“Hãy biết chính ngươi”

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Điểm Khởi Đầu



Cội nguồn của khổ nằm bên trong mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được thực tại của chính bản thân mình, chúng ta sẽ biết cách giải quyết vấn đề khổ này. “Hãy biết chính ngươi”, các bậc trí đã khuyên như vậy. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách biết bản chất thực của mình, bằng không chúng ta sẽ chẳng thể nào giải quyết được những vấn đề của chúng ta hoặc những vấn đề của thế gian.

Nhưng thực sự chúng ta biết được gì về bản thân mình? Mỗi người đều tin chắc vào sự độc nhất vô nhị của mình, nhưng kiến thức của chúng ta về bản thân chỉ là bề mặt. Ở những mức sâu xa hơn, chúng ta hoàn toàn chẳng biết tí gì về mình cả.

Đức Phật đã khảo sát cái hiện tượng gọi là con người này bằng cách tra xét bản chất của chính Ngày. Bỏ qua một bên mọi định kiến, Ngài đã nghiên cứu tỉ mỉ thực tại bên trong và hiểu ra rằng mỗi người là một tổng hợp của năm tiến trình (ngũ uẩn), bốn trong số đó thuộc tinh thần và một thuộc vật chất.



VẬT CHẤT (SẮC)



Chúng ta hãy bắt đầu với phương diện vật lý. Đây là phần hiển nhiên nhất và rõ ràng nhất của bản thân chúng ta, phần này dễ dàng nhận thức bởi các giác quan (căn). Ấy vậy mà chúng ta thực sự biết rất ít về nó. Trên bề mặt ta có thể kiểm soát được thân, bắt nó di chuyển và hoạt động theo ý muốn. Nhưng ở mức độ khác, mọi cơ quan bên trong vận hành ngoài sự kiểm soát và ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Ở mức vi tế hơn, trên phương diện kinh nghiệm, chúng ta không biết gì về những phản ứng sinh hóa không ngừng xảy ra trong từng tế bào của cơ thể. Song đây vẫn chưa phải là thực tại cùng tột của hiện tượng vật chất. Về cơ bản, cái thân có vẻ rắn chắc ấy bao gồm những hạt hạ nguyên tử (những phân tử cực nhỏ) và các khoảng không. Quan trọng hơn nữa, ngay cả những hạt hạ nguyên tử này cũng không có tính rắn chắc thực thụ, và tuổi thọ của chúng lại chưa đầy một phần tỷ giây. Các phân tử liên tục sanh và diệt, giống như một dòng chảy của những rung động. Đây là thực tại cùng tột của thân, của tất cả vật chất, mà đức Phật đã khám phá ra hơn hai ngàn năm trăm năm trước.

Qua những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học hiện đại đã công nhận và chấp nhận thực tại cùng tột của thế giới vật chất này. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không trở thành các bậc giải thoát, các bậc giác ngộ. Vì tò mò họ đã truy tầm bản chất của vũ trụ, và dùng tri thức cũng như những dụng cụ khoa học để xác chứng cho những ý tưởng của họ. Ngược lại, đức Phật không chỉ bị thúc đẩy bởi lòng hiếu kỳ mà đúng hơn, bởi ước nguyện muốn tìm ra một con đường thoát khổ. Ngài không dùng dụng cụ nào trong cuộc truy tầm, ngoài chính tâm của Ngài. Sự thực (chân lý) mà Ngài khám phá không phải là kết quả của việc tri thức hóa mà của chính kinh nghiệm trực tiếp của Ngài, và đó là lý do tại sao nó có thể giải thoát cho Ngày vậy.

Ngài đã khám phá ra rằng toàn thế giới vật chất được cấu thành bởi những phân tử, ngôn ngữ Pãli gọi là Kalãpas (tổng hợp sắc), hoặc “các đơn vị vật chất bất khả phân”. Các đơn vị này phơi bày những tính chất cơ bản của vật chất trong sự biến đổi không ngừng. Những tính chất ấy là khối lượng (địa đại), sự kết dính (thủy đại), nhiệt độ (hỏa đại), và sự chuyển động (phóng đại). Chúng kết hợp lại thành những cấu trúc mà xem ra có vẻ thường hằng. Nhưng kỳ thực những cấu trúc này được cấu tạo bởi những Kalãpas (tổng hợp sắc) cực nhỏ và nằm trong trạng thái sanh và diệt liên tục. Đây là thực tại cùng tột của vật chất: một dòng trôi chảy không ngừng của những sóng hoặc phân tử. Đây cũng là cái thân mà mỗi người chúng ta gọi là “chính tôi”>

Xem đầy đủ tại đây :

http://www.quangduc.com/tinhdo/139niemtho4.html#Hãy Tự Mình Bước Đi Trên Đạo Lộ
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
TÂM



Cùng với tiến trình vật chất (sắc uẩn) có tiến trình tâm lý (hay tâm). Tâm mặc dù không thể sờ hay thấy được, nó dường như liên hệ với chúng ta mật thiết hơn cả thân nữa. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một sự sống tương lai mà không có thân, nhưng không thể hình dung được một sự hiện hữu nào lại không có tâm. Ấy thế mà chúng ta biết rất ít về tâm như thế nào, và kiểm soát được tâm ít ỏi ra sao. Nó luôn từ chối làm những gì chúng ta muốn, và làm những gì chúng ta không muốn. Sự kiểm soát của chúng ta về tâm ý thức là khá mong manh, nhưng tâm vô thức dường như hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng như nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Nó chứa đầy những sức mạnh mà có thể chúng ta không thừa nhận hoặc không biết.

Khi khảo sát thân, đức Phật cũng khảo sát luôn cả tâm và thấy rằng về đại thể, những khoản nó bao gồm tổng cộng có bốn tiến trình: thức (vĩnnãna), tưởng (sãnnã), thọ (vedanã) và hành hay sự phản ứng (sankhãra).

Thức, tiến trình đầu tiên, là phần tiếp nhận của tâm, hành vi nhận biết hay nhận thức không phân biệt. Nó chỉ đơn giản ghi nhận sự xảy ra của bất kỳ hiện tượng nào, hay nói cách khác nó là cái tiếp nhận bất kỳ một dữ liệu nhập nào về vật lý hoặc tâm lý. Thức ghi nhận các dữ liệu chưa phân tích của sự kinh nghiệm mà không gán những nhãn hiệu hay đánh giá một cách chủ quan.

Tiến trình tâm thứ hai là tưởng, hành vi công nhận. Phần này của tâm làm công việc nhận dạng những gì đã được ghi nhận bởi thức. Tưởng phân biệt, gắn nhãn hiệu, và phân loại những dữ liệu mới đưa vào chưa phân tích và đánh giá, tích cực hay tiêu cực.

Phần kế tiếp của tâm là thọ. Thực ra ngay khi bất kỳ một dữ liệu nào đã được tiếp nhận, cảm thọ liền phát sinh, một tín hiệu cho thấy rằng một cái gì đó đang xảy ra. Hễ dữ liệu nhập chưa được đánh giá, thọ vẫn là trung tính (không lạc, không khổ). Nhưng khi một giá trị được gắn vào dữ liệu nhập, thì thọ trở thành hoặc lạc, hoặc khổ, tùy theo sự đánh giá đã đưa ra ấy.

Nếu thọ là lạc (dễ chịu) một ước muốn hình thành để kéo dài và làm tăng cường độ của kinh nghiệm. Nếu đó là một cảm thọ khổ (khó chịu), thì ước muốn là để chấm dứt nó, để tống khứ cảm thọ ấy. Tâm phản ứng với thích và không thích[2] (hành – sankhãra). Chẳng hạn, khi tai đang làm nhiệm vụ bình thường và ta nghe một âm thanh, thức (vĩnnãna) liền làm việc. Khi âm thanh được nhìn nhận là những lời nói với hàm ý tích cực hoặc tiêu cực gì đó, là tưởng (sãnnã) đã bắt đầu làm nhiệm vụ. Kế, cảm thọ nhập cuộc. Nếu những lời nói ấy là lời khen, một cảm thọ lạc phát sinh. Nếu là tiếng chửi, một thọ khổ phát sinh. Lập tức hành hay phản ứng xảy ra. Nếu cảm thọ là lạc, ta bắt đầu thích nó, muốn có thêm những lời khen đó nữa. Nếu cảm thọ là khổ, ta bắt đầu không thích nó, và muốn chấm dứt tiếng chửi ấy.

Những bước y như vậy sẽ diễn ra khi bất kỳ một trong các giác quan (căn) khác tiếp nhận một dữ liệu nhập: thức, tưởng, thọ, hành. Bốn chức năng tinh thần này thậm chí còn qua nhanh hơn những phân tử không bền tạo thành thực tại vật chất. Mỗi sát na mà các giác quan tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, bốn tiến trình tâm lý này sẽ xuất hiện với tốc độ nhanh như điện chớp và tự chúng cứ lập đi lập lại với mỗi sát na xúc chạm xảy ra sau đó. Tuy nhiên, điều này xảy ra nhanh đến nỗi ta không biết được những gì đang diễn ra. Chỉ đến khi một phản ứng đặc biệt nào đó đã được tái đi tái lại nhiều lần qua một thời gian khá lâu, và đã mang một hình thức rõ rệt, mạnh mẽ rồi thì cái biết về nó mới phát triển ở mức ý thức.

Phương diện nổi bật nhất của sự mô tả này về con người không phải ở những gì nó bao gồm mà là ở những gì nó bỏ qua. Dù chúng ta là người phương Tây hay phương Đông, dù là người Thiên Chúa hay Hồi giáo, Ấn giáo hay Phật giáo, vô thần hay bất cứ thứ gì khác, thì mỗi người đều có một sự tin chắc giống nhau là có một cái “tôi” ở đâu đó trong chúng ta, có một tính đồng nhất tương tục trong chúng ta. Chúng ta phân tích trên sự giả định không suy xét rằng con người hiện hữu mười năm trước về bản chất cũng đồng một người hiện hữu ngày hôm nay, và sẽ hiện hữu như vậy mười năm sau, có thể người ấy sẽ vẫn hiện hữu trong một kiếp tương lai sau khi chết. Cho dù chúng ta xem những triết lý hay lý thuyết hay đức tin nào là chơn thực đi nữa, thì thực sự mỗi người đều sống cuộc sống của mình với niềm tin đã ăn rễ sâu xa: “tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là” ấy.

Đức Phật đã thách thức sự khẳng định dựa trên bản năng về tính đồng nhất này. Khi làm vậy Ngài không phải đang trình bày một quan điểm dựa trên những suy đoán giá trị hơn để chống lại lý thuyết của người khác, mà chỉ đơn giản mô tả sự thực Ngài đã kinh nghiệm, và điều đó bất cứ một người bình thường nào cũng có thể kinh nghiệm. Bậc Giác Ngộ đã gạt bỏ mọi lý thuyết (tà kiến), Ngài nói, “Vì Như Lai đã thấy thực tại của sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, cũng như đã thấy sự sanh và diệt của chúng”[3]. Không kể bề ngoài, Ngài thấy rằng mỗi người là một chuỗi của những sự kiện tách biệt nhưng liên hệ với nhau. Mỗi sự kiện là kết quả của một sự kiện đi trước và nối theo nó không có khoảng cách nào cả. Tiến trình không gián đoạn của những sự kiện liên hệ chặt chẽ với nhau tạo ra cái vẻ bề ngoài của sự tương tục, của tính đồng nhất, nhưng đây chỉ là một thực tại bề ngoài, chứ không phải là thực tại cùng tột.

Chúng ta có thể gán cho con sông một cái tên nhưng thực sự đó chỉ là một dòng nwocs trôi chảy không ngừng. Chúng ta có thể nghĩ ánh sáng của ngọn nến là một cái gì bất biến, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy rằng thực sự đó là một ngọn lửa sinh ra từ tim đèn vốn chỉ cháy trong một thoáng, rồi liền bị thay thế bởi một ngọn lửa mới, từ sát na này đến sát na khác. Chúng ta nói về ánh sáng của một ngọn đèn điện, chẳng bao giờ dừng lại để có thể nghĩ rằng trong thực tế nó là thế, giống như con sông, một dòng chảy không ngừng, ở trường hợp bong đèn điện này, thì một dòng năng lượng phát sinh do những dao động tần số rất cao xảy ra trong sợi dây tóc (của bong đèn). Mỗi sát na một cái gì đó mới phát sinh như một sản phẩm của quá khứ, để rồi lại bị thay thế bởi một cái gì đó mới trong sát na tiếp theo sau. Sự nối tiếp của các sự kiện rất nhanh và liên tục đến độ khó mà phân biệt. Ở một điểm nào đó trong tiến trình ta không thể nói rằng những gì xuất hiện lúc này là một với những gì xuất hiện trước đó, ta cũng không thể nói rằng nó không phải là một. Tuy thế, tiến trình vẫn xảy ra.

Theo cùng thể thức như vậy, đức Phật nhận ra con người không phải là một thực thể hoàn chỉnh, không thay đổi, mà là một tiến trình trôi chảy từ sát na này đến sát na khác. Không có “con người” thực, chỉ có một dòng đang diễn tiến, một tiến trình liên tục của sự trở thành. Tất nhiên trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải đối đãi với nhau như những con người ít nhiều mang tính xác định và không thay đổi; chúng ta phải chấp nhận thực tại rõ rệt, bề ngoài này, nếu không thì chúng ta hoàn toàn không thể làm nhiệm vụ. Thực tại bề ngoài là một thực tại, nhưng chỉ là một thực tại trên bề mặt. Ở một mức sâu hơn, thực tại là chung cho toàn vũ trụ, hữu tình và vô tình, nằm trong trạng thái liên tục trở thành – liên tục sanh và diệt. Mỗi người chúng ta thực sự là một dòng của những hạt hạ nguyên tử hay kalãpa (tổng hợp sắc) thay đổi không ngừng. Cùng với nó những tiến trình của thức, tưởng, thọ, hành thậm chí thay đổi còn nhanh hơn cả tiến trình vật lý đó.

Đây là thực tại cùng tột của bản ngã (cái ta) mà mỗi người chúng ta rất quan tâm đến. Đấy là một dòng của những sự kiện mà chúng ta bị liên quan trong đó. Nếu chúng ta có thể hiểu điều này một cách đúng đắn bằng kinh nghiệm trực tiếp, chúng ta sẽ tìm ra manh mối để tự đưa mình ra khỏi khổ đau.
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Tu Tập Giới



Nhiệm vụ của chúng ta là trừ tuyệt khổ đau bằng việc trừ tuyệt các nhân của khổ, đó và vô minh, tham ái, và sân hận. Để thành tựu mục đích này đức Phật đã khám phá, đã hành theo, và đã giảng dạy một con đường thực tiễn cho cứu cánh có thể đạt đến ấy. Ngài gọi con đường này là Bát Thánh Đạo.

Một lần nọ, khi được thỉnh cầu giải thích đạo lộ bằng những từ ngữ giản dị, đức Phật đã dạy:

Không làm mọi điều ác.

Hãy làm các việc thiện.


Giữ tâm ý trong sạch”

Đó lời chư Phật dạy.

Dp.165

Đây là một sự trình bày hết sức rõ ràng mà hầu như ai cũng có thể chấp nhận được. Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta nên tránh những hành động được xem là có hại và thực hiện những hành động được xem là lợi ích. Nhưng chúng ta định nghĩa thế nào về cái gì là lợi, và cái gì là hại, cái gì là thiện, cái gì là bất thiện? Khi cố gắng làm điều này, chúng ta thường dựa vào những quan kiến của chúng ta, những đức tin truyền thống của chúng ta, những ưa thích và thiên kiến của chúng ta. Kết quả là chúng ta tạo ra những định nghĩa hẹp hòi, mang tính bộ phái chỉ có thể chấp nhận được đối với một số người, và không thể chấp nhận được đối với số người khác. Thay cho những giải thích hẹp hòi ấy, đức Phật đã đưa ra một định nghĩa hết sức phổ quát về thiện và bất thiện, về đạo đức và tội lỗi. Bất kỳ hoạt động nào làm tổn hại người khác, khuấy động sự bình yên và hòa hợp của họ, được xem là một hành động tội lỗi, hành động bất thiện. Bất kỳ hành động nào giúp ích kẻ khác, đóng góp vào sự bình yên và hòa hợp của họ, được xem là một hành động đạo đức, hành động thiện. Hơn nữa, tâm được tịnh hóa thực sự không phải bằng việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo hay bằng những luyện tập về mặt tri thức, mà bằng việc kinh nghiệm trực tiếp thực tại của tự thân và thực hành một cách hệ thống nhằm loại bỏ các duyên làm phát sinh khổ đau.

Bát thành đạo có thể được chia làm ba giai đoạn tu tập: Giới, Định, và Tuệ, Giới (Sĩla) là việc thực hành đạo đức, tránh tất cả những hành động bất thiện của thân và lời nói. Định (Samãdhi) là việc thực hành định tâm (tập trung tâm), phát triển khả năng hướng dẫn và kiểm soát một cách ý thức các tiến trình tâm của chúng ta. Tuệ (pãnnã) hay tuệ giác là sự phát triển khả năng hiểu biết trong sáng về bản chất của con người.


Giá Trị Của Việc Hành Giới



Bất kỳ người nào có ước nguyện thực hành Pháp (Dhamma) đều phải bắt đầu bằng việc hành Giới (Sĩla). Đây là bước đầu tiên rất quan trọng, không có nó người ta không thể tiến bộ được. Chúng ta cần phải tránh xa mọi hành động, mọi lời nói và việc làm gây tổn hại đến người khác. Điều này thật dễ hiểu, xã hội đòi hỏi phải có cách cư xử như vậy để tránh sự rối loạn. Nhưng thực sự chúng ta tránh những hành động ấy không chỉ vì chúng làm tổn hại người khác mà cũng vì chúng làm hại đến bản thân chúng ta nữa. Không thể có chuyện vi phạm một hành động bất thiện – chửi bới, sát hại, trộm cắp hoặc hiếp dâm mà không phát sinh sự kích động mạnh trong tâm, không phát sinh tham ái và sân hận mãnh liệt trong tâm được. Sát na phát sinh tham ái hay sân hận này đem lại bất hạnh trong hiện tại và còn nhiều bất hạnh hơn nữa trong tương lai, bởi thế đức Phật dạy:

Nay thiêu đốt, đời sau thiêu đốt

Người tạo ác chịu khổ đôi đường.

Nay hạnh phúc, đời sau hạnh phúc

Người giới đức hoan hỷ đôi nơi.


Chúng ta không phải chờ cho đến sau lúc chết mới nếm mùi địa ngục hay thiên dường; trong kiếp sống này chúng ta cũng có thể nếm chúng, ngay trong tự thân chúng ta. Khi chúng ta phạm vào những bất thiện nghiệp, chúng ta nếm trải lửa địa ngục của tham ái và sân hận liền. Khi thực hiện các thiện nghiệp, chúng ta cũng trải qua thiên đàng của sự bình yên nội tâm ngay. Vì thế, không phải chỉ vì lợi ích của người khác mà chính vì lợi ích của bản thân chúng ta, để tránh làm tổn hại đến bản thân chúng ta mà chúng ta tránh xa những lời nói và việc làm bất thiện vậy.

Có một lý do khác nữa cho việc thọ trì giới. Chúng ta ước muốn khảo sát tự thân để có được sự thấu triệt những chiều sâu của thực tại. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có một nội tâm rất an tịnh và vắng lặng. Không thể nhìn xuyên qua đáy hồ nước khi nó đang xao động. Cũng vậy, sự nội quan (nhìn vào bên trong) đòi hỏi phải có một nội tâm an tịnh, không bị dao động. Nếu người ta phạm một bất thiện nghiệp, tâm sẽ tràn ngập kích động. Khi người ta tránh được mọi hành động bất thiện của thân hoặc lời nói, thì tâm lúc ấy mới có được cơ hội để trở nên bình yên, đủ để có thể tiến hành sự nội quan.

Còn một lý do khác nữa để giải thích tại sao giới lại là điều cần yếu: người thực hành Pháp là người đang làm việc để hướng đến mục tiêu tối hậu của sự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ này họ không thể để vướng vào những hành động vốn sẽ tăng cường cho chính những thói quen tâm lý mà họ đang tìm cách đoạn trừ. Bất kỳ hành động nào làm tổn hại người khác nhất thiết đã đi kèm bởi tham, sân, và vô minh. Phạm vào những hành động như vậy tức là đang lùi lại hai bước cho mỗi bước hướng tới trên đạo lộ, làm cản trở mọi tiến bộ hướng đến giải thoát.

Như vậy, giới được xem là thiết yếu không chỉ vì sự tốt đẹp của xã hội mà còn vì sự tốt đẹp của mỗi người trong xã hội đó, và không phải chỉ vì lợi ích vật chất của con người mà cũng còn vì sự tấn hóa của họ trên đạo lộ của Pháp nữa.

Ba chi phần của Bát Thánh đạo nằm trong sự tu tập giới là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng.

Chánh Ngữ (lời nói chân chánh)

Lời nói cần phải trong sạch và hiền thiện. Sự thanh khiết được thành tựu bằng cách loại trừ những bất tịnh, và vì thế chúng ta phải hiểu những gì làm nên lời nói không trong sạch. Những hành vi bao gồm: nói dối, tức là nói không đúng sự thực (thêm hoặc bớt vào sự thực); đưa chuyện làm cho bạn bè bất hòa; nói vu khống; nói lời thô lỗ làm phiền lòng người khác và không đem lại lợi ích; và ngồi lê đôi mách, nói chuyện phù phiếm vô nghĩa phí thì giờ của người khác và của mình. Tránh tất cả lời nói bất tịnh đại loại như vậy, còn lại là chánh ngữ.

Đây không chỉ là một khái niệm tiêu cực. Như đức Phật giải thích:

“Người thực hành chánh ngữ nói sự thực và cương quyết giữ đúng sự thực, đáng tin, đáng nương tựa, thẳng thắn với mọi người. Người ấy hòa giải sự gây gổ và khuyến khích tình đoàn kết, thích thú trong sự hòa hợp, tìm kiếm sự hòa hợp, hoan hỷ trong sự hòa hợp, và tạo ra sự hòa hợp bằng những lời nói của mình. Lời nói của vị ấy nhã nhặn đẹp tai người nghe, thân ái, thân tình, lễ phép, và được mọi người tán thành, hoan hỷ. Vị ấy nói đúng thời, hợp theo sự thực, hợp với lợi ích, hợp với Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Lời nói của vị ấy đáng ghi nhớ, hợp thời, khéo suy luận, khéo chọn lựa và có tính xây dựng”.

(M.27 cũla –hatthi –padopana sutta)

Chánh Nghiệp (hành động chơn chánh)

Hành động cũng phải trong sạch. Như với lời nói, chúng ta cần phải hiểu những gì tạo thành hành động không trong sạch ngõ hầu có thể tránh được nó. Những hành động gọi là không trong sạch gồm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm – chẳng hạn như cưỡng hiếp hoặc ngoại tình, và say sưa, mất sự sáng suốt khiến người ta không hiểu được mình đang nói gì hoặc đang làm gì. Tránh bốn hành nghiệp bất tịnh này còn lại là chánh nghiệp.

Một lần nữa đây cũng không chỉ là một khái niệm tiêu cực. Khi mô tả một người hành chánh nghiệp về thân, đức Phật nói:

“Bỏ gậy, bỏ kiếm, vị ấy sống thận trọng không làm tổn hại chúng sinh khác, vị ấy đầy lòng nhân từ, tìm cầu lợi ích cho tất cả chúng sinh, không có những hành động lén lút, trộm cắp;bản thân vị ấy sống như một người trong sạch”. – (M.27)
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Các Giới Điều

Đối với một phàm nhân còn vướng mắc trong đời sống thế tục, cách để thực hiện chánh ngữ và chánh nghiệp là thực hành Ngũ Giới. Đó là:

1. Tránh sát hại các loài hữu tình

2. Tránh việc trộm cướp

3. Tránh việc tà dâm

4. Tránh việc nói dối

5. Tránh việc say sưa (rượu và các chất say).

Ngũ giới này là căn bản tối thiểu cần phải có cho hành vi đạo đức. Chúng phải được tuân thủ bởi bất cứ người nào có ước nguyện thực hành Pháp.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong cuộc sống chúng ta cũng có cơ hội để tạm gác những công việc đời thường qua một bên – có thể trong vài ngày, có thể chỉ trong một ngày – để thanh lọc tâm, để thực hành hướng đến giải thoát. Một giai đoạn như vậy là một thời gian quí báu dành cho việc thực hành Pháp nghiêm ngặt và do đó cách cư xử của bạn cần phải thận trọng hơn trong đời sống bình thường. Khi ấy việc quan trọng là phải tránh những hành động có thể làm phân tán hoặc xen vào công việc thanh lọc tự thân này. Vì vậy, vào những lúc như thế bạn sẽ thọ trì tám giới. Tám giới này gồm năm giới căn bản với một sự thay đổi chút ít: thay vì tránh xa sự tà dâm, bạn sẽ tránh xa mọi hành vi liên quan tới dâm dục. Ngoài ra bạn còn thọ trì thêm việc tránh ăn phi thời (đó là không ăn sau mười hai giờ trưa); tránh mọi vui chơi khoái lạc và trang điểm thân thể; và cuối cùng là tránh sử dụng những giường ngủ xa hoa. Điều thiết yếu của việc giữ giới không quan hệ nam nữ và các giới khác mới thêm vào là để tăng cường sự an tịnh và tinh táo được xem là cần thiết cho công việc nội quan, và giúp cho tâm thoát khỏi mọi sự quấy rối bên ngoài. Tám giới chỉ cần thọ trì trong thời gian nhất định khi bạn thực hành Pháp một cách miên mật. Khi giai đoạn đó qua rồi bạn có thể trở lại với Ngũ Giới kể như đường lối chỉ đạo cho nếp cư xử đạo đức.

Cuối cùng, có mười giới (Thập Giới) dành cho những người đã chấp nhận cuộc sống không nhà của một vị sa môn, một vị sư khất thực, hoặc một vị tu nữ. Mười giới này bao gồm tám giới đầu, với giới thứ bảy chia làm hai và thêm một giới nữa: tránh không nhận tiền bạc. Các vị sa môn phải tự nuôi sống độc nhất bằng của bố thí mà họ nhận được, nhờ vậy họ được tự do để hiến mình trọn vẹn cho công việc tịnh hóa tâm vì lợi ích của bản thân họ và vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Tóm lại, các giới điều, dù là ngũ giới, bát giới, hay thập giới, không phải là những công thức rỗng không được đọc tụng theo truyền thống. Nghĩa đen của chúng là “Những bước để thực hiện việc tu tập”,phương tiện rất thực tiễn để bảo đảm rằng lời nói và hành động của bạn không làm hại người khác, không làm hại bản thân.

Chánh Mạng (cách sinh nhai chính đáng)

Mỗi người ai cũng phải có một cách nuôi dưỡng bản thân thích hợp. Có hai chuẩn mực để đánh giá chánh mạng. Thứ nhất, cách làm ăn của bạn không được phạm vào ngũ giới, vì lẽ nếu làm như vậy tất nhiên là phải làm hại người khác. Thêm nữa, bạn cũng không nên làm điều gì có tính cách khuyến khích người khác phạm giới, vì điều này cũng làm tổn hại họ. Nói chung, phương tiện sinh nhau của chúng ta phải không dính líu đến việc làm tổn thương đến các chúng sinh khác, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Như vậy, bất cứ sự nuôi mạng nào đòi hỏi phải có sự sát sanh, dù là người hay thú vật, rõ ràng không phải là chánh mạng. Nhưng, cho dù việc sát sinh là do người khác thực hiện và bạn chỉ buôn bán những phần của con vật bị giết như da, thịt, xương, vv… việc ấy vẫn không phải là chánh mạng. Vì bạn tùy thuộc vào tà nghiệp của kẻ khác. Bán rượu hay các loại ma túy có thể rất có lợi dù bản thân bạn không dùng, nhưng hành vi bán ấy khuyến khích người khác sử dụng những chất gây say và làm hại bản thân họ bằng những chất ấy. Điều khiển một song bài (gambling casino) có thể đem lại rất nhiều lợi lộc, nhưng những người đến đánh bài sẽ chuốc lấy họa vào thân. Bán các loại độc dược hay vũ khí – sung ống, đạn dược, bom mìn, hỏa tiễn – là việc làm gây tổn hại đến nền hòa bình và hòa hợp của số đông. Cho nên không có việc buôn bán nào trong số đó là chánh mạng.

Cho dù một công việc nào đó có thể thực sự không làm tổn hại người khác, song nếu họ được thực hiện với ý định hay chủ tâm rằng người khác sẽ bị tổn hại, đó cũng không phải là chánh mạng. Người bác sĩ mong đợi một bệnh dịch hay người buôn hy vọng một trận đói kém đều không phải đang hành chánh mạng.

Mỗi người là một thành viên của xã hội. Chúng ta đáp lại những bổn phận của chúng ta cho xã hội bằng công việc chúng ta làm, phụng sự đồng bào của chúng ta theo những cách khác nhau. Đáp lại điều này chúng ta nhận được sự nuôi mạng của chúng ta. Ngay cả một vị sư, một vị sa môn, cũng có công việc thích hợp nhờ đó họ xứng đáng hưởng của bố thí họ nhận được: công việc đó là thanh tịnh tâm vì sự tốt đẹp của bản thân và vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Chỉ khi người ấy bóc lột kẻ khác bằng sự lừa đảo, bằng việc thực hiện những phép thuật hay mạo nhận những chứng đắc tâm linh. Lúc ấy họ mới không phải đang hành chánh mạng.

Cho dù sự trả công mà chúng ta nhận được cho công việc của mình có là gì chăng nữa thì cũng phải được dùng cho việc nuôi sống bản thân và những người tùy thuộc nơi chúng ta. Nếu có chút dư thừa nào, ít nhất một phần của số ấy phải được hoàn lại cho xã hội, đóng góp để xã hội sử dụng vì lợi ích của người khác. Nếu như chủ tâm của bạn là đóng một vai trò hữu ích cho xã hội để nuôi dưỡng bản thân và giúp đỡ người khác, thì công việc bạn làm là chánh mạng.


 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Thực Hành Giới Trong Một Khóa Thiền Minh Sát

Chúng ta cần phải thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng này vì chúng rất có ý nghĩa đối với bản thân chúng ta và cho mọi người. Một khóa thiền Minh sát sẽ cho chúng ta cơ hội áp dụng cả ba phương diện của giới này. Đây là giai đoạn dành cho việc thực hành tích cực Pháp (dhamma) và do đó mọi người tham dự đều phải thọ trì Bát giới. Tuy nhiên, đối với người mới tham dự khóa thiền lần đầu tiên hoặc những người có những vấn đề về trị bệnh cũng được phép du di, nghĩa là họ được phép ăn một bữa nhẹ vào buổi chiều. Vì lý do này những người như vậy chính thức chỉ thọ Ngũ giới, mặc dù trên mọi phương diện khác họ thực sự vẫn giữ Bát giới.

Ngoài việc giữ giới, những người tham dự còn phải phát nguyên giữ yên lặng cho đến ngày cuối cùng của khóa thiền. Họ được phép nói chuyện (trình bày vấn đề thực hành của mình) với vị thiền sư hoặc những người phụ trách khóa thiền, nhưng không được phép nói chuyện với các thiền sinh khác. Nhờ vậy, mọi sự phân tâm được hạn chế đến mức tối thiểu, và người ta có thể sống và làm việc trong những phòng sát nhau mà không làm phiền nhau. Trong một bầu không khí an tịnh, yên tĩnh và bình an như vậy mới có thể thực hiện nhiệm vụ nội quan (nhìn vào bên trong) một cách cẩn thận.

Bù vào việc thực hiện Minh sát (nội quan) của họ, các thiền sinh nhận được thực phẩm và chỗ ở mà phí tổn của những thứ đó do người khác đóng góp. Theo cách này, trong suốt một khóa thiền ít nhiều họ cũng sống giống như các vị sa môn thực sự, nghĩa là sống nhờ vào lòng từ thiện của người khác. Nhờ thực hiện công việc của họ với hết khả năng, vì lợi ích của bản thân và lợi ích của mọi người, các thiền sinh đã hành chánh mạng trong khi tham dự một khóa thiền Minh sát vậy.

Việc hành giới (sĩla) là một phần không thể thiếu của đạo lộ. Không hành giới chắc chắn không thể nào tiến hóa được trên đạo lộ, vì tâm vẫn cứ sẽ dao động khiến khó có thể thẩm sát thực tại bên trong. Có những người dạy rằng sự phát triển tâm linh không giữ giới vẫn có thể được. Dù họ đang hành thế nào chăng nữa, thì những người ấy cũng không phải hành theo lời dạy của đức Phật. Tất nhiên, không hành giới người ta cũng có thể kinh nghiệm những trạng thái xuất thần khác nhau, nhưng nếu xem đó là những chứng đắc tâm linh thì thật là nhầm lẫn. Chắc chắn không hành giới người ta chẳng thể nào giải thoát tâm khỏi khổ đau và kinh nghiệm sự thực cùng tột được.



Tu Tập Định



Bằng việc thực hành giới, chúng ta cố gắng kiểm soát lời nói và hành động của thân. Tuy nhiên, nhân sanh khổ nằm trong những hoạt động tâm lý của chúng ta. Chỉ đơn thuần kềm chế lời nói và hành động thôi, cũng sẽ vô ích nếu như tâm vẫn tiếp tục sục sôi trong tham ái và sân hận, trong những hoạt động tâm lý bất thiện. Mâu thuẫn tự thân theo cách này, chúng ta chẳng thế nào có được sự an vui. Sớm muộn gì tham ái và sân hận cũng sẽ bột phát và lúc ấy chúng ta sẽ phạm giới, làm tổn hại người khác và chính bản thân chúng ta.

Về mặt tri thức bạn có thể hiểu rằng phạm vào những hành vi bất thiện là sai. Xét cho cùng, cả ngàn năm nay mọi tôn giáo đều đã thuyết giảng về tầm quan trọng của giới hay đạo đức. Nhưng, khi mà sự cám dỗ đến, nó áp đảo tâm và người ta liền phạm giới. Một người nghiện rượu có thể biết rất rõ rằng họ không nên uống rượu vì có hại cho bản thân họ, vậy mà khi tham ái khởi lên họ liền vớ lấy rượu và uống cho say bí tỉ. Họ không thể dừng lại được vì không kiểm soát được tâm. Nhưng nếu họ học được cách ngưng phạm những hành vi tâm lý bất thiện, thì việc kiềm chế những lời nói và việc làm bất thiện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

vấn đề xuất phát trong tâm, nên chúng ta phải đương đầu với nó ở mức tâm lý. Để làm được như vậy, chúng ta phải thọ trì việc hành “bhãvanã” – nghĩa đen là “phát triển tâm”, hoặc nói theo ngôn ngữ thông thường là thiền. Từ sau tời đức Phật, ý nghĩa của chữ “bhãvanã” đã trở nên mơ hồ khi việc thực hành thiền xuống dốc. Trong những năm gần đây, từ này đã được dùng để nói đến bất kỳ loại trau dồi hay nâng cao tinh thần nào, ngay cả những hoạt động như đọc, nói, nghe, hoặc tư duy về Pháp (dhamma). “Thiền” (meditation), sự phiên dịch sang Anh ngữ phổ biến nhất của từ bhãvanã, đã được dùng thậm chí rất lỏng lẻo để nói về nhiều hoạt động, từ thư giãn tinh thần, mơ mơ màng màng (day dreaming), và tự liên tưởng, đến tự thôi miên (self-hypnosis). Tất cả những hình thức này rất xa lạ với những gì đức Phật muốn nói về bhãvanã (sự phát triển hay tu tập tâm). Đức Phật đã dùng từ này để nói về những việc luyện tập tinh thần đặc biệt, những kỹ thuật chính xác nhằm tập trung và thanh lọc tâm.

Sự phát triển tinh thần hay tu tập tâm (bhãvanã) này bao gồm hai giai đoạn tu tập về định (samãdhi) và tu tập về tuệ (pãnnã). Việc thực hành định tâm còn gọi là “tu tập tịnh chỉ” (samatha bhãvanã) và việc thực hành trí tuệ còn gọi là “tu tập minh sát” (vipassanã bhãvanã). Việc thực hành bhãvanã bắt đầu với định, phần thứ hai của Bát thánh đạo, đây là thiện nghiệp liên quan đến việc học cách kiểm soát các tiến trình tâm, để trở thành chủ nhân của chính tâm mình. Ba chi phần của thánh đạo nằm trong giai đoạn luyện tập này là: Chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn là bước đầu tiên trong việc thực hành bhãvanã (thiền). Tâm chúng ta dễ dàng bị vô minh áp đảo, dễ dàng bị tham ái hoặc sân hận lay động. Bằng cách này hay cách khác chúng ta phải củng cố nó để cho tâm trở nên vững chắc và ổn định, biến nó thành một lợi khí hữu ích cho việc khảo sát bản chất của chúng ta ở mức vi tế nhất để phát hiện ra và rồi loại trừ tình trạng khổ đau của chúng ta.

Một vị bác sĩ muốn chẩn bệnh cho bệnh nhân sẽ phải lấy máu của họ và đặt nó dưới một kính hiển vi. Trước khi khảo sát mẫu vật, vị bác sĩ trước hết phải điều chỉnh tiêu điểm kính một cách thích hợp, rồi gắn mẫu vật vào tiêu điểm ấy. Chỉ lúc đó ông ta mới có thể kiểm tra mẫu vật, khám phá nguyên nhân sanh bệnh và quyết định cách điều trị thích hợp để chữa bệnh. Tương tự, chúng ta phải biết cách điều chỉnh sự tập trung của tâm, gắn chặt và duy trì nó trên một đối tượng độc nhất của sự chú tâm, bằng cách này chúng ta biến tâm thành một dụng cụ để khảo sát thực tại vi tế nhất của bản thân chúng ta.

Đức Phật đã giải thích các kỹ thuật khác nhau cho việc định tâm, mỗi kỹ thuật phù hợp từng căn tánh của con người. Kỹ thuật thích hợp nhất cho việc khám phá thực tại bên trong, kỹ thuật mà chính đức Phật đã thực hành, là kỹ thuật “niệm hơi thở” – ãnãpãna sati.

Hơi thở là đối tượng của sự chú tâm luôn luôn có sẵn cho mọi người, vì tất cả chúng ta ai nấy đều thở từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Hơn nữa nó lại là một đề mục thiền mà ai cũng có thể dùng được, ai cũng có thể chấp nhận được. Để bắt đầu hành thiền (bhãvanã) hành giả ngồi xuống, theo một tư thế thẳng đứng và thoải mái, nhắm mắt lại. Hành giả nên chọn một căn phòng yên tĩnh ít bị phân tán sự chú tâm. Xoay từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong, hành giả thấy rằng hoạt động nổi bật nhất lúc này là hơi thở; vì thế hành giả đặt sự chú tâm vào đối tượng này: hơi thở đang vào và ra khỏi lỗ mũi.

Đây không phải là cách luyện tập thở, mà là cách luyện tập chánh niệm. Nỗ lực không phải để kiểm soát hơi thở mà để duy trì sự ý thức về hơi thở như nó tự nhiên là: dài hoặc ngắn, nặng hay nhẹ, thô hay tế. Hành giả cố gắng gắn sự chú tâm trên hơi thở, không để cho bất kỳ một sự xao lãng nào làm gián đoạn chuỗi chánh niệm của mình trong thời gian càng lâu càng tốt.

Ngay lập tức hành giả sẽ khám phá ra là việc này khó biết dường nào. Ngay khi chúng ta cố gắng để giữ cho tâm gắn chặt trên hơi thở, chúng ta bắt đầu khó chịu về cái đau nơi chân. Ngay khi chúng ta cố gắng đè nén mọi ý nghĩ phân tán, thì cả ngàn điều nhảy vào trong tâm: ký ức, dự định, hy vọng, sợ hãi vv… Một trong những điều này sẽ lôi cuốn sự chú tâm của chúng ta, và sau một lúc chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta đã quên mất hơi thở hoàn toàn. Chúng ta bắt đầu trở lại với một quyết tâm mói, và chỉ sau một thời gian ngắn chúng ta lại nhận ra rằng tâm đã vượt khỏi không có sự ghi nhận của chúng ta.

Ai làm việc kiểm soát ở đây? Ngay khi bắt đầu bài tập này, chúng ta nhanh chóng biết rõ rằng thực ra tâm nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Giống như một đứa bé hư với tay lấy món đồ chơi này, chán, vớ lấy món khác, chán rồi lại lấy món khác nữa. Tâm cũng vậy, cứ liên tục nhảy từ ý tưởng này, từ đối tượng của sự chú tâm này đến đối tượng khác, luôn luôn chạy trốn thực tại.

Đây là thói quen thâm căn cố đế của tâm; đây là những gì nó đã làm suốt những kiếp sống của chúng ta. Nhưng một khi chúng ta khởi sự khảo sát bản chất thực của mình, việc chạy trốn thực tại này phải chấm dứt. Chúng ta phải thay đổi được lề thói quen của tâm và học cách sống với thực tại. Chúng ta bắt đầu bằng cách cố gắng gắn chặt sự chú tâm vào hơi thở. Khi chúng ta để ý thấy rằng nó đã phóng đi, chúng ta sẽ đưa nó trở lại một cách nhẫn nại và điềm tĩnh. Có thể chúng ta sẽ thất bại nhưng vẫn cố gắng trở lại, và cứ tiếp tục nhẫn nại như thế. Tươi cười, không căng thẳng, không thối chí, chúng ta cứ lập đi lập lại bài tập. Xét cho cùng thói quen của một đời người không dễ gì đổi trong một vài phút như vậy. Công việc đòi hỏi phải có sự thực hành liên tục, lập đi lập lại nhiều lần, cũng như cần có sự nhẫn nại và điềm tĩnh. Đây là cách chúng tat u tập chánh niệm về thực tại. Đây là chánh tịnh tấn.

Đức Phật đã mô tả bốn loại chánh tinh tấn:

Tinh tấn ngăn các các, bất thiện pháp không cho khởi lên,

Tinh tấn đoạn trừ nếu chúng đã sanh,

Tinh tấn làm cho sanh khởi những thiện pháp chưa sanh,

Tinh tấn duy trì không xao lãng, làm cho các thiện pháp được phát triển và đạt đến sự sung mãn, hoàn thiện. (A.IV.II.3 (13) Pathãna Sutta.

Bằng việc thực hành niệm hơi thở, chúng ta thực hành cả bốn loại chánh tinh tấn. Chúng ta ngồi xuống và gắn sự chú tâm trên hơi thở không để một ý tưởng nào xen vào. Nhờ làm vậy, chúng ta đã khởi sự và duy trì được thiện pháp về tự-chánh-niệm. Chúng ta ngăn tự thân không để rơi vào sự phân tán, hay thất niệm, ngăn không để rơi vào sự phân tán, hay thất niệm, ngăn không để cho mất cái thấy về thực tại (ở đây là hơi thở). Nếu một ý tưởng khởi lên, chúng ta không đuổi theo nó, mà đưa sự chú tâm của ta vào hơi thở trở lại. Bằng cách này, chúng ta phát triển được khả năng của tâm để duy trì tập trung trên một đối tượng duy nhất và để chống lại sự tán loạn – hai đặc tính không thể thiếu của định.




 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên