Pháp không cạn - sâu, Cạn hay sâu do người

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
10. Lời tựa cho Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã Lưu Thông Bộ (bộ phận phát hành kinh sách của Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã)



Phật pháp là đèn đuốc cho đêm dài vô minh, là thuyền bè trong biển khổ sanh tử. Giữ thân, xử thế, mong thành thánh, thành hiền, cùng lý, tận tánh, liễu sanh thoát tử, không gì chẳng được [Phật pháp] giúp cho thành tựu từ đầu cho đến cuối. Ấy là vì đức Như Lai thuyết pháp tùy thuận căn cơ của chúng sanh. Đối với kẻ căn cơ nông cạn thì Ngài dạy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thâm nhập sâu dần ắt sẽ có thể đạt đến mức tam nghiệp thanh tịnh, nhất tâm viên minh. Đối với kẻ căn cơ sâu thì Ngài liền giảng diệu lý tâm tánh khiến cho họ lập tức ngộ nhập, nhưng công phu tu trì vẫn chẳng rời những chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận v.v… Đấy gọi là: “Pháp không cạn - sâu. Cạn hay sâu do người. Người căn tánh viên đốn nhận lãnh pháp thì không pháp nào chẳng viên”.

Những kẻ chỉ chú trọng bàn nói điều huyền lẽ diệu, miệt thị sự tướng nhân quả và pháp môn Niệm Phật đều là vì chưa thể thấu hiểu cặn kẽ: Đức Như Lai chứng đắc triệt để tâm tánh, thành Bồ Đề đạo đều do trải bao kiếp tu các điều lành, tích công lũy đức mà ra! Muốn chứng tâm tánh để thành giác đạo, nếu chẳng thực hiện từ “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” thì có khác nào chim không cánh lại muốn bay, cây không rễ lại muốn xum xuê đó ư?

Quang lạm dự vào Tăng chúng đã năm mươi năm, chẳng có ích gì thế gian lẫn xuất thế gian, thường nghĩ thế đạo, nhân tâm ngày càng đi xuống, tính lưu thông thiện thư và những sách Phật đơn giản, gần gũi để mong vãn hồi. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), bèn khắc in An Sĩ Toàn Thư. Sách này dựa ngay trên nhân quả trong thế gian để làm sáng tỏ chân lý của đạo Nho, đạo Thích. Người trí đọc đến sẽ lên thẳng bờ giác, kẻ ngu xem tới cũng thoát đường mê. Đến năm Dân Quốc thứ mười (1921), có người bạn khuyên nên in theo dạng rút nhỏ để lưu truyền khắp cả nước; nhưng do người hèn kém, đức mỏng manh, chỉ quyên mộ in được năm sáu vạn bộ. Sau đấy lại có người tiếp tục in ra, cũng được năm sáu vạn bộ. Ấn Quang Văn Sao cũng in mấy vạn.

Ngoài ra những loại sách chỉ có một cuốn thì cũng có tới mười mấy thứ tùy duyên in ra để biếu tặng. Cuốn Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú của ông Hoàng Hàm Chi đã in mấy vạn bản. Tâm Kinh và Triêu Mộ Công Khóa Bạch Thoại Chú (chú giải khóa tụng sáng tối bằng thể văn Bạch Thoại) cũng là những sách được người học Phật thích xem. Cuốn Quán Âm Bổn Tích Tụng của Hứa Chỉ Tịnh đã in được tám vạn bản. Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ đã in sáu vạn bản. Về sau này, bộ sách này sẽ được in ra đến mấy chục trăm vạn bản, quả thật là một bộ sách sẽ tạo căn cứ lớn lao cho sự vãn hồi thế đạo nhân tâm. Các loại sách ấy đều có lưu lại Chỉ Bản, hoặc hai ba bốn bức khác nhau, để mong sau này sẽ được tiếp tục in. Quang già rồi, muốn diệt tung tích, ẩn náu lâu dài để đợi lúc lâm chung, nhưng các vị Vương Nhất Đình, Thí Tỉnh Chi, Nhiếp Vân Đài, Trầm Tinh Thúc, Quan Quýnh Chi, Hoàng Hàm Chi v.v… và thầy Minh Đạo bàn định thiết lập Lưu Thông Bộ trong Tịnh Nghiệp Xã, cử một hai vị chân tâm thật hạnh, tự lợi, lợi tha để lo liệu chuyện ấn hành, biếu tặng v.v… thì kinh sách sẽ được cuồn cuộn nối tiếp lưu thông không ngớt.

Trừ những loại sách này ra, nếu có những sách nào hợp căn cơ ích lợi cho cõi đời cũng sẽ sắp chữ, ấn loát, lưu thông, chỉ không chấp nhận những thứ sách thâu thập tràn lan, tà - chánh xen tạp v.v… đến nỗi hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, ngõ hầu hết thảy những người cùng hàng trong hiện tại và vị lai đều cùng mở mang chánh kiến, đều cùng gội ân Phật. Từ đấy biết nhân quả, cẩn thận đối với tội - phước, dứt cạnh tranh, đề cao lễ nghĩa, nhân nhượng, thay đổi phong tục, cõi đời sẽ lại được giống như thuở Đường Ngu, vật sung túc, dân bình yên, tự cùng hưởng thái bình nào có khó chi?

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien17.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

I

imported_gioidinhhue

Guest
Thuốc chữa được bệnh là thuốc hay , pháp hợp căn cơ là pháp diệu

Thuốc chữa được bệnh là thuốc hay , pháp hợp căn cơ là pháp diệu

18. Lời tựa cho cuốn Văn Sao Trích Yếu



Thuốc không sang - hèn, thuốc chữa được bệnh là thuốc hay. Pháp không tinh - thô, pháp hợp căn cơ là pháp diệu. Pháp môn tu trì vô lượng vô biên, bọn độn căn đời Mạt thật khó thể thông hiểu trọn khắp. Huống hồ đã không chứng nhập thì làm sao có thể đạt lợi ích cho được? Quang túc nghiệp sâu nặng, hạnh trong hiện đời nhỏ yếu, lạm dự vào Tăng chúng đã năm mươi năm. Một câu Phật hiệu vẫn chưa trì đến mức “tâm và Phật tương ứng”, nói gì các thứ pháp môn khác! Mười mấy năm qua thường có những người lầm nghe lời kẻ khác ngỡ Quang là tri thức đến nỗi gởi thư từ qua lại để cầu khai thị. Cố nhiên Quang nghiêm túc giữ bổn phận, đem những gì chính mình biết được và chính mình tu tập thưa trình. Nếu người hỏi kiến thức cao minh, trí huệ rộng lớn liền xin người ấy hãy chuyển sang hỏi bậc cao nhân, quyết chẳng dám đem sự hèn tệ của chính mình để ngăn giữ người, đến nỗi họ chẳng thể đạt đến chỗ cao minh, khuất lấp thiên tư tài đức của họ.

Có kẻ bảo Quang nghiêm cấm người khác đọc tụng, nghiên cứu kinh luận Đại Thừa, chẳng biết phàm ai đến chỗ Quang xin dạy bảo, nếu như [người thưa hỏi ấy] thân vướng vít trong lưới tục, hoặc tuổi tác đã cao; đối với những kẻ bận bịu công việc, tháng ngày chẳng còn mấy, mà vẫn dạy họ xem đọc, nghiên cứu tràn lan, chứ trước hết chẳng dạy họ hiểu rõ rệt thấu triệt nguyên do của pháp môn Tịnh Độ, chắc họ sẽ có phần gieo thiện căn, hiểu giáo lý, chứ đối với chuyện liễu sanh thoát tử, sợ sẽ chẳng có hy vọng gì, bởi chỉ chú trọng đọc tụng, nghiên cứu để mong khai ngộ tự chứng, chẳng còn chú trọng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Họ chẳng biết phàm phu đầy dẫy Hoặc nghiệp, muốn cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử ngay trong đời này còn khó hơn lên trời. Vì vậy, Quang chẳng nề hà bị chê bai, giãi tấm lòng thành bảo ban.

Có những kẻ chẳng hiềm lời lẽ hủ bại của Quang là ô uế bèn lưu truyền, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao. Lại có người chọn lấy những ý cốt yếu, phân loại, biên tập đặt tên là Gia Ngôn Lục. Cư sĩ Lý Huệ Thực ở huyện Thái lại muốn trích lấy những lời phù hợp kẻ sơ cơ để dẫn dắt những ai từng đọc sách Nho nhưng không hiểu rõ nguyên do vì sao Nho và Thích “đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng” sẽ học Phật, tổng cộng là bấy nhiêu bài đó, tính in ra để lưu truyền rộng khắp, cậy tôi viết lời tựa. Tôi nói: “Đã có Gia Ngôn Lục, cần gì lại phải in trích yếu?” Ông ta đem những ý trên đây để cố thỉnh, đành thuật những điều chánh yếu vậy!



19. Lời tựa tái bản cuốn Bát Nhã Dung Tâm Luận



Kim Cang Kinh chính là khuôn mẫu do đức Phật dạy con người phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, xa lìa trọn vẹn phàm tình - thánh kiến để hành lục độ vạn hạnh. Vì thế nói: “Ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt độ nhất thiết chúng sanh dĩ, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả” (Ta hãy nên độ hết thảy chúng sanh, diệt độ hết thảy chúng sanh rồi mà thật ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả). Ấy là vì: Trong chẳng thấy tướng Ta là người hóa độ; ngoài thì chẳng thấy tướng người được độ và tướng chúng sanh; giữa là chẳng thấy có tướng thọ giả[18] chứng đắc Vô Dư Niết Bàn. Xa lìa trọn vẹn bốn tướng, chẳng vướng vào sáu trần, nên được xứng tánh tu trọn khắp lục độ vạn hạnh để trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đấy gọi là “không trụ vào đâu để sanh tâm, sanh tâm nhưng không trụ vào đâu”. Nếu có trụ thì cái tâm được sanh ấy sẽ đọa trong phàm tình thánh kiến, sẽ trái nghịch với nghĩa “tam luân thể không[19], nhất đạo thanh tịnh”. Do vậy, một câu “hãy nên không trụ vào đâu để sanh tâm” quả thật là cương yếu của bài kinh này, mà cũng là kim chỉ nam cho hết thảy những người hành Bồ Tát đạo.

Dung Tâm Luận của U Khê đại sư đã ước theo tứ giáo (Tạng, Thông, Biệt, Viên) để giải thích, nhưng hội quy về Viên Giáo ngõ hầu người tu trì rốt ráo đạt được lợi ích thật sự, quả thật đã khế hợp sâu xa Phật tâm, hữu ích cho pháp đạo. Tiếc là chưa được lưu thông, khá đáng tiếc nuối! Đại sư Thiện Pháp sao được một bản, cư sĩ Vương Mưu Phụng trông thấy nguyện khắc ván, cậy Quang giảo chánh những chỗ sao chép sai lầm. Do vậy tôi bèn đại lược chọn lấy những nghĩa trọng yếu của kinh Kim Cang để ghép vào đầu sách nhằm mong người đọc luận này sẽ có cái để hướng dẫn. (Cuối Thu năm Đinh Mão, tức năm Dân Quốc 16 - 1927)

http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien17.htm
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên