TUYỆT QUÁN LUẬN
Tổ Bồ Đề Đạt Ma
(Vũ Thế Ngọc dịch)
10.9
Hỏi: "Có nhân duyên nào thì sát sinh được?"
Đáp: "Lửa đồng đốt núi, gió mạnh bẻ cây, núi sập đè thú, nước tràn côn trùng. Tâm giống được như vậy, thì có giết người cũng khả hợp. Còn nếu tâm còn do dự, phân biệt sống chết giết hại, trong còn tâm chưa tận diệt, thì (giết) một con kiến cũng là đã cột vào mệnh người rồi vậy".
10.10
Hỏi: "Trong nhân duyên nào thì trộm cướp được?"
Đáp: "Ong hái hoa bên hồ, chim sẻ ngậm hột ngoài sân, bò gặm đậu bên đầm, ngựa nhai lúa ngoài đồng. Tất cả đều chẳng biết gì đến vật gì, của ai. Hợp được như vậy thì có vác cả núi non đi cũng đặng, còn nếu không được như thế, thì (lấy trộm) một ngọn lá nhỏ như đầu kim cũng cột khiến người làm nô lệ vậy".
10.11
Hỏi: "Trong nhân duyên nào thì hành dâm được?"
Đáp: "Trời phủ lấy Đất, Dương hợp với Âm, nước dột từ lỗ rò, suối tuôn theo dòng. Tâm mà đồng như vậy, thì chẳng chỗ nào mà hành động gặp trở ngại. Còn nếu còn sinh tính phân biệt (vui thích, xúc động,...) thì (hành lạc) với vợ ở nhà cũng khiến tâm người hoen bẩn vậy".
10.12
Hỏi: "Còn có nhân duyên nào thì vọng ngữ được?"
Đáp: "Có nói mà như không có người nói, có lời mà chẳng có tâm ý, thanh như tiếng chuông (vì gõ mà kêu, chứ chẳng vì chuông muốn lên tiếng), giọng như âm gió (gió thổi vì có vật cản mà thành âm chứ chẳng vì gió có giọng riêng của gió). Tâm mà đồng đươc như vậy thì lời nói đến Phật cũng không cần. Còn không được như vậy thì cho đến lời xưng tụng Đức Phật, cũng chỉ là những lời vọng ngữ mà thôi".
ĐOẠN 11
11.1
Duyên Môn đứng dậy hỏi: "Nếu như không còn Thân Kiến (cái Ngã và thân xác), thì (ai) đi đứng ngồi nằm?"
Đáp: "Cứ đi, đứng, ngồi, nằm, làm gì phải chấp trứơc là có thân xác và cái Ngã".
[Các Thiền sư thường lặp lại câu này. Xuất xứ có thể thấy trong kinh Bách Thiên Tụng Bát Nhã (Satasa Hasrika Rajnaparamita): "Bồ tát an trụ trong thân thể (vẫn có) cảm thụ, suy nghĩ, và (đối đãi) với vạn pháp, nhưng không khởi niệm phân biệt đối đãi với thân thể, cảm thụ, tâm ý và vạn pháp,... Khi Bồ tát đi, Bồ tát biết mình đi, khi đứng, Bồ tát biết mình đứng, khi ngồi biết mình ngồi, khi nằm biết mình nằm, khi buồn, biết mình buồn, khi tức giận biết mình tức giận, khi vọng tâm biết mình vọng tâm, khi mê lầm biết mình mê lầm,... mà không có chấp trươc và thưởng ở tại lẽ Không và Vô Ngã. Chúng sinh thì không biết mình ở tại lẽ Không và không thấy cái Lý Vô Ngã của thân thể, cảm thụ, tâm ý, và vạn pháp,...]
11.2
Hỏi: "Nếu đã không còn thân kiến, thì còn có thể suy tư về nghĩa lý được sao?"
Đáp: "Nếu còn Tâm chấp trước, thì không suy nghĩ, cũng vẫn là Có. Nếu đã hiểu được lý Vô Tâm, thì dù có suy tư đến cái gì chăng nữa cũng vẫn là Không. Là tại làm sao? Đó giống như Thiền sư khi tĩnh tọa mà còn khởi tâm lự, như gió mạnh tuy loạn động mà Vô Tâm".
ĐOẠN 12
12.1
Duyên Môn hỏi: "Nếu có kẻ mới học đạo, bỗng gặp nhân duyên có người muốn hại, phải đối trị thế nào cho hợp đạo?"
Đáp: "Những điều đó chẳng cần phải đối trị. Là tại sao? Nếu tránh được thì tránh, không tránh được thì nhận; Nhẫn nhịn được thì nhẫn nhịn, không nhẫn nhịn được thì cứ khóc".
12.2
Hỏi: "Như mà khóc, thì cùng với người có kiến chấp về thân ngã có gì khác biệt?"
Đáp: "Như dùi gõ chuông, tiếng vang tự nhiên phát ra. Hà tất phải có cái Ngã nào hết. Người như sắp chết mà còn kìm tâm, cắn răng chịu đựng, thì cũng chỉ đi đến việc duy trì cái ngã to tướng kia mà thôi".
12.3
Hỏi: "Người mà khóc lóc thảm thiết, ắt trong có khơi động tâm tình. Há đồng với tiếng chuông vang ư?"
Đáp: "Nói đồng hay bất đồng, đều là do người đa sự vì có vọng tưởng, nghĩ suy, so sánh nên mới có câu hỏi đó. Còn nếu không còn tâm phân biệt, thì đạo thể vốn đã tự nhiên".
12.4
Hỏi: "Thánh nhân binh khí không thể hại được, khổ không làm cong mềm được, vật chất chẳng khiến hưởng thụ, tâm chẳng dấy động nổi. Như thế là thế nào?"
Đáp: "Nếu thấu hiểu rằng tất cả mọi pháp đều vô ngã (không có thật) thì có tiếng hay không có tiếng, có động hay bất động, đều hợp với lý đạo, chẳng gì cản trở được".
ĐOẠN 13
13.1
Duyên Môn hỏi: "Con thấy có người học đạo, chẳng chịu chuyên cần tinh tiến, giữ giới luật; không cần mẫn gia sức uy nghi; chẳng hóa độ chúng sinh, cứ tà tà phất phơ, đó là nghĩa gì?"
Đáp: "Muốn mất hết cái tâm phân biệt, muốn dứt tất cả mọi quan niệm hữu thường (chư hữu kiến). Thì (bề ngoài) như là có vẻ phất phơ nhàn lãng như vậy, nhưng thật ra bên trong thì chuyên cần không gián đoạn đó vậy".
[Chư Hữu Kiến: Các quan niệm về hữu (thường): có thân ngã, có hình tướng màu sắc,... như Thân kiến, Vọng kiến, Hữu kiến. Khi chữ Kiến dùng một mình nó có nghĩa là vọng kiến, hữu kiến,...]
13.2
Hỏi: "Như vị hành giả đó, lại sinh ra cái tiểu nhi chi kiến. Thì há lại nói được là có thể dứt bỏ được (tất cả mọi vọng) kiến hay sao?"
Đáp: "Hãy trừ bỏ vọng kiến của người, lo gì người khác sinh (hay không sinh). Như cá vừa ra khỏi vực sâu, há lo người bắt cá có ghét nó hay không".
13.3
Hỏi: "Nếu như thế, thì chỉ lợi mình hại người, há gọi được là bậc đại sĩ sao?"
Đáp: "Nếu ngừơi không sinh vọng kiến, thì tất nhiên nó chẳng sinh. Nay người lo suy về việc nó sinh, thì chính là người tự sinh, chứ không ai vào đây."
13.4
Hỏi: "Trong, thông đạt giáo lý Đại thừa. Ngoài, hiện uy nghi Tiểu thừa. Là đã làm tổn hại Pháp nào?"
Đáp: "Nay người lại muốn bắt ông già chơi trò con nít chăng! Có ích gì đối với lý".
[Làm hại Pháp nào?: cách nói bóng bẩy ngược ngạo của Thiền gia, có nghĩa: "là theo Pháp môn nào?" ]
13.5
Hỏi: "Như bậc đại sĩ đã trừ bỏ đựơc hết những vọng tưởng đó, thì ai có thể nhận ra? ai có thể hiểu được?"
Đáp: "Người đã chứng ngộ thì hiểu được, người hành trì thì nhận ra được".
13.6
Hỏi: "Như vị đại sĩ đó, có thể hóa độ chúng sinh chăng?"
Đáp: "Có nhật nguyệt nào mà không chiếu? Có đèn lửa nào mà không sáng?"
13.7
Hỏi: "Dùng phương tiện nào?"
Đáp: "Chính trực không phương tiện".
13.8
Hỏi: "Nếu không có phương tiện, thì làm sao để lợi ích cho chúng sinh?"
Đáp: "Vật đến nên có tên, việc qua nên đáp ứng. Không có tâm sắp bày, dự đoán tính toán".
13.9
Hỏi: "Con nghe nói Như Lai bảy ngày tư duy mới khởi phát ra phương tiện (để hóa độ chúng sinh). Sao bây giờ lại nói là chẳng có tâm sắp bày, tính toán?"
Đáp: "Cảnh giới chư Phật không thể suy tư, phân tích tìm hiểu hay quán tưởng mà biết được."
13.10
Hỏi: "Như vậy, Phật cũng nói dối chăng?"
Đáp: "Chân thật không hư vọng".
13.11
Hỏi: "Tại sao kinh nói tư duy (Như Lai bảy ngày tư duy mới khởi phát ra phương tiện cứu độ). Nay nói không tư duy?"
Đáp: "Chỉ là phương tiện hóa độ mà thôi".
13.12
Hỏi: "Phương tiện của chư Phật vì theo lý nào mà sinh?"
Đáp: "Chư Phật chẳng sinh, chỉ vì theo tâm (chúng sinh) mà sinh. Tùy duyên mà hóa độ vạn vật nhưng bổn lai Pháp Phật không có tên".
ĐOẠN 14
14.1
Duyên Môn hỏi: "Con không biết, thế nào gọi là Phật? Thế nào gọi là Đạo? Thế nào gọi là biến hóa? Thế nào gọi là thường trụ?"
Nhập Lý đáp: "Giác ngộ được vô vật thì gọi là Phật. Thông suốt được tất cả thì gọi là Đạo. Pháp giới xuất sinh là Biến hóa. Cứu cánh tịch diệt gọi là Thường trụ".
14.2
Hỏi: "Tại sao gọi tất cả các pháp đều là Phật pháp?"
Đáp: "(Không những tất cả các pháp đều là Phật pháp) mà cả những gì không phải là pháp (phi pháp), những gì không phải là phi pháp (phi phi pháp), cũng đều là Phật pháp cả".
14.3
Hỏi: "Cái gì tên là Pháp? Cái gì tên là phi pháp? Cái gì tên là phi-pháp phi-phi-pháp?"
Đáp: "Những gì là pháp thì tên là pháp (xác định), những gì không phải là pháp thì tên là phi-pháp (phủ định). Còn những gì không thể suy nghĩ cân lượng đối đãi được, thì có tên là phi pháp phi phi pháp".
14.4
Hỏi: "Ai chứng minh cho lời đó".
Đáp: "Lời đó chẳng nói đến cái Ai, thì nói gì đến cái chứng".
14.5
Hỏi: "Không có Ai thì làm sao có thuyết?"
Đáp: "Chẳng có Ai, chẳng có Thuyết, tức là chính thuyết".
14.6
Hỏi: "Cái gì gọi là tà thuyết?"
Đáp: "Là ngôn thuyết mà có sắp đặt tính toán".
14.7
Hỏi: "Đó là sự sắp tính của người ta, còn thế nào mới là không sắp tính?"
Đáp: "Sắp đặt tính toán thì chỉ là lời suông, còn trong lời chẳng có lời, thì tính toán cũng chẳng có".
14.8
Hỏi: "Cứ như lời đó, thì tất cả chúng sinh bản lai đã giải thoát?"
Đáp: "Đã chẳng bị buộc cột, thì làm sao còn có người giải thoát".
14.9
Hỏi: "Pháp đó tên là gì?"
Đáp: "Đã chẳng còn có Pháp, thì còn làm gì có tên!"
14.10
Hỏi: "Như thuyết đó, con càng thêm khó phân giải".
Đáp: "Thực không có pháp nào phân giải, người chớ cầu phân giải".
14.11
Hỏi: "Mục đích cuối cùng là sao?"
Đáp: "Không bắt đầu, chẳng chấm dứt!".
14.12
Hỏi: "Không có cả nhân quả, được chăng?"
Đáp: "Không gốc tức là không ngọn".
14.13
Hỏi: "Lấy gì làm lời chứng?"
Đáp: "Chân thực không chứng thuyết".
14.14
Hỏi: "Thế thì làm sao hiểu được, nhìn ra?"
Đáp: "Hiểu tất cả các pháp như nó là thế. Thấy tất cả các pháp đều bình đẳng".
14.15
Hỏi: "Tâm nào thì hiểu được, mắt nào thì thấy được?"
Đáp: "Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến".
14.16
Hỏi: "Ai nói lời đó?"
Đáp: "Như ta vừa hỏi đó".
14.17
Hỏi: "Thế nào là Như-ta-vừa-hỏi-đó?"
Đáp: "Người tự quán lấy câu hỏi, sẽ hiểu được lời đáp".
14.18
Nghe đến đó Duyên Môn suy đi nghĩ lại tới nhiều lần, rồi tịch lặng không nói.
Nhập Lý tiên sinh hỏi: "Sao người không nói?"
Duyên Môn thưa: "Con không thấy có được một pháp, dù nhỏ như hạt bụi, mà có thể bàn luận được".
Lúc đó, Nhập Lý tiên sinh liền nói với Duyên Môn: "Nay ngươi giống như là kẻ đã thấy được cái lý chân thật rồi đó".
ĐOẠN 15
15.1
Duyên Môn hỏi: "Tại sao con tự thấy, rồi lại thấy như là không?"
Nhập Lý nói: "Cái thấy của người lúc này là không thấy có một Pháp nào hết. Giống như ngoại đạo, tuy học được phép ẩn hình mà vẫn chưa thể mất được bóng, lấp được dấu".
[(Vô hữu nhất pháp giả), thấy cái Không, mới chỉ là phần giác chưa phải là toàn giác, như mới học được phép ẩn thân nhưng vẫn còn lộ bóng]
15.2
Duyên Môn hỏi: "Làm sao đắc được cách tiêu vong cả hình lẫn bóng?"
Nhập Lý nói: "Bản vô tâm cảnh, người chớ khởi sinh quan niệm rằng có sinh có diệt."
[Bản vô Tâm Cảnh: Gốc vốn không có cả Tâm (chủ thể) lẫn Cảnh (đối tượng), vì Phật tính bản lai vẫn tịch lặng sáng ngời, chúng sinh vì mê vọng, nên bị che mờ, vì vậy đừng có sinh ra cái quan niệm rằng có sinh hay có diệt (mạc khởi sinh diệt chi kiến).]
15.3
Hỏi: "Là phàm phu nên hỏi, là thánh nhân nên thuyết?"
Đáp: "Có nghi nên hỏi, có giải đáp nghi ngại nên thuyết".
15.4
Hỏi: "Con nghe rằng thánh nhân không hỏi mà tự thuyết. Để giải thích điều gì? Có pháp để thuyết được chăng? Hoặc vì thấy được điều hồ nghi của người?"
Đáp: "Tất cả đều như tùy bệnh mà cho thuốc. Như khi có tiếng sấm sét, ắt phải có tiếng vang dội vậy".
[Nương theo lời Phật thuyết thì Kinh Phật thường gọi là Thập Nhị Bộ Kinh. Trong Thập Nhị Bộ Kinh, thì Phật nói kinh vì ba lý do chính:
1. Phật nương theo ý mình mà thuyết;
2. Phật nương theo ý người ta mà thuyết;
3. Phật vừa nương theo ý mình và người mà thuyết.
Ở đây, Phật không đợi hỏi mà tự thuyết, thuộc về bộ Udana (Tự thuyết), và 11 bộ khác]
15.5
Hỏi: "Đức Phật Như Lai đã chẳng có tâm mà sinh, vậy thì vì cơ duyên nào mà sinh ra đời?".
Đáp: "Thế giới thái bình, hữu duyên mà cỏ Thụy sinh".
[Cỏ Thụy (Thụy thảo): Theo truyền thuyết, thời thái bình của thế giới, thì có xuất hiện giống cỏ Thụy mọc.]
15.6
Hỏi: "Đức Như Lai đã không có cái mạng phải tận, thì tại sao lại chết?".
Đáp: "Thế gian khi gặp nạn đói, là duyên cho ngũ cốc diệt tiêu".
15.7
Hỏi: "Con nghe Đức Phật thương (cho chúng sinh) mà khởi định, vì lòng từ bi mà hóa độ chúng sinh, (Phật pháp) lớn lao chẳng gì cản trở, làm sao lại giống với cỏ Thụy được?".
Đáp: "Định là Pháp thân, Báo Thân là nhục thân tứ đại. Đáp ứng theo từng trường hợp thì gọi là Hóa Thân. Pháp thân thì không bị Nhân quả trói buộc, Hóa Thân thì không vì nhân duyên mà lưu. Xuất hiện hay mất đi đều thông suốt an nhàn, vì vậy nên gọi là vô ngại (không cản trở)".
15.8
Hỏi: "Thế nào là bi (xót thương)?".
Đáp: "Như Hóa Thân thì không suy lự, thể hợp chân không, thương vạn vật thì vô tâm (không có lòng thiên lệch). Vì thế mà gọi là Bi".
15.9
Hỏi: "Chúng sinh tu đạo đến lúc nào thì được giống như Như Lai?".
Đáp: "Nếu không liễu ngộ, thì tu đạo muôn kiếp như cát sông Hằng cũng không đủ. Còn nếu liễu ngộ, cái thân này của chúng sinh tức là Như Lai. Thì còn bàn gì đến việc được giống như hay không giống như (Như Lai)".
15.10
Hỏi: "Cứ như lời đó, thì thật dễ đắc quả Như Lai. Tại sao lại còn nói (Đức Phật) tu tới ba đại kiếp?".
Đáp: "Thật rất khó".
15.11
Hỏi: "Nếu chẳng động, thân này tức là (Như Lai). Tại sao còn nói là khó?".
Đáp: "Khởi tâm dễ, diệt tâm khó. Cho rằng có thân thì dễ, không cho là có thân thì khó. Hữu thì dễ, vô thì khó. Vì vậy, như là công phu huyền diệu thì khó hiểu, chân lý kỳ diệu thì khó hợp. Bất động tức là chân, tam thánh khó theo."
15.12
Đến đó, Duyên Môn quát lớn, thanh tràn mười hướng. Bỗng nhiên, âm bặt, khoát nhiên đại ngộ. Huyền Quang tĩnh trí, phản chiếu vô nghi. Lần đầu biết học đạo thật khó, mộng mị tiêu tan. Rồi cao giọng nói: "Lành thay, lành thay, như tiên sinh không nói mà nói, đệ tử không nghe mà nghe. Nói nghe hợp nhất, thì tịch lặng không lời. Không biết tiên sinh đặt tên cho những câu vấn đáp vừa qua là gì?"
15.13
Lúc đó, Nhập Lý tiên sinh, thân an bất động, nhướng mắt không nói, liếc quanh bốn hướng, ha hả cười vang. Rồi nói với Duyên Môn: "Phàm đến chốn cùng lý vi diệu, thì không còn văn tự. Những câu khi trước người hỏi, đều do tâm nghĩ suy tính toán mà ra. Mộng thì đa đoan, tỉnh rồi thì chẳng có. Người muốn truyền lưu ở đời, nên đòi đặt tên giữ dấu. Thì gọi là Tuyệt Quán Luận vậy".
________________ HẾT ______
KINH LĂNG GIÀ (Trích)
Này Mahamati, có những người sợ khổ nên nẩy sinh ra ý phân biệt tử sinh nên cầu tìm Niết Bàn, mà chẳng hiểu rằng sanh tử Niết Bàn, vốn chẳng thể tách rời. Rồi đến khi nhận thấy tất cả các pháp đều chẳng có thật thì họ lại tưởng rằng Niết Bàn là cõi hư vô, nơi mọi căn trần, cảnh giới đều tiêu ma.
Này Mahamati, họ không thức ngộ ra rằng Niết Bàn chính là sự tự giác thánh trí của tàng thức chuyển. Vì vậy, phàm phu nói rằng có ba thừa mà không biết đó chỉ là các trạng thái của tâm lượng.
Này Mahamati, phàm phu không hiểu được lời dạy của các Như Lai, hiện tại, quá khứ và tương lai, rằng tất cả thế giới ngoại tại đều chỉ là cảnh giới của tự tâm (ngoài tâm ra, không có một cảnh giới nào hết), nên họ cho rằng, ngoài tâm ra còn có một cảnh giới ngoại tại. Vì vậy, Mahamati, họ tự trói buộc vào dòng sinh tử luân hồi đó vậy.
Lại nữa, theo lời dạy của ba đời chư Phật thì vạn pháp chẳng sanh. Vì tại sao? Vì chúng chỉ là sự bày hiện của tự tâm, nên không có một tự tánh nào hết.
Này Mahamati, các tánh chẳng sanh, các pháp cũng chỉ như sừng thỏ, sừng ngựa; thế nhưng bọn phàm phu ngu si chẳng ngộ được sự sai lầm của mình nên càng sanh vọng tưởng kế trừ.
Này Mahamati, các pháp chẳng sanh thì thuộc về cảnh giới tự giác trí huệ, chứ không phải thuộc về thế giới nhị nguyên, phân biệt của bọn phàm phu ngu độn (có kiến chấp sanh diệt trụ...)