa bệnh bằng thuốc Nam và hết lòng chăm sóc, dạy dỗ tôi nên người. Ơn đức của Thầy suốt đời tôi mang nặng.

Mai Sơn Tự ẩn mình trong rừng mai nên phong cảnh rất hữu tình, mỗi độ xuân về hoa mai khoe sắc vàng rực rỡ khắp vùng. Nhưng do vị thế cheo leo trên vùng núi Thất Sơn nên nơi này rất vắng vẻ đìu hiu. Khi tôi đến ở tại đây, các loại thú dữ như cọp, beo và heo rừng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong khu rừng rậm rạp gần đó. Quanh năm suốt tháng hiếm thấy bóng người lai vãng, không có Phật tử đến cúng dường nên chùa thiếu cả nhang để đốt. Thầy trò tôi phải tự túc bằng cách làm ruộng để có gạo ăn, trồng bắp, xoài, mít… đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống đạm bạc. Và đây là cơ hội tốt cho tôi có được thêm kinh nghiệm và sống một cuộc đời cực khổ như một người nông dân nghèo.

Sớm được nương náu cửa chùa, thú vui lớn nhất của tôi là đọc truyện Tây Du. Tôi say mê dõi theo hành trình qua đất Phật của Tề Thiên Đại Thánh, Sa Tăng, Trư Bát Giới đến bỏ cả cơm nước và cất công sưu tập tất cả tư liệu hình ảnh về chuyến thỉnh kinh này. Mỗi khi nghe chuyện gì liên quan đến đất Phật và vùng Hy Mã Lạp Sơn, lòng tôi xao xuyến bồi hồi, điều này nói lên sự xúc động lớn lao và lòng khao khát khôn nguôi của tôi hướng về vùng linh địa.

Thầy tôi tuy chỉ quanh quẩn trên núi, hầu như ít đi ra ngoài nhưng luôn luôn có những nhận định về thời cuộc hay xã hội một cách chính xác. Chẳng hạn vào năm 1960 nổ ra vụ tướng Nguyễn Chánh Thi âm mưu đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm ở miền Nam, một số huynh đệ nhân dịp đến chùa đã hỏi ý kiến Thầy. Thầy tôi ngồi tĩnh tâm một hồi rồi nói rằng chế độ Ngô Đình Diệm vẫn còn tồn tại. Quả nhiên thời gian ngắn sau đó lực lượng quân đội đã dập tắt vụ đảo chánh. Rồi đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, ngay khi tiếng súng đầu tiên của cuộc binh biến do đại tướng Dương Văn Minh cầm đầu vừa nổ ra thì các huynh đệ cũng đến hỏi Thầy: “Lần này nghe nói gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm gay go rồi phải không Thầy?” Thầy tôi ngồi tĩnh tâm trên một phiến đá bên ngọn núi và khi trở ra đã khẳng định: “Gia đình ông Diệm hết phước rồi”. Mọi chuyện diễn ra sau đó đúng như Thầy tiên đoán.

Một điều gây ngạc nhiên cho tôi là có lần Thầy ngồi trên núi Thất Sơn nhìn xuống con đường Văn Giáo bên dưới mà nói một cách buồn rầu: “Con đường này ngày sau máu chảy đầy đường”. Quả nhiên vào năm 1978 khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, nhóm quá khích Pôn Pốt tràn qua biên giới tàn sát đồng bào người Việt, giặc Miên tiến vào ngôi chùa Phi Lai chém giết rất nhiều người.

Tôi chỉ lưu lại chùa mấy năm, sau đó lên Sài Gòn tiếp tục việc học cho đến bậc tú tài. Gặp lúc đất nước đang thời kỳ chiến tranh, tuổi thanh niên mới lớn, tôi chỉ mê được lái máy bay và mơ ước trở thành phi công. Tôi về thưa với Thầy:

- Thưa Thầy con đã đậu xong phần thi viết, chỉ còn thi vấn đáp nữa thôi. Đậu xong con xin đi học làm phi công.

Nghe tôi nói vậy, sau khi tĩnh tâm và tụng kinh, Thầy có ý ngăn cản:

- Con à, con nên nghe thầy ráng học lên cao. Sau này con đi đâu có người lái xe, lái máy bay cho con, chứ bây giờ mà con ham lái máy bay là tiêu đời luôn đó.

Thế là vì thương Thầy, tôi đành dẹp bỏ mơ ước học làm phi công mặc dù trong lòng rất thất vọng. Sau khi tôi thi đậu tú tài, Thầy khuyên nên ráng tìm cách xin đi học nước ngoài. Bạn bè chung quanh tôi hầu hết đều được đi du học, người thì đi Mỹ, người đi Pháp, đi Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Thụy Sĩ, Anh…

Ngày ấy những người đi du học phần lớn thuộc gia đình khá giả hay con ông cháu cha. Phần tôi không có đủ điều kiện tài chính nên nghĩ bụng mình là dân quê, không có bà con dòng họ, tiền bạc hay thế lực, thôi thì chỉ có cách sang Campuchia cho gần, cũng được tiếng là đi du học như ai. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu đi học tiếng Campuchia nhưng khi Thầy tôi biết được, ông không đồng ý. Tôi bèn thưa với Thầy:

- Bạch Thầy, Thầy biểu con đi du học Âu Mỹ mà tiền bạc không có thì làm sao?

Thầy trả lời đơn giản:

- Tiền bạc là của Trời Phật ban cho. Thầy đã dạy cho con nhiều mật pháp, đừng e ngại gì hết, cứ như vậy mà làm miễn đừng có đi sai đường.

Cuối cùng nhiều duyên may đưa tới khiến tôi có được cơ hội sang Pháp học tập. Lần chia tay ấy cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thầy. Tôi cũng không ngờ mãi đến hơn ba mươi năm sau mới có dịp trở về quê hương, nhưng thật buồn thay Thầy tôi đã không còn trên đời nữa!

Thầy Hoằng Nhơn không chỉ là vị cứu tinh giúp tôi thoát khỏi bệnh tật, đưa tôi từ nơi tối tăm đến chỗ sáng, mà còn gieo vào lòng tôi tình cảm sâu đậm đối với quê hương đất nước và dân tộc. Một thân một mình nơi đất lạ quê người, hành trang tôi mang theo lúc bấy giờ là những lời dạy quý báu của Thầy, mà một trong những điều tôi khắc cốt ghi tâm là dầu cho phải chết hay tan xương nát thịt cũng không làm chuyện sai quấy.

Và chính nhờ luôn luôn tâm niệm những điều Thầy dạy và áp dụng mật pháp mà trong đời tôi gặp được bao nhiêu điều mầu nhiệm và hạnh phúc.

Ước mơ ấp ủ

Lúc còn ở trong nước, tôi đã may mắn được đọc khá nhiều tài liệu về ngài Huyền Trang, tài liệu nào tôi cũng tìm thấy nhiều điều hấp dẫn về con người phi thường này, một con người đầy tình thương, lòng khoan dung và dũng cảm, mà lại khiêm cung, lễ độ. Ngài là một con người sống đầy lý tưởng cao quý, không những cho đất nước của bản thân mà cho cả nhân loại. Càng đọc về lịch sử của ngài tôi lại càng thấy thích, càng muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa để noi theo gương con người vĩ đại đó.

Khi sang Pháp, tôi đã đọc được tập sử liệu đặc sắc Đại Đường Tây Vực ký của Thầy Huyền Trang. Trong cuộc sống, nếu có những người chỉ đeo đuổi mục đích làm giàu hay tạo dựng danh vọng cho bản thân, thì ngược lại cũng có nhiều người sẵn sàng cống hiến cả đời mình để phụng sự cho lợi ích của nhân loại.

Một trong những tấm gương sáng chói là Thầy Huyền Trang, một con người bằng xương bằng thịt như tất cả chúng ta, nhưng có ý chí sắt đá và một tấm lòng sắt son theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình.

Vào năm 629 khi vừa tròn 28 tuổi, Thầy bắt đầu rời đất nước Trung Hoa, khởi hành từ Trường An đi bộ theo con đường tơ lụa, trải qua biết bao gian lao khổ ải để đến vùng đất Ấn Độ. Mãi đến năm 645 ông mới về đến thành Trường An, nghĩa là đã rời Đại Đường tổng cộng 17 năm, gồm hai năm đi đường, hai năm trở về và 13 năm lưu lại Ấn Độ.

Thầy Huyền Trang chu du nhiều nơi để học đạo, tu tập, thu thập kinh điển và thăm viếng nhiều thánh tích Phật giáo. Trên đường đi Thầy ghi chép lại tỉ mỉ từ địa thế, cảnh vật, khí hậu cho tới phong tục tập quán của từng nơi mình đi qua bằng những nhận xét sâu sắc và tinh tế. Những tư liệu quý giá này chẳng những giúp người Trung Hoa thời xưa mà cả những học giả thời nay hiểu được cặn kẽ về đất nước Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh, và hàng trăm xứ khác trên đường đi. Đồng thời các nhà khảo cổ học đã căn cứ vào đó mà phát hiện ra bao nhiêu dấu vết, di tích lịch sử liên quan đến đời sống Đức Phật.

Tính ra Thầy Huyền Trang đã đi gần 30.000 cây số, qua 128 nước và mang về tổng cộng 657 bộ kinh. Sau khi về nước, dù được vua Đường Thái Tông trọng dụng, ông không ra làm quan mà chuyên tâm dốc chí dịch kinh Phật trong suốt hai mươi năm cuối đời.

Nếu những ghi chép trong quyển Đại Đường Tây Vực ký cho thấy rõ tính khoa học của Thầy thì khi tổ chức công việc dịch thuật, ông tỏ ra tài tình và chu đáo không thua gì một cơ quan văn hóa ngày nay. Để tiến hành sự nghiệp vĩ đại này, Thầy tổ chức đời sống cực kỳ nền nếp và khắc khổ, canh ba mới đi nghỉ mà canh năm đã dậy, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm nọ không hề sai chạy. Công việc của Thầy mang lại kết quả lớn lao, không những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở khắp Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.

Gương hy sinh và chuyến hành hương thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của Thầy Huyền Trang càng thôi thúc ước mơ thuở nhỏ trong tôi. Tôi bắt đầu say mê nghiên cứu đất nước, con người và nền văn minh Ấn Độ, ước vọng tha thiết có được cơ hội đến chiêm bái một trong bốn thánh địa của Phật giáo. Đó là Lâm Tỳ Ni (Lumbini, thuộc Nepal) nơi Đức Phật giáng trần, Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) nơi Phật đắc đạo, Lộc Uyển (Sarnath) nơi Ngài thuyết giảng lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kushinagar) nơi Phật nhập niết bàn (cả ba thuộc Ấn Độ).

Ngoài ra tôi lại may mắn được đọc một đoạn kinh Mahaparinirvana, Đức Phật Thích Ca khuyên các đệ tử nên chiêm bái một trong bốn thánh địa. Điều này làm tăng thêm niềm khát khao viếng các thánh tích Phật giáo của tôi.

Tuy nhiên kinh nghiệm cho tôi thấy rằng ngoài điều kiện kinh tế còn phải có phước duyên mới đến được những nơi linh địa. (Chẳng hạn tôi có một môn sinh rất giàu có, từng đi chu du nhiều nơi trên thế giới. Sau khi đến với Phật pháp, anh đề nghị tôi sắp xếp dịp nào hai thầy trò cùng đi viếng bốn thánh tích Phật giáo bằng máy bay riêng của anh. Nhưng rồi cả tám lần chuẩn bị lên đường, lần nào cũng gặp trở ngại khách quan khiến cho chuyến đi không thành. Rồi anh chẳng may mắc phải một căn bệnh nan y và coi như ước nguyện đó không bao giờ thực hiện được).

Đến cuối năm 1969, khi còn đang theo học tại Đại học Nantes và Sorbonne bên Pháp, tôi có dịp đến Bồ Đề Đạo Tràng lần đầu tiên trong đời.

Bouddha Gaya là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar ở miền Đông Bắc Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi chừng 1.000 cây số. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo, nơi Phật Thích Ca thành đạo, lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm vô hạn.

Trải qua hơn cả ngàn năm, Phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ XII thì chẳng may tại đất nước này xảy ra những biến cố binh đao đã hủy hoại gần hết những di tích quý báu của đạo Phật. Ngày nay Ấn Độ có số lượng Phật tử rất khiêm tốn so với các tôn giáo khác ở nước này.

Trong khi đó Phật giáo vẫn tiếp nối và phát triển mạnh tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đạo Phật truyền vào nước ta đã hơn 2000 năm, thế mà trên quê hương của Ngài lại vắng bóng ngôi chùa Việt Nam, trong khi các ngôi chùa của nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Nepal, Sri Lanka, Bhutan… đã hiện diện tại đây từ lâu.

Nhìn thấy các nước đang góp phần làm hồi sinh Bồ Đề Đạo Tràng nhằm gìn giữ di sản tinh thần vô giá của nhân loại, trong lòng tôi ấp ủ ước mơ xây dựng một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi thánh địa, xem như phần đóng góp nho nhỏ của Phật giáo Việt Nam vào vùng đất thiêng này. Đồng thời cũng giúp cho những người con Phật có chỗ dừng chân trú ngụ tại nơi trang nghiêm thanh tịnh để có được sự an lạc, tăng trưởng thêm bồ đề tâm trong những ngày lưu lại vùng linh địa.

Nhớ lại nội dung các hồi ký cũng như bút tích các vị chân sư, chư vị tổ sư đều có ghi rằng nơi Đức Phật đắc đạo và vài nơi thánh địa khác rất linh thiêng, nếu người nào thành tâm cầu nguyện thì sẽ được chứng giám, thế là tôi phát tâm khấn nguyện.

Kể ra tôi thấy mình cũng khá tham lam vì đã cầu xin rất nhiều. Lúc bấy giờ tôi chỉ là một sinh viên nghèo và rất tầm thường đang sống nơi xứ lạ quê người. Nên tôi cầu nguyện sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được chỗ dạy học thật tốt hầu có được nhiều điều kiện để tổ chức cuộc sống như ý. Và mong ước lớn nhất là được phước duyên gặp nhiều bạn lành để cùng nhau làm được nhiều việc phước đức, nhất là góp sức xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật đắc đạo.

Kể từ đó việc xây dựng một ngôi chùa trên đất Phật trở thành nỗi ưu tư triền miên trong tôi. Thế nhưng gian nan thử thách dẫy đầy, có lúc tưởng chừng ước mong thiết tha này tan thành mây khói và không bao giờ có thể thực hiện được.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên