KINH DỊCH có gì hay ?

KINH DỊCH có gì hay ?

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751425371952.webp

Thiên Sơn Độn
遯: 亨, 小利貞.
Độn: Hanh, tiểu lợi trinh.

Kinh nói: Độn, hanh.

“Độn” có nghĩa là trốn lánh, là lui về, là thoát đi. Người Quân tử trí cao muôn trượng, hoài bão tựa biển khơi, đạp bằng chông gai mà đi, thế thì có khó khăn chướng ngại nào mà phải “trốn lánh” nghe sao nó thảm thương tới như vậy ? Người xưa nói : “tồn thân viễn họa” – đứng trước tai họa phải khéo bảo toàn bản thân mình, cái thứ “tai họa” mà người Quân tử cần phải trốn lánh đó là “tai họa” do thời thế xoay vần tạo nên.

Dân gian có câu : “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” – trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, nghĩa là giống loài nào thì đi theo giống loài ấy, người học đạo Tu – Tề - Trị - Bình, kính trọng Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín thì không thể vào hùa với kẻ Bất Nhân – Bất Nghĩa – Thất lễ - Thất tín và Si cuồng cho được, tại vì như thế thì chẳng những xóa nhòa hoài bão cùng lý tưởng sống của chính mình, lại khiến cho ngàn vạn đời sau nhìn vào nêu tên nguyền rủa. Bởi Tài cao Trí lớn phải dựng Quốc an Bang, lập nên công trạng mà lưu danh sử sách. Trịnh Quốc Công cũng là một người thức thời như thế, cuối Triều Lê sơ, quan lại chỉ lo hưởng lạc, nội bộ thì tranh giành quyền lực, hãm hại lẫn nhau, đây là thời “pháp nhược ma cường”, là thời “Quốc chi tương vong, tất hữu yêu nghiệt” – Sự diệt vong của một Quốc gia, tất có điềm xấu báo trước, điềm xấu ở đây chính là “tham quan ô lại”, hại nước hại dân, tham hưởng dục lạc, bỏ bê chính sự, kết bè kết cánh, mưu tính lợi riêng; “điềm báo” ấy ứng với hoàn cảnh cuối Lê sơ, do đó Trình Công mới tạm thời lánh cái “nạn” này. Ấy là thức thời thế, thuận thời hành nên được sự “hanh” thông, đó là quyết định sáng suốt của bậc Anh Tài khéo léo xử thế đó vậy.

Kinh nói: Tiểu lợi trinh.

Bằng trí tuệ, tỏ rõ thời thế thịnh suy mà khéo léo bảo toàn được tính mạng, thân mình được an mà thân của bách gia trăm họ gặp nguy thì cái an ấy cũng chỉ là “tiểu lợi”, dù cho chẳng phải là kẻ ham sống sợ chết, thấy tai họa mà trốn tránh, cái tâm “lui về”, “lánh đi” nó trong sáng vì muốn bảo toàn đức Trinh trọn vẹn, nhưng xét ra thì uổng công học hành mà chỉ quanh quanh ở nơi xóm nhỏ, Danh chẳng có gì với đời, Lợi chằng làm gì cho người, nghĩa là một cuộc sống tầm thường ẩn dật, nên mới gọi là “tiểu lợi Trinh”.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751451685546.webp

Hỏa Địa Tấn

晉: 康侯用錫馬蕃庶, 晝日三接.
Tấn: Khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp.


Trên nói “Độn” nghĩa là lui về; ở đây “Tấn” lại có nghĩa là tiến lên.; “tiến lui” cũng như “cương nhu” là những nhóm cách xử thế tùy thời cơ phổ biến mà phàm làm người khi hành sự đều dùng tới. Trong “tiến”, “lui”, “cương”, “nhu” lại chia nhỏ thêm ra thành nhiều loại khác nhau, trong các tình huống cụ thể, đa dạng biến hóa vô cùng. Do đó cùng một sự việc, cùng một hoàn cảnh, cùng một đối tượng nhưng khác cách ứng xử thì sẽ sinh ra vô vàn các kết quả khác nhau.

Khổng Phu Tử nói: “Bất học Thi, vô dĩ ngôn”, “Bất học Lễ, vô dĩ lập” – nghĩa là chẳng học Kinh Thi thì chẳng biết nói năng ứng đáp ra sao; chẳng học Kinh Lễ thì chẳng biết điều khiển hành vi cử chỉ thế nào; ấy là bậc Hiền nhân lo cho hiện thời và mai sau nên cẩn trọng mà soạn đặt, tự mình học tập để làm gương, rồi truyền trao lại cho hậu thế, để khi tới độ tuổi cất bước vào Đời được nhiều sự lợi ích lớn lao, tránh được những sự khó khăn không lường trước hết được. Đúng thật là quá đỗi mẫu mực và vô cùng chu đáo. Cảm thán thay !

Kinh nói: Tấn, khang Hầu dụng tích mã phồn thứ.

“Khang” nghĩa là khỏe mạnh, là bình an. “Hầu” nghĩa là tước Hầu, một trong năm tước quý Vua ban (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) như đã nói trước đây; nó cũng có nghĩa là “cái đích” - như tấm bia sử dụng trong thi bắn cung. “Dụng” nghĩa là sử dụng. “Tích” nghĩa là gậy chống, người ta hay nói tích trượng – gậy chống của các vị Đại đức Cao Tăng, đại diện cho Đạo Đức cao thâm). “Mã” là con ngựa, đại biểu cho sức mạnh sự bền bỉ dẻo dai. “Phồn” nghĩa là sinh sôi. “Thứ” nghĩa là nhiều; là dân thường.

Toàn câu Kinh trên nghĩa là: Tiến lên - cố gắng phấn đấu không ngừng - trở thành Quan phụ mẫu, mang lại ấm no hạnh phúc cho Dân, biết sử dụng Đức Tài làm gậy chống (làm điểm tựa), thật mạnh mẽ bền bỉ và dẻo dai, để khiến cho đời sống nhân dân được sinh sôi phồn thịnh.

Người làm Quan là cha mẹ của dân (“Quan vi dân phụ mẫu”), dân có việc phải lo thì Quan chưa thể yên tâm an dưỡng. Nay nói “khang Hầu” là Quan an yên thế thì dân nơi xứ mà được Quan quản trị đang được ổn định, đời sống đang được ấm no hạnh phúc.

Chúng ta đi tới các vùng các xứ, thấy ghi chữ “Làng văn hóa”, “gia đình văn hóa” v..v ý chỉ là vùng ấy chỗ ấy, người dân cư xử với nhau có Tình có Nghĩa, có Đạo có Lý, do đó mới gọi là “văn hóa”. Các mối quan hệ tương tác như: chồng vợ, cha con, anh em , hàng xóm, bạn bè, huynh đệ, tỷ muội v..v đều hòa thuận vui vẻ, tương trợ lẫn nhau, ấy cũng gọi là “văn hóa”. Xứ mà Quan trị vì, nhà nhà văn hóa, người người văn hóa thì xứ ấy Quan khéo trị dân, Quan đó có công với Nước, xứng với bổng lộc Vua ban (lương bổng – trích ra từ tiền thuế mà dân đóng góp, thông qua lao động của chính họ). Vì thế làm cha mẹ của dân, thì Quan phải là người có Đức có Tài, mới hòng làm dân yên nước ổn, thịnh trị thái bình, như thế mới gọi là “khang Hầu”.

Lấy “Hầu” làm đích để phấn đấu, để tiến lên thì phải rõ cái Đạo Hạnh, Tài Trí mà tước Hầu đòi hỏi, phải thấy rõ trách nhiệm cao cả mà tước Hầu đảm đương, gánh vác; mà tự xét tự rèn sao cho trên thì không thẹn với Trời, với Vua; dưới không thẹn với Dân với Đất nước. Như thế mới là đạo “tiến lên” mà Thánh nhân răn dạy.

Kinh nói: Trú nhật tam tiếp.

“Trú nhật” nghĩa là buổi sáng trong một ngày. “Tiếp” nghĩa là tiếp đón, cũng có nghĩa là liên tục. “Tam” là ba.

Vua và các Đại thần ngày xưa thường Thiết triều nghị sự (họp bàn việc nước) khoảng từ 5-7 giờ sáng, sau đó Quan trở về địa phận, nếu có tiếp Dân hay tiếp khách thì diễn ra tiếp tục từ 7-9 giờ. Việc tiếp dân có khi trong một tuần chỉ diễn ra 2-3 lần. Chính vì vậy mà sau này Bao Thanh Thiên, có Đức thương dân, đặt trước Khai phong phủ, dán cáo thị rằng: Hễ dân có gì oan khuất, bất kể ngày giờ, cứ đánh vào trống này thì lập tức thăng đường; việc làm ấy cảm tới lòng dân, cho nên được tán dương tôn thờ; sau này trở thành huyền thoại và người ta đã dựng thành phim truyền hình, tất nhiên có thay đổi tăng thêm nhiều tình tiết hư cấu, nhằm mục đích tăng sự hấp dẫn cho người xem, nhưng về cơ bản thì vẫn lột tả được sự Thanh liêm của Ông.

Quay lại lời Kinh, các quan tiếp dân 2-3 lần trong tuần không bỏ cũng đã được coi là siêng lo chính sự, nay lại tiếp tới ba lần chỉ có một buổi sáng “trú nhật tam tiếp” thì muốn chỉ cho cái sự siêng năng, bận rộn chăm lo việc Nước việc dân của vị quan ấy là hiếm có. Thánh nhân dùng lời ấy vừa làm mục tiêu cho người làm Quan xưa và nay phấn đấu, vừa nhằm chỉ cho Đạo đức của người làm Quan là cần siêng năng làm việc, không nên ngại khó khổ; luôn cố gắng như vậy thì đảm đương được trọng trạch mà Nhà nước và Nhân dân tin yêu trao gửi.
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
Lỡ nay trong cảnh khốn cùng,
Ngày mai có thể lên tầng Trời mây.
Đời người lúc đó, lúc đây,
Giàu nghèo, hoạn hỷ, phúc may nhờ Trời.
Nhờ Trời mà cũng tại người,
Sống sao cho phải, được người nhớ thương.
Nào ai muốn thoát vấn vương,
Nào ai lại muốn trăm đường giàu sang.
Nào ai muốn được bình an
Nào ai lại muốn, râm ran xóm giềng.
Dù cho lang bạt khắp miền,
Đời người cũng phải có nơi để dừng.
Cuộc sống có lúc tưng bừng,
Nhiều khi cũng phải âm thầm đơn côi.
Kết duyên, kết bạn khắp nơi,
Thi ân như bỏ chẳng cầu cám ơn.
Nhưng mà ơn vẫn là ân,
Gieo nhân gặt quả, phúc may tới mình.
Phúc này chẳng rõ tội tình,
Phúc này chẳng rõ do mình, do ai.
Cho nên nhận chẳng, đúng sai,
Tùy thời đón nhận, miễn người được vui.
Chớ nên chấp chặt người ơi,
"Của cho của nợ", ấy lời dạy răn.
Dạy răn là việc dạy răn,
Nào đâu cứ phải trăm phần đinh ninh.
Khéo ra tỏ rõ, đừng kinh,
Đừng nên sợ hãi khiến mình lo toan.
Mình vay mình trả rõ ràng,
Người cho cứ nhận, kết đàng về sau.
Một mai đường Đạo bắt đầu,
Nhờ duyên kết ấy, mới mau thành Tài.
Cho nên Trời Đất an bài,
"Vô tâm" cứu độ, tùy thời "nhận cho".

Ai người "Tiết" hạnh chớ lo,
Tới thời "Đại hữu" của kho tràn đầy.
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751540993218.webp

Thủy Trạch Tiết

節: 亨.苦節不可貞.
Tiết: Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.

“Tiết” có nghĩa là giảm bớt đi. “Khổ tiết” nghĩa là cố gắng hết sức để giảm bớt đi. “Bất” nghĩa là không. “Khả” nghĩa là có thể. “Trinh” là tâm hồn trong sáng, là trong trắng, là tiết hạnh.

Kính nói: Tiết, hanh.

Như trên đã nói, việc thứ nhất đã thành thì mong việc thứ hai cũng được, việc nhỏ thành thì mong việc lớn cũng phải xong, được ít thì mong có nhiều, được nhiều thì mong có nhiều hơn nữa v..v đó là tâm lý chung của con người đang mưu cầu Danh Lợi tại thế gian. Vì đa phần mọi người đều nghĩ rằng: Càng có nhiều bao nhiêu thì lại càng tốt đẹp bấy nhiêu. Trong quá trình phát triển đi lên không ngừng ấy, nếu người chẳng biết “tiết” chế, biết giảm bớt đi những gì đã dư thừa, những gì không cần thiết, rồi đem chia sẻ và cho đi tới những nơi cần cái đó hơn mình, thế thì “Nguyệt mãn tắc khuy, thủy mãn tắc dật” – Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, nước đầy thì nước phải vơi; của cải dư thừa rồi ắt phát sinh những điều “tệ, loạn” để làm cho mọi thứ quay về chỗ cân bằng chính trung của nó.

Cho nên, Thánh nhân dạy người Quân tử phải biết “tiết” giảm khi cần, để luôn đạt được sự “Hanh” thông như ý; chớ để đến khi quá mức quá độ, thì Trời cao sẽ tạo ra thử thách, cám dỗ, thuận nghịch đủ phương, rồi thì người cũng phải buông tay san sẻ mà thôi. Nếu đã nhất định phải làm, chỉ bằng chủ động tự mình làm trước, thế có phải thu về được thêm nhiều niềm vui nữa, thay vì mặc kệ thời thế tới lúc “Trời chiều”, đột nhiên “màn đêm” nó lấy đi tất cả, lúc đó thì lại thành khổ não vô cùng.

Kinh nói: Khổ tiết, bất khả trinh.

“Khổ tiết” là sự cố gắng tiết giảm quá mức, tới ngưỡng suy kiệt; giống như trường hợp của Phật Thích Ca trong quá trình tu hành khổ hạnh. Kết quả của việc “khổ tiết” luôn là sự bất như ý, ngay cả đối với việc duy trì đức Trinh của người Quân tử. Những trường hợp do lòng mong cầu quá mãnh liệt, thôi thúc con người ta bỏ qua những nhu cầu cần thiết của cơ thể và tâm trí; đầy cơ thể và tâm trí vượt qua giới hạn an toàn để duy trì một nền tảng khỏe mạnh, nó khiến cho các bệnh tật phát sinh: suy dinh dưỡng, căng thẳng thần kinh, lao lực v..v ấy đều là kết quả bất như ý của những ai đang trên con đường chinh phục ước mơ của mình, vô tình hay cố ý bước vào, đều chịu chung một kết cục là “giữa đường đứt gánh”. Thánh nhân nói “bất khả” để nhất mạnh sự sai lầm, nhấn mạnh rằng con đường “khổ tiết” dù ở Đời hay trong tu Đạo, đều không thể thành công bền vững được đâu.

Mỗi người hãy tự cân bằng, để thành tựu ước mơ của chính mình !
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751541109207.webp

Hỏa Thiên Đại Hữu

大有: 元亨.
Đại hữu: Nguyên hanh.

“Đại” nghĩa là to, lớn. “Hữu” là sở hữu, là sung túc. “Đại hữu” là vô cùng dồi dào, vô cùng sung túc, cũng có nghĩa là “sở hữu rất nhiều”.

Thế thì dồi dào sung túc cái gì ? sở hữu rất nhiều cái gì vậy ? Có phải là của cải gia tài, năm thê bảy thiếp, dục lạc phồn thịnh, vật chất dư thừa, danh vọng cao tột hay chăng ? Tất nhiên là không rồi, đó là hoa trái, là ngọn không phải là cái gốc của "sở hữu" bền vững thực sự. Lại nữa việc ai đó sở hữu nhiều của cải trong thực tế không nhất thiết là người có Đức Tài, đôi khi chỉ là người có mánh khỏe, sử dụng mưu mẹo và sự khôn lỏi để mà thu thập về thật nhiều tài sản; vì vậy mà Thánh nhân không dùng "Đại hữu" để mô tả cho sự phồn thịnh về Danh lợi địa vị vật chất, bởi nó không xứng và không thể vươn tới “nguyên hanh” được, nó rất tạm thời và không bền vững (như hoa trái thì bốn mùa thay qua thay lại, còn cây cối thì vẫn cứ ở đó chờ đợi đúng lúc để sinh sôi), người sung túc về Danh Lợi cùng lắm chỉ gọi là “tiểu hanh" hoặc "hanh" mà thôi. Thứ mà xứng với “nguyên hanh” thì chỉ có thể là Đạo Đức, Tài Trí.

Ở các quẻ trước đây đã nói rõ về nguồn gốc của sự giàu sang là Tài năng, là khả năng tạo ra của cải, mà muốn có Tài thì phải có đủ thứ Đức hạnh như siêng năng, thành thực, nhẫn nại, nhạy bén, thành kính v..v rất nhiều thứ cần phải hội tụ mới có thể thành tựu được Tài năng và sẽ cần phải rèn luyện không ngừng thì mới trở thành bậc Kỳ Tài xuất chúng. Trải qua rất nhiều gian nan rèn luyện mới có thể tinh thông một lĩnh vực nào đó tới tận gốc rễ, từ đấy mới tạo thành giá trị để trao đổi với thiên hạ mà đổi về lấy của cải gia tài. Gốc của sự giàu sang, sự sung túc bền vững luôn luôn là Đức Tài, đó là chân lý chắc thật.

Do đó ở đây, “đại hữu” tức là dồi dào, sung túc Đức Tài, vì thế mà gần với Đạo, tức “nguyên”, lại chẳng bị chướng ngại trên đường đời, chẳng có gì thực sự là khó khăn không thể vượt qua nên “hanh”. Ấy là ý nghĩa thực sự của “Đại hữu, nguyên hanh”.
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
Đời người lắm lúc thăng trầm,
Tưởng yên một chỗ, Trời không toại lòng.
Muốn cho lăn lội non sông,
Đề mài kiếm bén, để lòng vững thêm.
Chí trai đã quyết thì nên,
Nề chi khổ ải, ngại gì chông gai.
Làm trai cho đáng nên trai,
Vót đũa cho dài, vươn gắp cho xa
Sóng gió, bình tĩnh vượt qua;
Nghề này chưa đủ, nghề kia bù vào.
Lo lắng thì cũng chẳng sao,
Nhưng mà đừng quá dựa vào thế nhân.
Tự mình rèn luyện bản thân,
Nề chi tuổi tác, ngại gì xa xôi.
50 Bác vẫn đơn côi,
Mà sau dựng cả cơ đồ vững yên.
Noi theo, trí vững tâm bền;
Vợ con no ấm, muộn phiền sẽ tan.

"Lí", "Quải" dẹp hết lo toan.
Vững chân đạp bước, vượt miền trần lao.
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751598567288.webp

Trạch Thiên Quải (Quyết)

夬: 揚于王庭, 孚號.
Quải (Quyết): Dương vu Vương đình, phu hiệu.
有厲, 告自邑.不利即戎, 利有攸往.

Hữu lệ, cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.


Chữ “夬”, âm Hán Việt có nhiều cách đọc khác nhau như: “Quái”, “Quải”, “Quyết”; nó cũng giống trong tiếng Việt chữ “chơn” và “chân” là đồng nghĩa, nhưng do âm vực mỗi vùng mà đọc khác nhau, nên khi phiên âm ra cũng có chữ khác nhau, mặc dù về mặt ngữ nghĩa là đồng nhau.

Ở đây lấy chữ “Quyết” trong quyết định vì nó thể hiện rõ ràng ý nghĩa của từ, chẳng những về mặt hình, còn về mặt thanh và lại có tính liên hệ phổ biến. “Quyết” nghĩa là dứt khoát, không còn phân vân, sau khi đã suy nghĩ về một vấn đề gì thật thấu đáo.

Kinh nói: Quyết, dương vu Vương đình, phu hiệu.

“Dương” nghĩa là giơ lên, là phô bày ra. “Vu” nghĩa là đối với cái gì. “Đình” là cái sân, cũng nghĩa là triều đình. “Vương” nghĩa là Vua, người có quyền quyết định cuối cùng và cao nhất. “Phu” nghĩa là thành tín. “Hiệu” nghĩa là kêu to, khóc lớn; cũng nghĩa là báo hiệu – cơ sở thực tế phải chấp nhận và làm theo.

Toàn câu Kinh trên nghĩa là: Quyết định dứt khoát, đưa sự việc này ra trước triều đình cho Vua xem xét, kèm theo bằng chứng chân thật rõ ràng nhất.

Người Quân tử phàm làm việc gì đều thận trọng cân nhắc trước sau, không tùy tiện vội vã, một là tránh phạm phải sai lầm gây tổn hại cho mình và người, hai là để lòng mình được an yên, tránh phải hối hận dằn vặt về sau. Có những vấn đề không thể tự mình quyết định là đúng hay sai, là tốt hay xấu, là được hay mất, là tiến hay lui, là thuận hay nghịch v..v tóm lại là việc mình không biết phải làm sao cho phải. Thì khi ấy nên đưa nó ra trước “ánh sáng” Trí tuệ của những người có khả năng phân định và quyết định sáng suốt hơn. Ấy là nghĩa “dương vu”.

“Vương đình” là triều đình của nhà Vua, là nơi các quan Đại thần nghị sự, quyết trạch những việc trọng đại của đất nước. Ở đây hội đủ các ban văn võ, hội đủ các bậc trí tuệ trên nhiều lĩnh vực, phàm mang việc gì ra đây thảo luận quyết định, thì luôn được sự lợi ích lớn lao. Hàn Phi Tử nói: “ Vô tham nghiệm nhi tất chi giả, ngu dã” – không hỏi han khảo cứu kỹ càng, rồi kiểm chứng trong thực tế mà đã vội vã quyết định thì đó là ngu xuẩn. Thế thì người Quân tử kết giao khắp chốn, tứ hải giai huynh đệ, đem chỗ thắc mắc chưa sáng tỏ ra hỏi han rồi thu nạp ý kiến, sau đó tự mình khảo cứu lại cơ sở thực tế của nó thế nào, cuối cùng tổng hợp lại cân nhắc kỹ càng sự lợi hại thiệt hơn, mà quyết định tiến lui, ấy là cách làm đúng đắn để giải quyết vấn đề mà Thánh Hiền xưa nay đều khuyên dạy.

“Phu Hiệu” là thật thà nói ra, lấy cái sự thực tế khách quan làm cơ sở, không tùy tiện tin vào lời đồn hay suy diễn chủ quan của mình hay của bất kỳ ai, chỉ có thành thực và dựa trên sự thật đang là, mới giúp cho mọi nhận định và quyết định không phạm phải sai lầm “chủ quan duy lý trí”, như biết bao bài học đắt giá đã từng trong lịch sử trước đây, hậu quả của sai lầm ấy nhiều khi còn ảnh hưởng tới tương lai cả một Quốc gia, một Dân tộc. Rất cần phải thận trọng !

Kinh nói: Hữu lệ, cáo tự ấp

“Hữu” là có, “lệ” là gắng sức, cũng có nghĩa là nghiêm khắc. “Cáo” là đưa ra, nói cho biết một cách công khai. “Ấp” là thủ đô, “tự ấp” là thủ đô, là kinh đô của mình; ý chỉ nơi quan trọng mình thuộc về, có vai trò quyết định tới sự tồn tại của mình.

Việc nói ra vấn đề khó khăn đúng với sự thật, đôi khi không phải dễ dàng, tại sao lại như vậy ? Vì trước nay chỉ có mình mình biết, nay nói ra cho người thì chẳng biết người suy nghĩ đánh giá ra sao, có suy nghĩ tiêu cực hay tích cực gì về mình chăng ? Nhỡ như người không hiểu, thì chẳng những vấn đề không giải quyết được, còn lại tự chuốc lấy cái sự dèm pha, coi thường. Do đó, cần “hữu lệ” – tức lòng can đảm, sự cố gắng mới có thể mở lời chia sẻ đầy đủ chân thật, mà không sợ hãi hay lo lắng bất an.

“Tự ấp” là kinh đô, khi vấn đề thuộc về Đất nước; là trung tâm của một nơi, khi vấn đề nó thuộc về khu vực đó; cũng là hội nhóm, là gia đình, là tập hợp những người có mối liên hệ với người đang gặp phải vấn đề. Vì thế, “tự ấp” là lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào giới hạn và sự ảnh hưởng của kết quả mà vấn đề đó mang lại.

Ví du: nếu người chồng, người cha đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, thì “cáo tư ấp” nghĩa là thông báo rõ ràng đúng sự thật không che dấu cho gia đình vợ con được biết; một là có sự đồng cảm chia sẻ kịp thời, hai là có thể hỗ trợ san sẻ bớt gánh nặng, ba là làm cho mọi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn.

Vì việc “cáo tư ấp” này rất quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết hiệp đồng, nên Thánh nhân đặc biệt lưu ý mà dặn dò cẩn thận.

Kinh nói: Bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.

“Nhung” nghĩa là binh khí. “Tức nhung” ý chỉ chính là cái binh khí này – tức là một thứ binh khí đã được xác định đang tồn tại trong không gian thời gian cụ thể, không nói chung chung.

“Binh khí” là phương tiện chiến đấu của chiến sỹ, của người lính trong chiến trận nơi chiến trường. Thương trường lại như chiến trường, cạnh tranh khốc liệt, cạm bẫy lừa lọc phức đạp đủ loại, thế thì binh khí của người Quân tử nơi chiến trường kinh tế chính là Tài Đức, là kỹ năng nghề nghiệp, là lĩnh vực chuyên môn, là thứ mình sử dụng để “kiếm cơm”, để tồn tại. Nay nói “bất lợi tức nhung” thì ý chỉ là, vấn đề hiện tại dù là gì đi nữa, gốc rễ của sự không như ý và không được lợi ích là do mình, là do Đức Tài của mình quyết định. Quả thực như vậy, nếu mình đủ Tài Đức thì nó chỉ là thử thách, đâu còn gọi là vấn đề nữa. Mà đã là thử thách, thì như viên mài dao, nó ở đó để giúp dao gươm sắc bén hơn, chứ nó ở đó đâu phải để cản trở sự phát triển mà lại lo ngại mà suy nghĩ tới mức bất an.

Vậy nếu như vấn đề sinh ra không thể giải quyết được bằng Tài Đức hiện có, do đó thử thách biến thành nghịch cảnh bất như ý thì thế nào ? Không sao hết, hãy “hữu du vãng” – đi học hỏi, đi rèn luyện thêm, để cho Tài Đức mình “sắc bén” hơn, thì ắt được “lợi” ích mà thôi. Đừng quá lo lắng, mà đánh mất sự tự tin !

Ô hay ! Thánh nhân trên cao mà tỏ rõ tới chỗ thầm lặng nhất của tâm hồn người Quân tử trong bước đường mưu cầu Danh Lợi, mà đưa ra lời dạy trọng yếu, hòng giúp người Quân tử vượt qua được chướng nạn, đạp bằng được khó khăn , lợi dụng được thử thách mà thành tựu được như nguyện. Quả đúng như lời Y Xuyên Tiên sinh - Trình Di nói:
“Thánh nhân lo cho đời sau như thế, có thể nói là tột bực !”
 

Hiếu

Registered

Phật tử
Reputation: 57%
Tham gia
21/9/16
Bài viết
371
Điểm tương tác
151
Điểm
43
Nơi ở
Hồ Chí Minh.
1751630301046.webp

Thiên Trạch Lí

履 虎 尾 , 不 咥 人 , 亨 .
Lí hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh.

Kinh nói: Lí hổ vĩ.

“Lí” nghĩa là giẫm, xéo, đạp lên. “Hổ vĩ” là cái đuôi con hổ.

Hổ là loài sống đơn độc, chỉ kết đôi khi tới mùa sinh sản. Sư tử là vua của thảo nguyên Châu Phi và Ấn Độ; thì hổ là vua của rừng già Châu Á. Đuôi hổ, theo truyền thống, là vật biểu tượng cho sức mạnh. Trong tự nhiên, đuôi hổ cũng có rất nhiều tác dụng và có vai trò quan trọng tới đời sống của hổ như: giữ thăng bằng, hỗ trợ săn mồi, điều chỉnh nhiệt độ cơ thế hay giao tiếp với đồng loại v..v

Môt thứ vừa biểu tượng cho sức mạnh, vừa có vai trò quan trọng, đồng thời thuộc về “Vua” của rừng già, thế thì kẻ nào mà mạo phạm tới cái đuôi ấy tới mức “Lí hổ vĩ” – giẫm lên đuôi hổ, ắt hẳn chỉ có là “Cậu ông Trời” – tức con Cóc. Người xưa nói: “Thiềm độc công hổ báo” – độc của loài cóc còn hơn sức mạnh của hổ báo. “Thiềm khuyết tất hữu vũ” – cóc mà nghiến răng thì Trời ắt đổ mưa. Loài cóc tưởng như bé nhỏ mà “oai đức” và “sức mạnh” của nó lại “lớn” như thế ấy, thì có chẳng may giẫm xéo lên đuôi chúa sơn lâm thì chúa sơn lâm cũng chỉ gầm gừ mà cho qua chuyện thôi. Với cả, cóc cũng nhẹ ký, có giẫm lên thì cũng chẳng xi nhê gì, nên cũng dễ bỏ qua.

Nhưng Dịch làm ra vốn là để giúp người có Đức, thế thì Thánh nhân mượn vật, mượn tượng để hướng dẫn cho người, chứ thực ra không phải là để nói về tượng vật ấy. Trong Triều đình, trang phục (áo “bổ tử”) quan võ cấp cao thường được thêu hình hổ, màu sắc khác nhau thì phẩm vị khác nhau (như tứ phẩm màu xanh, nhị phẩm màu vàng v..v), vật đại biểu cho quyền chỉ huy thì gọi là “hổ phù”, tướng quân thiện chiến thì gọi là “hổ tướng” v..v. Giẫm lên đuôi hổ nghĩa là mạo phạm tới quyền lực của Triều đình. Nhưng Hổ lại là “Vua” rừng già, nên ở đây sự mạo phạm có thể liên hệ tới người đứng đầu trong Triều đình, tức là Hoàng Đế đương triều. (Vua còn tự xưng là Cô gia - người cô đơn, giống như Hổ sống đơn độc vậy).

Kinh nói: Bất điệt nhân, hanh.

“Điệt” là gặm, là cắn. “Điệt nhân” là cắn người. “Bất điệt nhân” có nghĩa là không cắn người.

“Cắn” là phản ứng lại mạnh mẽ khi bị “mạo phạm”, “Bất điệt” – không cắn, tức là không phản ứng lại một cách mạnh mẽ như thường lệ, tại sao lại như thế ? Vì người “mạo phạm” có chánh nghĩa, có chánh lý, có mục đích vì lợi ích chung, vì đại cuộc mà lên tiếng, mà hành xử như thế, cho nên dù mạo phạm tới uy quyền mà vẫn được “hanh” thông.

La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp từng vì thương dân và nghĩ tới đại cục lâu dài của đất nước, đã “mạo phạm” Vua Quang Trung, dâng lời khuyên can Vua thay vì vượt biên cõi mà đánh dẹp quân Thanh thì nên hòa hoãn, để dưỡng dân và củng cố chính trị kinh tế trong nước. Vua ban đầu nổi giận, xong sau đó không trị tội, mà còn khen ngợi rằng: “Khanh dĩ trực ngôn nghịch nhĩ, Trẫm tuy nộ nhi bất trách” – Ngươi dám nói lời thẳng thắn chói tai, Trẫm tuy rất giận nhưng sẽ không trách phạt.


Ấy chẳng phải là “Lí hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh” hay sao !
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Liên quan Xem nhiều Xem thêm
Top