PHẦN II – PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN
I. HƯỚNG DẪN CÁC GIAI ĐOẠN
A- Nguyên tắc chung
1- Trong tất cả các giai đoạn, từ khi thực hiện các nghi thức lễ Phật đến lúc nhập, trụ và xả thiền, đều phải giữ chánh niệm.
2- Nếu tọa thiền một mình trong phòng riêng, có thể trang phục rộng rãi, thoáng mát. Nếu cộng tu trong thiền đường hay tọa thiền trong chánh điện, nên mặc áo dài.
3- Dụng cụ tọa thiền: Mỗi người có bồ đoàn và tọa cụ với kích thước phù hợp. Nếu cần, thêm một khăn lông hay gối nhỏ để chêm dưới bàn tay phải.
4- Tư thế: Ngồi theo tư thế kiết già, bán già hoặc tư thế ngồi khác tùy sức khỏe, tuổi tác mỗi người.
5- Chọn thời điểm và nơi chốn tọa thiền hằng ngày sao cho buổi tọa thiền có kết quả tốt nhất, tùy hoàn cảnh, công việc và sức khỏe từng người. Không nên tọa thiền lúc mới ăn no, quá mệt nhọc hay buồn ngủ.
B. Các giai đoạn tọa thiền
1. Nhập thiền
Nhập thiền lần lượt theo hai bước: điều thân và điều tức, để chuẩn bị cho giai đoạn trụ thiền là điều tâm.
a) Điều thân
– Ngồi trên bồ đoàn, xương cùng đặt ngay giữa bồ đoàn. Nghiêng người qua hai bên vài lần rồi ngồi theo tư thế thích hợp.
– Cởi nút áo cổ, nới dây thắt lưng, chỉnh các nếp áo quần, xếp vạt áo ngay ngắn.
– Thân cúi xuống ngẩng lên 3 lần, lúc đầu mạnh sau nhẹ dần.
– Bàn tay phải để trên bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau, nằm ngay chiều rốn. Kê gối dưới bàn tay phải nếu lòng bàn chân quá trũng. Hai cánh tay vừa chạm vào hông.
– Chóp mũi, rốn và hai đầu ngón tay cái nằm trên một mặt phẳng thẳng đứng. Hai trái tai dóng thẳng xuống vai.
– Lưng thẳng vừa phải, ngồi một cách tự nhiên thoải mái. Gương mặt tươi, bình thản. Mắt khép hờ độ 2/3, hoặc có thể nhắm hay mở tùy người, tùy lúc.
b) Điều tức: Thở 3 hơi dài, trước mạnh sau nhẹ dần .
– Hít vào bằng mũi, tưởng: “Không khí trong sạch theo hơi thở tỏa lan khắp châu thân”
– Thở ra bằng miệng, tưởng: “Bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”.
Sau đó, ngậm miệng lại, lưỡi để tự nhiên. Tiếp tục thở bình thường bằng mũi.
2. Trụ thiền
Đây là giai đoạn điều tâm. Có 3 phương pháp, lần lượt từ thấp lên cao :
a) Sổ tức: Là đếm hơi thở, có 2 cách :
– Nhặt: Hít vào đếm 1, thở ra đếm 2… Đếm đến 10 thì trở lại từ 1.
– Khoan: Hít vào và thở ra đếm 1… lần lượt đếm đến 10 thì trở lại từ 1.
Nếu trong lúc đếm mà lầm số, phải đếm trở lại từ 1. Khi thuần thục mới chuyển qua phương pháp Tùy tức.
b) Tùy tức: Là theo dõi hơi thở. Thở vào – ra, dài – ngắn đều biết rõ, nhưng không cưỡng ép hơi thở theo ý mình. Ta dễ trực nhận mạng sống mong manh chỉ trong hơi thở, thân tâm đều là vô thường, không thật có. Vọng tưởng thưa dần khi tâm luôn duyên theo hơi thở.
c) Tri vọng: Có 2 giai đoạn:
* Pháp biết vọng: Tâm không trụ vào đâu, cũng không chú ý đến hơi thở. Khi có một niệm dấy khởi, biết đó là vọng tưởng, không theo, vọng tự nhiên mất. Cứ theo dõi sự sinh diệt của từng vọng niệm, sau một thời gian vọng sẽ thưa dần. Tuy không còn vọng tưởng nhưng mọi việc xảy ra xung quanh ta đều biết rõ.
* Tánh biết vọng (Liễu vọng): Hành giả biết vọng tâm và chơn tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng biển và mặt biển đều là nước. Đây là giai đoạn bảo nhậm tính giác, bào mòn tập khí, cần hành trì trong mọi thời khắc, mọi oai nghi.
3. Xả thiền
Xả thiền theo thứ tự ngược với lúc nhập thiền: đầu tiên là xả tâm, kế đến xả hơi thở, sau cùng là xả thân.
a) Xả tâm: Khi nghe tiếng khánh hay chuông báo xả thiền, tâm duyên theo tiếng chuông khánh, biết rõ từ lúc đầu có tiếng đến khi tiếng chấm dứt. Đọc thầm bài kệ hồi hướng :
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo.
b) Xả hơi thở: Thở 3 lần từ nhẹ đến mạnh
– Hít vào bằng mũi, tưởng: “Máu huyết theo hơi thở lưu thông khắp châu thân”.
– Thở ra bằng miệng, tưởng: “Bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”.
c) Xả thân:
Làm lần lượt các động tác sau :
– Chuyển động luân phiên hai bả vai, mỗi bên 5 lần.
– Đầu cúi xuống ngước lên 5 lần, xoay qua trái qua phải 5 lần, rồi cúi xuống ngước lên 1 lần nữa.
– Co duỗi các ngón tay 5 lần.
– Chuyển động thân từ nhẹ đến mạnh 5 lần; lần cuối úp hai bàn tay lên đầu gối, ấn mạnh xuống.
– Chà xát hai bàn tay cho ấm lên, xoa mặt, tai, gáy và cổ, mỗi nơi 20 lần. Dùng đầu ngón tay cào nhẹ trên đầu từ trước ra sau 5 lần.
– Bàn tay phải xoa từ vai trái xuống cánh tay, đồng thời bàn tay trái xoa từ nách xuống hông phải, làm 5 lần rồi đổi tay.
– Lòng bàn tay phải đặt trước ngực, lưng bàn tay trái đặt nơi lưng, hai tay đồng thời xoa theo chiều ngang ở 3 vị trí, mỗi nơi 5 lần: Thượng tiêu (trước ngực), Trung tiêu (giữa ngực và bụng), Hạ tiêu (bụng dưới).
– Hai bàn tay chà xát mạnh vùng thận, thắt lưng, mông, dọc hai bên đùi đến đầu gối (vẫn còn xếp bằng theo tư thế lúc đầu). Chà xát lâu mau tùy sự đau tê nhiều hay ít.
– Chà hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi áp vào mắt, làm 5 lần.
– Tay nắm các đầu ngón chân, đặt bàn chân xuống tọa cụ. Xoa bóp kỹ hai chân và lòng bàn chân cho đến khi bớt đau tê mới duỗi thẳng hai chân ra. Cúi người xuống, hai cánh tay duỗi thẳng, sao cho các ngón tay chạm vào đầu ngón chân. Cúi xuống ngẩng lên 3 lần.
– Cuối cùng, bỏ bồ đoàn ra, tiếp tục xoa bóp kỹ những chỗ còn đau tê.
Thời gian xả thiền từ 10 đến 15 phút. Sau khi xả thiền, nếu cùng cộng tu với nhau, người xong trước vẫn ngồi xếp bằng lại ngay ngắn để chờ mọi người hoàn tất việc xả thiền. Tiếp tục tụng kinh theo nghi thức thống nhất.