Ba-tư-nặc (Pasenadi) là vua xứ Câu-tát-la (Kosala). Ông sống cùng thời với Đức Phật và có những hỗ trợ tích cực đối với Đức Phật và Tăng đoàn. Tên tuổi ông được nhắc đến nhiều trong kinh điển, và có một vài bài kinh không những đề cập đến ông như một người nhiệt tâm bảo hộ Tăng đoàn mà còn cho thấy cách nhìn của ông về giáo pháp của Đức Phật. Điển hình nhất về điều này là trong bài kinh Pháp Trang Nghiêm, thuộc Trung A-hàm (Tương đương Dhammacetiya-suttam, số 89, kinh Trung Bộ). Suốt bài kinh này, ta có thể nhận thấy cách đánh giá, hay nói đúng hơn là cách loại suy khá đặc biệt của ông về giáo pháp của Đức Phật. Cách loại suy của ông được dựa trên đời sống thực tế mà ông trải nghiệm và cái nhìn của ông về đời sống của Đức Phật và Tăng đoàn.
Trong một lần Đức Thế Tôn đang du hóa và cư trú tại đô ấp của Thích gia. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc vì có một số việc cần làm nên đi đến một thị trấn nọ. Khi nghe Đức Thế Tôn đang trú tại đô ấp của Thích gia, ông bèn tìm đến đảnh lễ Ngài. Thấy nhà vua tìm đến đảnh lễ mình, Thế Tôn hỏi rằng ông đã thấy ở Ngài có những giá trị gì mà cúi đầu đảnh lễ cung kính như vậy. Nhà vua đáp: Từ cách loại suy của ông, ông nhận thấy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện, chúng đệ tử của Ngài đã áp dụng nó một cách trọn vẹn, và vì thế ông đã tìm đến cung kính đảnh lễ.
Trước hết, vua Ba-tư-nặc cho rằng giáo pháp của Đức Thế Tôn là toàn thiện bởi vì theo ông, giáo pháp đó đã đưa đến vô tranh, đem lại hòa hợp và tương kính lẫn nhau giữa những người thực hành nó. Bằng chứng là khi ngồi trên ngai vàng, ông đã nhìn thấy cha mẹ tranh chấp với con cái, con cái tranh chấp với cha mẹ, anh chị em cho đến thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, cha mẹ nói xấu con cái, con cái nói xấu cha mẹ, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Là người thân trong cùng một gia đình mà còn như vậy thì những người không thân thích với nhau hẳn còn tệ hơn.
Trong khi ấy, chúng Tỳ kheo của Đức Phật tu hành phạm hạnh, nếu có Tỳ kheo nào gây ít nhiều lỗi lầm, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Đức Phật, không nói xấu Pháp, không nói xấu Tăng mà chỉ chê trách mình xấu xa thiếu đức hạnh, đã không theo Thế Tôn sống phạm hạnh suốt đời. Các Tỳ kheo sống lục hòa, tương kính lẫn nhau, không tranh chấp hơn thua. Với thấy biết như vậy, từ đó nhà vua loại suy giáo pháp do Đức Phật thuyết giảng là toàn thiện và đệ tử của Ngài đã thực hành nó một cách trọn vẹn.
Giáo pháp của Đức Phật được xem như là con đường sống. Con đường sống đó đem lại an bình lợi lạc, thoát khỏi các tranh chấp, từ bỏ hiềm hận. Như vậy, những đệ tử của Đức Phật, nếu người nào vẫn còn ưa thích tranh chấp, nói xấu, chỉ trích, bôi nhọ lẫn nhau thì thật sự đang đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, và mỗi khi đã đi ngược lại lời dạy của Đức Phật thì vị ấy không còn là đệ tử của Ngài nữa, dù đang ở trong hàng ngũ nào của bốn chúng đệ tử.
Thứ đến, nhà vua lại nghĩ rằng giáo pháp của Đức Phật toàn thiện vì giáo pháp đó đưa đến xả ly các dục, xa rời chấp thủ, đem lại đời sống phạm hạnh. Ông đã trình bày quan điểm của mình về điều này như sau: "Bạch Thế Tôn, con thấy một Sa môn Phạm chí khác đã ít nhiều thực hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xả bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy sự cần thiết của việc xuất ly khỏi tham dục. Bạch Thế Tôn, còn ở đây con thấy các Tỳ kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra, con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, pháp của Đức Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thực hành" (kinh Pháp Trang Nghiêm, bản dịch của thầy Tuệ Sĩ).
Xả ly các dục, xa rời chấp thủ là một trong những điều kiện cần để thực hành đời sống phạm hạnh. Người đệ tử Phật luôn được khuyên là nên giảm bớt các ham muốn, điều được xem là gây chướng ngại trên con đường thực hành tâm linh. Những ai vẫn còn quá nhiều ham muốn, thích chất chứa tích cóp của cải bằng bất cứ hình thức nào, thì thật sự đang sống một đời sống không phù hợp với tinh thần Đức Phật đã dạy. Vật chất là điều kiện cần thiết để duy trì đời sống, nhưng trong hành trình tu tập, đặc biệt đối với người xuất gia, việc quá tham đắm vật chất, đam mê dục lạc lại là điều chướng ngại cho việc thực hiện đời sống phạm hạnh.
Tiếp đến, nhà vua cho rằng, giáo pháp của Đức Phật toàn thiện vì giáo pháp ấy đã đem lại sự an lạc hoan hỷ tự tại cho người thực hành nó. Ông đã loại suy như vậy vì khi so sánh đời sống của các Tỳ kheo với đời sống của các Sa môn Phạm chí khác, ông thấy đời sống của các Tỳ kheo đoan chính, sống hân hoan, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loại nai rừng, tự mình trọn đời tu phạm hạnh. Và ông nghĩ, sở dĩ các Tỳ kheo có được đời sống như vậy là vì họ đã sống đúng theo giáo pháp của Đức Phật và có sở đắc trong việc tu tập của mình, từ đó ông lại tiếp tục loại suy giáo pháp của Thế Tôn là toàn thiện.
Rồi nhà vua lại loại suy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện bởi vì nó có công năng hàng phục những Sa môn Phạm chí.
Vào thời Đức Phật, có rất nhiều hệ phái triết học cũng như tôn giáo ra đời, và giữa họ luôn có những cuộc tranh luận quyết liệt về giáo thuyết để phân định cao thấp. Đức Phật không bao giờ muốn tham gia vào những cuộc tranh luận giáo thuyết như vậy. Ngài từng bảo rằng, chỉ có đời tranh chấp với Ngài chứ Ngài không hề tranh chấp với đời. Với quan điểm đó, Đức Phật không hề tìm đến tranh luận với một ai, tuy nhiên Ngài vẫn trở thành một trong những đối tượng mà những đạo sư hiếu biện luôn muốn tìm đến tranh luận. Nhưng theo nhìn nhận của vua Ba-tư-nặc, những Sa môn Phạm chí dù thông minh trí tuệ, thuộc làu kinh điển, đàm luận thông suốt và có danh tiếng đến đâu, khi gặp Đức Phật vẫn không dám tranh luận. Có một số vị đến để tranh luận, nhưng khi nghe Đức Phật trả lời thì đã vui mừng cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, có người đã quy y theo, cũng có người đã xuất gia thọ giới và chứng đắc Thánh quả. Chính vì nhìn thấy như vậy, nhà vua đã cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện, vì có công năng hàng phục người khác.
Nhà vua lại cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện vì nó có sức mạnh cảm hóa. Ông đã loại suy như vậy từ chính kinh nghiệm bản thân. Ở địa vị của một bậc đế vương, ông có quyền quyết định mọi việc, ngay cả việc sinh tử của kẻ khác. Một vị vua thời xưa ở bất kỳ xã hội nào cũng đều đầy quyền uy. Nhưng mà khi ngồi trên ngai vàng giải quyết quốc sự, ông vẫn không thể điều hành và dàn xếp ổn thỏa sự tranh cãi giữa các triều thần được. Vẫn có người không nghe theo lời ông. Trong khi đó, ông thấy Đức Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh, chỉ một người ngủ gật và ngáy phát ra tiếng động, người ngồi bên thấy vậy nhắc nhở thì người kia bèn im lặng. Ông nghĩ rằng Đức Thế Tôn là bậc Điều ngự, vì Ngài không cần dùng đến đao trượng, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn phúc lạc. Giáo pháp như vậy có công năng hy hữu và giáo pháp ấy là toàn thiện.
Ông lại cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện vì dù không dùng quyền uy vẫn khiến cho người khác cung kính. Nhà vua thấy rằng, hai vị quan của ông được ông ban phát tiền tài bổng lộc; đời sống của họ tùy thuộc vào ông nhưng ông vẫn không thể khiến cho hai vị quan này cung kính, phụng hành ông như họ đã cung kính đối với Đức Thế Tôn. Và đó là cách loại suy pháp của ông để cho rằng giáo pháp của Phật là toàn thiện và chúng Tỳ kheo của Ngài thật đáng quy hướng.
Lại trong một lần xuất chinh, khi nghỉ qua đêm trong một ngôi nhà nhỏ, nhà vua đã nhận thấy rằng hai vị quan này vào lúc đầu hôm ngồi kiết già im lặng tĩnh toạ, đến nửa đêm khi họ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ biết Đức Phật đang trú ngụ, còn chân thì quay về phía nhà vua, và ông nghĩ hai vị này đã tôn kính Đức Phật hơn cả ông, đến độ không màng đến những lợi ích trước mắt. Và từ đó ông loại suy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện.
Theo như những gì bài kinh này cho biết, vua Ba-tư-nặc đã loại suy những điều đề cập ở trên khi đang ở tuổi 80, độ tuổi mà người ta có thể cảm nhận sâu sắc về bản chất cuộc đời sau khi đã trải qua sanh-lão-bệnh và đang sắp đi đến giai đoạn cuối cùng là tử. Cách loại suy của ông thuần túy dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân mà không phải dựa trên lý thuyết. Trong thực tế, giáo pháp của Đức Phật là con đường sống. Và hẳn vua Ba-tư-nặc sẽ có một cái nhìn khác về giáo pháp nếu con đường sống đó đã không được các đệ tử Phật thực hành.
Nghiệp Đức (Nguyệt San Giác Ngộ số 172)
Trước hết, vua Ba-tư-nặc cho rằng giáo pháp của Đức Thế Tôn là toàn thiện bởi vì theo ông, giáo pháp đó đã đưa đến vô tranh, đem lại hòa hợp và tương kính lẫn nhau giữa những người thực hành nó. Bằng chứng là khi ngồi trên ngai vàng, ông đã nhìn thấy cha mẹ tranh chấp với con cái, con cái tranh chấp với cha mẹ, anh chị em cho đến thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, cha mẹ nói xấu con cái, con cái nói xấu cha mẹ, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Là người thân trong cùng một gia đình mà còn như vậy thì những người không thân thích với nhau hẳn còn tệ hơn.
Trong khi ấy, chúng Tỳ kheo của Đức Phật tu hành phạm hạnh, nếu có Tỳ kheo nào gây ít nhiều lỗi lầm, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Đức Phật, không nói xấu Pháp, không nói xấu Tăng mà chỉ chê trách mình xấu xa thiếu đức hạnh, đã không theo Thế Tôn sống phạm hạnh suốt đời. Các Tỳ kheo sống lục hòa, tương kính lẫn nhau, không tranh chấp hơn thua. Với thấy biết như vậy, từ đó nhà vua loại suy giáo pháp do Đức Phật thuyết giảng là toàn thiện và đệ tử của Ngài đã thực hành nó một cách trọn vẹn.
Giáo pháp của Đức Phật được xem như là con đường sống. Con đường sống đó đem lại an bình lợi lạc, thoát khỏi các tranh chấp, từ bỏ hiềm hận. Như vậy, những đệ tử của Đức Phật, nếu người nào vẫn còn ưa thích tranh chấp, nói xấu, chỉ trích, bôi nhọ lẫn nhau thì thật sự đang đi ngược lại lời dạy của Đức Phật, và mỗi khi đã đi ngược lại lời dạy của Đức Phật thì vị ấy không còn là đệ tử của Ngài nữa, dù đang ở trong hàng ngũ nào của bốn chúng đệ tử.
Thứ đến, nhà vua lại nghĩ rằng giáo pháp của Đức Phật toàn thiện vì giáo pháp đó đưa đến xả ly các dục, xa rời chấp thủ, đem lại đời sống phạm hạnh. Ông đã trình bày quan điểm của mình về điều này như sau: "Bạch Thế Tôn, con thấy một Sa môn Phạm chí khác đã ít nhiều thực hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xả bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy sự cần thiết của việc xuất ly khỏi tham dục. Bạch Thế Tôn, còn ở đây con thấy các Tỳ kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra, con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, pháp của Đức Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thực hành" (kinh Pháp Trang Nghiêm, bản dịch của thầy Tuệ Sĩ).
Xả ly các dục, xa rời chấp thủ là một trong những điều kiện cần để thực hành đời sống phạm hạnh. Người đệ tử Phật luôn được khuyên là nên giảm bớt các ham muốn, điều được xem là gây chướng ngại trên con đường thực hành tâm linh. Những ai vẫn còn quá nhiều ham muốn, thích chất chứa tích cóp của cải bằng bất cứ hình thức nào, thì thật sự đang sống một đời sống không phù hợp với tinh thần Đức Phật đã dạy. Vật chất là điều kiện cần thiết để duy trì đời sống, nhưng trong hành trình tu tập, đặc biệt đối với người xuất gia, việc quá tham đắm vật chất, đam mê dục lạc lại là điều chướng ngại cho việc thực hiện đời sống phạm hạnh.
Rồi nhà vua lại loại suy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện bởi vì nó có công năng hàng phục những Sa môn Phạm chí.
Vào thời Đức Phật, có rất nhiều hệ phái triết học cũng như tôn giáo ra đời, và giữa họ luôn có những cuộc tranh luận quyết liệt về giáo thuyết để phân định cao thấp. Đức Phật không bao giờ muốn tham gia vào những cuộc tranh luận giáo thuyết như vậy. Ngài từng bảo rằng, chỉ có đời tranh chấp với Ngài chứ Ngài không hề tranh chấp với đời. Với quan điểm đó, Đức Phật không hề tìm đến tranh luận với một ai, tuy nhiên Ngài vẫn trở thành một trong những đối tượng mà những đạo sư hiếu biện luôn muốn tìm đến tranh luận. Nhưng theo nhìn nhận của vua Ba-tư-nặc, những Sa môn Phạm chí dù thông minh trí tuệ, thuộc làu kinh điển, đàm luận thông suốt và có danh tiếng đến đâu, khi gặp Đức Phật vẫn không dám tranh luận. Có một số vị đến để tranh luận, nhưng khi nghe Đức Phật trả lời thì đã vui mừng cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, có người đã quy y theo, cũng có người đã xuất gia thọ giới và chứng đắc Thánh quả. Chính vì nhìn thấy như vậy, nhà vua đã cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện, vì có công năng hàng phục người khác.
Nhà vua lại cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện vì nó có sức mạnh cảm hóa. Ông đã loại suy như vậy từ chính kinh nghiệm bản thân. Ở địa vị của một bậc đế vương, ông có quyền quyết định mọi việc, ngay cả việc sinh tử của kẻ khác. Một vị vua thời xưa ở bất kỳ xã hội nào cũng đều đầy quyền uy. Nhưng mà khi ngồi trên ngai vàng giải quyết quốc sự, ông vẫn không thể điều hành và dàn xếp ổn thỏa sự tranh cãi giữa các triều thần được. Vẫn có người không nghe theo lời ông. Trong khi đó, ông thấy Đức Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh, chỉ một người ngủ gật và ngáy phát ra tiếng động, người ngồi bên thấy vậy nhắc nhở thì người kia bèn im lặng. Ông nghĩ rằng Đức Thế Tôn là bậc Điều ngự, vì Ngài không cần dùng đến đao trượng, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn phúc lạc. Giáo pháp như vậy có công năng hy hữu và giáo pháp ấy là toàn thiện.
Ông lại cho rằng giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện vì dù không dùng quyền uy vẫn khiến cho người khác cung kính. Nhà vua thấy rằng, hai vị quan của ông được ông ban phát tiền tài bổng lộc; đời sống của họ tùy thuộc vào ông nhưng ông vẫn không thể khiến cho hai vị quan này cung kính, phụng hành ông như họ đã cung kính đối với Đức Thế Tôn. Và đó là cách loại suy pháp của ông để cho rằng giáo pháp của Phật là toàn thiện và chúng Tỳ kheo của Ngài thật đáng quy hướng.
Lại trong một lần xuất chinh, khi nghỉ qua đêm trong một ngôi nhà nhỏ, nhà vua đã nhận thấy rằng hai vị quan này vào lúc đầu hôm ngồi kiết già im lặng tĩnh toạ, đến nửa đêm khi họ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ biết Đức Phật đang trú ngụ, còn chân thì quay về phía nhà vua, và ông nghĩ hai vị này đã tôn kính Đức Phật hơn cả ông, đến độ không màng đến những lợi ích trước mắt. Và từ đó ông loại suy giáo pháp của Đức Phật là toàn thiện.
Theo như những gì bài kinh này cho biết, vua Ba-tư-nặc đã loại suy những điều đề cập ở trên khi đang ở tuổi 80, độ tuổi mà người ta có thể cảm nhận sâu sắc về bản chất cuộc đời sau khi đã trải qua sanh-lão-bệnh và đang sắp đi đến giai đoạn cuối cùng là tử. Cách loại suy của ông thuần túy dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân mà không phải dựa trên lý thuyết. Trong thực tế, giáo pháp của Đức Phật là con đường sống. Và hẳn vua Ba-tư-nặc sẽ có một cái nhìn khác về giáo pháp nếu con đường sống đó đã không được các đệ tử Phật thực hành.
Nghiệp Đức (Nguyệt San Giác Ngộ số 172)