Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Bao Hữu Vũ (thư thứ nhất)

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao
Quyển thứ hai
(Phần 1)



91. Trả lời thư cư sĩ Bao Hữu Vũ (thư thứ nhất)


Vừa nhận được thư, khôn ngăn cảm khái, thẹn thùng. Ấn Quang là một ông Tăng chỉ biết đến cơm cháo, những chuyện trong pháp môn nhất loạt chẳng biết gì, chỉ có mỗi Tịnh Độ là khá muốn cho cả mình lẫn người cùng được vãng sanh. Bởi vậy, nếu có kẻ Tăng, người tục hỏi đến, đều dùng chuyện này để phụng đáp. Cư sĩ Từ Úy Như cho rằng những phân tích rõ ràng giới hạn giữa Thiền và Tịnh, cũng như những nghị luận ngoài da về sự khó - dễ, được - mất giữa Tự Lực và Phật Lực, cũng như việc trọng lòng kính, giữ lòng thành [của tôi] đều hơi có ích cho hàng sơ cơ cho nên tuy văn từ tệ vụng cũng chẳng vứt bỏ, ba bốn lượt ấn loát lưu thông, ngõ hầu những ai có chí liễu sanh tử đều cùng nhận lấy những lời nghị luận ngô nghê này[1] mà thôi. Nhưng đem cơm thừa canh cặn bày trước mặt người đã no ứ tiệc vua ắt sẽ nhớm gờm mắc ọe, nào còn dám chú giải kinh?

Các hạ chẳng cho [lời tôi] là chua hôi, đáng vứt bỏ, nên kính tặng một bộ Văn Sao hủ bại. Bản này do ông Từ Úy Như yêu cầu Thương Vụ Ấn Thư Quán sắp chữ in riêng. Năm nay in ra, do Thư Quán sợ bán không được nên chỉ in hai ngàn bản. In sách xong, chưa kịp phát hành đã bán hết sạch. Tuy còn bản lưu, nhưng do Thư Quán ấy chú trọng những cuốn sách mới mang tính thời thượng cho nên đến nay vẫn chưa in lần thứ hai. Một hai năm nay, cũng có bạn bè quen biết khuyên Quang khắc in, Quang tính đợi cho Thương Vụ Ấn Thư Quán sắp xếp sách hoàn chỉnh rồi mới cho khắc ván để đỡ tốn tâm lực. Năm ngoái, miền Bắc mất mùa lớn, các thiện sĩ lập cách quyên mộ, Quang bèn đem hết số tiền dự định khắc kinh ra đóng góp cho công cuộc cứu trợ, làm như thế hai lần tổng cộng là năm trăm đồng. Nếu như [sách này] có ích cho hàng sơ cơ, hãy nên in ra, lưu truyền, chưa hề chẳng có lợi cho người khác vậy!

-------------------------
[1] Nguyên văn là “sô nghị” (lời nghị luận của kẻ tiều phu), ý nói chẳng phải là cao kiến gì nên tạm dịch là “lời nghị luận ngô nghê”.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Bao Hữu Vũ (thư thứ hai)

92. Trả lời thư cư sĩ Bao Hữu Vũ (thư thứ hai)


Biển cả sanh tử không nhờ niệm Phật không cách nào vượt được! Muốn biết gốc cội của pháp niệm Phật nhưng chẳng xem kinh luận Tịnh Độ, làm sao biết được? Vì thế, hằng ngày nên tụng kinh A Di Đà, thường xem kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Đó là Tịnh Độ Tam Kinh. Đọc những kinh ấy sẽ biết thệ nguyện rộng sâu của Phật A Di Đà, cảnh duyên thù thắng của Tịnh Độ, hành tướng vãng sanh của hành nhân. Ngoài ra, khai thị phương pháp niệm Phật thân thiết nhất thì có chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông ở cuối quyển năm kinh Lăng Nghiêm. Lại còn có phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Đọc những kinh này sẽ biết pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là bước cuối cùng để thành Phật trong một đời của kinh Hoa Nghiêm, là phương tiện tối thắng để tự lợi lúc tu nhân, để lợi tha khi đã chứng quả của mười phương tam thế chư Phật. Những kẻ nói xằng pháp môn Tịnh Độ là Quyền Tiệm Tiểu Thừa đều là những kẻ có tội cực nặng hủy báng kinh Hoa Nghiêm và hủy báng Phật - Pháp - Tăng. Còn những bản chú giải ba kinh Tịnh Độ và những sách Tịnh Độ nên chuyên tinh xem đọc thì trong lá thơ gởi cho bà Từ nữ sĩ trong bộ Văn Sao tôi đã trình bày đầy đủ. Ở đây không phải viết chi tiết nữa!

Phép Thập Niệm buổi sáng nên thực hành vào lúc súc miệng, rửa ráy xong và trước khi thực hành công khóa. Trong Tịnh Độ Thập Yếu và Tây Quy Trực Chỉ đều có nghi thức này, làm theo đó là được rồi! Nhưng chẳng được niệm hơn mười niệm vì niệm nhiều sẽ bị tổn khí, trong bộ Văn Sao, Quang cũng đã nhiều lần nêu lẽ lợi - hại. Công khóa sáng tối cứ chiếu theo công khóa mà niệm là được. Nếu công việc đa đoan, chẳng rảnh rỗi để niệm công khóa thì dùng cách Thập Niệm cũng được! Ngoài ra thì chỉ niệm một câu “nam-mô A Di Đà Phật” là được rồi!

Pháp Thập Niệm vừa nói đó cứ hết một hơi là một niệm, niệm mười hơi như thế thì gọi là Thập Niệm. Như người hơi mạnh, một niệm có thể niệm được nhiều đến mười, hai mươi câu; người khí yếu, chỉ niệm được vài câu. Bất luận niệm Phật nhiều ít, chỉ lấy từ một hơi đến mười hơi làm chừng. Chỗ mầu nhiệm của pháp này trong bộ Văn Sao cũng đã nói rồi. Nếu niệm nhiều sẽ bị tổn khí thành bệnh, không thể không biết. Cổ nhân nói: “Thông minh chẳng cự nổi nghiệp, phú quý chẳng khỏi luân hồi”. Sanh tử xảy đến không dựa vào đâu được, chỉ có A Di Đà Phật là nương dựa được. Tiếc là người đời biết điều này quá ít; tuy biết nhưng chân tín thật niệm lại càng ít hơn nữa!

Ông Vương Thiết San ở Thông Châu[2] từng làm chức Phiên Đài[3] ở Quảng Tây vào đời nhà Thanh trước kia, cõi ấy thổ phỉ rất nhiều, ông bày kế tiễu trừ, giết không biết bao nhiêu mà kể. Năm trước mắc bệnh, nhắm mắt liền thấy mình ở trong nhà tối, quỷ thật đông cùng xông đến bức bách, hoảng sợ thức dậy. Suốt ba ngày ba đêm như thế, vừa chợp mắt liền thấy cảnh ấy. Con người suy sụp, hơi thở thoi thóp. Bà vợ ông khuyên ông niệm Phật, liền niệm mấy mươi tiếng bèn ngủ được. Do ngủ được đẫy giấc, tinh thần dần dần tỉnh táo, bệnh liền giảm bớt. Ông liền trường trai niệm Phật. Nếu lúc ấy không có ai đem pháp Niệm Phật bảo cho, e rằng vạn phần chẳng sống được đến bây giờ. Vì thế, dạy người niệm Phật công đức vô lượng; những người biết đến lợi ích niệm Phật đều là do thiện căn nhiều đời nhiều kiếp tạo thành.

Những chuyện lệnh thân đã được thấy quả thật là hiếm lạ, có thể nói là đời trước đã có thiện căn, nhưng phải tự gắng tu trì thật cẩn thận, ngõ hầu chẳng uổng giấc mộng ấy. Nếu vì tri kiến phàm phu, lầm lạc bảo mình đã được Tam Bảo gia bị, đã dự vào dòng Thánh, từ đó sanh ra đại ngã mạn, chưa đắc bảo là đắc, chưa chứng nói là chứng thì là do thiện nhân chuốc lấy ác quả. Người trong đời Mạt tâm trí hèn kém, thường mắc cái bệnh này! Ấy là như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Tâm chẳng coi đó là thánh [cảnh] thì gọi là cảnh giới lành. Nếu hiểu là cảnh thánh sẽ bị mắc vào các tà!”, chính là nói về điều này vậy! Xin hãy đem chuyện tận lực tu pháp môn Tịnh Độ để tự khích lệ thì tương lai chắc chắn đạt được đại lợi ích.

Phải biết một pháp Tịnh Độ chính là lò luyện lớn để nung phàm luyện thánh của mười phương ba đời chư Phật. Chúng sanh trong chín pháp giới nếu không vào trong lò ấy thì không ai thoát ra ngoài [chín pháp giới] được, bởi thoát ra chính là rốt ráo thành Phật vậy! Tin tưởng được như thế mới gọi là Chánh Tín, mới gọi là “có Tịnh Độ” vậy!

---------------------------
[2] Thông Châu: tên đất cũ, có hai nơi:

1) Ở tỉnh Hà Bắc, nay đổi thành Thông Huyện.
2) Tại tỉnh Giang Tô, nay đổi thành huyện Nam Thông.
Không rõ Thông Châu nói ở đây là Thông Châu thuộc tỉnh nào; nhưng trong những lá thư sau Tổ có nói là Bắc Thông Châu, nên chúng tôi đoán Thông Châu nói ở đây thuộc tỉnh Hà Bắc.

[3] Phiên Đài chức quan tương đương với Bố Chánh của ta, lo việc trị an trong một tỉnh.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ nhất)

93. Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ nhất)


Ngày hôm qua nhận được thư luận về chuyện dạy con gái là cái gốc để tề gia trị quốc, có thể nói là ông đã thấy thấu triệt được cái lý. Nhà Châu lập quốc nền tảng là do ba bà Thái. Văn Vương thành thánh là nhờ thai giáo[4]. Do vậy, biết đời không có bậc thánh hiền là do thế gian ít có người mẹ thánh hiền mà nên nỗi! Nếu như bà mẹ nào cũng giống như ba bà Thái thì con họ dẫu chẳng là Vương Quý, Văn Vương, Châu Công[5] thì cũng chẳng là kẻ gian ác, điều này cũng rõ ràng lắm! Nhưng người đời chỉ biết yêu thương con gái, mặc tình cho nó kiêu căng thành thói, chẳng biết đem lẽ mẫu nghi ra dạy. Đấy chính là một điều đại bất hạnh của nước ta!

Con người lúc nhỏ thường kề cận bên mẹ, nên chịu ảnh hưởng thói quen của mẹ rất sâu. Những kẻ làm con gái người ta hiện thời, ngày sau sẽ là mẹ người ta. Ai muốn bồi đắp quốc gia phải lấy chuyện dạy con gái làm nhiệm vụ cấp bách. Chớ nói: “Con gái là con người ta, cần gì phải uổng công chịu đựng nhọc nhằn, lo lắng làm gì?” Phải biết rằng: Vì trời đất, vun bồi một người dân lành biết giữ phận thì không có công đức nào lớn hơn! Huống chi nếu người nữ có thể giữ vững đức hạnh của nữ nhân thì con cái cô ta sẽ phỏng theo khuôn mẫu tốt lành, còn vinh dự nào hơn; huống gì con dâu, cháu dâu của chính mình cũng đều là con gái nhà người ta đó thôi! Muốn cho nước nhà quật khởi hưng thạnh, nếu không có hiền mẫu sẽ không có gì hỗ trợ được! Đời không có mẹ hiền thì chẳng những nước không có lương dân, mà nhà cũng chẳng có con ngoan! Ngay cả những gã sư tăng tồi tệ ăn bám Phật pháp cũng đều chẳng phải do những người mẹ tốt lành sanh ra! Nếu như người mẹ thật sự hiền, bọn ấy trọn chẳng đến nỗi kém hèn đến thế! Tiếc thay!

Phật pháp không gì lớn lao chẳng bao gồm, không gì nhỏ nhặt chẳng nêu lên. Ví như một trận mưa thấm khắp, cây cỏ cùng tươi tốt. Cái đạo tu thân, tề gia, trị quốc, tân dân không gì chẳng đầy đủ. Xưa nay những kẻ văn chương lừng lẫy một thuở, công nghiệp vang rền vũ trụ, và những người nhân hiếu rất mực, muôn đời kính ngưỡng, người ta chỉ biết đến hình tích chứ chưa xét đến cội nguồn. Nếu khảo sát kỹ căn do thì tinh thần, chí khí, tiết tháo của họ đều do học Phật vun bồi mà ra. Những chuyện khác không cần phải nhắc đến, chứ ngay như tâm pháp của thánh nhân do Tống Nho[6] được nêu tỏ cũng phải nhờ vào Phật pháp để làm khuôn mẫu vậy, huống gì những thứ khác! Thế nhưng bọn Tống Nho khí lượng hẹp hòi, muốn hậu thế cho rằng những điều ấy do chính trí của họ tìm ra, nên đặt ra những lời chê trách Phật để làm kế “bịt tai trộm linh”, từ đời Tống đến nhà Nguyên rồi sang nhà Minh, không lúc nào chẳng vậy! Thử dốc lòng khảo sát thì không ai chẳng lấy Phật pháp để tự làm lợi cho mình! Còn như họ nói đến chuyện tịnh tọa, nói đến chuyện tham cứu, đều là chứng cớ chứng tỏ họ dụng công; lâm chung biết trước lúc mất, nói cười ngồi thác là những chứng cớ sau cùng để phát hiện [họ có tu Phật]. Những chuyện như vậy chép trong các truyện ký của Lý Học không thể nào nêu trọn. Há có phải học Phật là mối lo cho xã hội ư?

Tống Cát Phồn[7] hằng ngày làm chuyện lợi người, Triệu Duyệt Đạo[8] ban ngày làm điều gì, ban đêm ắt thắp hương tâu cùng Thượng Đế. Viên Liễu Phàm lập mạng, Châu Mộng Nhan soạn sách, không vị nào chẳng tha thiết mong người đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tỏ nhân quả, chỉ tội phước, khiến cho người khác biết: Khởi tâm động niệm thì thiên địa quỷ thần không gì chẳng đều thấy đều biết. Dẫu muốn dối người nhưng vì thiên địa đều thấy biết tất cả nên chẳng dám làm. Từ đấy, gắng sức làm lành, thật tâm kiêng ác, tuy là kẻ ương ngạnh khó giáo hóa nhất chẳng thể dùng lý để dẫn dụ được, nhưng do nghe đến cái đạo nhân quả ba đời ắt sẽ dần dần chững lại, thậm chí chuyển bạo ác thành lương thiện không biết là bao nhiêu!

Tôi trộm cho rằng: Cha mẹ yêu con không gì chẳng lo lắng, chỉ có bệnh tật hoạn nạn mới đành cam chịu. Trẻ nhỏ vừa mới biết nói liền dạy niệm “nam-mô A Di Đà Phật” và danh hiệu “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” . Dẫu cho đời trước ít vun bồi, nhờ vào nguyện lực này ắt có thể tiêu được họa ngay khi chưa chớm, phước đưa đến mà không biết, có thể không còn phải lo gì đến những chuyện bệnh tật, tai ương, hiểm nạn. Con vừa mới hiểu biết, liền dạy cho con trung hậu, khoan thứ, nhân từ, kiêng giết, phóng sanh và những sự tích nhân quả ba đời rõ ràng, ngõ hầu con tập thành tánh. Lúc nhỏ, chẳng dám tàn bạo đối với loài trùng kiến nhỏ nhặt, lớn lên trọn chẳng đến nỗi làm chuyện gian ác, làm nhục tổ tiên cha mẹ. Phật pháp gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, gặp anh nói nhường, gặp em nói kính, chồng xướng vợ thuận theo, chủ đối xử có nghĩa, tớ trung thành. Tuy gọi chung là “pháp xuất thế”, nhưng quả thật đầy đủ những khuôn phép tốt lành để sống trong đời.

Những khuôn phép tốt lành để sống trong đời cũng giống như Nho Giáo, nhưng Nho Giáo chỉ dạy con người tận nghĩa, còn Phật giáo mỗi mỗi đều nói đến nhân quả. Tận nghĩa chỉ có thể dạy người thượng trí, khó cảm hóa kẻ hạ ngu. Nhân quả thì thượng trí hạ ngu không ai chẳng được lợi ích. Trong xã hội ngày nay, chuyên lấy trí xảo làm chủ thể. Vì thế, đề ra chuyện gì đều mượn cái danh vì dân, vì hạnh phúc của chế độ Cộng Hòa, chứ thật ra là anh em một nhà đánh nhau, khiến cho thế nước ngày càng nguy ngập, nhân dân ngày càng thêm khốn khổ vì chuyện tranh chấp ý kiến, tranh chấp quyền lực. Trở thành ra kết quả như vậy toàn là do chẳng biết nhân quả báo ứng. Nếu ai cũng biết nhân quả thì tự lợi, lợi tha, tự lập, lập người, sao đến nỗi cùng cực như thế này? Nói “dạy trẻ học Phật” chỉ là học mấy nghĩa như vừa đã nói đó mà thôi, há nào phải dạy chúng những chuyện tham Thiền ngộ tánh, xem kinh giáo, quán sát cái tâm? Ông Vương chưa biết Phật pháp nên mới lo lắng quá mức như thế. Nếu làm như lời ông ta nói thì dù gần hết cả một đời cũng chẳng dám nói đến Phật pháp. Trong thư phúc đáp ông Vương, ông nên dùng những ý Quang vừa nói để dung hội và mở rộng ra.

Như tôi đã viết nhiều lần về pháp danh, trộm nghĩ: Trẻ nhỏ chọn lấy một tên thích hợp là được rồi, cần gì nhất định phải chọn lấy ba tên. Tên của Khổng Tử chính là nhũ danh, nào có phải nhũ danh[9] chỉ dùng lúc nhỏ thôi ư? Pháp danh cũng do đời sau đặt ra, tên các vị đệ tử Phật không tên nào chẳng phải là tục danh tại gia. Nay dùng pháp danh là để phân biệt người đã nhập pháp hay chưa. Nếu con cái ngay thoạt đầu đã chọn đặt cho cái tên đẹp đẽ thì có thể dùng tên ấy suốt đời. Cần gì phải mất công đặt hai ba tên? Trước hết tận lực việc người, sau nghe theo mạng trời. Chuyện gì con người không tính được bèn cậy vào oai thần Tam Bảo thì sẽ âm thầm tự nhiên có chuyển biến chẳng thể nghĩ bàn.

-----------------------------------------
[4] Thai giáo: Dạy con từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Người mẹ khi mang thai phải tập tánh hiền lành, ăn nói khoan thai, từ tốn, không nói lời thô ác, không làm những cử chỉ hung bạo, xem kinh sách của thánh hiền v.v…

[5] Vương Quý là sáng tổ nhà Châu. Châu Công tên thật là Cơ Đán, là con thứ của Châu Văn Vương, em của Châu Vũ Vương, từng phù tá Vũ Vương diệt nhà Ân Thương. Khi Vũ Vương chết, con là Thành Vương còn bé, ông nắm quyền nhiếp chính, tận lực bảo vệ vương quyền nhà Châu. Tương truyền, phần Tượng trong kinh Dịch do ông viết. Vì thế sau này, có rất nhiều tác phẩm bói toán được gán cho ông làm tác giả, như cuốn Châu Công Giải Mộng chẳng hạn.

[6] Tống Nho là Nho Học theo quan điểm diễn dịch của Trình Hạo, Trình Di, Châu Hy đề xướng (thường được gọi là Lý Học). Họ vay mượn, xuyên tạc những khái niệm nhà Phật để biện minh cho Nho Học, rồi cực lực đả kích Phật pháp.

[7] Tống Cát Phồn: Người quê ở Trừng Giang, tuổi trẻ đã đỗ đạt. Theo truyện ký, có một viên quan lên kinh đô tìm mua hia, thấy một đôi hia rất to, nhận ra đó là đôi hia đã chôn theo cha mình, bèn hỏi người thợ sửa hia do đâu mà có? Người đó bảo do một viên quan mang đến sửa và hứa sẽ trở lại lấy. Viên quan ấy bèn chờ, quả nhiên thấy cha mình, trả tiền lấy hia. Người con lạy cha, cha chẳng thèm ngó tới, thót lên ngựa, phóng đi. Người con đuổi theo hai ba dặm vẫn không đuổi kịp, gào lên: “Đã là cha con một thuở với nhau, sao chẳng nói một lời?” Cha bảo: “Hãy học theo Tống Cát Phồn”. Người con bèn tìm hỏi, mới biết Cát Phồn đang làm thái thú Trấn Giang. Hỏi nguyên do vì sao ông được người cõi âm nể trọng, họ Tống đáp: “Tôi thoạt đầu mỗi ngày làm một chuyện lợi người, rồi tăng dần lên cho đến mười chuyện. Suốt bốn mươi năm nay, chưa từng bỏ phế ngày nào”. Lại hỏi: “Lợi người bằng cách nào?” Cát Phồn chỉ xuống cái ghế kê chân: “Nếu như vật này không ngay, tôi kê lại cho ngay. Nếu người ta đang khát, tôi cho họ chén nước, cũng là chuyện lợi người vậy. Hễ gặp chuyện gì có lợi cho người bèn làm”. Cát Phồn làm quan ở đâu cũng lập một gian tịnh thất để thờ Phật. Có lần ông vào thất lễ tụng, cảm được xá-lợi giáng xuống. Ông thường khuyên người khác niệm Phật, cảm hóa được rất nhiều người, trong định từng dạo chơi Cực Lạc. Về già, không bệnh tật gì, ngồi ngay ngắn hướng mặt về Tây mà mất (theo Long Thư Tịnh Độ Văn và Tây Quy Trực Chỉ).

[8] Triệu Duyệt Đạo làm quan Ngự Sử thời Tống Nhân Tông, chí công vô tư, được người đời xưng tụng là Thiết Diện Ngự Sử (Ngự Sử mặt sắt).

[9] Nhũ danh: tên sữa, tên đặt lúc mới sanh ra, ta thường gọi là “tên hèm” (“hèm” là kiêng kỵ, không nhắc đến) hoặc “tên húy”. Đến khi lớn lên lại đặt tên tự và hiệu. Khi xưng hô với nhau chỉ dùng tên tự hoặc hiệu. Khi chết, căn cứ vào đức hạnh của người ấy khi còn sống lại đặt cho một cái tên gọi là “thụy hiệu” dùng để đọc trong văn tế khi cúng giỗ. Chẳng hạn Chu Văn An có thụy hiệu là Văn Trinh, Phạm Trọng Yêm có thụy hiệu là Văn Chánh.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ hai)

94. Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ hai)

Hôm qua nhận được thư ông, biết tâm của Sư Thọ đã xoay chuyển, không còn nhất quyết muốn xuất gia. May mắn thay! Người đời nay hay coi chuyện xuất gia như một cách để dựa dẫm, sống bám, tìm chỗ yên thân. Kẻ kém hơn nữa thì do không còn đường sống bèn tính kế ăn bám, nên những kẻ xuất gia ngày nay phần nhiều đều là phường vô lại, cho nên pháp đạo suy sụp sát đất đều là vì hạng xuất gia này làm chuyện bại hoại mà nên nỗi!

Quang thấy căn tánh của Sư Thọ nếu tu trì tại gia sẽ chẳng uổng là một bậc thiện sĩ trong làng xóm. Dẫu chẳng thể hoằng dương giáo pháp rộng lớn, nhưng đều có lợi ích thiết thực cho cả mình lẫn người. Nếu xuất gia, do tuổi tác quá thời, lại do thân yếu đuối chẳng kham chịu khổ được. Đối với chuyện tham Thiền học Giáo nếu không hỏi đến bờ bến sẽ trọn chẳng biết đâu là phương hướng. Nếu đi tham học thì dù có dốc hết sức cả một đời này, vẫn còn chưa thể thấu đạt. Tông, Giáo không biết thì đối với cái đạo Niệm Phật chỉ có thể lợi ích cho mình, chứ chuyện lợi người [thì không thể, vì] còn thiếu tham học. Do vậy, chẳng bằng ở nhà theo cách tu trì của các vị Long Thư, An Sĩ, Nhị Lâm thì tốt hơn!
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
95. Trả lời thư vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ ba)

95. Trả lời thư vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ ba)

Hôm qua nhận được thư biết ông lại có con quý, vui lắm! Những điều ông viết trong thư đều có đạo lý. Chuyện ông Trương Hoán Bá dạy con cái là biết Thể nhưng không biết Dụng, chẳng thể hoàn toàn học theo cách ấy. Con còn bé, khi con đi học về phải lấy chuyện nhân quả báo ứng và lợi ích của pháp môn Tịnh Độ để ra rả giáo huấn khiến cho con cái hiện thời được lợi ích nơi niệm Phật, ắt khỏi phải lo lắng những chuyện xảy ra ngoài dự liệu; trong tương lai khi lập gia đình, lập nghiệp, đó lại là cái gốc tiêu tội được phước. Nếu hoàn toàn chẳng giao thiệp cùng trường học sẽ chẳng am hiểu thời vụ, dẫu đứa có khả năng cũng khó tiến bộ, huống chi những đứa tầm thường!

Người tại gia trước hết phải tìm được một cách mưu sinh, cách cư xử của Hoán Bá chỉ có thể dùng được trong ba mươi năm trước, chẳng thích hợp cho hiện thời. Thời bây giờ là thời như thế nào? Chính là cái thời “gian dối đua chen, tranh giành lẫn nhau”, nếu hoàn toàn chẳng giao thiệp với những kẻ ấy ắt sẽ bị chúng dối lừa, làm nhục, khó thể an thân!

Còn về pháp danh, đứa lớn đã quy y, không cần phải chọn tên khác nữa. Những đứa còn lại lấy chữ Phước làm chữ đầu, [chữ thứ hai lần lượt là] Huệ, Dung, Uyên, Hòa, Minh. Mẹ chúng nó nên đặt tên là Sư Việt. Do bà Kinh Vương phu nhân họ Vương đời Tống, tự hành, dạy người, chuyên tu Tịnh nghiệp, đứng đầu hàng nữ lưu, nên nếu đặt tên cho bà [vợ ông] là Sư Vương tợ hồ chẳng thích hợp. Do Kinh Vương phu nhân còn xưng là Việt Quốc phu nhân nên đặt tên là Sư Việt thì ổn thỏa.

Thêm nữa, lìa ngũ trược, sanh về Tịnh Độ, chính là siêu việt phàm tục trược ác, sau khi vãng sanh dần dần thăng lên, cũng là sự siêu việt vậy. Danh là khách của Thực, ắt phải thường răn dạy khiến cho con cái biết đạo lý thế gian, biết đạo lý Phật pháp, tương lai khi chúng trở thành cha mẹ, tự có thể lập ra quy tắc cho con cái, chẳng đến nỗi tuy có thiên tư thượng đẳng như ông Tăng nọ, như kẻ tục nọ, đều có thiên tư kham làm Phật, làm Tổ, nhưng lại vùi lấp đường chánh nhân - thiên của mình lẫn người, đào hố sâu địa ngục! Nguyên do đều là vì cha mẹ những kẻ ấy thoạt đầu chẳng đem nhân quả báo ứng dù Sự hay Lý để bảo ban cho mà ra. Nếu nhân quả chẳng giảng thì Danh và Thực trọn chẳng tương ứng, huống còn muốn được hiệu quả thật sự làm thánh, làm hiền, làm Phật, làm Tổ ư? Hai chữ “nhân quả” chính là nghĩa lý trọng yếu “gốc chánh nguồn trong” để cứu nước trị dân cho ngày nay vậy. Bỏ điều này sẽ không còn phương cách nào khác, huống chi là chuyện dạy con cái ư?
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Thư trả lời vị cư sĩ X... ở Vĩnh Gia (thư thứ tư)

96. Thư trả lời vị cư sĩ X... ở Vĩnh Gia (thư thứ tư)


Gia thuộc của ông đông quá. Khi các cô em dâu, em gái, con gái đi học về, nên đem những chuyện nhân quả báo ứng và lợi ích niệm Phật bàn luận cùng họ, ngõ hầu trong tâm ai nấy biết tâm mình thông với thiên địa quỷ thần, tương thông cùng từ phụ Di Đà. Do vậy, đoạn trừ ác niệm, tăng trưởng chánh tín, ngõ hầu hiện tại họ kham làm vợ hiền của người, tương lai làm mẹ hiền cho người. Biến điều ấy thành phong tục cho làng xóm thì cũng là căn bản pháp luân để bình trị thiên hạ quốc gia vậy. Bồ Tát sống trong cõi tục để lợi sanh, chẳng lập riêng quy cách, đối bệnh phát thuốc, khiến cho ai nấy đều theo đường về nhà mới thôi.

Nay những phụ nữ trong chốn học đường đa phần lầm lạc nẩy sanh những mong muốn lạ lùng, muốn nắm giữ chánh quyền, chẳng biết giữ bổn phận. Giúp chồng dạy con chính là căn bản để thiên hạ thái bình. Do vậy, vương nghiệp nhà Châu có nền tảng là ba bà Thái. Các bà Thái Khương, Thái Tự, Thái Nhậm chính là bậc thánh nhân trong nữ giới, chỉ chú trọng âm thầm giúp đỡ chồng, dạy con từ thuở còn trong thai. Người đời nay chẳng học theo gương đó, những điều họ tính toán, lo nghĩ đều là những mầm mống mưu mô gây loạn thiên hạ, còn nói gì được nữa! Quang vốn là người ngoài cõi đời, há nên bàn chuyện phụ nữ! Do vì gia quyến ông đàn bà đông quá [nên mới bàn đến], mong rằng họ sẽ là gương mẫu cho hàng nữ lưu trong tương lai, là gương tốt cho chốn khuê khổn[10] hòng phát dương ánh sáng mặt trời Phật pháp vậy!

------------------------
[10] Khuê khổn: Chỗ ở của nữ nhân gọi là khuê khổn, hoặc khuê phòng.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ năm)

97. Trả lời thư vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ năm)


Dạy con cái phải bắt đầu từ căn bản. Cái căn bản vừa nói đó chính là hiếu với cha mẹ, giúp đỡ mọi người, nhẫn nhục, tận tụy, lấy thân làm gương, lấy đức làm khuôn phép; như nung chảy vàng hay đồng, đổ vào khuôn. Khuôn ngay ngắn sẽ đúc ra vật ngay ngắn, khuôn méo mó sẽ đúc ra vật méo mó. Lớn - nhỏ, dày - mỏng, trước khi đổ khuôn đã có thể biết trước, huống gì lúc đã trút khỏi khuôn! Gần đây con người đa phần chẳng biết điều này. Vì thế, những con em có thiên tư đa số là cuồng vọng, trái nghịch; những đứa không có thiên tư lại thành ra ương bướng, hèn tệ. Đó là do lúc nhỏ đánh mất khuôn phép, như vàng lỏng rót vào khuôn hư trở thành đồ hư hỏng. Cố nhiên vàng là một, nhưng đồ vật lại sai khác một trời một vực! Tiếc thay! Phật lấy Vô Ngã để dạy, người đời nay hễ có chút tri kiến bèn nghếch mắt lên tận trời thẳm, là vì chỉ biết Phật pháp qua nghĩa lý văn tự, chẳng biết Phật pháp chính là tu thân tịnh tâm, diệt trừ ngã tướng, tận lực tu Định - Huệ, ngõ hầu đoạn Hoặc chứng Chân!
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ sáu)

98. Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ sáu)


Thế giới Sa Bà là một lò luyện lớn, ai chịu được chưng luyện sẽ không còn là người trong thế gian nữa. Ai không chịu nổi sự chưng luyện thì lò luyện lớn lao bèn thành món đồ độc hại, thành món đồ gây khổ não, ấy là do tùy mỗi người mà tự được lợi ích. Người cùng một nhà nên trong lúc nhàn hạ vô sự, nhẹ nhàng, uyển chuyển, trình bày, mở mang những lý tột cùng khiến cho họ biết có những chuyện đúng - sai, nên hay không nên thì tâm thức họ sẽ bất tri bất giác dần dần bị ảnh hưởng rồi chuyển biến. Nếu gặp lúc tánh tình ngu bướng, ngạo mạn [của kẻ ấy] lộ ra, nếu như đối trị được thì hãy dùng những câu danh ngôn chí lý, hòa dịu bình tâm để đối trị. Nếu không, cứ để mặc đó, nhất loạt không bận tâm đến nữa, đợi khi nào hết nóng, lại dùng tâm bình khí hòa bàn luận đến đầu đến đũa, lâu ngày kẻ ấy sẽ được cảm hóa. Nếu dùng thủ đoạn mạnh bạo, nặng nề để trói buộc thì hoàn toàn không thích hợp, do kẻ ấy có chỗ dựa dẫm (chỗ dựa dẫm chính là con cái người ấy) cũng như đánh mất pháp tắc giáo huấn con cái. Niệm Phật phải luôn nghĩ mình sắp chết, sắp bị đọa địa ngục thì không khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, không tương ứng cũng tự tương ứng; vì cái tâm sợ khổ mà niệm Phật chính là diệu pháp bậc nhất để thoát khổ, cũng là diệu pháp bậc nhất để tùy duyên tiêu nghiệp.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ bảy)

99. Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ bảy)

Linh Phong lão nhân (tổ Ngẫu Ích) là người độc nhất vô nhị trong đời Mạt Pháp, lời lẽ, lý - sự của Ngài đều trọn đủ, há lường được lợi ích ư? Tùy theo căn cơ của mỗi người, ai nấy được hưởng lợi ích. Con em có tài hoa, nếu được khéo dạy sẽ dễ thành tựu chánh khí; không khéo dạy thì đa số trở thành phường bại hoại! Ngày nay dân không lẽ sống, vận nước gian nan, gần như sụp đổ, đều là do những kẻ có tài hoa nhưng không được khéo dạy dần dần ấp ủ tạo thành [mối họa]. Đứa không tài hoa cố nhiên nên dạy nó thành thật, đứa có tài hoa càng nên dạy nó thành thật, nhưng dù là đứa thành thật cũng có thể làm điều dối trá. Thoạt đầu phải dạy lẽ nhân quả báo ứng và chuyện “một khởi tâm động niệm của con người thiên địa quỷ thần đều thấy biết hết từng điều”, thường nên khuyên dạy như thế.

Phải dạy chúng đọc thuộc Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên, đừng cho đấy không phải là sách Phật rồi coi thường. Do phàm phu tâm lượng thiển cận, nếu dùng những lẽ xa xôi, lớn lao, sâu xa để trình bày sẽ khó thể lãnh hội. Những sách ấy dù già hay trẻ nghe đến đều được lợi ích, huống chi [những sách ấy] đều chú trọng lấy vô thường làm thầy, lấy điều thiện làm thầy!

Phật còn dạy con người ta quán tử thi, phẩn uế, rắn độc để chứng A La Hán, số người chứng quả còn nhiều hơn cát sông Hằng. Huống chi những câu nói thiết thực, nuôi dưỡng thiện tánh, cảnh tỉnh, tự xét của những sách này. Kinh Lăng Nghiêm, nếu người không biết pháp Tịnh Độ đọc đến sẽ cho là công thần bậc nhất để đả phá Tịnh Độ; còn người đã biết Tịnh Độ sẽ thấy kinh này là hướng dẫn tốt lành cho Tịnh Độ. Vì sao nói thế? Dùng tự lực để ngộ đạo khó lắm, còn vãng sanh Tịnh Độ lại dễ. Nhân quả của mười pháp giới, mỗi mỗi phân minh. Nếu chẳng cậy vào Phật lực, dù phá được một hai Ấm, vẫn có thể bị ma dựa, trở thành chủng tử địa ngục. Đã thế, hai mươi bốn công phu Viên Thông, người bây giờ ai có thể tu tập được? Chỉ có niệm Phật như con nhớ mẹ, hễ ai có tâm đều phụng hành được. Hễ tịnh niệm tiếp nối bèn tự chứng được Tam Ma (Chánh Định). Người biết tốt - xấu đọc đến có còn chịu chỉ cậy vào Tự Lực, chẳng nương vào Phật lực hay chăng? Kẻ không phân tốt - xấu thì ngược lại, chỉ muốn trở thành một bậc thông gia, không hề có cái tâm liễu sanh tử!
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ tám)

100. Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ tám)


Thư gởi đến nêu rõ chuyện kính trọng toàn thể Tăng Ni, lý ấy, sự ấy quả thật rất xác đáng, nhưng về chuyện dạy dỗ con cái lại phải bàn đi luận lại, bởi lẽ nếu chỉ nhắc đến một lần, e rằng ông chẳng biết chọn lấy điều thân - sơ, rất có thể bị tổn hại! Ví như có người, dù thơ hay văn, dù Tông hay Giáo, thảy đều cao siêu, nhưng phẩm hạnh kém hèn, chẳng đáng làm gương cho người khác. Nếu chẳng biết phân biệt, cứ nhất loạt thân cận thì thân cận người như vậy chẳng những là hành vi có thể bị xoay chuyển theo, gã đó lại còn dùng những ý kiến ức đoán của chính mình nói ra những đạo lý xằng bậy nên kẻ không có tri kiến chân chánh rất có thể bị lầm lạc bởi gã đó. Như vậy, phải giữ tấm lòng “đối với người hiền hay kẻ ngu đều cung kính, chẳng sanh lòng ngạo mạn”, nhưng về mặt hành sự thân cận thì phải thân hiền, xa ngu, chọn ưu, bỏ hèn. Như thế sẽ tránh được cái tệ bị lây nhiễm cũng như khỏi bị lầm lạc oan uổng. Chuyện thiên hạ có lý nhất định, nhưng không có pháp nhất định. Nếu chẳng dùng tình và sự để định đoạt, như chữa bệnh có biến chứng mà cứ chấp chặt vào một phương thuốc ắt sẽ chết nhiều, sống ít. Lý và tình cần phải phù hợp, pháp và sự phải tương ứng thì mới nên.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ chín)

101. Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ chín)


Trong thư gởi đến, những điều ông viết đều từ sự suy xét những tập khí nơi thân tâm của chính mình, khôn ngăn mừng rỡ, cảm động! Nhưng ở địa vị phàm phu, tuy không thể không có bệnh, nhưng cũng chẳng nên mặc kệ không trị. Cách chữa trị ít tốn sức nhất lại được lợi nhiều là lấy ngay bệnh làm thuốc. Lấy ngay bệnh làm thuốc thì bệnh chẳng làm phiền rộn mình được. Như cái bệnh yêu thương con cái quyết chẳng thể đoạn được thì chẳng ngại gì lấy ngay lòng yêu thương đó làm gốc, muốn cho con cái lúc sống làm người chân chánh, lúc chết sanh về Tịnh Độ. Yêu thương như vậy chính là dùng phàm tình thế gian để thành tựu thánh quả xuất thế gian. Nếu chẳng khéo dùng lòng yêu thương, mặc lòng dung dưỡng thói kiêu căng còn hơn giết con trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên lần. Đất nước diệt vong, nhân dân điêu đứng đều vì những bậc cha mẹ chẳng hiểu sự việc này ấp ủ thành. Chẳng đáng buồn ư?

Công khóa mỗi ngày hồi hướng mỗi mỗi đều vì pháp giới chúng sanh. Nếu làm công khóa này vì chuyện này, công khóa kia vì chuyện kia, tuy không phải là không được, nhưng cần phải có cái nguyện hồi hướng rộng khắp thì mới tương ứng với ba thứ hồi hướng. Ba thứ hồi hướng thì một là hồi hướng Chân Như Thật Tế, tâm tâm khế hợp; hai là hồi hướng Phật Quả Bồ Đề, niệm niệm viên mãn; ba là hồi hướng pháp giới chúng sanh cùng sanh Tịnh Độ. Mỗi người ai nấy có chí, ai nấy có nghiệp (nghiệp là thức nghiệp), cứ tùy duyên tùy phận là được rồi, bất tất mọi người đều phải giống nhau.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Hà Hòe Sanh

102. Trả lời thư cư sĩ Hà Hòe Sanh


Nhận được thư biết cư sĩ có chí hướng thượng, nhưng chưa biết duyên do và thời cơ của pháp môn này. Nếu đã từng đọc Văn Sao của Quang thì ông cũng chưa xét rốt ráo những ý chỉ Quang đã nói. Phàm tu hành dụng công vốn là vì liễu sanh tử. Nếu dụng công nhưng chẳng thể liễu sanh tử là vì chẳng chịu hành theo pháp có thể liễu được sanh tử, há chẳng phải là gánh gai bỏ vàng[11], tự chuốc lấy vạ hay sao? Tham Thiền dù có đại triệt đại ngộ như Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Chân Như Triết, Đoạn Nhai Nghĩa[12] còn chẳng thể liễu, hễ thọ sanh lần nữa bèn bị mê mất, kém xa đời trước, huống hồ bọn ta! Vị hòa thượng X… tuy đã biết phương hướng của Thiền Môn, nhưng chưa vượt ra được giới hạn của Thiền Tông nên chẳng thể làm cho các hạ lắng lòng niệm Phật.

Ý ông cho rằng hễ ngộ ắt sẽ không có sanh tử để kết liễu, cũng chẳng có Niết Bàn để chứng, nhưng chẳng biết rằng dẫu có ngộ đến địa vị “thấy không có sanh tử để kết liễu, không có Niết Bàn để chứng đắc” thì vẫn cứ ở trong sanh tử y như cũ, chẳng thoát ra được, chẳng thể chứng được Niết Bàn. Chúng sanh đời Mạt cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử rất ư là khó; huống chi ông đã quán sát nhất niệm rớt vào chốn nào thì phải luôn luôn quán sát niệm ấy đi về đâu. Ngoại trừ chuyện này ra, bất cứ điều gì khác cũng không quan tâm đến, thật giống như truy tầm oan gia, chẳng chịu lãng ý một nháy mắt kẻo nó trốn mất, phải sao cho bắt được nó ngay khi đó, khiến cho nó táng thân mất mạng mới thôi! Nhưng ông nói rằng khi cái niệm ấy khởi lên đủ mọi cảnh giới bèn bỏ toàn thể chuyện quán sát những cảnh giới ấy đi về đâu, cho rằng mọi cảnh giới đã hiện ra chính là do tâm đạt được, tức là chẳng biết những cảnh giới ấy đều do tịnh định mà phát hiện, quả thật là chướng ngại cho sự tham Thiền. Vì sao? Vì quên mất chuyện suy xét đến tận cùng xem cái niệm này đi về đâu, tưởng huyễn cảnh là điều mình đạt được. Vả nữa, cảnh giới ấy còn xen tạp những cảnh giới của bọn luyện đan. Trước đây, các hạ đã từng dùng qua công phu ấy, nên nay do tịnh định, chúng bèn hiện ra. Nếu cho đó là chứng đắc, ắt có mối lo sau này sẽ bị ma dựa. Các hạ chẳng biết vứt bỏ toàn bộ những chuyện ấy, vẫn cứ mong thường giữ được lâu dài. Do chẳng thể đạt được bèn bứt rứt, than thở, há chẳng phải là nhận giặc làm con, giao cho nó giữ gia nghiệp hay sao? Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, Tâm Kinh nói: “Soi thấy Ngũ Uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách”. Tướng ấy của các hạ là tướng hay phi tướng vậy? Là Ngũ Uẩn hay không phải Ngũ Uẩn vậy? Nếu là tướng, là Ngũ Uẩn thì đều phải bỏ đi, sao lại trân quý nó? Nếu nó là phi tướng, là phi Ngũ Uẩn thì cái niệm để thấy còn chẳng thể có, những cảnh tướng ấy do đâu mà có?

Cổ nhân nói: “Người học đạo chẳng hiểu lẽ chân đều là vì từ trước chẳng hiểu được thức thần là cái gốc của vô lượng kiếp sanh tử, người ngu cho đó là con người sẵn có của mình”. Câu nói đó chính là món thuốc mầu nhiệm thật thích hợp để trị chứng bệnh của các hạ vậy. Há có nên vọng động đem ý mình để tham Thiền ư? Hãy nên ngay trong lúc một niệm khởi, phải quán xem ý niệm ấy đi về đâu. Chẳng dốc sức vào đó thì sai chỉ hào ly, lạc đi ngàn dặm, lại còn cho đó là đắc, há chẳng quá đáng buồn hay sao? Tuy thế, Quang chẳng phải là Thiền khách, trọn chẳng dùng Thiền học để dạy người. Đây chẳng qua là vì các hạ không biết cảnh nào là tà - chánh, đúng - sai, nên mới khôn ngăn biện luận, phân tích đôi chút. Nếu các hạ muốn dựng cao cờ xí nhà Thiền, lấy đại triệt đại ngộ làm chuyện chánh yếu, hãy nên tham học với những bậc đại lão trong Thiền Tông. Nếu nói “tôi trong một đời này, quyết định phải liễu sanh tử” thì xin hãy đem ý niệm tham Thiền vứt ra ngoài Đông Dương đại hải, y theo pháp môn Tịnh Độ, sanh tín, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nương vào Phật từ lực, chắc chắn sẽ được mãn nguyện. Nếu chẳng y theo pháp môn Tịnh Độ thì tất cả những gì đã tu trì đều trở thành phước báo nhân thiên và nhân duyên để đắc độ trong tương lai mà thôi, muốn liễu sanh tử khó thể mộng thấy được!

Muốn biết nguyên do của Thiền và Tịnh mà không xem rộng khắp các sách Thiền - Tịnh sẽ không thể nào hiểu được. Dẫu có thể xem rộng khắp, nhưng nếu không có mắt chọn lựa pháp cũng sẽ thành dõi nhìn biển cả thở than, mịt mờ chẳng biết về đâu. Do vậy, hãy nên chuyên đọc các trước thuật Tịnh Độ, nhưng các trước thuật về Tịnh Độ rất nhiều, người chưa nhập môn khó nắm được cương yếu. Tìm lấy một tác phẩm dẫn người tiến vào chỗ thù thắng, phân tích minh bạch giới hạn giữa Thiền và Tịnh, Phật lực và tự lực, không gây nghi ngờ, trệ ngại, ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, nghĩa lý bình thường, thực tế, là hướng dẫn ban đầu để nghiên cứu các trước thuật của cổ đức, thì có lẽ là bộ Ấn Quang Văn Sao chăng? Xin hãy lắng lòng nghiên cứu ắt sẽ tự biết!

------------------------------------
[11] Trong chuyện ngụ ngôn Tàu có câu chuyện một anh chàng đang cầm vàng đi thấy bên đường có một đống sợi gai to. Thấy đống gai to bèn tối mắt, vứt vàng đi để cặm cụi gánh gai về.

[12] Chân Như Triết: Húy là Mộ Triết, quê ở Lâu Xuyên, theo học với ngài Vĩnh An Viên Giác Luật Sư ở Kiến Xương, thọ trì giới luật tinh nghiêm. Khi Thúy Nham Chân Thiền Sư du phương, Sư đến cầu học, Ngài bảo ba bốn mươi năm sau, Chân Như Triết sẽ làm Phật sự lớn lao. Khi Chân Thiền Sư mất, Ngài y chỉ Tổ Hoàng Bá, chấn hưng tông phong.

Đoạn Nhai Nghĩa: Trong vạn người cầu pháp với Nguyên Diệu đại thiền sư ở Thiên Mục Sơn, chỉ có ngài Đoạn Nhai và Trung Phong Minh Bổn đắc pháp. Không rõ hành tích của Ngài, chỉ biết trong Thiền Quan Sách Tấn, Tổ Liên Trì có ghi lại một đoạn pháp ngữ của Sư: “Muốn siêu phàm nhập thánh, vĩnh viễn thoát khỏi trần lao, thì phải thay da đổi xương, chết đi sống lại, như tro lạnh sanh lửa, như cây khô tươi tốt lại. Há nên nghĩ là dễ dàng”.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ nhất)

103. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ nhất)


Ngài Ngẫu Ích sanh vào cuối đời Minh, mất vào đầu đời Thanh[13], một đời hoằng pháp đều ở phương Nam, chưa từng lên đất Bắc. Thêm nữa, trong những năm đầu thời Thuận Trị, phương Nam còn nhiều chỗ chưa quy phục, sau khi vua Sùng Trinh[14] thăng hà, lãnh thổ nhà Minh tan nát, phàm trước thuật gì, đại sư đều chỉ ghi năm tháng, không ghi quốc hiệu và niên hiệu. Đến khi các xứ Ninh Ba, Phước Kiến quy thuận [nhà Thanh], chưa đầy một hai năm sau, đại sư bèn nhập Niết Bàn, nhưng trong tông Thiên Thai có người bắt chước, trước thuật vào thời Khang Hy cũng chẳng ghi quốc hiệu và niên hiệu, có thể nói là vu báng, khinh miệt ngài Ngẫu Ích lẫn quốc gia vậy. Do chẳng khéo học nên mới có chuyện như thế!

Học giả ở phương Nam đa số thiên về giáo pháp Thiên Thai, các học giả phương Bắc đa số chuộng giáo nghĩa Hiền Thủ hoặc Từ Ân. Do không người học tập nên những tác phẩm [của tông Thiên Thai được lưu hành ở phương Bắc] cũng ít. Thanh Thế Tông (Ung Chánh) tuy đề xướng khắc in Đại Tạng, nhưng đầu mùa Hạ năm ấy đã lên làm khách cõi trời. Những kinh sách được đưa vào hay gạt ra khỏi Đại Tạng đời Thanh thường nói là do Thanh Thế Tông định đoạt, nhưng thật ra quá nửa là do vị thân vương đặc phái và vị đại hòa thượng thủ lãnh tổng lý việc in khắc Đại Tạng chủ trì.

Hơn nữa, những vị Tăng sắp đặt việc in khắc đều là người thuộc các tông Hiền Thủ, Từ Ân, Lâm Tế. Tông Thiên Thai chỉ có một vị, nhưng chỉ giữ vai trò giảo duyệt, không có quyền quyết định. Những trước thuật của ngài Ngẫu Ích được nhập tạng chỉ có hai thứ là Tướng Tông Bát Yếu[15] và Thích Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn[16], những thứ khác ở phương Bắc không có, lấy đâu mà nhập tạng cho được? Đây là chuyện thuộc về cuối đời Ung Chánh, đầu đời Càn Long. Đến cuối đời Càn Long, ở kinh đô, những trước thuật của ngài Ngẫu Ích không còn được bao nhiêu. Triệt Ngộ lão nhân đọc bộ Duyệt Tạng Tri Tân[17], liền muốn khắc in. Ngài mong tìm được một bộ thì chẳng cần phải chép riêng[18] hòng giảm bớt tâm lực nên tìm tòi khắp nơi, chỉ được một bộ. Phàm những trước thuật của đại sư được truyền đến kinh đô thì ngài Triệt Ngộ và môn nhân của ngài Triệt Ngộ đều cho khắc bản, cũng được mười hay hai mươi loại.

Những kẻ không biết thời thế cứ đổ riệt Thanh Thế Tông chẳng chọn lấy những tác phẩm ấy, đúng là đã vu báng vua Thế Tông. Nếu như Thanh Thế Tông được thấy toàn bộ những trước tác của ngài Ngẫu Ích chắc chắn sẽ cho nhập tạng toàn bộ, chẳng sót bộ nào. Phải biết: Đại Tạng kinh đời Thanh do Thanh Thế Tông khởi xướng, đến khi Thanh Thế Tông băng hà, Cao Tông (Càn Long) kế vị, phàm những chuyện khắc in Đại Tạng đều do những người có quyền thế trong giới Tăng - tục thời ấy làm chủ, chẳng qua Cao Tông cũng chỉ chủ trì trên danh nghĩa đó thôi. Vì sao biết như vậy? Bộ Giản Ma Biện Dị Lục[19] do Thế Tông soạn vừa mới hoàn tất bản thảo, còn chưa sửa chữa hoàn chỉnh, vua liền băng hà ngay. Tuy Cao Tông sai người biên chép, khắc bản, nhưng chẳng rảnh rỗi để kiểm điểm. Do vua không sai một bậc đại thông gia chủ trì, nên rốt cuộc sai ngoa không biết bao nhiêu mà kể. Di bút của cha mà còn để như thế, huống gì là Đại Tạng?

Vả nữa, lúc Thế Tông bắt đầu soạn tác phẩm này liền ban lời dụ, trong đó có nhắc đến chuyện nhập tạng lưu thông. Về sau, chỉ khắc bản in sách, rốt cuộc không nhập tạng, chỉ đem lời dụ này in kèm vào sau cuốn Ngữ Lục của Viên Minh cư sĩ[20], há cũng nên bảo là vì Thế Tông tỵ hiềm sách ấy có tập khí nên không được nhập tạng ư? Nguyên nhân chẳng được nhập tạng là vì những kẻ ngoại hộ của con cháu sư Hán Nguyệt Tạng[21] đa phần là những người đang nắm quyền, nên chẳng ai dám đề xướng [nhập tạng sách ấy] mà thôi. Nếu luận về tập khí, có thể nói ngài Ngẫu Ích hoàn toàn không có; thế nhưng những kẻ thiền hòa[22] mù quáng cho là Ngài uổng có văn tự, nhưng chưa đại ngộ, cống cao ngã mạn. Những kẻ như thế ngửa mặt nhổ lên trời, há có nên lấy những lời của họ để làm cơ sở bình luận ư? Những kẻ hủy báng Thanh Thế Tông cũng như hủy báng ngài Ngẫu Ích, đều là những kẻ nghe lỏm nói mò, hùa theo phụ họa mà thôi!

-------------------------------
[13] Ngài Ngẫu Ích sanh năm 1599 (năm Vạn Lịch thứ 27 đời Minh), mất năm 1655 (nhằm năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh). Dẫu nhà Thanh đã chiếm được Trung Hoa, nhưng con cháu nhà Minh vẫn chiếm cứ một số vùng ở Nam Trung Hoa, xưng là Nam Minh, như Phước Vương (Châu Do Tung), Đường Vương (Châu Duật Kiện) và Quế Vương (Châu Do Lang). Mãi đến năm Khang Hy thứ hai (1663), nhà Thanh mới hoàn toàn diệt được con cháu nhà Minh, bình định được Trung Hoa. Dư đảng di thần nhà Minh một số theo Trịnh Thành Công chạy ra Đài Loan tiếp tục phù Minh phản Thanh.

[14] Sùng Trinh là vua cuối đời Minh. Trước khi quân Mãn Châu chiếm Trung Hoa, Lý Tự Thành đã nổi loạn lật đổ nhà Minh, xưng quốc hiệu là Đại Thuận, làm vua được hai năm (1644-1645).

[15] Tướng Tông Bát Yếu: Tên gọi đầy đủ của tác phẩm này là Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải, là một tác phẩm chú thích của ngài Ngẫu Ích cho tám tác phẩm trọng yếu của tông Pháp Tướng (Duy Thức). Tám tác phẩm ấy là: 1. Bách Pháp Minh Môn Luận của ngài Thế Thân 2. Duy Thức Tam Thập Luận cũng của ngài Thế Thân 3. Quán Sở Duyên Duyên Luận của ngài Trần Na 4. Lục Ly Hợp Thích Pháp Thức của ngài Trừng Quán (cuốn này trích từ bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao) 5. Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích của ngài Hộ Pháp 6. Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận của ngài Thương Yết La Chủ 7. Tam Chi Tỷ Lượng của ngài Huyền Trang và 8. Bát Thức Quy Củ Tụng cũng của ngài Huyền Trang.

[16] Đây là tác phẩm chú giải bộ Đại Thừa Chỉ Quán của ngài Huệ Tư (thầy ngài Trí Khải).

[17] Duyệt Tạng Tri Tân gồm bốn mươi tám quyển, là một loại sách tổng mục, phân định 1.773 bộ kinh sách trong Đại Tạng thành bốn loại Kinh, Luật, Luận và Tạp. Đối với mỗi tác phẩm đều có những lời giải thích thiết yếu. Nội dung gồm:

1) Kinh Tạng: gồm 976 bộ kinh Đại Thừa (căn cứ theo tiêu chuẩn ngũ thời phán giáo của tông Thiên Thai) và 211 bộ kinh Tiểu Thừa.

2) Luật Tạng gồm 30 bộ Luật Đại Thừa và 61 bộ Luật Tiểu Thừa.

3) Luận Tạng gồm luận Đại Thừa, chia thành 71 bộ Thích Kinh Luận (luận nhằm giải thích kinh theo từng đoạn kinh) và 117 bộ Tông Kinh Luận (giải thích giáo nghĩa chánh yếu của một kinh), 32 bộ Chư Luận Thích (chú giải các bộ luận)) và 47 bộ luận Tiểu Thừa.

4) Tạp Tạng gồm các thể loại: Tây Phương (những kinh điển của ngoại đạo hoặc bị nghi ngờ là ngụy tạo của Ấn Độ, gồm 48 bộ) và Thử Độ (những nghi thức sám hối, các trước tác Tịnh Độ, Thiên Thai, Thiền Tông, Hiền Thủ Tông, Từ Ân Tông, Mật Tông, Luật Tông, truyện ký, hộ pháp, âm nghĩa, mục lục, bài tựa, bài tán, pháp sự v.v… của Trung Hoa, tổng cộng 176 bộ).

[18] Thuở xưa, in sách bằng ván gỗ (thường gọi là in mộc bản). Trước hết phải nhờ người chữ tốt chép lại bản sách ấy rõ ràng, rồi đưa bản chép ấy cho thợ khắc gỗ khắc ngược những chữ ấy lên ván gỗ. Nhà in sẽ dùng những ván gỗ ấy, phết mực lên, áp xuống giấy trắng để in thành sách.

[19] Bộ sách này gồm tám quyển, biên soạn vào năm Ung Chánh thứ 11 (1733). Nguyên khởi là do sư Hán Nguyệt Pháp Tạng thuộc dòng Thiền Lâm Tế soạn cuốn Ngũ Tông Nguyên, môn nhân của Sư là Đàm Cát Hoằng Nhẫn cũng soạn cuốn Ngũ Tông Cứu để đả kích giáo nghĩa dòng Thiền Tào Động lúc ấy, gây nên tranh luận ồn ào trong chốn Thiền lâm bấy giờ, cho đến tận đời Thanh vẫn còn chưa dứt. Thanh Thế Tông bèn soạn tác phẩm này, phán định chủ trương của Hán Nguyệt và Hoằng Nhẫn là tà ma dị thuyết, phê phán những cuốn Ngữ Lục của hai vị này. Vua còn chê trách môn nhân của hai vị trên ăn thịt, uống rượu, hủy phá giới luật, gây nguy hại cho Phật giáo rất lớn, cần phải phế trừ.

[20] Viên Minh là một biệt hiệu khác của Ung Chánh. Tác phẩm này có tên là Viên Minh Bách Vấn, trích ra từ quyển thứ 12 của bộ Ung Chánh Ngự Soạn Ngữ Lục. Tác phẩm này gồm một trăm đoạn văn ngắn biện định về Thiền Tông.

[21] Tức sư Hán Nguyệt Pháp Tạng. Đệ tử tại gia của môn nhân ngài Hán Nguyệt Pháp Tạng là những kẻ đương nắm giữ quyền chức thời ấy nên họ tìm cách ngăn không cho cuốn Giản Ma Biện Dị Lục được nhập tạng.

[22] Thiền hòa: Gọi tắt của “thiền hòa tử” hoặc “thiền hòa giả”, là tiếng để chỉ những người tham Thiền.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ hai)

104. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ hai)


Hôm qua nhận được tin từ Sư Đạo cho biết tháng trước bệnh tình ông thật nguy ngập, gần đây đã thuyên giảm, may mắn thay! Con người xử thế, nhất nhất nên án theo bổn phận, chẳng được lầm lạc lo lắng vượt ngoài bổn phận. Đấy là như câu nói: “Quân tử chẳng nghĩ ra ngoài địa vị”. Lại nói: “Quân tử chỉ thuận theo địa vị mà hành”. Tuy ông đã hơi sanh tín tâm đối với pháp môn Tịnh Độ, nhưng vẫn còn có ý niệm ham cao chuộng lạ chưa buông xuống được, chưa chịu tu tập như hàng ngu phu, ngu phụ. Phải biết liễu sanh tử đối với ngu phu, ngu phụ thì dễ, bởi tâm họ chẳng có dị kiến; còn nếu là bậc thông Tông, thông Giáo mà khắp thân buông xuống được, thực hành công phu của kẻ ngu phu, ngu phụ thì cũng dễ. Nếu không, bậc cao nhân thông Tông, thông Giáo lại chẳng bằng kẻ ngu phu, ngu phụ đới nghiệp vãng sanh! Pháp môn Tịnh Độ lấy vãng sanh làm chánh yếu, tùy duyên, tùy phận, chuyên tinh chí hướng; chắc chắn Phật chẳng dối người! Nếu không, cầu thăng hóa ra bị đọa, đấy chính là tự mình tạo lỗi, nào phải lỗi Phật đâu!
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ ba)

105. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ ba)


Học Phật phải chuyên chú lấy việc giải thoát cho chính mình làm chuyện chánh yếu, nhưng cũng phải tùy phần tùy sức làm chuyện công đức. Nếu là người có sức lớn lao thì mới có thể triệt để buông xuống, triệt để đề khởi. Còn người trung hạ căn, nếu hết thảy đều không làm sẽ trở thành biếng nhác, lười trễ, ngay cả tự lợi cũng chẳng nỗ lực, chuyện lợi người hoàn toàn gác qua một bên, rớt vào thói tệ “dù chỉ nhổ một sợi lông để làm lợi cho người khác cũng chẳng chịu làm” của Dương Tử[23]. Vì thế, phải hành cả hai pháp để bổ trợ cho nhau, nhưng chuyên chú nơi tự lợi. Cũng chớ nên hiểu lầm lời của ông Nhị Lâm (Bành Tế Thanh). Hiểu lầm sẽ đắc tội với ông Nhị Lâm chẳng nhỏ! Ý của ông Nhị Lâm là phải chuyên chú nơi tự lợi, chứ không phải hoàn toàn vứt bỏ chuyện tùy phần tùy sức dạy người khác tu tập pháp môn Tịnh Độ. Chuyện lợi người chỉ bậc đại Bồ Tát mới có thể gánh vác nổi, những kẻ kém cỏi hơn nào ai dám nói lời lẽ lớn lao ấy? Người trung hạ căn phải biết tùy phần tùy lực để làm chuyện lợi ích người khác thì mới hợp với cái đạo tu hành tự lợi vậy! Do vì pháp môn tu hành có Lục Độ, vạn hạnh; nên tự mình chưa độ thoát thì lợi người vẫn thuộc về tự lợi.

Nhưng chẳng nên chuyên chú làm những chuyện thuộc về hình tích bên ngoài, còn chuyện đối trị phiền não tập khí trong tâm mình bèn gác lại, không nhắc gì tới, tức là có ngoại hạnh, nhưng công phu bên trong hoàn toàn bỏ phế! Do đấy, đâm ra nẩy sanh ngã mạn, tự cho công hạnh lợi tha là đức hạnh, sẽ bị tổn thất rất nhiều. Ví như ăn cơm phải có thức ăn kèm vào, cũng như thân thể phải dùng áo mũ để trang hoàng. Trên con đường tu hành để liễu sanh tử dài dằng dặc, sao lại muốn thâm nhập một môn, phế sạch các môn khác? Thâm nhập một môn[24], bỏ hết các môn khác chỉ có lúc đả thất thì được. Bình thời, nếu không phải là Bồ Tát tái lai, trọn chưa có ai chẳng vướng mối tệ trở thành giải đãi, khinh mạn! Bởi cái tâm phàm phu hễ cái gì thường có quá ắt sẽ sanh chán!

Trời sanh ra muôn vật ắt phải dùng trời tạnh, mưa dầm xoay vần, nóng -lạnh đắp đổi thì mới có thực tế sanh thành tạo hóa. Nếu cứ thường tạnh hoặc mưa mãi, hoặc nóng mãi, lạnh mãi thì dưới gầm trời sẽ không có một vật nào cả! Huống chi tâm bọn ta như khỉ vượn, chẳng dùng đủ mọi pháp đối trị muốn cho nó ở yên một chỗ, chẳng rong ruổi lung tung thì rất ư là khó! Con người hãy nên tự lượng sức mình, chớ nên thiên chấp một pháp, cũng chớ nên tràn lan không lớp lang gì, lấy trì giới niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chánh. Gặp hết thảy mọi người, trên là cha mẹ, giữa là anh em, bè bạn, dưới là vợ con, đầy tớ, đều đem chuyện này chỉ dạy, há có nên nói đây chẳng phải là tự lợi ư? Một ngọn đèn chỉ là một ngọn đèn, một ngọn đèn thắp truyền sang trăm ngàn vạn ức ngọn đèn, nhưng ngọn đèn ấy trọn chẳng bị tổn hại gì, ai được, ai mất, nào đến, nào đi? Còn phải đợi hỏi người khác mới hiểu rõ nữa ư?

-------------------------------------
[23] Tức Dương Châu, tự Tử Cư, người nước Vệ, sống vào thời Chiến Quốc, chủ trương Vị Ngã, nhổ một cái lông mà có lợi cho người khác cũng không làm.

[24] Ở đây, xin đừng hiểu lầm ý Tổ. Tổ nói quở trách người thâm nhập một môn là người chấp khăng khăng vào pháp môn của chính mình, bài xích các pháp môn khác, không chịu học hỏi kinh điển nhà Phật, chứ không hề dạy tu tập tràn lan, pháp nào cũng tu, pháp nào cũng học, không biết lượng sức. Vì thế, chư Tổ Tịnh Độ thường đề xướng “thâm nhập một môn, trường thời huân tu”. Đọc kỹ những lời giáo huấn của Tổ, sẽ thấy Tổ quở trách chuyện học tràn lan không chuyên nhất. Ý của Tổ ở đây nhằm quở trách những kẻ chỉ cho niệm Phật là đủ, không bận tâm tu tập các trợ hạnh khác để hỗ trợ chánh hạnh Niệm Phật.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ tư)

106. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ tư)


Ngày Rằm tháng trước nhận được thư ông. Do ông bảo khi Mạnh Do[25] đến, ông sẽ lên đường ngay, nên sợ trả lời thư sẽ bị lạc mất. Vì thế, không phúc đáp. Trưa nay lại nhận được thư ông, biết Mạnh Do còn chưa về lại tỉnh nhà. Do ông ta nấn ná chưa về, nên ông không dám dứt khoát. Nếu ông ta trở về, ông sẽ dứt khoát lên đường. Sao ông không hiểu lòng tôi và tấm lòng những người khác mà thành ra đạo lý ương ngạnh như thế? Quang cũng là người xuất gia, há cứ nhất định phải ngăn trở ông, trở ngại ông, học theo thói người tại gia lưu luyến nhà cửa, chẳng muốn cho người khác mau được giải thoát ư? Nhưng cơ duyên gặp gỡ của mỗi người có muôn vàn kiểu chẳng giống nhau.

Luận theo phần ông, quả thật tại gia có ích rất lớn, còn xuất gia chỉ được lợi ích nhỏ nhoi. Tổ nghiệp của ông gần như sống qua ngày được, trên có mẹ hiền để thờ, giữa có anh em để nương tựa, trong nhà có vợ hiền, dưới gối không con cái. Nhưng anh cả của ông khá tin tưởng vào Phật pháp, chú Ba, chú Tư cũng chẳng chống trái đạo pháp lắm. Ông tại gia dốc sức tu Tịnh nghiệp, cũng có thể hướng dẫn khiến cho mẹ hiền sanh lòng tin niệm Phật, ngõ hầu được liễu thoát mà cũng có thể vì anh em đang ở ngoài lo liệu chuyện trong gia đình, cũng như suất lãnh vợ, em dâu v.v… cùng tu Tịnh nghiệp, cùng thoát vòng khổ. Bên ngoài thì xóm giềng, thân thích, tùy duyên hướng dẫn, chỉ vẽ, thì nhà cửa bèn thành đạo tràng, hết thảy mẹ, anh em, vợ con, cháu chắt, xóm giềng, thân bằng đều thành pháp quyến. Tùy sức, tùy phận, thân làm gương, miệng giáo hóa khiến cho mọi kẻ lạc đường ở Vĩnh Gia cùng những kẻ chủng tánh tà kiến kia cùng được nạp vào trong lò luyện lớn là pháp môn Tịnh Độ chí cực viên đốn của Phật pháp, cùng trở thành pháp khí[26], cùng tu Tịnh nghiệp, tương lai cùng lên Liên Bang, cùng chứng Bồ Đề. Há chẳng bằng ông xuất gia làm Tăng, bỏ mẹ đi xa, người trong nhà ôm mối hận không người nương cậy, mẹ đem lòng oán con hay sao? Đã thế, những kẻ chẳng hiểu rõ lý cùng cực sẽ đâm ra nói Phật pháp trái nghịch thế đạo, lầm sanh hủy báng, khiến cho những kẻ ấy tạo ác nghiệp, đọa ác đạo. Chưa thấy ích gì mà trước hết đã mắc lấy những tổn hại to lớn như thế, như vậy là tốt hơn hay sao?

Huống chi mẹ ông đã không bằng lòng, há có nên chẳng tuân theo ý mẹ, vẫn cứ ôm ấp ý niệm ấy? Nếu như mẹ ông trọn chẳng bằng lòng cho ông tu hành, thì [chuyện bỏ nhà đi xuất gia] còn chấp nhận được! Chứ ông tu hành mẹ rất hoan hỷ, lẽ đâu lại muốn bỏ mẹ đi tu? Trong Phật pháp có đủ mọi công nghiệp, Lục Độ vạn hạnh đều vì lợi ích chúng sanh. Ông không xuất gia sẽ có lợi ích lớn lao cho mẹ, chỉ nội một điều này đã nên chiều theo lòng mẹ, sống trong cõi trần học đạo, khiến cho mẹ hằng ngày trông thấy quen mắt, chẳng mong mẹ tin tưởng mà mẹ tự nhiên tin tưởng, còn công đức nào lớn lao hơn? Huống chi nào phải chỉ một mình mẹ [được lợi ích]?

Hơn nữa, mẹ đã không chấp thuận, thì về mặt đạo nghĩa, chẳng nên nghĩ tới chuyện xuất gia nữa! Vì trong giới luật nhà Phật, cha mẹ chẳng bằng lòng cho con xuất gia, mình cứ tự tiện xuất gia thì [nhà chùa] chẳng được phép dung nạp, xuống tóc, và thọ giới v.v… Nếu không cả thầy lẫn trò đều mắc tội. Ông đã thờ Quang làm thầy, coi Quang là thiện tri thức, tuy Quang thật chẳng phải là thiện tri thức, nhưng chuyện trái nghịch Phật pháp quyết chẳng dám làm. Chỉ mong ông nghe theo lời Quang, thuận lòng mẹ, tại gia tu hành mới nên! Cổ nhân có người vì tri kỷ, chẳng ngại đem thân đền đáp. Huống chi mẹ ông đã lưu giữ ông, Quang khuyên ông: Lẽ nào lại chống trái, cố chấp không thay đổi ư? Phải biết: Hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu Thập Thiện Nghiệp, chính là chánh nhân để vãng sanh Tây Phương. Hãy nên học đòi Vương Hư Trung[27], Châu An Sĩ, Bành Xích Mộc (Bành Thiệu Thăng) ba vị tiên sinh thì mới chẳng thẹn là đệ tử Phật!

----------------------------
[25] Mạnh Do là anh ruột của Châu Quần Tranh.

[26] Pháp khí: Chỉ những người có thể tu hành Phật đạo. Sách Sơn Đường Tứ Khảo chép: “Nhị Tổ Huệ Khả thờ ngài Đạt Ma đã lâu, chưa được nghe giáo huấn, bèn chặt tay cầu pháp, Sư biết là pháp khí, bèn trao cho y bát”.

[27] Chính là ông Vương Nhật Hưu, tác giả bộ Long Thư Tịnh Độ Văn.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ năm)

107. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ năm)


Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên, chuyện được thành hay chăng đều do nhân duyên gây ra. Tuy có người làm cho chuyện ấy thành hay bại, nhưng quyền lực thực tế là do cái nhân trước của chính ta, chứ không do cái duyên hiện tại. Hiểu điều này sẽ vui theo mạng trời, chẳng oán, chẳng hận, thuận theo địa vị mà hành, không trong hoàn cảnh nào chẳng tự tại vậy! Riêng ông chẳng biết làm phận con, đúng lý ra phải nghe lời cha mẹ. Thêm nữa, muốn làm học trò của người ta, nên nghe theo lời thầy. Những gì cha mẹ mưu tính cho con cái rất có thể không thích đáng, là vì yêu thương sâu nặng nên có thể bị thiên lệch, còn thầy đã có thể coi là bậc tri thức, trọn chẳng đến nỗi tính toán những điều quá sai lầm.

Sống trong cõi trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục, chính là chuyện đạt nhân danh sĩ lẫn ngu phu, ngu phụ đều có thể làm được. Gắng sức tu trì, do tại gia có đủ mọi hệ lụy, nên coi như những lời cảnh tỉnh[28], lâu dài sanh cái tâm chán lìa, ngõ hầu sẽ dài lâu nuôi lớn cái tâm ưa thích, lấy bệnh làm thuốc, biến tắc thành thông, trên chẳng khiến mẹ phải thở than, dưới gia đình riêng của mình chẳng mất nơi nương tựa, lại còn khiến cho hết thảy mọi người do cùng thấy nghe bèn được tăng trưởng Tịnh nghiệp, còn vui nào bằng?

Chỉ mong ông trên là nghe theo lời mẹ, cũng như thuận theo lòng Quang, tùy phận tùy duyên tự lợi, lợi tha. Bồ Tát bỏ đầu, mắt, tủy, não để cứu chúng sanh đói khát. Tại gia tu hành đối với mẹ, đối với ông đều có lợi ích lớn lao, sao lại lầm sanh chống trái? Như ông cứ nhất quyết muốn y theo tâm hạnh của mình, làm sao Quang có thể chấp nhận như thế được, chỉ mong hãy đem cái danh tự thầy trò giả tạm thủ tiêu đi, ông cứ việc bái vị cao tăng nào đó làm thầy, Quang hoàn toàn không hỏi đến nữa. Ngày sau gặp gỡ như người đi trên cùng một đường gặp nhau, đừng giữ cái lễ thầy trò nữa!

Nếu không như thế thì xin hãy nghe theo lời tôi nói, thay Quang khuyến hóa trai gái vùng Âu Giang[29] cùng vào Liên Trì Hải Hội. So với việc ông cứ muốn làm Tăng, khiến cho mẹ chẳng vui lòng, anh em, vợ con đều buồn bã, người xứ Âu Giang lầm lạc khởi lên tâm nghiệp phỉ báng Phật pháp. Lẽ được - mất khác biệt tựa hồ một trời, một vực, ông hãy thử nghĩ kỹ xem: Quang vì ông hay là hại ông vậy? Quang đã nói hết lời, chẳng thể viết thêm một chữ thừa thãi nào nữa, mặc lòng ông tự tiện mà thôi!

-------------------------------------
[28] Nguyên văn “đương đầu bổng hát”: Tông Lâm Tế dùng gậy đánh, tiếng hét để khai ngộ. Nên “đương đầu bổng hát” cũng có nghĩa là nhân duyên, cảnh tượng giúp mình tỉnh giác.

[29] Âu Giang: Con sông lớn thứ hai của tỉnh Chiết Giang, phát nguyên từ núi Đồng Cung, chảy theo hướng về Đông Nam đến huyện Thanh Điền mới có tên là Âu Giang, đổ ra biển ở thành phố Ôn Châu.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ sáu)

108. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ sáu)


Một pháp nhân quả là bước đầu để nhập môn Phật giáo, cũng là phương sách trọng yếu để thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cuốn sách của họ Đinh[30] dù có sai sót, nhưng về đại thể là tốt. Chớ vì họ Viên thiếu đức mà cho là chẳng đáng lưu thông. Họ Viên[31] đã mất rồi, người biết ông ta thiếu đức được mấy người? Nếu như chuyện nhân quả báo ứng đập vào mắt, thấm vào lòng, dẫu họ Viên hèn kém cũng nên giảm lòng tà, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, mong chính mình tránh khỏi tội lệ, vun trồng phước đời sau, chớ vì một lỗi mà giấu kín đi.

Hơn nữa, họ Viên lúc ban đầu bài bác Phật, sau đọc nhiều, đọc sâu hơn, biết đích xác nhân quả không sai chạy mảy may, tuy chưa dứt khoát nghiên cứu sách vở nhà Phật, nhưng xem đến những sự tích cảm ứng đã được ghi chép thì quả thật tâm đã vui mừng, khâm phục Phật pháp. Sở dĩ, ông ta chưa được như ông Bành Nhị Lâm là vì do văn tự chướng ngại sâu xa, lại thêm biếng nhác, trễ nãi, thành ra kết quả chỉ là gieo nhân cho tương lai, đáng tiếc thay! Tôi cho rằng do ông Viên, ông Kỷ[32] học rộng mà còn chăm chú gom soạn nhân quả báo ứng như thế, người sau xem đến, há đâu chẳng cảm động sâu xa ư? Nếu không muốn lưu thông thì thôi, còn muốn lưu thông hãy nên lưu thông, đừng có nên nghĩ ngợi thái quá!

-----------------------------
[30] Họ Đinh ở đây là ông Đinh Phước Bảo, trong lá thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn, Tổ có nói: “Cuốn Phật Học Đại Từ Điển do ông Đinh Phước Bảo biên soạn, danh tướng thật rộng, nhưng khảo cứu chưa thật tường tận. Nói chung, cứ ba mươi điều có một điều bị sai lạc, chỉ có bậc thông gia mới phân biệt được, nếu không rất có thể do đó bị lầm”.

[31] Họ Viên ở đây là ông Viên Tử Tài (1716-1797). Lời tựa cuốn Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu có chép: “Từ đời Thanh đến nay, người bác học đa văn thì tiên sinh Giang Thận Tu là bậc nhất, kế đến là Kỷ Văn Đạt rồi đến là ông Viên Tử Tài… Viên Tử Tài thoạt đầu bài bác Phật, đến tuổi trung niên trở đi, lịch duyệt ngày càng sau, bèn sanh lòng tin chân thật đối với Phật pháp, chỉ vì cuồng vọng, tự đại, lười nhác, biếng trễ, chẳng chịu thân cận cao nhân, lắng lòng nghiên cứu…”. Qua lời nhận định này, có thể đoan chắc họ Viên nói ở đây là ông Viên Tử Tài. Ông tên thật là Viên Mai, tự Tử Tài, hiệu Tùy Viên Lão Nhân, là người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Gia Khánh, từng làm tri huyện bốn lần. Về sau, từ quan sống ở Tiểu Thương Sơn tại Nam Kinh, dựng Tùy Viên để hưởng nhàn, chuyên tâm viết lách, nghiên cứu nghệ thuật ẩm thực. Ngoài danh hiệu lý luận gia lừng danh, ông cũng là một nhà văn nổi tiếng biết thưởng thức món ăn ngon. Thi văn của ông trang nhã, bóng bẩy, tình tứ. Bộ Tùy Viên Thực Đơn của ông nổi tiếng đến nỗi được xuất bản ngay trong đời Thanh, và được phiên dịch sang tiếng Nhật. Năm 1983, Quảng Đông Khoa Kỹ Xuất Bản Xã đã tái bản cuốn sách này.

[32] Ông Kỷ ở đây là Kỷ Văn Đạt (1724-1805) tên thật là Kỷ Quân, tự Hiểu Lam, tên thụy là Văn Đạt. Người huyện Hiến, tỉnh Hà Bắc, làm quan đến chức thượng thư bộ Lễ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, từng đảm nhiệm việc biên tập tác phẩm đồ sộ Tứ Khố Toàn Thư dưới thời Càn Long.
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ bảy)

109. Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ bảy)

Giảng Khởi Tín Luận rất tốt, chỉ e ít người lãnh hội được, nên kẻ căn cơ nông cạn sẽ bị mất lợi ích nhiều. Có lẽ nên giảng kèm pháp môn Tịnh Độ khiến cho họ trước hết biết được đạo trọng yếu để liễu sanh tử, lại còn biết được tâm pháp trọng yếu của Phật pháp thì cả Lý lẫn Cơ đều được khế hợp. Để đối chứng cấp thuốc cho người hiện thời thì nhân quả báo ứng là bậc nhất, còn trong các pháp nên tu thì Tịnh Độ là bậc nhất. Nếu nghiên cứu Khởi Tín Luận thì tuy cũng có nhân quả Tịnh Độ, nhưng tri kiến phàm phu không thể lãnh hội trọn vẹn nghĩa lý, lại còn chẳng thể nương theo luận ấy để khởi tu, chỉ hiểu được ý nghĩa mà thôi! Bất luận căn tánh nào, không thể không trước hết nghiên cứu nhân quả, Tịnh Độ; còn về giáo tướng thì cũng phải chọn người mà thí, bởi lẽ học trò mỗi người có chuyện phải học riêng, Phật học chỉ là chuyện kèm thêm. Nếu người căn cơ thiên tánh cạn cợt lại chuyên chú vào giáo tướng, rất có thể sẽ quăng Tịnh Độ ra sau ót, đến nỗi thành ra kết quả “có nhân mà không có quả”! Đấy là lập cách chẳng phù hợp căn cơ vậy.

Nay trong những kẻ tôn sùng Tướng tông, thói tệ ấy cũng giống như thế. Chuyện họ đề xướng chẳng thật sự vì liễu sanh tử mà chỉ vì thông suốt Lý Tánh để thuyết giảng mà thôi! Nếu như họ biết được nỗi khó khăn của việc dùng Tự Lực để liễu sanh tử, quyết sẽ chẳng chịu dốc sức nơi chuyện ấy, bỏ qua Tịnh Độ không hỏi đến! Nếu kẻ nào chê bai thì kẻ ấy đều thuộc hạng ham cao chuộng thù thắng, chẳng biết duyên do của sự cao, sự thù thắng. Nếu thật sự biết thì dù có giết họ, họ cũng chẳng chịu gác bỏ Tịnh Độ không dốc sức tu! Thật là học đạo khó khăn thay! Chí của sư Hoằng Nhất chỉ có mình ngài Hoằng Nhất biết rõ. Nếu chẳng đại tinh tấn, tâm sanh tử không khẩn thiết sẽ thành hạng biếng nhác, bê trễ.

Tăng nhân ngày nay thật khó khiến cho người ta tin tưởng, nhưng đã truy điệu Tăng nhân, há nên phỉ báng Tăng nhân. Nếu nêu lên những điều thiện, răn dè những điều bất thiện thì không mắc lỗi gì. Nhưng nếu đã dự vào hàng học trò người ta, thì chuyện chỉ trích cũng nên im lặng. Chuyện ấy chỉ có người đức cao trọng vọng mới có thể tiến hành, không phải là chuyện hàng chim non miệng vàng nên làm.

Những kinh hư rách không thể tu bổ được thì đốt đi cũng không sao! Nếu còn xem được, còn có thể tu bổ được thì chẳng nên thiêu. Nếu chẳng biết lẽ biến thông, cứ một mực không dám thiêu, kinh ấy rốt cuộc chẳng thể xem, mà cũng không được cất giữ như kinh tốt, thành ra khinh nhờn, lại còn tạo thành cái lỗi khinh nhờn cho người đời sau vậy, há có nên chẳng biết quyền biến ư? Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Lúc này nếu chẳng coi nhân quả là nhiệm vụ cấp bách để cứu nước cứu dân thì dù ông trí xảo, đạo đức cao siêu đến đâu cũng chỉ uổng công, bởi lẽ chẳng giảng đạo lý cũng như không có vương pháp vậy!
 

Thánh_Tri

Registered
Phật tử
Tham gia
20 Thg 3 2007
Bài viết
599
Điểm tương tác
65
Điểm
28
Trả lời thư cư sĩ Hồng Quán Lạc

110. Trả lời thư cư sĩ Hồng Quán Lạc


Thánh hiền xưa kia không ai chẳng dè dặt, kinh sợ tự tu trì; vì thế, tâm họ chẳng bị phú quý, cùng - thông xoay chuyển. Nếu bần cùng thì riêng một thân mình thiện, còn hiển đạt sẽ kiêm làm điều lành cho thiên hạ. Người đời nay trong cách cư xử, nói năng hằng ngày, giữa cha con, anh em, vợ chồng với nhau còn chẳng thể mỗi mỗi đều đúng pháp. Có chút tri kiến liền lầm lạc mong thành bậc cao nhân lỗi lạc; nếu chưa có quyền lực bèn mặc tình cuồng vọng biện luận mù quáng lừa đời dối dân. Khi đã có địa vị bèn phô bày ác niệm bạo ngược của chính mình rối nước hại dân. Cái gốc bệnh là do lúc ban đầu cha mẹ, thầy bạn kẻ ấy chưa từng đem cái đạo nhân quả báo ứng ra dạy dỗ cho kẻ đó. Nếu hắn biết chút ít về nhân quả báo ứng thì khởi tâm động niệm ắt sẽ có chỗ kiêng sợ, chẳng dám phóng túng. Dẫu chẳng mong thành thánh thành hiền, cũng vẫn dè dặt, kiêng sợ như rớt xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng, không thể không như vậy được. Do vậy, kẻ có thiên tư cao lại càng phải bắt tay từ chỗ thiển cận, đừng thấy điều thiện nhỏ bèn không làm, đừng cho là điều ác nhỏ rồi cứ làm. Lúc nhỏ huân tập thành tánh, như cây lúc nhỏ đã mọc ngay thẳng, đến khi lớn, muốn cho nó cong vẹo cũng không thể nào được!
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên