TRI KIẾN GIẢI THOÁT

  • Thread starter trikiengiaithoat
  • Ngày bắt đầu
T

trikiengiaithoat

Guest
TRI KIẾN GIẢI THOÁT

GÓP NHẶT NHỮNG ĐÓA HOA RƠI TRƯỚC SÂN THIỀN, XÂU KẾT THÀNH TRÀNG ĐỂ LƯU HƯƠNG VỊ.

Đây là những lời Luận Đạo chỉ giáo từ Tri kiến của Thiền sư THIỀN ĐỨC phát ra. HUỆ HƯNG được nghe và ghi chép lại

CẢM NIỆM ÂN SƯ

Sư trưởng truyền trao Đạo nhiệm màu
Phá tan nghiệp chướng tỏ tâm mau.
Tu hành một kiếp là an nghỉ.
Ơn đức trời cao bể rộng sâu.

Rộng sâu ơn đức lấy chi đền?
Chí quyết truyền roi mối Đạo Thiền.
Cứu thoát chúng sanh ra bể khổ.
Ay là Đại Nguyện, dám đâu quên.

Đâu quên Thầy Tổ độ cho ta.
Bể Ai rừng Mê thấy thoát qua.
Ân ấy lấy chi mô tả được?
Chỉ là muôn một tạm nêu ra

Nêu ra để tỏ chút tâm thành
Cảm đội muôn vàn đức tái sanh.
Trăm kiếp dễ đâu duyên gặp gỡ?
Minh Sư chỉ giáo Đạo Viên Thành.


Xuân Định Tỵ - Tu viện Huệ Quang - THÍCH HUỆ HƯNG biên soạn - 1977


-Tài liệu này được đánh máy lại từ bản gốc dùng máy đánh chữ cơ, có nhiều từ bị mờ nhòe và đọc không rõ, những lỗi sai đã được các Thầy trong diễn đàn nhiệt tình tham gia sửa chữa
-Trong tài liệu còn có bút tích và các bài thơ THIỀN ĐẠO NGÂM KHÚC, KHUYẾN TU, ĐẠO TÂM của Thầy Huệ Hưng
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

T

trikiengiaithoat

Guest
VẤN ĐÁP

Hỏi: Thân trước thú, đời sau đầu thai người, làm sao biết đựơc?
Đáp: Vì tánh cách hệt giống thú còn hiển lộ hoặc nhiều hoặc ít. Dụ như: Một ly rượu pha vào một chén nước, mà mùi rượu vẫn còn. Như một chén nước nóng pha hai chén nước lạnh mà hơi nóng vẫn còn.

Hỏi: Quy y không Phái, không Thầy. Nữa chết ai tra hỏi làm sao trả lời ?
Đáp: Việc lúc sống như việc lúc chết, đều do tội phước không có gì khác nhau. Như đứa nhỏ sanh vào nhà quan, có ai đến tra hỏi “Mày ở đâu tới đây ?” và ngăn cản gì không ? Còn như đứa vô phước sanh trong nhà nghèo hèn tàn tật có ai tra hỏi gì không ? Cho đến đứa sanh trong nhà Vua cũng thế…

Hỏi: Cúng cầu nguyện có linh không?
Đáp: Có ! Dụ như người có con bò, mời người trong xóm đến làm thịt bò ăn chơi. Tới chiều liền có ăn. Đó là người có phước, cầu thì được. Còn người không có phước như kẻ không có bò, rủ họ làm thịt bò họ còn rầy.

Hỏi: Các vị Tiên có dám tự tiện đầu thai xuống trần không?
Đáp: Không dám ! Vì sợ bị cách ấm phải mê. Dụ như: sức sáng có 10, pha với cái tối của thai bào 10, thì lu hết 5, về sau có Giác và sáng lại như cũ. Chư Tiên vì hưởng phước quá vui, quá nhàn, nên ít dám chịu lâm phàm. Còn Bồ Tát vì đại nguyện nên xuống trần. Song cái sáng của Bồ Tát có tới 1000 lần, nên không sợ bị pha chạ với cái tối làm lu mờ được. Đại Bồ Tát chỉ mê cách ấm sơ sơ rồi giác lại. Bồ Tát Hộ Minh giáng sanh rồi liền đi bảy bước, là vì sức sáng quá mạnh nên phát ra cái lạ đó một chập, rồi kế đến bị cái điện lực của thân trần gian làm tạm tối mê như trẻ nít, ít lâu lớn lên mới giác lại. Các Bồ Tát có điện lực quá sáng nên khi đầu thai (giáng sanh) thì có hào quang chói nhà và có mùi thơm sực nức, đó là do điện lực quá thanh vậy.

CHÚNG SANH SẼ THÀNH PHẬT

Phật ví như người đã phát minh biết cất nhà, biết mặc quần áo, biết nấu chín đồ ăn, còn mọi người trong rừng chỉ biết ăn lông ở lỗ. Người phát minh đó đến dạy cho người kia những việc ấy, họ cũng lần lần biết cất nhà, nấu đồ ăn …ban đầu, họ bắt chước từng người một, đến sau lâu lắm lại có nhiều người bắt chước.

Như nay, khoa học phát minh dạy cho người học chữ nghĩa, có ai mê nói : "học làm chi ?", người ta vác giạ đong lúa chứ có ai vác giạ đong chữ bao giờ ? Tuy có lắm người ghét học chữ mà lại lần lần có nhiều người đi học. Như thế biết chắc rằng sau này loài người sẽ được học giỏi hết. Vì ai không học sẽ bị chê là dốt.

Còn người tu, trước còn mê tối, tin tưởng thần quyền dị đoan mê tín, nhưng vì họ cầu cạnh thần linh mãi không thấy hết khổ, rồi lần lần họ tu Giác Ngộ, ai nấy sẽ đều thành Phật.

Tuy có người, lúc ban đầu thấy người khác tu, họ lại chê bai là không có lợi ích bằng việc làm được hưởng sung sướng về vật chất. Nhưng lần lần họ cũng tu theo, vì họ cảm biết được vật chất không làm cho họ hết khổ. Loài người trước kia ăn lông ở lỗ, nay tiến hóa lên cao rồi. Người tu cũng vậy! Trình độ Giác Ngộ đã lên cao quá nhiều, cho nên biết chắc rằng tất cả chúng sanh sẽ đều thành Phật.

TÂM

Tâm là cái biết vô ngại, không phải có suy nghĩ trước. Dụ như con mắt, hễ có cái gì đưa qua liền thấy. Tâm cũng vậy ! Nghĩ trước là Vọng, khi có vật mà không biết, đó là Mê. Tỷ dụ: Vật nào còn xài thường phải mòn, phải hoại. Tinh thần cũng vậy. Như con mắt thợ bạc cứ mở chăm chú dòm mãi, đến già hết xài được vì bị mờ lòa… , còn tâm mà ứng dụng suy nghĩ nhiều, về sau càng lâu tâm càng thêm vọng loạn. Cũng như tinh thần gom mãi, chuyên chú mãi, về sau bị tán hết phước.

TU HÀNH

Việc tu hành ví như vắt khăn cho sạch đem phơi. Muốn phơi cho khô phải vắt khăn cho thật ráo. Như thế, người tu muốn được thanh tịnh cần phải có phép chuyên tu, cũng như phơi khăn phải nhờ có sức nóng rút mới khô. Nhưng muốn được mau thanh tịnh cần phải có Trí Giác Ngộ diệt trừ tà tư vọng niệm, dứt hẳn các nghiệp tâm sanh, cũng như cách vắt khăn cho thiệt ráo phơi mới được mau khô vậy.

LỜI HUẤN THỊ LÚC HÀNH THIỀN

Giác ngộ Chơn Tánh tức liền Giải Thoát.
Giác là biết đúng Chơn Lý. Kẻ giàu người nghèo vẫn đồng có cái biết đúng. Ví như Tánh nước chỉ có một màu trong và sạch mà đã bị pha các màu sắc, nay chỉ làm sao cho trở về nguồn trong sạch là đủ.

Muốn Giác tới tột bực cần phải vạch rõ Vô Minh nghiệp chướng để bước vào nhà Như Lai.

Thí như vẹt bèo rẽ nước thuyền phải lướt tới, vừa tới vừa vẹt, như vậy mới tung lướt đến chỗ rỗng rang được. Đó là cách Hành Thiền phải như thế.

Người giàu bỏ giàu tìm sang. Người có lợi bỏ lợi tìm danh. Danh có đủ thứ danh, người mong cầu không ngớt. Định có nhiều thứ Định, người biết tu phải phá tất cả. Phá Niệm, phá Định, phá Pháp, phá sạch sành sanh

Có người ngồi tu bị điển lực ngoại cảnh xen nhập làm đinh như đàn bà kiết tử nhâm thần, thế nào ngày kia thai cũng lớn rồi nở nhụy khai hoa. Định này lạc về Tà kiến. Vì vậy nên có người bỏ vợ đi tu rồi sau lại tìm vợ nữa. Như trẻ nhỏ lên bảy tại sao không có tâm ái dục ? Bởi duyên chưa kết đủ. Còn trong tâm có đủ sắc tướng pha trộn kết hợp thành Định. Định đó thuộc ngoại đạo nên phải biết mà phá hết.

Tu mà dùng Pháp thức sai lầm thì trước vui sau khổ. Như đem các món đồ ăn vật chất nuôi đứa trẻ nít. Nhờ ăn nên nó lớn lần lần, càng ăn nó càng lớn rồi càng già, tưởng cứ cho ăn thêm mãi nó càng mạnh càng khỏe, nào ngờ ăn riết rồi chết. Người tu lạm cũng vậy, tu riết rồi chết với Pháp, như luyện đơn kiết tử vậy.

Nên biết rõ trong thân ta có cái nhân như dầu có chất lửa diêm, hễ ở ngoài có duyên xẹt đến liền cháy. Phải thận trọng, thận trọng !!!

CHÚ Ý KHI TỌA THIỀN

Luôn luôn phải bình tĩnh, tâm yên lặng không chút sợ sệt dù có cảnh giới rùng rợn hiện ra cũng vậy. Tâm không vội gấp, không lừng chừng, chỉ phải lóng lặng, đừng cho khởi một niệm gì, dẫu có thấy cảnh giới tốt hiện ra cũng không ham ưa vui thích. Cứ vô tư niệm thì lần lần thắng các cảnh.

Khi chuyển vòng pháp, không cần vội gấp. Nếu nó bị ngưng ngại, ta cứ lặng tâm quán tưởng một lằn điện quang nhỏ như cây kim xuyên qua thì tự nhiên qua được, dù chậm cũng mặc, miễn nó chạy hoài là được. Đường còn cát bụi ta thỉnh thoảng quét lần lần sẽ sạch. Sạch đến khi nào ta chạy lẹ không còn vướng chân mới thôi.

Nên nhớ: Tâm không vội gấp, đừng mong niệm gì, lặng lẽ dụng công dẫn pháp tới luôn.

Bình tĩnh không sợ sệt, vì biết các cảnh rùng rợn kia đều do tâm nghiệp biến hiện, không có gì phải sợ. Lòng ta lặng, các cảnh lặng.

(Mắt tuy nhắm mà cứ ngó thẳng tới cho ngay thì tâm định và dụng ý cứ dẫn pháp mạnh không cho ngưng hở)

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG.

Ngoài giờ ngồi tịnh cứ để tâm yên lặng, đừng nghĩ tưởng một niệm gì. Còn thấy có một niệm gì khởi lên, đó là vọng niệm loạn động. Không nghĩ tưởng đó là chánh niệm vậy.

Ngọn đèn tuy sáng mà không có tướng, nên có bóng tối của đèn. Suy nghĩ tuy kỹ mà còn có cái niệm, nên vô minh còn ẩn núp được. Không bằng mình luôn luôn hồi quang phản chiếu nơi tánh giác của mình. Do vì tánh giác có một nên phải liệu phá tất cả.

CHÚ Ý NIỆM THIỀN

KHÔNG ĐỘNG KHÔNG TỊNH
Có động Có tịnh
Động như bình Tịnh như nước

Hỏi: Tịnh động không rời, bản thể ra sao?
Đáp: Bản thể nó không động không tịnh, tức là THANH TỊNH. Thanh tịnh cũng không có tướng thanh tịnh.

ĐẠO LÝ GIẢI THOÁT.

Nhân tu rất quan trọng, không biết dễ bị sai lầm. Chỉ nên dụng tâm ý vô niệm ly tướng, bất trụ trước vô phân biệt.

Ta nên biết rõ nhân quả nào còn bị vướng mắc ? Nhất là phước báo nhơn thiên, nó như gông cùm xiềng xích, Phước nhiều tội lớn.

Tu hành giải thoát phải xa lìa nhân phúc báo.

Tu phước bị lỗ và khổ, vì còn trở lại làm con cháu người khác để hưởng phước quả.

Nước biển có một vị mặn. Đạo Phật chỉ có một màu Giải Thoát.

Ta tu hành phải khéo tránh xa cái nhân thần đạo, do dụng thần tu nên phải lao trong vòng ngũ hành thần đạo.

Tu niệm Phật trì chú về Mật Tông. Tịnh Độ Tông, nếu thiếu minh sư chỉ điểm cũng dễ lạc vào thần đạo.

Ở Ấn Độ có nhiều thần đạo, thần tiên thường giáng sanh ở đó.

Tiểu thừa giáo chưa phải cái nhơn hoàn toàn giải thoát. Chỉ có Đại thừa giáo dụng nhất tâm thanh tịnh cụ túc định huệ mới phải là chánh nhân giải thoát.


Bí quyết thành công trên đường giải thoát là phải biết phân tách tâm ý và thần riêng khác.

Thần dễ linh, dễ cảm, dễ tu, vì họ hưởng ứng theo duyên hưởng phước. Có nhiều cảnh giới của thần, của ngũ hành ở từng trên rất tốt đẹp lạ lùng, đủ cả màu sắc. Nếu ai còn ưa phước báo cảnh sắc dễ bị gạt lầm.

Tìm ánh sáng phải mở mắt mới thấy.

Tìm đạo giải thoát phải có tâm sẵn sàng chuẩn bị hướng thượng. Dù có Phật ra đời mà không chịu thiệt tu cũng không làm sao độ nổi, chỉ vì họ chạy theo phước báo mà thôi.

Vì thế ta phải xem kỹ từng niệm, từng niệm, đừng để lạc vào thần đạo hưởng phước báo nhân thiên.

Khi khởi lên một niệm sai lầm, một niệm ác, phải xem như bị rắn độc cắn, vì nó mà phải bị luân hồi muôn kiếp. Người bị rắn cắn dám chặt tay bỏ, ta tu đạo giải thoát mà không chịu ly niệm hay sao ?

ĐỐI VỚI SỰ HỌC

Ở đời người càng học càng hay, càng nghĩ càng hiểu. Trái lại đối với đạo lý tuyệt đối, đem tâm vọng cầu mong sự học để tỏ đạo, đem tình ý phân biệt để tìm thanh tịnh như thế càng học càng sai với con đường giải thoát, càng nghĩ càng lầm với chỗ thanh tịnh.

Vì sao? Học là để biết chỗ thực hành cho đúng chỗ tịnh định. Thực hành đúng để được giác ngộ bản thể chân lý.

Trái lại, học mà chạy theo danh tướng làm lầm, làm sai vọng động mê mờ như thế mãi thì càng học càng mệt, luống nhọc tâm trí.

Đạo Phật do tu mà biết, không phải do học mà hiểu thấu được. Đừng bắt chước ngoại đạo đem cái học mà xây dựng đạo đức. Đó là ngoại đạo xây dựng ngoại đạo vậy.

NGƯỜI TU PHẢI NHẬN CHÂN ĐẠO PHẬT

Đạo Phật ví như bột và nước trong.
Đạo xã hội ví như đất và nước dơ thúi.
Đem bột nhồi với đất chỉ có giá trị với đất, chớ không có giá trị với bột.

Đạo của họ cũng nói là chơn lý, thực tế, bản thể… Như đạo Nho nói cái đẹp tự tại vô ngại là nhà không đóng cửa, ra đường không lượm của rơi… đó là cái đẹp ở trong sự tướng.

Đạo Phật thì khác hẳn, chỉ là Niết Bàn giải thoát mà thôi. Không đem các tướng hư vọng mà xen nhập đạo Phật được.

Trên đường tu học đạo Phật khác nào như chèo thuyền qua biển cả mênh mông. Rất khó hiểu và dễ lầm ở nơi các tướng ngoại đạo, nên khó qua được bờ giải thoát.

Phải thận trọng! Thận trọng!

ĐẠO

Đạo không thể nói được, không thể nghĩ bàn được.
Bản thể thanh tịnh, tịch diệt, ly tướng, ly pháp, rỗng rang một màu trống không, không có tướng gì để nói, không có hình gì để nghĩ. Suốt xưa, suốt nay nó vẫn không dời không đổi, không thêm không bớt, không tới không lui, không sanh không diệt.

Người thấy đạo như đã vào nhà thấy các món vật trong nhà nói rất rõ không cần suy nghĩ mà cũng chính xác. Còn người chưa thấy đạo (chân tánh) mà luận bàn đạo lý thanh tịnh cũng như người đứng ngoài vách suy nghĩ phỏng đoán các vật trong nhà. Người không hiểu biết, nghe nói cho là rất hay, rất đúng. Duy người đã vào nhà rồi biết lời luận bàn kia còn sai lầm xa cách.

Người chưa thấy đạo mà nói đạo khác nào người đứng ở mé vườn tay chỉ miệng nói, chân trời ở dưới lùm cây bên kia. Những người xung quanh hai bên đều thấy như vậy là trúng, cho là trời ở dưới hang cây bên kia. Trái lại, người đã lên khỏi hàng cây, dòm thấy biết người kia nói trật rất xa.
Bởi vậy kẻ chưa thấy đạo mà luận đạo, lúc nào cũng làm cho đạo xuống thấp.

Kinh Viên Giác nói, người chưa ra khỏi luân hồi mà biện luận tánh Viên Giác, thì Viên Giác trở thành tánh lưu chuyển.

Đạo thể thanh tịnh, Niết Bàn tịch diệt tỷ như sự làm thinh không có tiếng tăm xao động gì cả, đâu thể lấy lời nói mà mô tả cái làm thinh cho người khác nhận rõ được. Vì thế tịnh Niết Bàn chỉ có người tự chứng tự ngộ mới có thể nhận đúng được thôi.

Cái động không bao giờ diễn tả được cái tịnh. Sự luận bàn cũng vậy, không bao giờ luận bàn tới chơn tánh được.

Muốn ngộ được chơn tánh Niết Bàn đâu phải dễ ! Phải đánh phá bao nhiêu vòng vây nghiệp chướng mới vào tới bảo sở. Nghiệp đã bao vây chơn tánh như rừng rậm cỏ bít, không còn thấy chơn chỉ còn thấy vọng nghiệp tác động hàng ngày mà thôi. Nó chuyển vận điên đảo tâm ta, làm cho tâm quen theo vọng. Tâm khởi thì vọng nghiệp chuyền tay không hở. Vì vậy mà tâm duyên lự không ngừng được một giây phút nào. Cũng như người nằm trên võng (vọng nghiệp) hễ người nhúc nhích thì võng đưa, đưa mãi không ngừng.

Tuy nghiệp bao chụp như vậy, mà hễ tâm ta yên lặng (định) được, tỷ như người nằm trên võng không nhúc nhích thì võng kia tự ngừng tức thì nghiệp kia phải diệt. Nghiệp diệt chơn tánh mới hiển bày. Bởi thế đạo đâu dễ thấy dễ biết được. Người muốn thấy Đạo, quyết phải có định huệ viên dung vậy.

LẤY KHỔ LÀM VUI

Chúng sanh lấy khổ làm vui, nhu cha nương con, vợ nương chồng, cột nương kèo, kèo nương cột, lấy chỗ vợ chồng, cha con làm vui, giúp đỡ nhau cho là nghĩa phải.

Đối với Đạo giải thoát, đó là sự vay trả lẫn nhau trong sắc nghiệp oán thù ân nghĩa, luyến ái, nên mãi luân hồi làm khổ cho nhau mà không hay không biết. Sách xưa có nói: Vô oan gia bất thành phụ tử, vô oan trái bất thành phu phụ.

Chúng sanh vì thiếu trí huệ, nhận định cạn hẹp, cứ xài dùng cái nhỏ cái thấp thông thường nên chỉ hưởng quả nhơn thiên thôi. Không dè chính cái thọ dụng đó là lấy cái khổ làm vui mà chính cái vui đó là nhân kết khổ vậy.

ĐỘ SANH CỦA PHẬT.

Chúng sanh tất cả thảy đều muốn được đến chỗ giải thoát. Như những người ra sức làm ăn, đi học, cả thảy đều vì muốn thoát khỏi cảnh khổ. Còn người đi tu cũng thế, cũng vì mong được hết khổ mà thôi. Con người ở đời có bị lầm lạc, nhờ hoàn cảnh xã hội xây dựng huấn luyện mới được tiến hóa giác ngộ lần lần. Như vậy đời đã có dạy nhiều cho người về phước báo như làm giàu, làm quan… các đạo Tiên, đạo Trời, đạo Thần, đạo Thánh thì dạy người thành Tiên, thành Thần, thành Thánh, còn đạo Phật thì chỉ dạy có một việc thành Phật mà thôi. Nhờ sự khổ càng khổ làm cho chúng sanh có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ tiến lên cầu mong giải khổ đến chỗ rốt ráo. Vì thế tu không cần phải lo vội độ chúng sanh. Cũng như đất kia sẽ sanh ra vàng, ta cứ lấy đó mà làm ra đồ tốt. Đâu có gì phải sợ trễ nải và mất mát.

Lại nữa, như trẻ nít còn nhỏ phải nhờ uống sữa, đến lớn trọng phải cho ăn cơm. Thế mà ngoại đạo cứ cho uống sữa mãi (sữa dụ phước báo nhơn thiên). Đạo Phật thì cứ dứt sữa mà cho ăn cơm (cơm là dụ pháp giải thoát) chúng sanh còn tâm thì còn Phật, còn Pháp không bao giờ mất. Chúng sanh đói khổ thì tự nó tự biết kiếm món ăn. Nó khổ thì tự nó biết đi kiếm pháp giải thoát. Nên biết chúng sanh khổ cùng cực rồi tự tỉnh mà tìm đường giải thoát như ngừơi làm mệt mỏi rồi tự nằm nghỉ không cần bảo nghỉ họ cũng nghỉ. Vì vậy, nên chỉ dạy pháp tu giải thoát mà không cần gây tạo phước báo nhơn thiên.

Hễ giác là Phật, mê là chúng sanh. Tánh mình nếu mê, phước nào cứu đặng.

ĐẠO KHÔNG THỂ NÓI ĐƯỢC.

Phàm người tu chưa giải thoát thì không thể nào bàn nói tỉ mỉ được sự sanh diệt của các pháp. Và nếu không có trí huệ vô lậu thì không bao giờ nói rõ đích xác được chơn tâm bản tánh. Đạo không thể do học mà nói tới được hay chứng ngộ được. Đạo chỉ có thể thực hành đến chỗ rốt ráo mới nói được tường tận bản thể cực diệu cực minh và đường lối thực hành tiêm tế ra sao.

Để tỷ dụ một việc: Như người ăn mía xước mía để hít lấy chất ngọt. Người có nứu mềm thì nhai hít được một ít chất ngọt. Người có nứu cứng thì nhai hít được nhiều hơn. Người có răng yếu nhai hít được chất ngọt nhiều hơn nữa. Người có răng cứng tuy hít được rất nhiều cũng chưa hết chất ngọt. May ép mía dù ép hết nước mà chất ngọt vẫn còn, vì bỏ xác ra kiến vẫn còn bu.

Như thế, về vật chất như chất ngọt mà dùng các thứ vật chất ép vắt cùng cực còn chưa hết đặng. Còn về duy tâm cực để sâu mầu đâu có nói, viết mà diễn tả cho cùng tận rốt ráo được.

Đạo ví như chất ngọt, tùy theo căn cơ mạnh yếu sáng tối mà lãnh hội chứng tỏ khác nhau. Đạo không thể diễn nói quyết định một mực, pháp hành lại tùy cơ, tùy nghiệp có khác rất xa. Vì thế nói quyết định là sai.

Xưa kia đức Phật Thích Ca thành đạo rồi trải qua 49 năm, Ngài nói Pháp cùng nơi khắp xứ Ấn Độ, tại sao Ngài không viết một chữ gì để lại. Cho đến các hàng đại đệ tử đương thời với Ngài cũng không có vị nào viết để lại một chữ. Tại sao vậy? Vì đạo không thể nói đựơc vậy, nhưng tại sao có kinh sách truyền bá tới nay? Đó là sau Phật gần 200 năm, đến thời kỳ vua Asoka (A Dục) mới có kiết tập viết ra giấy mực. Nhờ các vị tu hành có trí huệ nhớ lời Phật dạy bằng cách truyền khẩu mà diễn thuật lại. Và đã có hai lần kiết tập về trước, vào lúc sau khi Phật nhập diệt độ hơn 50 năm và hơn 100 năm. Các bực Thánh Tăng nhóm lại để sửa đổi nhau và trùng tuyên những quy điều của Phật dạy bằng miệng đọc, chớ không có viết ra chữ.

Như thế biết rằng đạo không phải truyền ở văn tự, hay học ở văn tự mà tỏ ngộ chứng đắc.

Đạo chính tại tâm, không nhận tu tâm làm sao chứng đạo.

Nếu chạy theo sự học, thì bị sự học trói buộc, không biết bao giờ ra khỏi sanh tử luân hồi.

Học theo kinh điển còn như thế, huống là học theo khoa học vật chất, làm sao khỏi bị nơm rọ vật chất chụp bắt buộc ràng.

Người tu quyết định không cần học cái gì loanh quanh còn mắc trong vòng sanh tử. Chỉ học một cái là PHÁP TU THANH TỊNH giải thoát ra khỏi tam giới mà thôi.

TỰ THẮNG

“Thắng muôn quân không bằng tự thắng mình
Thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”

Biện luận giỏi, giảng nói giỏi thắng cả lý thuyết của ngoại đạo làm cho ngoại đạo kính phục, mà sự thật là mình đã thua rồi và hư vọng loạn tâm nổi lên bị thua nghiệp sanh tử.

Thắng được nghiệp mới là toàn thắng.

Thà dốt, không thà làm tay sai cho nghiệp sanh tử. Llìa đích Giải thoát, giảng nói đạo lành, càng thêm giúp giáo cho ngoại đạo

Chúng sanh mê mờ lắm, kết hợp đoàn thể để bảo vệ sự sống, tưởng là kế an toàn vĩnh viễn. Nào ngờ đó là kết dày nghiệp sanh, tử vô số kiếp, chằng chịt mãi không dứt đặng. Cho đến các loài cầm thú côn trùng cũng thế, kết đoàn lập thể tôn xưng chúa tể, bảo vệ cho nhau. Cho rằng đoàn thể mới chiến thắng.

Vậy ai ra khỏi vòng mê lầm khổ lụy đó ? Ai chiến thắng.

Chỉ có bậc giác ngộ.

Nhất niệm bất sanh, vạn pháp câu tức.

MÊ TÍN

Việc không có mà tin theo là mê tín, vì tin một cách sai lầm. Như nghe người đồn có cọp ra chợ mà nghe theo…, nghe theo các tin vịt đó là mê tín.

Lên một từng, là tin hiểu theo đồng bóng, thầy tà, ông lên bà xuống giả mị xưng thánh xưng thần, không nhận xét được sự giả ngụy của cảnh âm u mà tin theo đó là mê tín.

Lên một từng nữa, người tin khoa học vật chất cũng còn mê tín, vì tin nó làm cho mình hết khổ mà rốt cuộc cũng chịu mọi sự khổ, sanh, già, bịnh, chết. Dù người giàu có đủ đầy vật chất muốn gì có nấy hình như được hết khổ, nhưng sự thật còn biết bao nhiêu điều chi phối về thân xác cũng như tinh thần huống chi là kẻ nghèo thiếu.

Lên một từng nữa, có ngừơi đã quán xét biết rõ các điều trên đó còn là mê tín, rồi đi tìm đạo giáo chơn chánh để tu hành. Ngừơi ấy cho các tôn giáo còn ở trong vòng mê tín lẩn quẩn, chỉ có đạo Phật là hơn hết, hễ tin theo đạo Phật là cứu mình ra khỏi khổ, đó mới là chánh tín. Song ngừơi ấy nếu tin theo đạo Phật mà còn chưa hiểu Phật thì cũng còn ở trong vòng mê tín.

Lên một từng nữa, dù người hiểu đúng nghĩa Phật mà thực hành sai tôn chỉ của Phật cũng chưa phải hết mê tín.

Dù thực hành đúng tôn chỉ mà còn kẹt chấp chưa thoát ly sanh tử, chưa tỏ ngộ chân tâm chứng nhập bản tánh cũng chưa phải là hoàn toàn hết mê tín vậy.

TÂM THIỀN

Tâm xả mà còn thấy xả thì cũng còn là niệm. Tâm xả rỗng rang mà không còn thấy xả, không nhớ ngưng, không nghỉ trụ đó mới bước vào cửa Thiền. Tâm mà còn có niệm tưởng là còn ở vòng ngoại Thiền.

Tâm say sưa với cảnh vật chưa phải tâm yên. Như người giàu có mạnh khỏe 2, 3 năm không đau ốm, không có việc gì xảy ra, lại đầy đủ các thứ cung cấp về sự ăn mặc, ở người ấy dường như yên lắm, vui lắm. Đó là yên vui với vật chất bên ngoài chưa thật bền chắc.

Đạo Phật là đạo tâm, giải thoát tại tâm. Vui vật chất không bao giờ giải thoát, vì cảnh vật bị vô thường thay đổi.

Vật ( như thân) thuận, ta không bị thuận, vật (thân) nghịch ta cũng không bị nghịch. Khi thân mạnh ta mới vui đó là chưa giải thoát. Khi thân bệnh, ta khổ hay sao? Đừng để thân nó chi phối liên quan làm náo loạn, thì mới thấy được tâm Thiền. Tâm Thiền dù rỗng rang an nhiên tự tại mà còn một niệm trụ trước vào chỗ rỗng rang thì chưa phải là rốt ráo vậy.

LUẬN BỐ THÍ

Hỏi: Bố thí mất hết của làm sao được giàu được phước?
Đáp: Dụ như người làm ruộng, phải bỏ lúa giống ra gieo sạ1 giạ ba công rồi sau mới thu vào 30, 40 giạ, gieo ruộng phước (bố thí phước điền) cũng như thế. Mất trước được sau.

Hơn nữa thế nào là được phước. Ở đời không khổ mới là được phước. Như người có của không giữ của thì khỏi khổ, vì biết đem bố thí để cho người khác giữ giùm. Có của không giữ mà không mất thì còn lo sợ gì mà khổ. Hễ gọi có phước là phải không khổ. Bị khổ là có tội dù giàu tới đâu cũng thế.

Lại một tầng nữa, biết bố thí là bố thí cả tham, sân, si. Bố thí đó mới thật được hoàn toàn. Mình xả hết tam độc thì được giới định huệ mà 3 món của mình không mất.

Nếu mình không bố thí tham, sân, si, tuy có của cũng chưa chắc gì hưởng sung sướng. Dụ như người tâm nổi sân giận ai đó sanh ra phiền muộn buồn bực lúc đó dù có mâm cao cỗ đầy ăn cũng không ngon. Hưởng cũng không được, người tham nhiều lo làm mãi, chứa cất tiền của không dám xài. Cũng như vậy, có của cứ sợ mất, làm sao an vui mà gọi là có phước. Bởi vậy ngừơi nào biết tu tri túc thiểu dục như kẻ có một ly nước ngọt lại được ở bên rạch nước ngọt tuy có ít mà xài haòi không hết. Còn kẻ tham cầu thái quá (dụ chúng sanh tham mê) như kẻ ở gần biển có nước rất nhiều mà phải chịu khát hoài, vì mặn không uống được. Bởi nước mặn càng uống càng khát, cũng như tiền muốn được cho nhiều, càng muốn càng khổ.

Hỏi: Tôi có phước, tôi cứ hưởng, cần gì phải làm phước hay bố thí?
Đáp: Làm phước mới có phước chớ, Ai thở vô mà không thở ra có được không? Tất chết ngộp!

Người có phước, hưởng hết phải khổ. Vì vậy, nên người hiểu cần phải làm phước bố thí. Bố thí cho đến cái tâm bố thí cũng bố thí luôn. Xả được tất cả sẽ được tất cả.

MỘT CHỮ VÌ

Chúng sanh “Vì” vô minh mê lầm, vọng động mà khởỉ ra nghiệp thức, “Vì” nghiệp thức tạo các việc tốt xấu lành dữ làm hột giống để thọ thân này đến thân khác. “Vì” có thân này thân khác nên quen ưa ham muốn có thân, để chịu luân hồi sanh tử mãi trong 3 cõi, 6 đường. Vì thọ thân trong 3 cõi, 6 đường nên mới có sanh, già, bịnh, chết, khổ đau.

Vì bị khổ đau mà không chịu nổi trong vòng sanh tử nên mong muốn có một cảnh giới an vui vĩnh viễn. Vì ham muốn như vậy tưởng sẽ được thỏa mãn lòng khát khao vọng cầu nên hết mê rồi lại tưởng.

Như những người ở đời vì mơ hạnh phúc vui đẹp của cảnh vợ con nên mới xây dựng tổ ấm gia đình. Vì có gia đình nên phải vì vợ, vì con, vì cha, vì mẹ, vì thân bằng quyến thuộc, vì xã hội quốc gia… Lại còn vì cơm ăn, áo mặc, nhà ở, vì danh, vì lợi, vì tước, vì quyền, vì sang, vì giàu mà tranh đấu không ngừng.

Con người vì đủ thứ vì mà lắm kẻ trằn trọc thâu canh, ngẩn ngơ suốt tháng, vất vả quanh năm.

Chết đi sống lại, sống lại chết đi, chất chồng đau khổ chính cũng vì một chữ “Vì” mà chưa có mấy ai nhận thức.

Xưa kia Đức Phật “Vì” cứu độ chúng sanh nên phải thành Phật hay nói cách khác là “Vì” thành Phật để cứu độ chúng sanh.

Thế mà trên địa hạt người tu hiện nay, lắm người hiểu lầm rằng “Vì” muốn thành Phật nên phải cứu độ chúng sanh, hay là vì phải cứu độ chúng sanh để được thành Phật.

Bởi vậy có bực Bồ Tát vì thương chúng sanh mà đời đời không rời khỏi chúng sanh đau khổ. Vì độ chúng sanh mà Bồ Tát ấy không hết Vô Minh, không thoát khỏi vòng sanh tử, tử sanh như vô lượng chúng sanh khác. Còn người tu thời bây giờ cũng “Vì” thể theo lòng Bồ Tát nên thương xót nỗi đau khổ mê mờ của đệ tử tín đồ mà mãi bị quẩn trong vòng lo lắng, ân nghĩa, tình cảm, quyến luyến và cũng vì chưa đoạn vô minh, nghiệp chướng, lại lo cứu độ chúng sanh nên không biết bao giờ ra khỏi vòng sanh tử khổ đau. Thật đáng sợ thay ! Với một chữ “Vì” mà Phật đã an vui giải thoát thong thả đến Niết Bàn thanh tịnh. Còn chúng sanh cũng vì một chữ “Vì” mà đành chịu lưu chuyển trôi lăn mãi trong ba cõi tang thương sáu đường khổ não !

TÂM LÀ CHỦ

Tâm là chủ, vật là tớ.

Người đời cứ chấp theo tướng, nên lấy vật làm chủ của tâm, tâm bị sai xử như kẻ tớ. Họ:

Lấy cái giả làm chủ cái thật.
Lấy cái hình cốt làm chủ cái tâm.
Lấy cái mê làm chủ cái trí.
Lấy cái vọng làm chủ cái chơn. Cái chơn trở lại làm tớ cái vọng. Như thế thì còn chi làm chủ nữa. Nếu người nào có trí giác ngộ, biết đem tâm chuyển hóa sự vật, thấy rõ chủ nhơn ông, thì người đó tức đồng với Như Lai vậy.

TÂM KHÓ LƯỜNG

Ngoại đạo trước nói sau làm, Phật đạo trước làm sau nói.

Phật đạo 100 cái, phải đúng hết 100. Còn ngoại đạo 10 cái sai , 1 cái trúng cũng được, vì nó ở dưới đất luôn không sợ rớt nữa. Còn Phật đạo 9 điều đúng mà 1 điều sai là rớt xuống đất sanh tử.

Ngoại đạo vì tâm hành sanh diệt, sanh tử tội lỗi luôn, trật trúng cũng được, nên vừa học vừa dạy, vừa hiểu vừa nói vừa làm vừa chỉ. Còn Phật đạo thì trái lại hẳn, đã làm đã biết rồi mới dạy mới nói.

Sự vật còn khó lường huống là tâm tánh. Như cây kim, có khi còn nói lớn (đột áo chê kim bự), cây cột có khi còn nói nhỏ (so với đại thọ). Vật còn không so sánh được huống chi tâm tánh đến chỗ rốt ráo làm sao so sánh, nghĩ lường được ?

TÂM VỚI NGHIỆP.

Tâm với nghiệp như nước với bùn lộn nhau.
Nước muốn chảy để tránh bùn mà càng chảy càng đục.
Vậy muốn trong thì nước đừng chảy.
Nước ngưng thì bùn lóng.
Tâm muốn thanh tịnh hết nghiệp thì đừng chạy theo trần cảnh và học tận theo lối vật chất.

Một mặt cứ cố gắng hành pháp tiếp tục, ngày như tháng, tháng như năm, lần lần nghiệp ta tâm tịnh.

Cũng như lóng nước, bỏ phèn để yên lâu ngày nước càng trong. Mặc dù bùn còn đọng dưới đáy, cũng không đen đục được. Nhưng nếu ta còn quấy lên, bùn sẽ làm đục lại. Ta phải nỗ lực thanh lọc nghiệp nhân đừng để thành nghiệp quả. Chừng nào sang lu bỏ cặn rồi nước mới thật trong, dù có quậy đảo gì cũng vẫn trong.

Tâm chưa tịnh mà lo độ sanh thì khác nào như nước đục mà đem sang chén khác, nó cũng vẫn đục.

RA NGOÀI THƯƠNG GHÉT

Hỏi: Tại sao người có nhiều vợ chi phải thêm khổ, như vậy có đáng ghét không?
Đáp: Người mà có 2, 3 vợ đó là vì nghiệp nặng đáng thương hơn đáng ghét.

Đời cạnh tranh để hết khổ mà thêm khổ, vì họ thấy thiếu hoài, dẫu đánh Nam dẹp Bắc, xâu xé để dành được thắng lợi rồi cũng thế.

Còn đạo không đua tranh mà không thiếu nên không khố. Kẻ có phước thì người thương, có nghiệp tội thì người ghét. Hết nghiệp thì có phước, hết phước thì có tội, như trái chua rồi ngọt, ngọt rồi thúi rình.

Còn tánh giác ra ngoài vòng thương ghét, vò vó không phải là tội và phước, khổ mà vui, thiếu và đủ vậy.

QUÊN TÂM

Ta sẵn có tâm Như Lai mà lại bỏ quên lạc mất. Còn con gà trống của ta nuôi, nó đi lạc trong xóm, ta lật đật đi kiếm. Từ sáng đến chiều chưa kiếm được gà, mai ta lại đi tìm nữa. Còn tâm ta đi Đông đi Tây đi Nam đi Bắc, đi đến những hang cùng ngõ hẻm, đến chỗ vui chỗ khổ, chỗ cực chỗ sướng, chỗ tốt chỗ xấu không biết nơi nào chốn nào. Khi nó ra đi ta cũng không hay, khi nó trở về ta cũng không biết?

Tâm ta như thế nào mà ta coi nó không bằng con gà trống vậy. Bởi ta không dè tâm ta có năng lực thành Phật tác Tổ , siêu phàm nhập thánh nên ta coi thường nó mà đành bỏ rơi quên mất. Tâm ta như vàng mà mà ta không biết đem ra làm giàu để thọ hưởng an vui sung sướng, lại đem làm các thứ cán dao, cán mác xài dùng vào việc tầm thường rồi lại đi vay mượn của người để cho người này rầy la, ngừơi kia mắng chửi. Thật là oan uổng!

Thân ta cũng như thân tất cả mọi người, đều nương nhờ vào vật chất tạm bợ, xài dùng trao đổi qua lại với nhau không chân thật, không bền quý. Thế mà ta cứ chạy theo vật vay mượn là thân này mà mãi mãi chịu lòn lõi nhục nhã với đời, thật là đáng hổ thẹn biết bao, đó là tại vì ta quên tâm vậy. Lại ví dụ như ta có đường bột sẵn mà ta không biết làm bánh này bánh kia để ăn, cứ đi xin xỏ của người khác, để cho người khinh khi khổ sở. Thật đáng thương thay!

TU NHƯ LÓNG NƯỚC

Tâm nhiều đời chất chứa niệm lự nghiệp duyên về giàu nghèo, sang hèn, mạnh yếu, hơn thua hay dở, lo buồn, vui khổ… chồng chất càng thêm chồng chất không biết là bao nhiêu lớp.

Tỷ như là nước, ta cứ đổ nước đục vào, hễ lưng thì đổ thêm vô. Bùn cặn (phiền não) càng ngày cứ đóng thêm dày, ta uống hết lớp nước trong ( an vui) lần lần uống đến lớp nước đục (buồn khổ). Vậy ta phải nỗ lực cạo gọt, súc lọc , tẻ lược bỏ hết cặn cáo làm sao chỉ còn toàn là nước trong, mới không bị cặn cáo (vô minh) lộn đục nữa.

Thân thể do nhiều chất hợp thành, như là chất bổ, chất độc, chất có vi trùng, nên nó bị sanh diệt.

Còn tâm duy nhất nên bất hoại.

Tư tưởng khuấy khởi lên như bỏ thuốc độc vào miệng, khi ta thực hành theo tư tưởng đó như uống thuốc độc vào trong bụng. Nếu ta lỡ bỏ vào miệng phải mau mau súc miệng cho thật sạch., làm cho thuốc độc kia (tư tưởng xấu) phải dứt liền. Nếu để chậm trễ phải bị tiêu thân mất mạng.

Vậy một tư tưởng khởi lên, ta phải suy xét nên bỏ hay nên làm, nên nhả hay nên nuốt vào. Luôn luôn ta phải lóng đục gạn trong mới thoát khỏi bị ngưng trệ trên đường hành đạo giải thoát.

TU MẮC CÁI TU

Ở đời không tu thì mắc cái không tu

Vào đạo cố tu thì lại mắc cái tu. Tu lầm, tu mê, tu khổ.

Còn huệ cũng mắc cái huệ. Huệ tà kiến, huệ bị ảnh hưởng ngoại lai sai xử. Huệ đó không giải thoát.

Tu, hễ biết mà tu thì tu 1 giờ, khỏe một giờ, có phước một giờ. Tu 1 tháng thì khỏe 1 tháng, có phước 1 tháng.

Vì tu giải thoát không cần làm gì, chỉ tâm an vô niệm vô lự thì ngay đó có gì khổ có gì lo mà không được giải thoát. Nên biết có phước phải hết khổ . Còn khổ chưa phải là phước. Tu hết khổ mới gọi là hoàn toàn có phước vậy.

PHÁ CHẤP

Con người đâu có thật, huống là lớp áo quần bao phủ bên ngoài. Người đời đã không thật thì tiếng tăm màu sắc có gì là thật ? Tại sao ta biết con người là không thật có ?

Tỷ dụ: Thân người như cái nhà có 6 cửa, tâm con người như ngọn đèn ở trong nhà, sự sáng chói nhiều hay ít cũng như sự thông hiểu cao hay thấp của con người là tùy theo ngọn đèn tâm ở bên trong. Còn cái nhà hay các thứ màn chắn rèm che cùng các màu sắc sơn phết không ăn chịu gì. Dù nó có tốt xấu tứ đại giả hợp, thế nào nó cũng tan rã hoại diệt. Như thế có gì đáng kể mà ta xem trọng cái giả danh giả tướng của con người.

Cái nhà phá tan trống rống, chỉ còn ngọn đèn.

Con người xác thân tan hoại chỉ còn có tâm thức.
Tâm thức ấy phá tan màn vô minh vọng hoặc rồi chỉ là một bản thể bao la thanh tịnh.

Tại sao ta cứ chạy theo các căn, mắt, tai, mũi, lưỡi… mà phân biệt mãi các vọng trần giả huyễn

Mê cứ chồng chất thêm mê cũng vì không nhận được cái giả đó. Tại sao ta không trực nhận bản thể diệu minh, luôn luôn sáng suốt thấu biết như thật ấy ?

Bản thể diệu minh đâu phải là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đâu có dính líu gì tới sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Như vậy dù tài nghệ vô song, văn chương xuất chúng, các cái ấy nó cũng không thêm gì cho bản thể, mà nếu không có nó cũng không hại gì cho bản thể. Tại sao ta mê chấp trì trục theo văn học, thinh văn, cú văn ?
Ta phải quán sát kỹ các tập nghiệp dù xấu dù tốt, dù hay dù dở, đều là những thứ rất chướng ngại cho đạo giải thoát.

Người trọn lành, tức là người đã tiêu diệt được tất cả hột giống tín chấp, mê lầm, xấu tốt, đến được hoàn toàn thanh tịnh vậy.

KHUYÊN CẦU THẦY.

Nên nhận biết Thầy là tâm mình. Bạn là trí huệ của mình. Đi học Đạo với một vị khác không phải là phản Thầy, phản bạn. Làm sao y được chân lý để thực hành trở về bản tánh giải thoát, đó là trung thành với thầy bạn của mình, không có tội gì.

Dù có trung thành lạy Phật cầu Phật, lo cho Đạo mà hễ còn bị sanh tử mê mờ thì vẫn có tội như thường.

Nếu được giải thoát hết sanh tử, dù cho có thái độ không trung thành với Phật cũng không có tội gì. Đối với Thầy Tổ cũng thế.
ĐỜI THUA ĐẠO

Tham, sân, si, tắng, ái (thương ghét) … dụ như ruộng vườn, núi non, sông biển mà trong đó có của quý báu. Có câu nói: “Lên non kiếm ngọc, xuống biển mò châu” và “ bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”
Người đời tìm được ngọc vàng châu báu đem về, bị con cháu hay kẻ lạ phá mất sanh ra khổ não. Tại vì đó là của hữu lậu nên phải mất mát.

Còn trong tham, sân, si mà ta tu hành tìm ra được Giới, Định, Huệ. Đó là của báu vô lậu, của tự tâm mình có ra, nên không bị mối ăn hay giặc cướp lấy mất được.

Chủ nghĩa của đời làm thành công rồi, có đầy đủ uy quyền của cải thế lực, nhưng vì còn nghiệp nên bị nghiệp nó giết hại được… Còn Phật thành công rồi, dứt hết nghiệp nên của có ra đó mới thật là quý báu không có gì so sánh được, nên nói “Của Vua thua của Phật”

Ở trên đời có cái gì gọi là tài, có cái gì gọi là hay. Cây to cách mấy cũng bị sâu đục chết, sư tử dù mạnh đến đâu cũng bị vi trùng giết mà chết, đâu phải lớn và mạnh gọi là hơn.

Nên biết đời người vì còn nghiệp, nên đời còn bị thua.


PHÁP PHẬT

Pháp của Phật dạy đều là pháp vô lậu. Như pháp bố thí vô lậu, Giới, Định, Huệ 3 môn vô lậu học, khác với các pháp hữu lậu.

Thế mà các vị dạy đạo phần nhiều cứ dạy bố thí cầu phước hoặc giữ giới được phước… cứ đem vọng mà nói là chơn, đem nghiệp mà nói là Đạo, đem khổ mà nói là giải thoát, đem hữu lậu mà nói là vô lậu.

Nếu dạy cho người cầu Phật ban phước là khinh Phật. Nếu dạy Phật gia hộ thì Phật dối ta sao? Vì Phật đã bỏ cả quốc thành vợ đẹp con xinh, ngai vàng điện ngọc, cho đó là khổ mà đi tu giải thoát, lẽ nào Phật lại hộ cho ta được những phước báu đó để ta khổ hay sao? Như vậy khác nào Phật uống thuốc bổ mà lại cho ta uống thuốc độc, Phật đã lên bờ lại mang ta ra sông để cho ta chìm sâu hay sao ?

Tóm lại hễ mê thì có tội, giác thì có phước. Ta cứ nói cứ dạy cái thiệt, cái giác, đừng nói cái mê cái dối. Nặng đừng nói nhẹ, xa đừng nói gần. Như mương dài mà nói ngắn, rộng mà nói hẹp, bảo nhảy qua thảy đều bị lọt tùm xuống mương. Nên biết Phật pháp là pháp giác ngộ, vô lậu chơn thật không sai lầm hư dối vậy.

BIẾT GIẢI THOÁT

Tu tập trước gỡ lần quả bên ngoài, sau dẹp lần đến nhân bên trong. Như sự vọng động nơi thâm tâm ta ban đầu khởi lên lâu tới 2 giờ mới tan. Tu tiến lên nữa vọng còn 10 phút đến sau vừa khởi vừa tan. Công phu lâu thêm, tâm thiệt yên lặng không còn khởi tưởng mong mỏi gì nữa, chừng đó biết rõ là quả giải thoát không xa

Tỷ như lúc còn trẻ ưa thèm ăn, tìm món ăn, nhớ món ăn mãi. Đến tuổi già lần lần hết thèm ăn, hết nhớ ăn, lúc đó đâu còn đi lục lạo để kiếm ăn. Lại như người bịnh, thấy rõ bịnh mình mỗi ngày mỗi bớt, mỗi nhẹ thì biết chắc thế nào mình cũng mạnh. Người tu cũng thế, thấy rõ vọng niệm của mình mỗi ngày mỗi bớt mỗi ít, thì biết chắc thế nào mình cũng được giải thoát.

BIẾT NGHIỆP CÒN HẾT

Căn cứ vào tâm còn lo nghĩ hay hết lo nghĩ mà biết nghiệp còn nhiều hay ít . Người còn nặng nghiệp lúc nào cũng lo âu toan tính để cung cấp cho nghiệp nó đang đòi hỏi
Tỷ như người có con, con đói kêu la đòi hỏi, làm cha phải lo bù đắp ủng hộ nó.

Người nhẹ nghiệp cũng như người không con, dù không lo cho ăn vẫn không ngại gì, vì có ai đòi đâu mà cho. Hễ tâm an nhiên không nghĩ không tính không lo không sợ gì nữa là nghiệp đã mõng lắm rồi vậy.

THEO VỌNG

Con người cứ chạy đua theo vọng, để tìm cái khỏe, cái an, nhưng chạy riết rồi ngã ra chết. Lớp người trước đã vậy lớp người sau cũng thế không khác gì nhau.

Chạy theo vọng cảnh vọng duyên đời đời kiếp kiếp vẫn không cùng tận. Như máy bay, bay dù lẹ dù cao, cũng không khắp giáp được bầu trời trái đất, bay rốt cuộc cũng đáp trở xuống trái đất.

Như cái lồng đèn chong chóng do ngọn đèn ở giữa cháy vận chuyển làm cho lồng đèn cứ xoay cứ chuyển mãi làm sao lồng đèn đứng ngừng được? Chỉ có cách là biết tắt ngọn đèn. Ngọn đèn không tắt, thì không bao giờ lồng đèn dừng đươc.

Cũng vậy, nếu tâm ta không định, thì vọng niệm khó ngừng, vọng niệm không ngừng thì không một ai có tài gì ngăn được những hành động chạy đua theo vọng cảnh vọng duyên. Vậy muốn dứt vọng niệm, quyết định phải thiền định đến chỗ rốt ráo vậy.

KHÔNG LÌA SANH TỬ

Tâm mình không lìa chúng sanh, tất không khỏi vòng chúng sanh. Dụ như mình đi tu mà còn nhớ gia đình tất còn có ngày trở về gia đình.
Tu phước báu cũng không lìa sanh tử. Có phước tất trở lại làm con cháu của nguời hoặc ở trong dòng họ để hưởng phước. Hễ có tội thì trở lại làm cháu con người để đền tội.

Đi tu mong cầu giải thoát mà vì vật chất để chịu khổ thật không ích gì! Có người nói: Tu để phước lại cho con cháu. Thử hỏi con cháu nào đâu? Chỉ có mình trở lại làm con cháu để hưởng đó mà thôi! Nên biết hễ còn vọng niệm còn tâm không lìa cảnh vật thì biết là chưa lìa sanh tử vậy.
ĐỐN TU VÔ TU

Niệm trước mê, chấp cảnh là phàm phu sanh tử.
Niệm sau giác, lìa cảnh là Phật, giải thoát.
Tu ngay nơi niệm hiện tại, thành Phật trong phút hiện tại.
Loạn đâu tịnh đó, trụ đâu phá đó.
Niệm niệm an nhiên, vô ngại tự tại.
Luôn luôn thong thả, luôn luôn vắng lặng.
Quá khứ vị lai đều không có.
Ngày nay tu trong ngày nay.
Một tích tắc này tu trong một tích tắc này.
Một niệm này tu trong một niệm này.
Niệm hiện tại luôn luôn vắng lặng. Tự tánh của niệm vốn không, cho nên niệm hiện tại vẫn không có hiện tại, tuy tu mà vẫn vô tu vô chứng vậy.
 
T

trikiengiaithoat

Guest
LUẬN PHẬT TÁNH

Phật nói: Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Phật tánh sẵn sàng như vải trắng không có màu sắc. Các màu sắc khác dụ như các đạo Tiên, Thánh, Thần, Quỷ… các màu xanh, đỏ, vàng, đen màu nào cũng bay lợt trở lại trắng.

Chúng sanh rốt cuộc đều thành Phật, đến Phật là cùng tột. Nhưng tùy theo màu phai mau hay chậm cũng như căn cơ tuy cạn sâu có khác nhau.

Phật tánh rất nhiệm màu, hễ đủ duyên rồi thì phát sáng mau lẹ, khó nghĩ lường. Tỷ như lửa cháy ở giữa hư không tìm không thấy có lửa. Nhưng cố tìm tòi xé banh ống quẹt cây diêm coi có lửa không vẫn không thấy.

Phải biết dụng công đến khi đủ duyên thì lửa huệ tự phát. Hễ tâm thanh tịnh thì trí huệ phát sanh.

PHÁP VÔ THƯỢNG

Các pháp Phật vô lượng, vô biên, bất sanh, bất diệt không có gì xen phá hoại được.

Pháp thế gian có thì Phật pháp còn. Chân lý không ngoài sự vật.

Chúng sanh mê tạo khổ. Pháp Phật giác diệt khổ. Hết tạo thì hết diệt. Hết tạo hết diệt thì đó là Phật, là pháp vô thượng.

Pháp ly tướng ly pháp, không thiên ma ngoại đạo nào thay đổi phá hoại được, đó là pháp vô thượng.

Các pháp không tự tánh, có gì thật có gì hư. Phật đâu có nói pháp gì nhất định, tùy duyên ảnh hiện như ánh trăng lòng sông rạch, dường như có nhiều vô lượng vô biên, mà vẫn bất sanh, bất diệt.

THÀNH PHẬT KHÔNG THÀNH CHÚNG SANH.

Tu đến chỗ không còn Phật, chúng sanh, mới là thật đạo Phật tánh tuy sẵn có, nhưng phải tu mới thành. Dụ như bột, có nặn bánh và hấp mới thành bánh. Bánh chín rồi, không khi nào trở thành bột. Và những người biết chữ rồi, có khi nào trở lại dốt không biết chữ không ?

Như trái cây chín rồi, có khi nào trở lại sống không ? Tu tập chứng đạo, như trái chín không phải như không rồi chín, phải chín lần lần mới tới thật chín, nếu không có cái lần lần chín, thì làm sao có cái thật chín. Do sự biến chuyển không ngừng thì đâu có tướng gì nhất định, nên tuy có chín mà thật không có cái chín.

Cũng như tu tuy có chứng mà như không có chứng, vì tiến lần lần đến chỗ rốt ráo không có chứng tướng gì hết. Đã đạt đến vô ngã vô pháp không lẽ còn có pháp ngã hay sao?

PHẬT TÁNH KHÔNG TỘI

Khi ta làm điều tội, Phật tánh có tội không?

Như bột ngâm thúi, khi xay làm bánh, bánh có thúi không?
Như nước đục tại nứơc hay tại bùn đục?

Nước tánh nó vẫn trong, chỉ tại bùn đục.

Như vậy, thì biết Phật tánh tuy lẫn lộn trong các nghiệp nhơ xấu tội lỗi dù bị lên xuống trong 6 đường mà Phật tánh vẫn là Phật tánh không gì thêm không có gì bớt.

Xin hỏi:
Khi ra độ sanh không biết độ ai trước, độ ai sau?

Như một chén bột khô quậy ra thành một diêm nước bột, khi múc một vá đổ vào trong chão để hấp bánh, bánh chín… Vậy có ai biết hột bột nào trước, hột bột nào sau?

PHẬT ĐẠO

Nước dụ như là Phật đạo, các món ăn dụ như là ngoại đạo. Ngoại đạo phàm phu ăn các món ăn mặn nồng chua cay, rốt rồi đều phải uống nước.

Các món ăn thuộc tướng, nước thuộc tâm.

Tướng đủ màu sắc tươi đẹp thơm ngon, nhưng nó đều là giả. Còn nước nó không có mùi vị mà nó là thật nên nó cứu khổ được.

PHẬT KHÔNG HAM MUỐN.

Đức Phật muốn gì thì có nấy mà Phật còn có muốn thì có khác gì chúng sanh! Bởi:

Hết ham muốn mới thành Phật
Còn ham muốn thì còn sanh tử.
Ham muốn nhiều thì khổ đau nhiều.

TÂM PHẬT

Tâm chưa khởi (sanh) đó là Phật.

Tâm khởi lên liền có khổ, đó là chúng sanh. Để tỷ dụ vài việc để thấy rõ tâm Phật lúc nào cũng sẵn có.

Như ta mượn tiền bạc của người, không có làm giấy tờ, đến sau chối ngược rằng không có mượn. Tuy miệng chối mà tâm vẫn biết là có mượn. Đó chính là tâm Phật lúc nào cũng ngay thẳng sẵn có, nên nhận thật trong tự tâm.

Lại nữa như người làm chứng thiên vị. Tuy miệng nói vị giùm người kia mà cái tâm Phật (tâm giác) cũng biết rõ đó là nói thiên vị, là không đúng đắn. Tâm giác đó lúc nào cũng sẵn có, tâm giác không có nói thiên vị.

Lại nữa, như ông quan ăn hối lộ của người này để nói hiếp đàng kia. Nhưng cái tâm Phật của quan biết rõ việc làm đó là sai không ngay thẳng. Vì vậy nên biết cái tâm Phật không chấp nhận hối lộ.

TRÊN ĐƯỜNG TU

Người mới đi tu, không biết lợi hại ra sao, gặp pháp môn nào cũng tu. Như người đi rừng không nghĩ có cọp voi nên không sợ.

Người tu tiến tới một mức rồi mới có sợ, như người đi rừng đến xa xa nghe nói có cọp, sư tử mới lo sợ.

Còn người tu cao đến chỗ rốt ráo mới hết lo sợ, như người đi rừng có đủ khí giới hộ thân.

Ngoại đạo có năng lực rất cao rất khéo, người tu bực nào họ cũng cung cấp tài phép theo bực ấy. Như người học tới sơ học , thì họ đưa ra chương trình trung học (diplôme). Đã được Diplôme thì họ đưa chương trình tú tài. Học tới cử nhân họ đưa chương trình Tiến Sĩ… Bởi vậy tu bực nào cũng mệt với ngoại đạo.

Nếu không có minh sư khai thị, thật khó mà ngộ nhập Phật đạo.

HỎI LÝ MẦU

Hỏi: Bạch Thầy! Niệm khởi tự diệt, đâu có niệm này diệt niệm kia được, vậy rồi làm sao hết niệm sanh diệt?

Đáp: Hễ tìm sanh thì sanh diệt, hễ tìm diệt thì diệt sanh. Ở trong sanh không có diệt, ở trong diệt không có sanh niệm niệm an nhiên.

Hỏi: Làm sao trụ được cảnh giới ấy? Tại sao chúng sanh cứ khởi niệm phân biệt? Và trong kinh nói bất tùy phân biệt là sao?

Đáp: Vì đạo lực chưa tới nên tâm còn vọng khởi phân biệt. Hễ tới rồi thì hết phân biệt. Ví như người đói thấy các món chua, ngọt, béo, bùi món nào cũng thèm. Mà hễ người đó có hơi no rồi. Thì tự nhiên ít thèm. Cũng như:

Người tu được một phần thanh tịnh thì khi đối cảnh tâm nhẹ một phần xao động. Hễ tâm càng thanh tịnh thì càng hết xao động, dầu ở trong cảnh sắc tài danh vọng.

Lại dụ như người đi đường, tuy thấy đủ các thứ cảnh vật cây lá cỏ hoa ở hai bên vệ đường và các thứ sỏi sạn cát đất lớn nhỏ ở nơi đường mà tâm không có chút nghĩ tưởng phải lượm lấy hay mong được cái gì. Đi cứ đi để đến chốn, Nên tuy thấy các cảnh vật mà không chú ý, không bị các vật tướng kia lôi cuốn, vì vậy nên đi mau tới chỗ. Bất tùy phân biệt ý nghĩa cũng thế.

LÝ LUẬN

Có người hỏi: Ông từ đâu đến, đến rồi đi đâu ?

Đáp: Ta chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Tâm sanh phiền não, phiền não tức bồ đề.
Bến giác là sông mê, sông mê là bến giác. Cây sanh trái chát, chát sanh chua, đủ tiết đủ mùa chua sanh ngọt. Lý đó do đâu ?

Hỏi: Khi chết bị luân hồi rồi các tội trước mất hay còn ?
Đáp: Hễ tâm còn thì tội lỗi còn.
Như người ăn trộm bò, làm thịt con bò ăn tiêu mất. Vậy vật mất rồi, tội lỗi mất hay sao? Đừng nghĩ rằng tử giả biệt luận. Cái án ăn trộm còn, thì đến ngày bị bắt cũng bị ở tù.

Hỏi: Khoa học nói vật chất sanh tinh thần phải không ?
Đáp: Như cái chuông do các thứ thau đồng (vật chất) hợp thành mà có tiếng kêu, nhưng phải có cây dùi đánh mới kêu. Tuy kêu có tiếng mà có cái hiểu biết không ?

Cũng như khoa học nói chế ra con người bằng máy, mà nó có sự hành động hiểu biết không ? Và chế trứng gà bằng vật chất mà nó có nở ra con được không ?

GIẢNG KINH THUYẾT PHÁP

Giảng nữa giảng lại, nói tới nói lui những ý nghĩa trong kinh sách, như cách người nhai xác mía. Xác mía để cả vỏ, từ ông này nhả ra, ông kia nhai lại, ông này bỏ, ông kia lượm, nhai tới nhai lui cũng là xác mía mà thôi. Làm như vậy mãn đời cùng kiếp vẫn không được một cây mía nào khác để nhai cho ngọt.

Kinh sách tuy hay, nhưng người tu cần phải thực hành chứng đắc đạo quả mới thấm ý vị ngọt ngào. Còn người nói suông không khác nào như nhai xác mía vậy.

TÁNH ĐẠO KHÓ NÓI

Pháp quán, pháp chỉ dụng công tỷ như cái xe đang chạy mà thắng lại , cái xe tuy đứng mà máy vẫn còn rồ. Tuy tu có kết quả định huệ mà các nghiệp ẩn sâu không dứt. Đi sâu vào bản tánh tịch tịnh thì thấy pháp chỉ, pháp quán như còn ở sân thềm chưa vào tới tận trong nhà.

Tu chỉ quán dụ như người muốn mở tủ sắt, lấy chày vồ dọng bổ cửa tủ, tuy mạnh mà không mở ra được. Còn người biết cách, lấy chìa khóa tuy nhỏ mà mở liền được.

Tánh đạo thật khó tới, tới được tất phải tỏ ngộ pháp màu vô thượng vậy.

CHÚNG SANH ĐÁNG THƯƠNG

Chúng sanh đều là người bịnh cả. Kẻ bịnh nhiều, người bịnh ít, kẻ đau lâu người mới đau. Kẻ bịnh nặng, người bịnh nhẹ.

Tu như vào nhà thương dưỡng bịnh, có kẻ hết trước người hết sau.

Xét kỹ chúng sanh là người đáng thương hơn đáng ghét.

Sở dĩ có ghét thương với nhau là vì đồng nghiệp với biệt nghiệp mà thôi. Như nằm trong nhà thương, kẻ nào bịnh ít nằm yên, sạch sẽ thì thương những kẻ nằm yên sạch sẽ như mình. Trái lại, lại ghét những kẻ bịnh nhiều, dơ bẩn, rên la, lăn lộn, dậm đạp, quơ tay múa chân…

Người tu hành phải nhận biết như thế mà từ bi hỷ xả cho nhau.

CHÚNG SANH VÀ PHẬT KHÔNG HAI

Bất giác hiện vô minh tức là chúng sanh.
Giác không có vô minh tức là Phật.

Dụ như: Hiện tại tâm ta thản nhiên, có ai mắng chửi ta, ta an nhiên biết rõ đó không có gì, ta không sân không hận, luôn luôn mát mẻ đó là Phật.

Nếu ta bất giác, nhận đó là chướng ngại xấu xa thì trên tâm ra hiện ra sự nóng bức của lửa sân hận, liền mắng nhiếc trả lại. Đó là vô minh hiện ra vậy.

Sở dĩ chúng sanh không dám nhận mình là Phật vì lẽ vô minh chồng chất nhiều lớp, chưa bao giờ thấy rõ.

VÒNG LUÂN HỒI KHÔNG MỐI HỞ

Con người bước lên xe luân hồi cũng như con chuột tàu nhảy lên cái đu quay, quay mãi không ngừng.

Cũng như con người lên đu tiên, xích mãi đưa mình lên rồi xuống, xuống rồi lên, không chỗ hở để bước chân xuống ngừng nghỉ.
(Sự lên xuống tỷ như người được hưởng sang với hèn, giàu với nghèo, sáng với tối chuyền nối không thôi).

Cũng như ta bước lên xe hơi, xe chạy vụt vụt, khi lên đèo xuống ải, chạy rất nguy hiểm mà ta vẫn tưởng là yên ổn. Ta ngó xuống đất, thấy đất nó lăn theo, ngó cây cỏ thấy cây cỏ nó chạy theo rất lẹ, mà sự thật cỏ cây đất đai vẫn đứng yên lặng.

Ví như ta xây bồ bồ, thì thấy trời đất quay vòng vòng mà sự thật trời đất nào có quay.

Như ta đi ghe, thấy hai bờ sông cứ trôi theo ghe. Như ta chạy dưới trăng, ta thấy trăng kia rượt theo mãi. Nhưng sự thật bờ nào có đi, trăng nào có rượt.

Như vậy biết rằng tại ta hư vọng lầm thấy sanh tử, ngờ rằng Phật tánh cũng bị ảnh hưởng trong luân chuyển. Nhưng Phật tánh lúc nào cũng vẫn thanh tịnh và như như bất động, yên lặng mãi như đất bằng, như cây cỏ, bờ sông, vầng trăng kia.

Khi nào ta ra khỏi đu luân hồi hay xe luân chuyển kia, mà ta đứng yên đất, thì ta sẽ thấy rõ cái nào quay, cái nào chạy và cái nào đứng yên.

Ta được đứng yên trên đất đó là dụ ta được an trụ nơi tánh thanh tịnh vậy.

PHÓNG HẠ VẠN DUYÊN.

Biết mà không lo tu, để tuổi già sức yếu, hối hận quá trễ. Hễ mình có bán thì người ta có mua. Mình có ra làm thì người ta mới kêu. Mình có đi ăn giỗ thì người ta mới mời.

Hễ hứa, hễ làm đều mệt cả!

Biết buông bỏ muôn duyên, liền đó giải thoát, liền đó thành Phật vậy.

KHAI THỊ DIỆU Ý.

Tại sao tâm ta chưa tự tại ?

Vì còn hột giống nghiệp làm nhơn phát sanh tướng vọng động. Nếu không nhơn, dù có duyên, có cảnh cũng không làm sao kích khởi mê vọng được.

Dụ như nước không có chất dầu, dù đem hơ lửa đốt nó cũng không cháy. Lại như nước sình, có chất diêm dầu hỏa lên khi ta dậm sình, chất diêm điện đó nổi lên, ta quẹt cây quẹt đưa qua đưa lại nó liền phựt cháy. Mặc dù lửa đốt cháy được các thứ, nhưng chỗ không bổi không diêm, lửa kia không làm sao cháy hư không được.
Tâm ta cũng thế, nếu hột giống nghiệp nhân tiêu sạch dù cảnh ngũ dục có trêu chọc trước mắt , tâm ta vẫn lặng yên bất động.

Nhưng làm sao giống nghiệp hết được ?
Chỉ có hạ thủ công phu vào thiền định. Thiền định đều phát sanh trí huệ minh tâm kiến tánh mới là rồi.

Nhưng tánh là gì ?
Tánh ta là bản thể như như, tịch chiếu, không có cái nhớ và cái quên, không có cái có và cái không, vẫn rỗng rang và lặng lẽ, tỏ biết mà không vướng mắc, diệu dụng vô ngại không theo cảnh mà cũng không trốn cảnh, không ở trong ba cõi mà vẫn tự tại trong ba cõi.

Muốn đến chơn tánh ấy, ta phải thực hiện cái pháp thiền rỗng rang tự tại.

Pháp này hành không để ý gom hay không gom cũng như không cố ý nhớ và không cố ý quên.
Vì cố nhớ, tỷ như con mắt mình dòm ra thấy cảnh, dòm thì bị loạn động. Còn cố quên tỷ như con mắt nhắm lại, nhắm lại còn có cái thấy, tức là như trong cái không mà còn có cái có. Bởi nếu cố nhớ thì vạn duyên đều có, có quên thì vạn duyên in hình như không nhưng tồn tại có cái cố quên đó tức là có vậy.

Tâm trí diệu dụng của ta phải sáng suốt và phải thật lanh lẹ. Các nghiệp nó nhanh chóng như chiếc hỏa tiễn bay xẹt. Tâm ta như anh chủ lái hỏa tiễn, nếu tâm không lanh, không đủ trí lái nó, nó sẽ xẹt sa xuống hố sâu hay biển cả thì nguy to.

Chơn tánh lúc nào cũng rỗng rang tự tại như con mắt luôn luôn có cái thấy vô ngại. Nếu dùng định gom thần sẽ bị các duyên ngoại cảnh đột nhập xen lẫn vào tâm tánh, phát ra nhiều tướng lạ lùng thiên hình vạn trạng.

Gom lại như cái tay nắm lại có sức mạnh, nếu nó đột nhập vào thì tay nó run rẩy và co giựt một cách mãnh liệt.

Gom lại là thần, mà phóng đó là nghiệp vậy. Nên chú ý hễ mình ngồi an thân thì thần an, tự nhiên nó có cái tâm sẵn rồi. Nếu mình cố gom nữa thì sẽ bị kẹt trong thần định.

Bởi vậy, khi ngồi nên quán sát nó vừa gom nơi đâu, ta liền an tâm định một cách rỗng rang phá mở tung ra lần lần. Coi chừng khi tung ra vừa mãn lực định thì nó gom lại nữa. Ta phải dụng tâm như cách quét bụi, vừa quét ra rồi lấy chổi vô, lại quét ra. Cứ tung mở như vậy như vậy đến rỗng rang rốt ráo mới thôi.

Có khi ta phải nương hơi thở làm nhịp chuyên phá. Lúc mới tung mở vừa rỗng nó còn cợn lại như mặt nước đóng phèn một lớp vàng vàng vậy.

Ta nên nhớ, dùng định tâm rỗng rang mở phá, phá nhẹ nhẹ từ từ, không nên phá mạnh. Vì thế hễ ta cố phá mạnh nó lại gom xiết mạnh. Ta cố quên nó lại nhớ, ta cố diệt nó lại san, chỉ có cách tâm an định rỗng rang là chuyên phá được thành công viên mãn.

NÓI ĐẠO

Mật ngọt cũng chết ruồi mòng.
Ánh sáng cũng chết bù hong.

Mà tương chao muối mặn không có loại nào nhào vô bị hại. Cho nên mới nói đạo là nói tới chỗ vô ngại, không kết ơn kết nghĩa, không sợ oán thù sâu cao

Nói Đạo mà cứ dạy họ tu phước như vậy như vậy hoài chính mình không được phước gì. Không khác nào anh lính gác cầm cây ba trắc, đứng ngã tư đường chỉ qua chỉ lại cho họ đi, họ đi đâu mất mà mình vẫn đứng yên một chỗ.

Phật bao giờ cũng nghịch với chúng sanh, vì nói trái ý chúng sanh.

Chúng sanh chạy theo vọng, Phật nói bỏ vọng, Chúng sanh mê chấp, Phật bảo giác ngộ bỏ mê chấp.

HÁI QUẢ SA MÔN

Thấu đặng cái nguồn cội sẵn có đó gọi là Sa Môn. Muốn hái được cái quả Sa Môn, phải dứt bặt các mối lo nghĩ, chớ không phải do học mà được. Người mê đem tâm đi cầu tâm, tưởng rằng nhờ học mà được đạo.

Người học nhiều như trẻ nít được uống nhiều sữa. Người học nhiều danh từ không tiêu hóa được trở thành thuốc độc. Họ tận lực hướng về nẻo sanh diệt mà tìm đạo, trong khi đó trong chân như không có sách vở, không có biết có giải gì hết.

TÌM CHƠN LÝ

Ở trong thân tứ đại của ta nhiều trạng thái biến đổi như sự việc trong giấc chiêm bao hiện bày không ngớt. Tất cả đều do vọng niệm.

Bản tánh tuy không thấy, nhưng có thể nhận được. Còn thần cảnh nhiều chi tiết đều do nhân duyên khó nói hết.

Trong thân có thủy hỏa, nó là hiện tướng của âm dương mà âm dương là tướng của thần thức, thần là tướng của thức, thức là tướng của chơn tâm.

Dụ như gió sóng không phải nước, gió sóng không thật, như thần thức không phải chơn tâm, nước là nước chớ không phải là sóng gió.

Như hai bàn tay vỗ có tiếng bộp, tiếng bộp ấy vốn không thiệt có, tay cũng không thiệt có. Vậy cái nghe tiếng đó có thiệt không ?
Không thiệt có, vì cái nghe vẫn là vọng, bởi theo nhân duyên có tiếng có nghe, không tiếng không nghe.

Tứ đại do âm dương hòa hợp mà có. Như lửa không có nóng do dương khí nhiều, âm khí hợp lại kích khởi mới nóng. Nước không có lạnh cũng như thế ấy.

Sống trong sanh tử như sống trong chiêm bao, như ngủ thấy ăn yến tiệc, sự việc vẫn không có thật. Tất cả do nhân duyên biến chuyển thay đổi vô cùng, như vậy làm sao thọ lãnh lấy tánh chơn thường an định để an vui ? Đã có thân này tứ đại sanh khác, bịnh hoạn khó ăn, trong vui có khổ, trong khổ có vui, nên ít ai chịu khó tìm tu.

Thân bịnh mượn thuốc trợ duyên. Bịnh nhiều thần thức đi nhưng cái nhân âm điện vẫn còn liên quan. Như ngọn đèn bị gió mạnh phải tắt, nhưng cái tim vẫn còn nóng.

Thần thức đi vẫn duy trì nghiệp tội phước mà thọ vui khổ, thần thức liên can với thân tướng như con diều giấy bay cao có sợi dây. Ở dưới này có ai động sợi dây thì diều cũng rung rinh. Như người con gái chết rồi, có ai luyện thiên linh đem về làm bạn thì họ theo, hay có ai đào mồ mả họ, họ cũng bắt.

Nhưng nên biết sợi dây (âm điện) liên quan với thân đó sẽ đứt hoặc sớm hoặc muộn không nhất định. Vì thế nên người sống ở đời có khi hơn trăm tuổi hoặc dưới trăm tuổi hay là ít hơn.

Còn người luyện xuất thần (tu tiên) dụ như máy bay có xăng bay lên, hết xăng sẽ xuống. Đó là do điện lực nhẹ nặng mà thôi. Tu phước báo có hơn kém, không như thanh tịnh Niết Bàn.

Sống trong phước báo như sống trong chiêm bao, được danh lợi như anh học trò đi thi nằm ngủ thấy mộng Huỳnh Lương.

Sống trong bản tánh luôn luôn an vui thanh thoát rỗng rang tự tại.

Sống trong vô minh ví như ở trong nhà có đủ thứ ngọc vàng tốt mà cũng có các thứ bụi rác và các thứ hột cây. Ta hốt bụi rác, hột cây đem đổ ra xa. Thời gian lâu ta trở lại chỗ đó nó đã thành rừng. Ta không nhận biết đó là rừng mê, nhè trở lại tận lực sửa sang cảnh rừng ấy. Như là chạy theo trong các việc ngũ dục, cùng tướng pháp tu theo ngoại đạo.

Ta nếu có trí lực giác mới nhớ cái nhà cũ đầy vàng ngọc đó mà mong trở về. Tức là biết tu theo chánh định, như bỏ rừng mê mà trở về nhà bản tánh thanh tịnh Niết Bàn. Như vậy vui sướng tự tại biết nhường nào.

Tất cả phước báo là do nhân duyên hợp sanh nên bị diệt. Như trồng cây, phải theo thời tiết trồng trọt.

Vũ trụ biến chuyển luôn, đều là do nhân duyên sanh khắc. Thân ta không lúc nào an. Có thân không khi nào không bịnh hoặc ít hoặc nhiều. Vậy ta phải biết tìm tu trở lại chơn tánh.

Tánh sẵn có, tại sao nó không giữ tự tánh mê vọng sanh vô minh ?
Tại trong bản thể có sẵn chơn vọng lẫn lộn từ hồi nào rồi. Bây rồi chỉ thanh lọc mà thôi.

Tánh tình, cái biết lúc nào cũng có cái biết, cái nghe cũng thế. Trong cái biết có sẵn cái không biết, cái không biết là vô minh. Cái biết không có thay đổi, thêm bớt đầu đuôi. Còn cái không biết nó có thay đổi thêm bớt.

Cái biết không phải dốt hay hay chữ mới biết, vì vậy nên cái biết lúc nào cũng có sẵn. Còn cái không biết nó có tùy duyên thêm bớt nên nó sẽ bị mất. Như cái biết về đôi liễng, cái biết đó sẵn sàng. Còn trong đôi liễng đó có chữ không biết, cái không biết đó là theo duyên thay đổi.

Như cái nghe, lúc nào cũng nghe, còn nghe cái tay vỗ bộp đó là vọng (thuộc thức), vì cái nghe đó chạy theo cảnh theo tiếng.

Người tu đạt được Chánh Đẳng Chánh Giác thì trí hiểu biết mới cùng tận máy sanh diệt, ở trong sanh tử mới khỏi bị lầm mê.

PHƯỚC BÁO

Phước báo là do sự tiến hóa theo âm dương chuyển xoay cùng tư tưởng tập quán hướng thiện mà có.

Còn giải thoát là do sự giác ngộ mà được. Phước báo thì còn ở trong vòng nghiệp. Đã là nghiệp buộc thì không thể nói ai giỏi, ai dở, ai hơn, ai thua gì cả.

Tỷ như sự phát minh tiến hóa của các nhà khoa học, lo xây dựng xã hội cho đầy đủ, nhưng chưa chắc các ông phát minh làm ra được để hưởng mãi. Có khi để lại cho kẻ dại hưởng thụ. Kiếp sau các ông nếu bị nghiệp lực chuyển xoay lại có khi phải phục dịch cho kẻ dở, kẻ dại an hưởng. Nên biết còn ở ở trong vòng nghiệp dù được tiến hóa cũng vẫn loanh quanh trong việc trả vay khổ não.

Còn người giác ngộ giải thoát ra khỏi vòng nghiệp mới là hết khổ.
Bởi vậy thế gian có pháp mà không pháp như Hittler trong nước biết chế bom nguyên tử mà nước mình mất, tức vô pháp rồi.

Còn tu hành không pháp mà có pháp, như đức Phật thanh tịnh thấy tất cả không có pháp gì mà Ngài được giải thoát. Đó là như có pháp.

Còn như thần tiên xây dựng thân phước báo ngàn năm đó là do sự kết tập xây dựng điện lực, thu hút ngũ hành. Nhưng họ không ngờ thân này cho đến nhà cửa đền đài, trái đất thảy đều vô thường hư hoại. Điện lực dù bền lâu hơn thân trái đất đi nữa cũng bị hư hoại vô thường.

Bởi kết hợp điện lực thành thân này cho nên ở trong thân có đủ các tướng và trong đó có đủ các mưu kế thế phương. Tuy nó không tên không tuổi mà nó hiện hành biến hóa không lường. Nhưng rốt cuộc rồi nó cũng hư hoại tiêu tan! Bởi vậy, phước báo không bền chắc, không sánh kịp giải thoát là như thế.

KHAI THỊ DIỆU PHÁP.

Vạn pháp giai không, nó chỉ là tương sanh giả huyễn, có gì là gì đâu. Tất cả đều rỗng không, không thật. Chỉ tại ta lầm mê chấp trước mà gây tạo đủ thứ. Tại sao để cho tâm sanh hiện ra các pháp, tại sao để cho các pháp kích khởi cho tâm sanh ?

Tại sao ta không lìa cái tâm sẵn có của ta, ta chấp cố nó làm chi để phân biệt và sanh tạo vạn duyên?

Phật dạy ly tâm, ly tướng, ly niệm, cũng ly. Nếu ta không ly tâm thì phải còn dính mắc trong ba cõi.

Ba cõi là gì ? Tham, sân, si. Dứt được tham sân si là vượt ra khỏi 3 cõi, liền sẵn có Giới, Định, Huệ.

Tiến lên lìa cả Giới, Định, Huệ mới là được giải thoát tự tại, rốt ráo vô ngại.

Tánh Phật giác ngộ ai cũng sẵn có như trong đất có chất vàng, nước có chất thành rượu. Tự ta chưa có phương pháp khai thác đó thôi.

Khi ta còn mê nhiễm say đắm cảnh vật này tỷ như người nghiện rượu, nhớ rượu, thèm rượu cố uống rượu. Khi ta giác ngộ tu tiến, như không còn uống rượu nữa đó là có huệ. Do 3 năng lực ấy mà dứt được tham, sân, si.

Song vì có tham, sân, si mới có Giới, Định, Huệ tương đối rồi tương sanh tương diệt. Phải lìa hai cái ấy mới tới lý trung đạo sẵn có không sanh không diệt.

Tỷ như người đầy đủ Giới, Định, Huệ thì không uống rượu, không thèm rượu, không nhớ rượu. Còn người lìa các tướng Giới, Định, Huệ đó dù có gặp rượu cũng không thèm rượu. Dù có uống rượu cũng không ghiền rượu. Vì tất cả pháp bấy giờ đều rỗng không, không có cái gì chi phối bản tánh vô tướng nữa.

Nói về cái vui của người giác ngộ, dụ như người không uống rượu. Tuy không có vẻ gì ngon thích, nồng nàn, nhưng có cái vui an khỏe nhẹ nhàng, không say sưa, không khổ não loạn cuồng.

Còn cái vui của người mê, dụ như người uống rượu say. Họ có cái vui thích ngon nồng, chén nuốt ra vẻ khoái trá. Song cái vui đó đem lại sự say sưa nóng nảy cuồng loạn lại còn hao tiền tốn của nữa, bứt rứt khổ não.

Người tu mà xả được tất cả là đệ nhứt. Tâm tu rồi các pháp đều bỏ, dụ như nấu rượu đã thành các thứ men, hèm, nếp, khắp đều bỏ, như qua sông lên bờ rồi, thuyền bè đều bỏ hết vậy.

TÂM KHÔNG ĐỘC CHIẾU

Tâm chơn như không thay đổi, không thêm không bớt, không nhơ không sạch, một màu rỗng rang thanh tịnh chiếu soi tự tại.

Bởi vậy tâm không có khôn dại, vì đối cảnh phân biệt nên có hơn thua khôn dại, hoặc giác hoặc mê mà ta đặt là khôn dại.

Tâm không nặng nhẹ, hơn thua, cao thấp. Tại có người hoặc mang đồ nhiều (dụ nghiệp nặng) hoặc có kẻ mang đồ ít (dụ nghiệp nhẹ) đi trên đường xa nghìn dặm, thấy có nặng có nhẹ, có tới trước có tới sau in hình như khác nhau. Nếu cả hai đồng bỏ hết đồ sẽ được như nhau và tới chỗ sớm muộn như nhau (người ta dụ tâm, đồ nặng nhẹ là dụ nghiệp).

Tâm không có sanh tử, sanh là nghiệp duyên hòa hợp mà có ra, tử là do nghiệp duyên tan rã mà mất đi, chớ thật tâm không có gì có và không.

Tâm luôn luôn yên lặng, không hình tướng đứng sựng bất động mà điều khiển vạn vật. Dụ như chạy do máy chuyển do tay quay chưn đạp, tay chưn do ý điều khiển, ý lại nương bản thể vô ngôn thuyết. Bản thể luôn luôn sáng chói, rỗng rang thanh tịnh như hư không, không có gì làm ngăn ngại được.

THANH TỊNH NIẾT BÀN

Tánh tịnh Niết Bàn dụ như: Cái học biết viết chữ, nó có trong thân xác không? Thế mà khi viết ra ai cũng biết đó là người có học. Cái tâm có học tuy không thấy mà nó không mất theo xác thân.

Cái không thấy có mà vẫn có như thần thức, dù ta đập nát chẻ nhỏ xác thân này để kiếm, hay đậy lò kín xôi nấu xác thân, cũng không thấy được thần thức.

Còn tánh tịnh Niết Bàn không bị dính mắc vào đâu, không có tướng hình nên không trụ nơi nào, tuy không thấy được mà nó vẫn có.

GIÁ TRỊ CỦA TRÍ

Chỉ có trí ta là tuyệt đối, tất cả vạn vật là tương đối. Trí siêu việt mới đạt đạo, biết được nguyên nhân nguồn gốc của vạn tượng. Như tham, sân, si từ đâu có ?

Vũ trụ tại sao có gió ? Trong đất sao có mỏ sắt, mỏ chì, mỏ đồng ? Ớt trồng dưới đất sao lại cay ? Mía cũng trồng dưới đất sao lại ngọt ? .v.v. . .

Tham, sân, si nó khởi sanh trong tích tắc, từ vi-tế hiện ra tướng. Dụ như hai người nam nữ ngó nhau hai luồng điện lực nó chạm nhau (tế) kích khởi phát động ái nhiễm (thô). Như không khí chuyển động thành gió, gió kết tập nhiều sanh giông tố sập nhà. Ái ân, sân hận cũng thế từ nội nhơn ngoại cảnh tiếp xúc khởi động thành hình thành tướng từ tế đến thô.

Vì vậy, sự tu của ta cần thấu rõ nguyên nhân, suy tận nguồn gốc. Tu tập cần lọc lược cùng tận cái ý tánh mới sạch được vô minh mê muội.

Càng lọc lược, trí giáo càng sáng tỏ, mới thấu đặt được đến chỗ niệm niệm vi tế.

Phải dụng trí quán sát chuyển vận cả tánh tướng lọc lược đồng đều. Như hai con trâu đồng sức kéo cày, trục đất làm cho đất hết cỏ mới sạch láng được. Pháp tu đó là tướng là sự mà ý dụng chuyển pháp đó là tánh là lý. Tánh tướng phải lọc cho đồng đều mới thanh tịnh rốt ráo được.

TU CẦN NHIỀU NGHI.

Từ đâu ta đến?
Từ ở trong mầm mống mê vọng sanh ra. Sanh ra biết khổ ta lại tìm tu để thoát khổ. Ai cũng nhận từ tâm mê sanh khởi, nhưng biết tâm đâu để nhiếp định dứt sanh diệt?

Thân do các duyên hòa hợp mà có ra. Tư tưởng do âm dương và các nghiệp kích nhiếp sanh ra.

Bây giờ chuyển pháp gom nghiệp, như trong nước đục mà gom các thứ bụi bùn thì nước tự trong, như trong nhà bụi mù che lấp mà gom bụi lại thì không khí tự sạch.

Pháp tu lóng lặng bên trong. Chuyển pháp nên biết, đừng dùng tư tưởng chạy theo cảnh vật bên ngoài, sẽ bị các điện khác đột nhập.

Các thứ thần thông đều do thu hút các điện lực bên ngoài. Phật có 5 thần thông không? Nếu có, Phật tất không hoàn toàn thanh tịnh. Như nước có 5 màu thì nước không thiệt trong. Chỉ có lậu tận thông mới là gốc thanh tinh. Các thứ thần thông đều ta ái nhiễm, chỉ có Lậu-tận-thông mới là thanh tịnh.

Bỏ tất cả sẽ được tất cả. Bỏ tất cả danh lợi mê hoặc mới được tâm chơn như thanh tịnh.

Tâm ta là tuyệt đối, vì tất cả tài sắc danh lợi không chi phối được. Chi phối được là tương đối.

Vũ trụ vạn vật đều có điện lực xông tỏa cùng khắp. Trong điện lực nó có tánh, nhưng vì thiếu duyên nên vạn vật kia có thứ không nói và đi được. Dụ như đứa con nít khi còn là bào thai nằm ở trong bụng mẹ, nó không có tâm sao ? Đâu phải nó không tâm, nó vẫn có điện lực đó.
Vạn vật không phải có không, do nhân duyên đủ thiếu mà thôi. Như một đống cát nó không phải một, như nước các sông nước không phải riêng.

Niết bàn thanh tịnh tự tánh sẵn có, vì bị mây mù vô minh che ám nên ta không nhận được. Tư tưởng dồn dập xoay chuyển cái này đến cái kia, làm sao chuyển phá dứt trừ ngừng lặng là được thanh tịnh.

Tư tưởng là vô thường, động diệt. Sống theo tư tưởng sẽ bị động mãi.

Muốn tu Phật, phải hiểu cho đúng lý thì tu mới được lợi ích, thiết thiệt, mới hiện rõ bản tánh.

Tụng kinh mãi có thành Phật không ?

Như ăn mà nhai hoài một miếng cơm có no không ? Phật tánh không có đại tiểu, đông tây, nam nữ, âm dương, chứng đắc.

Ba tạng kinh trước vốn không có, sau mới kiết tập. Nếu cố phân Đại thừa Tiểu thừa, tranh chấp rất có hại, trái với bản tánh.

Tu phải diệt tam độc, mới được tam vô lậu học, bản tánh thanh tịnh lúc nào cũng hiển lộ năng lực giải thoát, không hơn thua dính mắc, dù có bị mê vọng tham, sân, si che lấp một thời gian rồi cũng hồi tỉnh trở về tự tánh.

Dụ như đứa bé mới biết bò, bò ra đường bị người khác bắt đem về nuôi dưỡng, lớn lên nó vẫn không giống ông cha nuôi mà lại giống và cảm thông với ông cha ruột nhiều hơn.


Tu mà cứ van vái cầu khẩn có kết quả không ?
Như nước lóng nó tự trong, không cần cầu khẩn nó cũng vẫn trong.

Tu hành, thiện ác đều bỏ mới tới chỗ giải thoát. Nếu tu thiện nhiều sẽ khó bỏ. Như cô gái gặp chồng dữ con hung dễ bỏ. Sau nếu gặp được chồng hiền con thảo, dù bắt ốc hái rau lo nuôi nấng cực khổ cách mấy vẫn không bỏ được.

Như Khương Tử Nha gặp Văn Vương, Võ Vương dầu gian lao đến bạc đầu vẫn phụng sự. Như Lưu Huyền Đức có tiếng là hiền đức cứ khóc lóc mà các tướng thảy đều hy sinh tận tụy. Thân làm tướng gặp Minh Quân làm sao bỏ được ? Người tu ham làm điều Thiện cũng thế.

Phải nhận kỹ, nên tự độ, không nên cầu bên ngoài. Mình sống với lửa trong thân, chớ không phải với lửa hơ bên ngoài mà sống được. Bỏ cha mẹ đi tìm đạo tuyệt đối mà lại chạy theo danh lợi thế sự là pháp tương đối thì uổng lắm.

Tư tưởng thu hút, điện lực bị đồng hóa. Nếu điện lực đen trược sẽ bị sa vào chỗ hạ tiện, nếu điện lực sáng thanh sẽ được lên cao.

Tư tưởng đồng hóa trong cảnh sanh diệt, phải quấy nó quay cuồng nhào lộn luân hồi điên đảo. Như hai anh em ruột một trai một gái mà đem cho người lạ từ lúc mới sanh, sau lớn lên gặp nhau, cũng có thể sanh tâm ân ái. Còn em nuôi tuy lạ mà ở chung một nhà, sau lớn lên vẫn thương nhau một cách thiệt tình.

Xuất gia cầu giải thoát như nước lóng phèn, nếu đem đất mài vào trong ấy càng mài càng thêm đục.

Tu hành không nên cầu sanh về đâu: Hư không có sanh đi đâu hay không ? Tâm định ta phải rỗng rang như hư không, không nên đem vọng nghiệp mà phân ra cảnh giới.

LUYỆN SỐ TỨC TIÊN GIA

Hậu thiên nhẩm tức. Tiên thiên chơn tức.

Tức sanh, tức trụ, tức dị, tức diệt.

Luyện hơi thở tới mức không cần thở ở lỗ mũi, mà thở ở trong tai hoặc thở ở mắt hay ở cùng mình.

Chứng số chơn tức Tiên thiên bồng lên bồng lên lâng lâng vụt xuất hiện ra cảnh giới tốt đẹp. Đó là thuộc về thần quang xuất hóa.

Phần kết quả khi còn xác thân này luyện như vậy là được. Khi chơn tức xuất ra rồi sẽ sanh lên cảnh giới trên hưởng phước báo, bay đi biến hóa thần thông dường như tự tại. Đến sau thời gian lâu lại bị cảnh duyên chi phối, lần lần thần quang sẽ biến hoại mà thọ thân trở lại nơi trần cảnh.

VŨ TRỤ QUAN

Cảnh giới của trái đất có điện lực bao chụp, thân người ở trong đó như các thây ma chôn dưới mồ trong bãi tha ma.

Thân ta vốn có điện lực nên một khi tưởng đến đâu thì điện lực chạy cái rét đến hiện thân nơi ấy dù cách xa muôn triệu cây số.

Con người ở cảnh giới cao có điện lực thanh nhẹ nên xẹt đi biến hóa nhanh chóng hơn các cảnh giới thấp.

Như nước nào khoa học phát minh trước thì có các thứ cơ khí hay lạ và trong nước đó có trang sức tốt đẹp hơn. Nhưng hễ còn có cảnh giới thì còn có tư tưởng sanh diệt. Dù cảnh đó có thần thông nhanh chóng như phản lực cơ, hỏa tiễn v.v. . . cũng bị sanh diệt.


Người tu nào còn dùng tư tưởng phóng vẹt thì sẽ sanh về cảnh giới đồng nghiệp, thọ cái thân của cảnh giới giả có. Thân ấy được sống lâu nhiều kiếp nên khó được giải thoát sớm.

Như đất nước Việt Nam từ nay có dân trí lên cao, thì các nước khác sẽ vô nhiều, nó sẽ gây hại thêm nhiều, mặc dù nó có xây dựng hình thức tốt đẹp hơn.

Còn trái đất này càng lâu đời nó sẽ tiến hóa lên. Các nhà tu tiến nhiều sẽ bị các vị thần ở cảnh trên họ hạ xuống dây dưa vào mượn đồ để nắm lấy tinh thần dân chúng, họ xoay chuyển cho hướng về họ. Các Thần Tiên muốn nắm lấy ai đó phải là những kẻ có tánh đức tu hiền nhưng thiếu hiểu biết họ mới dựa vào.

Nếu người tu không hiểu biết thì sẽ bị lạc lầm trong giới tà ma. Rồi chính mình (nhà tu) đầu cơ bán chúng sanh cho bọn tà giáo. Cũng như các nhà trí thức mà còn mê lầm thì sẽ bị bọn chánh trị hoạt động ở ngoại quốc mua chuộc, vô tình thành người bán nước, bán dân tộc.

Ai cách mạng đứng đắn cao sâu, các nước phải sợ. Còn tham một chút làm vua cũng khổ.

Giải thoát chỉ là tâm thanh tịnh hết tham. Dù không có một xu mà lòng không tham vọng thì vẫn an vui không khổ. Nếu còn lòng tham thì dù ở trong cảnh vàng ròng cũng khổ như thường. Như người ở chỗ đất sình lầy, có được một hai cục đá đã coi là quý rồi. Còn người ở đất vàng ròng, vàng kia vẫn vô dụng, ăn rồi họ còn phóng uế trên đất vàng đó, có gì quý.

Mấy đời xoay chuyển trước ra sau, sau ra trước, như số1 và số 9. Nếu số 1 trước số 9 thì thành 19, còn để số 9 trước số 1 thì thành 91, có cái gì là thật.

Chạy theo danh từ thì sẽ bị lạc hướng, như chất quý báu mình đặt tên cho là vàng, chất kém hơn đặt là đồng … Bây giờ họ đặt lại đồng là chất quý báu nhất, còn vàng là kém hơn, cũng được vậy. Nếu ai chạy theo danh từ thì còn xài đồ giả. Mình tu mà còn mê theo danh từ thì sẽ lầm Phật giả vậy.

PHẬT LÀ GÌ ? PHẬT Ở ĐÂU ?

Có tướng có cảnh nên có danh từ xưng gọi. Ngoài cái hình tướng, không có danh từ gì để nói được.
Như ai dốt tạm gọi là chúng sanh. Như người không biết nghề làm thợ mộc gọi là dốt, dụ là chúng sanh. Nay đây người ấy đã học rành nghề đóng đồ mộc tủ ghế. Vậy hỏi cái biết đóng đồ mộc đó nó ở đâu ?

Khi ông thợ đó cùng với 2, 3 người dốt khác đồng đi chung một đường, vậy ai biết ai là thợ ? Nhưng khi nào có đem đồ ra đóng làm bàn ghế, lúc đó mới biết rõ ông nào là thợ.

Thân ông thợ có trẻ có già, mà nghề thợ của ông không biến đổi.
Như Phật, thân ngài vẫn già mà tâm vẫn tịnh nên biến mà bất biến. Vì thế, không thể nói Phật hết duyên rồi mà nhập Niết Bàn.

Tỷ như mặt trời kia có lặn, thật ra nào có lặn mất.
Tại thân biến đổi già, trẻ, bịnh, mạnh chớ tánh nào có đổi thay. Như ông thợ mộc lúc có đồ làm thì in như cái nghề thợ hiện ra, lúc không đồ thì nghề thợ không hiện ra.

Nghề thợ mộc vẫn là nghề thợ mộc (dụ cho tánh) không có thay đổi, xuất nhập gì cả.

Như thân mình khi đi, cái đi có khi vấp, có khi sượng mà thân mình (dụ cho tánh) không có động và thay đổi.

Như Đức Phật muốn sang giàu vẫn dễ, mà tại sao Ngài vẫn đi xin ăn. Ngày nào không có ai cho cơm, Ngài cũng bị đói. Đói mà không có khổ, vì tại tâm thanh tịnh nên mới được như thế. Đó là Niết Bàn sẵn có vậy.

Còn chúng sanh bị nghiệp danh lợi tình, làm đau khổ nên không an vui được. Tỷ như cơm dọn sẵn mà người bịnh không ăn hưởng được.

Hễ người tịnh rồi, dù có đi đến chỗ nào tâm cũng vẫn tịnh. Như đi tới một bước, ở chỗ đó tâm cũng vẫn tịnh, đi tới mấy bước nữa, ở chỗ đó tâm vẫn bất biến, mặc dù thân có tới lui dời đổi.

Tâm, nói tâm cũng chưa phải tâm, có danh từ là chẳng phải. Dụ như bụi hợp lại thành cát, cát hợp lại thành đất cho đến thành thế giới. Vậy cái nào sanh ra cái nào ? Như con gà sanh trứng hay trứng sanh con gà cũng thế.

Các pháp do hợp sanh, chớ thật không có pháp gì. Không có Phật mà cũng không có chúng sanh.
Như vách tường kia, mình cầm trái banh chọi vào, chọi nhẹ dội nhẹ, chọi mạnh dội mạnh, chớ có gì là lạ. Vậy có phải tường chọi lại mình không ? Là banh dội lại mình.

Trên đời tất cả mọi sự vật đều có sự lý. Như chánh trị là lý, quân sự là sự. Như lửa là nóng, nóng có sáng, nước là ướt, ướt là lạnh.

Lời nói đạo pháp phải chứng cứ rõ ràng. Đạo Phật là sự thật không cần sơn phết. Như trắc gỗ, lúc nào cũng tốt, cũng thật. Còn đồ giả rốt cuộc thảy đều xấu bỏ.

Người biết rõ sự thật, dám hy sinh để tìm sự thật. Cái thật rốt ráo không còn có danh từ luận bàn tới được, đó mới là cái thật không còn thay đổi vậy.

CHƠN TÂM VỌNG TÂM

Chơn tâm sẵn có mà ta không thấy.
Vọng tâm không có thật mà ta thường thấy. Nay đây chỉ lấy thiền để tu dứt mê vọng, thấy chơn lý.
Pháp tu không chỉ rành dễ nghi lắm. Thân này có âm dương làm chủ điều động làm lạnh nóng, âm dương sanh khắc, căn trần đối đãi khởi ra vọng tâm.
Nước có sóng vì có gió. Gió hoạt khởi chuyển động nổi sóng như âm dương sanh khắc khởi vọng tưởng.
Nếu đè ép âm dương cho yên không khác nào thả mồi bắt bóng. Nếu ta nhiếp âm dương mà tìm chánh định thì không dễ được. Vì định nó không phải âm dương hợp.

Ta phải chuyển pháp cho tế nhị, lần lần sẽ được định.
Nếu ta không biết, sẽ bị âm dương chuyển biến ra các tướng màu sắc đen, xám, xanh, đỏ, vàng, trắng…
Mình biết nhiếp âm dương rồi nó tự chuyển chạy. Nhưng tâm không phải ở đó. Khi chuyển đến tế vi lặng diệt thì tâm mới yên lặng.

Khi chuyển mà thấy pháp nó cứ chạy loay hoay mãi, mình cho là không đến đâu, đó chỉ còn là vọng tâm thôi.

Nếu mình còn dùng cái hữu lậu âm dương thì sẽ bị người thôi miên dụng thần mạnh có thể chuyển ta được. Như bảo ta đứng, ngồi, ngủ v.v. . .

Sống trong máy móc bị nó cấu kết nên sống rất mệt nhọc. Như ta bị trong máy móc âm dương cấu kết, tư tưởng sanh khởi nên khó thoát ra.

Khi ta phá rỗng tâm an, mới không nặng nhọc với công phu. Nay ta còn nhiếp gom, còn bận ý dòm ngó, chăm chú thâu thúc nên còn rất nhọc.

Khi ta chuyển pháp đừng để nó phóng ra, ta phải gom về nhiếp chuyển cho nó tan đi. Đừng để các điện lực nó lăng xăng rồi gom lại một chỗ, nó sẽ phắt khởi tư tưởng mãnh liệt khó phá tan. Người nhiếp thần cao cũng được định lực mạnh. Người đó sẽ được sáng suốt, thông đạt giáo lý. Nhưng còn bị trụ trong khối thần trí chưa rỗng suốt.

Khi nào hạ thủ công phu có chỗ nghi ngờ nên hỏi lại. Khi chăm chú vào pháp chuyển như tay nắm đồng hồ không còn nắm cái khác được. Như con mắt đến thấy vật này rồi khó thấy cái khác.

Không có Niết Bàn để chứng. Khi tu thấy có chỗ trụ có chỗ an đó là chưa rốt ráo.

Khi ta hiểu rõ lý sự rồi, thì sự tu không chán. Như người phát cỏ, càng phát càng trống, đất rộng nên mới ham phát.

Khi công phu ngồi kiết già sẽ có một tư thế tạo ra sức khỏe cho thân. Mặc dù mình biết chuyển nắm âm dương bên trong mà thiếu sức khỏe thì khó tiến đạo đến mức cao xa. Mình ngồi có thế thì mình gom mới mạnh. Gom mạnh mới chuyển đến chỗ tế nhị được. Lúc đó tâm phải cẩn mật lắm mới chu đáo. Nếu để hở một chút điện lực vọng tưởng phóng tán ra khó gom lại khó phá tan.

Như con ngựa chứng, mình phải biết phương pháp để trị nó trở lại thuần. Nếu không biết thì ngựa né qua né lại, nhào tới nhào lui, rất khó làm cho nó thuần.

Nên biết cái nào đáng xả thì xả, cái nào đáng giữ thì giữ. Giới không phải tánh, muốn thấy tánh phải giữ giới. Pháp không phải tánh, muốn thấy tánh cần phải chuyển pháp.

Chuyển gom đến chỗ tế rồi điện lực nó mếm yếu, dù nó có phóng tán ra, gom lại cũng dễ. Nhưng phá tan nó thật rất khó, vì nó rất dẻo dai.

Tu hành phải từ từ mà tiến, đừng nên vội gấp mà thối chí ngã lòng.

Nếu mình không nhận thấu vô dư tịch tịnh, thì cứ trụ mãi trong hữu dư. Mình không rõ vô dư thì cứ bị trong bầu điện tử vọng mê thôi. Khi đạt được vô dư, đó là đi đến chỗ chơn tâm.

Khi còn trong thân hữu dư nghiệp này, ta đừng trụ trong thân theo pháp chuyển đó. Vì tánh định không phải là pháp kia.

Ta phải làm cho rỗng rang như vây trơn trợt, không rễ nhánh, không ai nắm kéo được.

Người đói đều muốn no. Như cơm dọn ra, nếu không ăn cơm làm sao thấy no và thiệt khỏe. Tu không hành pháp để nắm được chỗ chơn tế thì không an tịnh được. Ta phải tinh tấn, tiếc mót ngày giờ. Cố gắng công phu không lúc nào giải đãi. Người tu khi thấy sự tịch tịnh rồi, không bao giờ chịu bỏ mất thì giờ.

Khi mình chăm chú theo chỗ chuyển pháp đó, thì nó mượn tư tưởng đó mà sanh khởi. Đó là tại ta không hiểu biết. Còn ta biết tách rời tâm và pháp ra rồi mới được an tịnh đó gọi là ly pháp. Như tay ta cầm hột đạn tròn dồi lên dồi xuống, khi quen thuần rồi không cần để ý nữa nó vẫn dồi lên dồi xuống.
Như ta gom chuyển pháp ở chỗ đó mà ta không để ý đến chỗ đó nữa, pháp ấy trở thành như cái máy vô tri nên nó không sanh khởi vọng động nữa.

Sự tách rời nhân duyên là cần yếu. Công phu đó mới đạt tới chỗ nhiệm mầu. Nhưng khi gom chuyển còn thô quá mà muốn tách rời thì công phu càng khó.

Người biết lý giải thoát mà không hành được an tịnh vững vàng thì trong tâm xốn xang khổ não lắm.

Đây là cốt yếu chỉ rõ tướng trạng trong chỗ hành Đạo, không phải rộng luận các việc thông thường.

Tu hành phải cố gắng công phu. Dụ như cọ cây lấy lửa. Cọ cây vừa nóng, bỏ đi rồi trở lại cọ, làm như vậy biết bao giờ có lửa được.

Phải cố gắng! Cố gắng!

PHÂN BIỆT CÁC THIỀN

Đã giảng chơn tâm vọng tâm, nay phân biệt các thiền YOGA, niệm Phật có khác gì với pháp thiền đang tu đây không ?

Ở trong nhà muốn thấy sân, trước phải thấy nhà. Định của các pháp tùy theo nhân duyên mà định, như hai tay nắm chấp lại. Vì do thần sanh pháp, tư tưởng có cao thấp, thanh trược tương đối, vô ký nên không đạt đến giải thoát.

Trước khảo cứu về thân tâm, thấy thân có định, mà định có nhập có xuất, thuộc về thâu thần nên không toàn an. Do các năng lực kết hợp lại làm cho định ló rồi lần lần lơi ra, như bàn tay nắm xiết lại một hồi rồi yếu mãi sẽ lơi ra.

Tu Yoga dùng các tư thế chuyển thân để cho thần kích khởi phát lên mạnh hình như định, nhưng rồi sẽ tan lần khi thần yếu.

Nếu ta đem định này phá tan định kia thì không rốt ráo thí như hai thứ nước ngọt và nước mặn hòa lại sớt qua sớt lại mà tìm thứ nước ngọt thì không thể có. Nếu ta biết đem pháp nấu thanh lọc mới được nước ngọt. Nhưng đó cũng như tiên gia lọc lược, như nước hóa hơi, rồi gặp duyên sẽ tụ thành nước nữa.
Đời không lối ra, như người đời tìm học làm quan để cho được giàu sang mãi nhưng rốt rồi cũng tàn tạ, đó là không lối ra. Còn tu nếu cố gắng chay lạt thu thúc mà không tỏ ngộ, đến già hoặc sanh tật ham muốn, sân nộ . . . đó là không lối thoát.

Tu như cây khô mong gặp nước. Nhè gặp thứ nước danh lợi tài tình, nó càng thấm nhiều lại càng làm cho mau mục.

Nếu chỉ hành pháp vô thường khác nào như ăn cơm uống nước lâu năm, mà một ngày không ăn uống thì cũng bị đói khát như thường, đó là như tu pháp niệm Phật, pháp Yoga.

Ta tu làm sao như người nghiền rượu mà bỏ rượu hoàn toàn dù ngồi quán rượu nói rượu cũng không dính líu.

Tu cần phải tìm chỗ an nghỉ. Chớ nên tu cái định trơ trơ cảnh náo động một bên vẫn không hay không biết, như thế làm sao thấu đạt chơn lý. Đó là thoái hóa.

Nếu mình không tịnh tâm được, cố định rồi tan, tan rồi định đó là ở chỗ nhân duyên. Như việc tu tịnh độ, phải thấu rõ ý nghĩa. Còn thực hành phải hiểu biết cái nhân, tại sao có giận, từ đâu mà giận.

Tỷ như ta cố gom cho định, ngắt không hay, khác nào ta lặn sâu xuống biển, ở trên dù cho có ai chọi lựu đạn cũng không hay biết. Nhưng khi trồi đầu lên nó phục kích rồi cũng chết.

Như Đức Phật xưa kia, khi đi tìm tu với các tiên gia thấy tam tâm tứ tướng chưa thoát, nên tự tìm đến chỗ chơn tánh.

Như ông tổ Thần Y nếm cỏ bị độc, nhiều khi bị chết giấc, phải tìm thuốc giã. Người tu Thiền đã chết giấc nhiều trong thiền, sau đến chỗ an nhiên tự chủ và rõ thấu các bịnh thiền của người khác.

Như Ngài Ca Diếp tuy đã được định cao, mà khi gặp Phật khai ngộ, ông tự tiến mà không trụ chỗ định xưa.

Người tu thiền mà biết làm thuốc, xem mạch là vì rõ biết từ nhân duyên này chuyển biến đến nhân duyên khác, nhờ sự kinh nghiệm ngay trong bản thân mà biết được.

Vì thế, nên biết người tu thiền Yoga, niệm Phật, gom xiết một lúc, sau lại bị tan rơi vọng loạn.
Như mình có định ló rồi, không phải mình nhập vào định đó mà có.
Không phải mình gia nhập vào quân đội này qua quân đội kia mà hết giặc, cũng chỉ là ở trong thế gian mà thôi.

Nếu hiệp cái này hiệp cái kia để cho mạnh đặng rút lui cái khác, có ngày cũng bị nó rút lui lại.

Các cái định không phải do hiệp lại mà có. Như ở trong đời ta không bị sắc dục tài tình lôi cuốn, ta mới tự tại. Như ông thầy tu đi đâu dù gặp quân đội cũng không sợ giết hại.

Cái định của mình cũng vậy. Khi mình hiểu biết cái sanh diệt của định, hành lần lần rồi sẽ mở rộng ra khỏi sanh diệt . Như người mới xuất gia, thấy sự sống eo hẹp khó sống. Xuất gia lâu rồi mới thấy được sự sống rộng rãi vì do tài đức đầy đủ.

Người tu Giải Thoát chỉ tạo phước báu Vô Lậu mà thôi. Như người tu Thiền, dù được cũng không trụ nơi chỗ được. Còn người thế gian ham khoe của Hữu Lậu, đeo hột xoàn để kết lòng tham cho đời, họ sẽ bị cướp hại dù có gác-đờ-co cũng không giữ được.

Phật xưa nói chỗ vọng để chỉ chỗ chơn, nói chỗ tương đối để chỉ chỗ tuyệt đối.
Pháp thiền đây chỉ cho tu, nếu mình chấp mà trụ thì hoàn toàn không thông.
Trong các nghiệp nếu ta hiểu rõ thì có gì ngại. Còn tu thiền mà dành qua lấn lại thì khác nào phát cỏ tranh.
Ta có tâm sẵn có, làm sao ta an trụ được mới thanh tịnh vô ngại. Nếu ta không hiểu biết nói : có trời làm chủ tể sanh ra vạn vật, chớ có dè đâu như các vị thuốc hợp lại thì nó có cái tánh khác, đó là do nhân duyên hợp.

Nếu không hiểu, khác nào như tay đeo đồng hồ tự động mà tin có một vị thần điểu khiển đồng hồ.
Tu thiền có đủ thứ thiền: Có phàm phu thiền, khoa học thiền, tiên thiền, thánh thiền .v.v. . . Các thiền đó đều có ở trong thân ta. Nếu ta tu, biết rõ rồi, phải ra khỏi hết các thứ thiền đó.

Nếu không biết, như người bạn rủ đi ăn trộm, bạn bảo làm cái gì thì mình làm cái nấy. Đến rốt cuộc bị chủ bắt được phải chịu khổ.

Danh từ không đủ bảo đảm. Mình nghe họ đặt tên định này định kia đủ thứ mà mình tin đó sẽ bị lầm.

Như danh từ La Hán nói là vô sanh mà còn trở lại làm Bồ Tát để tiến lên Phật. Rồi nói Bồ Tát là cao mà cho là hơn La Hán . . .

Tu do không hiểu mà cứ tụng niệm, cúng vái khác nào nhai đi nhai lại lời cha mẹ. Hay khi nào cha mẹ có bịnh rồi vái cúng một thùng dầu, phẩm vật nhiều ít gì đó. . . bịnh hết nói là có lòng, bịnh không hết đổ là tại không có lòng, không dè tại vì mê tín.

Đó là nói: Tu cái Định này lầm rồi sang cái Định khác, Định khác chưa thỏa mãn rồi sang Định khác, cũng như các việc hiểu về mê tín cầu vái vậy.

Tu Thiền phải hiểu ý cho đúng đắn. Nếu không hiểu thì nói tu cách nào cũng được. Như ta không biết tiếng Anh, tiếng Tàu, có ai ngồi một bên nói ta đều không hiểu.

Vạn sự khởi đầu nam! Ta phải tìm hiểu cho thấu đáo rồi hạ thủ công phu mới khỏi bị lầm sai.

Trạng thái tâm tư của người Định Giải Thoát như thế nào ?
Dụ như người hiểu chữ hiểu nghĩa, rõ thông lý, không ai bẻ gãy.
Dụ như người bịnh nhát gió, kỵ mù sương, dù ở chỗ kín cũng bị gió sương nhập. Còn người mạnh có nắng có gió càng thêm khỏe.

Như người đắc đạo, có người thương mình mà không bị sa lụy và đau khổ. Đó là sự lợi lạc thiết thật vậy.
Nếu ta còn nhờ cảnh vật chất để làm trợ duyên cho thân mà ta bị khổ, đó là không giải thoát.
Dù cho có người đến hộ Đạo đông đảo, vẫn không có gì là bận rộn, mà lại trợ duyên cho ta được giải thoát.
Như người thợ giỏi, dù có ai phá hư một phần nào trong cái nhà của mình đang dở giàn trò, cũng sửa lại tốt đẹp không có gì chướng ngại.

Tâm ta định rồi thì không có gì sai lầm giả vọng, lúc nào cũng không thất bại, không bị hư hỏng, như người trí sáng, việc gì cũng không che lấp, mê mờ, biến chuyển được. Đó là trạng thái được định giải thoát vậy.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên