Địa Phong Thăng
升: 元亨, 用見大人, 勿恤, 南征, 吉.
Thăng: nguyên hanh, dụng kiến đại nhân, vật tuất, nam chinh, cát.
Kinh nói: Thăng nguyên hanh.
“Thăng” nghĩa là lên cao, lên đến. Vì sao mà phát triển “Thăng” lên được ? Vì giữ cái gốc “nguyên”- tâm hồn trong sáng như trẻ thơ mới lọt lòng - chẳng có mưu tính hơn thiệt , chỉ giữ lòng trong sạch mà nỗ lực hết mình khi gặp nghịch cảnh khó khăn, rèn Đức luyện Tài, học hỏi không ngừng, do đó mà khi Đức đủ Trí thành thì Tài năng phát huy rực rỡ, có Tài thì tất nhiên có đất dụng, nên được “Thăng” lên là lẽ đương nhiên.
Thế thì ắt là có những sự “thăng” chẳng dựa vào Đức Tài mà dựa vào mưu mô nhóm hội thế lực nâng đỡ ? Đúng vậy ! Nhưng như thế thì chẳng thể “hanh” được lâu dài, Thánh nhân dạy người Quân tử sửa mình, tuy là khó khăn vất vả, nhưng cốt để có được sự “hanh” lâu dài, chứ chẳng phải “ăn xổi ở thì” tạm bợ, mới nắm tay này mà bay ngay sang tay khác, do đó dạy cái Gốc của Quyền chức cao sang, dạy cái nền của “Cát” “Hanh” “Lợi” ích, chú trọng sự rèn luyện Đức hạnh giữ lòng trong sáng trong sạch, nhẫn chịu thiệt thòi khó nhọc, để sáng cái Trí nội tại bên trong, vì trong lòng vốn sẵn có biển trí vô biên, hễ khai thông ra thì sử dụng vô cùng, xài hoài không hết. Vì thế mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông có dạy trong bài Cư trần lạc Đạo phú rằng: "Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch" - trong nhà có báu thôi tìm kiếm; cũng nhằm ý chỉ cho cái Trí huệ “vô sư”- không thầy, sẵn có nơi mỗi người, không do học mà được !
Vậy cái Trí này có tồn tại thật sự hay sao ? Dĩ nhiên rồi, nếu chẳng tồn tại, thì nhân loại từ khi hiện hữu trên Trời Đất, bao nhiêu phát minh phát hiện vốn chẳng sẵn có, vốn là không thể giải quyết thì do đâu mà lại có thể, chẳng phải các nhà khoa học khi dụng trí tới chỗ cùng đường thì Ý buông Tâm lặng mới phát lộ được cái mới mẻ hay sao ? Ấy là minh chứng rõ ràng nhất rồi, tự mình chẳng tin thì uổng mất cơ hội chạm đặt được của báu vô lượng, như “nồi cơm” của Thạch Sach ăn hoài không hết, thì Trí Huệ sẵn có nơi Tiềm thức mỗi người, nếu ai khai mở ra rồi, ắt là Trí Tuệ thông suốt, học một biết mười, chẳng có việc gì nơi thế gian mà lại không thông hiểu, hễ học là hiểu, hễ làm là thành thì Tiền bạc không cần khởi lòng, tự nhiên là ầm ầm kéo tới !
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” – một việc đã rành rẽ thì thân mình thời được hưởng an nhàn sung sướng rồi, huống chi là “bách nghệ tinh thông” – trăm việc đều rành, thì cần gì phải khởi tâm mong cầu cho thêm nặng đầu chi nữa ? Cứ rèn Đức luyện Tài, nghĩ làm điều Thiện, không ngừng cố gắng như vậy thì chẳng thiếu thốn cái gì trong kiếp người ngắn ngủi này đâu !
Kinh nói: Dụng kiến đại nhân, vật tuất.
Trước đây chỉ “kiến đại nhân” – gặp bậc cao đức, quyền hành, trí tuệ. Nay lại “dụng kiến” thì nghĩa thế nào ? “Dụng” nghĩa là sai khiến; là sử dụng, thi hành, làm. Người quân tử gặp bậc Đại nhân thì tức Quân tử ở vị trí “tiểu” rồi, nên sự sử dụng, sai khiến này nên hiểu là dựa vào cái Trí của Đại nhân mà thi hành, thực hiện, triển khai trong thực tế, là áp dụng lời hướng dẫn vào trong việc làm, dĩ nhiên không phải là sai khiến người Đại nhân đi làm thay mình rồi !
“Dụng” tức là chủ động, muốn “Thăng” lên vị trí cao, lên trình độ mới, lên hoàn cảnh tốt đẹp hơn thì phải “chủ động” mà dụng cái Trí Đại nhân sẵn có nơi mình hay lời dạy bảo từ người có Đức Tài đã thành tựu, dụng cái đó thì được lợi cho việc “Thăng” tiến trong công danh sự nghiệp, trong đường Đời nhiều lối rẽ nhiều gian truân. Tại sao phải nhận lãnh lời khuyên từ bậc có Đức ? Vì người đứng trên đỉnh vinh quang cũng có nhiều hạng loại, có kẻ do phước phần quá khứ mà gặp thời vận khôn khéo đạt được vị trí cao, tài lộc lớn nhưng Đức tánh chẳng thuần hòa, chỉ là mưu lợi thủ đoạn được chỗ tạm thời cao quý hơn người, vì thế thì chẳng nên học hỏi và ứng dụng theo người như vậy, hãy lựa người thành công mà có Đức thì nó sẽ giúp sự thành công của mình bền vững hơn ! Thực tế trong xã hội, những kẻ thành công sớm mà hậu vận cuối đời tù tội gông cùm, bệnh tật hoạn tai rất nhiều v…v cho nên, cổ đức dạy rằng: chọn bạn mà chơi, chọn Thầy mà học ! Chớ không phải bạ đâu học đó, nói gì nghe nấy, cứ để lòng tham và tâm nóng vội sai khiến hành vi thì ắt là lợi bất cập hại – không thể nào tránh khỏi nỗi gian nan về sau chưa lường hết được đâu !
“Vật” là đừng, chớ, dừng lại; là không nên. Chớ nên làm gì ? Chớ nên “tuất” – lo buồn, ưu lự, thương cảm. Vì sao lại xảy ra tình trạng này ? Vì trước “Thăng” là Tụng, ấy là việc chướng nạn, tranh cãi, do đó mà ắt sinh ưu tư lo nghĩ; một là không biết phải làm sao để hòa giải êm đẹp; hai là “thương cảm” cho chính mình vì lỡ làm điều không hay khiến bản thân rơi vào hoàn cảnh không được tốt đẹp ! Lại cũng có nghĩa là, khi mưu tính sự nghiệp, phía trước chẳng biết đường đi, phía sau áp lực hoàn cảnh ( như gia đình, vợ con, cha mẹ, nợ nần v…v) trước sau bủa vây, lòng rất khó yên vì thế mà sinh ưu tư phiền muộn. Thánh nhân thấu tỏ lòng người, nên dặn dò kỹ càng chớ nên như thế - “vật tuất”, vì sao ? Vì cái gì cũng có nhân quả của nó, muốn cái quả thì phải trồng cái nhân, quan trọng là vun trồng nhân đúng chứ ngồi lo âu thì tổn thần hại thân chứ có ích lợi gì đâu, ấy thế mới cần phải “Tu thân” – rèn luyện Đức hạnh, giữ gìn Tâm tánh, thay tính đổi nết, sửa chữa thói hư tật xấu v…v tất thảy đều chỉ dạy rõ ràng, cốt để lòng người yên lặng chẳng hoang mang trong mọi cảnh Đời biến động. Hễ Tâm yên thì Trí sáng, Đức đủ thì Tài sinh, cứ trồng nhân lành thì tới thời đúng chỗ quả trổ, người Quân tử sẽ gặt được thành công thôi mà !
Kinh nói: Nam chinh, cát.
“Nam” là phương Nam, là nơi ánh sáng rực rỡ, là mùa Hè chói chang, là tiếp sau mùa Xuân muôn hoa đâm chồi nảy lộc. Hoa kỳ thảo dị ví như Đức hạnh Tài năng, ươm mầm vun bón cả mùa Xuân rồi thì tới mua Hạ này là lúc hoa thành quả gặt, nên nói phương Nam là hướng Đức hạnh nở rộ, là hướng thành tựu trí nguyện, là thời vạn sự sẽ được “Cát” hỷ vui vẻ đẹp lòng như ý.
Hướng về Tài Đức, Trí Huệ tức là hướng Nam, sử dụng Đức Tài cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ Xuân xanh, lòng khát khao cùng niềm đam mê vươn lên “Thăng” tới những nơi tốt đẹp tức là “Chinh” – là đi xa, đánh dẹp ( tức là không ngại khó khăn, không ngại đường xa, đánh dẹp tất cả, đạp bằng tất cả khó khăn chướng ngại ). Do đó Thánh nhân nói phương “Nam” là ẩn dụ cho sự màu nhiệm thuận theo lẽ Trời cũng như bốn mùa xoay qua chuyển lại. Hễ muốn đạt tới điều tốt đẹp nơi mùa Hạ, thì phải gieo xới ươm mầm chăm bón lúc Xuân sang, đó là lẽ Đời vốn thế, chẳng có lối tắt đường nhanh đạt tới thành công đâu ! Nếu có thì cũng như trên đã nói, chóng nở sớm tàn, ngàn năm vẫn thế !