CÁC GIỌT
Có hai loại giọt trong cơ thể: giọt trắng và giọt đỏ. Giọt trắng là nguyên chất tinh khiết của tinh dịch trắng, còn giọt đỏ là nguyên chất tinh khiết của máu. Cả hai đều có dạng thô và tinh. Giọt trắng và đỏ chảy ra ngoài trung mạch là giọt thô. Trung mạch chứa đựng cả giọt thô và tinh.
Tọa vị chính của giọt trắng (còn được gọi là bồ đề tâm trắng) là luân xa đỉnh đầu, và từ đây mà tinh dịch trắng khởi nguồn. Tọa vị chính của giọt đỏ là luân xa rốn, và từ đây mà máu bắt nguồn. Giọt đỏ ở rốn cũng là nền tảng của hơi ấm trong cơ thể và là cơ sở để đạt được nội hỏa, hay tummo, các chứng ngộ. Khi các giọt tan ra và chảy qua các kinh mạch, chúng tạo thành kinh nghiệm cực lạc.
Đối với các hành giả mật tông, các kinh mạch, khí, và giọt là nền tảng để đạt được đại lạc tự nhiên. Những chúng sinh có cơ thể không được phú cho ba điều này sẽ không có cơ hội thực hành Mật điển Vô thượng Yoga. Vì vậy, cơ thể con người là phương tiện hoàn hảo cho các thiền định mật tông, đó là nguyên nhân khiến nó được coi là rất quý giá. Nói chung, để thực hành Mật điển Vô thượng Yoga, người ta phải là một con người được sinh ra từ tử cung mẹ, sở hữu sáu yếu tố: đất, nước, lửa, gió, mạch và giọt; hoặc theo cách liệt kê khác: xương, tủy và giọt trắng lấy từ cha, và thịt, da và máu lấy từ mẹ.
Nguyên nhân vì sao khí có thể đi vào trung mạch bằng cách xuyên qua những điểm chính xác nhờ những cánh cửa này
Để đưa khí vào trung mạch, chúng ta phải thực hành thiền định tập trung sự chú ý của mình vào một trong mười cửa được đề cập bên trên. Các thực hành của Heruka, Guhyasamaja, Vajrayogini, vân vân, bao gồm các phương pháp kỹ thuật khác nhau để thâm nhập vào những điểm này. Trong một số phương pháp, sự chú tâm được tập trung vào trung tâm của luân xa tim, trong những phương pháp khác là trung tâm của luân xa rốn, còn trong những phương pháp khác là ở đầu trên và dưới của trung mạch. Theo hệ thống được nêu ở trong Sáu Yoga của Naropa, các luồng khí đi vào trung mạch thông qua cánh cửa của luân xa rốn. Đây cũng là cánh cửa được sử dụng bởi hệ thống hiện tại của thiền Đại Ấn. Khi tự tin rằng các luồng khí có thể đi vào trung mạch qua luân xa rốn, chúng ta cũng sẽ biết cách khiến chúng có thể đi vào qua chín cánh cửa khác.
Như đã đề cập trước đó, có 64 nan hoa của luân xa rốn, hay luân xa xuất sinh. Các mạch giữa, phải và trái đi lên qua trục của luân xa này, mỗi mạch phải và trái cuộn quanh một lần để tạo thành nút thắt đôi ở đó. Ở trung tâm của nút thắt này, bên trong trung mạch, có một
không bào nhỏ giống như một bong bóng khí nhỏ. Không bào này là điểm thâm nhập khi thiền về nội hỏa, hay tummo. Khi thực hiện thiền nội hỏa, chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào không bào này và hình dung rõ ràng một chữ AH ngắn bên trong nó. Tập trung nhất niệm vào chữ AH ngắn này được gọi là “
thâm nhập vào điểm chính xác trong luân xa rốn của thân kim cương”. Nếu chúng ta thiền về tâm trí của mình đến khi hòa nhập không thể phân biệt được với AH ngắn và thực hành thiền định này nhiều lần với sự tập trung mạnh mẽ và ổn định, chúng ta sẽ thành công trong việc đưa các luồng khí vào kênh trung tâm tại thời điểm này.
Tại sao thiền này lại khiến các luồng khí đi vào trung mạch? Lý do là các luồng khí bị điều khiển và tâm trí điều khiển chúng là không thể tách rời, giống như một cơ thể và cái bóng của nó, vì vậy, nếu tâm trí tập trung trong một không bào bên trong trung mạch thì các luồng khí cũng phải gom tụ vào đó. Thực hành này mạnh mẽ và nhất quán sẽ khiến trung mạch dần dần mở ra. Điều này giải thích cách các luồng khí có thể được đưa vào trung mạch thông qua luân xa rốn, và theo cách tương tự, chúng ta có thể hiểu cách các luồng khí có thể đi vào trung mạch thông qua bất cứ cửa nào trong chín cửa còn lại.
Điều quan trọng nhất là phải rất chính xác khi thâm nhập vào các điểm này, xác định vị trí chính xác của chúng ở chính giữa trục trung tâm của các luân xa trong trung mạch. Đôi khi, thay vì AH ngắn, các chữ khác có thể được quán tưởng trong các không bào. Ví dụ, trong một số thiền định, RAM được quán tưởng ở rốn và trong những thiền định khác, HUM hoặc một giọt nhỏ được quán tưởng ở tim.
Một phương pháp nhanh chóng để tập hợp các luồng khí vào trong trung mạch là thực hành thâm nhập vào các điểm chính xác trong khi giữ hơi thở cái bình, việc này sẽ được giải thích bên dưới. Khi các luồng khí đã đi vào trung mạch, đại lạc tự nhiên có thể được phát sinh mà không gặp khó khăn gì. Các luồng khí chảy bên trong trung mạch cực kỳ có lợi và thúc đẩy các cấp chứng ngộ. Thông thường, vì các luồng khí của chúng ta di chuyển trong các kinh mạch phải và trái, chúng làm nảy sinh những tư tưởng khái niệm thô gây trở ngại cho sự tập trung nhất điểm và khiến việc tập trung của chúng ta trở nên phân tán, nhưng khi các luồng khí ở trong trung mạch, chúng không hỗ trợ những ý nghĩ khái niệm như vậy. Mọi sự xao lãng khái niệm thô đều được xoa dịu và việc tập trung thiền định của chúng ta trở nên mạnh mẽ và xuyên thấu. Do đó, có thể giữ vững bất kỳ đối tượng nào mà ta chọn với sự tập trung không dao động.
GIẢI THÍCH CÁC CHỨC NĂNG KHÁC NHAU CỦA CHÚNG
Nhìn chung, bất cứ luồng khí nào cũng có thể được đưa vào trung mạch nhờ việc xuyên thấu bất kỳ cửa nào trong mười cửa. Tuy nhiên, trong giai đoạn thành tựu, việc thâm nhập mỗi luân xa sẽ thực thi một chức năng khác nhau. Thâm nhập vào luân xa đỉnh đầu làm tăng thêm các giọt trắng, nhập vào luân xa cổ họng làm thực hành giấc mộng trở nên rất mạnh mẽ, nhập vào luân xa tim giúp chúng ta duy trì sự hiện diện của tịnh quang, nhập vào luân xa rốn làm gia tăng nội hỏa, nhập vào luân xa bí mật thúc đẩy kinh nghiệm cực lạc mạnh mẽ, còn nhập vào luân xa ở đầu cơ quan sinh dục sẽ tăng cường trải nghiệm cực lạc và khiến cho giấc ngủ nhanh, sâu và dài.
Tại sao khả năng cuối cùng lại quan trọng? Thiền định mật tông sử dụng giấc ngủ làm con đường tâm linh nên cần phải rơi vào giấc ngủ thật nhanh và ngủ trong thời gian dài. Để đạt được điều này, họ thâm nhập vào điểm chính xác của luân xa cơ quan sinh dục ngay trước khi chìm vào giấc ngủ, rồi sau đó tu luyện trong các thực hành của giai đoạn thành tựu trong giấc ngủ kéo dài của họ. Tuy nhiên, nếu không thể thực hành giai đoạn thành tựu khi thức, chúng ta cũng sẽ không thể thực hành nó khi ngủ. Thực hành giai đoạn thành tựu trong lúc ngủ giúp chúng ta có thể thực hành nó trong quá trình chết, đó là thời điểm quan trọng nhất để thực hành.
Khi chết, chúng ta cần có khả năng thực hành ba phương pháp đặc biệt: mang tịnh quang của cái chết vào con đường của Pháp Thân; mang trạng thái trung ấm vào con đường của Báo Thân, và mang sự tái sinh vào con đường của Hóa Thân. Để thành công trong những pháp này, chúng ta cần chuẩn bị trước bằng cách tu luyện trong giai đoạn thành tựu bằng cách mang tịnh quang của giấc ngủ vào con đường của Pháp Thân, giấc mộng vào con đường Báo Thân, và tỉnh giấc vào con đường của Hóa Thân. Vì vậy, thiền giả mật tông cố gắng ở lại trong một thời gian dài với kinh nghiệm tịnh quang của giấc ngủ để thực hành những phương pháp này.
Những người bình thường có trải nghiệm rất ngắn về tịnh quang của giấc ngủ, nhưng họ không thể nhận ra kinh nghiệm này hoặc duy trì nó trong thời gian dài. Tuy nhiên, mọi người đều có tiềm năng phát triển kinh nghiệm về tịnh quang và sử dụng kinh nghiệm này làm con đường đạo. Cuối cùng, lưu ý rằng không chỉ khi chìm vào giấc ngủ chúng ta mới cần thâm nhập vào điểm chính xác của luân xa cơ quan sinh dục. Chúng ta có thể thâm nhập vào đó bất cứ lúc nào để đưa các luồng khí vào trung mạch.
NỘI HỎA
MỘT GIẢI THÍCH ĐẶC BIỆT VỀ
CÁC GIAI ĐOẠN THIỀN NỘI HỎA (TUMMO)
Theo hệ thống thiền Đại Ấn này, các luồng khí được đưa vào trung mạch tại điểm chính xác của luân xa rốn bằng yoga nội hỏa, hay tummo. Yoga nội hỏa xâm nhập vào toàn bộ các thực hành của giai đoạn thành tựu. Đó là thân cây mà từ đó tất cả những thực hành như vậy phân nhánh. Nếu một pháp nào đó là thực hành của giai đoạn thành tựu thì đó là phần tu luyện trực tiếp hoặc gián tiếp của nội hỏa. Nếu không đốt lên ngọn lửa bên trong, khiến nó bùng cháy, và làm tan chảy hai loại giọt, thì không thể phát sinh đại lạc tự nhiên.
Nhìn chung, giai đoạn thành tựu có nhiều đối tượng thiền khác nhau, chẳng hạn như các kinh mạch, khí, giọt, nội hỏa hoặc những chữ cái nằm trong các điểm chính xác của những luân xa khác nhau; và việc một thực hành cụ thể như thiền nội hỏa trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào đối tượng thiền thực tế. Như đã giải thích ở trên, nội hỏa là giọt màu đỏ trong suốt bên trong luân xa rốn. Nó được gọi là “nội hỏa” vì nó là bản chất của nhiệt. Nếu một hành giả quán tưởng giọt màu đỏ này như một ngọn lửa và thiền về nó, thì người đó đang thực hành thiền trực tiếp về tummo.
Thuật ngữ Tây Tạng “tummo” nghĩa là “Kẻ hung tợn” và thường được dùng để ám chỉ các nữ kiệt có vẻ ngoài hơi hung dữ và ban tặng đại lạc tự nhiên cho những người phối ngẫu của họ, các anh hùng. Giọt đỏ ở rốn có bản chất của lửa cũng được gọi là tummo vì chức năng của nó tương tự chức năng của các nữ kiệt hung tợn. Tuy nhiên, trong văn bản này nó được gọi đơn giản là “nội hỏa”.
Khi thực hành yoga nội hỏa, chúng ta quán tưởng giọt màu đỏ dưới dạng chữ AH ngắn (xem Phụ Lục). Chữ cái này được gọi là “AH ngắn của nội hỏa” và trong thực hành Đại Ấn, thiền về chữ cái này được công nhận là phương pháp tối cao để bắt đầu đưa các luồng khí vào trung mạch. Trong những bài giảng của mình, Milarepa thường gọi chữ cái này là “AH ngắn của tôi”. Một ngày nọ, đệ tử Gampopa của ông nói rằng khi thực hành tập trung nhất điểm, anh có thể duy trì trong một thời khóa bảy ngày liên tục không gián đoạn. “Thì sao?”, Milarepa đáp, “Anh ngồi trong bảy ngày nhưng không kinh nghiệm được tịnh quang. Nếu anh thiền về AH ngắn nội hỏa của tôi, anh sẽ kinh nghiệm được tịnh quang rất nhanh”.
Bằng cách thiền về nội hỏa, chúng ta sẽ nhanh chóng có khả năng chứng đắc an trú tĩnh lặng và thấy biết siêu việt, và trên cơ sở những điều này, ta sẽ có thể đạt được cả tịnh quang ví dụ và tịnh quang nghĩa. Do đó, kết quả của thiền nội hỏa là đa dạng. So sánh các phương pháp khác với nội hỏa cũng giống như đem so một con lừa với một con ngựa khỏe.
Thực hành nội hỏa được dạy lần đầu tiên bởi Đấng chiến thắng Kim Cang Trì trong
Mật điển gốc Hỷ Kim Cương (Hevajra
). Từ đó nó được tích hợp vào các pháp tu khác như
Đại Uy Đức Minh Vương (Yamantaka
), Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja),
Thắng Lạc Luân và Kim Cương Du Già Nữ (Heruka & Vajrayogini). Vì vậy, mọi thiền giả mật tông đều coi Mật điển Hỷ Kim Cương là một kinh sách được ban phúc đặc biệt. Do các pháp tu nội hỏa đến trực tiếp từ Kim Cang Trì nên chúng được thực hành trong tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Như đức Ban Thiền Lạt Ma đời đầu đã tuyên bố trong lời tự chú của mình về văn bản gốc Đại Ấn:
Nếu chúng ta có thể đưa các luồng khí vào trung mạch thông qua sức mạnh của thói quen hình thành từ những kiếp trước thì điều này rất tốt; nếu không, chúng ta nên thực hành yoga nội hỏa như đã giải thích trong Sáu Yoga của Naropa.
Đây là phần giới thiệu chung về phương pháp thực hành nội hỏa. Sau đây là phần giải thích chi tiết về những cách được sử dụng để đốt lên ngọn lửa bên trong và khiến nó bùng cháy.
Nếu có mong ước mạnh mẽ đi theo con đường nội hỏa, chúng ta nên thực hành mỗi ngày các phương pháp được giải thích dưới đây, bắt đầu mỗi thời khóa bằng phần mở đầu ngắn gọn sau. Chúng ta quán tưởng đạo sư gốc của mình dưới thân tướng Kim Cương Trì được bao quanh bởi các đạo sư dòng truyền Đại Ấn, họ lần lượt được bao quanh bở các vị Phật, Bồ Tát, Không hành nam, Không hành nữ, Hộ Pháp. Quán tưởng như vậy tương tự quán tưởng về Tích lũy Ruộng công đức trong
Cúng dường tới Người hướng đạo, được mô tả chi tiết trong
Kho tàng Công đức vĩ đại. Sau khi quán tưởng Tích lũy ruộng công đức này, chúng ta thực hiện một lễ cúng dường mandala dài hoặc ngắn rồi đọc lời cầu nguyện sau đây ba lần trong khi chú tâm mạnh mẽ vào ý nghĩa của nó:
Con xin đỉnh lễ và quy y với vị Hướng đạo tâm linh của con
Và Tam Bảo vô cùng quý giá
Nhờ lực gia trì của ngài mà con mới được thành công
Trong quá trình con thực hành nội hỏa
Và thông qua sức mạnh hoàn thành thực hành nội hỏa
Mong cho con nhanh chóng đạt được sự hợp nhất của Đại Ấn
Xin hãy làm cho các kinh mạch của con vừa mềm dẻo vừa trơn tru
Và khiến các luồng khí và giọt của con mềm dẻo
Nhờ phúc lành của ngài, con có thể nhanh chóng đạt được thành tựu
Mà không có chút khó khăn hay phiền muộn nào.
Bốn câu cuối được đọc để loại trừ nguyên nhân của những chướng ngại về thể chất có thể cản trở sự tiến bộ của chúng ta và ngăn cản thực hành thành công. Để thực hiện các thiền định về giai đoạn thành tựu, chúng ta phải khỏe mạnh, với các kinh mạch mềm dẻo và trơn tru, các luồng khí mềm mại và các giọt trắng, đỏ linh hoạt. Nếu không chúng ta sẽ bị các khí bệnh (
lung) hoặc các bệnh về thể chất khác.
Sau khi đọc lời nguyện này ba lần, chúng ta nên phát bồ đề tâm với một động lực đặc biệt, mong muốn đạt được Phật quả hoàn hảo vì lợi ích của toàn thể chúng sinh. Chúng ta làm điều này trong khi đọc lời nguyện sau ba lần:
Vì lợi ích của toàn thể chúng sinh, tôi phải trở thành
Một vị Phật hoàn hảo trong kiếp này
Do đó, bây giờ tôi sẽ thực hành yoga nội hỏa
Để đạt được mục tiêu của mình nhanh nhất có thể
Cả bồ đề tâm nguyện và bồ đề tâm hạnh đều được bao gồm trong lời cầu nguyện này, hai dòng đầu đề cập đến điều trước và hai dòng cuối đề cập đến điều sau. Bồ đề tâm quý giá là tuyệt đối cần thiết vì việc thực hành nội hỏa của chúng ta vừa thuộc về Đại thừa, vừa là một pháp môn Kim cương thừa. Nếu thiền nội hỏa của chúng ta không kết hợp với quy y và bồ đề tâm thì nó sẽ trở thành một con đường không phải của Phật giáo, và một yoga nội hỏa được thực hiện vì mục đích thế gian không phải là con đường dẫn đến giác ngộ trọn vẹn. Do có sự khác biệt lớn về động lực giữa các thực hành thế gian và thực hành Pháp, nên con đường và kết quả của chúng cũng rất khác nhau.
Sau khi đọc và nghiền ngẫm về ý nghĩa của những lời cầu nguyện này, chúng ta tưởng tượng rằng ruộng tích lũy côn đức và tất cả các vị Guru của dòng truyền đều hòa tan vào Guru gốc của chúng ta, Kim cương trì. Sau đó, với lòng bàn tay chắp lại ở tim trong ấn cầu nguyện, chúng ta khẩn cầu Guru gốc đến ngự trên đỉnh đầu của mình. Khi ngài đến đó, chúng ta cảm thấy luân xa đỉnh đầu mở ra. Guru sau đó dần dần thu nhỏ lại bằng kích thước của ngón tay cái, đi vào qua đỉnh đầu chúng ta rồi đi xuống qua trung mạch. Cuối cùng, ngài hòa tan vào luồng khí bất hoại và tâm bất hoại bên trong giọt bất hoại ở ngay giữa luân xa tim chúng ta. Ta tự nhủ mạnh mẽ rằng thân, lời, tâm của mình đã được ban phúc. Thân vi tế của ta là khí rất vi tế mà tâm trí vi tế của ta được cưỡi lên. Sự kết hợp của hai thứ này khiến sở hữu tiềm năng giao tiếp, và đây là lời vi tế của ta.
Ngoài việc thiền về quy y, bồ đề tâm, và nhận gia trì từ Đạo Sư, điều quan trọng khi bắt đầu thực hành nội hỏa là phát sinh hình tướng rõ ràng với niềm tự hào thiêng liêng về bản thân mình như Thần bản tôn. Trong giai đoạn phát sinh, vị thần có thể được quán tưởng là có nhiều tay, chân, mặt, nhưng trong các thiền quán ở giai đoạn thành tựu, hóa thần luôn được quán là chỉ có một mặt và hai tay. Ví dụ, nếu thần bản tôn của ta là Heruka, trong thực hành giai đoạn thành tựu, ta hình dung bản thân là Heruka với một mặt và hai tay, ôm Vajravahari.
Trong giai đoạn thành tựu, tư thế của chúng ta phải hoàn chỉnh. Nếu có thể, ta nên ngồi trong thế bảy điểm của Phật Đại Nhật, hiểu rằng mỗi một trong bảy điểm đều có
mục đích cụ thể. Đối với một số người, tuy vậy, thế kim cương trong đó bản chân được đặt trên đùi đối diện, rất khó để giữ thoải mái. Trong trường hợp này, ta nên cố gắng duy trì tư thế này trong vài phút khi bắt đầu thời khóa rồi sau đó chuyển sang tư thế thoải mái hơn. Điều này sẽ cho phép ta dần quen với thế ngồi và cũng sẽ đóng vai trò là một điềm lành cho việc thực hành của chúng ta. Mặc dù thế kim cương ưu việt hơn các tư thế khác, ta có thể ngồi ở bất kỳ tư thế xếp chân nào, hoặc thậm chí ở thế Tara với một chân duỗi thẳng, miễn là ta ngồi với lưng thẳng hoàn toàn.
Phần giải thích về các giai đoạn thiền nội hỏa có hai mục chính:
1. cách thiền về nội hỏa (tummo) trong tám giai đoạn
2. Dựa trên những điều này, một giải thích về thực hành bốn hỷ và chín hòa nhập
CÁCH THIỀN NỘI HỎA TRONG TÁM GIAI ĐOẠN
Tám giai đoạn như sau:
1. Giải thích về việc xua tan những luồng khí ô trược và thiền về thân trống rỗng
2. Quán tưởng và thiền về các kinh mạch
3. Tu luyện trong con đường của các kinh mạch
4. Quán tưởng và thiền về các chữ cái
5. Đốt lên ngọn lửa bên trong (tummo)
6. Thổi bùng nội hỏa
7. Cháy to hơn và nhỏ giọt
8. Giải thích về bùng cháy và nhỏ giọt phi thường
Nếu muốn chứng đắc nội hỏa, ta cần thực hành tám giai đoạn thiền định này. Sau đó, thông qua việc đạt được nội hỏa, ta có thể trải nghiệm bốn hỷ và thực hành chín sự hòa nhập. Nhờ tu luyện nội hỏa, bốn niềm vui và chín hòa nhập, ta có thể hoàn thành trọn vẹn con đường Đại Ấn và hoàn thành đầy đủ tất cả các pháp môn của giai đoạn thành tựu. Ta không nên hài lòng với việc chỉ hoàn thành các phương pháp trực tiếp của thiền nội hỏa, mà trên cơ sở này, ta nên tiếp tục hoàn thành các thực hành của bốn niềm vui và chín hòa nhập. Je Tsongkhapa đã làm rất rõ về điểm này.
GIẢI THÍCH VỀ XUA TAN CÁC KHÍ BẤT TỊNH
VÀ THIỀN VỀ THÂN RỖNG
Như tến gọi đã chỉ ra, giai đoạn đầu có hai mục:
1. Xua tan các trược khí
2. Thiền về một thân thể trống rỗng
Mục đích của hai phần thực hành này là giải phóng chúng ta khỏi những trở ngại tinh thần và thể chất, giúp tâm trí và cơ thể sáng suốt, minh mẫn.
XUA TAN TRƯỢC KHÍ
Việc này được thực hiện bằng cách thanh lọc với chín hơi thở ra. Bắt đầu thực hành này bằng cách ấn đầu ngón cái tay trái vào trong gốc ngón nhẫn trái, rồi sau đó nắm chặt bốn ngón tay lại bằng cách khép bốn ngón lên trên ngón cái. Sau đó, nắm tay được đặt ở phía bên phải của lồng ngực sao cho cánh tay được đặt thoải mái trên bụng. Cách tay được xoay lên trên một chút, cho phép mặt sau của nắm đấm nằm ở phía bên phải của cơ thể ngang tầm khủy tay phải.
Sau đó, với tay phải, chúng ta nắm tay lại tương tự nhưng duỗi ngón trỏ ra. Dùng lưng ngón trỏ duỗi ra, ấn vào lỗ mũi trái để chặn nó lại rồi nhẹ nhàng hít vào một hơi thật sâu qua lỗ mũi phải. Trong khi hít vào nhẹ nhàng, ta quán tưởng nguyện lực của chư Phật và chư Bồ tát đi vào qua lỗ mũi phải của mình dưới dạng ánh sáng rực rỡ, hòa tan vào khí và tâm bất hoại ở trung tâm luân xa tim. Duy trì độ dài hít vào càng lâu càng tốt.
Để thở ra, ta di chuyển ngón trỏ phải duỗi thẳng đến lỗ mũi phải rồi đóng lỗ mũi này bằng cách ấn vào nó bằng phần trước của ngón tay. Sau đó, thở ra toàn bộ trược khí qua lỗ mũi trái trong ba hơi thở cân bằng liên tục. Trong khi thở ra, ta hình dung rằng tất cả trược khí của ta, đặc biệt là các luồng khí bên trái cơ thể được đẩy ra dưới dạng khói đen như mực. Bây giờ ta đã hoàn thành ba trong chín lần thở ra.
Với ngón tay vẫn ấn vào lỗ mũi phải, ta lại hít vào chậm rãi, nhẹ nhàng, sâu lắng. Hình dung luồng ánh sáng trắng rực rỡ chảy vào qua lỗ mũi trái, mang theo nguyện lực của toàn thể chư Phật, Bồ tát và hấp thụ vào khí và tâm bất hoại ở luân xa tim. Giữ hơi này cho đến lúc vừa cảm thấy khó chịu. Sau đó, di chuyển ngón trỏ duỗi ra trở lại lỗ mũi trái như trước và thở ra toàn bộ khí bất tịnh qua lỗ mũi phải trong ba hơi thở bằng nhau. hình dung rằng tất cả khí bất tịnh của ta, đặc biệt là các luồng khí ở bên phải cơ thể, nhờ đó được đẩy ra ngoài.
Bây giờ, sáu trong chín lần thở ra đã hoàn tất, ta đặt tay lên đùi theo thế cân bằng thiền định, với lòng bàn tay hướng lên trên, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, đầu hai ngón tay cái gần như chạm vào nhau. Hít vào nhẹ nhàng và sâu lắng qua cả hai lỗ mũi trong khi hình dung như trước. Sau đó, thở ra qua cả hai lỗ mũi ba lần. Khi ba lần thở ra này đã hoàn tất, ta quán tưởng mạnh mẽ rằng tất cả các kinh mạch, khí và giọt của mình đều rất mềm dẻo và thoải mái.
Toàn bộ chu kỳ này có thể được lặp lại nhiều lần tùy ý, nếu cần thiết, thậm chí là trong toàn bộ một thời khóa. Điều rất quan trọng là phải cố gắng thực hiện mục này với sự tập trung cao độ nếu muốn có được lợi ích.
THIỀN VỀ THÂN TRỐNG RỖNG
Mục đích của phần thiền này là để loại bỏ những chướng ngại vào vấn đề phát sinh liên quan đến các kinh mạch, khí và giọt của chúng ta. Nếu ba thành phần này không hoạt động bình thường, sẽ có nguy cơ phát triển nhiều loại bệnh tật. Hơn nữa, những người mới nhập thiền giai đoạn thành tựu có thể khiến các nguyên tố trong thân thể mất cân bằng do thực hành quá căng thẳng và quá cố gắng. Tuy nhiên, sẽ không có bất cứ sự ngăn trở nào trong số này xảy ra nếu chúng ta làm cho kinh mạch, khí và giọt của mình mềm dẻo thông qua pháp thiền này.
Như sẽ được giải thích bên dưới, có hai phương pháp đưa khí vào trung mạch thông qua thiền nội hỏa: phương pháp nhẹ nhàng
và phương pháp cưỡng ép. Phương pháp sau sử dụng sức mạnh vật lý để đưa khí nhanh chóng và mạnh mẽ vào trung mạch. Tuy phương pháp này có thể rất hiệu quả, nhưng nó cũng có thể gây nguy hiểm, làm mất cân bằng trong các luồng khí, khiến ta cảm thấy khó chịu về tinh thần và thể chất. Thiền quán về thân thể chúng ta như trống rỗng sẽ có tác dụng bảo vệ chống lại điều này. Quan trọng là phải ngăn ngừa các thực hành ở giai đoạn thành tựu gây mất cân bằng trong các luồng khí vì nếu nó xảy ra, cả bác sĩ và thuốc men đều không thể cứu giúp.
Phương pháp nhẹ nhàng để đưa khí vào trung mạch có thể mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng đây là quá trình dễ chịu hơn nhiều. Khi khí được đưa vào trung mạch theo cách này, chúng đi vào nhẹ nhàng và trơn tru, không có tác dụng phụ về tinh thần và thể chất do làm nhiễu loạn khí, mạch, giọt. Những người có thể thực hành phương pháp nhẹ nhàng này thành công không cần phải quán tưởng thân trống rỗng, vì đối với họ không có nguy cơ mắc bệnh về khí hoặc mạch.
Je Tsongkhapa giải thích rằng phương pháp nhẹ nhàng vượt trội hơn phương pháp cưỡng ép. Ngài chỉ ra rằng phương pháp này không chỉ ngăn ngừa những trở ngại được đề cập ở trên mà còn là cách mạnh mẽ hơn để trải nghiệm tịnh quang. Phương pháp nhẹ nhàng tăng cường tập trung nhất điểm và do đó, khi thực hành bốn niềm vui như được giải thích dưới đây, ta sẽ chuyển tự nhiên và trơn tru từ niềm vui này sang niềm vui khác. Hơn nữa, trong kinh văn gốc của mật điển Hỷ Kim Cương cùng các bản bình giảng về nó, có nói rằng nếu thực hành thiền nội hỏa bằng cách giữ hơi thở bình, ta nên thực hiện theo cách nhẹ nhàng.
Cuối cùng, có một nhược điểm nữa của pháp cưỡng ép cần được đề cập ở đây. Nếu thực hiện thiền định này cưỡng ép với nhiều kỳ vọng, ta có thể thực sự đưa các luồng khí vào trung mạch tương đối nhanh chóng, nhưng tác động của những cử động vật lý liên quan đến kỹ thuật này có thể ngăn cản chúng ta nhận ra rõ ràng ngay khi những dấu hiệu ban đầu xuất hiện lúc các luồng khí hòa tan vào trung mạch, và nếu không nhận ra những dấu hiệu đầu tiên, ta sẽ không thể nhận ra những dấu hiệu cuối cùng, là tịnh quang. Do đó, vì tất cả những nguyên nhân này, phương pháp nhẹ nhàng là cách thức được ưa chuộng.
Việc thiền quán thân trống rỗng được thực hiện như sau. Trước tiên, xem cơ thể mình ở dạng bình thường được tạo thành từ da, thịt, xương, máu, vân vân, sau đó quán tưởng rõ ràng rằng toàn bộ các thành phần trong cơ thể chúng ta tan chảy thành ánh sáng và dần dần biến mất thành hư không, chỉ còn lại làn da của chúng ta giống như một lớp vỏ rỗng. Khi thiền quán này ổn định, ta hình dung rằng làn da của mình trong suốt và rõ ràng, không có bất kỳ sức cản vật lý nào, giống như cầu vồng. Nếu trong bất cứ giai đoạn thực hành nào mà gặp phải rắc rối do khí bệnh, ta nên thực hành thiền quán này cho đến khi các khó khăn lắng xuống, ngay cả khi mất vài ngày hoặc vài tuần. Vào cuối mỗi thời thiền, ta nên tiếp tục hình dung cơ thể mình như là của Thần bản tôn.
Đây là lời giải thích ngắn gọn về giai đoạn đầu tiên của thiền nội hỏa. Một lời giải thích chi tiết hơn sẽ bao gồm các bài tập cơ thể được gọi là “sáu luân xa pháp thuật”, lời giải thích đầy đủ về nội dung này có thể được tìm thấy trong bản bình giảng của Je Tsongkhapa về Sáu Yoga của Naropa. Khi tuân thủ phương pháp nhẹ nhàng, không cần phải thực hiện các bài tập này, mặc dù chúng ta có thể thực hành nếu muốn.
QUÁN TƯỞNG VÀ THIỀN VỀ CÁC KINH MẠCH
Hệ thống kinh mạch đã được mô tả. Tuy nhiên, khi thực hành thiền giai đoạn thành tựu, việc quán tưởng các kinh mạch này hơi khác so với mô tả ở trên. Một điểm khác biệt là ta quán trung mạch kết thúc ở vị trí bí mật thay vì ở đầu cơ quan sinh dục. Một điểm khác biệt nữa, đối với mục đích của thiền định này, là chúng ta quán tưởng rằng các nút thắt ở các luân xa khác nhau được nới lỏng để trung mạch không bị thắt chặt ở bất kỳ điểm nào trong số những điểm đó. Trên thực tế, trung mạch giống như thân cây tre có màng ngăn chia một phần với phần tiếp theo, với các gút thắt chặt trung mạch giống như các màng ngăn như vậy, nhưng khi thiền về giai đoạn thành tựu, ta quán tưởng tất cả các màng ngăn này đã bị loại bỏ, vì vậy nếu đang ở dưới cùng của trung mạch, ta có thể nhìn lên toàn bộ chiều dài của nó giống như ta đang nhìn lên một trục thang máy trống rỗng.
Ta quán tưởng trung mạch càng mỏng càng tốt. Có thể bắt đầu bằng cách hình dung nó có đường kính bằng một ống hút. Một kỹ thuật hữu ích là bắt đầu thời khóa là hình dung nó rất dày, ví dụ như chiều rộng của một cánh tay, sau đó quán nó dần trở nên mỏng hơn. Cuối cùng, khi đạt đến chiều rộng của một ống hút, ta có thể để nó như vậy và tập trung vào nó vững chắc. Khi sự tập trung cải thiện và trở nên tinh xảo hơn, ta có thể làm cho nó hẹp hơn nữa. Có thể luyện tập để dần dần thu hẹp chiều rộng của trung mạch trong khoảng thời gian vài ngày. Nếu nghiêm túc về thiền nội hỏa, ta nên chuẩn bị cho việc chuyên luyện tập trung vào trung mạch trong nhiều thời khóa qua nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.
Sau khi quán tưởng trung mạch, ta chuyển sự chú ý của mình sang các mạch phải và trái, rồi hình dung chúng rõ ràng. Mặc dù bên trong của cả ba kinh mạch đều có màu đỏ nhưng mỗi mạch đều có màu sắc khác nhau ở bên ngoài. Mạch phải có màu đỏ bên ngoài, mạch trái màu trắng, còn trung mạch xanh trời nhạt. Vì mục đích của thiền định này, ta quán tưởng rằng các mạch phải và trái hợp nhất hoặc cắm vào trung mạch ở tầm rốn, tạo thành một tam hợp tại điểm đó. Từ tầm rốn lên đến đỉnh đầu rồi cong xuống đến điểm giữa hai lông mày, cả ba mạch đều chạy song song với nhau. Trung mạch kết thúc tại điểm giữa hai lông mày, nhưng hai mạch phải và trái tiếp tục đi xuống từ lông mày đến lỗ mũi.
Bên trong trung mạch, ngay chính giữa luân xa rốn, tại điểm được bao quan bởi nút thắt đôi, có một không bào nhỏ như đã mô tả trước đó. Điều quan trọng là phải biết không bào này nằm ở đâu vì đây là nơi thiền nội hỏa thực sự diễn ra, nếu không tìm đúng điểm đó thì toàn bộ thiền nội hỏa của chúng ta sẽ bị sai.
Khi quán tưởng về ba mạch ổn định, ta tập trung vào các nan hoa, hoặc cánh hoa của các luân xa khác nhau. Bắt đầu bằng cách hình dung rằng ta đang ở bên trong giọt bất hoại tại luân xa tim. Như đã đề cập trước đó, trung tâm của luân xa tim bị thắt chặt bởi một nút thắt sáu vòng (ba vòng xoắn của mỗi mạch bên cạnh), còn giọt bất hoại nằm bên trong trung mạch ở chính giữa nút thắt này.
Hình dung rằng nếu soi đèn, nó sẽ chiếu xuống các hành lang của tám nan hoa luân xa tim. Ta nhìn xuống các nan hoa này cẩn thận, xem xét kỹ từng cánh hoa rồi kết luận: “Bây giờ mình đã thấy rõ tám cánh hoa của luân xa tim”.
Vẫn còn ở bên trong giọt bất hoại, giờ chúng ta đi lên luân xa cổ họng. Nghĩ rằng ta đang ở trong không bào của trung mạch được bao bọc bởi nút thắt đôi, ta kiểm tra các hành lang của mỗi nan hoa trong số mười sáu nan hoa của luân xa này. Sau khi xem xét kỹ lưỡng từng nan hoa, ta nên nghĩ như trước: “Bây giờ tôi đã thấy mười sáu cánh hoa của luân xa họng rõ ràng”.
Sau đó, ta đi lên luân xa đỉnh đầu và làm như trước, từ bên trong không bào ở đó, tại trung tâm của nút thắt đối, ta kiểm tra các hành lang của mỗi nan hoa trong số ba mươi hai nan hoa cho đến khi ta có thể nghĩ rằng: “Bây giờ tôi đã nhìn thấy rõ ba mươi hai cánh hoa của luân xa đỉnh đầu”.
Cuối cùng, ta đi xuống luân xa rốn. Từ bên trong không bào của nút thắt đôi, nhìn dọc theo mỗi nan hoa trong số sáu mươi tư nan hoa cho đến khi ta hài lòng và nghĩ: “Bây giờ tôi đã thấy rõ sáu mươi bốn cánh hoa của luân xa rốn”.
Trong tất cả các mục thiền quán này, ta nên thấy các luân xa như mô tả trước đó, ngoài trừ việc ban đầu có lẽ tốt nhất là bỏ qua các nút thắt. Sau đó, khi có nhiều kỹ năng và quen thuộc hơn, ta có thể thêm nút thắt đôi ở rốn rồi sau đó, khi kỹ năng thiền định đã được cải thiện đủ, ta có thể thêm vào các nút thắt ở ba luân xa khác nữa.
Tóm lại, khi quán tưởng các kinh mạch, trước tiên ta tập trung vào việc nhìn rõ trung mạch, sau đó làm vững chắc quán tưởng của ta về các mạch phải và trái, quan sát xem chúng kết nối với trung mạch tại rốn ra sao. Khi đã quen thuộc với ba mạch, ta thiền về các nan hoa của các luân xa khác nhau bằng cách đặt tâm trí của ta lần lượt vào từng không bào nhỏ của trung mạch ở mỗi một trong bốn cấp độ. Như đã đề cập trước đó, nếu muốn đưa khí vào trung mạch thông qua pháp thiền nội hỏa, ta phải sử dụng tâm trí của mình để thâm nhập vào điểm chính xác ở trung tâm không bào tại luân xa rốn. Tầm quan trọng của độ chính xác tuyệt đối khi thậm nhập vào các điểm chính xác không nên được nhấn mạnh quá mức. Thiền về việc khảo sát kỹ lưỡng từng luân xa rồi cuối cùng thâm nhập vào không bào ở rốn nên được thực hiện trong ít nhất vài ngày.
Longdrol Lama nói rằng không có thiền nào mạnh mẽ hơn thiền thâm nhập vào trung mạch với động lực bồ đề tâm. Bởi vì bằng cách thiền về trung mạch, ta có thể kiểm soát được các luồng khí và khiến chúng đi vào, trụ lại và hòa tan trong kinh mạch đó. Trên cơ sở này, ta có thể đạt được đại lạc của tịnh quang, và thông qua thiền về tịnh quang, hoàn thành được hai bộ công đức và trí tuệ. Những thiền giả cao cấp đã hoàn thành hợp nhất đại lạc tự nhiên và tính không của tịnh quang chẳng cần phải nỗ lực thực hiện lễ lạy thể chất hoặc các thực hành bên ngoài khác, bởi vì, như đã được giải thích trong các kinh văn mật tông, chỉ bằng cách thiền về sự hợp nhất giữa lạc và không, họ có thể hoàn thành các tích tập cần thiết để đạt được giác ngộ trọn vẹn. Do đó, những thiền giả vĩ đại như vậy chỉ cần khẩn cầu sự gia trì từ các đạo sư gốc của dòng truyền rồi sau đó tiếp tục các thực hành giai đoạn thành tựu của họ.
TU LUYỆN THEO CÁC CON ĐƯỜNG KINH MẠCH
Có hai nguyên nhân chính để thực hiện giai đoạn thiền thứ ba này. Trước hết, nó giúp loại bỏ các khuyết điểm từ kinh mạch, khí và giọt, làm cho chúng được đả thông và linh hoạt. Nếu ba yếu tố này linh hoạt thì toàn bộ cơ thể cũng sẽ linh hoạt. Điều này là do các mạch, khí và giọt thấm nhuần toàn bộ cơ thể. Điểm rất quan trọng là thân thể của người hành thiền phải thoải mái và mềm dẻo vì nó giúp tâm trí trở nên rõ ràng và sáng suốt, và một tâm trí sáng tỏ khiến cho thiền trở nên mạnh mẽ và hữu ích. Lý do thứ hai để thực hiện thiền này là nó tăng cường đáng kể tính sáng cho việc quán tưởng các luân xa.
Để tu luyện ở giai đoạn này, ta quán tưởng rằng tâm trí của mình trong hình dạng của giọt bất hoại nằm ở trung tâm luân xa tim. Giọt này có kích thước bằng hạt đậu, màu trắng với chút sắc đỏ, tỏa sáng rực rỡ với ánh sáng ngũ sắc: trắng, đỏ, xanh trời, xanh lá cây và vàng. Tuy nhiên, ánh sáng này không mở rộng ra xa khỏi giọt. Với tâm trí tập trung nhất điểm vào giọt này, ta suy ngẫm mạnh mẽ rằng đó là bản chất bất khả phân giữa tâm ta và tâm đạo sư, rồi xác định nó là chính chúng ta. Sau đó, quyết định rằng, bằng giọt sáng chói, ta sẽ du hành đến các luân xa khác nhau.
Ta từ từ đi lên qua trung mạch đến tầm cổ họng, dừng lại chính xác ở giữa không bào nơi trung tâm luân xa họng. Ta nhìn dọc theo hành lang của mỗi nan hoa trong số mười sáu nan hoa, rồi sau đó, như thể ta đang bật một ngọn đèn rất mạnh, phát ra ánh sáng năm màu để nó chiếu sáng hoàn toàn tất cả các nan hoa của luân xa này. Ta cảm nhận rằng ánh sáng rực rỡ này sửa chữa mọi khuyết điểm có thể có của các nan hoa, chẳng hạn như chúng bị teo lại, dính vào nhau hoặc bị tắc nghẽn, và tất cả các nan hoa đã trở nên cứng và giòn đều được làm cho mịn màng, mềm mại và dẻo dai. Ta nghĩ rằng các nguyên tố chảy bên trong các nan hoa, các luồng khí, giọt trắng, giọt đỏ trở nên rất thông thoáng, mạnh mẽ và có lợi. Tiếp tục với quán tưởng này cho đến khi có cảm giác mọi khuyết điểm trong nan hoa đã được loại bỏ rồi sau đó ta hấp thu lại ánh sáng vào giọt sáng chói. Nghĩ rằng ta đã hoàn thành mục đích của mình khi ghé thăm luân xa họng, sau đó quyết định đến thăm luân xa đỉnh đầu.
Ta đi chậm rãi lên trên theo trung mạch, dừng lại ở chính giữa không bào của luân xa đỉnh đầu. Sau đó, tiến hành như trước. Nhìn xuống các hành lang của mỗi một trong ba mươi hai nan hoa của luân xa này, chiếu ánh sáng năm màu mạnh mẽ xuống chúng, sửa chữa tất cả các khuyết điểm như trước, đến khi cảm thấy rằng mọi khuyết điểm đã được loại bỏ, hấp thu lại ánh sáng và nghĩ rằng ta đã hoàn thành mục đích khi ghé thăm luân xa này.
Bây giờ nghĩ rằng ta muốn du hành qua luân xa giữa hai lông mày, và, từ vị trí của mình trên đỉnh đầu, nhìn xuống trung mạch hướng về phía luân xa đó. Tại lối vào của trung mạch, nằm chính xác giữa hai lông mày, ta quán tưởng một lỗ mở giống như con mắt thứ ba của nhiều vị thần bản tôn Kim cương thừa. Ta từ từ đi xuống lối vào này, dừng lại với một nửa giọt sáng chói bên trong và một nửa bên ngoài lỗ mở. Từ vị trí này, ta kiểm tra kỹ bên trong và bên ngoài cơ thể, nhìn theo mọi hướng. Sau đó, ta chiếu ra ánh sáng ngũ sắc và khi nó chiếu vào bên trong, ta thấy rằng nó loại bỏ mọi khuyết điểm của các kinh mạch ở lông mày. Khi ánh sáng chiếu ra bên ngoài, nó thanh lọc mọi ô nhiễm của môi trường và xoa dịu nỗ đau khổ cùng với các nguyên nhân thô và tế gây ra đau khổ cho toàn thể chúng sinh. Khi cảm thấy rằng các mục đích này đã được hoàn thành, ta di chuyển hoàn toàn vào bên trong để ta không còn nhô ra ngoài lỗ mở nữa, rồi ở lại đó một lúc.
Sau đó, chúng ta quyết định quay trở lại nơi đã bắt đầu trong luân xa tim. Từ từ đi lên đỉnh đầu, đi qua không bào ở đó, từ từ đi xuống qua trung mạch, qua không bào ở cổ họng và cuối cùng dừng lại ở trung tam của không bào trong luân xa tim. Nghĩ rằng ta đã trở lại nơi ở của chính mình. Bây giờ kiểm tra tám nan hoa của luân xa tim, chiếu ánh sáng năm màu khắp các hành lang của chúng rồi thanh lọc các khuyết điểm của chúng theo đúng phương pháp như trước. Khi đã hoàn thành việc này, hấp thu lại ánh sáng và nghĩ rằng bây giờ ta muốn đi đến luân xa rốn.
Chúng ta từ từ đi xuống qua trung mạch rồi dừng lại tại không bào ở đó. Ta kiểm tra từng nan hoa trong số sáu mươi bốn nan hoa của luân xa rốn và một lần nữa chiếu sáng, sửa chữa mọi khiếm khuyết của các kinh mạch, khí, và giọt, rồi nghĩ rằng tất cả chúng đều trở nên rất mềm mại, dễ uốn nắn, dẻo dai và thoải mái. Sau khi hấp thu lại ánh sáng năm màu, ta ở lại trong không bào một lúc, nhớ rằng đây là nơi chính để ta thiền về nội hỏa.
Sau khi ở lại trong không bào của rốn càng lâu càng tốt, giọt bất hoại trở về vị trí của nó ở tim. Một lần nữa ta nghĩ rằng mình đã trở về nơi trú ngụ chính của mình và sau đó quyết định thanh lọc mọi ô nhiễm và sửa chữa mọi khiếm khuyết của bay mươi hai ngàn kinh mạch thấm nhuần toàn bộ thân thể chúng ta. Chiếu ánh sáng ngũ sắc xuống tám nan hoa của luân xa tim và quán tưởng ánh sáng này lan tỏa khắp tám nan hoa, hai mưới bốn kinh mạch của hai mươi bốn vị trí, bay mươi hai kinh mạch phân nhánh từ những thứ này, rồi cuối cùng là khắp bay mươi hai ngàn kinh mạch. Ánh sáng năm màu rực rỡ này phục hồi toàn bộ kinh mạch bị đứt, tắc nghẽn, teo nhỏ, bị rối hoặc dính vào nhau; và tất cả những mạch bị cứng và giòn bây giờ trở nên mịn màng, mềm mại, dẻo dai. Theo cách này, tất cả các luồng khí và giọt đều được đả thông và nhu nhuyễn. Cuối cùng ta hấp thu lại ánh sáng vào chính mình, giọt bất hoại.
Có một số cách để thực hiện giai đoạn thiền thứ ba này, tùy vào lượng thời gian ta muốn dành cho mỗi bước khác nhau. Ví dụ, có thể dành toàn bộ một thời khóa thiền để khám phá chỉ một trong các luân xa. Nếu làm vậy, ta có thể bắt đầu một khóa thiền tiếp theo từ nơi mà khóa thiền trước đã dừng lại, và cuối cùng, khi cảm thấy đã hoàn thành phần thiền này, ta sẽ quay lại luân xa tim. Trong số các luân xa cần khám phá, luân xa rốn là quan trọng nhất. Ta nên dành nhiều thời gian nhất có thể cho luân xa này, nhưng phải đảm bảo rằng ta cũng có được kiến thức và kinh nghiệm toàn diện về các luân xa khác.
Tóm lại, tu luyện theo con đường của các kinh mạch cũng giống như đi tham quan bảo tàng. Sau khi quyết định ghé thăm, ta vào sảnh, trong trường hợp này tương ứng với luân xa tim, rồi từ đó ta đi thẳng lên tầng một. Sau khi ngắm nghía kỹ các hiện vật ở tầng này, ta lên tầng hai. Khi đã xem xét kỹ các hiện vật được trưng bày ở đó, ta quay lại sảnh. Sau khi nhìn ngắm thật kỹ các hiện vật ở đây, ta xuống tầng hầm và lúc xem xong, quay lên sảnh rồi rời đi. Sau khi tham quan bảo tàng toàn diện như vậy, ta có thể nhớ rõ tất cả hiện vật ở mỗi tầng.
Điều rất quan trọng là các luân xa phải xuất hiện rõ ràng trong quán tưởng của chúng ta. Như đã đề cập từ trước, để thực hành yoga nội hỏa của giai đoạn thành tựu, ta phải có khả năng thâm nhập vào điểm chính xác của luân xa rốn một cách chuẩn xác và khéo léo. Việc này giống như một người chặt gỗ bằng rìu. Nếu khéo léo và chặt đúng chỗ, anh ta sẽ chẻ gỗ mà không gặp nhiều khó khăn và vất vả, nhưng nếu chặt không đúng chỗ thích hợp, anh ta sẽ không có nhiều thành công, ngay cả khi đã tiêu tốn nhiều năng lượng. Một phép so sánh khác là về một người giết mổ. Nếu khéo léo và biết cách cắt đứt động mạch phải, anh ta sẽ có thể giết con vật nhanh chóng và không đau đớn, ngay cả khi công cụ duy nhất là một cây kim nhỏ; nhưng nếu thiếu kỹ năng, cuộc giết mổ có thể trở thành công việc dài và đẫm máu. Tương tự, thiền giả giai đoạn thành tựu muốn đưa các luồng khí vào trung mạch sẽ thành công nếu người đó có thể thâm nhập vào những điểm chính xác một cách khéo léo. Nhờ thực hành khéo léo như vậy, thiền giả sẽ đạt được những thành tựu tối cao mà không gặp khó khăn.
Để làm quen với các kinh mạch và phương pháp thâm nhập vào những điểm chính xác, và cũng để sửa chữa mọi khiếm khuyết trong các yếu tố của thân kim cương, ta nên tập trung mạnh mẽ vào việc tu luyện theo các con đường của kinh mạch. Ta cần làm việc này nhiều ngày, hoặc cho đến khi ta có kinh nghiệm quán tưởng rõ ràng.
QUÁN TƯỞNG VÀ THIỀN VỀ CÁC CHỮ
Có những giải thích sâu rộng và ngắn gọn về việc quán tưởng các chữ cái này. Giải thích sâu rộng bao gồm quán tưởng chi tiết không những về các chữ nằm trong bốn không bào chính, các luân xa: rốn, tim, cổ họng và đỉnh đầu, mà còn về các chữ nằm ở lối vào bên trong của mỗi một trong 120 nan hoa của bốn luân xa này. Giải thích sâu rộng này sẽ không được đưa ra ở đây vì nó khá phức tạp, lại không hoàn toàn cần thiết. Một giải thích ngắn gọn về các chữ cái của bốn không bào chính là đủ để giúp chúng ta đạt được thành công trọn vẹn trong việc thực hành nội hỏa của mình.
Đầu tiên, ta quán tưởng bên trong không bào của luân xa đỉnh đầu là một đệm mặt trăng hình tròn, phẳng, được tạo thành từ ánh sáng trắng. Chiếc đệm này có kích thước bằng bề mặt tròn được tạo thành khi một hạt đậu được cắt đôi. Trên chiếc đệm mặt trăng này có một chữ HAM, là bản chất của giọt trắng ngụ trên đỉnh đầu. Nó có kích thước bằng một hạt cải, màu trắng. Chiếc đệm mặt trăng và HAM được treo ngược xuống.
Bên trong không bào ở cổ họng, ta quán một đệm mặt trăng khác, trên đó có một chữ OM, bản chất của giọt màu đỏ nằm ở cổ họng. Chữ này, có bản tính của lửa, cũng có kích thước bằng một hạt cải, nhưng có màu đỏ và đứng thẳng.
Bên trong không bào ở tim có một đệm mặt trăng khác, trên đó có một chữ HUM, bản chất của giọt bất hoại. Nó có kích thước bằng một hạt cải và màu xanh lam. Cả chữ cái và đệm mặt trăng đều được treo ngược xuống. Giọt bất hoại là giọt tinh tế nhất, được gọi như vậy vì nó không tan chảy trước thời điểm chết.
Cuối cùng, trong không bào rốn, ta quán rõ ràng một đệm mặt trăng khác. Trên đó, cũng có kích thước bằng hạt cải, một chữ A đứng thẳng, đó là bản chất của giọt đỏ nằm trong rốn. Vì đây là đối tượng chính của sự tập trung khi thiền du già nội hỏa, và vì toàn bộ hơi ấm của cơ thể đều phát sinh ra từ giọt này, A ngắn phải được quán tưởng với tính chất nóng như lửa. Sơ đồ mô tả cách quán bốn chữ cái này được đưa ra trong Phụ Lục.
Có hai mục đích cụ thể khi quán những chữ này trong các không bào của trung mạch ở giữa mỗi luân xa. Mục đích đầu tiên liên quan đến bốn hỷ. Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm bốn hỷ này khi các luồng khí đi vào, lưu lại và hòa tan trong trung mạch của mình. Nếu có thể giữ trải nghiệm bốn hỷ càng lâu và càng mãnh liệt, thì kinh nghiệm của chúng ta càng tốt hơn, và khả năng làm việc này của ta được tăng cường đáng kể khi quán bốn chữ cái. Kết quả của thiền được mô tả dưới đây là giọt trắng trong đỉnh đầu được làm cho tan chảy. Khi giọt này tan ra, nó bắt đầu chảy xuống trung mạch, cuối cùng đi qua các luân xa cổ hỏng, tim, rốn, cuối cùng đến đầu cơ quan sinh dục. Khi giọt trắng tan ra, nó sẽ chảy xuống mà không bị gián đoạn. Nếu nó chảy qua một luân xa cụ thể mà không được kiểm tra hoặc giữ lại ở đó, trải nghiệm hỷ liên quan đến luân xa đó sẽ thoáng qua và không ổn định. Tuy nhiên, bằng cách tập trung vào các chữ cái khác nhau, ta có thể đình chỉ dòng chảy hướng xuống của giọt trắng, nhờ vậy có được trải nghiệm lâu dài và sâu sắc hơn về mỗi hỷ trong bốn hỷ.
Bốn hỷ được giải thích đầy đủ trong chương tiếp theo., nhưng một mô tả ngắn gọn sẽ hữu ích vào thời điểm này. Hỷ thứ nhất được gọi đơn giản là “hỷ”, trải nghiệm về nó bắt nguồn từ luân xa đỉnh đầu khi giọt trắng ngụ trong đó tan ra. Vì vậy, ban đầu, chúng ta phải thiền trong một thời gian dài về chữ HAM trong đỉnh đầu. Kinh nghiệm về hỷ này hoàn tất khi giọt trắng chảy xuống trung mạch đến luân xa cổ họng.
Hỷ thứ hai, được gọi là “tối thượng hỷ”, bắt nguồn từ luân xa cổ họng, được trải nghiệm trọn vẹn khi giọt trắng chảy xuống trung mạch đến luân xa tim. Hỷ thứ ba, được gọi là “phi thường hỷ”, bắt nguồn từ luân xa tim và được trải nghiệm trọn vẹn khi giọt trắng chảy xuống trung mạch đến luân xa rốn. Cuối cùng, hỷ thứ tư được gọi là “đại hỷ tự phát”, bắt nguồn từ luân xa rốn và được trải nghiệm trọn vẹn khi giọt trắng chảy xuống trung mạch đến đỉnh cơ quan sinh dục. Do đó, để có trải nghiệm bền vững và ổn định trong từng hỷ này, chúng ta cần đạt được sự kiểm soát mạnh mẽ đối với dòng chảy hướng xuống của giọt trắng, và có khả năng đình chỉ nó ở mỗi cấp độ đi xuống, điều này được thực hiện bằng cách làm quen với bốn chữ cái trong thiền định.
Mục đích thứ hai của việc quán tưởng những chữ cái trong các luân xa là giúp chúng ta tìm ra đối tượng thực sự của thiền định trong yoga nội hỏa. Chữ HAM được quán tưởng bên trong không bào của luân xa đỉnh đầu. Mặc dù hình dáng bên ngoài của nó là một chữ cái, ta nên nhận ra nó thực sự là giọt trắng trong đỉnh đầu. Khi thực hành giai đoạn thứ tư của nội hỏa, ta nên bắt đầu bằng cách quán chữ HAM trắng này trong đỉnh đầu. Quán tưởng nó rõ ràng trong một thời gian ngắn, rồi sau đó chuyển sự chú ý của mình sang chữ OM đỏ ở cổ họng. Được một lúc, ta chuyển sang chữ HUM màu lam ở tim và cuối cùng ổn định tâm trí vào chữ A ngắn trong luân xa rốn. Ta quán chữ A ngắn rất rõ ràng, cảm thấy rằng nó có bản tính nóng mạnh mẽ, dữ dội. Sự chú tâm của ta nên tập trung vào chữ này trong thời gian dài hơn các chữ khác.
Sau khi tập trung vào A ngắn, ta chuyển tâm trí trở lại HUM ở tim, rồi đến OM đỏ ở cổ họng, cuối cùng đến HAM trắng trong đỉnh đầu. Sau đó, ta lại di chuyển xuống, trở lại cổ họng, tim, cuối cùng dừng lại ở rốn. Theo cách này, ta chuyển tâm trí từ đỉnh đầu xuống dưới, từ rốn lên trên, cuối cùng từ đỉnh đầu xuống dưới một lần nữa.
Vào thời điểm này, sự chú tâm của ta tập trung vào A ngắn của nội hỏa trong luân xa rốn. Nếu nó không được nhận thức rõ ràng, thiền định của chúng ta sẽ không thành công. Vì vậy, đây là lúc để nhớ lại càng sống động càng tố những hướng dẫn chỉ thẳng mà ta đã nhận được từ Đạo sư của mình liên quan đến đặc điểm A ngắn, chẳng hạn như vị trí, kích thước, hình dạng và bản chất của nó. Chúng ta quán tưởng 64 nan hoa của luân xa này cùng các kinh mạch trái và phải cuộn tròn tạo thành một nút thắt đôi ở trục của các nan hoa này. Bên trong trung mạch tại chính giữa của nút thắt này là không bào của rốn. Chính bên trong không bào này là nơi trú ngụ của chữ A ngắn, đứng trên một chiếc đệm mặt trăng nhỏ. Chữ này có màu đỏ, hoàn toàn thanh tịnh, vô cùng rực rỡ và có tính chất nóng dữ dội như lửa. Đây là đối tượng của thiền nội hỏa.
Việc tìm kiếm đối tượng thiền phụ thuộc vào chánh niệm và tỉnh giác. Sau khi tìm được đối tượng theo cách mô tả ở trên, ta nên hòa nhập trọn vẹn tâm trí vào nó và tập trung nhất tâm vào nó mà không bị quên. Nếu việc này khó khăn, ta có thể nghĩ rằng chữ cái là cơ thể của ta, còn tâm trí ta đang trú ngụ trong đó, hoặc có thể nghĩ rằng nó giống như quần áo mà chúng ta, tâm trí, đang mặc. Những kỹ thuật này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa
tâm trí chủ thể và
đối tượng khách thể của thiền định. Một khi đã tìm thấy đối tượng thiền định, ta đã đạt đến giai đoạn đầu của thiền an trú tĩnh lặng, nếu ta chưa đạt được giai đoạn này thông qua thực hành trước đó. Nếu hành thiền liên tục, ta có thể dần dần hoàn thành toàn bộ chín tầng định. Vì vậy, A ngắn là một đối tượng thiền độc đáo, vì chỉ cần thiền về nó sẽ mang lại bốn quả quan trọng: đạt được an trú tĩnh lặng, khiến các luồng khí đi vào, trụ lại, rồi tan biến trong trung mạch, đốt cháy nội hỏa, khiến nó bùng lên, và thành tựu chứng ngộ Đại Ấn.
Cách thiền hiện tại chủ yếu được thực hiện để đưa các luồng khí vào trung mạch, và sự thành công trong việc này phụ thuộc vào độ tập trung hoàn hảo. Do đó, bất cứ khi nào thực hiện thiền định này, điều quan trọng là ta không thấy tâm trí và đối tượng thiền của mình là hai thứ khác nhau. Như đã đề cập trước đó, ta nên hòa nhập trọn vẹn tâm trí của mình vào A ngắn để loại bỏ khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng. Khi có thể làm như vậy, ta sẽ có thể kiểm soát được các luồng khí để chúng đi vào, trụ lại và hòa tan trong trung mạch. Đây là cơ sở cho toàn bộ các giai đoạn thiền tiếp theo, mà đạt đến đỉnh cao là việc chứng ngộ Đại Ấn.