Câu Chuyện Của Trái Tim
Ta hãy sống với mọi người bằng tấm lòng, thì tấm lòng của ta sẽ có trong tấm lòng của mọi người. Hạnh phúc chưa từng có với ta, là vì ta chưa từng sống với ta và với tất cả mọi người bằng tất cả tấm lòng.
Ta chưa từng sống đàng hoàng với ta, chưa từng sống hết lòng với ta, thì ta làm gì mà có được chất liệu đàng hoàng và có một tấm lòng đàng hoàng để hiến tặng cho người.
Cách đây hơn mười năm, có nhiều sinh viên Mỹ đến Việt Nam nghiên cứu, họ đến Tổ đình Từ Hiếu xin tôi nghe pháp thoại và hướng dẫn thiền tập.
Bấy giờ, tại Thiền đường Trăng Rằm, Tổ đình Từ Hiếu, tôi đã chia sẻ pháp thoại cho họ, Thầy Từ Niệm và thầy Minh Nguyện làm thông dịch. Trong bài pháp thoại tôi nói: “Hạnh phúc đến với chúng ta không phải từ quyền uy, tiền bạc, trí thức và lại càng không phải từ những vị trí khác biệt của mình trong xã hội, mà nó đến với chúng ta từ tấm lòng. Vì vậy, chúng ta cần phải biết chăm sóc tấm lòng của chúng ta, đừng để cho nó bị lu mờ và thương tích. Trong đời sống, nếu con người muốn có hạnh phúc, thì yếu tố đầu tiên là con người phải biết chăm sóc tấm lòng của mình, cho thật trong sáng, đừng để cho nó bị thương tích và lu mờ. Và trong sự quan hệ giữa người và người, thì chúng ta hãy đem tất cả tấm lòng mà đến với nhau để sống với nhau và chăm sóc nhau”.
Sau đó, tôi hướng dẫn họ đi thiền hành ba vòng ở chung quanh Thất Lắng Nghe với những bước chân có ý thức và sâu lắng.
Thiền hành xong, một cô sinh viên người Mỹ, đã đem tặng tôi với một trái tim bằng máu. Tôi hỏi, tại sao bạn có trái tim nầy? Cô ấy kể, đây là trái tim mà Mẹ tôi đã làm ra và trao cho tôi. Mẹ tôi đã tạo ra hình trái tim mà chung quanh bằng những gai nhọn và bà đã sơn đỏ trái tim ấy, nơi những lỗ bị gai nhọn đâm thủng.
Trước khi trao trái tim ấy cho tôi, Mẹ tôi nói: “Trái tim của Mẹ rất đau khổ và đã bị thương tích nhiều bởi những gai nhọn tình yêu. Và Mẹ tôi nói, Ba con là một trong những thủ phạm tạo nên trái tim nầy”. Cô ấy kể tiếp, Cha cô đã chia tay với Mẹ cô, để sống với một người đàn bà khác, khi cô mới hai tuổi. Từ đó, cô ta ở với Mẹ, được Mẹ nuôi dưỡng chăm sóc và cho ăn học, đến sinh nhật năm mười tám tuổi, thì Mẹ cô lại trao cho cô trái tim nầy. Mẹ cô nói với cô rằng: “Đây là kỷ vật lớn nhất và quá đắt đối với Mẹ, và bây giờ là ngày sinh nhật thứ mười tám của con, Mẹ tặng cho con trái tim nầy, để con có thêm những kinh nghiệm học hỏi một cách thực tế trong đời sống con người”.
Nghe cô ấy kể, tôi ngồi yên lắng, thở thật sâu và đưa đôi mắt nhìn thẳng vào mặt của cô ta với tất cả tấm lòng và hỏi: Trái tim của Mẹ có một kỷ niệm lớn và có một giá rất đắt đối với cô như vậy, nhưng tại sao cô lại đem tặng cho tôi?”.
Cô ấy nói, qua pháp thoại và đi thiền hành, tôi thấy trái tim tôi đã được phục hồi và trái tim của Mẹ tôi cũng đã được phục hồi qua trái tim tôi sáng nay. Vì vậy, tôi tặng trái tim nầy, cho Thầy, để Thầy có nhiều cơ hội chia sẻ những vấn đề nầy cho nhiều người nữa.
Tôi chắp tay cảm ơn cô ta, và cô ta đã mỉm cười, rồi cũng chắp tay lại cảm ơn tôi và nói xin tạm biệt!
Như vậy, ta thấy hễ đến với nhau, bằng tất cả tấm lòng, thì không có vết thương nào nơi trái tim của ta là không được trị liệu và chuyển hóa.
Thích Thái Hòa
http://www.thuviencophap.org
http://www.thuviencophap.org