T

Không xuống tóc, không mặc áo Tăng, Ni...

Tuấn Tú

Registered
Phật tử
Tham gia
18/1/13
Bài viết
1,018
Điểm tương tác
290
Điểm
83
<span style="font-family: Times New Roman; font-size:16pt"><span style="color: blue;">
<CENTER><B>KHÔNG XUỐNG TÓC, KHÔNG MẶC ÁO TĂNG, NI...
NHƯNG CHÚNG TÔI ĐÃ SỐNG MỘT ĐOẠN ĐỜI TU SĨ ĐÍCH THỰC!</B></CENTER>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Hành trang tôi mang đi là gì nhỉ? Một cái tâm đầy rẫy những phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, oán ghét, chối bỏ... Và cũng một mảnh tâm đó, tôi tràn ngập can đảm, quyết tâm và đương đầu. Trước lúc đi tôi có nói với một người bạn không hề biết mặt: Tôi phải đi. Trường đại học không dạy tôi, bố mẹ không dạy tôi, bạn bè không dạy tôi, thành công hay thất bại không dạy tôi, người đời không dạy tôi, những cuốn sách của những người giàu có và thành công nhất thế giới mà tôi đọc cũng chẳng hề giúp tôi ... Tôi là một kẻ không hề sợ chết, tôi chỉ sợ sống một cuộc đời vô giá trị và hoàn toàn phi nghĩa.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi lên xe, không hề quen biết một ai, cũng chẳng biết người ta sẽ đưa tôi đi đâu, ở chỗ nào, ăn cái gì, ngủ thế nào, sống ra sao. Tôi biết một ngày mình chỉ được ăn một bữa chính, là cơm chay, buổi chiều chỉ ăn hoa quả, sáng chỉ ăn nhẹ. Một ngày của tôi bắt đầu từ bốn giờ sáng và kết thúc lúc hai mươi hai giờ, trong đó có mười hai giờ phải giữ cho tinh thần tỉnh thức và làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, cần mẫn. Đó là một lịch sinh hoạt chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời tôi.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Và một điều tôi chưa từng làm bao giờ: Giữ im lặng. Ai đó từng nói: Chúng ta chỉ mất một vài năm để học nói thôi, nhưng mất cả một cuộc đời để học cách im lặng. Thật là thấm thía! Tôi học ý thức rằng mình tu tập trong sự cô độc, không có bất kì một sự liên hệ nào với bất kỳ ai và cả thế giới bên ngoài. Không sách báo, không viết lách, không điện thoại, không TiVi, không internet, không làm đẹp, không áo quần cầu kỳ, không có người khác phái... Thật là tuyệt. Bởi vốn dĩ, tôi cũng chẳng có bất kỳ ham muốn nào với tất cả những thứ phù phiếm đó.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Chúng tôi rời Hà Nội khi trời tầm tã mưa, xe chật người và tôi thiếp đi trong mộng mị. Mở mắt ra, tôi thấy trước mặt như một khu rừng. Xòe ô và bước chân xuống đất, không khí ở nơi đây đã khác quá những ngày tôi đã sống. Tôi đặt bút viết những dòng cam kết giữ năm giới và giữ im lặng suốt khóa thiền. Có một sự háo hức vô biên về những ngày sắp tới, tôi kéo chiếc vali lầm lũi đi tìm số thứ tự của mình sau khi gửi lại điện thoại, ví và mọi thứ có thể mua được bằng tiền. Một cảm giác tự do, bạn có thể hiểu được cảm giác đó không? Đó mới chỉ là buông bỏ tiền bạc và vật chất, mà ta đã thấy ta tự do biết nhường nào!
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Chúng tôi bắt đầu bước chân lên thiền đường và giờ pháp thoại đầu tiên của buổi tối đầy bỡ ngỡ, những lời nói ấm áp của thầy dội vào những cái đầu non nớt một làn sóng ấm lan tỏa, nó thật an bình, an tâm và tĩnh mịch. Thật khác với những gì tôi tưởng tượng. Nó đơn giản hơn tôi nghĩ rất nhiều, không cần chú trọng xem mình ngồi theo tư thế gì, bất cứ cách ngồi nào mình thấy thật thoải mái và có thể ngồi lâu, cốt yếu là giữ tinh thần tỉnh thức... Chúng tôi bắt đầu như thế, cứ để mọi thứ tự nhiên như nó vốn là, đơn giản vô cùng, và cũng khó khăn vô cùng. Và giấc ngủ đầu tiên cũng an bình như thế, vào lúc hai mươi mốt giờ ba mươi, điều mà trước đó tôi khó mà nghĩ mình có thể làm được.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Ngày thứ nhất!</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Choàng tỉnh dậy bằng ba hồi chuông, ánh đèn phòng, tiếng mọi người rục rịch, sột soạt, và tiếng mưa. Giờ chỉ có tiếng mưa này làm bạn, chỉ có mưa mà thôi. Tôi mặc cho mình bộ lễ đi chùa vừa vặn, xòe ô và lặng lẽ đi trong bóng tối. Trên đầu đèn vàng đã kịp rọi, nhưng nếu chân không để ý từng bước đi thì sẽ ngã rất dễ dàng. Tôi bắt đầu bằng những bước chân ý thức như thế, ý thức là mình đang đi, ý thức để mình không làm ngã chính mình.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi lặng lẽ ngồi xuống chiếc tọa cụ, choàng khăn lên cho ấm. Không gian yên ắng, tĩnh mịch và trang nghiêm vô cùng. Tôi nhớ đến tựa đề một đoạn văn nào đó của thầy Nguyễn Duy Nhiên <I>"Bước vào sự thinh lặng"</I>. Ở đây chúng tôi gọi đó là "Sự im lặng thánh thiện". Sự im lặng quả thật rất thánh thiện. Tôi đã không thể nào hình dung và cảm nhận được sự thánh thiện đó nếu không phải chính tôi đang có mặt ở nơi đây. Tôi nhắm mắt và bắt đầu làm công việc của mình. Hàng trăm ý nghĩ bắt đầu len lỏi, chúng tìm đủ mọi cách nhen lên trong tâm trí tôi, những thứ làm tôi khóc, những điều làm trái tim tôi buốt nghẹn... tất cả ùa về. Chân tôi tê nhức và toàn thân mỏi rã rời...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thiền sư bước vào thiền đường chừng lúc năm giờ ba mươi. Nhìn thấy ngài, tôi thấy an tâm hơn như được che chở, tôi tiếp tục vật lộn với cái tâm biếng nhác và yếu đuối của mình, và mỗi một lần phát hiện ra tâm tôi đã đi lang thang, tôi lại trở về, bắt đầu lại, bắt đầu lại... Rồi một âm thanh lạ lẫm vang lên giữa bầu không khí tĩnh mịch làm tôi choàng mở mắt, nhận ra ánh sáng của ngày mới đã lên qua những ô vuông.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thiền sư rời thiền đường. Tôi gấp tấm khăn để ngay ngắn trên bồ đoàn, lững thững bước ra cửa. Trời vẫn mưa và lạnh, tôi bước những bước đầu tiên đầy hạnh phúc. Và thật kỳ diệu, tôi bắt đầu nhìn thấy một bông hoa xấu hổ, màu tím nhạt, lá xanh rì, còn ướt đẫm sương đêm. Đột nhiên trong ký ức tôi dội về một câu chuyện trong cuốn "Trái tim thiền tập" của Nguyễn Duy Nhiên, có một vị sư nói ông thực tập thiền chỉ để cảm nhận được vẻ đẹp của một bông hoa lẻ loi bên đường mà không ai chú ý... Tôi đúng là đang sống trong hạnh phúc của vị thiền sư đó, thứ hạnh phúc mà trước đây, dù đọc bao nhiêu sách về thiền quán, tôi vẫn không thể hiểu tại sao nó lại là hạnh phúc. Tôi chỉ biết những người ngồi thiền có những câu văn rất hay, có một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, sáng tạo, tinh tế và sâu sắc.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi bước đi rất chậm, âm ỉ cảm nhận cái sự sung sướng và hạnh phúc của một kẻ mới được tự do. Mưa vẫn ở đó làm bạn nhưng tôi chẳng hề sợ ướt, cũng chẳng hề ghét bỏ. Tôi vốn chỉ thích mùa hè và nắng, trước đây tôi rất ghét mưa, tôi cũng chẳng bao giờ biết dùng ô nữa. Vậy mà sớm nay, tôi bình yên với chiếc ô của mình, màu hồng rất đẹp, bước những bước nhỏ và chậm rãi, vừa đi vừa hít hà hương buổi sớm, hương tinh khôi và cảm nhận đôi chân của mình rảo bước trên con đường nhỏ nhỏ, những cánh hoa bỏng nhỏ li ti hai bên ven đường... Tôi hẳn đã không bao giờ để ý đến chúng nếu tôi đang ở ngoài cuộc sống hối hả kia...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Ngày thứ hai</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi bắt đầu ngày mới vào lúc bốn giờ mươi lăm phút, sau một ngày đánh vật với cái tâm bất trị, tâm tôi trở nên vô cùng bén nhạy với nỗi đau. Tôi ngồi xuống bồ đoàn và nhắm mắt. Trong một bầu không khí tĩnh mịch, chỉ có một mình ta với ta, không ai khác, thế giới trong tôi hiện lên rõ rệt như dòng suối đổ ào về thực tại mà mình phải đối mặt, không còn cách nào khác.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Chúng xoay vần và làm thân tôi nóng ran và tâm tôi như điên loạn. Nhưng rồi tôi lại nhớ lời thầy, đó là điều tất nhiên. Vết thương đã bị bong ra, bị khơi ra làm cho chảy máu và mưng mủ, cuộc giải phẫu thực sự đã bắt đầu...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Phải, đau là tất nhiên thôi. Tôi chỉ đơn giản nghĩ đó là việc phải xảy ra, vậy ta đối mặt với nó, can đảm và vui vẻ đối mặt với nó, để xem nó ra sao, ta quan sát tâm mình xem nó đang làm gì và
thân ta cảm thấy thế nào... Lúc này tôi mới thật sự thấy cần phải hết sức can đảm mới có thể dám nhìn thẳng vào tâm của mình, quan sát nỗi đau của chính mình, mà không phản ứng gì hết. Chỉ quan sát, chỉ quan sát... Thật may, tôi vốn là một kẻ không hèn nhát. Ta không ghét bỏ bó, không chán nản nó, mỗi khi nhận ra tâm ta đã đi lang thang, chỉ cần mỉm cười và bắt đầu lại, bắt đầu lại...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Start again!!! Cứ thế, tâm của tôi cũng dần thay đổi những lối mòn... Nếu có thuốc thì nghĩ làm gì. Còn không có thuốc lo nghĩ phỏng ích gì?
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>*** - Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Sau ba ngày học Anapana, chúng tôi thực sự được tiếp cận ***.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi được dạy rằng, với tất cả những cảm giác mình gặp phải, dù dễ chịu hay khó chịu đến đâu, ta cũng chỉ quan sát nó, chỉ quan sát mà không phản ứng gì cả. Bởi ngay khi ta phản ứng lại với các cảm giác này, ta lập tức tạo ra sankhara (nghiệp) và bị bị dính mắc vào nó, phiền não và ham muốn cũng từ đó sinh ra và làm ta đau khổ.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi cũng được dạy rằng, ta sẽ không bị trừng phạt nếu ta chỉ dừng lại ở suy nghĩ, dù là một ý nghĩ không tốt đẹp nhưng nếu ta không biến nó thành hành động thì ta cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm với hành vi đó. Và các cảm giác này, theo bản tính tự nhiên và quy luật, chúng sinh ra mà không được nuôi lớn, ta không chiến đấu, không trả đũa, không phẫn nộ, không uất hận, không si mê... thì chúng sẽ thất bại, tan rã và bị trừ tuyệt hoàn toàn.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Hiểu được Vô thường, ta giữ tâm quân bình với mọi cảm giác, dù là dễ chịu hay khó chịu, dù là hạnh phúc hay khổ đau... Ta ý thức được tất cả mọi cảm giác, nhưng không phản ứng, không thắt những nút rối bằng ham muốn hoặc ghét bỏ, không tạo ra đau khổ cho chính mình. Thôi không tham ái, thôi không sân hận, phiền não trong quá khứ mất đi, từ giờ trở đi ta thực tập cách không phản ứng, nghĩa là không tạo nghiệp, vậy chỉ còn tâm ta bình an. Đó chính là quá trình thanh lọc tâm mà từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ hiểu làm sao tâm có thể thanh lọc...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><I>Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến</I>, chính là nhờ đây! *** đã dạy chúng tôi nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống. Chúng ta sống như thế nào thì sẽ chết như vậy mà thôi...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Cũng vậy, mọi hành vi trong cuộc sống của ta đều do chính ta quyết định, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vô minh, ta luôn than trách số phận và người khác, trong khi chẳng bao giờ nghĩ chính mình mới là người quyết định sẽ nhận lấy hay buông bỏ. Tôi bắt đầu hiểu chân thật và sâu sắc cái câu nói mà hàng ngày mình vẫn nghe nhưng chỉ nghĩ đó là lý thuyết, rằng sướng khổ tại tâm.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi tự cho mình là kẻ có học nên không có đức tin mù quáng mà chỉ có sự chứng nghiệm của bản thân, và tôi đã nghĩ hạnh phúc làm sao có thể tại tâm, có đôi chút gì đó phụ thuộc vào may mắn và người khác chứ? Nhưng cho đến giờ, tôi mới nhận ra, chúng ta là nguyên nhân gây ra hạnh phúc và khổ đau cho chính chúng ta, 100% chứ không phải là 80% như lúc đầu tôi nghĩ.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Để làm gì, em biết không?</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Từng sự thật cứ thế được phơi bày và sáng tỏ khi tôi ngồi thiền. Rất ấn tượng là tôi cảm nhận được sự đau nhức từ con tim. Tôi vốn không hề có tiền sử bệnh tim hay bất kỳ một loại bệnh tật gì, thậm chí chưa từng trải qua nỗi đau thân xác nào hết, vậy mà khi ngồi thiền, toàn thân tôi đau ê ẩm. Hàng trăm vết kim châm nổi khắp thân thể tôi, nóng ran và đau nhức, có những lúc tim tôi đập thật mạnh rồi loạn nhịp, đầu tôi chỉ muốn nổ tung.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Có những lúc tôi đã không thể giữ được bình tâm, thất bại để mặc tâm quay về một ngõ ngách phiền muộn nào đó, nhìn thật sâu vào nỗi phiền muộn, quan sát xem mình đang cảm thấy gì, xem nó sinh khởi thế nào, diễn biến ra sao và kết thúc thế nào, nhưng luôn ý thức rằng mình chỉ quan sát, chỉ quan sát. Trong một lúc nào đó, tôi bỗng nhiên nhớ đến một câu hát của Trịnh Công Sơn...
<p style="padding-left: 56px;"><I>Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn, không nói năng...
Để buốt trái tim...</I>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Có phải nhạc sĩ cũng đã ngồi thiền như tôi, chỉ lặng nhìn và quan sát, để thấu hiểu, để nhói buốt... mà không làm gì cả. Không làm gì cả. Rồi thế, tất cả sẽ qua đi.
<p style="padding-left: 56px;"><I>Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi...</I>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Ra vậy đấy, để gió cuốn đi, chỉ để gió cuốn đi mà thôi!
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Vô thường! Tôi quả thật chưa bao giờ hiểu sâu sắc từng lời bài hát ấy như vậy. Tôi cứ nghĩ ta sống ngay thẳng, thật thà, cố gắng cho đi mọi điều tốt nhất bằng cả tấm lòng của mình, vậy mà thứ ta nhận về chỉ có thất vọng và buồn đau, có bất công quá không? Đã có lúc tôi không thể nào cho qua được sự thật ấy.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Nhưng giờ, bỗng nhiên tôi không cần đền đáp lại bất cứ một điều gì, không muốn nhận về điều gì cả dù cho đó có là thứ tôi lầm lẫn là hạnh phúc trước đây. Tất cả những gì tôi làm lúc này, là nuôi dưỡng một bình yên... Tôi tập trung vào chính tâm của mình để tìm thấy chỗ nương tựa, tìm thấy an lạc, tìm thấy hạnh phúc, mà không mong đợi phải đến lúc nào, phải làm được điều gì hay phải gặp được ai...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Chỉ có như thế tôi mới có thể đem sự thanh thản và hạnh phúc ban rải sang người khác, đó chẳng phải là điều tôi luôn muốn mang đến cho sự sống này sao? "Người ta không thể nào đem cho người khác thứ mà họ không hề có"... Thật kì diệu. Để gió cuốn đi! Đó thật sự là một cảm nghiệm và thấu hiểu sâu sắc nhất về cuộc đời mà tôi cuối cùng đã hiểu.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Thiền Adhithana - Đóa hoa vô thường!</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi lên thiền đường lúc 5h sáng, chăm chỉ và yên lặng, cần mẫn và chăm chú... nhưng 30' trôi qua, đầu tôi bắt đầu nổ tung và chân tôi đau nhức, chẳng còn cảm thấy gì nữa. Tay tôi tê như kim châm và người chỉ muốn đổ gục xuống giấc ngủ. Dù cố gắng thay đổi tư thế ngồi nhiều lần, thậm chí dựng đôi mắt lên và làm một vài động tác thể dục, cuối cùng, tôi đầu hàng và bước ra khỏi thiền đường trong sự bất lực và thân tâm nặng trĩu...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi rời khỏi nhà ăn, đi từng bước nhỏ rất chậm... Hẳn là tôi đã sai ở đâu đó nên không làm được... Những suy nghĩ đó làm đầu tôi bắt đầu căng thẳng không thể ngủ... Tôi chẳng buồn đi ngủ mà lững đững dạo quanh các con đường. Bước chân ra hồ súng nhỏ, tôi ngồi thừ ở đó và tận hưởng không khí trong lành buổi sáng mùa thu sau cơn mưa...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi ngồi ra cái cột gạch giữa hồ như thể người ta thường thấy các thiền sư công phu giữa thiên nhiên, vô cùng an nhiên và tự tại. Bất chợt, tôi nhìn thấy rất nhiều nụ súng bé nhỏ nằm sâu dưới nước, thậm chí dưới vũng bùn, chúng đã không thể nở thành hoa... Tôi lại nhìn khắp hồ súng và
thấy có ba bông hoa màu hồng tím nở xòe thật rực rỡ, ba bông hoa làm bừng sáng cả một hồ súng sau cơn mưa...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi chưa bao giờ thấy hoa súng đẹp như vậy, trong vắt và tinh khiết, dù mọc lên từ những lớp rác bùn. Một đời hoa súng kéo dài bao lâu, hôm nay là hoa, vài ngày sau đã thành rác, có những nụ hoa chưa kịp nở đã chết vùi, có những đời hoa sống trọn hết một đời khoe sắc. Những bông hoa sinh ra chỉ để nở đẹp mà thôi, và với tất cả sức sống mãnh liệt, chúng vươn lên và nở hoa rực rỡ...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Giây phút ấy in thật sâu trong tâm trí tôi, sức sống mãnh liệt của ba bông hoa súng giữa những ngày mưa bão thật sự đã khiến tôi quay về nhìn lại chính mình, phải chăng ta chẳng bằng một bông súng bé nhỏ? Thì ra là vậy, vậy mà ta vẫn tự cho mình là hiểu biết ư, nghị lực ư, mạnh mẽ ư, quyết tâm ư? Ta đã làm chi đời ta vậy?
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Bất kể ta đã sai lầm như thế nào, ngay khi hiểu ra, ta hãy mỉm cười và bắt đầu lại. Ta bắt đầu lại... với tất cả lòng quyết tâm.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thật kỳ lạ, giờ thiền ngay sau đó tôi thấy mình quan sát khắp thân được ba vòng thì chân tôi bắt đầu tê nhức, theo thói quen thông thường tôi sẽ chịu đựng khoảng năm, mười phút nữa và đổi thế ngồi. Nhưng lần này tôi nghĩ, ta cứ quan sát nó xem sao, đau thì đã sao, ta cứ bình tâm quan sát toàn cơ thể, không chú ý riêng đến cái chân đau đó nữa. Và tôi mặc kệ cái chân đau, cứ làm công việc của mình, thêm ba vòng nữa thì tiếng tụng kinh quen thuộc của thầy vang lên trên cao, tôi cũng không để tâm đến việc bao giờ kết thúc giờ thiền đó mà tiếp tục hành thiền cho đến khi tiếng chuông xả thiền vang lên, các bạn thiền sinh cũ đồng thanh "Sadhu, Sadhu, Sadhu", tôi cúi gập người rồi khẽ mở mắt và đứng dậy. Đó là lần đầu tiên tôi hoàn thành giờ thiền Adhithana, với sự trợ giúp từ ba bông hoa súng bé nhỏ, những đóa hoa vô thường.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Vô thường! Ở một góc nào đó chính nhờ nó mà chúng ta thực sự biết quyết tâm... Và thiên nhiên vẫn luôn có mặt ở đó để thay đổi ta, chỉ cần ta biết dừng lại để thấu hiểu thông điệp đó mà thôi.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Năm phút nhiệm mầu!</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Giữa những giờ thiền chúng tôi chỉ được nghỉ năm phút, thật kỳ lạ, tôi có thể đi bộ từ thiền đường về phòng nghỉ, làm các việc vệ sinh, uống nước, ngả lưng trong vài phút, đi dạo quanh khu vực thiền sinh nữ, đôi khi là ra giữa hồ súng ngắm những bông hoa đẹp đẽ, khoảng thời gian ngắn ngủi đó có thể làm lành hết những nhức mỏi trong thân tôi, để lấy về một sức thiền mới mẻ cho những giờ sau đó. Thế mà trước đây tôi luôn nghĩ năm phút chẳng thể làm nên điều gì...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Đôi khi ngại đợi hai phút đèn đỏ mà tôi quành xe sang hướng khác. Thật là xấu hổ! Khi ta biết trân quý từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống này, mới thấy được mỗi giây phút qua đi đều quý giá biết bao nhiêu. Hồ súng của ba ngày cuối cùng nở bung một màu hồng tím ngắt, đó là ba ngày chúng tôi không cần dùng đến ô, có những ánh nắng vàng hắt xuyên qua ngọn thông, nhuộm lên màu lá xanh một nét vàng ấm áp.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Bất cứ cái gì đi qua và xảy đến có lẽ đều có nguyên nhân của nó. Bỗng dưng tôi nhớ lại lời nguyện cầu tha thiết của mình khi đi chùa Hương hồi đầu năm "Xin chỉ cho con một con đường..." Lúc đó tôi chẳng biết phải tiếp tục cuộc sống này ra sao cả, tất cả mù mờ và bất an, sợ sệt khắp mọi ngõ ngách của suy nghĩ... Vậy đấy, chỉ một con đường mà thôi, phải chăng Phật đã nghe thấy lời tôi ?
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Thiên nhiên tự nó biết dạy ta rất nhiều điều, trong đó có những giây phút bình yên ngắm hoa bên hồ, chẳng cần bận lòng chi hết ngoài kia, cuộc sống vẫn luôn là cuộc sống thì cần chi hối hả để quay về hay ra đi. Tôi nhận ra hạnh phúc chính ở nơi mình đang ngồi như thế, và từ năm nay trở đi, có những ngày được trở về ngồi với hoa và nước, như Sư ông trở về ngồi với mây và núi, độc cư và tĩnh lặng, tôi thấy lòng bình thản biết bao nhiêu.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Trước giờ tôi nghe nói trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng, mà đến lúc này tôi mới thực sự hiểu... Nếu tôi cứ bon chen và lo âu ở ngoài kia mà không dám bước chậm lại, hoặc không chịu ngồi yên, làm sao tôi có thể trở về để thấy, một cái thấy thật bao la...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Không thể nào cô đơn</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi vốn xuất thân từ một gia đình không hề có truyền thống tôn giáo, tuổi thơ và những ngày tháng tuổi trẻ của tôi cũng như bao nhiêu người, tôi cũng lớn lên cùng hoài bão, ý chí, tham vọng và tranh đấu. Cách đây hai năm tôi vẫn luôn cho rằng chỉ có người già mới có thời gian đi chùa và đọc kinh, và việc hành thiền là việc của các thiền sư... Bây giờ, tôi cũng mới chỉ dám dừng lại một chút thôi, để trở về nương tựa chính mình.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi từng đi rất nhiều, thành công và thất bại cũng không ít, tiền bạc có rồi ra đi, bạn bè đến và đi hết lượt, tôi cũng là một con mọt sách có tiếng... Nhưng tận trong sâu thẳm tôi sâu sắc nhận ra mình thật sự rất cô đơn. Tôi luôn dao động, không làm chủ được tâm tính của mình, thiếu kiên nhẫn, lười biếng... những thói quen xấu này khiến tôi phải hối hận về vô số điều đã xảy ra trong cuộc sống, tôi không thể nào nương tựa vào bất kỳ ai hay cái gì được....
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Và thế là bước chân đầu tiên tôi bước đi trên con đường tìm lại chân lý cuộc đời, điều đó đến một cách tự nhiên như làn gió trời bay đến và tôi đón nhận, như một cái duyên với Phật đã gieo từ muôn kiếp trước... Tôi đã bắt đầu như thế. Và hôm nay, tôi có mặt trong đoàn người im lặng này, mỗi người cầm trên tay một chiếc ô, cần mẫn đi những bước đi nhỏ, nối đuôi nhau trong cơn mưa thu rả rích se lạnh. Mỗi người đều chăm chú với bước đi của mình, dù họ là một cô gái trẻ hay một bác trung niên, dù họ có ngoại hình hiền lành hay ngổ ngáo, dù họ chỉ có những công việc và chức vụ nhỏ bé hay đã có những thành đạt lớn lao trong xã hội... Tất cả đều có mặt ở đây...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi chợt hiểu ra một điều bình thường, đau khổ và phiền muộn... đâu là của riêng ai, và tôi cũng chỉ là một con người nhỏ bé trong hàng người đi trong yên lặng đó. Trong tôi bắt đầu nhen lên tình thương với tất cả mọi người, dù là ai đi chăng nữa, dù cá tính nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng chỉ là một con người bé nhỏ trong cõi Ta bà này.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi cũng nhớ lại cuốn sách mà tôi tình cờ mua được ở thiền viện năm ngoái lại chính là một hạt mầm đưa tôi đến ngày hôm nay. Cuốn sách "Một hạnh phúc không đổi thay" của thầy Nguyễn Duy Nhiên... Tôi gọi là thầy vì chính những cuốn sách của thầy đã gợi trong tôi mong ước về hạnh phúc của một người với manh chiếu thiền mỗi tối, thầy viết "Hạnh phúc sao khi cõi Ta bà này đột nhiên biến thành Tịnh độ! Ði với một tăng thân nhiều chánh niệm, con đường tôi đã bước qua biết bao nhiêu lần giờ phút này chợt nhiên bừng sáng dậy. Những chiếc lá như xanh hơn, nắng ấm hơn, trời cao hơn, mây trắng hơn, hạnh phúc chừng như gần gũi hơn, và cát bụi nơi này cũng trở thành thanh tịnh hơn..."
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Nhiều người cứ hỏi tôi làm sao sống mà chẳng cần đi ra đường bạn bè trò chuyện mỗi tối, chẳng bạn khác phái, chẳng xem phim, chẳng tiểu thuyết, chẳng đọc tin tức, sống vậy chẳng cô đơn sao, vì sao vậy? Vì tôi đã đi loanh quanh quá nhiều, chẳng ích gì cả. Cô đơn thì đã sao? Giờ tôi thấy thấm thía thời gian, thấm thía sức khỏe, thấm thía vô thường... Nếu nói và làm mà không ích lợi gì thì thà im lặng và không làm gì hết. Ai chẳng có thể đi ra đường, ai chẳng có thể nói những điều họ muốn nói mà không cần phải uốn lưới, còn tôi học cách dừng lại và im lặng.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Ở cuốn sách "Một hạnh phúc không đổi thay" này, tôi bắt gặp câu trả lời cho chính mình... "Cô đơn cũng chỉ là một ý niệm mà thôi. Tôi thấy, chúng ta tuy sống giữa phố thị ồn ào và náo nhiệt, tuy ta không bao giờ một mình (alone), nhưng chúng ta có thể rất cảm thấy cô đơn (lonely). Chúng ta cô đơn trong những muộn phiền và khó khăn riêng tư của chính mình. Có ai là biết và có ai là thật sự hiểu ta! Và nếu ta không có khả năng cởi mở được với những gì đang có mặt chung quanh mình, thì ở đâu cũng vậy thôi, ta sẽ cảm thấy cô đơn lắm. Nơi tôi về thật may mắn, tôi có một thiên nhiên tươi mát và có một tăng thân, tôi không thể nào cô đơn...."
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><B><I>Thiền tâm từ (mettā) - Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh...</I></B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Hình như tôi khác với mọi người chung quanh, tôi bình thản lúc đến và sắp kết thúc vẫn thản nhiên như thế. Tôi không chờ đợi, không mong cầu. Tôi vẫn bước đi những bước thật chậm bởi biết rằng sự sống này chỉ có mặt khi chúng ta dám bước chậm lại. Ta cảm nhận rõ từng bước đi, từng món ăn, từng chiếc lá rụng, từng bông hoa nở, từng giờ phút bình yên ở nơi ta ngồi. Ngoài kia với những hấp tấp và lo âu, người ta suốt một đời chỉ mong cầu quá đi thôi và chẳng bao giờ nhận ra mình đã luôn có quá đủ để hạnh phúc...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Vào lúc mà bỗng dưng tôi thấy thương tất cả mọi người, cũng là lúc chúng tôi được dạy về thiền tâm từ (mettā). Ở trên cao, tôi nghe rành rọt từng chữ với đại ý như thế này:
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">"Trong quá khứ, vì vô tình hay cố ý, nếu như tôi có lỡ gây khổ đau cho ai, tôi xin người ấy tha
lỗi cho tôi. Trong quá khứ nếu như, vì vô tình hay cố ý, có ai lỡ gây khổ đau cho tôi, tôi xin
được tha thứ cho người ấy."
<p style="padding-left: 56px;">May all be happy, may all be happy, may all be happy
May you be happy, may you be happy, may you be happy
Whether visible or invisible, may all beings be happy
Of earth, of water, or of sky, may all beings be happy
Of all the directions, may all beings be happy
May all be free from fear, animosity and insecurity
May all be happy, may all be happy, may all be happy....
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Không biết tự bao giờ tôi đã yêu lời tụng trước mỗi giờ thiền kết thúc. Lời tụng đó cách đây mười ngày còn vô cùng xa lạ, vậy mà giờ đây trong tôi luôn thấy nhiều an nhiên, nhiều bình tâm và thật nhiều hạnh phúc khi là kẻ ngồi bên dưới, cúi rạp người tiễn thầy...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Kết thúc khóa thiền này là bước đi đầu tiên quan trọng trong con đường tu tập của tôi. Tâm tôi đã dừng lại nơi này, nơi bắt đầu một con đường chân lý, con đường của đạo đức và phạm hạnh, của trí tuệ và tình thương, của an nhiên và hạnh phúc... mà tôi cuối cùng cũng đã gom đủ can
đảm để đặt những bước đầu tiên.
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi biết có thể mình sẽ chẳng bao giờ đi đến đích, cũng có thể sẽ ngã giữa đường, nhưng chừng nào tôi còn thấy bóng tôi, chừng đó con đường này sẽ ngày một sáng tỏ.
<p style="padding-left: 56px;"><I>Mai đây có ngã trên đàng
Cho tôi xin ngã dưới ngàn hoa thu...</I>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Giây phút kết thúc giờ thiền cuối cùng của ngày thứ 11 là giây phút tôi nhận ra mình là một kẻ may mắn. Thế gian sẽ nói gì khi bỗng dưng tôi thốt ra câu này...
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">"Tôi thật may mắn khi đã có nhiều khổ đau". Vì sao ư, cảnh khổ chính là nấc thang của bậc anh tài... Giờ phút sắp rời khỏi rừng cây nơi này, tôi ghé hồ súng ngồi lại một lần cuối, những câu thơ thiền lóe lên trong tâm, vô cùng an nhiên...
<p style="padding-left: 56px;"><I>Người về qua cửa phù vân.
Nghiêng vai trút gánh phong trần đổ đi...
Người ngồi hong nắng lặng thinh.
Hong kinh vô tự, hong tình vô ngôn...
Người về vui cõi hư không.
Mặc cho nhân thế đục trong lẽ đời...</I>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">Tôi sẽ đem những bước chân an lạc và nuôi dưỡng lòng từ bi với một mảnh tâm bình thản trở về với cuộc sống hàng ngày, luôn ghi nhớ lời Goenka-J: <I><B>"Giải thoát chỉ có thể đạt được bằng sự tu tập, chứ không phải bằng việc bàn luận suông".</B></I>
<p style="padding-left: 56px;"><B>Bhavatu sabba maṅgalaṃ...</B>
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify">(Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, được an lạc, được giải thoát!)
<p style="padding-left: 56px;">C. Hương
<BR>Hà Nội, Ngày 29 tháng 9 năm 2013.
Hồi ký 10 ngày của khóa thiền *** Goenka lần II
(04/09/2013 - 15/09/2013)
<BR>----------------------------------------
<P style="TEXT-INDENT: 25pt; TEXT-ALIGN: justify"><I>Bài viết này được tìm thấy trong "facebook" do một cháu gái trong nhóm tu tập định kỳ hàng tháng tại tư gia của một thành viên trong nhóm tổ chức và tôi là thành viên đã tham gia khóa tu tập định kỳ nói trên nên nhận được bài viết chia sẻ những kinh nghiệm này.</I>
</span></span>
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

trừng hải

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
30/7/13
Bài viết
1,294
Điểm tương tác
924
Điểm
113
Tâm Viên Ý Mã - Kẻ Ở Người Đi

Chào bác Tuấn Tú cùng chư đạo hữu,

Bài viết này là do một "thiền sinh" tham dự khóa học Thiền Vispassana với lối hành văn nghiêng về hướng nội nhằm bày tỏ nội tâm trước cuộc đời và việc tu học, đăng trên Facebook để chia xẻ kinh nghiệm với người đồng tu (theo lời viết kèm của đạo hữu Tuấn Tú). Bởi vậy nhân đây Trừng Hải cũng xin góp một bài viết với một góc nhìn khác đối với các buổi thiền tập được đăng trong tạp chí QUICK của Đức tại Thiên Long Tự, Nhật Bổn qua chuyển ngữ của dịch giả Lê Anh Minh để các đạo hữu thỉnh lãm xem chơi, hề hề.

Vào Thăm Thiền Viện

Tiếng chuông ngân len vào những cơn mơ xao động của tôi. Ánh mắt ngái ngủ của tôi nhìn lên đồng hồ. Đã 4 giờ sáng rồi. Tôi xoay người lại, định ngủ tiếp. Nhưng một người đội mũ ni đến lay vai tôi: "Nào, nhanh lên! Trong vòng 3 phút phải có mặt ở Zendo-Thiền đường đấy nhé!" Người tôi rêm lên như bị ai dần. Chả là tôi có ngủ nghê gì được đâu vì đã ngủ trên mảnh Futo-bồ đoàn cứng và mỏng tang hồi tối. Tôi mặt y phục nhanh như chớp, xỏ vội đối guốc gỗ, lật đật bước theo những người khác đến thiền đường. Để đôi guốc phía ngoài cửa, tôi gập người cúi chào trước khi bước vào, rồi ào đến tọa cụ dành riêng và ngồi xếp bằng kiết già.

Trong thiền đường, ánh sáng mờ. Tia nắng ban mai yếu ớt xuyên qua khung cửa sở bịt giấy và chiếu lên các thiền sinh. Họ ngồi kiết già từng hàng thẳng băng. Gương mặt hoàn toàn yên lặng, thân người hoàn toàn bất động.

Một tiếng chuông lại ngân lên. Ai đó bắt đầu tụng một bổn kinh-sutra, và các thiền sinh chú tâm lắng nghe. Tôi lẫm bẩm đọc khẻ theo. Ánh mắt tôi cũng nhìn thẳng phía trước một cách cương quyết như mọi người. Và tôi thầm hỏi chẳng biết gã Oliver Gode đang ngồi xếp bằng bên cạnh có cảm tưởng gì không. Oliver Gode, nguyên quán ở Bochum, 23 tuổi, là một trong khoảng 400.000 người chí nguyện của phong trào "Come-Together Action" do Peter Stuyvesant sáng lập. Oliver được chọn làm người đại diện cho phong trào này tại Châu Á. Mục đích của phong trào này là tìm kiếm sự cảm thông giữa anh em năm châu bốn bể. Nhiệm vụ của Oliver thật hấp dẫn, anh được chỉ định làm vị khách của thiền viện Tentyuji_Thiên long tự ở Tokyo với 650 năm lịch sử và cùng sinh hoạt theo đời sống của thiền viện, tu hành và tham thiền. Còn tôi tháp tùng theo anh với tư cách là ký giả.

Có lẽ Oliver cũng chưa biết những gì đang chờ anh ở phái trước. Tôi cũng vậy, chẳng biết mình sẽ lĩnh hội hay thu hoặc được những gì. Trước đó, tôi có quen một người Đức tên là Heinz Anniser, 49 tuổi. Ông đã sống tại thiền viện này được 29 năm rồi.

Trong buổi hội ngộ, tôi kể cho ông nghe mối quan tâm của tôi về Thiền, và đồng thời bày tỏ những cảm tưởng tốt đẹp của mình trước vẻ mỹ lệ của đền, chùa, thiền uyển và trà đạo.

Được sự đồng ý của thiền sư Hirata, ông Anniser mời tôi vào thiền viện (ở dây các thiền sinh gọi ông một cách thân mật là Anniser-san tức anh Anniser) Thật là một chuyện khác thường, tương phản với đời sống thâm nghiêm của thiền viện khi có bóng dáng của một gã như tôi tại nơi này. Những người tu Thiền tại đây rất khiêm tốn, dường như họ đãgiải trừ lòng ngã mạn rồi.

Một tiếng chuông lại vang lên, kéo tôi trở về với hiện tại. Chúng tôi đứng dậy, rời khỏi tọa cụ và đứng xếp thành hàng dọc để đi tới Phật đường. Vì không quen đi guốc, tôi đi chậm và sút guốc mấy lần, làm đoàn phải dừng lại theo. Đến Phật đường, chúng tôi cúi chào thiền sư Hirata. Ngài năm nay 65 tuổi, trụ trì Thiền viện này, rất uyên bác và đạo hạnh, có lẽ ngài là thiền sư danh tiếng nhất hiện nay tại Nhật bản. Trong thiền giới, ngài được xem là một bậc đã chứng ngộ-Erwachter.

Sau này ông Anniser bảo tôi: "Nhiệm vụ của một thiền sư là thị đạo, nghĩa là vạch một hướng đi cho nhân sinh" Tôi hỏi: "Đi đến đâu?" Ông trả lời: "Thiền không có điểm đến cụ thể. Thiền là Đạo, là con đường của sự chứng ngộ."
Điều ông Anniser nói thật là mâu thuẩn. Ông bảo tôi, trong Thiền thật sự chẳng có quy tắc nào hết. Tuy nhiên sống trong bốn bức tường thâm nghiêm của Thiền viện này, tôi nhận ra ở đây vẫn có quy tắc.

Thiền sư Hirata chờ đợi chúng tôi nơi căn phòng lớn bên cạnh Phật đường. Thiền sinh từng người một bước đến gần ngài và cúi đầu đảnh lễ. Ngài đã ban cho mỗi người một công án thiền-Koan riêng, từ nhiều năm trước. Đó là một ẩn ngữ thiền mà mỗi thiền sinh đều phải giải đáp, và mỗi sáng khi đến ngài đảnh lễ họ phải bày tỏ cho ngài biết từng ngày qua họ đã lĩnh hội tới đâu. Công án hết sức tối nghĩa và phi luận lý. Chẳng hạn hai công án sau: "Khi lên tới đỉnh núi rồi, hãy leo tiếp." và "Tiếng vỗ của bàn tay trái là thứ tiếng gì?".

Kể từ lúc nhận lãnh công án, mỗi thiền sinh phải tu tập công án từng ngày, trong từng công việc lao động, chẳng hạn bửa củi, làm vườn...Tiến trình tu tập công án có thể kéo dài nhiều năm. Như trường hợp của ông Anniser, ông mất ít nhất ba năm mới lý hội được công án đầu tiên mà thiền sư Hirata ban cho ông. Đó là công án về "Tiếng vỗ của một bàn tay" Ông bảo: "Chúng ta sẽ lý hội và giải đáp được công án một khi chúng ta giải trừ được mọi tri kiến bì phu có sẵn (tức tri kiến nông cạn ngoài da, trừng hải) Tôi lộ vẻ hoài nghi. Ông Anniser mỉm cười sâu sắc: "Những chấp trước, nhưng tri kiến có sẵn chẳng ích lợi gì cho anh cả. Tâm hãy trụ vào chỗ không trụ, nếu không anh sẽ không bao giờ lý hội được công án. Thành thử đối với kẻ này thì việc lý hội một công án dễ như trở bàn tay với kẻ khác thì việc lý hội cực kỳ khó khăn."

Sau khi đảnh lễ và trình bày cho thiền sư nghe về những khám phá mới của mình trong việc tu tập công án, chúng tôi đi ăn sáng. Lúc đó là 5 giờ. Bữa điểm trâm chỉ có cháo trắng với quả mận muối. Sau đó uống trà theo phong cách trà đạo, tất cả uống chung với nhau một cái chén. ông Anniser nhắc nhở tôi: "Uống chung một cái chén, nhưng sự thanh tâm thì riêng tư."
Ở dây mỗi ngày có bốn bữa ăn: 5 giờ điểm tâm. 10 giờ ăn trưa, 4 giờ ăn chiều và 9 giờ ăn súp nhẹ. Từ 9 giờ cho đến nửa đêm, mọi người tu tập tham thiền.

Tham thiền là một phương thức dẫn đến sự chứng ngộ, một con đường đưa đến sự viên mãn, toàn giác. Nhưng đối với tôi, đó là con đường vượt qua gian khổ. Trong suốt thời gian tiếp tâm-sesshin, chúng tôi phải tọa thiền-zazen ít nhất là 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nghĩa là 6 tiếng đồng hồ ngồi kiết già yên lặng, nhưng cứ mỗi nửa tiêng thì được xả hơi chút đỉnh.
Khi ngồi thiền, mắt hé mở, tập trung tư tưởng vào một điểm (như đầu mũi chẳng hạn) ánh mắt hướng thẳng vào khoảng không trước mặt Hai bàn tay mở, xếp chồng lên nhau và đặt ngang với đan điền tức vùng dưới rốn độ ba khoác ngón tay.

Buổi tọa thiền có một vị chủ trì, hướng dẫn cách tham thiền, vị này được gọi là thiền chủ. Vị này đi chậm rãi từng bước trang nghiêm, trên vai vác một thiền trượng gỗ. Đột nhiên vị thiền chủ bước tới trước mặt một vị thiền sinh, nghiêng mình chào. Tôi liếc mắt theo dõi. Vị thiền sinh cúi rạp mình về phía trước, còn vị thiền chủ dịu dàng đặt thiền trượng lên lưng anh ta hai lần, tôi nhủ thầm: "À ra thế, chẳng qua đây là hình thức nhắc nhở cho anh ta khỏi ngủ gục-hôn trầm đây mà." Nhưng vị thiền chủ đã đập bốn cú như trời giáng lên lưng anh ta. Trong lúc bốn cú đập của thiền trượng phá tan sự yên tỉnh của thiền đường thì mọi người vẫn an nhiên bất động dường như chẳng có gì xảy ra cả. Sau đó hai vị thiền chủ và thiền sinh cúi chào nhau kính cẩn.

Buổi tọa thiền vẫn tiếp tục, trong khi đó chân tôi tê dại rả rời. Thời gian dường như đứng lại và mắt tôi lim dim mơ màng. Tôi ngao ngán quá. Lúc thì đau chân, khi thì đau lưng. Một lúc sau tôi cảm thấy hoa mắt và nhức đầu. Tôi cố gắng không đếm thời gian trôi qua nữa vì càng nghĩ đến thời gian tôi càng thấy như nó cứ đứng yên hoài một chỗ.

Trong lúc tôi quán tưởng về tự tánh bóng dáng vị thiền chủ lướt ngang qua mặt tôi và tôi nghe tiếng đập của thiền trượng vang lên chan chát đâu đó, bên trái hoặc bên phải. Vậy là có thêm nhiều người bị hôn trầm nửa rồi.

Tôi cố gắng nhiếp tâm, loại trừ tạp niêm nhưng hình ảnh của cô bạn gái khả ái yêu kiều bỗng hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi nhắn nhủ: "Thiền là phương thức tu tâm chú mày chớ có vọng niệm đấy!" Nhưng rồi tôi mệt mỏi quá. Sắp ngủ gục đến nơi. Thôi đành nếm thử mùi vị của thiền trượng như thế nào!

Đương lúc nhoài người ra phía trước ngủ gà ngủ gật, tôi thoáng thấy bóng dáng vị thiền chủ đứng trước mặt. Tôi cảm thấy có vật gỗ cứng chạm vào lưng hai cái và tiếp theo là bốn cú đập ra trò. Những cú đập thật chính xác, không chạm vào cột xương sống, nhưng mạnh mẽ, rát bỏng và thật vang. Cơn đau đớn chạy dài trên lưng tôi, nước mắt tôi ứa ra, ràn rụa và cổ họng như bị nghẹn lại. Cố nén cơn đau, tôi cúi mình tạ lễ theo đúng thiền qui.
Một điều kỳ diệu xảy ra ngay sau đó, cơn đau rát bỏng bỗng nhiên làm tôi ấm áp và sảng khoái. Nhờ vậy, mười lăm phút tọa thiền tiếp theo trôi qua thật nhanh chóng.

Chiều chiều, ba chúng tôi gồm Oliver Gode, Heinz Anniser, và tôi cùng đàm đạo về Thiền Phật giáo. Không biết đối với ai thì sao chứ riêng tôi, mấy thức quy tắc ở đây hết sức phiền toái. Chẳng hạn khi ăn uống phải điềm đạm và lặng lẽ, trong khi tôi lại vừa muốn ăn vừa trò chuyện và ăn xong phải có điếu thuốc lá mới được.

Ông Anniser bảo: "Tu thiền khó nhọc và gian khổ lắm. Chẳng hạn vào mùa đông, nhiệt độ 10 độ âm, anh phải tọa thiền suốt 6 tiếng đồng hồ trong cái lạnh đó thì mới biết. Nếu anh không chú tâm điều tức (vận hành hơi thở) thì lỗ mũi bị tê cóng ngay."

Buồi chiều, trước ngày phải từ giả, tôi còn muốn biết thêm đôi điều nữa. Ông Anniser nói: "Thiền là thế này: anh cứ làm những gì anh muốn làm, nhưng đừng làm những gì sẽ thỏa mãn anh." Thật là bí hiểm! tôi muốn gì nhỉ? Thực ra, tôi muốn am hiểu Thiền là gì và muốn thắng được bản ngã yếu hèn, chiến thắng được "con lợn lòng" trong tôi.

Trong buổi tọa thiền 30 phút tiếp theo, tôi thấy thế ngồi kiết già - hay thế ngồi liên hoa gây đau đớn cho người Châu Âu như tôi không ít. Vị thiền sinh tỉnh tọa đối diện tôi nom hết sức thỏa mái, vẻ mặt thanh thản vì đã quen với tọa thế liên hoa này. Tôi biết đợt tọa thiền diễn ra trong 30 phút thôi, vậy trong khi chờ đợi tiếng chuông báo hiệu giải lao tôi phải cố gắng nén đau đớn mà giữ cho tốt thế ngồi kiết già này. Nếu lỡ mà ngã đùng ra thì quả là xúc phạm thanh qui ở đây. Nghĩ vậy tôi an tâm tiếp tục tọa thiền.

Lúc mới bắt đầu xếp chân tĩnh tọa, mọi việc đều dễ dàng. Chừng 5 phút sau chân tôi trĩu nặng và tê dại dần. Nhịp tim cũng đập gấp rút hơn. Tuy mắt tôi nhìn bất động về trước, nhưng đầu tôi cứ nghĩ đến cái đau đớn đang chịu. Hô hấp sâu có lẽ giảm đau được chút đỉnh, tôi nghĩ vậy. Nhưng khi hô hấp sâu, tôi càng cảm thấy đau nhức hơn. Thời gian trôi qua bao lâu rồi nhỉ? Quả thật tôi đã mất hết ý niệm về thời gian. Mồ hôi ra như tắm, đầm đìa trên mặt, trên lưng tôi. Trong đời, tôi chưa hề nếm mùi vất vả như thế này. Con đường đau khổ này dẫn đến chứng ngộ chăng? Một tiếng chuông vang lên. bản ngã thấp hèn trong tôi trỗi dậy: "Có ai ép uổng chú mày phải chịu đựng cái trò quỉ này đâu. Lão thiền sư, bọn thiền sinh cũng đâu có ép buộc gì chú mày! Thôi đứng dậy quách cho rồi!" Nhưng rồi lý trí của tôi đã chế ngự được cái phàm tâm đấy: 'Mình đâu có làm chuyện này cho ai đâu, mà làm cho chính bản thân mình đấy thôi. Mình thứ trắc nghiệm khả năng chịu đựng đến đâu cho biết."

Toàn thân tôi đau nhức nhừ tử, bắp thịt co giật. Đành phải đầu hàng thôi. Tôi còn không biết ất giáp gì nữa. "Thua!" Một tiếng chuông ngân làm tôi quá đổi ngạc nhiên. Tôi đã mất ý niệm về tiếng chuông rồi. Khi tôi đứng dậy, đôi chân tôi như thể mới mượn của ai vậy. Dường như tôi không có chân nữa! Tôi thất thểu lê bước ra khỏi thiền đường và khi hết đau nhức tôi chạy một mạch đến một quán cà phê cách thiền viện 300 mét, ở một khu phố náo nhiệt.

Tôi khoan khoái thưởng thức cà phê và rít từng hơi thuốc sung sướng. Không khí của quán cà phê mới là thế giới của tôi, còn thiền viện thì không. Tuy nhiên tôi cũng đã vượt qua được, và cảm tưởng như mình tái sanh vậy. Vào ngày cuối ở đây, một vài thiền sinh mời chúng tôi đến phòng thất phụ để uống cà phê. Họ chuyện trò vui vẻ. Những khuôn mặt trẻ này hoan hỉ mong đợi đợt tham thiền tiếp tâm-sesshin này kết thúc. Tôi phát hiện có cái gạt tàn thuốc ở góc phòng. "Suỵt!" một thiền sinh nháy mắt và ra dấu cho tôi; tôi hiểu điều đó nghĩa là gì và mỉm cười đồng lõa.

Dưới bóng thiền viện tôn nghiêm 650 tuổi này, dần dà tôi phát hiện thêm, nhưng thiền tăng, thiền sinh ở đây cũng có những khao khát và nguyện vọng riêng. Họ lén lút hút thuốc và uống cà phê. Rồi tôi cũng biết được rằng thiền sư Hirata đã có vợ và hai đứa con. Mỗi thiền sinh ở đây được phép trở về cuộc đời thế tục trong hai tháng để sống tự do. Và chẳng ai trong thiền viện cấm đoán một ai trong các thiền sinh này có bạn gái hay lấy vợ. Thiền thật là nghịch lý!

Nhưng giờ đây, trong giây phút hiện tiền, ngồi quay quần cùng với Oliver Gode và mười mấy thiền sinh bên khói thuốc và tách cà phê, tôi chợt hiểu ra nghịch lý của thiền.
Đó không phải là ý nghĩa đích thực của thiền hay sao?

Tạp chí QUICK, 9/1991. KAY BIELER - LÊ ANH MINH dịch
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên