KINH MẠCH, KHÍ VÀ GIỌT
THỰC HÀNH CHÍNH
Như đã giải thích trong phần giới thiệu về con đường chung của Mật tông, có ba phần trong thực hành Đại Ấn:
1. Cách thực hành Đại Ấn là sự hợp nhất của lạc và không
2. Cách thực hành Đại Ấn là sự hợp nhất của hai chân lý
3. Cách thực hành Đại Ấn là sự hợp nhất của Không Học Nữa, trạng thái sở hữu bảy phẩm chất ưu tú của việc kết hợp với phối ngẫu.
CÁCH THỰC HÀNH ĐẠI ẤN
LÀ SỰ HỢP NHẤT CỦA LẠC VÀ KHÔNG
Đây là thực hành đầu tiên của Đại Ấn nhân, được trình bày thành hai phần:
1. Giải thích phương pháp phát sinh ra chủ thể nhận thức, đại lạc tự phát
2. Giải thích phương pháp nhận ra chính xác đối tượng nhận thức, tính không
GIẢI THÍCH PHƯƠNG PHÁP PHÁT SINH
CHỦ THỂ NHẬN THỨC, ĐẠI LẠC TỰ PHÁT
Có hai phương pháp phát sinh đại lạc tự nhiên:
1. Thâm nhập vào các điểm chính xác trên thân thể mình
2. Thâm nhập vào các điểm chính xác trên thân người khác
THÂM NHẬP CÁC ĐIỂM CHÍNH XÁC TRÊN THÂN MÌNH
Phần này có bốn mục:
1. Xác định mười cánh cửa mà khí có thể đi vào trung mạch
2. Lý do vì sao khí có thể đi vào trung mạch bằng cách thâm nhập các điểm chính xác qua các cánh cửa này
3. Giải thích các chức năng khác nhau của chúng
4. Giải thích rõ ràng về các giai đoạn thiền về nội hỏa (tummo)
XÁC ĐỊNH MƯỜI CÁNH CỬA
MÀ KHÍ CÓ THỂ ĐI VÀO TRUNG MẠCH
Chúng ta cần biết mười cảnh cửa mà quá đó các luồng khí có thể đi vào trung mạch vì không thể phát sinh đại lạc tự nhiên nếu không đưa các luồng khí vào trung mạch, và mười cửa này là những cánh cửa duy nhất mà các luồng khí có thể đi vào trung mạch.
Ngoại trừ lúc chết và trong lúc ngủ, các luồng khí thường sẽ không đi vào trung mạch trừ khi chúng ta thực hành thiền định đúng cách. Do đó, để có thể thiền về tính không với tâm đại lạc, hành giả mật tông phải phát sinh đại lạc tự nhiên bằng cách cố ý đưa các luồng khí vào trung mạch thông qua bất kỳ cửa nào trong mười cánh cửa bằng lực tập trung nhất điểm.
Trung mạch bắt đầu từ điểm giữa hai lông mày và chạy lên theo hình vòng cung đến đỉnh đầu. Từ đó, nó đi xuống theo một đường thẳng đến đỉnh cơ quan sinh dục. Mười cửa dọc theo trung mạch như sau:
1. Đỉnh trên của trung mạch: điểm giữa hai lông mày
2. Đỉnh dưới: đỉnh cơ quan sinh dục
3. Trung tâm của luân xa đỉnh đầu: nằm trên đỉnh hộp sọ
4. Trung tâm của luân xa cổ họng: nằm gần phía sau họng
5. Trung tâm luân xa tim: nằm giữa ngực
6. Trung tâm luân xa rốn
7. Trung tâm luân xa bí mật, dưới rốn bốn ngón tay
8. Trung tâm luân xa ngọc quý, nằm ở giữa cơ quan sinh dục, gần đỉnh của nó
9. Luân xa khí: luân xa ở giữa trán, có sáu nan hoa
10. Luân xa lửa: trung tâm luân xa nằm giữa luân xa cổ họng và luân xa tim, có ba nan hoa
Cũng như chúng ta có thể vào nhà qua bất cứ cánh cửa nào dẫn vào từ bên ngoài, khí cũng có thể đi vào trung mạch qua bất kỳ cánh cửa nào trong mười cửa này.
Để thâm nhập vào các điểm chính xác trong thân, chúng ta phải tập trung vào các kinh mạch, các luồng khí, các giọt trắng và đỏ. Trong các kinh văn mật tông, ba thứ này thường được gọi là “thân kim cương”. Kim cương thực sự là đại lạc tự phát, phát sinh tùy thuộc vào các kinh mạch, khí và giọt. Ở đây, kết quả tương lai được mang về hiện tại bằng cách quy kết tên của kết quả vào nguyên nhân của nó’ vì vậy có tên là “thân kim cương”. Nếu muốn thiền về thân kim cương, chúng ta cần hiểu rõ về các kinh tĩnh, khí động và các giọt chứa đựng. Bây giờ là giải thích chi tiết về những điều này.
CÁC KINH MẠCH TĨNH
Có ba kinh mạch chính: kinh trung mạch, kinh mạch phải và kinh mạch trái. Trung mạch giống như trụ của một chiếc ô, chạy qua trung tâm của mỗi luân xa kinh mạch, còn hai kinh mạch còn lại chạy ở hai bên của nó. Trung mạch có màu xanh lam nhạt ở ngoài và có bốn thuộc tính: (1) nó rất thẳng, giống như thân cây chuối, (2) bên trong nó có màu đỏ dầu, (3) nó rất trong và trong suốt, giống như ngọn nến, và (4) nó rất mềm và dẻo, giống như cánh sen.
Trung mạch nằm chính xác ở giữa hai nửa trái phải của thân (nhìn từ phía trước), nhưng gần sau lưng hơn là trước ngực (nhìn ngang). Ngay trước cột sống có kênh sinh mạng, khá dày, ở phía trước nó là trung mạch. Như đã đề cập từ trước, nó bắt đầu tại điểm giữa hai lông mày, từ đó nó đi theo hình vòng cung lên đỉnh đầu, rồi đi xuống theo đường thằng đến đỉnh cơ quan sinh dục, Mặc dù tên gọi phổ biến nhất của nó là trung mạch, nhưng nó cũng được gọi là “hai sự từ bỏ” vì việc tụ hợp các luồng khí vào kinh mạch này khiến các hoạt động tiêu cực liên quan đến các luồng khí của hai mạch trái phải bị từ bỏ. Nó cũng được gọi là “mạch tâm trí”, hoặc “Rahu”.
Cả hai bên của trung mạch, không có khoảng không xen kẽ, là các mạch phải và trái. Mạch phải có màu đỏ và trái là màu trắng. Mạch phải bắt đầu ở đầu lỗ mũi phải, còn mạch trái ở đầu lỗ mũi trái. Từ đó, cả hai đều đi lên theo hình vòng cung đến đỉnh đầu, hai bên của trung mạch. Từ đỉnh đầu xuống đến rốn, ba mạch này thẳng và kề cận nhau. Khi mạch trái tiếp tục xuống dưới tầm của rốn, nó cong một chút về bên phải, tách ra một chút khỏi trung mạch và tái hợp ở đỉnh cơ quan sinh dục. Ở đó có chức năng chứa và giải phóng tinh trùng, máu và nước tiểu. Khi mạch phải tiếp tục xuống dưới tầm của rốn, nó cong một chút về bên trái và kết thúc ở đầu hậu môn, nơi có chức năng giữ vào thải phân, vân vân.
Các tên khác của mạch phải là “mạch mặt trời”, “mạch lời nói”, và “mạch của chủ thể nhận thức”. Tên gọi cuối cùng chỉ ra rằng các luồng khí chảy qua mạch này làm phát sinh các khái niệm về tâm trí chủ quan. Các tên gọi khác của mạch trái là “mạch mặt trăng”, “mạch thân thể”, và “mạch của đối tượng được nhận thức”, tên cuối cùng chỉ ra rằng các luồng khí chảy qua mạch này làm phát sinh các khái niệm về đối tượng khách quan.
Các mạch phải và trái quấn quanh trung mạch ở nhiều vị trí khác nhau, do đó hình thành nên mạch nút thắt. Bốn nơi mà các nút thắt này xuất hiện, theo thứ tự lên cao dần, là luân xa rốn, luân xa tim, luân xa họng, và luân xa đỉnh đầu. Tại mỗi nơi này, ngoại trừ ở tầm tim, có một nút thắt đôi được hình thành bởi một chỗ uốn khúc duy nhất của mạch phải và một chỗ uốn khúc duy nhất của mạch trái. Khi các mạch phải và trái đi lên những nơi này, chúng uốn quanh trung mạch bằng cách vượt qua phía trước rồi sau đó vòng lại xung quanh nó. Sau đó, chúng tiếp tục đi lên đến nút tiếp theo. Ở tầm tim, điều tương tự cũng xảy ra, ngoại trừ rằng ở đây có một nút thắt sáu vòng được tạo thành bởi ba vòng chồng lên nhau của mỗi mạch bên cạnh.
Bốn nơi mà các nút thắt này xuất hiện là bốn trong sáu luân xa chính. Vì việc quán tưởng các luân xa này rõ ràng sẽ trở nên quan trọng sau này, chúng sẽ được giải thích ngắn gọn ở đây. Tại mỗi luân xa chính trong nhóm sáu có số lượng nan hoa, hoặc cánh hoa khác nhau, phân nhánh từ trung mạch theo cùng cách mà các nan của một chiếc ô phân nhánh từ trụ trung tâm. Vì vậy, tại luân xa đỉnh đầu, được gọi là “luân xa đại lạc”, có ba mươi hai cánh hoa hoặc nan hoa kinh mạch như vậy, tất cả đều có màu trắng. Trung tâm là hình tam giác với đỉnh hướng về phía trước. (Điều này ám chỉ hình dạng của nút thắt uốn quanh mà các nan hoa xuất phát ra từ đó như được thấy từ trên đỉnh). Ba mươi hai nan hoa này cong xuống dưới như các nan của một chiếc ô thẳng đứng. Mô tả về luân xa này và ba luân xa chính khác có nút thắt được đưa ra trong Biểu đồ 1.
Biểu Đồ 1: Bốn luân xa chính
Vị trí | Tên | Hình dạng ở trung tâm | Số nan hoa | Màu sắc | Hướng uốn cong |
Đỉnh đầu | Luân xa đại lạc | Tam giác | 32 | Trắng | Xuống |
Cổ họng | Luân xa hoan hỷ | Tròn | 16 | Đỏ | Lên |
Tim | Luân xa Pháp | Tròn | 8 | Trắng | Xuống |
Rốn | Luân xa hóa hiện | Tam giác | 64 | Đỏ | Lên |
Bốn luân xa này chứa tổng cộng 120 nan hoa. Đối với hai luân xa chính còn lại, luân xa ở vị trí bí mật có 32 năn hoa màu đỏ cong xuống, còn luân xa ngọc quý có 8 nan hoa màu trắng cong lên. Cũng cần lưu ý rằng theo một số văn bản, các nan hoa ở đỉnh đầu, rốn và vị trí bí mật có thể được hình dung là có nhiều màu sắc khác nhau.
Vì luân xa tim có tầm quan trọng đặc biệt, nên bây giờ chúng tôi sẽ mô tả chi tiết hơn. Tám nan hoa hoặc cánh hoa của nó được sắp xếp theo hướng chính và hướng trung gian, với phía trước là hướng đông. Trong mỗi nan hoa chủ yếu trôi chảy luồng khí hỗ trợ một nguyên tố cụ thể như được chỉ ra trong Biểu đồ 2.
Từ mỗi một trong 8 nan hoa của luân xa tim, ba kinh mạch tách ra, tạo thành tổng cộng 24 kinh mạch. Đây là các kinh mạch của 24 vị trí. Tất cả đều bao gồm trong ba nhóm tám: các kinh mạch của luân xa tâm trí, có màu xanh lam và chủ yếu chứa khí; các kinh của luân xa lời nói, màu đỏ, chủ yếu chứa các giọt đỏ; các kinh mạch của luân xa thân có màu trắng, chủ yếu chứa các giọt trắng. Mỗi kinh mạch đi đến một nơi khác nhau trong thân thể. Đó là 24 vị trí bên trong. Khi thực hành sadhana Heruka mở rộng, chúng ta hình dung các vị thần của mandala thân ở những nơi này.
Những đỉnh bên ngoài của tám kinh mạch thuộc luân xa tâm trí kết thúc tại: (1) chân tóc, (2) đỉnh đầu, (3) tai phải, (4) gáy, (5) tai trái, (6) lông mày (giữa hai lông mày), (7) hai mắt, và (8) hai vai. Những đỉnh của luân xa lời nói kết thúc tại: (9) hai nách, (10) hai vú, (11) rốn, (12) chóp mũi, (13) miệng, (14) cổ họng, (15) tim (giữa hai vú), và (16) hai tinh hoàn hoặc hai bên âm đạo. Cuối cùng, luân xa thân thể kết thúc ở: (17) đỉnh cơ quan sinh dục, (18) hậu môn, (19) hai đùi, (20) hai bắp chân, (21) tám ngón tay nhỏ và tám ngón chân nhỏ, (22) đỉnh bản chân, (23) hai ngón tay cái và hai ngón chân cái, (24) hai đầu gối.
Mỗi một trong 24 kinh mạch này chia thành ba nhánh, được phân biệt bởi các yếu tố chính là khí, giọt đỏ và giọt trắng, chảy qua chúng. Mỗi một trong 72 mạch này sau đó chia thành một nghìn, tạo thành 72 nghìn mạch. Điều quan trọng đối với một hành giả mật tông là phải quen thuộc với sự sắp xếp của các mạch, vì, sẽ được giải thích sau, chính nhờ việc kiểm soát được khí và giọt chảy qua các mạch này mà sự hợp nhất của đại lạc tự nhiên và tính không được thành tựu.
Các luồng khí trong thân thể của một người bình thường chảy qua hầu hết các mạch này ngoại trừ trung mạch. Vì các luồng khí này là không trong sạch, các tư tưởng phong phú mà chúng hỗ trợ cũng không trong sạch, cho nên, miễn là các luồng khí này tiếp tục chảy qua các mạch ngoại vi, chúng sẽ tiếp tục hỗ trợ các quan niệm tiêu cực khác nhau khiến chúng ta bị mắc kẹt trong luân hồi. Tuy nhiên, thông qua sức mạnh thiền định, những luồng khí này có thể được đưa vào trung mạch, nơi chúng không còn khả năng hỗ trợ sự phát triển của các khái niệm thô thiển về hình tướng nhị nguyên. Với một tâm trí thoát khỏi hình tướng nhị nguyên, chúng ta sẽ có khả năng đạt được giác ngộ trực tiếp về chân lý tối hậu, tính không. Một diễn giải chi tiết hơn về thiền quán này và các phương tiện để kiểm soát các kinh mạch, khí, và giọt sẽ được đưa ra sau.
Tương ứng với 24 vị trí bên trong của mandala thân Heruka là 24 vị trí bên ngoài, nằm ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới này. Những hành giả có nghiệp thanh tịnh có thể thấy những vị trí bên ngoài của Heruka này là Tịnh Độ, nhưng những người có nghiệp bất tịnh chỉ thấy chúng là những nơi bình thường.
Biểu đồ 2: Các nan hoa của luân xa tim
Phương hướng | Khí hỗ trợ |
Đông | Thuộc nguyên tố đất |
Bắc | Thuộc nguyên tố gió |
Tây | Thuộc nguyên tố lửa |
Nam | Thuộc nguyên tố nước |
Đông nam | Thuộc nguyên tố sắc |
Tây nam | Thuộc nguyên tố hương |
Tây bắc | Thuộc nguyên tố vị |
Đông bắc | Thuộc nguyên tố xúc |
CÁC KHÍ CHUYỂN ĐỘNG
Ngược lại với các kinh mạch tĩnh, các luồng khí bên trong được gọi là “khí chuyển động” vì chúng chảy qua các kinh mạch.
BIỂU ĐỒ 3: CÁC KHÍ GỐC RỄ
| Sự sống
Hỗ trợ | Hướng xuống – đào thải | Hướng lên
Di chuyển | Cân bằng
An trú | Tràn ngập |
Màu sắc | Trắng | Vàng | Đỏ | Xanh
Vàng | Lam nhạt |
Phật gia | A súc | Bảo sinh | Di đà | Bất không | Đại nhật |
Nguyên tố | Nước | Đất | Lửa | Gió | Không gian |
Vị trí | Tim | Hậu môn và cơ quan sinh dục | Cổ họng | Rốn | Cả phần trên và dưới thân thể, chủ yếu 360 khớp |
Chức năng | Hỗ trợ và duy trì sự sống | Giữ lại và thải ra nước tiểu, phân, tinh dịch, máu, v.v.. | Nói, nuốt, v.v.. | Khiến nội hỏa bùng lên, tiêu hóa thức ăn, đồ uống. v.v | Khiến cơ thể đến và đi, cho phép cử động, nâng, đặt |
Hướng | Từ cả hai lỗ mũi. Nhẹ nhàng hướng xuống | Từ cả hai lỗ mũi, ngang, nặng nề hướng tới | Từ lỗ mũi phải, hướng lên mạnh mẽ | Từ lỗ mũi trái, chuyển sang phải từ rìa lỗ mũi này | Khí này không chảy qua các lỗi mũi trừ lúc chết |
Một số người tin rằng chỉ có chất lỏng như máu chảy qua các kinh mạch của thân thể, nhưng điều này không đúng. Trên thực tế, các chất lỏng này lưu thông trong thân thể chỉ vì sự chuyển động của các luồng khí. Nếu không có sự chuyển động này, các hệ thống lưu thông khác không thể hoạt động. Tuy nhiên cần nhớ rằng các luồng nội khí này vi tế hơn nhiều so với không khí bên ngoài.
Có năm luồng khí gốc và năm luồng khí nhánh.
Năm gốc là:
1. Khí hỗ trợ sự sống
2. Khí hướng xuống – đào thải
3. Khí hướng lên – chuyển động
4. Khí cân bằng – an trú
5. Khí tràn ngập
Năm nhánh là:
6. Khí chuyển động
7. Khí chuyển động mãnh liệt
8. Khí chuyển động hoàn hảo
9. Khí chuyển động mạnh mẽ
10. Khí chuyển động chắc chắn
Mỗi một trong năm luồng khí gốc có sắc đặc điểm để nhận biết: (1) màu sắc, (2) phật gia, (3) nguyên tố mà nó hỗ trợ, (3) vị trí chính hoặc căn bản của nó, (5) chức năng, (6) hướng của nó (cách nó rời khỏi lỗ mũi khi thở ra). Những thông tin này được tóm lược trong Biểu đồ 3.
Nếu quen thuộc với những đặc điểm này, chúng ta có thể nhận ra luồng khí nào đang chảy. Khả năng này trở nên quan trọng ở giai đoạn sau của thiền định. Như đã đề cập ở trên, mỗi luồng khí gốc đóng vai trò hỗ trợ cho một nguyên tố cụ thể. Luồng khí đầu tiên, còn được gọi là “khí của nguyên tố nước”, chịu trách nhiệm gia tăng máu, tinh trùng và các chất lỏng khác trong cơ thể. Tương tự, luồng khí thứ hai, “khí của nguyên tố đất”, chịu trách nhiệm phát triển xương, răng, móng; luồng khí thứ ba, “khí của nguyên tố lửa”, làm tăng nhiệt độ cơ thể; luồng khí thứ tư, “khí của nguyên tố gió”, làm tăng cường dòng chảy của nguyên tố gió qua các kinh mạch, và luồng thứ năm, “khí của nguyên tố không gian”, làm tăng kích thước của không gian và các khoang bên trong cơ thể và do vậy liên quan đến sự sinh trưởng.
Đối với năm luồng khí nhánh, được gọi như vậy vì tất cả chúng đều phân nhánh từ luồng khí hỗ trợ sự sống, nằm ở trung tâm tim. Mỗi luồng khí chảy đến cánh cửa của một năng lực giác quan cụ thể, do đó cho phép sự nhận biết liên quan đến năng lực tương ứng di chuyển đến đối tượng thích hợp của nó. Màu sắc và chức năng của mỗi luồng khí nhánh được tóm tắt trong Biểu Đồ 4.
Biểu Đồ 4: Các luồng khí nhánh
Tên | màu sắc | Chức năng |
Khí chuyển động | Đỏ | Cho phép thị giác di chuyển đến các hình thể |
Khí chuyển động mãnh liệt | Xanh lam | Cho phép thính giác di chuyển tới âm thanh |
Khí chuyển động hoàn hảo | Vàng | Cho phép khứu giác di chuyển đến các mùi |
Khí chuyển động mạnh | Trắng | Cho phép vị giác di chuyển đến các vị |
Khí chuyển động xác định | Xanh lá | Cho phép xúc giác di chuyển đến các đối tượng xúc chạm |
Trong mười luồng khí gốc và nhánh, quang trọng nhất đối với thiền mật tông là khí hỗ trợ sự sống. Luồng khí này có ba cấp độ: thô, vi tế và rất vi tế. Đó là luồng khi rất vi tế di chuyển từ kiếp này sáng kiếp khác, hỗ trợ cho tâm trí rất vi tế. Khí rất vi tế này và tâm trí rất vi tế không bao giờ tách rời nhau, đó là lý do vì sao khí rất vi tế được gọi là “bất hoại”. Khí bất hoại nằm trong một không bào nhỏ bên trong trung mạch ở giữa luân xa tim. Nó được bao bọc ngay trong trung tâm của một quả cầu nhỏ, giọt bất hoại, được hình thành bởi các giọt trắng và đỏ rất vi tế.
Chúng ta cần có kiến thức sâu sắc về khí hỗ trợ sự sống vì nó là đối tượng thiền định trong các thực hành giai đoạn thành tựu như niệm kim cương. Thực hành này, được thực hiện bên trong luân xa tim, là một phương pháp để nởi lỏng các nút thắt ở tim. Việc nới lỏng các nút thắt này là điều cần thiết nếu muốn thành công trong thực hành Đại Ấn của chúng ta.