THIỀN SƯ THÍCH THANH TỪ: THIỀN TÔNG THỰC TẾ ĐẾN KHÔNG NGỜ
Những năm cuối đời, những gì thấy hay tôi không còn nói ẩn khuất như trước nữa, mà nói rõ ra hết cho đại chúng nghe. Bởi vì chúng ta tu nếu không nắm chắc, không biết rõ chỗ đến của mình thì đời tu sẽ bị trở ngại, bị nghi ngờ không tiến được. Thế nên hôm nay tôi sẽ giảng đề tài Phật giáo Thiền tông thực tế đến không ngờ, đại chúng chú tâm lắng nghe, lãnh hội để tu hành.
Ngày xưa tôi đọc lịch sử của đức Phật rất thắc mắc về điểm này. Khi Ngài đi tu, trải qua năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh trong rừng già, chịu bao nhiêu khó khổ, cũng chỉ vì giải quyết vấn đề thoát ly sanh tử cho mình và tất cả chúng sanh. Sau bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề, Ngài giác ngộ viên mãn, thành Phật. Lẽ ra đạt được mục đích tối hậu ấy xong, đức Phật liền thực hiện chí nguyện độ sanh ngay, nhưng Ngài lại trù trừ, không muốn đi giáo hóa. Mãi cho đến khi trời Đế Thích, trời Phạm Thiên xuống đảnh lễ, tha thiết yêu cầu Ngài chỉ dạy chúng sanh, Ngài bảo: “Ta sợ nói ra, chúng sanh không hiểu”. Bấy giờ chư thiên năm lần bảy lượt xin Phật lập bày phương tiện để chỉ dạy chúng sanh. Được thế hy vọng lần lần họ sẽ hiểu. Từ đó đức Phật mới khởi sự đi đến vườn Lộc Uyển thuyết bài pháp đầu tiên là Tứ đế. Giáo pháp của Như Lai bắt đầu ra đời do nhân duyên ấy.
Như vậy pháp Tứ đế là phương tiện độ sanh ban đầu của đức Phật. Thế thì tại sao cái chân thật cứu kính Ngài thấy được lại không nói, mà phải dùng phương tiện? Tôi ngờ chỗ này, vì lòng từ bi của Phật tràn trề, những gì thấy được phải nói cho chúng sanh nghe, chỉ cho chúng sanh hiểu, sao lại không chịu nói thẳng, mà phải dùng phương tiện nói quanh co? Hay là Ngài đợi nài nỉ, yêu cầu mới thuyết pháp. Lúc trước tôi đã nghi xấu Phật như vậy đó.
Đến bây giờ hiểu ra tôi mới nhận được chỗ thâm sâu của đức Phật. Thấy mà nói không được, hoặc nói người ta không nghe, không hiểu thì làm sao nói! Bởi vậy Ngài trù trừ không muốn đi, không muốn nói. Đến khi chư thiên yêu cầu tha thiết giáo hóa chúng sanh, chừng ấy buộc lòng Ngài phải dùng phương tiện.
Thế nên biết giáo pháp của đức Phật, bắt đầu từ Tứ đế trở đi đều là phương tiện hết, chớ không phải là chỗ cứu kính. Vì thế sau này Phật nói pháp của Như Lai như ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng là chỗ muốn chỉ, nhưng nếu làm thinh không dùng phương tiện làm sao người ta thấy, buộc lòng phải dùng ngón tay chỉ. Ngón tay chỉ mặt trăng, ngón tay là ngón tay, mặt trăng là mặt trăng, chớ ngón tay không phải là mặt trăng. Nhưng sau này chúng ta lại lầm cho ngón tay là mặt trăng, nên cứ bám vào chữ nghĩa để tu, không chịu thấy cái Phật muốn chỉ. Đó là lỗi do kẹt trong phương tiện mà quên chỗ cứu kính.
Như vậy pháp Tứ đế là phương tiện, nhưng bây giờ được xem như bốn chân lý không thể nào thay đổi. Khi Phật giảng dạy cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Ngài nói Tứ đế. Một là Khổ đế, đó là lẽ thực không ai chối cãi hết. Khi mới sanh ra khóc oa oa là khổ, đến lớn lên bệnh đau khổ, đói khát khổ, giàu sang lo giữ gìn khổ, có địa vị cao sợ mất khổ, ở địa vị thấp bị người hiếp đáp khổ… nói chung cuộc sống lúc nào cũng đau khổ. Rõ ràng có thân là khổ, không nghi ngờ gì hết. Hai là già khổ. Đã sanh ra, lớn lên tới một ngày nào đó cũng phải già. Già thì yếu đuối, lụm cụm đau bệnh hoài, không còn tự tại, không làm chủ được thân nữa. Có thân mà không làm chủ được nó thì rất khổ. Nên nói già khổ. Ba là bệnh khổ. Không phải đợi già mới bệnh mà trẻ cũng bệnh. Ai mang bệnh cũng đều rên khổ. Bốn là chết khổ. Ai trước khi chết cũng giật mình giẫy giụa, thở không được, bứt rứt đau đớn rất khổ.
Tóm lại bốn tướng khổ này không ai chối cãi được. Đức Phật dùng phương tiện nói ra lẽ thật của cuộc đời, của con người cho chúng ta thấy. Khi ta chấp nhận điều này rồi, Ngài nói đến nguyên nhân có khổ. Đó là từ quả khổ Ngài phăng lần tới nhân, chỉ ra nỗi khổ kia không phải bỗng nhiên có. Nó từ tập nhân sanh. Tập nhân là gì? Là tham, sân,si, mạn, nghi, ác kiến v.v… tất cả các phiền não.
Ví dụ như tham. Chúng ta có thân là khổ nhưng muốn nó còn hoài, biết ăn cao lương mỹ vị hay sanh bệnh mà thích ăn ngon, biết đam mê nữ sắc là bệnh hoạn nhưng vẫn cứ đam mê mãi. Tất cả nỗi khổ trước mắt đều vì tham mà có. Bởi tham nên mới đòi hỏi, tìm kiếm, giành giựt. Đòi hỏi, tìm kiếm, giành giựt tất nhiên là chuốt đau khổ cho mình, cho người. Vì nếu tìm kiếm mà bị ai chận đứng hay ngăn đón thì nổi tức lên, sau đó làm đủ thứ chuyện tàn ác, hung bạo.
Tham sân là cái khổ nổi dễ thấy. Nhưng sở dĩ có tham vì gốc không biết được lẽ thật. Ví dụ như tham ăn, ta thích ăn ngon nên cứ tưởng tượng đến món mình thích thì thấy thèm. Bây giờ nếu chịu khó quán chiếu trở lại, món ăn đó ngon được bao lâu? Chỉ ở lưỡi một chút, nuốt vô khỏi cổ là hết thấy ngon. Nếu ăn hơi nhiều nhiều, lát sau ợ ngược, ợ xuôi còn hôi nữa. Như vậy nó có thật đâu. Vậy mà chúng ta hết thèm cái này, đến thèm cái kia, tại vì cứ ngỡ nó ngon thật, không ngờ bên cạnh cái ngon có cái không ngon.