gioidinhhue

Bồ Tát Văn Thù Điểm Hóa Cho Văn Hỷ

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Tham gia
15/7/10
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây là đạo tràng của Bồ tát Văn Thù nên có nhiều đệ tử nhà Phật đến triều bái, hy vọng có nhân duyên gặp được Bồ tát để tăng trưởng thiện căn phước đức của mình.
Thời xưa có thiền sư Văn Hỷ, lập đại nguyện muốn đến triều bái núi Ngũ Đài, được tận mắt nhìn thấy Bồ tát Văn Thù một lần. Thế là cứ ba bước một lễ, năm bước một lạy, mất hết thảy ba năm, từ ngàn dặm xa xôi, thiền sư Văn Hỷ đã đến được núi Ngũ Đài. Trên suốt đoạn đường, nắng thiêu, mưa dội, chiụ đói chịu khát, trãi qua không biết bao nhiêu là gian khổ, nhưng Ngài không một lời than. Thật là một lòng chí thành!
Một hôm trời sắp tối, Văn Hỷ đi đến lưng chừng núi Ngũ Đài, gặp được một vị sa di nhỏ. Văn Hỷ liền lễ phép hỏi:
_ Chú à, tôi muốn gặp Bồ tát Văn Thù, không biết còn phải đi bao xa nữa?
Vị Sa di nhỏ trả lời:
_ Con đường này nói xa thì cũng không phải xa, mà nói gần thì cũng không phải gần, chỉ xem vào căn duyên của ngài.
Văn Hỷ sốt ruột nói:
_Nhưng tôi đặc biệt từ phương nam xa xôi đến đây, dù sao chú cũng phải cho tôi một câu tả lời chính xác, chí ít cũng chỉ cho tôi một con đường nhỏ lên núi chứ?
Chú Sa di nhỏ không nhịn được bật cười, nói:
_ Bây giờ trời không còn sớm nữa, Ngài muốn lên đỉnh núi e rằng không còn kịp, tôi dẫn ngài đến một nơi nghỉ qua đêm trước đã nhé!
Văn Hỷ nghĩ thấy cũng đúng, đã đến được núi Ngũ Đài rồi, vội thêm một đêm để làm gì? Thế là Văn Hỷ theo vị Sa di đi về phía trước.
Hai người đi đến khi trời tối hẳn thì đến trước một ngôi miếu nhỏ. Nghe vị Sa di nói đến rồi, Văn Hỷ ngẩng mặt lên nhìn, thấp thoáng thấy ba chữ “Động Kim Cang” viết trên cửa miếu.
Đi vào trong miếu, Văn Hỷ thấy một vị hoà thuợng đang ngồi thiền, liền vội vã đến thỉnh cầu khai thị.
Lão hòa thượng vẫn nhắm mắt ngồi yên, thậm chí không hề mở mắt nhìn khách một cái, nhưng lời nói thốt ra lại rất rõ ràng:
_ Tuy núi Ngũ Đài là đạo tràng ứng hóa của Bồ tát Văn Thù, chùa chiền nhiều vô số, nhưng rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh khó phân, cần phải tự mình đi để phân biệt, lãnh hội
Văn Hỷ là một thiền sư rất có căn cơ, vừa nghe qua đã hiểu ý của lão hòa thượng: Núi Ngũ Đài tuy là nơi giáo hóa của Bồ tát Văn Thù, nhưng những người được Bồ tát giáo hóa đâu phải đều là thánh hiền, có lẽ phần nhiều là phàm phu tục tử. Nếu cho nơi đây đều là thánh tăng đại đức thì chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng.
Văn Hỷ lại hỏi:
_ Thỉnh giáo Đại sư, núi Ngũ Đài có bao nhiêu vị tăng ?
Lão hòa thượng không trả lời thẳng câu hỏi, miệng đọc bài kệ:
Ngàn đỉnh núi cao xanh màu trời
Ai hỏi Văn Thù, ai trả lời ?
Muốn biết Thanh Lương bao nhiêu vị
Số trước số sau chẳng đổi dời

Văn Hỷ chỉ biết trong phẩm Bồ tát Trụ Xứ của kinh Hoa Nghiêm có nói qua, Bồ tát Văn Thù trụ ở núi Thanh Lương về phía đông, cũng chính là núi Ngũ Đài, còn về thâm ý trong bài kệ của lão hòa thượng, nhất thời lại không có cách gì hiểu ra.
Văn Hỷ đi đường dài như thế, quả thật rất mệt mỏi, sau một hồi nói chuyện với hoà thượng, nằm xuống liền ngủ ngay, một giấc ngủ ngon lành sâu lắng, cả thân tâm nhẹ nhàng khoan khoái.
Vừa choàng tỉnh, đã thấy mặt trời ló dạng ở phương đông, Văn Hỷ dụi dụi mắt, kì lạ, ánh sáng mặt trời sao lại sáng như thế? Nhìn kĩ lại Văn Hỷ mới biết mình ngủ ngoài trời trong núi sâu, chẳng thấy đâu là động Kim Cang, chẳng thấy lão hoà thượng và chú Sa di đâu cả! Văn Hỷ hồi tưởng lại sự việc tối hôm qua, thoáng chốc chợt hiểu ra: Mình ngàn muôn khổ nhọc đến triều bái núi Ngũ Đài, chỉ là mong gặp Bồ tát Văn Thù. Lão hòa thượng đêm qua nói chuyện với mình, chắc chắn là do Bồ tát Văn Thù hóa ra, không ngờ lại đối mặt mà bỏ lỡ, thật là hối tiếc biết bao!
Qua việc này Văn Hỷ liền rời núi Ngũ Đài, hoàn toàn không cảm thấy thất vọng, mà cảm thấy mình có nhân duyên được Bồ tát Văn Thù điểm hóa, đúng là đã có thu hoạch lớn.
Thu hoạch của Văn Hỷ rốt cuộc là gì? Đó chính là Văn Hỷ đã lãnh hội được Văn Thù ở ngay trong tâm mình, hoàn toàn chẳng phải ở ngoài tâm. Nếu khổ nhọc lên núi triều bái Bồ tát Văn Thù ở bên ngoài, không bằng thiết thực ngồi thiền tu hành để thấy Văn Thù tự tánh.
Văn Hỷ trở về phương nam, làm một vị tăng chuyên nấu ăn ở Ngưỡng Sơn, mỗi ngày ở trong nhà bếp đun nước thổi cơm, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến dụng công học Phật, nổ lực tham cứu của Ngài. Bửa củi, nhóm bếp cũng có thể ngộ thiền, vo gạo nấu cơm cũng là tu hành. Đây chính là phương pháp hành thiền của Văn Hỷ.
Một hôm, Văn Hỷ đang ở trong bếp, dùng đũa bếp xới cơm, bỗng thấy Bồ tát Văn Thù hiện ra ở đầu chiếc đũa. Văn Hỷ không hề vui mừng, cũng không lễ bái, chỉ điềm đạm nói:
_ Trước đây tôi trải qua biết bao khổ nhọc, triều bái Ngũ Đài chỉ mong gặp được Ngài, nhưng Ngài để cho tôi đối diện lại bỏ lỡ, nay tôi đã tìm được Văn Thù trong tâm rồi, Ngài lại xuất hiện đầu đũa bếp của tôi. Ngài là Văn Thù, tôi là Văn Hỷ, trong tâm tôi tự có Văn Thù, không cần thấy Ngài nữa.
Nghe xong lời nói, Văn Thù biết Văn Hỷ đã có chỗ liễu ngộ, liền nói bài kệ :
Dưa đắng, đắng cả dây
Dưa ngọt, ngọt tận gốc
Tu hành ba đại kiếp
Lại bị người này chê.


Nói kệ xong, Bồ tát Văn Thù biến mất.

* Một vài cảm nhận:

"_ Con đường này nói xa thì cũng không phải xa, mà nói gần thì cũng không phải gần, chỉ xem vào căn duyên của ngài.”
Con đường xa hay gần ở đây được đo bằng “căn duyên” của ngài Văn Hỷ chứ khhông phải được đo bằng đơn vị đo thông thường. Điều này chứng tỏ Bồ tát Văn Thù hiện thân khắp nơi, đủ mọi hình tướng, quan trọng là chúng ta có đủ trí tuệ và phước đức để nhận ra ngài không mà thôi ? Nếu có trí tuệ, hay nói khác đi, khi chúng ta nhận ra được Bồ tát Văn Thù vốn là bản tánh trí tuệ sáng suốt bao trùm vũ trụ, có trong chúng ta, có trong mọi người thì nơi nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy, có thể gặp được Bồ tát. Còn nếu không đủ trí tuệ để nhận ra thì dù có đi xa bao nhiêu cũng không thể gặp được. Vì vậy khoảng cách giữa chúng ta và Bồ tát không còn đo lường được, không còn hỏi là xa hay gần nữa !

diendan.daitangkinhvietnam.org
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Tham gia
15/7/10
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
“Ngàn đỉnh núi cao xanh màu trời
Ai hỏi Văn Thù, ai trả lời ?
Muốn biết Thanh Lương bao nhiêu vị
Số trước số sau chẳng đổi dời”
Câu đầu của bài kệ mang ý nghĩa như câu “núi xanh đều là pháp thân thanh tịnh” trong bài thơ Lô Sơn của thi sĩ Tô Đông Pha. Dù là ngàn đỉnh núi, với muôn hình thù, dáng dấp khác nhau, song chỉ là một màu xanh như màu của nền trời xanh lồng lộng, chỉ là một bản thể thanh tịnh bao phủ vạn tượng, bao phủ thái hư. Nơi ấy không tồn tại ý niệm phân biệt cao thấp, đẹp xấu …
“Ai hỏi Văn Thù, ai trả lời ?”
Khi núi và trời đã một màu rồi thì sao lại còn có kẻ hỏi, người trả lời ? Khi chúng ta và Bồ tát Văn Thù cùng chung một thể tánh thanh tịnh sáng suốt, thì sao còn đi hỏi một Văn Thù ở nơi đâu ? tại sao không quay lại nơi mình để tìm câu trả lời ? Và khi chợt nhận ra trong mình đang tồn tại một Văn Thù thì có lẽ chúng ta sẽ tự cười câu hỏi của mình. Vì chẳng có ai tự mình lại đi tìm thêm một mình nữa. Như trong thiền tông có công án “đầu chồng thêm đầu”.
“Muốn biết Thanh Lương bao nhiêu vị
Số trước số sau chẳng đổi dời”
Thông thưòng khi đến một ngôi chùa chúng ta hay đặt câu hỏi này. Chùa có bao nhiêu vị ? chúng ta biết chùa là nơi tăng chúng khắp nơi quy tụ về cùng nhau tu học, cho nên số lượng thay đổi liên tục, không lường được. Thế nhưng ở đây, vị hoà thượng do Bồ tát Văn Thù hóa thân lại trả lời “trước sau không đổi dời”. Ở đây Bồ tát muốn nói đến bản thể thanh tịnh hoà hợp của Tăng. Bản thể đó không bao giờ thêm hay bớt dù số lượng tăng chúng trong chùa có thay đổi thế nào. Dù là ở thời Phật hay thời bây giờ thì bản thể ấy vẫn là chính nó, không tròn không khuyết. Cho nên khi đến chùa hay đến với tăng chúng, chúng ta nên đến với bản thể thanh tịnh hoà hợp vốn có của Tăng chứ không nên khởi phân biệt qua hình tướng hay đời sống riêng của một vị tăng nào đó, để rồi khởi bao nghiệp chướng che mất bản thể Tăng trong mỗi chúng ta; hay nói cách khác là đánh mất bản thể Văn Thù ngay trong chúng ta, đem Văn Thù đánh đổi lại những phiền não, si mê trong đời. Rồi cứ lặn lội đi tìm Văn Thù?
“Văn Hỷ trải qua sự việc như vậy liền rời núi Ngũ Đài. Ngài hoàn toàn không cảm thấy mất cảm hứng, mà cảm thấy mình có nhân duyên được Bồ tát Văn Thù điểm hóa, đúng là đã có thu hoạch lớn.
Giá như là một phàm phu như chúng ta, chúng ta sẽ vô cùng tiếc nuối, ân hận vì không nhận ra Bồ tát Văn Thù khi đã đối diện. Ngược lại, ngài Văn Hỷ thấy đó là một nhân duyên thù thắng, là “đắc” được cái “vô sở đắc”. Đã được gặp Bồ tát Văn Thù trong sự “không gặp”. Đó chính là nhận ra được Bồ tát Văn Thù ngay trong tâm mình. Đó chính là một Văn Thù mà lão hoà thượng chỉ cho Văn Hỷ qua bài kệ trên.
Sau khi hiểu ra “Nếu khổ nhọc lên núi triều bái Bồ tát Văn Thù ở bên ngoài, không bằng thiết thực ngồi thiền tu hành để thấy Văn Thù tự tánh.”, ngài Văn Hỷ lập tức rời núi Ngũ Đài, nơi ngài đã vất vả ba năm trời, vượt qua biết bao gian khổ để cầu mong gặp Bồ tát Văn Thù. Ngài trở về chốn xưa, không phải miệt mài với Kinh kệ, thiền toạ, lạy Phật, sám hối … mà làm một vị tăng chuyên nấu ăn cho đại chúng, nhưng tâm vẫn không hề rời kinh kệ, không rời Phật. Với Ngài, bửa củi, vo gạo gì cũng là thiền cả.
“Một hôm, Văn Hỷ đang ở trong bếp, dùng đũa bếp xới cơm, bỗng thấy Bồ tát Văn Thù hiện ra ở đầu chiếc đũa. Lúc ấy, Văn Hỷ không hề vui mừng, cũng không lễ bái..."
Thái độ của Ngài Văn Hỷ không phải là bất kính, xúc phạm đến Bồ tát Văn Thù. Mà chính là muốn nói lên một sự thật, khi chúng ta đã sống được với bản tâm thanh tịnh của chính mình, hay đã tìm được Bồ tát Văn Thù trong tâm, thì hình tướng Văn Thù bên ngoài không còn quan trọng nữa. Cũng như khi còn giữa sông thì cần thuyền, nhưng khi lên bờ rồi thì không nên vác thuyền theo. Giáo pháp của Phật, phương tiện của Phật dù là cao siêu mầu nhiệm thế nào thì cũng chỉ là phương tiện cứu chúng sanh ra khỏi sông mê, trở về với thể tánh thanh tịnh sáng suốt của mình, và khi đã đạt được cứu cánh rồi thì phương tiện không còn ý nghĩa gì với chúng ta nữa. chính vì vậy mà Ngài Văn Hỷ nói : “Ngài là Văn Thù, tôi là Văn Hỷ, trong tâm tôi tự có Văn Thù, không cần thấy Ngài nữa” . Nếu Ngài Văn Hỷ đón nhận Bồ tát Văn Thù thì không phải là chồng thêm một Văn Thù nữa sao? Thì không phải là bỏ Văn Thù của chính mình để chạy theo một Văn Thù qua hình tướng?
Thái độ này cũng như câu chuyện thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật vậy. Đốt không phải vì khinh thuờng tượng mà chỉ muốn phá chấp tướng nơi mọi người. Sự chấp trước một tượng Phật bên ngoài sẽ trở ngại cho sự quay về với bản thể Phật trong mỗi chúng ta. Và khi chúng ta nhận được bản thể đó thì thiền sư Đơn Hà không cần phải đốt tuợng, và chúng ta cũng không ngạc nhiên khi ngài Văn Hỷ không mừng rỡ khi thấy hình tượng Bồ tát Văn Thù hiện nơi đầu đũa.
“Dưa đắng, đắng cả dây
Dưa ngọt, ngọt tận gốc
Tu hành ba đại kiếp
Lại bị người này chê.”
Ý chính của bài kệ chỉ tóm gọn trong hai câu đầu :
“Dưa đắng, đắng cả dây
Dưa ngọt, ngọt tận gốc”
Dưa đắng dụ cho một chúng sanh mê mờ, ngu si ám chướng. khi còn trong vòng bủa vây của vô minh thì cho dù chúng ta có làm gì thì cũng lẩn quẩn trong phiền não khổ đau, chỉ là việc làm của ma “đắng cả dây”. Như trong kinh Hoa Nghiêm nói : “Vong thất Bồ Đề Tâm tu chư thiện nghiệp thị chư ma nghiệp” (Quên mất tâm Bồ đề, tu các thiện nghiệp, đều là ma nghiệp).
Nhưng khi tỏ ngộ rồi thì hoàn toàn sáng suốt thanh tịnh, nên nói :
“Dưa ngọt, ngọt tận gốc”
Như Lục Tổ Huệ Năng khi tỏ ngộ chơn tâm đã thốt lên : “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh … “
Điều này cũng đúng với ý Tổ Đạt Ma đã nhấn mạnh :
“Nhược kiến tự tâm thị Phật, bất tại thế trừ tu phát, bạch y diệc thị Phật, nhược bất kiến tính, thế trừ tu phát, diệc thị ngoại đạo (Nếu thấy tự tâm là Phật, không do nơi cạo tóc xuất gia, cư sĩ cũng là Phật, nếu chẳng thấy tính, cạo tóc xuất gia cũng vẫn là ngoại đạo)”.

Viên Lộc dịch và cảm nhận
tuvienhuequang.com
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên