Đối diện với một thực tại khá kinh hoàng

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Chương Chín

Chuẩn bị trước khi ngồi thiền

Ở những nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông (Theravada), các thiền sinh thường bắt đầu giờ ngồi thiền bằng cách đọc tụng một số nghi thức. Một người đứng ngoài có thể nhìn sơ qua những lời đọc tụng này và cho rằng chúng chỉ là những nghi thức vô thưởng vô phạt chứ không có gì đặc biệt.

Nhưng thật ra, cá mà ta gọi là “nghi thức” đó đã được đặt ra và cải hóa bởi những bậc tu hành tinh chuyên và có một tinh thần thực tiễn. Và vì vậy chúng có một mục tiêu rất là cụ thể, ta nên cần tìm hiểu thêm cho sâu sắc.

Vào thời của ngài, Đức Phật được xem như là một người đi ngược lại chiều hướng xã hội. Ngài sinh trưởng trong một xã hội chịu ảnh hưởng rất nặng nề của những hình thức cúng tế và lễ nghi rườm ra, phức tạp. Và chủ trương của ngài là đả phá sự sùng bái những hình tượng và thần thánh của các giai cấp thống trị vào thời ấy.

Ngài đã nhiều lần bài xích những cách sử dụng nghi lễ một cách mù quáng, và ngài rất cứng rắn trong vấn đề này. Nhưng điều đó không có nghĩa là các nghi lễ không có công dụng gì, mà chỉ có nghĩa là việc thực hành các nghi lễ tự nó không thể cho bạn được giải thoát.

Nếu bạn tin rằng những lời tụng niệm tự nó có khả năng cứu giúp được bạn, bạn sẽ bị phụ thuộc và mắc kẹt vào những câu chữ và khái niệm. Điều này khiến cho bạn rời xa sự trực nhận thực tại. Vì vậy, những nghi thức mà tôi sắp trình bày ở đây cần phải được thực hành với một sự hiểu biết rõ ràng về ý nghĩa cũng như lý do vì sao chúng mang lại hiệu quả.

Chúng không phải là những câu thần chú có năng lực kỳ bí. Chúng chỉ là những phương cách thanh lọc tâm, đòi hỏi nơi ta một sự tham gia tích cực mới có được kết quả. Những lời tụng đọc lầm thầm vô ý thức sẽ không mang lại một lợi ích nào hết. Thiền quán là một hoạt động tâm lý rất tinh tế, và tâm trạng của hành giả là yếu tố chính quyết định sự thành công.

Phương pháp này có hiệu quả nhất trong một không khí tĩnh lặng, thân thiện và tự tin. Và những lời đọc nảy cũng nhằm một mục đích nuôi dưỡng những đức tính ấy. Sử dụng đúng cách, chúng có thể là những công cụ nhiệm mầu giúp đỡ ta rất nhiều trên con đường tu tập.

Ba sự hướng dẫn

Thiền tập là một việc khá gian nan. Tự thân nó là một công việc cô độc. Một mình ta chiến đấu chống lại những năng lực rất to lớn, những khó khăn nằm sâu kín trong tâm thức. Và khi tiến vào sâu hơn, cuối cùng ta sẽ phải đối diện với một thực tại khá kinh hoàng.

Một ngày nào đó, ta nhìn lại và ý thức được sự to tát khổng lồ của cái năng lượng mà mình đang chống lại. Bạn có cảm tưởng như mình đang cố gắng chọc thủng một bức tường đá chặt cứng mà không một tia sáng nào nhỏ nào có thể xuyên qua nổi. Bạn ngồi đó nhìn đăm đăm vào chướng ngại vật ấy và tự hỏi: “Cái đó sao? Mình phải vượt qua cái đó sao? Nhưng làm sao có thể được? Tất cả chỉ có nó thôi. Nó là cả thế giới này. Nó là tất cả những gì có mặt, và nó là cái mà tôi dùng để tự biết mình và hiểu được những gì đang xảy ra chung quanh tôi. Nếu tôi phá vỡ nó đi thì thế giới này sẽ sụp đổ, và tôi sẽ chết. Không cách nào tôi vượt qua được. Nhất định là không cách nào!”

Đó là một cảm giác rất đáng sợ,một cảm giác rất cô độc. Bạn có cảm tưởng rằng: “Giờ đây chỉ có mỗi mình tôi, đơn độc, cố gắng kình chống lại một cái gì to tát đến độ vượt ra ngoài mọi khái niệm.”

Để hóa giải cảm giác đó, bạn nên nhớ rằng bạn không bao giờ lẻ loi một mình cả. Trước bạn đã có biết bao nhiêu người đi qua đây rồi. Họ cũng gặp phải chướng ngại đó, và họ cũng đã vượt qua được phía bên kia ánh sáng. Họ đã ghi lại những nguyên tắc giúp cho ta làm được việc ấy, và họ cũng kết hợp với nhau thành một nhóm để hỗ trợ và nương tựa lẫn nhau.

Đức Phật cũng đã từng đối diện và vượt qua chính bức tường ấy, và sau ngài còn biết bao nhiêu người nữa. Đức Phật đã để lại những hướng dẫn qua hình thức giáo pháp, Dhamma, để giúp chúng ta đi theo con đường của ngài.

Và ngài thành lập một tăng đoàn, Shangha, gồm những tu sĩ xuất gia, để giúp duy trì giáo pháp và giúp đỡ lẫn nhau. Bạn không bao giờ cô đơn cả, và tình trạng không vô vọng như bạn nghĩ.

Thiền tập cần một năng lượng. Bạn cần nhiều cam đảm để đối diện với những hiện tượng tâm lý khá khó khăn, và sự cương quyết ngồi yên chịu đựng những trạng thái tâm thức rất khó chịu. Sự lười nhác sẽ không giúp được gì.

Để phát huy một năng lượng hỗ trợ ta trong lúc ngồi thiền, bạn hãy niệm thầm những lời dưới đây. Hãy cảm nhận được ý muốn thành thật của mình trong đó. Và tin vào những gì mình nói.

Tôi sắp sửa bắt đầu bước đi theo trên con đường mà đức Phật và các đệ tử của ngài đã đi. Một kẻ biếng nhác sẽ không thể nào theo nổi. Xin nguyện cho năng lượng của tôi được tràn đầy. Xin nguyện cho tôi được thành công.”

http://phattuvietnam.net/tuhoc/***/10966.html
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Niệm tâm từ

Thiền quán là một sự thực tập chính niệm, có nghĩa là một ý thức vô ngã, không cần đến một cái tôi. Trong thiền quán, cái tôi sẽ bị diệt trừ tận gốc rễ bằng năng lực quán chiếu của chính niệm.

Lúc mới bắt đầu, hành giả thực tập với một cái tôi hoàn toàn làm chủ thân và tâm. Dần dần, khi chính niệm quán sát và theo dõi các chức năng ấy, nó sẽ xuyên thấu đến tận gốc rễ của cái ngã, và làm tan rã nó ra.

Nhưng quá trình ấy nghe qua cũng có vẻ hơi khó hiểu. Chính niệm là một ý thức vô ngã. Nếu chúng ta bắt đầu với một cái ngã hoàn toàn làm chủ, thì làm sao ta có thể áp dụng chính niệm vào ngay lúc đó, để có thể khởi đầu bằng một sự chuyển hóa?

Thật ra, lúc nào chính niệm cũng có mặt, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Vấn đề là làm sao ta có thể tích tụ đầy đủ năng lượng để nó có thể trở thành hữu hiệu. Muốn thực hiện được việc ấy, chúng ta cần áp dụng một phương cách khéo léo.

Ta làm suy yếu đi những khía cạnh nguy hại nhất của cái ngã, và từ đó chính niệm sẽ phát huy dễ dàng hơn. Tham lam và sân hận là hai biểu hiện chính của một cái ngã, cái tôi. Hai yếu tố này lúc nào cũng có mặt trong tâm, và nó cũng gây nhiều trở ngại cho chính niệm.

Điều này rất dễ thấy. Nếu bạn ngồi thiền trong khi tâm mình đang dính mắc hoặc say mê về một điều gì, bạn sẽ bỏ hết thời giờ ngồi thiền của mình ra chỉ để toan tính về việc ấy. Và nếu như bạn đang bực tức vì lời nói của một người nào đó, tâm ý bạn trong khi ngồi thiền cũng sẽ chỉ quan tâm đến vấn đề ấy.

Một ngày của ta chỉ giới hạn có bấy nhiêu đó thời giờ, và giờ ngồi thiền của ta vô cùng quý giá. Đừng bao giờ lãng phí nó. Trong truyền thống Nam tông, có một phương cách giúp ta hóa giải những chướng ngại này trong tâm, dầu chỉ tạm thời , để ta có thể ngồi thiền được an ổn, và nhờ đó có thể bứng nhổ chúng một lần cho tận gốc.

Bạn có thể dùng một ý tưởng này để xóa bỏ một ý tưởng kia. Bạn có thể làm trung hòa một cảm xúc tiêu cực bằng cách khơi lên một cảm xúc tích cực. Bố thí có thể đối trị được lòng tham. Tình thương có thể đối trị được lòng sân hận. Nhưng bạn nên nhớ điều này: đây không phải là một cố gắng tự giải thoát bằng tự kỷ ám thị. Ta không thể điều kiện hóa sự giác ngộ của mình.

Niết –bàn là một trạng thái vô điều kiện. Một người giải thoát bao giờ cũng rộng rãi và tư bi, nhưng không phải vì họ đã được luyện tập như vậy. Họ được như vậy bởi vì đó là những biểu lộ tự nhiên của tự tính mình,không còn chấp vào một cái ngã nữa.

Đó không phải là bị điều kiện hóa. Đó là những phương thuốc thần diệu để trị liệu tâm ra. Nếu bạn biết dùng thuốc ấy đúng theo lời chỉ dẫn, nó sẽ tạm thời mang lại một sự nhẹ nhàng và giảm bớt những khổ đau trong tâm. Và từ đó, bạn sẽ có thể thực tập chuyển hóa ngay chính gốc rễ của căn bệnh mình.

Trước hết, bạn bắt đầu bằng cách buông bỏ hết những tu tưởng tự lên án, tự thù ghét mình trong tâm. Trước hết, bạn hướng những cảm thụ tích cực, những lời mong cầu tốt đẹp đến cho chính mình, điều này tương đối dễ.

Kế tiếp, bạn làm như vậy đối với những người thân thiết nhất của mình. Dần dần, bạn tiếp tục nới rộng vòng thương yêu ấy ra, cho đến khi nào bạn có thể hướng những tình cảm tốt lành và tình thương đến với những kẻ thù của mình,và đến với mọi chúng sinh ở khắp nơi.

Trước khi bắt đầu ngồi thiền, bạn hãy niệm thầm những lời dưới đây. Hãy thật sự cảm nhận được sự thành tâm của mình:

“Mong sao cho tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho tôi không bị nguy hiểm. Mong sao cho tôi không gặp khó khăn. Mong sao cho tôi không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho tôi lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho tôi luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho ba má tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho các bậc thầy của tôi đều được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho tất cả những người thân của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho các bạn của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho tất cả những người tôi không quen biết đều được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho tất cả những kẻ thù của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

“Mong sao cho tất cả mọi chúng sinh đều được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”

Sau khi đọc thầm xong những lời ấy, bạn hãy bỏ qua hết một bên những rắc rối, khó khăn và bất hòa của mình, trong suốt thời gian ngồi thiền. Buông bỏ một lượt hết tất cả. Nếu trong khi ngồi thiền chúng có khởi lên, cứ xem chúng như một tư tưởng xao lãng khác.

Chúng ta cũng nên thực tập bài tập ban rải tâm từ này mỗi tối trước khi đi ngủ, và mỗi sáng khi vừa thức dậy. Bài tập này có thể giúp ta có được một giấc ngủ an lành không mộng mị. Nó cũng giúp ta thức dậy tươi tỉnh hơn. Và nó giúp cho ta trở nên cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người, thù hay bạn, với tất cả mọi sinh linh, cỏ cây và đất đá.

Sự sân hận là một yếu tố kích động tinh thần nguy hại nhất có thể khởi lên trong ta, nhất là khi tâm được tĩnh lặng. Bạn có thể cảm thấy một nỗi căm phẫn khi nhớ lại một việc nào đó xảy ra trong quá khứ, đã gây cho bạn một nỗi đau tinh thần hoặc thể xác.

Nó tạo cho bạn một sự bất an, căng thẳng, bực dọc và lo lắng. Nó khiến bạn không thể nào an ổn để tiếp tục ngồi thiền được nữa. Vì vậy, tôi khuyên bạn, bao giờ cũng nên bắt đầu giờ ngôi thiền bằng cách thực tập bài niệm về tâm từ này.

Bạn có thể thắc mắc, làm sao mà mình có thể “Mong sao cho tất cả những kẻ thù của tôi được khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ không bị nguy hiểm. Mong sao cho họ không gặp khó khăn. Mong sao cho họ không gặp những vấn đề khó xử. Mong sao cho họ lúc nào cũng gặp thành công. Mong sao cho họ luôn có kiên nhẫn, can đảm, và sự cương quyết để vượt qua hết mọi khó khăn, thất bại và khổ đau không tránh khỏi trong đời sống.”
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Bạn nên nhớ điều này, bạn thực tập niệm tâm từ là để thành lọc tâm mình, cũng giống như bạn ngồi thiền là để có được hạnh phúc và an vui cho chính mình, để ta không còn khổ đau nữa.

Và khi bạn thực tập có tâm từ với chính mình, bạn sẽ hành động và xử sự với cùng một thái độ ấy, không phân biệt, không thù oán, và không phán xét.

Thái độ cao quý ấy sẽ cho phép bạn giúp được những người chung quanh mình, có những hành động cụ thể để làm giảm bớt khổ đau của họ. Chỉ những ai có tâm từ mới có thể thực sự giúp được kẻ khác mà thôi.

Tâm từ là một biểu hiện của tình thương được thể hiện ra bằng hành động. Vì thiếu tình thương ta sẽ không thể nào giúp được ai điều gì hết. Một thái độ cao quý có nghĩa là xử sự với một tinh thần thân ái.

Thái độ bao gồm cả ý nghĩ, lời nói và việc làm của ta. Nếu một trong ba cái đó mâu thuẫn với nhau tức là có một điều gì sai trật, mà một thái độ mâu thuẫn thì không thể nào là một thái độ cao quý được.

Hơn nữa nuôi dưỡng một thiện tâm “Mong sao cho mọi người đều hạnh phúc” bao giờ cũng tốt lành hơn là “Tôi thù ghét hắn”. Tư tưởng thiện lành của ta rồi một ngày nào đó sẽ biểu hiện ra thành những việc làm cao thượng, và ngược lại, những tư tưởng thù ghét sẽ phát sinh hành động xấu xa.

Bạn nên nhớ, những tư tưởng của ta cuối cùng sẽ biến thành lời nói và hành động để mang lại kết quả. Và khi tư tưởng chuyển sang hành động, chúng sẽ mang lại những hậu quả rõ rệt. Vì vậy, bạn lúc nào cũng nên nói và làm trong một tâm từ.

Khi tâm từ trong ta được phát triển, những ý nghĩ, lời nói và hành động của ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, chân thật, có ý nghĩa, có lợi ích cho mình và người chung quanh. Còn nếu ý nghĩ, lời nói hoặc hành động của ta gây khổ đau cho mình hoặc cho người khác, ta nên dừng lại và tự hỏi: Mình thật sự có thực tập tâm từ hay không?

Thực tế mà nói, nếu tất cả những kẻ thù của ta đều khỏe mạnh, hạnh phúc và an vui, họ đã không là kẻ thù của ta! Nếu họ không có vấn đề, khó khăn, đau đớn, khổ sở, ưu phiền, rối trí, căng thẳng, sợ hãi, bất an… họ đâ không trở thành kẻ thù của ta! Vì vậy, phương cách hay nhất để đối trị các kẻ thù là giúp họ chuyển hóa những vấn đề của họ, và nhờ đó ta cũng được sống trong an vui và hạnh phúc.

Thật ra, nếu được, bạn hãy giúp kẻ thù của mình thực tập niệm tâm từ, giúp họ biết được thế nào là một chân hạnh phúc. Vì họ càng căng thẳng, bất an, rối trí bao nhiêu, họ lại càng mang lại khổ đau và nhiều bất ổn cho cuộc đời bấy nhiêu.

Nếu bạn có thể chuyển hóa một người hung dữ và ác độc trở thành một người thánh thiện và từ bi, đó là bạn đã thực hiện được phép lạ. Hãy nuôi dưỡng tâm từ trong ta để chuyển hóa những tâm bất thiện trở thành những tâm hồn thánh thiện.

Khi chúng ta ghét một ai, ta thường nghĩ “Cầu sao cho hắn thật xấu xí, cho hắn chết trong đau đớn, cho hắn nghèo đói. Cầu sao cho hắn không được giàu có, không được danh tiếng, cho hắn phải cô đơn suốt đời. Cầu sao cho sau khi chết hắn sẽ tái sinh vào một cõi xấu xa và bị khổ đau vĩnh viễn…”

Nhưng thật ra, trong khi bạn có những tư tưởng đó, thì chính cơ thể của bạn đang phát ra những chất hóa học nguy hại, bạn sẽ cảm thấy một sự đau đớn, tim đập mạnh, người căng thẳng, gương mặt trở nên cau có, mất ăn, mất ngủ, và rất khó chịu với những người chung quanh.

Bạn đang phải chịu đựng và trải qua những gì bạn nguyền rủa kẻ thù mình. Và lúc ấy, bạn cũng không còn nhìn thấy sự thật được nữa. Tâm bạn như một bình nước sôi sùng sục. Bạn không còn nhìn thấy được những gì hay đẹp trong kẻ khác. Trong tình trạng ấy, chắc chắn ta không thể nào an ổn ngồi thiền được!

Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa về sự cần thiết của sự thực tập niệm tâm từ trước khi ngồi thiền. Bạn hãy đọc thầm những câu ban rải tình thương ấy trong chính niệm và với một sự chân thành. Khi bạn niệm thầm những lời ấy, hãy cảm nhận được tình thương đối với chính mình trước, rồi sau đó ban rải chúng đến những người khác. Vì chúng ta không thể chia sẻ những gì mình không có!

Nhưng dầu sao bạn cũng nên nhớ rằng, đây không phải là những nghi thức thần diệu. Tự thân chúng không thể nào mang lại kết quả. Nếu không hiểu được điều ấy, bạn sẽ chỉ phí thời giờ và công sức của mình mà thôi. Nhưng nếu bạn thật sự để tâm vào những lời ấy, chuyển tại năng lượng của mình vào trong đó, chúng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Bạn hãy thử đi và bạn sẽ thấy!

Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Rộng mở tâm hồn

Mời bạn đọc đón xem tiếp chương Mười: Những khó khăn trong lúc ngồi thiền

http://phattuvietnam.net/tuhoc/***/10966.html
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
thực tập thành thật với chính mình

Mặc dù trong thiền quán chúng ta có rất nhiều đề mục để quán chiếu, nhưng tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách tập trung sự chú ý vào hơi thở của mình. Điều đó giúp cho ta đạt được một mức định lực căn bản.

Nhưng các bạn nên nhớ, làm như vậy không có nghĩa là chúng ta cố gắng để nhập định, hay chỉ thuần túy thực hành thiền định mà thôi. Chúng ta đang thực hành thiền quán, chính niệm, và điều đó đòi hỏi ta phải có một định lực cơ bản.

Mục đích của chúng ta là thực tập chính niệm, phát huy tuệ giác để thấy được chân tính của hiện hữu. Ta muốn thấy được sự hoạt động và những liên hệ của thân tâm đúng như chúng đang thật sự hiện hữu. Ta muốn chuyển hóa được hết mọi phiền muốn, âu lo trong tâm thức, để mình thật sự có một đời sống an vui và hạnh phúc.

Tâm ta không thể nào thanh tịnh nếu ta không biết nhìn sự vật đúng như chúng đang thật sự hiện hữu. “Nhìn-sự-vật-đúng- như-chúng-đang-hiện-hữu”, đó là một tuyên bố khá quan trọng và cũng hơi mơ hồ. Nhiều thiền sinh mới thực tập khi nghe chúng tôi nói câu ấy thường rất thắc mắc, vì họ nghĩ trong chúng ta ai có mắt mà lại không “nhìn sự vật đúng như chúng đang thật sự hiện hữu” ?

Thật ra, chúng tôi dùng câu ấy để nói đến một tuệ giác do sự thực tập thiền quán.không có nghĩa là nhìn sự vật bằng một cái thấy nông cạn bề ngoài, nhưng thấy bằng một cái nhìn sâu sắc, bằng tuệ giác. Và nhìn bằng tuệ giác là nhìn sự vật trong khuôn khổ của thân-tâm mình, còn được gọi là danh –sắc, không bị ảnh hưởng bởi những ý niệm và định kiến vì tham, sân và si.

Thường thường, khi ta quán sát sự hoạt động của thân-tâm, ta có khuynh hướng xua đuổi những cảm thụ khó chịu và nắm giữ những cảm thụ nào dễ chịu. Một lý do là vì tâm ta lúc nào cũng bị ảnh hưởng bởi sự ham muốn, ghét bỏ và mê mờ của mình.

Cái tôi, cái ngã, ý kiến của mình lúc nào cũng xen vào và tô màu, làm sai lệch đi sự phán đoán của ta. Khi quán sát những cảm giác trong thân (bodily sensation) bằng chính niệm, ta không nên lầm lẫn chúng với các tâm hành (mental formation). Vì cảm giác có thể phát sinh độc lập với tâm thức.

Ví dụ, ta đang ngồi thoải mái. Một lúc sau, có thể có những cảm giác khó chịu nổi lên nơi lưng và ở chân. Tâm ta sẽ kinh nghiệm được những cảm giác khó chịu ấy ngay, và lập tức tạo nên một số ý nghĩ chung quanh cái cảm giác ấy.

Ngay lúc đó, thay vì để cho cảm thụ trở nên lẫn lộn với tâm hành, chúng ta nên phân biệt và tách rời cảm thụ ra, quán sát chúng dưới ánh sáng của chính niệm. Cảm thụ là một trong 7 tâm hành phổ thông, mà không có một tâm nào lại không có bảy yếu tố này. Bảy tâm hành phổ thông (Sabbacittasdhran) là xúc (Phassa), thọ (Vedan), tưởng (Sa), tư (Cetan), định (Ekaggat), nuôi dưỡng sự sống (Jvitindriya), và tác ý (Manasikra).

Những lúc khác, cũng có thể sẽ có những cảm xúc như là bất mãn, sợ hãi hoặc là ái dục sinh khởi. Trong những lúc này, chúng ta cũng cần theo dõi những cảm xúc ấy đúng thật như chúng đang hiện hữu, và không để chúng lẫn lộn với bất cứ một cái gì khác.

Khi chúng ta gom năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức – của mình thành một, và xem tất cả như là một cảm thụ duy nhất, ta sẽ bị lẫn lộn, vì ta không còn thầy được đâu là nguồn gốc của cảm thụ nữa.

Nếu chúng ta quán sát cảm thụ, nhưng không biết tách rời nó ra những tâm hành khác, ta khó có thể thấy được sự thật. Chúng ta muốn có tuệ giác để nhìn thấy rõ tự tính vô thường của vạn vật, nhờ đó mà vượt qua hết những khổ đau và sợ hãi của mình.

Một hiểu biết sâu sắc về khổ đau, sẽ giúp ta chiến thắng được những tham ái nào đã gây nên khổ đau. Một ý thức sâu sắc về vô ngã, sẽ giúp ta vượt thắng được những si mê phát sinh bởi một ý niệm về tự ngã. Có được những tuệ giác này, ta sẽ bắt đầu thấy được thân và tâm, danh –sắc, là hai tự thể riêng biệt.

Khi thấy rõ được sự riêng biệt ấy, ta cũng sẽ ý thức rằng chúng có một liên hệ vô cùng mật thiết với nhau. Và khi tuệ giác bắt đầu bén nhạy hơn, ta lại càng ý thức được rõ rệt năm uẩn của mình, tâm và sắc, lúc nào cũng hợp tác và hỗ tương lẫn nhau, cái này không thể có mặt mà không cần cái kia.

Chừng ấy, ta sẽ thật sự hiểu được tỉ dụ về một người mù có một thân thể khỏe mạnh, và một người tật nguyền nhưng có đôi mắt sáng. Hai người ấy đều bị giới hạn. Nhưng khi người tật nguyền có đôi mắt tốt leo lên vai người mù khỏe mạnh, cùng với nhau họ có thể đi khắp nơi và làm được những gì họ muốn.

Thân và tâm ta cũng tương tự như thế. Tự một mình, thân không thể làm gì được hết, nó cứng đơ như một khúc gỗ, không cử động hay nhúc nhích, chỉ nằm yên đó chịu định luật vô thường làm hư hoại và tam rã. Và tâm của ta nếu không có thân, cũng chỉ là vô dụng. Khi chúng ta quán sát thân và tâm dưới ánh sáng của chính niệm, ta có thể thấy được những điều kỳ diệu mà cả hai có thể cùng hợp tác làm nên.

Nhờ ngồi yên một chỗ mà ta có thể phát huy được niệm lực. Tham dự một khóa thiền vài ngày, hoặc vài tháng, để theo dõi hơi thở của mình, theo dõi nhận thức, vô số những tư tưởng, và mọi trạng thái tâm thức, sẽ giúp cho ta trở nên tĩnh lặng và an vui hơn.

Nhưng thường thường thì chúng ta đâu có thì giờ nhiều để dành cho việc ngồi yên một chỗ. Vì vậy, ta phải tìm cách áp dụng sự thực tập ấy vào đời sống hàng ngày, giúp chúng ta đối phó với tất cả những chuyện bất ngờ có thể xảy ra. Những gì chúng ta đối diện mỗi ngày, ta không bao giờ có thể đoán trước được. Chuyện xảy ra do nhiều nguyên nhân, và điều kiện khác nhau,vì chúng ta sống trong một thế giới vô thường, luôn thay đổi.

Chính niệm là cây chìa khóa, một cây đũa thần,luôn luôn có mặt để giúp đỡ ta. Giả sử như khi ta cảm thấy mình bị khinh thường, nếu có chính niệm, ta có thể khám phá ra nhiều sự thật khó ưa về mình. Ví dụ, có thể vì ta là một người ích kỷ, tự cao, ngã chấp, lúc nào cũng cho mình là đúng, ai khác cũng sai, ta có thành kiến, thiên vị, mà tất cả cũng bởi vì ta không thật sự biết thương mình… Sự khám phá ấy về con người thật của ta, tuy rất chói tai, nhưng đó lại là một tuệ giác to lớn nhất. Và trên con đường tu học, khám phá ấy giúp ta giải thoát ra khỏi mọi khổ đau và sợ hãi.

Thực tập chính niệm có nghĩa là thực tập thành thật với chính mình một trăm phần trăm. Khi ta nhìn sâu vào thân tâm, ta sẽ ghi nhận được một số điều về mình không được đẹp đẽ cho lắm. Và vì không thích, cho nên ta sẽ loại bỏ chúng đi.
 

gioidinhhue

Active Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
15 Thg 7 2010
Bài viết
950
Điểm tương tác
47
Điểm
28
Địa chỉ
PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
lắng nghe trong chính niệm

Chúng ta không thích những điều gì? Chúng ta không thích xa lìa người mình thương, hoặc phải sống với những người mình ghét. Không phải chúng ta chỉ thương ghét đối với con người, nơi chốn, và vật chất mà thôi, mà còn là những ý kiến, niềm tin và quyết định nữa.

Thường thì chúng ta không thích những gì tự nhiên xảy đến cho mình. Ví dụ như là chúng ta không thích già nua, bệnh tật, yếu đuối, chúng ta làm đủ mọi cách để giữ cho mình có được vẻ trẻ trung. Chúng ta không thích ai chỉ lỗi của mình, vì ta rất tự hào. Chúng ta cũng không thích ai có trí tuệ hơn mình, vì ta rất tự cao. Và đó chỉ là một vài thí dụ kinh nghiệm cá nhân của tham, sân và si.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi tham, sân, si nổi lên, biểu hiện ra, chúng ta sẽ dùng ánh sáng và năng lực của chính niệm để theo dõi và tìm đến gốc rễ của chúng. Gốc rễ của chúng nằm sâu kín ngay trong chính ta. Vì nếu như ta không có hạt giống của sân hận, sẽ không một ai có thể làm cho ta nổi giận được hết. Chính cái hạt giống sân hận có mặt trong ta, phản ứng lại với hành động hoặc lời nói của một người nào đó, khiến ta tức giận.

Nếu có chính niệm, ta sẽ kiên nhẫn dùng tuệ giác và tự quay nhìn lại chính mình. Nếu trong ta không có hạt giống của sân hận, ta sẽ không quan tâm hay bực mình gì khi có người khác chỉ lỗi của mình. Thay vì vậy, ta còn biết ơn người ấy đã giúp cho ta thấy được những lỗi lầm của mình. Người có chính niệm và tuệ giác sẽ cám ơn những ai đã giúp mình sửa lỗi, để ta thăng tiến nhanh hơn trên con đường tu học.

Trong tất cả chúng ta, ai cũng có khuyết điểm. Người chung quanh có thể là những tấm gương giúp ta thấy được những khuyết điểm của mình. Chúng ta phải biết xem những người chỉ lỗi cho ta như là những kẻ đã khám phá giúp ta những kho tàng quý giá còn chôn kín trong ta. Vì nhờ thấy được những lỗi lầm ấy mà ta có thể sửa đổi chúng,ta mới có thể thăng tiến được.

Con đường tự chuyển hóa là một con đường thẳng trực tiếp dẫn ta đến một sự toàn thiện, mục đích của sự tu tập. Trước khi sửa đổi thì ta cần phải thấy được những gì mình cần phải sửa đổi. Khi ấy và chỉ khi ấy, bằng cách chuyển hóa những khuyết điểm của mình, ta mới có thể phát triển được những cá tính hay đẹp vẫn còn đang bị vùi sâu trong tiềm thức. Như khi mắc bệnh, ta cần phải tìm cho ra nguyên nhân bệnh của mình. Chừng đó ta mới có thể tìm cách để chữa trị. Nếu ta cứ giả vờ như mình mạnh khỏe, không có đau khổ hay bệnh tật, ta sẽ không bao giờ đi tìm thuốc chữa.

Cũng thế, nếu ta không chịu nhận mình có lỗi lầm,ta sẽ không thể nào sửa đổi để tiến lên trên con đường tu học. Nếu như chúng ta không thấy được những khiếm khuyết của mình, ta cần phải nhờ đến người khác chỉ giúp cho ta. Và ta phải biết ơn người ấy, như Thầy Xá-lợi- phất nói: “ Dầu cho có một thầy sa di 7 tuổi chỉ cho tôi thấy những lỗi lầm của mình, tôi cũng sẽ kính trọng và ghi nhận với hết lòng thành kính.” Thầy Xá-lợi- phất là một người có năng lượng chính niệm rất cao, Thầy không bao giờ lầm lỗi. Nhờ Thầy không còn tự ái nên Thầy mới có được thái độ ấy. Mặc dù sự thực tập của chúng ta chưa đạt đến mức độ của Thầy Xá-lợi- phất, nhưng chúng ta cũng nên thực tập có thái độ ấy, vì mục đích sự tu tập của ta là để đạt được sự chứng đắc như Thầy.

Lẽ dĩ nhiên, người chỉ lỗi cũng chưa chắc gì hoàn toàn đã hết lỗi, nhưng dù vậy họ vẫn có thể thấy được lỗi lầm của ta, cũng như ta nhìn thấy những điều họ chưa biết đến, cho đến khi ta chỉ cho họ. Nhưng hành động ấy, chỉ lỗi của kẻ khác và phản ứng khi được người khác chỉ lỗi phải làm trong chính niệm. Nếu chúng ta sử dụng những từ ngữ nặng nề và khó nghe để chỉ lỗi người khác, điều đó sẽ tạo nên đổ vỡ và nguy hại hơn là mang lại lợi ích.

Một người bất mãn thì không thể nào có chính niệm, và không thể nào bày tỏ rõ ràng được. Một người cảm thấy bị tổn thương sẽ mất đi chính niệm, và không còn thật sự nghe người kia đang nói gì nữa. Chúng ta phải biết thực tập nói và lắng nghe trong chính niệm thì sự trao đổi mới có thể được nhiều hiệu quả. Khi chúng ta biết chia sẻ và lắng nghe trong chính niệm, tâm ta sẽ không còn bị ảnh hưởng, chi phối bởi những sự tham lam, nhỏ nhen, sân hận và si mê nữa.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên