- Tham gia
- 27/10/06
- Bài viết
- 1,775
- Điểm tương tác
- 90
- Điểm
- 48
QUÁN PHÁP GIỚI QUA
THẬP NHƯ THỊ
THÍCH ĐỨC TRÍ
THẬP NHƯ THỊ
THÍCH ĐỨC TRÍ
Giáo lý Thập như thị xuất xứ ở phẩm Phương tiện, kinh Diệu pháp liên hoa. Đây là bộ kinh Đại thừa xiển dương tinh thần Nhất thừa, con đường hướng đến quả vị Phật. Giáo lý Phật từ thời kỳ đầu gồm 3 thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát<sup>(1)</sup>.
Giới thiệu giáo lý Thập như thị
Giáo lý Thập như thị xuất xứ ở phẩm Phương tiện, kinh Diệu pháp liên hoa. Đây là bộ kinh Đại thừa xiển dương tinh thần Nhất thừa, con đường hướng đến quả vị Phật. Giáo lý Phật từ thời kỳ đầu gồm 3 thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát<sup>(1)</sup>. Thanh văn thừa, hành giả tu tập theo pháp Tứ diệu đế, đắc quả A la hán, nhập Niết bàn. Duyên giác thừa, hành giả tu tập theo pháp Thập nhị nhân duyên, đắc quả Duyên giác và nhập Niết bàn. Bồ tát thừa, hành giả tu tập theo tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, hành pháp Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ. Đức Phật giảng rằng: Ban đầu ngài tạm dùng ba thừa giáo để độ chư đệ tử, về sau Ngài giảng giáo lý đầy đủ, thâu tóm ba thừa trở về một thừa, gọi là Nhứt thừa, hay Phật thừa. Nội dung Thập như thị được dẫn từ kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, nguyên văn chữ Hán như sau (Duy Phật dự Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng. Sở vị chư pháp như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng). Nghĩa là: "Chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chân thật của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy".<sup>(2)</sup> Thực chất các pháp được tồn tại y như bản nguyện của nó với mười đặc tính, hay nói rõ hơn, đó là mười phương diện phản ảnh sự thật của các pháp. Bài viết này trình bày giáo lý Thập như thị, mục đích là để tìm hiểu phương pháp quán tâm, vì tâm là chủ thể của muôn pháp, tỏ ngộ tâm là tỏ ngộ chân lý, đó là mục đích Đức Phật và giáo lý của Phật xuất hiện tại thế gian.Giải thích ý nghĩa Thập như thị
Người viết xin dẫn các thuật ngữ nguyên chữ Hán và âm Hán Việt để giải thích nội dung cần thiết. Thập như thị , Thập là mười, Pháp hoa huyền nghĩa định nghĩa Như thị rằng: <sup>3)</sup> (Bất dị danh như. Vô phi viết thị). Nghĩa là: Như là chẳng khác, chẳng sai biệt; thị là chẳng sai trái, đúng sự thật. Đó là mười đặc tánh chung cho tất cả pháp giới bao gồm thế giới chúng sanh cho đến thế giới của Phật và Bồ tát. Cái chung ấy bao gồm trong nội dung giáo lý Thập pháp giới. Thập là mười, pháp giới được hiểu thông thường là thế giới, nhưng thế giới chỉ mang ý nghĩa hạn lượng, pháp giới chỉ cho toàn bộ cảnh giới chúng sanh, chúng sanh không hạn lượng, thì pháp giới không hạn lượng, cõi Phật cũng không hạn lượng. Thập như thị là nguyên lý tồn tại của tất cả Pháp, đó là: Như thị tướng, Như thị tính, Như thị thể, Như thị lực, Như thị tác, Như thị nhân, Như thị duyên, Như thị quả, Như thị báo, Như thị bổn mạt cứu cánh. Mười đặc tính này sẽ được giải thích cụ thể sau đây. 1.Như thị tướng (tướng như vậy). Tướng là tướng mạo hiện ra bên ngoài có thể nhận thức, phân biệt rõ ràng, bắt đầu từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới của Phật trong mười Pháp giới (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A tu la, Người, Trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật)<sup>(4)</sup>. Tất cả mười giới đó đều có tướng trạng khác nhau, đấy cũng là đặc trưng hết thảy pháp. Nói dễ hiểu là gồm những gì xuất hiện, nhận thức được tướng mạo, ví dụ tướng người này khác tướng người kia, tướng nam, tướng nữ, tướng vui, tướng buồn và cho đến tướng Phật và tướng chúng sanh.
2. Như thị tánh (tánh như vậy). Tánh tức là tính chất, tính thuộc bên trong, có sai biệt và định tính. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới có tánh không giống nhau. Mọi hiện tượng hiện ra rõ ràng trước mắt, nhưng mỗi tướng có tính riêng của nó, như tính gió thì lay động, tính lửa thì nóng; tính người ác, tính người thiện, tất cả đều có nguyên nhân huân tập thành định tính tạm thời. Nay nói tạm thời vì ý nghĩa tính đó tùy duyên biến hóa, ví dụ như khi ta nấu một nồi canh, dùng tướng rau cải, tướng bột nêm, tướng đậu hủ góp lại thành nồi canh như ý. Nồi canh rau thì có tính chất nồi canh rau, muốn nấu nồi canh chua thì thêm me hay lá chua vào thì có tính nồi canh chua. Người cũng có tính thiện và tính ác, nếu người ác biết tu tâm, làm điều lợi mình lợi người thì trở thành người có tính thiện. Khi một tướng đã hiện hữu thì có tính của nó.
3. Như thị thể (thể như vậy). Thể tức là thể chất, từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới Phật đều lấy sắc thân làm thể chất. Người và vật đều có cái thể của nó, vũ trụ là đại thể, con người là tiểu thể. Tây phương Cực lạc là một thể. Cá nhân, gia đình, xã hội cũng gọi là thể. Trong một thể thì cũng có tính và tướng của nó. Ví dụ, một gia đình tướng của nó gồm trong cha mẹ, con cái và ông bà, có một thể riêng, nó khác với tướng của một quốc gia, vì quốc gia thể của nó gồm người cả nước hợp lại.
4.Như thị lực (lực như vậy). Lực tức là lực dụng. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có công năng lực dụng riêng biệt. Người và vật đều có năng lực vận động, như con trâu có lực dụng kéo cày, máy bay có lực để bay. Chư Phật có đầy đủ năng lực từ bi và trí tuệ, cứu khổ ban vui, chúng sanh vô minh chấp ngã cũng tạo thành lực cảm quả khổ đau.
5. Như thị tác (tác như vậy). Tác tức là tạo tác. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có khả năng vận động và tạo tác. Con người muốn tu thành Phật thì việc tu gọi là tác, anh học trò muốn trở thành thầy giáo hay bất cứ ngành nghề nào thì phải theo học đúng hướng gọi là tác. Mọi hành vi cử chỉ con người đều là tác, như làm việc thiện, làm việc ác sai khác.
6. Như thị nhân (nhân như vậy). Nhân tức là nguyên nhân được tích tập. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều có nguyên nhân mà thành, nhân ấy tích lũy không gián đoạn. Người đời thường hiểu rằng gieo nhân lành thì gặp quả lành, gieo nhân ác thì thành quả dữ. Mọi vật trong đời xuất hiện đều có nguyên nhân của nó.
7. Như thị duyên (duyên như vậy). Duyên là điều kiện, còn gọi là trợ duyên. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới đều có từ pháp duyên khởi kết hợp với các nhân đã có trước. Ví dụ trồng cây nho sẽ được quả nho là nhờ sức trợ duyên tưới nước, bón phân. Có người trồng cây nho mà không được quả nho, vì thiếu trợ duyên tưới nước, bón phân nên cây nho không ra trái. Mọi hiện tượng xuất hiện đều nhờ Nhân-Duyên-Quả theo quy luật tồn tại của nó.
8. Như thị quả (quả như vậy). Quả tức là kết quả. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, trong mỗi giới đều do có tích tập nhân sau đó mới sanh ra quả. Khi có kết quả xuất hiện biết đó là kết quả của cái gì, hoặc từ đâu mà có. Anh học trò thi đạt điểm tốt, đó là thành quả của cái nhân chăm học. Quán sát kết quả thì sẽ biết được nguyên nhân, Phật dạy nhân quả theo nhau như bóng theo hình.
9. Như thị báo (báo như vậy). Báo tức là quả báo. Từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật trong mười pháp giới, mỗi giới đều do tích tập nhân, duyên, quả sau đó cảm lấy quả báo. Nghiệp báo của chúng sanh sai khác, cho nên có cảnh khổ lạc sai khác. Đức Phật do tu hành và nguyện độ chúng sanh mà có báo thân là thân Phật và báo độ là cõi Phật trang nghiêm. Con người hay chúng sanh nói chung có cái nghiệp báo chung và nghiệp báo riêng do hành động tạo tác có sai khác. Chúng sanh tạo nghiệp đó là chánh báo, hoàn cảnh môi trường chúng sanh đang sống là y báo. Y báo luôn luôn đi theo chánh báo. Y báo như là chiếc áo của chúng ta đang mặc, nếu người sạch sẽ thường giặt áo quần thì có áo quần sạch sẽ để mặc. Cũng vậy, nếu mọi người cùng làm điều thiện, tôn trọng sự sống của nhau thì quốc gia và thế giới không còn quả báo chiến tranh xung đột.
10. Như thị bổn mạt cứu cánh (trước sau rốt ráo như vậy). Từ Như thị tướng đầu tiên gọi là bổn (trước) cho đến Như thị báo gọi là mạt (sau), trước sau đồng nhất thật tướng, bình đẳng không hai. Một pháp nào xuất hiện cũng diễn biến từ chín đặc tính vận hành và tồn tại, đó là sự thực. Tóm lại mà nói, giáo lý Thập như thị như một công thức chuẩn mực giải trình mọi hiện tượng hiện hữu. Đây là chìa khóa giúp cho con người nhận thức về nhân sinh và vũ trụ.