Vô tự Chân kinh. Bài 16.-
Thiền phái Vô Ngôn Thông.- Với v/đ Liễu Tri.
Giáo Sư Nguyễn Lang- VN PG Sử Luận có ghi:
Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu. Tính tình trầm lặng, ít nói, nhưng thông minh, cái gì cũng mau biểu biết cho nên thời nhân đã tặng hiệu là Vô Ngôn Thông. Sách Truyền Đăng Lục gọi là Bất Ngữ Thông. Sách Cao Tăng Truyện (Tam Tập) của Thông Tuệ đời Tống gọi ông là Thông thiền sư.
Một hôm ông vừa làm lễ Phật xong, có vị thiền sư tới hỏi: “Ông vừa lễ gì đó?”. Ông đáp: “Lễ Phật”. Vị thiền sư chỉ vào tượng Phật hỏi: “Phật là cái này đấy hả?”.
Ông không đáp.
Ðêm ấy, ông mặc y áo chỉnh tề, tìm đến phòng vị thiền giả làm lễ hỏi: “Hồi sáng ngài có hỏi một câu, tôi chưa biết được tôn ý thế nào”. Vị thiền giả nói: “Ông xuất gia tu được bao nhiêu mùa kết hạ rồi?”.
Ông đáp: “Mười mùa”.
Vị thiền giả hỏi: “Vậy thì ông đã xuất gia chưa?”.
Câu hỏi làm ông hoang mang. Vị thiền giả nói: “Có vậy mà cũng không hiểu thì có tu đến một trăm mùa kết hạ cũng vô ích”. Vị thiền giả liền đưa ông đi Giang Tây để tham yết thiền sư Mã Tổ Ðạo Nhất. Không may thiền sư Mã Tổ đã tịch rồi, ông liền đưa Vô Ngôn Thông đi tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải tức là đệ tử đắc pháp của Mã Tổ.
Lúc bấy giờ có một vị tăng hỏi Bách Trượng: “Con đường giác ngộ cấp thời của Ðại thừa là gì?”. Bách Trượng trả lời:
“Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu nói này, Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đại ngộ. Sau đó một thời gian, Vô Ngôn Thông về lại Quảng Châu, ở tại chùa Hòa An.
Vô Ngôn Thông cư trú chùa Kiến Sơ, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc thiền tọa, xây mặt vào vách, không nói năng gì. Nhiều năm trôi qua như thế, ít ai để ý đến ông: duy chỉ có Lập Ðức thấy phong thái đặc biệt của ông liền hết lòng săn sóc. Do sự gần gũi này mà Lập Ðức tiếp nhận được tông chỉ mầu nhiệm của Vô Ngôn Thông, được ông đổi tên cho là Cảm Thành vào truyền cho tâm pháp. Ông tịch vào năm 826; thời gian cư trú tại chùa Kiến Sơ chỉ có sáu năm.
Trước khi thị tịch, ông gọi Cảm Thành vào và dặn: “Ngày xưa đức Thế Tôn vì lý do lớn mà xuất hiện ở đời. Việc hóa độ hoàn tất, ngài thị hiện Niết bàn. Cái diệu tâm gọi là Chính Pháp Nhãn Tạng là Thật Tướng Vô Tướng là Pháp Môn Tam Muội, ngài đem phú chúc cho đệ tử là Ma Ha Ca Diếp – tổ thứ nhất. Thế rồi đời đời truyền nối, từ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang, vượt bao nguy hiểm để truyền pháp này, qua Lục Tổ ở Tào Khê, người đã từng đạt được chính pháp mà Ðạt Ma truyền đến ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Trong thời gian đó vì người đời còn thiếu hiểu biết và đức tin cho nên phải truyền y bát để chứng tỏ sự đắc pháp. Nay thì đức tin đã thuần thục nên không cần truyền y truyền bát nữa mà chỉ lấy tâm truyền tâm mà thôi. Lúc đó tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng đắc thọ tâm truyền trước, liền truyền lại cho Mã Tổ Ðạo Nhất, Mã Tổ Ðạo Nhất truyền lại cho Bách Trượng Hoài Hải. Ta được tâm pháp của Bách Trượng; đã từng ở lâu phương Bắc tìm người có căn cơ Đại thừa nhưng chưa gặp, nên đã đi về phương nam để tìm bậc thiện tri thức. Nay gặp ông ở đây thật là có duyên đời trước. Vậy hãy nghe bài kệ truyền pháp này:
Bốn phương lồng lộng, Mặc sức huyên truyền.
Rằng thỉ tổ ta, Gốc ở Tây Thiên.
Truyền kho pháp nhãn, Ðược gọi là “thiền”.
Bông hoa năm cánh, Hạt giống lâu bền.
Ngàn lời mật ngữ, Vạn câu bản nguyên.
Tự nhận tâm tông, Tự cho là Thiền.
Tây Thiên là đây! Ðây là Tây Thiên!
Xưa nay cùng một , Nhật nguyệt sơn xuyên.
Vướng vào là mắc, Phật tổ mang oan.
Sai một hào ly, Lạc tới trăm nghìn.
Nên quan sát lại , Chớ lừa hậu côn.
Ðừng hỏi ta nữa, Ta vốn “Vô Ngôn”.
(Chư phương hạo hạo, Vong tự huyên truyền.
Vị ngô thỉ tổ, Thân tự Tây Thiên.
Truyền pháp nhãn tạng, Viết vị chi “thiền”
Nhất hoa ngũ diệp, Chủng tử miên miên.
Tiềm phù mật ngữ , Thiên vạn hữu duyên.
Hàm vị tâm tông, Thanh tịnh bản nhiên.
Tây Thiên thử độ, Thử độ Tây Thiên
Cổ kim nhật nguyệt , Cổ kim sơn xuyên.
Xúc đồ thành trệ, Phật tổ thành oan.
Sai chi hào ly, Thất chi bách thiên.
Nhữ thiện quan sát, Mạc khiểm nhi tôn.
Trực nhiêu vấn ngã, Ngã bản vô ngôn.) (lượt trích)
++++++++++++
Lời Bàn:
“Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu nói này, Vô Ngôn Thông bỗng nhiên đại ngộ.
* Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng: “Pháp môn Đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc” (Như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?). Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh:
“Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu đến”.
* Tâm địa nhược thông.- Có chỗ nói là tâm địa nhược "Không".
Nghĩa là xã tất cả ý niệm, để Tâm Không tức Phật.- Không ở đây không nằm ở Sắc không đối đãi nhị nguyên của phàm phu, mà khế hợp Chơn Không diệu Hữu. khế hợp Hư Không Vô Vi. Khế hợp nguyên niệm đệ nhất sát na tâm, khế hợp Chân Như.- Đây là VÔ NGÔN.
* Tuệ nhật tự chiếu.- Ý là tuệ giác Căn Bản, căn bản trí, vô sư trí. Ở trong tâm tự sáng. Đây là LIỄU TRI.