Hạnh Phúc Chân Thật
<table border="0" cellpadding="0" cellspacing="0"> <tbody><tr> <td align="right"></td> </tr> <tr> <td align="center">
</td> </tr> </tbody></table>
Thời đức Phật còn tại thế, có Tỳ-kheo Bạt-đề. Khi chưa xuất gia, ông làm quan Tổng trấn miền Bắc vương quốc Sakka, và là người trong hoàng tộc Sakya. Sau khi quy y Phật, ông chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Một đêm khi trời đã về khuya, trong lúc thực tập thiền tọa dưới gốc cây, ông bỗng cảm nhận được niềm vui sướng rồi thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc quá!” Những vị Tỳ-kheo đang tu tập gần đó hết sức ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì. Sáng hôm sau, có một vị đem sự việc trình lên đức Phật:
-Bạch đức Thế Tôn! Trong giờ thiền tọa tối qua, chúng con nghe Tỳ-kheo Bạt-đề thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc quá!” Phải chăng Tỳ-kheo Bạt-đề đã chán đời sống xuất gia, nên nghĩ đến đời sống thế tục giàu sang rồi tiếc nuối mà thốt lên như thế? Con xin trình bày để Thế Tôn biết và định liệu.
Trưa hôm sau. Đức Phật gọi Tỳ-kheo Bạt-đề và hỏi nguyên do. Đứng trước đại chúng, Tỳ-kheo Bạt-đề chắp tay bạch Phật:
-Bạch đức Thế Tôn! Ngày trước con làm quan, có quyền lực, vợ đẹp, con xinh, kẻ hầu người hạ, của cải đầy kho. Ấy thế mà con luôn sống trong lo âu sợ hãi. Ban ngày cầm cân nẩy mực, đêm về đốt đuốc tính toán, dường như con không được chút thảnh thơi. Nhưng giờ đây, con chẳng có tài sản, danh vọng, kẻ hầu người hạ. Mỗi ngày con chỉ dùng một bữa cơm thanh đạm, tối về ngủ dưới gốc cây, mà thân tâm thảnh thơi, chánh niệm thiền quán, lòng tràn đầy hạnh phúc. Cho nên, con đã buộc miệng thốt lên những lời như thế, làm động đến đức Thế Tôn và đại chúng. Con xin thành tâm sám hối!
Đức Phật mỉm cười và khen Bạt-đề trước đại chúng:
-Hay lắm, này Bạt-đề! Con đang đi những bước vững chãi, thảnh thơi trên con đường tự tại vô úy, thật hiếm có trên đời. Niềm an lạc của con đến chư Thiên còn ao ước huống chi là loài người!
Lời bình.
Trong cuộc sống ai cũng có khao khát tìm kiếm những giá trị hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Ai có thể giải thích rõ được giá trị đích thực của hai chữ “hạnh phúc”. Nếu dùng ngôn từ để diễn tả thì hạnh phúc chẳng qua chỉ là những lời hoa mỹ về tham vọng của thế nhân. Do đó, câu chuyện trên đã cho ta bao điều suy tư, làm thế nào để có được hạnh phúc?
Có người cho rằng, cưới một cô vợ đẹp là hạnh phúc, hoặc có đông con nhiều cháu, quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ, của cải đầy nhà, ăn chơi thỏa thích, du lịch khắp nơi, hưởng thụ cả đời, khương ninh trường thọ là những yếu tố đem lại hạnh phúc. Đây cũng là quan điểm chung của đại đa số quần chúng. Nhưng nếu suy xét kĩ, những thứ vừa nêu chỉ tồn tại một cách tạm bợ. Nó lấp lánh như giọt sương mai bám đầu ngọn cỏ, cũng như đóa phù dung sớm nở tối tàn, thật đâu có bền chắc vĩnh viễn. Vậy mà họ đắm đuối dệt thêu hạnh phúc cả đời, chẳng khác những chú tằm kia ngày đêm ra sức kéo kén. Chúng cứ tưởng rằng mình đang xây những lâu đài nguy nga tráng lệ mãi mãi với thời gian. Ngờ đâu:
“Dã tràng xe cát biển đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Thật mong manh! Sự thay đổi của vạn vật trong từng sát-na bị chi phối bởi luật vô thường. Nếu tâm hồn chúng ta không có chất tỉnh lặng, từ bi và trí tuệ, cho dù ta có nhiều vật chất của cải đến đâu thì ta cũng chẳng có chút an lạc nào. Ngược lại, chỉ cần dừng lại sự tìm cầu mộng ảo, mà nên năng động phát huy những phẩm chất tích cực, sự tỉnh lặng, thanh thản của tâm hồn, ta vẫn dễ dàng sống một cuộc đời an vui hạnh phúc cho dù đời sống vật chất có thiếu thốn.
Hỡi người giàu ơi, bạn có hay
Tha phương cầu thực suốt đêm ngày
Xin đừng làm thân cùng tử nữa
Quay về tiếp nhận báu trong tay.
Trong cuộc sống hằng ngày, Phật dạy ta cần quán chiếu ở chính mình với những gì ta đang có, sẽ thấy được giá trị tiềm ẩn trong ta. Ví dụ, ta có đôi mắt sáng long lanh nhìn quanh thế giới, nhìn tới trời xanh, đó là điều kiện lớn nhất để đem lại hạnh phúc, nhưng ta lại thờ ơ không hề trân quý đến nó. Khi con mắt dính bụi hoặc tai nạn xảy ra, ta mới thấy sự hiện hữu của đôi mắt vô cùng quan trọng. Trên thực tế, có những người do kém phước đức, khi mới lọt lòng đã mù cả hai mắt, hay bị dịch bệnh, tai nạn v.v., suốt cuộc đời chẳng bao giờ họ thấy được cảnh vật xung quanh và những người thân. Thậm chí cả khuôn mặt cha mẹ của họ, họ còn không hình dung ra. Nếu cho họ một ước mơ, chắc họ sẽ mong rằng chỉ cần được nhìn thấy người thân yêu và cảnh vật xung quanh thôi. Như thế ắt hẳn họ cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, chứ không đòi hỏi gì thêm nữa! Trong khi đó chúng ta có đôi mắt sáng trưng, có thể ngắm trời xanh nước biếc, chim bay cá lượn, núi cao biển thẳm và còn nhiều vẻ đẹp thiên nhiên khác nữa. Thế nhưng ta lại chối bỏ niềm hạnh phúc đó, để rồi than thân trách phận. Do vậy ta hãy quán chiếu một cách thâm sâu trong sáu giác quan, ta còn tiếp nhận được niềm hạnh phúc nhiều hơn, chí không phải chỉ có đôi mắt không thôi. Ta sẽ nhận diện được hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Cho dù bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, ta vẫn thừa hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn.
Để có cái nhìn sâu sắc và thấu triệt được mọi vấn đề của cuộc sống, ta hãy nhìn một cách khách quan và trung thực. Dù bất cứ ở đâu hay hoàn cảnh nào, ta nên nhận diện bằng cách “thấy biết như thật” để đạt được hạnh phúc tối thượng, hay còn gọi là hạnh phúc xuất thế, là hành trang trên lộ trình giải thoát. Đó là hạnh phúc trong tuệ giác, thông qua nấc thang Giới-định-tuệ. Ví như một người đi xuôi dòng nước sẽ về biển cả. Nói cách khác, tu tập trí tuệ xem “duy tuệ thị nghiệp” cũng đang xuôi dòng về biển giải thoát. Dù ở trong cảnh thuận hay nghịch ta không giận hờn, bực dọc. Dùng lòng thương yêu trong sáng cứu giúp mọi người cùng vượt khổ đau, phiền não và vòng luân hồi sinh tử.
Trong câu chuyện của Bạt-đề cho ta thấy rõ, trước hết thầy đã từ bỏ ngũ dục của thế gian, ngày đêm chuyên cần thiền định mà đạt được hạnh phúc tối thượng. Ngũ dục là năm thứ tham muốn (Tài, sắc, danh, thực, thùy). Sự rời bỏ ngũ dục không có nghĩa chúng ta xa rời hoàn toàn, mà ta phải biết tiết chế trong giới hạn cần thiết. Sử dụng tài (tiền bạc hay vật chất) để làm phương tiện trao đổi trong cuộc sống và bố thí để làm lợi ích cho mọi người, mọi loài. Kể cả sắc, danh, thực, thùy cũng thế, ta vẫn luôn làm chủ để không bị ràng buộc, không bị đắm nhiễm, thân tâm luôn tự tại và thảnh thơi, sống trong sự an lạc của hương vị giải thoát. Khi mà hương vị giải thoát lan tỏa khắp châu thân ta thì sợi dây tham luyến thế gian chỉ còn mong manh như chỉ mành. Như thế, ta đang đi những bước vững chãi và thảnh thơi. Ta đang hành những pháp thiện nghiệp. Đây là việc làm cao quý mang lại hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân, hiện thời an lạc, mai sau giải thoát mọi ràng buộc khổ đau.
An lạc là sự thanh tịnh từ nội tâm. Hạnh phúc là tự tại trong khổ đau. Để được tự tại, ta cần phải sống đúng theo lời Phật dạy, có chính tri kiến, thấy biết đúng đắn, hợp với chân lý. Hãy mau trở về… trở về với chính ta. Hãy nhìn lại ta, sống với ta, với ông Phật sáng chói bên trong, sống yêu thương chan hòa với vạn vật, sống hiểu biết cảnh vật vô thường, đây mới chính là nguồn hạnh phúc chân thật vĩnh hằng.