Hỏa Địa Tấn
晉: 康侯用錫馬蕃庶, 晝日三接.
Tấn: Khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp.
Trên nói “Độn” nghĩa là lui về; ở đây “Tấn” lại có nghĩa là tiến lên.; “tiến lui” cũng như “cương nhu” là những nhóm cách xử thế tùy thời cơ phổ biến mà phàm làm người khi hành sự đều dùng tới. Trong “tiến”, “lui”, “cương”, “nhu” lại chia nhỏ thêm ra thành nhiều loại khác nhau, trong các tình huống cụ thể, đa dạng biến hóa vô cùng. Do đó cùng một sự việc, cùng một hoàn cảnh, cùng một đối tượng nhưng khác cách ứng xử thì sẽ sinh ra vô vàn các kết quả khác nhau.
Khổng Phu Tử nói: “Bất học Thi, vô dĩ ngôn”, “Bất học Lễ, vô dĩ lập” – nghĩa là chẳng học Kinh Thi thì chẳng biết nói năng ứng đáp ra sao; chẳng học Kinh Lễ thì chẳng biết điều khiển hành vi cử chỉ thế nào; ấy là bậc Hiền nhân lo cho hiện thời và mai sau nên cẩn trọng mà soạn đặt, tự mình học tập để làm gương, rồi truyền trao lại cho hậu thế, để khi tới độ tuổi cất bước vào Đời được nhiều sự lợi ích lớn lao, tránh được những sự khó khăn không lường trước hết được. Đúng thật là quá đỗi mẫu mực và vô cùng chu đáo. Cảm thán thay !
Kinh nói: Tấn, khang Hầu dụng tích mã phồn thứ.
“Khang” nghĩa là khỏe mạnh, là bình an. “Hầu” nghĩa là tước Hầu, một trong năm tước quý Vua ban (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) như đã nói trước đây; nó cũng có nghĩa là “cái đích” - như tấm bia sử dụng trong thi bắn cung. “Dụng” nghĩa là sử dụng. “Tích” nghĩa là gậy chống, người ta hay nói tích trượng – gậy chống của các vị Đại đức Cao Tăng, đại diện cho Đạo Đức cao thâm). “Mã” là con ngựa, đại biểu cho sức mạnh sự bền bỉ dẻo dai. “Phồn” nghĩa là sinh sôi. “Thứ” nghĩa là nhiều; là dân thường.
Toàn câu Kinh trên nghĩa là: Tiến lên - cố gắng phấn đấu không ngừng - trở thành Quan phụ mẫu, mang lại ấm no hạnh phúc cho Dân, biết sử dụng Đức Tài làm gậy chống (làm điểm tựa), thật mạnh mẽ bền bỉ và dẻo dai, để khiến cho đời sống nhân dân được sinh sôi phồn thịnh.
Người làm Quan là cha mẹ của dân (“Quan vi dân phụ mẫu”), dân có việc phải lo thì Quan chưa thể yên tâm an dưỡng. Nay nói “khang Hầu” là Quan an yên thế thì dân nơi xứ mà được Quan quản trị đang được ổn định, đời sống đang được ấm no hạnh phúc.
Chúng ta đi tới các vùng các xứ, thấy ghi chữ “Làng văn hóa”, “gia đình văn hóa” v..v ý chỉ là vùng ấy chỗ ấy, người dân cư xử với nhau có Tình có Nghĩa, có Đạo có Lý, do đó mới gọi là “văn hóa”. Các mối quan hệ tương tác như: chồng vợ, cha con, anh em , hàng xóm, bạn bè, huynh đệ, tỷ muội v..v đều hòa thuận vui vẻ, tương trợ lẫn nhau, ấy cũng gọi là “văn hóa”. Xứ mà Quan trị vì, nhà nhà văn hóa, người người văn hóa thì xứ ấy Quan khéo trị dân, Quan đó có công với Nước, xứng với bổng lộc Vua ban (lương bổng – trích ra từ tiền thuế mà dân đóng góp, thông qua lao động của chính họ). Vì thế làm cha mẹ của dân, thì Quan phải là người có Đức có Tài, mới hòng làm dân yên nước ổn, thịnh trị thái bình, như thế mới gọi là “khang Hầu”.
Lấy “Hầu” làm đích để phấn đấu, để tiến lên thì phải rõ cái Đạo Hạnh, Tài Trí mà tước Hầu đòi hỏi, phải thấy rõ trách nhiệm cao cả mà tước Hầu đảm đương, gánh vác; mà tự xét tự rèn sao cho trên thì không thẹn với Trời, với Vua; dưới không thẹn với Dân với Đất nước. Như thế mới là đạo “tiến lên” mà Thánh nhân răn dạy.
Kinh nói: Trú nhật tam tiếp.
“Trú nhật” nghĩa là buổi sáng trong một ngày. “Tiếp” nghĩa là tiếp đón, cũng có nghĩa là liên tục. “Tam” là ba.
Vua và các Đại thần ngày xưa thường Thiết triều nghị sự (họp bàn việc nước) khoảng từ 5-7 giờ sáng, sau đó Quan trở về địa phận, nếu có tiếp Dân hay tiếp khách thì diễn ra tiếp tục từ 7-9 giờ. Việc tiếp dân có khi trong một tuần chỉ diễn ra 2-3 lần. Chính vì vậy mà sau này Bao Thanh Thiên, có Đức thương dân, đặt trước Khai phong phủ, dán cáo thị rằng: Hễ dân có gì oan khuất, bất kể ngày giờ, cứ đánh vào trống này thì lập tức thăng đường; việc làm ấy cảm tới lòng dân, cho nên được tán dương tôn thờ; sau này trở thành huyền thoại và người ta đã dựng thành phim truyền hình, tất nhiên có thay đổi tăng thêm nhiều tình tiết hư cấu, nhằm mục đích tăng sự hấp dẫn cho người xem, nhưng về cơ bản thì vẫn lột tả được sự Thanh liêm của Ông.
Quay lại lời Kinh, các quan tiếp dân 2-3 lần trong tuần không bỏ cũng đã được coi là siêng lo chính sự, nay lại tiếp tới ba lần chỉ có một buổi sáng “trú nhật tam tiếp” thì muốn chỉ cho cái sự siêng năng, bận rộn chăm lo việc Nước việc dân của vị quan ấy là hiếm có. Thánh nhân dùng lời ấy vừa làm mục tiêu cho người làm Quan xưa và nay phấn đấu, vừa nhằm chỉ cho Đạo đức của người làm Quan là cần siêng năng làm việc, không nên ngại khó khổ; luôn cố gắng như vậy thì đảm đương được trọng trạch mà Nhà nước và Nhân dân tin yêu trao gửi.