Tâm là gì? - DPTT - P.2

latuan

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
15 Thg 4 2015
Bài viết
1,256
Điểm tương tác
409
Điểm
83
Tâm là gì - DPTT - P.2...
Qua những điều tôi trình bày, mọi thứ đều có vẻ không thật. Nhưng nếu mọi thứ đều không thật thì con người cần gì phải giữ lấy trái đất? Cần gì phải sống với trái tim “Biết yêu người”? Cứ hãy sống với quan điểm “Chết là hết”, cứ giành giật những phần hơn về mình. Con người hãy cứ sống thụ hưởng sự xa hoa, rượu ngon, gái đẹp, người tình,… bất chấp mọi luân thường đạo lý,... Vì mọi thứ đều không thật. Nhưng có một sự thật - Bạn chưa từng sống thật với những điều không thật đó. Bạn chỉ nhận biết mọi thứ không thật qua những câu từ tôi trình bày trong sách, trong Tam tạng kinh của Đức Thế Tôn. Những điều tôi trình bày chỉ là phương tiện tôi dùng nhằm giúp bạn nhận biết sự thật. Sự thật là bạn có bản tâm tĩnh lặng, tự tại, không tham đắm, si mê,… Vì chưa sống thật với bản tâm vắng lặng nên bạn sẽ còn tham đắm, sân hận, si mê, kiêu mạn và hoài nghi. Thế nên bạn còn bị những vui buồn, được mất,… trói buộc. Thực tế, khi sống với tâm phân biệt, dính mắc mọi thứ đối với bạn là thật. Khổ đau, muộn phiền, lo toan,… đều là thật. Vì thế những gì bạn tạo tác gây ra dù là thiện hay ác cũng đều được lưu giữ trong tâm phân biệt, tạo thành nghiệp đi theo bạn “Như bóng theo hình” suốt cả cuộc đời bạn và hằng sa số kiếp khác của chính bạn. Nghiệp lực có bản chất giống như là ký ức của con người.
Trong cuộc đời của mỗi con người có rất nhiều việc con người ngỡ quên rồi nhưng thật sự là không quên hẳn. Rồi có lúc con người sẽ nhớ lại những việc dường như đã quên đó.
Phải chăng có những việc bạn làm ở thời thơ trẻ, bạn nghĩ đã quên rồi nhưng đôi lúc bạn chợt nhớ lại cùng với những cung bậc cảm giác khác nhau?
Nghiệp lực theo bạn cũng giống như vậy, đủ duyên thì sẽ hiển hiện. Chỉ khi bạn thật sống với tâm không phân biệt thì bạn mới thật sự rõ biết mọi thứ đều không thật. Bạn sống với sự thật đó thì sẽ không còn gì có thể não hại bạn, bạn thoát khỏi sự trói buộc hơn thua, được mất,… Nếu bạn hành trì miên mật, thuần thục thì cánh cửa giải thoát hoàn toàn bạn đã tự mở lấy.
Vấn đề còn lại là bạn có muốn bước qua cánh cửa đó hay không? Tại sao lại có sự do dự này?
Bởi vì bạn đã khởi tâm từ bi, nguyện làm bồ tát cứu khổ chúng sinh trong 3 cõi.
Tóm lại, con người hiện đang sống với hai tâm khác nhau: Tâm phân biệt - Vọng tâm và tâm không phân biệt - Còn gọi là tâm, chân tâm, bản tâm. Gần như toàn bộ nhân loại từ trước đến nay phần lớn thời gian đều sống với tâm phân biệt dính mắc. Chỉ có Phật Thích Ca và những vị đệ tử Phật đạt quả vị giải thoát hoàn toàn là sống với tâm không phân biệt, dính mắc. Vì thế cái nhìn của họ mới có sự thông suốt, sáng rõ, thấu hiểu 3 cõi, 3 thời - Quá khứ, hiện tại, vị lai. Trên thực tế con người chưa bao giờ đánh mất bản tâm. Chỉ vì mãi theo cảnh nên nhận cái thấy nghe hay biết dính mắc làm tâm. Nào hay đó chỉ là những vọng tâm điên đảo khiến con người chìm đắm trong 6 nẻo. Sau khi rong ruổi chạy theo cảnh chán chê, con người sẽ dừng lại - Chân tâm hiện diện. Nhưng sau đó con người lại tiếp tục đuổi theo cảnh - Vọng tâm lại làm chủ. Sự lầm lạc của cảm giác kéo theo sự sai lầm của tri giác, ý thức, nhận thức,… của con người. Từ đó con người nhận lấy vọng tâm làm chủ quên mất “Ông chủ thật sự là chân tâm”.
Sự lầm lạc này được đệ tử lớn của Phật - Ông Kiều Trần Như đã ví vọng tâm như là một người khách ở trọ. Người khách sẽ đến nhà trọ nghỉ lại, nhà trọ chính là ngôi nhà xác thân. Sau khi ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ,… thì người khách sẽ rời đi. Khi người khách đi rồi thì nhà trọ vẫn còn đó và người chủ chính là tâm dừng lặng luôn hiện diện trong ngôi nhà xác thân.
Từ trước thời Phật ra đời con người đã quên mất bản tâm, nhận vọng tâm làm chủ - Nhận giặc làm con, nhận khách quên chủ - Dẫn đến con người rơi vào màn lưới nhân duyên, nghiệp quả chằng chịt của luân hồi trong 3 cõi 6 đường. Do nhận thức được thế giới tâm linh có tồn tại, tri thức cổ xưa của nhân loại đã thừa nhận 8 sự khổ mà con người phải thọ lãnh ở kiếp Người gồm - Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nhận biết rõ thật - Đời là bể khổ. Con người đã mong muốn thoát ly, xa rời những sự khổ não. Nhưng do tri thức bị giới hạn, con người đã tin nhận sự tồn tại của một Đấng quyền năng. Chính sự tin nhận lầm lạc này mà con người không thể thoát ra mọi khổ não, sống lệ thuộc vào cầu nguyện, lễ lạy.
Dẫu rằng có đức tin mãnh liệt, niềm tin sâu sắc thì con người vẫn không thể thoát khổ và thoát khỏi 3 cõi 6 đường. Vì lẽ cho dù có niềm tin kiên định và tấm lòng thánh thiện, con người sẽ được về cộng trú với Đấng quyền năng nhưng đây chỉ là nẻo Trời trong 3 cõi 6 đường. Do chưa có sự hiểu biết về tánh không của vạn pháp, chưa dứt bỏ được quan niệm sai lầm về cái tôi thường tại của tự thân. Sau một thời gian dài lâu, hằng sa số kiếp tùy phước báo nghiệp quả chúng sinh đó sẽ lại u mê nghĩ nhớ về tiền thân mà rơi lại vòng lẩn quẩn luân hồi. Thế nên bất kỳ ai muốn học Phật, muốn được giải thoát hoàn toàn thì phải dũng mãnh phát chí nguyện lớn - Liễu thoát sinh tử. Còn bằng giải đãi tu hành, đọc kinh, niệm Phật, bố thí, trì giới,… mà không dùng trí tuệ quán chiếu nhận rõ ngón tay và mặt trăng thì sẽ được thọ hưởng phước báo ở nẻo Trời, nẻo Người, nẻo Atula.
Sau thời gian dài thiền định và quán chiếu, Phật nhận rõ tâm, vọng tâm đều có thể hư huyễn - Không hình tượng, không màu sắc, không âm thanh, không thể nắm bắt được,... Vọng tâm thì vô thường, biến chuyển liên tục. Con người vì chạy theo cảnh đánh mất bản tâm đã nhiều đời, nhiều kiếp trôi lăn khổ não. Càng cố vùng vẫy tìm cách thoát ra thì càng bị trói chặt. Trong trạng thái thiền định, Phật nhận ra chân tâm là thường tại vì bởi con người “Nhận giặc làm con” nên chân tâm bị vọng tâm che khuất, dẫn đến lầm lạc, mê mờ. Phật tiếp tục quán chiếu từ chiếc lá, giọt mưa rơi, làn khói tỏa, đám mây bay, con cò trắng,… và cả xác thân người. Người nhận ra chúng chỉ là do duyên hợp. Trong chiếc lá, đám mây, hạt cát,… đều có chút đất, chút nước, chút gió, chút lửa chỉ thiếu một trong bốn thành phần trên thì sẽ không có chiếc lá, đám mây, hạt cát,… và tự thân mọi vật luôn biến chuyển không ngừng. Cả đất nước gió lửa cũng không thường tại. Cũng chỉ từ đất nước gió lửa mà tạo ra tất cả mọi thứ có trong vũ trụ, muôn hình, muôn dạng. Đây chính là chân tánh của vạn pháp - Chân không diệu hữu. Phật tiếp tục quán chiếu “Cái gì” đã tạo ra vạn vật. Phật lại nhận biết vạn vật sở dĩ được nhận biết, phân loại là do nhận thức, ý thức,… của con người. Nhưng cái nhận thức, ý thức đó lại không phải là “Cái gì” có thể cầm nắm, nhận biết, không hình dạng, màu sắc,… Vì lẽ đó tôi tạm gọi “Cái gì” đó là “Cái không”. Phật lại nhận ra điều mầu nhiệm khác - Tất cả mọi sự vật, hiện tượng dù là to lớn hay nhỏ bé đều nhờ “Cái không” mà có. Không có bất kỳ cái gì tồn tại mà không có “Cái không”. Thật tế, vũ trụ rộng lớn tồn tại nhờ “Cái không” cho đến hạt cát, nguyên tử, electron, nơtron,… cũng do “Cái không” mà hiện hữu. Xác chết và người sống cũng do “Cái không” mà có sự khác biệt.
Do nhận biết tánh không của vạn pháp, Phật không còn dính mắc vào vạn pháp nên không còn khổ não. Phật nhận ra Người đã từng phiền não vì vạn pháp vô thường, vô ngã, là khổ, là không mà Người cho là thường, ngã, lạc, tịnh. Do thiếu hiểu biết, u mê dính mắc nên Người đã có sự khổ. Đến khi hiểu biết tự tánh vạn pháp, Người không còn tâm phân biệt nữa thì thoát ra ngoài mọi khổ não.
Cái gì đã tạo ra sự khác biệt đó?
Đó chính là bản tâm dừng lặng, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không phân biệt dính mắc. Lúc bấy giờ tâm Phật đã hòa vào không đại. Bản tâm Phật và không đại là không hai, là thường tại. Phật đã trở thành người giác ngộ, giải thoát hoàn toàn - Liễu thoát sinh tử. Phật đã tận hưởng niềm hỷ lạc do thiền định quán chiếu mang lại.
Tôi đã có cơ may nếm trải niềm hỷ lạc sau khi đạt được đóa vô ưu. Không hẳn là niềm hỷ lạc của tôi giống với niềm hỷ lạc của Phật nhưng về bản chất thì là như nhau - Niềm hỷ lạc không chứa đựng sự hơn thua, được mất,... Vào buổi thiền định đêm 27/12/2010, tôi đang quán chiếu làm cách nào để hòa tan tâm vào không đại, xác thân vào tứ đại. Tôi đã thực hiện việc này rất nhiều lần mà chưa đạt được kết quả. Tôi chỉ nhận biết những khi dùng đồ ăn, thức uống, hít thở,… là tôi đang tiếp nhận chút đất nước gió lửa từ bên ngoài, rồi tôi sẽ thải ra chút đất nước gió lửa trả lại cho tứ đại. Tôi thật không thường tại. Nhưng tôi chưa thật sự sống với sự thật không thường tại nên tôi còn có những lo toan, phiền muộn,… Sự thôi thúc vượt qua mọi khổ não kiếp Người đang chiếm lĩnh tâm trí tôi. Tôi dừng lặng hơi thở, quên thực tại cho đến lúc người nóng bừng. Tôi thở vội một hơn thật sâu chợt nhận ra thân tâm chấn động - Tôi chưa bao giờ là thường tại - Thân thể tôi biến chuyển liên tục từ lúc vừa mới sinh ra, cả trước lúc tôi sinh ra, xác thân tôi là đất nước gió lửa. Khi dừng lặng bản tâm là không đại và ngay cả khi không dừng lặng thì tâm vẫn là không đại. Tôi là vạn vật hay vạn vật là tôi? Tôi tiếp tục công trình quán chiếu đám mây bay, chiếc lá khô vàng, xác thân Phật,… Chỉ là chút đất, chút nước, chút gió, chút lửa. Tôi nhìn rõ tiền kiếp, hiện kiếp, hậu kiếp của tôi và muôn loài. Tôi nhận biết - Tôi đã mở được cánh cửa giải thoát hoàn toàn. Niềm hỷ lạc mà tôi nhận được - Tôi là tia nắng sớm, hòn đất, viên sỏi, cây táo, quả hồng,… Tôi lại nhìn thấy con khỉ đã ăn quả hồng, tôi luân chuyển làm con khỉ và … tôi nhìn thấy gương mặt tôi có trong quả hồng, đám mây trắng, trên thân cây và con khỉ,… Niềm hỷ lạc này phải chăng không chứa đựng sự được mất, hơn thua và tham đắm?
Tôi thấu rõ vạn pháp, thấu rõ con đường của bậc giác ngộ - Đức Phật Thích Ca đã đi. Có một sự thật là khi đạt được sự giác ngộ cao tột Phật hoàn toàn có thể quay về với gia đình, về làm một vì vua tốt của vương quốc Thích Ca. Người sẽ trị nước bằng con đường đức trị với sự hiểu biết về tình yêu thương chân thật và bản tâm vắng lặng, không dính mắc. Nhưng Phật lại nhận biết loài người và chúng sinh 3 cõi đều đang rất khổ não, họ đang rất cần một người có sự hiểu biết tột cùng chỉ dẫn cho họ con đường giải thoát hoàn toàn, thoát ra mọi khổ não. Vì thế giáo pháp mầu nhiệm về con đường giác ngộ, thoát khỏi luân hồi cần được truyền sâu rộng vào trong xã hội loài người. Bởi lẽ con người là chúng sinh duy nhất có đủ sự thông minh và làm chủ được những hành vi tạo tác của chính mình. Muốn cứu khổ chúng sinh 3 cõi 6 đường thì phải lấy nẻo Người làm nền tảng.
Phật nhận biết Người đã không còn thuộc về một đất nước, một gia đình đơn lẻ; Gia đình của Người là nhân loại và chúng sinh trong 6 đường. Phật đặt chân vào con đường hành đạo và hoằng pháp.
Phần lớn loài người thời Phật không có nhiều sự hiểu biết sâu sắc - Họ như là những đứa trẻ. Vì thế con người có ít sự hoài nghi, khi được chỉ bày chánh pháp - Con đường thoát khổ, thoát khỏi luân hồi. Đệ tử Phật - Cả người xuất gia và cư sĩ tại gia - đã tin sâu, tinh tấn hành trì đắc quả vị giác ngộ, giải thoát hoàn toàn với số lượng lớn. Những người học Phật đã tinh tấn hành trì “Cái gì” để đạt được sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn? Họ học cách buông bỏ. Buông bỏ tham lam, sân hận, si mê, hoài nghi và kiêu mạn. Họ dựa vào “Cái gì” để buông bỏ tâm phân biệt, dính mắc? Họ dựa vào giáo lý kinh điển, dựa vào việc hành trì miên mật tùy thuận bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ để đạt sự hiểu biết về cái tôi, vạn pháp, vọng tâm không thật.
Buông bỏ những cái không thật thì họ đạt được bản tâm tĩnh lặng chân thật. Buông bỏ luôn cả bản tâm chân thật, cái tôi nhỏ bé trong tấm thân máu thịt của họ hòa vào không đại. Đệ tử Phật thành Phật, Bồ tát, A la hán thoát khỏi luân hồi.
Sự hiểu biết cao tột của Đức Phật đã giúp cho chúng sinh trong 6 nẻo thoát dần ra mọi khổ đau, được giải thoát. Giáo lý kinh điển Phật nhờ vậy mà được rộng truyền khắp nhân loại. Chỉ đáng tiếc tri thức nhân loại ngày một nâng cao, tâm phân biệt hoài nghi,… đã khiến con người đã từ lâu không còn tin vào con đường giác ngộ của Đức Thế Tôn. Kinh Phật chỉ còn là nguồn tri thức quý báu của người xưa nhằm khuyên con người sống hướng thiện, làm lành, lánh dữ và ngày càng mai một trong lối sống thực dụng, bon chen, ích kỷ.
Viên ngọc quý thứ ba của Tam bảo - Tăng bảo đã không còn sáng rõ, không còn sống được với giáo pháp của Đức Phật. Sự lầm lạc, ngộ nhận của Tăng bảo đã chia chẻ đạo Phật ra thành nhiều mảnh vụn chấp vá. Giáo lý kinh điển được mang ra phiếm đàm, hý luận, “Lấy ngọn bỏ gốc”,... Càng về sau, càng lầm lạc. Không ít vị Tăng bảo rơi vào lợi dưỡng, lợi danh, phép thuật, bùa chú, cầu nguyện, cúng bái,… Số khác nuôi lớn bản ngã - Khinh sư, diệt Phật;... Sự không thực chứng ngộ bản tâm của giới Tăng bảo đã dẫn đến việc tách rời đạo Phật ra khỏi đời, khỏi xã hội loài người. Đánh mất đi giá trị ứng dụng thực tiễn của giáo lý đạo giác ngộ. Điểm qua các viên ngọc quý trong Tăng bảo hiện nay, tôi nhận biết có một vài vị đạt được những sự tỏ ngộ đáng ghi nhận. Tôi cũng nhờ tham khảo giáo lý của các vị này mà đạt được đóa vô ưu nhưng các vị minh sư trên đã vướng vào rào cản Tăng bảo. Thế nên họ không đủ sức hợp nhất đời đạo. Tri thức nhân loại đã tách rời đạo Phật ra khỏi đời. Đạo Phật chỉ còn là một tôn giáo thuần túy. Tri thức nhân loại đã không thể nhận biết giáo lý kinh điển của Phật là ngón tay chỉ mặt trăng. Do không nhận biết ngón tay, tri thức nhân loại đã quên bỏ cả mặt trăng.
Có lẽ đã có không ít người nhận ra - Tâm là gì? Và cũng có không ít người còn mơ hồ chưa thật rõ. Tôi sẽ tóm lược lại vấn đề.
Nhằm giúp con người nhận biết tâm, Phật đã chia tâm ra thành vọng tâm và tâm. Vọng tâm là tâm phân biệt, dính mắc khi mắt thấy cảnh, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, miệng nếm vị, tay chân cơ thể xúc chạm đem tâm phân biệt dính mắc rồi sinh yêu ghét, chất chứa,… quên mất sự tĩnh lặng của tâm rồi buồn khổ, sầu não. Do con người dính mắc, không buông bỏ tạo thành nghiệp lực khiến con người thành một dạng chúng sinh chìm nổi trong 6 đường.
Cũng như vọng tâm, tâm cũng gồm những cái thấy nghe hay biết nhưng là cái thấy nghe hay biết không dính mắc, là sự buông bỏ - Đối cảnh vô tâm. Khi sống với tâm không dính mắc thì con người không còn tham đắm, u mê,… không còn bị đau khổ hơn thua, được mất não hại. Khi sống với chánh định thì con người sẽ được giải thoát hoàn toàn.
Tôi sẽ đưa ra ví dụ cho bạn rõ biết sự khác biệt của cái thấy giữa tâm và vọng tâm. Bạn hãy nhìn một đám mây trắng bay trên bầu trời.
Tôi sẽ hỏi: Bạn thấy gì?
Bạn trả lời: Thấy mây trắng bay.
Một lúc sau, tôi lại hỏi: Bạn thấy gì?
Bạn trả lời: Thấy mây trắng bay về cuối trời.
Đợi thêm một lúc, tôi lại hỏi: Bạn thấy gì?
Bạn trả lời: Mất rồi.
Tôi hỏi: Mây trắng mất hay cái thấy của bạn mất?
Bạn trả lời: Hiển nhiên là mây trắng mất, cái thấy thì vẫn còn.
Tôi nói: Bạn nói đúng. Cái thấy bạn vẫn còn. Vậy tại sao tôi hỏi bạn thấy gì, bạn lại nói là mất rồi. Do dính mắc nên bạn đã lầm lạc nhận cảnh làm cái thấy. Bạn quên mất cái thấy thường còn. Lẽ ra bạn phải trả lời: Thấy mây trắng không còn.
Tôi lại hỏi: Bạn đã nhìn thấy cánh đồng lúa khi nào?
Bạn trả lời: Khi tôi còn là một đứa trẻ.
Tôi nói: Bây giờ bạn hãy nhìn lại cánh đồng lúa. Bạn hãy nhớ lại cái thấy khi bạn là một đứa trẻ và cái thấy bây giờ là khác nhau hay giống nhau?
Bạn trả lời: Là giống nhau.
Tôi lại nói: Thật vậy. Cảnh vật thì có đổi thay, thời gian không dừng lại nhưng cái thấy nghe hay biết của mỗi con người là luôn hiện hữu, là không đổi thay. Nhưng do sự mê lầm, dính mắc mà con người quên mất cái thường tại, đuổi theo sự sinh diệt mà có sinh có diệt. Con đường của việc học Phật là hành trì đi tìm lại sự tỉnh thức, dứt vọng về chân. Bạn sẽ rõ biết - Bạn chưa từng sinh ra, liễu thoát sinh tử.
Điều căn bản của người học Phật là xác định sáng rõ - Tâm là gì? Tâm ở đâu? Người học Phật mà rong ruổi theo vọng tâm sinh diệt thì sẽ là chúng sinh trong 3 cõi. Người học Phật bỏ vọng về chân, sống với bản tâm tĩnh lặng, không dính mắc thì sẽ mau chóng đạt được chánh định, đạt được một trong bốn quả vị Thánh. Buông bỏ cả bản tâm tĩnh lặng thì người học Phật sẽ giải thoát hoàn toàn, chấm dứt sự sinh diệt.
 
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên