Tình nghĩa Thầy trò

Bạch Vân Nhi

Trưởng Ban Đại Biểu Thường Trực nhiệm kỳ III (thán
Phật tử
Tham gia
27 Tháng 5 2009
Bài viết
2,518
Điểm tương tác
888
Điểm
113
Địa chỉ
CANADA

Tình nghĩa Thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là, người dạy cho ta một chữ cũng là thầy và thậm chí nữa chữ thôi cũng làm thầy ta. Lời dạy ấy thật chí lí và thâm sâu, giúp cho kẻ hậu học nhận thức rõ về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ cung kính và khiêm hạ đối với những người quan tâm chỉ dạy.
Trong kinh Trung A Hàm (phẩm Đại, Kinh Thiện Sanh), đức Thế Tôn dạy rằng: “Học trò đối với thầy nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo giúp đỡ, hầu hạ. Ba là hăng hái. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy. Đệ tử lấy năm điều ấy cung kính, phụng dưỡng Sư trưởng. Và ngược lại, Sư trưởng cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là dạy dỗ nhanh chóng. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là đặt để ở những chỗ lành. Năm là gửi gắm bậc thiện tri thức. Sư trưởng lấy năm điều ấy mà săn sóc đệ tử”.


Đoạn kinh trên, đức Thế Tôn dạy năm điều căn bản cho người học trò đối với thầy, biểu lộ rõ tinh thần tôn sư trọng đạo, phù hợp với truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của văn hóa Việt Nam. Là người học trò khi được tiếp chuyện với thầy, việc trước tiên bạn cần phải học hỏi đạo lý để nhận thức đúng đắn hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thứ đến, bạn nên quan tâm sức khỏe, công việc và các nhu cầu sinh hoạt khác của thầy, nhằm trợ duyên thêm cùng Thầy trong quá trình truyền bá Chánh pháp làm lợi ích cho chúng sinh. Tuy nhiên, với những công việc đó, đòi hỏi tâm tư bạn phải thực sự có thái độ chân thật, nhẹ nhàng và an vui !
Bởi, người đệ tử tôn kính Thầy không chỉ là việc hiến cúng vật dụng hoặc giao tiếp qua loa, mà cần phải có tấm lòng trung thực và quý kính. Nếu bạn đến với thầy chỉ là món quà nghi lễ và với tâm ý hời hợt thì kể như bạn chưa thể hiện được nội dung “tôn sư trọng đạo”.

Thực tế cho thấy, trong thời đại ngày nay tình nghĩa Thầy trò hầu như thiếu sự gắn bó. Giữa Thầy Cô giáo và học trò có một khoảng cách khá xa, không thân tình và gần gũi như ngày xưa nữa! Có lẽ, vì xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu cho đời sống lại cao hơn, nên con người phải tiếp thu nhiều kiến thức, nghe ngóng những thông tin đó đây để bắt kịp với thời đại, nhằm đáp ứng thỏa mãn các tiện nghi sinh hoạt.
Tuy vậy, một mặt khác của cuộc sống thì người học trò rất dễ bị yếu kém về phẩm chất đạo đức, khi không được gần gũi để học hỏi kinh nghiệm quý giá từ Thầy. Cho nên, đến lúc lâm vào tình huống khó khăn, trắc trở thì người học trò trở nên rối ren và lung túng. Vì những kiến thức vay mượn kia không đủ khả năng để hóa giải bản ngã tham sân si vốn dĩ ngũ ngầm trong chiều sâu tâm thức, nên bị sợi dây phiền não khổ đau bủa vây và trói buộc.
Do đó, cơ hội Thầy trò ngồi lại bên nhau để uống trà đàm đạo là sự kiện vô cùng quý hóa, giúp cho tâm hồn ta trở nên sâu lắng, đời sống được nhẹ nhàng và thăng hoa.

Để phát huy những giá trị cao đẹp và trong sáng vốn có, người học trò cần phải chú tâm lắng nghe và tiếp nhận những điều thầy giảng dạy, đây là vấn đề hết sức quan trọng mà người học cần lưu tâm ghi nhớ. Bởi khi bạn hiểu rõ được những lời dạy tâm huyết của thầy thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của bạn sẽ thể hiện đúng với đạo lý Thầy- trò ở ngoài đời cũng như ở trong đạo. Mặt khác, bạn phải đảm bảo ổn định về đời sống cho chính mình.
Tức là, bạn thiết lập vững vàng về hai phương diện vật chất và tinh thần; cần cù hăng say trong công việc, tâm hồn luôn luôn bình thản trước mọi tình thế xảy ra và đối xử ân cần với mọi người chung quanh, thì đó chính là món quà vô cùng quý giá để dâng lên những người thầy khả kính!



Bên cạnh đó, Thế Tôn chỉ dạy thêm cho các vị làm thầy biết sử dụng năm phương cách căn bản để dạy dỗ đệ tử. Và vấn đề này rất thiết thực cho cuộc sống, nếu người học trò biết ứng dụng đúng mức sẽ chuyển hóa được những bế tắc và bất an cho tự thân cũng như cho kẻ khác.
Tuy nhiên, tư cách của người giảng dạy đạo lý không phải ai cũng có thể thực hiện được. Vì thực tế cho thấy, vai trò và trách nhiệm của những thầy cô giáo ở ngoài đời đã khó, huống gì làm bậc thầy mô phạm ở trong đạo lại càng phải trang nghiêm và chuẩn mực nhiều hơn. Từ cách thức đi đứng, ăn nói và tiếp xử luôn luôn thể hiện phong thái nhẹ nhàng, uy nghi và thoát tục để làm nơi an bình, vững chắc cho chúng sinh nương tựa.
Bởi, nhờ tiếp xúc qua thân giáo và lời nói từ ái của vị Thầy mà giúp cho hàng hậu học tinh tiến hơn trên bước đường tu tập. Vì thế, trọng trách của người thầy trong sự nghiệp giáo dục rất là lớn lao, xứng đáng để cả thế gian này tôn quý.

Việc trao truyền đạo lý cho thế hệ kế thừa là bổn phận của những người đi trước, cho nên bậc làm thầy phải biết hướng dẫn đệ tử nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống, trở thành con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của vị giáo sư đều là bài học thiết thực và quý giá, giúp người đệ tử dễ dàng tiếp nối được sự nghiệp trí tuệ mà các bậc Thánh nhân đã thành tựu. Điểm giá trị thâm sâu của việc giáo dục trong Phật giáo, chính là người Thầy phải biết rõ căn tính và hoàn cảnh sống khác nhau của từng học trò để dạy dỗ.
Đối với người có tính tham lam tài vật thì dạy cách tu tập về công hạnh bố thí để đoạn trừ tham, với kẻ thường hay sân hận phải ứng dụng bằng phương pháp quán từ bi để dễ dàng chuyển hóa... Cũng giống như các vị bác sĩ giỏi, khi hiểu rõ triệu chứng của mỗi bệnh nhân đau ốm như thế nào, thì tùy vào từng căn bệnh ấy để cho thuốc, nhằm chữa trị một cách hữu hiệu.

Thực ra, tâm nguyện các bậc làm Thầy luôn luôn mong muốn cho học trò của mình nhận ra được nguyên lý vận hành tương giao tất yếu của thân tâm và thế giới, để từ đó người đệ tử có cái nhìn thâm sâu hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhằm chuyển hóa những phiền não khổ đau, tâm hồn trở nên sáng suốt và an bình trong từng giây từng phút. Tuy nhiên, hoài bão ấy vẫn còn tùy thuộc vào phước duyên của người học trò. Ví như khi cơn mưa đổ xuống mặt đất thì rất đồng đều, nhưng hấp thụ được bao nhiêu nước là tùy vào từng loại cây cối lớn nhỏ khác nhau. Do đó, trao truyền kinh nghiệm từ vị thầy là phần hết sức cần thiết, nhưng việc tiếp nhận của người học trò cũng không kém phần quan trọng. Và thực tế cho thấy rằng, không phải người học trò nào cũng ngoan hiền, dễ thương chăm chỉ học tập mà phần đông vẫn thích ham chơi và thờ ơ trong khi học hành, gây trở ngại khá lớn đến việc giảng dạy của quý Thầy Cô giáo.
Để tình nghĩa thầy- trò được gắn bó, thân thương và trong sáng, nhằm đem lại hoa trái tốt đẹp làm lợi ích cho cuộc đời, thì đòi hỏi tâm ý người dạy cũng như kẻ học phải thực sự hiện hữu trọn vẹn với nhau.
Khi trở về an trú trong phút giây hiện tại, vị giáo sư sẽ dễ dàng thấu hiểu được những trạng thái tâm lý của các học trò, để từ đó việc hướng dẫn cho lớp học trở nên sinh động, hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bản thân người học trò cũng vậy, mỗi khi biết trở lại với chính mình, quan sát rõ ràng thân tâm và hoàn cảnh đương tại, thì sẽ học ra vô số bài học quý giá từ các vị Thầy.

Viên Ngộ
http://www.langnghehoitho.net/

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên