Tiếng Vọng Yêu Thương - Tiếng Vọng Cuộc Sống
Thế giới hỗn mang của tâm tư con người và dư ba nó mang lại quả chẳng chút giản đơn. Còn ai thấu rõ tâm ta khi những đa đoan vọng ngoại tạm thời dừng nghỉ, những nút thắt tâm khảm vẫn triền miên khuấy động, lôi kéo, giằng co, cân- đong- đo- đếm,…nhọc nhằn tựa bãi chiến trường. Dẫu chưa tỏ tường những uẩn xúc nhưng có một điều chắc chắn ai cũng cảm nhận được là nội tâm ta thực sự chẳng có chút bình yên! Bởi chăng chúng ta chưa thật sự lắng nghe tiếng thì thầm muôn thuở của dòng tâm thức đã và đang rì rầm tuôn chảy trong tận cùng mao mạch của điệp trùng huyết quản tâm can.
Giữa ngổn ngang âm sắc cuộc đời
Để gọi tên những niềm hạnh phúc, những nỗi vui mừng, loài người có biết bao từ ngữ. Lượng thông tin phong phú về ngữ ngôn của nhân loại tích lũy bao năm tháng để có vô vàn những cách biểu đạt. Cũng như thế, nỗi đau thương thống lụy, sự phiền muộn bế tắc lại càng nhiều hơn những cách diễn tả, biểu hiện. Vui sướng và đau khổ_hai mặt song hành của cuộc đời, nhưng cuộc đời khổ nhiều hơn vui, bất an thường trực hơn là bình yên êm ả. Vậy nên tự cổ chí kim, những tác phẩm nghệ thuật lừng danh đa phần là những công trình phản ánh nỗi đau, sự khắc khoải, thân phận bi ai kiếp người,…Nói đến đây, chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của Hồng lâu mộng( Tào Tuyết Cần);Những người khốn khổ( Victor Hugo); Đoạn trường tân thanh
( Nguyễn Du); Cát bụi, Dấu chân điạ đàng,..( Trịnh Công Sơn), …
Và Bồ Tát Quan Thế Âm _biểu trưng cao cả và kỳ vĩ nhất của khả năng thầm thấu dư ba trầm thống của cuộc đời đã hiện hữu quanh đây.
Đó là bến đỗ của yêu thương
Lối về của những số phận lấy đâu sự ấm áp đang cần để khỏa lấp những hố sâu nhọc nhằn. Những đêm dài vốn là chút bình yên ít ỏi ấy thế mà những nỗi đau còn tìm vào trong giấc ngủ. Và những kiếp sống kéo lê cuộc đời như chuỗi dài cực hình định mệnh. Mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa loang dài vẽ nên những gam màu ảm đạm của bức tranh thế gian. Chỉ có đức từ bi vô hạn mới dần xoá nhòa đi những gam màu nặng trĩu lòng người ấy, và cũng chỉ có năng lực của từ bi mới mang về, gầy dựng nên những gam màu tươi sáng cho triệu kiếp sống sinh linh.
Đã lâu lắm rồi, mỗi đầu ngày nắng mai lên, sắc trắng tinh khôi từ dung Ngài hiển hiện làm sắc nắng cho đời, giọt cam lồ nhuần chuyển khắp cõi thế đau thương. Bồ Tát Quan Thế Âm!
Cho mỗi người biết lắng nghe chính mình
Thế giới hỗn mang của tâm tư con người và dư ba nó mang lại quả chẳng chút giản đơn. Còn ai thấu rõ tâm ta khi những đa đoan vọng ngoại tạm thời dừng nghỉ, những nút thắt tâm khảm vẫn triền miên khuấy động, lôi kéo, giằng co, cân- đong- đo- đếm,…nhọc nhằn tựa bãi chiến trường. Dẫu chưa tỏ tường những uẩn xúc nhưng có một điều chắc chắn ai cũng cảm nhận được là nội tâm ta thực sự chẳng có chút bình yên! Bởi chăng chúng ta chưa thật sự lắng nghe tiếng thì thầm muôn thuở của dòng tâm thức đã và đang rì rầm tuôn chảy trong tận cùng mao mạch của điệp trùng huyết quản tâm can.
Và nỗi đau tiếp nối nỗi đau, người trong cuộc tưởng đã đồng hành cùng sự bế tắt, vô vọng thay cho hy vọng, cam phận thế chỗ cho kỳ vọng chuyển hóa, người chơi vơi phó mặc sự việc đẩy đưa. Ngài đã đến! không phải từ không trung ngất ngưỡng với xiêm áo rỡ ràng, Ngài nhẹ nhàng, tiệm tiến hòa vào chúng ta, chúng ta dần trở thành hóa thân Ngài trong mỗi niệm niệm tiếp nối. Từ đó, Ngài hiện hữu trong mỗi dòng suy tư quán sát mạch nguồn tâm ta, ta lắng nghe và thấy được chân tướng trong từng ý niệm. Đó là gì? Là ý tưởng chiếm hữu không giơí hạn( tham), là sự xung động đến manh động tâm tư khi chẳng vừa ý( sân), là mất phương hướng trong sự phân biệt chân, ngụy, chánh, tà( si), là sự đề cao cái tôi và những gì thuộc về tôi ( mạn, ngã_ngã sở),…cho đến cả tâm lý dị ứng một cách cực đoan với một sự việc, đối tượng ( uý),… khác nào ta tha phương ngay chính trong ngôi nhà tâm tưởng của chính mình. Ngài giúp chúng ta nhìn nhận, hóa giải để trở về trạng thái tâm ý thường nhiên, có gì cao siêu thần thánh đâu, đó chính là sức mạnh của sự quán chiếu, sức mạnh của sự tỉnh thức_tinh thần Phản văn tự tánh!
…và lắng nghe cuộc đời
Khi đã lắng nghe và tự chuyển hóa nội giới tâm linh , chúng ta hướng đến cuộc đời bằng năng lượng của sự vị tha. Đức từ bi, sự bao dung quảng đại dẫn lối con người đến với nhau. Sự vô cảm dửng dưng chỉ có ở những tâm hồn chưa nhận chân lẽ sống trong tương quan cộng đồng, họ độc hành trong sự vị kỷ và thiếu ánh sáng với cõi lòng chật hẹp có khi không đủ không gian cho riêng họ.
Tinh thần CỨU KHỔ là khát vọng và hành động thiết thực cho một cuộc thế trầm luân bớt dần những khổ ải. Quan Âm Bồ Tát là hiện thân sống động cho sự dấn thân vô điều kiện, vô phân biệt và với tinh thần vô ngã. Ngài dạy chúng ta hãy vì tha nhân ngay trong từng hơi thở; bởi có gì lạ đâu, ta cũng chính là người và người laị cũng chính là ta, muôn loài tưởng dị biệt thật chất là đại đồng. Hãy hướng đến cảnh giới của những Bậc Giác Hữu Tình và Hữu Tình Giác, chúng sanh vô biên thì tâm lượng các Ngài đồng vô tận. Tâm vô tận nên không âm thanh trần thế nào không nghe, không nỗi đau trần gian nào mà chẳng thấy! Phên dậu tù túng của ngã nhân bỉ thử đã không còn nên ý niệm tự tha cũng chẳng có. Rồi súng đạn im hơi, can qua ngưng dứt; hận thù là dĩ vãng xa xôi và tình thương là hiện thực miên viễn. Điêù có thể hiện thực hóa trong tầm tay, nhưng nhân loại còn lắm kẻ quay lưng nên lầm than vẫn là một mảng tối nhói lòng.
Lối về đã mở…
Nhận diện cuộc sống để nhận chân được lẽ sống; ngày mà bạn không nỡ làm tổn hại đến cả một con sâu cái kiến, chẳng muốn làm tổn thương ai chỉ bởi một câu nói vô tình; ngày mà bạn cảm thấy lấy làm xót xa ân hận chỉ vì một ảnh hưởng tiêu cực rất nhỏ đến ai đó, bạn luôn mong xã hội hết những đau thương và đầy ắp tiếng cười hạnh phúc; và ngày bạn đã nhận gia giá trị cuộc sống thật sự có ý nghiã khi biết dâng hiến cho cuộc đời, cho tha nhân, chính là lúc Đức Quan Thế Âm đã rất gần bên bạn, gần đến nỗi giưã bạn và Ngài đã hoà làm một, bạn là hoá thân cuả Đức Quan Thế Âm!
Vậy nên sẽ không có gì phóng đại khi nói rằng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm luôn gần gũi quanh ta, Ngài đã hòa vào cuộc sống và vì cuộc sống này mà hiện hữu.
( Nhân ngày Vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19/6/Quý Tỵ.PL.2557__Thiên Hạnh
http://www.daophatngaynay.com/vn