Vì càng nỗ lực để thấy càng không thể thấy

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Câu hỏi:
Thưa thầy. Con đang ở Huế. Con không có điều kiện được tu ở chùa. Con thấy cuộc sống đầy những khổ đau, con đã đau khổ. Con tìm thấy bình an ở những tác phẩm văn học Phật Giáo. Con muốn tu tập ở nhà nhưng con không biết bắt đầu từ đâu. Mong thầy chỉ dạy cho cho con.

Trả lời:
Con nên đọc thêm kinh sách để có nhận thức đúng về Phật pháp. Hiểu đúng đạo lý thì tu tập mới có hiệu quả. Chỉ cần hiểu sai một ly trên giáo lý là tu tập sai đi một dặm. Con có thể vào mục Thư Viện để đọc sách, hay mục Pháp Thoại để nghe giảng ngay trên trang web này. Có điều gì không hiểu thì hỏi ở mục Hỏi Đáp. Con cũng nên xem lại những câu hỏi đáp trong mục này để trau dồi thêm giáo lý.
Nguyên tắc tu tập là luôn biết mình trong từng hành động, nói năng, suy nghĩ. Hễ quên mình là thất niệm, không biết mình là si mê. Không quên mình gọi là chánh niệm, biết mình là tỉnh giác. Hàng ngày hành động, nói năng, suy nghĩ đều chánh niệm tỉnh giác thì sẽ không có phiền não khổ đau. Để dễ thực hiện chánh niệm tỉnh giác con nên tập thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi sinh hoạt thân tâm tức là đã tu tập rất tốt. Đừng nên quá tin tưởng vào tha lực mà sinh ra mê tín dị đoan.

Câu hỏi:
Thưa Thầy con có 2 câu hỏi: 1/ Một thiền sinh hành thiền quán làm thế nào biết chắc chắn rằng mình thấy đúng thực tánh hay chưa? 2/ Một người hành thiền quán có cần một thiền sư trực tiếp chỉ dẫn hay chỉ cần tham khảo kinh sách? Con xin cảm tạ công đức Pháp thí của Thầy!

Trả lời:
1) Thực tánh xuất hiện khi thấy biết hoàn toàn lặng lẽ trong sáng, không bị một khái niệm nào của lý trí xen vào. Con có thể học và hiểu thực tánh là gì nhưng đó chỉ là khái niệm về thực tánh chứ không phải thực tánh. Nhiều người do học hiểu Phật Pháp rất rành rẽ nên khi hành thiền đã bị cái hiểu đó đánh lừa, tưởng đã thấy tánh mà thực ra đó chỉ là phóng ảnh của khái niệm, vì hiểu vẫn còn qua khái niệm của thức tri, chưa phải là tuệ tri làm sao thấy được thực tánh! Con cần lưu ý một điều là không phải con thấy, nên đừng cố gắng để thấy hay để "chắc chắn rằng mình đã thấy đúng thực tánh hay chưa?". Vì càng nỗ lực để thấy càng không thể thấy thực tánh. Nhưng ngay khi buông ra mọi ham muốn tìm kiếm một sự xác định thực tánh thì thực tánh liền xuất hiện.
2) Điều quan trọng không phải là cần hay không cần một thiền sư, mà là con có thực sự thông suốt được thiền quán là gì hay không. Khi con không thông suốt được thiền quán là gì làm sao con biết được sách nào và thiền sư nào nói đúng để hành theo? Con có thể nghiên cứu kinh sách hay tham vấn nhiều vị thiền sư, nhưng chính con phải thấy ra thiền thật sự là gì, nếu không mọi phương pháp hành trì thiền quán đều vô ích. Đặc biệt trong thiền quán Vipassanà thấy tức là hành chứ không áp dụng một phương pháp nào để hành cả. Thấy là tánh biết thấy trực tiếp ngay lập tức không thể thấy qua phương pháp nào được. Vậy hãy thận trọng đừng vội áp dụng bất cứ phương pháp nào để hành cả.

Câu hỏi:
Con thưa thầy. Có phải buông bỏ tất cả để trở về thực tại tức là xả bỏ hết phương tiện, niềm tin, niềm vui, mục đích... như con được đọc trong những cuốn sách của thầy không? Để giáp mặt với thực tại - trọn vẹn như nó đang là, với hai bàn tay trắng, không cần phải đòi hỏi thêm tài năng hay điều kiện gì cả. Ở đó mọi buồn vui được mất của cuộc sống muôn đời mà ta sống hòa trong đó - có những giọt nước mắt và có cả những nụ cười... Và điều quan trọng nhất còn lại sau khi đã bỏ phương tiện, bỏ cứu cánh đó là "tánh biết" thấy rõ những giọt nước mặt và nụ cười đó là 1 điều hiển nhiên của tự nhiên, của sự sống, của nhân qủa muôn đời. Để rồi 1 ngày kia "tánh biết" đó đủ dũng lực, sáng suốt sẽ ôm trọn nước mắt và nụ cười trong trạng thái im lặng tuyệt đối, vô ngại đi vào dòng đời, sống có ích cho mình và những người xung quanh, chỉ với thực tại đang là và hai bàn tay trắng. Con thưa thầy đó có phải là mục đích của thiền?

Trả lời:
Buông bỏ cái gì để trở về thực tại khi ngay đó chính là thực tại? Chỉ có buông bỏ cái ta ảo tưởng trong thái độ ứng xử với thực tại mà thôi. Cái ta luôn tạo ra phương tiện và mục đích để đạt tới ở tương lai, rồi bỏ quên thực tại. Bỏ quên thực tại gọi là thất niệm hay bất tại. Quên thực tại nên không thấy thực tánh pháp, đó là thất giác hay vô minh. Buông cái ta ảo tưởng xuống thì ngay đó có chánh niệm tỉnh giác. Có chánh niệm tỉnh giác thì cần gì phải buông bỏ vui buồn. Nếu buông bỏ hết vui buồn v.v... thì làm sao thấy được thực tánh của vui buồn v.v... ngay nơi thực tại? Vì vậy, không phải buông bỏ vui buồn... mà là buông bỏ thái độ lăng xăng của bản ngã đối với trạng thái vui buồn đó. Tất cả cái gọi là tài năng chỉ là công cụ của bản ngã dùng để chọn lựa pháp theo tư ý tư dục hay vô minh dục vọng của mình. Nói cách khác tài năng chỉ để bản ngã thực hiện phương tiện và mục đích nó đã đề ra. Chính là buông tất cả tiểu xảo đó của bản ngã để tánh biết trong sáng tự nhiên thấy ra bản chất thật của vạn pháp. Như vậy buông bỏ chính là mục đích chứ không phải buông bỏ là phương tiện đạt đến mục đích nào khác. Khi buông bỏ thì không có bản ngã, không có bản ngã thì ngay đó đã là chân đế rốt ráo rồi. Nhớ rằng khi bản ngã đã được buông xuống thì lập tức tánh biết tự phát huy trọn vẹn sự trong sáng tự nhiên vốn đã đầy đủ, chứ không cần đợi đến một ngày kia đủ dũng lực trong sáng mới tự tại vô ngại trong vạn pháp. Buông sự tạo tác lăng xăng của bản ngã để tánh thấy tự chiếu đó là thiền, là sống thuận pháp, vô ngã vị tha.

my.opera.com/sanyasins/blog/phat
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Không thể loại trừ chúng bằng cái ta ý chí


Câu hỏi:
Thưa Thầy! Người cư sĩ nếu lỡ phạm giới thì có nhất thiết phải đến chùa thọ giới lại không? Vì không phải ai cũng có đủ duyên đến chùa thường xuyên để thọ lại năm giới.

Trả lời:
Tâm lý, người sai phạm khi đối trước người khác, nhất là bậc tôn túc, ở nơi tôn nghiêm, để xin sám hối và nguyện sửa sai thì dễ trở lại trong sạch hơn, do đó người ta thường đi chùa để xin sám hối và thọ giới lại với một vị Tăng để bày tỏ quyết tâm điều chỉnh sai phạm của mình. Tuy nhiên nhiều người sợ tội và nghĩ rằng đi đến chùa thọ giới lại cho hết tội là rất sai lầm. Tốt nhất là người phạm giới có ý thức trách nhiệm về hành vi của mình chứ không tìm cách chạy tội để có được cảm giác an toàn. Trong trường hợp này chẳng thà chịu ray rứt ăn năn còn hơn có được cảm giác yên tâm giả tạo. Cần thận trọng quan sát hành vi của mình để biết mình đã sai phạm điều gì, ở mức độ nào, tính chất và nguyên nhân ra sao... để tự điều chỉnh chính hành vi của mình mới thật sự là thành tâm sám hối và sửa sai. Bất cứ ở đâu con nhận biết sai lầm của mình và sửa sai ngay tại đó đều tốt cả, chứ không nhất thiết đợi đến chùa thọ giới lại cho yên tâm mới là tốt đâu.

Câu hỏi:
Thưa thầy! Khi cúng bánh trái, vật thực đến các cô hồn ngạ quỷ thì họ có nhận được không ạ? Con xin cám ơn thầy!

Trả lời:
Cúng bánh trái, vật thực cho cô hồn, ngạ quỷ họ không nhận được đâu con. Ngay cả người xứ này có khi còn không ăn được vật thực xứ khác huống chi vật thực cõi người làm sao cõi ngạ quỷ ăn được? Tuy nhiên họ có thể cảm thấy được an ủi khi thấy con cháu còn nhớ tới mình. Cô hồn ngạ quỷ chỉ có thể nhận được phước báu do thân nhân làm rồi hồi hướng đến họ. Cụ thể là con nên bố thí vật thực cho người nghèo hoặc để bát cúng dường đến chư Tăng rồi thành tâm hồi hướng đến họ thì họ sẽ hưởng được những phước báu như là một loại vật thực của cõi ngạ quỷ.

Câu hỏi:
Con có tập giữ bát quan trai giới vào các ngày mồng 5,8,14,15,20,23,29,30. Các chi giới như là sát sinh, tà dâm, trộm cắp thì con không băn khoăn. Nhưng các chi gần cuối thì con hay băn khoăn. Ví dụ là "không nằm, ngồi nơi quá cao và xinh đẹp" nên con cứ ngồi trên giường hay ghế sa-lông là lại bị hồi hộp trạo cử vì không biết có phạm giới hay không? Chi giới "không thoa các chất thơm, trang điểm..." thì khi tắm con cứ ngại là dùng dầu gội đầu hay xà bông thì sẽ bị phạm giới. Không biết với người tại gia thì tiêu chuẩn giường và ghế thế nào là quá cao rộng và đẹp đẽ ạ? Con muốn có những ngày Trai giới chu toàn, xin quý thầy cho lời khuyên để thực hiện trai giới tốt hơn ạ. Con xin cảm ơn.

Trả lời:
Thực ra giữ Bát quan trai giới có mục đích để tập sống giản dị, không để quá lệ thuộc vào tiện nghi vật chất (nằm ngồi nơi quá cao sang, say mê ăn uống) hay dính mắc vào những thói quen mê đắm (âm nhạc, trang điểm, nước hoa v.v...) Con ngồi trên ghế salon hoặc tắm gội bằng xà-bông chứ đâu phải trang điểm hay xức dầu thơm gì nên không sao. Hơn nữa, ngoại trừ ngũ giới nếu phạm thì có tội, những giới còn lại trong bát quan trai giữ được thì có phước, giữ không được thì không có phước chứ không có tội nên con đừng sợ.

Câu hỏi:
Thưa thầy con có thắc mắc điều này: nếu một người tại gia hỏi một người xuất gia rằng thầy đã chứng được Thánh Đạo hay Thánh Quả nào chưa, nếu vị xuất gia đó quả thực đã đắc đạo và quả thì vị ấy nên trả lời thế nào để không phạm giới luật? (Vì con thấy trong luật tạng có luật cấm tiết lộ quả chứng đến người chưa thọ đại giới.)

Trả lời:
Đạo Quả của những bậc Thánh chỉ để đức Phật xác nhận trình độ thực chứng của một hành giả, chứ không ai tự xưng mình đắc Đạo Quả cả. Hành giả có thể nói: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Tam Bảo, hoặc tôi đã buông gánh nặng xuống v.v... Dù đắc Thánh Quả không ai đi khoe khoang, khoe khoang chứng tỏ chưa đắc, vì Thánh nhân đâu còn cái ngã để tự hào, để muốn mọi người biết đến. Còn nếu chưa đắc mà khoe thì phạm tội Bất Cộng Trụ, bị trục xuất ra khỏi Tăng-già.

Câu hỏi:
Thưa Thầy! Xin Thầy cho con hỏi người tu hành tu đến mức nào thì mới tin nhân quả 100%, đến mức nào thì mới thấy rõ nhân quả không sai lạc? Con cảm ơn Thầy!

Trả lời:
Khi nào tâm con không còn bị ngăn che bởi khái niệm, tư tưởng, tình cảm, lý trí chủ quan v.v. thi lập tức thấy ngay nhân quả. Nhưng chính khi con đưa ra mức thời gian thì tâm con đã bị vướng bận rồi đó. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại, hay phản ánh thực tại với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, thì tự khắc con sẽ thấy ngay nhân quả không thể nào sai lệch được.

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Con cảm thấy khi ngồi hành thiền quán thời gian càng lâu thì tâm càng lắng đọng và tỉnh thức. Nhưng có một vấn đề là khi ngồi được khoảng 1 tiếng rưỡi lưng và đầu gối con bắt đầu đau. Theo Thầy con nên ngồi cho cơn đau biến mất hay thay đổi tư thế cho đỡ đau? Hay ngay từ lúc đầu con nên chọn tư thế ngồi cho được lâu mà không phải dịch chuyển? (chẳng hạn như ngồi trên ghế dựa lưng) Con kính mong thầy chỉ dạy!

Trả lời:
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Tại sao con không thiền trong mọi lúc mọi tư thế đang diễn biến để khỏi phải phân vân có nên thay đổi tư thế hay không. Lúc ngồi thì cứ ngồi, ngồi sao cũng được, nhưng đừng quan tâm đến thời gian. Bởi vì thời gian chính là tâm mong đợi một kết quả, nghĩa là luôn bất an. Nếu con thực sự tĩnh lặng và trong sáng thì cả ngồi lẫn thời gian đều không còn ý nghĩa gì cả, vậy sao con phải bận tâm?

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Nghiệp xấu hôm nay mình phải nhận là do nhân từ nhiều kiếp trước mình đã gây cho 1 người nào đó mà hôm nay họ đầu thai lên báo oán lại mình (mà phần nhiều là anh em ruột, cha mẹ). Theo con nghĩ thì tất cả mọi người đều phải chịu kể cả Quí Thầy, Quí Cô. Nhưng người tu hành có thể chấm dứt được bằng cách xuất gia tu hành, còn hàng Phật Tử chúng con thì không thể. Quan niệm của con là chấp nhận trả nghiệp không oán than, nhưng con sợ rằng kiếp sau họ phải trả nghiệp cho con vì kiếp nầy họ gây ra. Xin Thầy cho con hỏi Đức PHẬT có chỉ cách giải nghiệp hay không? Nếu có, xin Thầy chỉ dùm. Nếu không, xin Thầy chỉ theo sự kinh nghiệm tu hành của Thầy. Nếu cứ oan oan tương báo hoài thì biết đời nào chấm dứt khổ quả. Chúc Thầy nhiều sức khỏe để dìu dắt chúng con trên đường Đạo. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Trả lời:
Giải nghiệp có ba cách:
1) Chấp nhận trả quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo
2) Sám hối nghiệp đã gây ra trong quá khứ
3) Tránh làm việc hại mình hại người, thường làm những việc tốt lành lợi mình lợi người.
Ai làm được ba điều trên đều có thể giải nghiệp bất luận là người xuất gia hay tại gia. Trả quả có thể do báo oán, nhưng dù không ai báo oán thì cũng có thể gặt quả theo duyên khác. Ví dụ giết một vị Alahán thì vị ấy đâu có báo oán mà vẫn chịu quả khổ trong địa ngục.

Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy, Để hiểu biết rõ thêm về việc học và hành Pháp. Con có 2 câu hỏi xin Thầy chỉ dạy thêm: 1) Làm thế nào để biết được đâu là Chánh Pháp mà đức Phật thật sự chỉ dạy cho chúng ta hành theo, và đâu không phải Pháp? 2) Khi các ô nhiễm như Tham muốn, Sân hận, Si mê, Hoài nghi, Ngã mạn nổi lên trong tâm. Bằng cách nào chúng ta thanh lọc các ô nhiễm này? Con rất tri ân Thầy.

Trả lời:

1) Pháp mà đức Phật dạy được gọi là chánh Pháp vì Pháp ấy chỉ bày cho chúng ta thấy sự thật. Nương nơi những lời dạy chân chánh ấy chúng ta thấy ra sự thật đã sẵn có nơi chính mình và cuộc sống, nhờ vậy chúng ta biết sống thuận Pháp, thấy rõ đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân đâu là giả, không bị đánh lừa bởi ảo tưởng do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Tuy nhiên cần lưu ý: lời dạy của đức Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay để thấy trăng chứ đừng tưởng lầm ngón tay là mặt trăng. Quá chú ý vào ngón tay, quan trọng hóa ngón tay, diễn dịch quá nhiều về ngón tay có thể đánh lạc hướng ngón tay muốn chỉ, do đó không thấy được mặt trăng mà chỉ thấy cái mình diễn dịch. Pháp do tư kiến diễn dịch không đúng sự thật, dù là diễn dịch lời Phật dạy, hay tà kiến đều không thể giúp thấy được sự thật, mà chỉ tăng trưởng vô minh ái dục mà thôi nên gọi là tà Pháp, không phải chánh Pháp.
2) Do không thấy sự thật (vô minh) nên các phiền não tham, sân, si, ngã mạn, trạo cử v.v... mới sinh khởi. Không thể loại trừ chúng bằng cái ta ý chí, vì như vậy chỉ dồn chúng vào vô thức. Ở đó chúng vẫn âm thầm lớn mạnh và chờ cơ hội sinh khởi trở lại. Đồng thời cái ta cũng sâu dày thêm. Chỉ có thận trọng, chú tâm, quan sát chúng một cách vô tư trong sáng để thấy biết sự sinh diệt trong điều kiện tự nhiên thì mới thấy được bản chất thật của chúng. Thấy như vậy thiền Nguyên Thủy gọi là ***, Thiền Tông gọi là kiến tánh. Cái thấy đó cũng chính là minh. Trong minh tất cà phiền não đều tự diệt.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên