- Tham gia
- 6/8/10
- Bài viết
- 1,020
- Điểm tương tác
- 193
- Điểm
- 63
TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 1 THÁNG 6, 2014)
Dharamshala, Ấn Độ - Ngày 4-6-2014, khoảng 2.000 sinh viên từ các miền khác nhau của Ấn Độ và nước ngoài, học sinh từ các trường tại Dharamshala và đội ngũ giáo viên của Trường TCV (Làng Trẻ em Tây Tạng) đã tập trung tại thính đường của trường TCV để nghe 2 ngày giảng dạy của Đức Đạt lai Lạt ma cho thanh thiếu niên về Bát Nhã Tâm Kinh, và về sự tôn vinh Đức Văn Thù Sư Lợi và Quán Thế Âm.
Đây là lần thứ 8 của kỳ giảng pháp như vậy của ngài kể từ lần đầu tiên vào năm 2007, được tổ chức bởi Ủy ban Phật giáo Nhập môn của Dharamshala.
Trưởng ủy ban là Dawa Tsering nói, “Giáo lý chủ yếu là để thúc đẩy thanh niên Tây Tạng lưu vong tìm hiểu Phật giáo ở mức độ học tập và thấm nhuần một sự hiểu biết sâu sắc hơn về nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng và các giá trị tinh thần cốt lõi của nó”. Ông cho biết cũng sẽ có thời gian dành cho phần vấn đáp trực tiếp với Đức Đạt lai Lạt ma và các học giả Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng khác trong kỳ giảng dạy này.
(Phayul – June 4, 2014)
Thanh thiếu niên tham dự kỳ giảng dạy thường niên của Đức Đạt lai Lạt ma
Photos:Kunsang Gashon
TRUNG QUỐC: Dấu chân của nhà sư in sâu vào mặt sàn gỗ qua hơn 20 năm cầu nguyện
Tại tu viện Rongwo Gonchen Gompa có niên đại từ năm 1301, là tu viện chính của Phật giáo Tây Tạng của thị xã Đồng Nhân (tỉnh Quý Châu), nhà sư 70 tuổi Hua Chi đã cầu nguyện tại một vị trí chính xác trong hơn 20 năm, tạo ra một dấu chân chính xác hằn lên lớp gỗ có từ hàng thế kỷ.
Mỗi ngày ông đến và lạy hàng nghìn lần tại bệ thờ của ngôi chùa, và ông làm như vậy từ 2 thập kỷ qua.
Hàng ngày trước khi mặt trời mọc, ông đến và đặt 2 bàn chân vào dấu chân của mình tại bệ thờ của chùa, rồi cúi xuống để cầu nguyện vài nghìn lần trước khi đi quanh ngôi chùa.
Dấu chân nơi phần đầu bàn chân và gót chân hằn xuống gỗ sâu hơn 3 cm. Nhưng thời gian đang bắt đầu tác động lên cơ thể của sư Hua Chi. Ông cho biết trong những năm đầu ông thường cầu nguyện từ 2 đến 3 nghìn lần một ngày, nhưng do tuổi tác nên những năm gần đây ông chỉ lạy khoảng 1 nghìn lần mỗi ngày, và đôi khi chỉ cố lạy được 500 lần trong cái lạnh của mùa đông.
(Mahabhodi – June 5, 2014)
Dấu chân in sâu vào sàn gỗ của nhà sư Hua chi
Photo: Reuters
Một tượng Phật chính của chùa Mae Saruayluang ở tỉnh Chiang Rai đã sụp đổ, sau khi một số tượng nhỏ chung quanh chùa phải chịu đựng một trận động đất và một cơn mưa giông lớn vào tối 29-5-2014.
Sư trụ trì chùa Mae Saruayluang nói rằng pho tượng đã sụp đổ do một trận mưa bão lúc 7:35 PM tối 29-5. Không có ai bị thương tích.
Pho tượng đang xây dựng được 3 năm và đã gần hoàn thành thì các cơn bão tàn phá tỉnh này. Trong trận động đất 6,5 độ richter vào đầu tháng 5, pho tượng theo phong cách Chiangsaen nói trên đã bị thiệt hại. Rồi do một loạt dư chấn và mưa lớn, cuối cùng tượng đã đổ. Tổng thiệt hại ước tính mất 5 triệu baht.
Nhiều chùa ở Chiang Rai, Chiang Mai và các tỉnh lân cận đã bị thiệt hại trong các cơn dư chấn, bao gồm Chùa Rong Khun – tức ngôi Chùa Trắng nổi tiếng có trang trí công phu.
(Tipitaka Network – June 5, 2014)
TÍCH LAN: Đại sứ quán Hoa Kỳ cấp 100.000 usd để bảo tồn tu viện Phật giáo Rajagala
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã trao cho trường Đại học Sri Jayewardenepura của Tích Lan khoản tài trợ 100.000 usd vào năm 2013, và đang làm việc chặt chẽ với trường và cục Khảo cổ học về dự án bảo tồn tu viện Phật giáo Rajagala quan trọng này.
Tọa lạc tại Huyện Ampara ở Tỉnh Đông, Rajagala không chỉ có ý nghĩa như một khu tu viện Phật giáo cổ xưa; nó cũng là một trong những di tích khảo cổ hoang sơ nhất tại Tích Lan. Trong chuyến tham quan di tích tu viện trong rừng này, Đại sứ Hoa Kỳ Sison phát biẻu, “Đại sứ quán Hoa Kỳ tự hào là đối tác trong dự án này, nhờ vậy chúng tôi có thể giúp tiến đến một sự hiểu biết tốt hơn về niềm tự hào, di sản và lịch sử độc đáo của Tích Lan. Đây thật sự là một vinh dự khi được tham gia vào một công việc có giá trị như vậy”.
Khu phức hợp tu viện Phật giáo rộng 400 hecta Rajagala được xây dựng giữa những năm 119 đến 109 trước Công nguyên, nhưng bị bỏ hoang vào khoảng năm 993 sau Công nguyên và bị suy thoái dần kể từ thời điểm đó. Nó được “tái khám phá” trong một cuộc khảo sát khảo cổ học vào năm 1890. Khoản tài trợ của Hoa Kỳ sẽ giúp xác định, bảo tồn và khôi phục khoảng 80 loại di tích khác nhau, bao gồm các bảo tháp, một chánh điện, nhà tắm nước nóng, phòng ăn và các công trình khác. Công việc bắt đầu vào cuối năm 2013 và sẽ tiếp tục đến năm 2017.
(Buddhist Art News – June 5, 2014)
Đại sứ Hoa Kỳ Michele J. Sison (thứ 2 từ bên trái sang) và các vị chức sắc Tích Lan bên pho tượng Phật nằm có chiều dài 30 feet, một trong những điểm nổi bật của di tích thiền lâm Rajagala
Photo: Asian Tribune
Ngày 4-6-2014, Đức Karmapa 17 Ogyen Trinley Dorje đã đến Bá Linh trong chặng thứ nhì của chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ngài. Tuần này Đức Karmapa sẽ gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Do Thái tại Bá Linh và viếng Bảo tàng Holocaust và Bức tường Bá Linh.
Nhà lãnh đạo Phật giáo trẻ tuổi này sẽ giảng pháp tại Trung tâm Hội nghị Estrel ở Sonnenallee, Bá Linh. Ngài sẽ thuyết trình về trách nhiệm xã hội đối với thanh niên, Phật giáo và môi trường, và cũng sẽ truyền giảng về Phật giáo thế kỷ 13 cho các tín đồ.
Phù hợp với chủ đề liên tôn giáo của chuyến thăm, Đức Karmapa sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo Cộng đồng Do Thái của Bá Linh là Giáo sĩ Ben-Chorin và Gesa Ederberg. Trong chặng thứ nhất của chuyến thăm, ngài đã giảng pháp trước đông đảo Phật tử tại Eifel, và tham dự buổi cầu kinh tối cùng các tu sĩ Benedictine tại Tu viện Maria Laach. Tu viện trưởng Benedickt đã ca ngợi chuyến thăm của Đức Karmapa là một cuộc gặp gỡ tốt đẹp của 2 nền văn hóa tôn giáo, ghi nhận rằng dòng truyền thừa Karmapa và Tu viện Maria Laach đều được thành lập cách đây 900 năm.
(Phayul – June 6, 2014)
Đức Karmapa 17 và 2 tu sĩ cao cấp nhất của tu viện Maria Laach
Photo: James Gritz
http://www.phapvan.ca