TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 3 THÁNG 12, 2015)
Tu viện Phật giáo Fayaz Tepa ở Termez, Uzbekistan Photo: Euronews
UZBEKISTAN: Di sản Phật giáo của thành phố Termez
Tọa lạc tại mũi cực nam của Uzbekistan, Termez có một lịch sử lâu đời và phong phú. Xưa kia nó từng là trung tâm của Phật giáo và cũng là một trong những điểm dừng trên Con đường Tơ lụa cổ đại.
Điều quan trọng là Termez có tu viện Fayaz Tepa, một kỳ quan của quá khứ Phật giáo của thành phố này.
Tu viện Fayaz Tepa có niên đại hơn 2,000 năm thuộc triều đại Kushan. Đó là một trong những đế quốc đa văn hóa nhất vào thời ấy, và vùng này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền bá Phật giáo.
Nhiều tranh tường và các tác phẩm điêu khắc miêu tả Đức Phật vẫn được bảo quản tốt tại tu viện Fayaz Tepa.
Cũng như ngôi bảo tháp trung tâm, tu viện còn có một đền thờ, một hành lang và chỗ ở cho những người hành hương bao gồm các phòng ăn và nhà bếp với kiến trúc độc đáo.
Ngoài Phật giáo, các nền văn hóa Hỏa giáo và Hy Lạp đã phát triển tại vùng đất này trước khi Hồi giáo xuất hiện.
(Euronews – December 15, 2015)
THÁI LAN: Đại lễ hỏa táng dành cho vị lãnh đạo Phật giáo
Bangkok, Thái Lan – Ngày 16-12-2015, Thái Lan đã làm lễ hỏa táng Đức Tăng thống, vị lãnh đạo hàng đầu của Phật giáo, sau khi ngài viên tịch cách đây hơn 2 năm. Buổi lễ được tổ chức long trọng với sự tham dự của Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn.
Hàng nghìn người mặc đồ đen và cầm ảnh của vị lãnh đạo Phật giáo quá cố, xếp hàng trên đường để theo dõi khi chiếc xe ngựa chở bình đựng tro cốt của ngài đi qua Bangkok.
Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara, tăng sĩ cao cấp nhất của Thái Lan, đã viên tịch vào tháng 10-2013 ở tuổi 100. Trước đó ngài đã nằm bệnh viện trong hơn 10 năm.
Lễ hỏa táng diễn ra sau khi ngài viên tịch hơn 2 năm, theo phong tục truyền thống của đất nước này dành cho hoàng gia và các nhà lãnh đạo Phật giáo.
(thestar.com.my – December 17, 2015)
Di ảnh của Đức Tăng thống Somdet Phra Nyanasamvara
Photo: dpa news
Xe ngựa chở tro cốt của Đức Tăng thống
Photo: Reuters
ẤN ĐỘ: Hội thảo Quốc tế về Di sản Phật giáo vùng Đông bắc Ấn Độ
Một hội thảo 3-ngày về chủ đề di sản Phật giáo của Ấn Độ, mang tên “Hội thảo Quốc tế về Vùng Đông bắc và Di sản Phật giáo của Ấn Độ - Cầu nối giữa SAARC (Hiệp hội Hợp tác vùng Nam Á) và ASEAN”, đã khai mạc vào ngày 18-12-2015 tại thủ phủ Agartala của bang Tripura.
Hội thảo nhằm mục đích thảo luận, tranh luận và phục hưng các vai trò mà các mối quan hệ di sản và văn hóa có thể thực hiện trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Hòa thượng Lama Lobzang, tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) và là chủ tịch ủy ban tổ chức hội thảo, nói rằng hội thảo làm nổi bật những cơ hội phát triển cho vùng đông bắc Ấn Độ và các nước láng giềng Bangladesh, Bhutan, Miến Điện và Nepal.
Tham dự hội thảo có các vị lãnh đạo tinh thần, các học giả, tác giả và các nhà hoạch định chính sách đến từ nhiều nước Á châu, Hong Kong và Vương quốc Anh.
(Buddhistdoor Global – December 18, 2015)
Agartala, thủ phủ của bang Tripura, Ấn Độ
Photo: theholidayscout.com
HÀN QUỐC: Tranh cuộn Đại Phật đạt giá cao nhất trong một cuộc đấu giá
Ngày 17-12-2015, Đấu giá Seoul cho biết một bức tranh cuộn Phật giáo đã trở thành tác phẩm nghệ thuật Hàn quốc cổ đại có giá đắt nhất được bán tại một cuộc đấu giá.
“Tranh treo Phật giáo của Núi Cheongnyangsan ( bảo vật số 1210)” đã được bán với giá 3.52 tỉ won (2.99 triệu usd) tại cuộc đấu giá ngày 16-12-2015. Tên của người mua tranh vẫn chưa được công bố.
Đây là bức tranh thờ cao 10 mét (33 feet), được cho là vẽ vào thế kỷ thứ 18, miêu tả một vị Phật mang những vật trang sức khác nhau, gồm cả một tràng hoa trên đầu.
Trước đây, “Tập tác phẩm thư pháp của Yi Hwang và Song Siyeol (Bảo vật số 585)” là tác phẩm nghệ thuật Hàn quốc cổ đắt giá nhất – được bán 3.4 tỉ won tại một cuộc đấu giá vào năm 2012.
Hiện nay được biết có đến 3 hoặc 4 tranh cuộn vẽ hình Phật có kích thước lớn như bức tranh nói trên, theo các viên chức Đấu giá Seoul.
(Joongang Daily – December 18, 2015)
Tranh Treo Phật giáo của Núi Cheongnyangsan, tác phẩm nghệ thuật Hàn quốc cổ đắt giá nhất
Photo: SEOUL AUCTION
Vào ngày 21-12-2015, các nhà sư đã bắt đầu làm bánh gạo trong một nghi lễ cuối năm tại chùa Rinnoji ở Nikko, phía bắc Tokyo.
Khoảng 20 người, chủ yếu là các nhà sư, đã tập trung trước chánh điện có tôn trí 3 tượng Phật và tổ chức một nghi lễ để làm sạch cối giã. Chánh điện này được chính phủ xếp hạng là một tài sản văn hóa quan trọng.
Cùng với tiếng tụng kinh và tiếng trống, những người tham gia đã thay phiên nhau giã gạo đã hấp thành bánh trước sự dự khán của khách tham quan.
Các nhà sư sẽ làm ra 120 kg bánh vào thứ Tư tuần sau (23-12-2015) để chuẩn bị cho năm mới.
Sự kiện thường niên tại Di sản Thế giới UNESCO này được cho là đã bắt đầu cách đây hơn 1,200 năm, khi chư tăng làm bánh gạo cho các khóa tu học ở sâu trong núi của họ.
(nhk.org.jp – December 21, 2015)
Chùa Rinnoji ở Nikko, Nhật Bản
Cối giã bánh gạo truyền thống của Nhật Bản
Photos: Google Images
http://www.phapvan.ca