Phật Học Căn Bản

Trung Buu

Registered
Phật tử
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
2
Điểm tương tác
1
Điểm
3
PHẬT HỌC CĂN BẢN

Bài 1

ÂN PHẬT

“Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện do như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi.”
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện trên cõi Ta bà cách đây hơn 2556 năm. Ngài xuất hiện như ánh bình minh xua tan hết bao nỗi khổ đau, bế tắt, tuyệt vọng của bóng đêm vô minh tội lỗi tăm tối, đầy cang cường khó độ nơi kiếp sống nhân sinh này. Sự thể nghiệm thực chứng chân lý vô ngại biện tài của bậc Nhất Thiết Trí đã chuyển hóa ‘Khai-thị-ngộ-nhập-Phật-tri-kiến’ cho tất cả các loại chúng sanh từ xưa đến nay, từ thượng thông Thiên đường dẫn đến hạ triệt Địa phủ đều được thụ hưởng Phật ân, an lạc giải thoát vô lượng vô biên vô số kể. Ngay cả chúng ta ngày hôm nay ở cõi nhân sanh này cũng đã, sẽ và đang được vô thượng an ổn nhờ thấm nhuần ân triêm pháp lạc của đấng Đại Từ Bi Phụ Thế Tôn. Với công đức quảng đại vô lượng vô biên vô cùng quý báu mà chúng ta đã thụ nhận ân cao hơn trời biển của đấng Thiên Nhơn Sư, đấng Cha lành chung bốn loài, thế thì ngày đêm sáu thời chúng ta phải thường luôn nhớ nghĩ đến Tứ Trọng Ân, trong đó Ân Tam Bảo là cao quý tốt đẹp nhất. Tuy nhiên đề tài này chủ yếu nói về sự báo ân, niệm ân, tri ân thâm ân cao cả của Ân Đức Phật, bởi vì nhớ Ân Phật, niệm Hồng Ân Phật ắt phải gặp được Phật Ân xoa đầu thọ ký, sẽ thành Phật trong tương lai.
Thật vậy, để báo đáp thâm ân cao siêu mầu nhiệm của Đức Phật, mỗi mỗi chúng ta là người đệ tử Phật, tự xưng mình Phật tử tức là con Phật, thì phải biết quý trọng ý nghĩa vô giá hai từ Phật tử là: “Thế-Tôn! Con từ xưa đến nay trọn ngày luôn đêm hằng tự trách mình, mà nay được từ Phật nghe pháp chưa từng có, trước chưa hề nghe, dứt các lòng nghi hối, thân ý thơ thới rất được an ổn. Ngày nay mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, được pháp phần của Phật.” Mỗi khi chúng ta xưng niệm danh hiệu Phật ân hằng luôn nhớ nghĩ đến chư Phật là Phật đã thành, còn Phật tử chúng ta là Phật sẽ thành trong vô lượng vô số kiếp sau nữa, đây cũng chính là lời khích lệ động viên an ủi, yên tâm vững chí nhất, tạo ra sức mạnh vô tận vô biên, xoa dịu bớt nỗi khổ niềm đau mệt mỏi muốn thối thất Bồ Đề tâm. Như đức Phật đã dạy từ lúc phát khởi sơ tâm xuất gia cho đến lúc Ngài thành Phật phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Thế thì, chúng ta tu hành đắc đạo giải thoát để thành Phật, lẽ trước tiên phải hiểu rõ được ý nghĩa danh từ Phật, rồi mới biết cách thực hành tu tập pháp môn nào trong vô lượng pháp môn tu để ‘đốn ngộ tiệm tu, tiệm tu đốn ngộ,’ ngõ hầu mới thật sự báo đáp thâm ơn cao cả muôn một của Phật Ân.
Ân Đức Phật vô biên vô lượng, bất khả tư nghì, không thể nào suy xét cân đo đong đếm cho cùng tận được, nhưng chung quy lại Ngài có Ba Ân Đức trọng đại là:
1) Tịnh đức: Ngài đã xa lìa tất cả phiền não thô sơ vi tế, nên thân, khẩu, ý của Ngài đều được hoàn hảo thánh thiện. Trước mặt người hoặc nơi vắng vẻ, Ngài cũng không hề làm, nói và tưởng những điều tội lỗi.
2) Bi đức: Ngài thấy chúng sanh đang bị nóng nảy lăn lộn trong lửa ngũ dục, đang chìm đắm chơi vơi trong biển sanh tử, chịu thống khổ vô cùng vô tận từ đời này qua kiếp khác nên Ngài phát tâm bi mẫn bao la đối với tất cả chúng sanh, chẳng khác nào người Mẹ hiền thương xót đàn con dại, mong mỏi con thơ khỏi khổ, được vui lâu dài. Từ khi còn tu hạnh Bồ-tát, Ngài đã từng hy sinh thân mạng, vợ con, của cải để tìm phương cứu vớt chúng sanh; đến khi thành đạo rồi, Ngài lại châu du phổ độ quần sanh không ngừng nghỉ trọn suốt 45 năm trường đăng đẳng.
3) Tuệ đức: Ngài có Trí tuệ hoàn toàn sáng suốt, không có chi che án được, thông suốt cả ba giới, bốn loài, thấu triệt lý Tứ-diệu-đế là thấy rõ, biết rõ ái dục phiền não; nguyên nhân sanh ra ái dục phiền não, nơi diệt tận ái dục phiền não và phương pháp diệt trừ ái dục phiền não. Do nhờ trí tuệ hoàn toàn sáng suốt ấy nên Ngài biết rõ nghiệp nào có sự lợi ích, nghiệp nào có sự nguy hại, hầu tìm phương tiện giáo huấn chúng sanh xa lánh các điều ác, làm những việc lành để sớm đến bờ giác ngộ.
Do nhờ Ba Ân Đức ấy, Ðức Phật mới có thể phổ độ chúng sanh, luôn cả chư Thiên và nhân loại một cách dễ dàng được. Ngoài ra còn có vô lượng vô biên Ân đức khác của Ðức Phật đều bắt nguồn từ Ba Ân Đức trọng đại ấy, cũng như muôn loài thảo mộc chỉ do mặt địa cầu mà phát sanh ra vậy. Nếu kể rộng hơn, những Ân đức cao cả của Ngài có thể tóm tắt trong mười danh hiệu sau đây: Nam mô Như Lai Ứng Cúng, Chánh BiếnTri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Phật tiếng Phạn là Buddha, Trung Hoa dịch là Phật Đà hay Giác Giả. Đức Phật là bậc giải thoát luân hồi sanh tử, đạt giác ngộ viên mãn tuyệt đối, chứng đắc Niết-bàn. Phật là người đã vượt qua mọi tham ái, là người biết phân biệt thiện ác, nhưng tâm luôn tỉnh giác không vướng mắc vào các phân biệt thị phi đó. Bậc Giác Giả có ba nghĩa:
1. Tự giác: Như người tỉnh thức sau giấc mộng dài (đại mộng). Đây là vượt hơn phàm phu, vì Ngài đã tự giác ngộ làm chủ động được thân tâm mình, không còn bị động do nghiệp cảm duyên khởi như phàm phu nữa. Nên nói ‘thắng vạn quân không bằng thắng tự tâm mình’ ý vậy.
2. Giác tha: Đã vượt hơn Nhị thừa (Thanh văn, Duyên Giác), vì Nhị thừa chú trọng cho mình nhiều hơn, không có tâm lợi tha, chỉ mong tự lợi, nên gấp ra khỏi sanh tử ba cõi. Còn Phật Như Lai chứng đắc bình đẳng trí, được pháp tánh không, vận tâm vô duyên từ vào cảnh giới ma, độ khắp chúng sanh, khiến họ an vui, nên gọi là Giác tha.
3. Giác hạnh viên mãn: Khác hơn Bồ Tát, vì hàng Bồ Tát tuy khởi lòng từ độ khắp chúng sanh nhưng giác hạnh chưa được viên mãn, chỉ có Phật, tâm cảnh đều lìa, Căn bản trí được hiển lộ toàn vẹn, Ngũ trụ phiền não đã tận diệt, hai thứ sanh tử không còn, ba giác đã trọn, muôn đức đã đủ, đầy đủ mười hiệu, nay chỉ nên một hiệu là Như Lai thì mười hiệu đồng bày.
Theo quan điểm Phật Giáo Đại Thừa có đề cập đến hai khái niệm về Đức Phật: một là Đức Phật Lịch Sử, hai là Đức Phật Tâm Linh. Thứ nhất đức Phật hiện tại đang làm giáo chủ cõi Ta bà này là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cho nên mỗi nhà Phật tử tại gia hay xuất gia đều phải thờ cúng tôn tượng hay di ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì Ngài là đấng Bổn Sư hiện tọa Bồ Đề Đạo Tràng làm Ta-bà giáo chủ, có lịch sử có sự thật như trong tác phẩm Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada biên soạn, có diễn tả rõ về cuộc đời từ lúc xuất thân Ngài cho đến khi tầm đạo, tu đạo và đạt đạo giải thoát viên mãn. Tuy nhiên Ngài không phải là vị Phật đầu tiên duy nhất trong cõi Ta-bà này. Như trong Kinh Từ Bi Thủy Sám dạy: “Khải vận đạo tràng sám pháp, một lòng qui mệnh chư Phật trong ba đời:” Gồm sáu chư Phật đời quá khứ như; Tỳ-bà-thi Phật, Thi-khí Phật, Tỳ-xá-phù Phật, Câu-lưu-tôn-Phật, Câu-na-hàm-mâu-ni Phật và Ca-diếp Phật. Vị Phật sẽ xuất hiện trong tương lai để tiếp tục hoằng pháp lợi sanh là Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sinh Di-lặc Tôn Phật. Tất cả các chư Phật trên đây đều thuộc về Đức Phật lịch sử, có lịch sử có sự thật thị hiện nhân thân để cứu độ chúng sanh.
Thứ hai là Đức Phật Tâm Linh do chính kim khẩu đức Phật Bổn Sư Thích Ca giới thiệu ra như: Đức A Di Đà Phật, đức Dược Sư Phật, đức Đa Bảo Phật, đức Hương Tích Phật v.v…trong Kinh Vạn Phật có nói đến mười phương chư Phật. Ngoài ra còn có chư Đại Bồ Tát cũng được liệt vào hàng chư Phật Tâm Linh như; đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, đức Kim Cang Tạng Bồ Tát và đức Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát v.v… Chư Phật và chư Đại Bồ Tát này đều thuộc về Đức Phật Tâm Linh.
Trong Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, đức Phật dạy: “Ai muốn tin Ta, làm đệ tử Ta, cần phải đủ trí quán sát, mới tin; không rõ nguyên nhân Ta, mà tin Ta ấy là phỉ báng Ta. Ý câu này, Ngài bảo đệ tử của Ngài, ai muốn tu, muốn hành theo hạnh Ngài thì phải rõ các hành vi của ngài. Nghĩa là: xét rõ nguyên nhân của Ngài, sẽ tin và làm theo, chớ đừng làm càn, tin bướng thì khác nào không phải lương y mà giả xưng là lương y, cách đó rất tai hại.” Chư Phật thị hiện ra nơi đời đều có xuất xứ nguồn gốc cao thượng trong sạch rõ ràng, xuất thân từ Hoàng cung quốc thích, tức sẽ làm một vị vua tối tôn tối thắng trong nhân gian, nếu ở đời làm Chuyển Luân Thánh Vương, còn xuất gia tu hành thành Chuyển Luân Pháp Vương, chứ không phải xuất thân từ bần dân lê thứ, hay nơi biên địa hạ tiện được. Đó là một trong những nguyên tắc thuộc về pháp hy hữu của bậc Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ để hội đủ tiêu chuẩn trở thành Đức Phật lịch sử. Những tiêu chí hoàn hảo của một Đức Phật lịch sử phải có chứng đắc đầy đủ Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, mới thật sự được gọi là bậc Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn vậy.
Thế mà ngày nay thật đáng thương xót thay cho sự xuất hiện những nhân vật dị tật, dám to gan mạo hiểm tự xưng mình là Phật, hay xưng Thần Thánh hoá đánh bóng tự ngã, như tệ nạn Thanh Hải Vô Thượng Sư, Duy Tuệ, v.v… hoặc có những vị nói rằng Hội Long Hoa sắp ra đời nay mai ở nơi này nơi nọ, tất cả những lời nói đó đều rất nhảm nhí, chỉ mong hám danh trục lợi, nhằm lừa bịp gạt gẫm những người thiếu hiểu biết rõ ràng sâu sắc về Phật Pháp. Như vậy, chúng ta là người Phật tử chân chính phải cẩn trọng kẻo vội tin theo những kẻ thầy tà bạn dữ đó. Cũng như những lời tuyên truyền năm nay vào ngày 21/12/2012 của lịch Maya ở nước Mexiko dự đoán là ngày tận thế, các hành tinh sẽ xếp thẳng hàng và ảnh hưởng tới Trái đất vào năm 2012? Từ kông gian ba chiều chuyển thành không gian bốn chiều, điều này rất hoang đường ảo tưởng, thiếu tính khoa học thực nghiệm, lại một lần nữa chẳng khác nào như thuyết mê tín dị đoan tin vào năm 2000 tận thế, nay đã qua đến năm 2012 rồi mà vẫn bình an vô sự, đây quả thật là những lời vô bổ kém trí tuệ về: “Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệc dĩ, tịch diệt vi lạc” hay nói cách khác; “Đệ nhất giác ngộ, thế gian vô thường, quốc độ nguy thuý, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư nguỵ vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử.”
Hầu hết những sự thấy nghe hiểu biết phán xét của kẻ thường tình thế gian, do không chứng đắc Nhất Thiết chủng Trí, không hiểu được đời là khổ, không, vô thường, vô ngã của Tứ Pháp Ấn, nên vẫn còn bị vô minh kiến tư hoặc phiền não chi phối, nói ra lời nào đều làm hoang mang đau đầu nhức óc cho mình và người khác. Thế nên theo Kinh Pháp Diệt Tận hay Kinh Thế Ký trong Kinh Trường A Hàm nói cõi đời này đến thời mạt kiếp về sau khi con người chỉ còn tuổi thọ trung bình là mười tuổi, không còn nhân bản đạo đức, không còn biết kính trọng Tứ Ân: cha mẹ, đàn na bằng hữu, quốc gia thuỷ thổ và ân Tam Bảo nữa, lúc bấy giờ danh từ Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo không còn nghe đến, khi ấy trở thành kiếp tiêu tan hoại diệt do tam tai bát nạn gây ra, rồi đến kiếp thành lập lại thế giới mới, khi mà con người sống trong cõi đó tuổi thọ trung bình hơn 80 ngàn tuổi, thì lúc ấy mới có Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật thị hiện ra nơi đời tại gốc cây Long Hoa, trở thành bậc Ta Bà Giáo Chủ như Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thân người thật để cứu nhân độ thế tại cuộc đời này vậy.
Tóm lại, để báo đáp thâm ân vô biên vô lượng vô cùng tận của Phật ân, tất cả chúng ta là người Phật tử chân chính, ai ai cũng đều thọ nhận ân đức cao dày thẩm sâu hơn trời bể của Đức Đại Từ Bi Phụ Thế Tôn, thế thì chúng ta phải luôn luôn tâm niệm thường giữ chánh niệm tỉnh giác trong Bát Chánh Đạo. Luôn khắc cốt ghi tâm, y giáo phụng hành những lời dạy vàng ngọc, bảo bối vô giá trân của Ba Ân Đức Phật như đã trình bày ở trên, cũng như luôn nhớ ân danh từ Phật là bậc; tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn; tự giác ngộ cho mình có nghĩa là không tạo các việc thập ác bất thiện mới (hắc nghiệp) thêm nữa, chỉ duy nhất thực hành hạnh giác tha và giác hạnh viên mãn để tạo ra những nghiệp lành (bạch nghiệp), cố gắng giữ tâm ý mình trong sạch, để làm động lực thúc đẫy ‘tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng tây phương.’ Tam nghiệp: Thân tam: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; Khẩu tứ: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói điều hung ác; Ý tam: không tham lam, không sân hận, không si mê, chúng ta ứng dụng được bao nhiêu phần trăm tốt lành của Thập Thiện nghiệp đạo nơi tam nghiệp, thì sẽ được vô thượng an ổn bấy nhiêu.
Chúng ta hãy luôn tu tập sự nhớ nghĩ bằng cách nào để đền ơn đáp nghĩa, tán dương, ca tụng, cổ vũ, lễ lạy, cung kính, cúng dường Mười Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát đã dạy: Một là lễ kính chư Phật, hai xưng tán Như Lai, ba quảng tu cúng dường, bốn sám hối nghiệp chướng, năm tùy hỷ công đức, sáu thỉnh chuyển Pháp luân, bảy thỉnh Phật trụ thế, tám thường tùy Phật học, chín hằng thuận chúng sanh, và mười là phổ giai hồi hướng về những điều thánh thiện nhiệm mầu của thâm ân đức Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Lịch Đại Tổ Sư Hòa Thượng. Ngoài ra chúng ta không cần lãng phí quá nhiều thời gian, bận tâm suy nghĩ đến những điều ác nhân thất đức, nham hiễm độc địa, lừa thầy phản bạn, thượng đội hạ đạp, trọng phú khinh bần, bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu, bất trung, theo thói hư tật xấu của những kẻ phàm phu tục tử làm gì cho nhọc tâm lao trí, nó sẽ làm tổn hao nguyên khí âm đức, làm chướng duyên lành, trái với đạo lý, ảnh hưởng đến việc tiến tu Bồ Tát đạo, dễ thối thất tâm Bồ-đề, dễ làm sa đọa trong ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Mỗi mỗi chúng ta cứ nhiệt tâm hành đạo, tu đạo theo Phật đạo ắt sẽ đắc đạo thành Phật, chẳng khác nào như nước chảy đá mòn, hay nói cách khác là luôn luôn nhớ ân Phật, nghĩ tưởng đến Hồng Ân Phật ắt sẽ gặp được Phật ân. Vì vậy, chúng ta kể từ ngày hôm nay luôn cởi mở tâm hồn mình từ bi hỷ xả cao thượng ra cho rộng rãi thông thoáng, như ngôi nhà thường mở cửa ngõ ra để đón năng lực từ trường sinh khí phước lộc đi vào nhà, làm cho ngôi nhà trở nên hanh thông, ấm cúng, hạnh phúc, bằng luôn đóng cửa nhà lại thì sẽ bị âm khí, tử khí, uất khí đọng lại làm cho chủ nhà dễ sinh ra tiêu cực thụ động, hay bế tắt tự vẫn, tuyệt vọng không có lối thoát vậy. Để phát khởi Bồ Đề tâm dõng mãnh kiên cố, chúng ta hãy nguyện sống một đời sống chánh niệm tỉnh thức, nguyện sống thiểu dục tri túc, sống có tình có nghĩa cử cao đẹp ‘thương người như thể thương thân,’ và tin sâu nguyện thiết Phật ân cao dày. Như Ngài A Nan phát đại nguyện trong bài tựa Kinh Lăng Nghiêm là: “Nguyện nay đắc quả thành Bảo vương, trở lại độ thoát chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng, nguyện đem thân tâm này phụng sự vô số cõi, thế mới gọi là đền ơn chư Phật, cúi xin Ðức Thế Tôn chứng minh cho con, trong đời ác ngũ trược con nguyện vào trước, nếu một chúng sanh chưa thành Phật, quyết không nơi đó tự mình chứng Niết Bàn…”
Sống có chí nguyện ý nghĩa như thế mới thật sự xứng đáng làm người con Phật chí hiếu, chí thiện, chí tình, chí lý, chí nghĩa, chí thành, chí kính, bằng không thực hành được một phần trăm điều thiện lành nào, thì chúng ta thật sự ngỗ nghịch bất hiếu, tán tận lương tâm, vong ân bội nghĩa với Tứ Trọng Ân, với Ân Đức Phật, ân chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên