Giữ giới là sự Tôn vinh Con người và Cuộc đời
Chúng ta đều biết Năm Giới (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa) và Mười Điều Thiện (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều – chẳng hạn nịnh bợ đâm thọc, không nói lời xấu ác, không nói lời thêu dệt, không tham dục, không sân hận, không tà kiến).
Cả Năm Giới và mở rộng ra Mười Điều Thiện đều áp dụng cho thân, khẩu, ý và bắt đầu bằng chữ “Không” phủ định. Không làm, vì làm thì sẽ chịu hậu quả, dầu hậu quả đó dễ thấy hay vi tế khó thấy.
Dĩ nhiên làm xấu thì phải có kết quả xấu, gieo nhân gì thì gặt quả ấy. Đó là định luật nhân quả.
Tất cả những chữ Không này dễ cho chúng ta nghĩ giới luật chỉ là sự cấm đoán, thậm chí răn đe, nghĩa là nằm trong mặt tiêu cực, mặt âm tính của đời sống. Ở đây chúng ta nói đến một phần nhỏ ý nghĩa tích cực của giới luật trong đời sống.
1. Tự trọng, không làm ô nhiễm và hư hoại thân khẩu ý của mình
Ai trong chúng ta dù sống thế nào, nghề nghiệp gì cũng muốn mình càng ngày càng tốt hơn, đúng hơn, đẹp hơn. Muốn hoàn thiện mình là một bản năng, một nhu cầu mà ai cũng có. Mà muốn hoàn thiện mình thì phải loại bỏ những khuyết điểm, những cái xấu ra khỏi thân tâm của mình và càng tích tập những cái tốt càng nhiều càng tốt.
Từ ngày con người còn hoang sơ trong các bộ lạc, cho đến thời trung cổ và thời hiện đại, không ai và không có xã hội nào nghĩ rằng mình càng nói dối nhiều thì mình càng tốt thêm, mình tà dâm thì người khác kính trọng mình hơn.
Quan niệm và phân biệt tốt, thiện và xấu, ác đã nằm sẳn trong tâm thức con người, và điều đó đã thể hiện trong phong tục, tập quán và cả luật pháp của con người.
Giới luật giúp cho con người tốt hơn, “hôm nay phải vượt hơn hôm qua”, loại bỏ cái xấu ác, xây dựng cái tốt thiện, nghĩa là một nhân cách có tiến bộ, tiến hóa, phát triển.
Trong sâu xa, người nào cũng thương yêu mình, kính trọng mình một cách vô thức. Kinh Pháp Cú nói: “Nếu thương yêu chính mình, phải khéo bảo vệ mình. Người trí trong ba canh, phải tỉnh giác phòng bị” (phẩm Tự Ngã); “Bậc trí bảo vệ thân, cũng bảo vệ lời nói. Bảo vệ cả tâm ý, ba nghiệp khéo bảo vệ” (phẩm Sân Hận).
Sở dĩ có sự thương yêu và kính trọng chính mình này, là vì mỗi người đều linh cảm sự vĩ đại vinh quang của mình, sự trở thành sau chót của mình, rằng mình là một vị Phật sẽ thành, dù lâu xa đến bao nhiêu đi nữa. Đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Các bậc giác ngộ đều đã nói trong kinh điển: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả mọi người đều có thể thành Phật”.
Để trở nên một nhân cách toàn thiện như các bậc giải thoát giác ngộ, các giới luật là không thể thiếu trong việc loại bỏ những cái bất thiện và trau dồi những cái thiện.
Thế nên sống giới luật là thương yêu và kính trọng chính mình, thương yêu và kính trọng cái tương lai sẽ hoàn hảo đến vô cùng của mình.
Giữ gìn và phát huy giới luật nơi tự thân là sự tôn trọng chính mình, sự tự trọng. Tôi không nói dối, không ăn trộm….vì tôi tự trọng, tự tôn trọng mình như một vị Phật sẽ thành.
Giới luật là mệnh lệnh của “vị thầy bên trong”, của “vị Phật bên trong”, mà một ngày nào tôi sẽ trở thành vị đó. Mệnh lệnh ấy đang nói với mỗi người: “Anh phải hoàn thiện chính mình”.
Tự trọng là giữ gìn và phát huy giới luật nơi mình, nghĩa là không làm ô nhiễm và hư hỏng thân khẩu ý của mình. Đó là sự tiến hóa, và cũng là ý nghĩa và giá trị của đời người.
2. Tôn trọng, không làm thoái hóa và hư hoại người khác và xã hội
Khi tôi giữ giới và làm điều thiện, tôi không chỉ đổi mới, cách mạng thân tâm của riêng tôi mà còn tác động đến những người khác. Trộm cướp là trộm cướp của ai, lừa dối là lừa dối ai, không tà dâm là không tà dâm với ai.
Thế nên, giữ giới và làm các điều thiện không chỉ là tôi tôn trọng chính mình, tôi muốn hoàn thiện chính mình mà còn là tôi tôn trọng người khác, tôi muốn hoàn thiện cho người khác.
Hơn nữa, giữ giới mà một hiệu quả của nó là sự tôn trọng và thương yêu, không chỉ tác động đến thế giới con người mà còn tác động đến thế giới của sinh vật và loài vô tình – cái mà ngày nay chúng ta gọi là môi trường. Tôi không liệng rác xuống sông hồ bởi vì tôi tự trọng, tôi tôn trọng và thương yêu người khác, mà còn vì tôi tôn trọng thương yêu loài vô tình như dòng sông, ao hồ, cây cối, đất đai, biển cả….
Giới luật là sự hài hòa giữa con người với nhau và với thế giới chung quanh trong Chân Thiện Mỹ.
3. Hiểu biết và Thương yêu
Với việc giữ và phát huy Năm giới và Mười Điều Thiện, chúng ta bắt đầu bước vào Hiểu Biết (mà PG gọi là Trí Huệ) và Thương Yêu (mà PG gọi là Từ Bi). Đây cũng là hai bánh xe chính của cổ xe (thừa) đưa chúng ta tiến tới trong con đường Phật đạo. Chỉ với giữ năm giới và làm mười điều thiện, chúng ta có thể hoàn thiện chính mình, xã hội và thế giới.
Giơi luật đúng với luật nhân quả, luật tiến hóa, luật phát triển của con người, xã hội và thế giới.
Giới luật là động lực căn bản để xây dựng cho cá nhân và xã hội trên con đường tiến tới văn minh. Con đường đó là sự chân thiện mỹ hóa con người và thế giới. Bởi vì giới luật là sự biểu lộ của Chân Thiện Mỹ ra thân khẩu ý của mỗi người.