- Tham gia
- 14/6/09
- Bài viết
- 491
- Điểm tương tác
- 76
- Điểm
- 28
NHỮNG VIỆC LINH ỨNG VỀ NGÀI VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
I. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
1. Có ba tên là: 1) Diệu Đức (Văn Thù Sư Lợi) vì có đầy đủ tất cả công đức vi diệu bất khả tư nghị.
2) Diệu Thủ (Mãn Thù Thi Lợi) vì có đầy đủ tất cả công đức vi diệu bất khả tư nghị đứng đầu trong hàng chư Bồ tát. 3) Diệu Cát Tường (Mạn Thù Thất Lợi) vì có đầy đủ tất cả công đức vi diệu cát tường bất khả tư nghị.
Ngoài ra còn dịch là Diệu Lạc, Pháp Vương Tử, Văn Thù Sư Lợi Đồng Chân, Nhu Đồng Văn Thù Bồ Tát.
2. Tam Muội mà Văn Thù Sư Lợi và quyến thuộc của ngài (thông thường là Thiện Tài Đồng Tử, Ưu Điền Vương, Phật Đà Ba Lợi Tam Tạng và Tối Thắng Lão Nhân) trú là Tam Muội làm phát khởi được Vô Tướng Diệu Huệ, gọi là Văn Thù Tam Muội.
Ưu Điền Vương nói đủ là Ôn Đà Diễn Na Phạt Sa (Udayanavatsa), là vua nước Kiều Thường Di, do vì Vương hậu sùng tín nên vua trở thành một đại ngoại hộ của đức Phật. Theo Tăng Nhất A Hàm Kinh quyển 28 có ghi khi Phật lên cung trời Tam Thập Tam thiên để nói Pháp cho mẹ, trong thời gian ấy vua Ưu Điền phiền muộn vì không được lễ bái Phật đến phát sinh bệnh, nên các quần thần mới lấy gỗ chiên đàn ở núi Ngưu Đầu mà tạo thành một tôn tượng Phật cho vua chiêm bái, vua mới khỏi bệnh. Đó là khởi thủy cho truyền thống tạo tượng tại Ấn Độ. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân quyển 3, Kinh Quán Phật Tam Muội Hải quyển 6, Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức quyển thượng, đều có nói như vậy. Riêng các Kinh Tạo Lập Hình Tượng Phúc Báo và Kinh Tác Phật Hình Tượng thì chỉ nói là năm vua 14 tuổi đến nơi Phật hỏi về công đức tạo tượng mà thôi. Theo Kinh Ưu Điền Vương, thì Vương hậu quy y Phật chứng quả Tu Đà Hoàn. Vua Ưu Điền nghe lời sàm tấu của Vô Tỷ phu nhân bắt trói Hoàng hậu dùng trăm mũi tên cùng bắn một lúc để xử tử. Song trăm mũi tên đều bay nhiễu Hoàng hậu ba vòng rồi bay trở về trước vua. Vua kinh sợ, vội mang Vô Tỷ phu nhân đến nơi Phật sám hối, thọ nhận sự giáo hóa của đức Phật và quy y Tam Bảo.
3. Sơn Tây Ngũ Đài Sơn được coi là nơi cư trú của Văn Thù Sư Lợi là do nơi Phẩm Bồ Tát Trú Xứ trong Lục Thập Hoa Nghiêm Kinh truyền nói là Văn Thù Bồ Tát ở tại núi Thanh Lương phía đông bắc mà ra.
Đại Hoa Nghiêm Kinh nói: ở phương đông bắc có một nơi gọi là Thanh Lương Sơn, từ xưa đến nay các chúng Bồ Tát thường cư trụ ở nơi ấy. Hiện nay có Bồ Tát tên Văn Thù Sư Lợi cùng với quyến thuộc, các chúng Bồ Tát gồm mười ngàn người, thường ở nơi ấy mà nói Pháp.
Lại Kinh Bảo Tạng Đà La Ni có nói: Phật bảo Kim Cương Mật Tích Chủ rằng: Sau khi ta diệt độ, ở phương đông bắc của Nam Thiệm Bộ Châu có nước tên là Đại Chấn Na, nước ấy có tòa núi gọi là Ngũ Đỉnh. Văn Thù Đồng Tử vân du cư ngụ tại đó để thuyết Pháp cho chúng sinh, và có vô lượng thiên long bát bộ trời rồng vây quanh cúng dường.
Vào thời Hậu hay Tây Hán (25 ~ 220) Minh Đế, Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, là các bậc thánh tứ quả, khi mới đặt chân đến Trung Hoa, các ngài dùng thiên nhãn quán sát, biết ngay ngọn núi này là nơi ngài Văn Thù cư ngụ, và có tháp xá lợi Phật do vua A Dục kiến lập.
Truyện như sau: Ma Đằng, Pháp Lan hai vị Bồ Tát dùng thiên nhãn quán thấy hữu tình ở Trung Hoa có căn khí đại thừa, nay đã thành thục, lại quán biết Ngũ Đài là nơi Văn Thù cư ngụ, song thánh giáo chưa sang, thế nên không mấy kẻ biết quy về. Thế nên hai ngài mang hình tượng của Phật Thích Ca và Kinh Tứ Thập Nhị Chương sang Trung Hoa. Vào lúc ấy, Hán Hiếu Minh Đế đêm nằm mộng thấy một người vàng, thân cao lớn, sáng chói như mặt trời, đi đến nơi sân điện. Sáng ra cho người đoán mộng, người đoán mộng cho rằng đó chính là bậc thánh nhân mà trong sách Chu Thư Dị Ký có ghi là xuất hiện ở phương tây và đã mất cả ngàn năm nay rồi, song giáo pháp của ngài ấy sẽ đến nơi đây. Đế sai phái đoàn Vương Tuân mười tám người sang phương tây tìm hỏi. Các vị này đến nước Nguyệt Thị gặp Ma Đằng và Pháp Lan mới thỉnh về đất Hán. Cả đi và về ba năm trời mới tới Lạc Dương. Hai ngài dâng Kinh và hình tượng lên, vua mở ra xem thì quả giống với người trong mộng. Vua kể lại giấc mộng. Hai ngài nói: "Như Lai đây đem đại Pháp giao lại cho Bệ hạ, mong Bệ hạ chu toàn." Đế hỏi: "Pháp Vương ra đời mà sao không tác động đến nơi đây?" Đáp: "Đại Thánh ứng phải đúng theo thời, hiện hình phải theo cơ cảm. Xứ kia là trung tâm của đại thiên thế giới, quần linh đều tập về, căn khí trước đã thuần thục. Căn cơ các nơi khác còn chưa cảm, thế nên Phật không ứng. Ví như ao lắng trong thì trăng hiện sáng, bằng không thì trăng mờ, phải đâu là lỗi của trăng. Vả lại giáo quang chiếu đến có nơi mau nơi chậm, cũng là tùy theo sao cho thích ứng vậy." Đế hỏi: "Xứ này chả lẽ không có thánh nhân nào cư trú để giáo hóa hết hay sao?" Hai ngài đáp: "Xứ này có Ngũ Đài Sơn là nơi Văn Thù đại sĩ cư ngụ, nhiếp hóa vô lượng thiên long quỷ thần, song nếu không có giới định lắng thần thì không thể thấy được." Sau đó hai ngài dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương ra Hán văn, và năm sau đến lễ núi Thanh Lương về tâu lên vua kiến lập già lam. Vì hình thế của núi này giống như núi Linh Thứu, nên lấy đó mà đặt tên cho chùa. Lại vua vừa phát lòng tin vào Phật, nên chùa thêm hai chữ "Đại Phu", phu tức là tin vậy, mà tên chùa thành ra là "Đại Phu Linh Thứu Tự". Sau đó hai ngài độ khoảng mấy chục vị tăng cho trụ tại đó. Chính vì vậy mà các đạo sĩ ở Ngũ Đài như Bạch Lộc mới phối hợp với các đạo sĩ ở Ngũ Nhạc như Trử Thiện Tín v.v... tâu lên vua xin đem Kinh của hai bên ra đốt để phán chân ngụy. Đằng Lan hai ngài để xá lợi Phật vào cùng với Kinh, khiến lửa không cháy được mà xá lợi còn phóng quang chiếu sáng, trong khi Kinh của đạo sĩ thì cháy rụi. Hai ngài còn bay bổng lên hư không hiện mười tám biến hóa, và nói kệ như sau: "Hồ phi sư tử loại, đăng phi nhật nguyệt minh, trì vô cự hải nạp, khâu vô Tung nhạc vinh. Pháp vân thùy pháp giới, Pháp vũ nhuận quần manh, hiển thông hi hữu sự, xứ xứ hóa quần sinh." Sau đó hai ngài quay trở về Ấn Độ.
Vào thời Vũ Văn Chu có một hóa nhân dạo chơi nước này, nói là đến lễ chỗ Phật Ca Diếp nói Pháp và đến nơi cư ngụ của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Khi đến núi này, hiện thành tượng Văn Thù, rồi biến mất trong không. Các người đi theo mới biết đó là hóa thân của ngài Văn Thù.
Vào thời Sơ Đường có vị tăng 99 tuổi hạ tên Sư Tử, đắc tam quả, lặn lội đến lễ bái núi Thanh Lương này.
Đạo Tuyên luật sư đời Đường, đạo hạnh vượt ba cõi, đức trọng trăm loài kính, cảm các người trời thường theo hộ vệ. Ngài thường hay hỏi chư thiên mọi việc xa gần, đều đáp phân minh. Nhờ đó ngài mới biết chắc là núi Thanh Lương là nơi Văn Thù cư ngụ.
Vào năm 769 đời nhà Đường, Tam Tạng Sa Môn Bất Không ở Đại Hưng Thiện Tự tấu thỉnh, vua sắc lệnh nơi Thực Đường, ngoài tôn tượng của Tân Đầu Lô Tôn Giả, còn phải an trí hình tượng của Văn Thù Sư Lợi coi như là Thượng Tọa. Bảy năm sau lại sắc lệnh trong tự viện phải tìm một nơi tốt đẹp để thiết lập Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Viện mà an trí tượng ngài Văn Thù.
Theo Cổ Thanh Lương Truyện, quyển thượng, có ghi Bắc Ngụy Văn Đế vân du Ngũ Đài Sơn, có cho kiến tạo một ngôi chùa ở Trung Đài để thờ tượng Văn Thù.
Tống Cao Tăng Truyện quyển bốn có nói, ngài Khuy Cơ từng tạo một pho tượng Văn Thù Bồ Tát bằng ngọc...
4. Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập Pháp Giới: Di Lặc Bồ Tát nói với Thiện Tài: Đại nguyện của Văn Thù Sư Lợi cho dù vô lượng trăm ngàn na do tha Bồ Tát cũng không phát nổi... Sự thực hành của ngài quảng đại, nguyện của ngài vô biên, làm phát sinh ra tất cả công đức của Bồ Tát, không bao giờ ngừng nghỉ. Thiện nam tử, Văn Thù Sư Lợi vẫn thường là mẹ của vô lượng chư Phật, luôn thường làm thầy của vô lượng Bồ Tát, giáo hóa thành tựu tất cả chúng sinh...
- Văn Thù do trợ giúp Thích Ca Phật giáo hóa chúng sinh, nên đóng vai trò Bồ Tát ở nhân vị. Song thật sự ra, ngài luôn luôn ở quả vị Như Lai trong suốt ba đời. Quá khứ, ngài là Long Chủng Thượng Phật hay còn gọi là Đại Thân Phật, Thần Tiên Phật; hiện tại ngài là Hoan Hỉ Tạng Ma Ni Bảo Tích Phật (theo Ương Quật Ma La Kinh); tương lai, ngài là Phổ Hiện Phật.
- Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, quyển hạ, thì Văn Thù Bồ Tát chính là Long Chủng Thượng Như Lai tại nam phương Bình Đẳng thế giới thành Phật đã từ lâu xa, thọ bốn trăm bốn mươi vạn năm mới nhập Niết Bàn.
- Theo Xử Thai Kinh, ngài có nói bài kệ: Xưa thầy của Năng Nhân, nay là đệ tử Phật, hai Tôn không cùng hóa, nên ta là Bồ tát.
- Theo Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn: Phật bảo Bạt Đà La: Văn Thù Sư Lợi này do đại từ bi mà sinh vào nước Xá Vệ, trong gia đình Bà la môn Phạn Đức, ở thôn Đa La. Khi sinh ra, phòng ốc trong nhà thành như hoa sen, từ nơi sườn bên phải của mẹ mà sinh, thân màu vàng thẫm, vừa chạm đất đã biết nói, như đồng tử cõi trời, có lọng bảy báu che phủ bên trên, và có mười điềm lành như sau (mà ai thấy hay nghe đều được lợi ích, nên gọi là Diệu Cát Tường):
(1) Trời mưa cam lồ.
(2) Đất vọt bảy báu.
(3) Thóc biến lúa vàng.
(4) Sân trổ hoa sen.
(5) Ánh sáng ngập phòng.
(6) Gà cho con phụng.
(7) Ngựa đẻ lân quý.
(8) Bò sinh nghé trắng.
(9) Heo xổ con rồng.
(10) Voi sáu ngà hiện.
Sau xuất gia học đạo với Thích Ca Mâu Ni Phật.
- Theo Đại Bảo Tích Kinh quyển 60 hạ Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký Hội, thì na do tha a tăng kỳ kiếp về trước, ngài đã từng phát 18 đại nguyện nghiêm tịnh Phật quốc, mai sau thành Phật hiệu Phổ Hiện Như Lai, cõi nước ở phương nam có tên là Ly Trần Cấu Tâm thế giới hoặc Vô Cấu thế giới hay Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Trí thế giới. Kinh Pháp Hoa quyển 4, phẩm Đề Bà Đạt Đa cũng tương tợ như vậy. Kinh Bi Hoa quyển 3, phẩm Chư Bồ Tát Bổn Thọ Ký, còn nói thêm, khi A Di Đà Phật còn là chuyển luân vương, thì ngài là vương tử thứ ba, tên Vương Chúng, phát Bồ Đề tâm với Phật Bảo Tạng, nguyện trong tương lai hành Bồ Tát Đạo không cùng tận, để trang nghiêm cõi Phật.
- Theo Tân Hoa Nghiêm Kinh quyển 12, phẩm Như Lai Danh Hiệu có nói về phương đông qua khỏi số thế giới bằng số vi trần trong mười cõi Phật có Kim Sắc thế giới, Phật hiệu Bất Động Trí, Bồ Tát là Văn Thù Sư Lợi.
- Theo Kinh Pháp Hoa, sau khi Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật, thì tám người con đều bỏ theo xuất gia. Phật giảng Pháp Hoa Kinh cho Bồ Tát Diệu Quang. Sau khi Phật nhập diệt, thì tám vương tử đều theo Diệu Quang coi là thầy. Diệu quang giáo hóa cho tám vị tuần tự thành Phật. Vị thứ tám là Nhiên Đăng Phật. Nhiên Đăng Phật lại là thầy của Phật Thích Ca. Nếu vậy thời Văn Thù là tổ chín đời của Phật Thích Ca, vì Diệu Quang Bồ Tát chính là ngài Văn Thù.
5. Thần lực của ngài Văn Thù:
a) Thánh Trí thất thần: Bảo Tạng Kinh kể rằng: Đệ tử của Quang Tướng Phật ở phương đông tên Thánh Trí là bậc đệ nhất thuyết pháp, đứng trên trời Hữu Đỉnh nói pháp, âm thanh bao trùm đại thiên. Văn Thù đến cõi ấy, đứng nơi cõi trời Quang Âm thiên nói Pháp, âm thanh chấn động khắp hết đại thiên thế giới, Ma cung sụp đổ, ác đạo ngưng bặt. Thánh Trí tỳ khưu nghe âm thanh ấy phát sợ hãi hùng, đến mức phải giậm chân xuống đất, ví như gió lốc thổi cuốn chim nhỏ, rớt xuống nhân gian. nhân đó hỏi Phật, Phật đáp: "Văn Thù đại sĩ đã đến đây, oai đức tuyệt vời, bọn các ông không sao bì nổi."
b) Ma vương khiếp đảm hàng phục: Kinh Như Huyễn Tam Muội ghi: Thiện Trụ Ý thiên tử thưa với Văn Thù đồng đến gặp Phật. Văn Thù hiện ra ba mươi hai bộ, lầu các chập chùng với lưới võng trang nghiêm. Có các Bồ Tát đến nơi Phật truớc. Thân Tử nhìn thấy thần biến hỏi Phật, Phật đáp: "Văn Thù trụ vào tam muội Hàng Hủy Chư Ma, sắp đến nơi Phật." Khi Văn Thù trụ vào tam muội này, thời trăm ức ma cung trong đại thiên thế giới đều đồng loạt mở toát ra hết. Chư ma không còn thấy thích thú chỗ mình ở nữa, ai nấy đều bất an. Lúc ấy ma Ba Tuần tự thấy mình như lão già chín mươi, suy yếu hổn hển, chống gậy mà đi, cung nhân mỹ nữ thảy đều già xụm. Cung điện băng hoại, hư không mờ ám. Ba Tuần kinh hãi lông trên thân dựng đứng, trong tâm nghĩ rằng: "Điềm gở gì đây, mà làm cho cung điện của ta suy sụp như vậy? Mạng ta sắp tận hay trời đất gặp kiếp tai sắp bị thiêu chăng?" Lúc ấy ma Ba Tuần trừ hết mọi cống cao, dứt bỏ mọi tư tưởng ác. Có trăm ức thiên tử do Văn Thù hóa ra ở tại lưới võng, đến đứng trước chư Ma, bảo ma Ba Tuần: "Đừng có hãi sợ, thân của các ngươi rốt không có hề gì đâu. Chẳng qua có bậc Bồ Tát đại sĩ bất thối chuyển, tên Văn Thù Sư Lợi, oai đức tuyệt vời nhiếp khắp mười phương, đức quá Tu Di, trí siêu sông biển, huệ vượt hư không. Hiện ngài nhập vào tam muội Hàng Hủy Chư Ma, do oai thần ngài mà ra như vậy." Thời Ma sợ hãi cầu xin tế độ với hóa Bồ Tát. Bồ Tát nói: "Các ngươi hãy đến nơi Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài có từ bi vô tận sẽ làm cho các ngươi hết sợ hãi." Nói xong biến mất. Ma liền đến nơi Phật cầu cứu, nói: "Chúng tôi nghe đến tên Văn Thù lòng rất sợ hãi, sợ rằng mình sẽ mất thân mạng" Phật bèn ca ngợi Văn Thù không cùng. Ma mong cầu được thoát, Phật bảo đợi Văn Thù đến. Sau đó Văn Thù đến, Phật bảo hãy tha cho Ma. Văn Thù hỏi Ma: "Ngươi có chán ghét thân này chăng? " Ma đáp rất chán ghét. Văn Thù nói: "Nếu vậy, hãy chán lìa tham dục, không trú nơi ba cõi nữa." Ma cung kính tuân mệnh, thời lập tức thân thể hồi phục lại như xưa.
c) Hàng Ma khất thực cúng chư Tăng: Bảo Khiếp Kinh ghi: Phật tại thành Xá Vệ cùng với tám trăm Tỳ Khưu và hơn vạn Bồ Tát. Trời mưa suốt bảy ngày, không sao đi khất thực được. A Nan cầu Văn Thù cứu giúp chúng. Lúc ấy Văn Thù đang ở trong thất nói Pháp cho trời Đế Thích, không hề rời khỏi chỗ ngồi, mà nhập vào thành khất thực. Ma che kín cửa của đàn na, song do thần lực của Văn Thù mà khiến mọi cửa đều mở ra, lại khiến chính Ma phải nói lên bảo "hãy thí cho Văn Thù, sẽ được phúc vô lượng" Sau khi được đồ ăn rồi, ngài đặt bát xuống đất, bảo Ma đem đi. Ma không sao nhấc nổi bát, thưa: "Thần lực của tôi có thể nhấc nổi núi Sa Đà, nay chỉ bát nhỏ này mà ra hết sức vẫn không lay động nổi." Văn Thù cầm bát lên đưa cho ma, khiến đi trước. Về đến rừng Kỳ Đà, phân cho vô lượng đại chúng, ai nấy đều no đủ, mà cơm trong bát vẫn không vơi...
d) Kiếp hỏa hóa hoa sen mà đi: Bảo Khiếp Kinh ghi: Xá Lợi Phất từng có lần cùng Văn Thù dạo thăm các quốc độ Phật. Đến một quốc độ Phật nọ, vào lúc kiếp hỏa cùng khắp. Do thần lực của Văn Thù, tự nhiên hoa sen hiện đầy trong ấy, rồi ngài bước trên hoa sen mà đi...
e) Hiện nhiều thân chống Ca Diếp: Ngày Thế Tôn tự tứ, Văn Thù nhập hạ tại ba chỗ, nên Ca Diếp bạch chùy định đuổi ra. Khi vừa đưa chùy lên, bỗng thấy trăm ngàn vạn ức Văn Thù xuất hiện. Ca Diếp ra hết sức lực, mà chùy không sao nhấc lên nổi. Thế Tôn hỏi: "Ông định tẩn xuất Văn Thù nào đây?" Ca Diếp không trả lời được.
f) Thu bát hiện bổn nguyên: Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội Kinh ghi: Phật tại Kỳ Hoàn tinh xá. Có hai trăm thiên tử học nghiệp Bồ Tát chưa mãn, không chịu nổi nhọc nhằn, tâm muốn thối thất, cầu đạo nhị thừa. Phật tức hóa ra một người cầm bát cơm dâng lên Phật. Văn Thù bạch Phật: "Hãy nhớ đến ân xưa mà chia cho tôi bát cơm ấy." Phật đặt bát xuống xuyên vào đất qua khỏi bảy mươi hai hằng hà sa cõi Phật, treo lơ lửng trong không. Phật hạ lệnh cho chư A La Hán và Bồ Tát, mỗi vị nhập tam muội để lấy bát về, song đều không được. Cuối cùng sai Văn Thù, Văn Thù không đứng dậy khỏi tòa, mà duỗi cánh tay trang nghiêm qua khỏi bảy mươi hai hằng hà sa cõi lấy bát đem lên. Các Bồ Tát ở cõi ấy không rõ chuyện gì, nên hỏi Phật cõi ấy. Phật đáp: "Đó là thần lực của Văn Thù, hiển lộng ra để lấy bát về." Các Bồ Tát ấy muốn đến gặp Văn Thù. Phật kia bèn phóng quang từ trên đỉnh chiếu thấu lên đến cõi Sa Bà. Chiếu qua cõi nào cũng có các Bồ Tát muốn đến gặp Văn Thù để nghe Pháp yếu. Nhờ đó mà biết được căn nguồn như sau: "Thuở quá khứ thời Vô Năng Thắng Tràng Phật xuất thế, có vị Tỳ khưu đi khất thực, thấy bà nhũ mẫu ẵm đứa bé con. Đứa bé thấy vị sa môn thì vui mừng, tụt xuống khỏi mẹ đi theo sa môn. Sa môn cho đứa bé mật, đứa bé lấy ăn, rồi lại theo sa môn đòi nữa, sa môn lại cho. Cứ thế vừa đi theo vừa đòi, cho đến tận Phật hội. Đứa bé thấy Phật rất thích thú, đòi sa môn cho mật để cúng lên Phật. Sa môn đưa cho cả bát mật, đứa bé dâng lên cho Phật liền, nhờ vậy mà tâm Bồ Đề khai phát. Vị Tỳ khưu thuở ấy nay chính là Văn Thù, đứa bé nhỏ kia nay chính là Như Lai. Ta do ăn mật của Tỳ khưu mà ngày nay đắc thành Phật."
g) Biến thân khác thành Phật nói Pháp: Bảo Thượng thiên tử nói với Văn Thù: "Hãy nuốt Ba Tuần vào trong bụng, để Ma khỏi làm chướng nạn cho người tu hành." Văn Thù không đồng ý như vậy, mà muốn cho Ba Tuần ngồi trên tòa sư tử mà biện luận vi diệu thuyết Pháp như Phật vậy. Ma nghe định trốn ngay, song do thần lực của Văn Thù giữ lại, nên rốt không sao trốn được, mà thân bị biến thành như Phật, ngồi nơi tòa mà thuyết Pháp. Xá Lợi Phất ca ngợi vô cùng. Văn Thù biết được, bảo rằng: "Tôi có thể làm cho tất cả cỏ cây rừng rậm, các vật vô tâm, đều biến thành hình tướng nói Pháp y như Phật vậy." Xá Lợi Phất sợ Văn Thù biến mình thành Phật, để mà đùa giỡn với mình, nên muốn ẩn trốn đi, song không trốn nổi, mà do thần lực của Văn Thù, liền biến Xá Lợi Phất thành Phật, cùng Ba Tuần đàm đạo, y như hai vị Phật luận thuyết về thâm Pháp vậy. Sau khi chứng kiến, trong chúng có ba vạn người phát tâm Bồ Đề, tám trăm Tỳ Khưu thành đạo.
h) Hóa lưới lửa để chặn đường mê: Bảo Khiếp Kinh ghi: Có lúc Văn Thù nói về Pháp thậm thâm như không cần phải gặp Phật, không cần phải cầu Pháp v.v... Có hai trăm vị Tỳ khưu không hiểu rõ đệ nhất nghĩa đế, cho là nói đảo điên, nên bỏ Phật mà đi. Văn Thù liền hóa thành cơn lửa lớn trên đường đi. Các Tỳ khưu định dùng thần túc bay trên không mà đi, thì thấy bên trên có lưới sắt phát sinh sợ hãi vô cùng, quay nhìn lại đường về Kỳ Viên, thấy hoa sen xanh giăng đầy. Các Tỳ Khưu liền trở lại Phật hội, lạy Phật thưa lại mọi việc. Phật bảo các Tỳ khưu: "Lửa bên trong chưa dứt mà đòi vượt qua lửa bên ngoài, làm gì có chuyện như thế được. Tỳ khưu các ông đọa trong lưới kiến, mà đòi vượt qua lưới sắt, cũng không sao có chuyện như thế được... Kiến và ái này không từ đâu đến, cũng không hề về đâu. Từ vọng tưởng mà sinh, vốn không có ngã, không có ngã sở v.v..." Hai trăm Tỳ Khưu nghe Pháp ấy rồi, các lậu còn sót lại đều tận diệt hết, thành A La Hán.
i) Oai thần vô lượng: Phật bảo Thiện Thắng thiên tử: "Oai thần của Văn Thù Đồng Tử như ta biết được, không có hạn lượng. Có thể hiển hiện hằng sa quốc độ trang nghiêm trong một quốc độ; có thể tụ hằng sa Phật độ vào một chỗ rồi đem ra khỏi hằng sa cõi ở phương trên, không có gì là khó; có thể lấy một sợi lông thu trọn biển cả khắp mười phương, mà chúng sinh không hề hay biết; có thể đem quốc độ ở mười phương thu vào trong một hạt cải, mà chúng sinh chẳng cảm giác gì. Này thiên tử, ta có nói hết một kiếp hay hơn một kiếp cũng không hết được các thần biến của Văn Thù." Văn Thù liền nhập tam muội Thần Biến Tự Tại Vương, hiện đủ các sự việc kể trên, đến Ma cũng phát Bồ Đề tâm.
j) Dùng kiếm ép Phật: Kinh Đại Bảo Tích 105 ghi: Có năm trăm Bồ Tát đắc túc mệnh trí, biết được các trọng tội mình đã làm trong nhiều kiếp. Do hối hận dày vò, nên không chứng được vô sinh pháp nhẫn. Lúc ấy Văn Thù Sư Lợi biết đuợc tâm niệm của họ, bèn ở giữa đại chúng trệch vai áo bên phải, tay cầm kiếm bén, bước thẳng đến Thế Tôn định ra tay làm hại. Phật bảo Văn Thù "Ông chớ hại Ta. Nếu thật muốn hại, thì phải hại một cách thiện. Tại sao vậy? Tất cả các pháp như huyễn hóa, không có ngã, không có người. Ai là người giết để rồi phải chịu tai ương." Lúc ấy các Bồ Tát mới biết rõ là tội đời trước đều như huyễn hóa, mà đắc vô sinh nhẫn, dị khẩu đồng âm nói kệ như sau: Văn Thù bậc đại trí, thấu đạt cùng đáy pháp, tự tay cầm kiếm bén, ép nghặt thân Như Lai, như kiếm Phật cũng vậy, một tướng không có hai, không tướng không gì sinh, nơi ấy làm sao giết?
6. Văn Thù lợi hành: Văn Thù Nê Hoàn Kinh ghi: Vị Bồ Tát này do lực trụ nơi tam muội Thủ Lăng Nghiêm, mà ở khắp mười phương cõi hoặc hiện sơ sinh, hoặc hiện diệt độ, để nhiêu ích chúng sinh. Nên có kệ rằng: Văn Thù đại Bồ Tát, không bỏ nguyện đại bi, biến thân thành dị đạo, hoặc đội nón, lộ thể, hoặc ở giữa bầy nhỏ, nô đùa nơi xóm làng, hoặc làm kẻ nghèo cùng, tiều tụy vì già bệnh, và hiện khổ đói lạnh, lang thang đi xin ăn, khiến ai một phen thí, được toại tất cả nguyện, khiến phát tín tâm rồi, sẽ nói Ba la mật, thống lĩnh vạn Bồ Tát, cư trụ Ngũ Đỉnh Sơn, phóng ức loại quang minh, thấy được tội tiêu diệt.
- Lại Xử Thai Kinh có nói kệ: Thân ta như vi trần, ở các quốc độ khác, ba mươi hai tướng sáng, không nơi nào không hiện...
- Phật Danh Kinh nói: Quá khứ vô lượng hằng hà sa Phật, lúc sơ phát tâm đều do ngài Văn Thù hướng dẫn.
- Kinh có ghi: Phật bảo Sư Tử Âm: "Quá khứ bảy mươi vạn a tăng kỳ hằng hà sa kiếp có vị Phật hiệu là Lôi Âm, thành Phật tại nước Vô Sinh ở phương đông. Lúc ấy Văn Thù làm vua tên Phổ Phú, đến Phật cúng dường, phát Bồ đề tâm. Tùy tùng của vua có đến hai mươi ức người, cũng phát tâm theo, tu hành lục độ, cho đến thành Bồ Đề, nhập vào Niết Bàn. Văn Thù Sư Lợi trọn đều cúng dường các Phật ấy. Trong số ấy có một vị Phật hiệu Trì Địa Sơn, tại thế giới Trì Địa ở phương dưới thành Đẳng Chính Giác. Phật này thọ vô lượng, đến nay vẫn còn trụ, hiện vẫn đang thuyết Pháp."
- Tại thành Vương Xá có cô con gái con trưởng giả, tên Diệu Huệ, chỉ mới tám tuổi, đến Phật hỏi pháp. Phật nói bốn mươi hành pháp cho cô bé. Diệu Huệ nói: "Nếu trong bốn mươi hành ấy mà ta không tu dù chỉ một hành thôi, tức là ta trái lời Phật dạy, là ta lừa dối Như Lai. Nếu lời nói ta không hề hư dối, thì cả đại thiên này sẽ chấn động." Vừa nói xong cả đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Cô bé lại nói: "Ta chắc chắn sẽ thành Phật. Nếu lời nói này không vọng, thì toàn thể đại chúng này sẽ trở thành màu vàng kim hết." Vừa nói xong, toàn hội chúng đều biến thành màu vàng kim. Văn Thù hỏi: "Cô trụ pháp nào mà phát nguyện như thế?" Cô bé nói: "Văn Thù không được hỏi như thế, tại sao vậy? Bởi trong pháp giới không có đâu là chỗ trụ hết."... Phật bảo Văn Thù: "Cô bé gái này, ở trong quá khứ đã phát Bồ đề tâm được hơn ba mươi kiếp rồi, thì ta mới bắt đầu phát tâm hướng về Vô thượng bồ đề, và cô ta cũng chính là người làm cho ông trụ vào vô sinh pháp nhẫn." Tức thời Văn Thù liền đứng dậy khỏi tòa mà lễ lạy Diệu Huệ đồng nữ.
- Nhu Thủ Bồ Tát vào thành Xá Vệ khất thực, vô lượng đại chúng đi theo. Thời Long Thủ Bồ Tát cũng tùy theo. Hai vị đại sĩ đối đáp qua lại, bàn luận về thâm pháp đến mức độ rằng: "Khi đi khất thực không có tâm niệm là nhấc chân lên, không có tâm niệm đặt chân xuống, không có đi không có đứng, không có co lại không có duỗi ra, không có tâm niệm là khất thực, không có người khất thực, không có tâm, không có vật, thành quách xóm làng, già trẻ nam nữ, tất cả đều không có, tâm niệm ấy cũng không có, rỗng suốt thanh tịnh, như thế gọi là đạo khất thực của Bồ Tát vậy." Các bậc Thanh Văn trong hội chúng chẳng hiểu là các ngài nói gì.
- Niết Bàn Kinh có ghi: Phật nói sâu rộng về Niết Bàn, cho nghe những gì không được nghe. Cao Quý Đức Vương Bồ Tát hỏi Phật: "Đại Niết Bàn này, không phải thuộc về thời gian, Nếu không phải thuộc về ba thời, ắt không cách gì nói lên được. Thì sao Phật lại nói tu Đại Niết Bàn, được nghe những gì không được nghe?" Phật chứng nhận là đúng vậy. Lúc ấy trong đại hội bỗng có ánh sáng chan hòa, không phải xanh mà thấy xanh, không phải vàng mà thấy vàng, không phải sắc mà thấy sắc, không phải sáng mà thấy sáng, ai gặp phải ánh sáng ấy, thời thân tâm đều khoái lạc, như nhập vào tam muội. Văn Thù bạch Phật: "Ánh sáng này là do ai phóng ra vậy?" Như Lai im lặng không đáp. Ca Diếp Bồ Tát lại hỏi Văn Thù, Văn Thù cũng im lặng. Vô Biên Thân hỏi Ca Diếp, Ca Diếp cũng lặng im. Năm trăm Bồ Tát cũng y như vậy, tuy hỏi lẫn nhau mà không ai đáp. Phật mới hỏi Văn Thù rằng: "Do nhân duyên gì mà có ánh sáng này?" Văn Thù đáp rằng: "Ánh sáng này gọi là trí huệ. Trí huệ lại chính là thường trụ. Mà pháp thường trụ thì không có nhân duyên, vậy tại sao Phật lại hỏi do nhân duyện gì mà có ánh sáng này? Ánh sáng này gọi là đại Niết Bàn. Niết Bàn thường trụ không theo duyên mà sinh, cớ gì Như Lai lại hỏi nhân duyên?..." Phật bảo: "Ông đừng nhập đệ nhất nghĩa đế, mà hãy dùng thế đế để nói." Lúc ấy Văn Thù mới nói rõ là ánh sáng ấy là do Lưu Ly Quang Bồ Tát ở nước của Bất Động Phật thuộc phương đông hiện ra vậy.
- Văn Thù nói về Bồ Tát hành: "Bồ Tát hành ngay trong thế gian mà không bị thế pháp ô nhiễm; hiện ở trong ngoại đạo, mà các kiến chấp không sao chuyển động nổi; tuy đoạn phiền não mà không hề xả Bồ Tát hành; tuy không trụ hữu vi, mà cũng không trụ pháp vô vi..." Các điều ấy, nhị thừa không biết đâu mà lường.
- Bảo Tích Kinh ghi: Nếu có ai được nghe danh hiệu của Văn Thù, thì đều sẽ thành Phật, chỉ trừ những vị đã vào địa vị ly sinh (tức nhị thừa)... Nếu có ai được nghe danh Văn Thù, thì có nghĩa là được gặp gỡ chư Phật. Nếu có người thọ trì danh hiệu của trăm ngàn van ức chư Phật, không bằng thọ trì danh hiệu của chỉ một Văn Thù Bồ Tát, phúc nhiều hơn hết. Tại sao vậy? Do tất cả các việc ích lợi chúng sinh mà chư Phật kia làm, không bằng được Văn Thù chỉ làm trong một lúc.
- Bát Niết Bàn Kinh ghi: Nếu ai được nghe danh Văn Thù, hoặc thấy hình tượng ngài, thì trong trăm ngàn kiếp sẽ không đọa ác đạo. Nếu ai xưng niệm danh hiệu Văn Thù, thì dù có bị trọng chướng, cũng sẽ không đọa vào chỗ A Tỳ lửa thiêu dữ nhất, mà thường sinh vào các quốc độ thanh tịnh ở các phương khác, gặp Phật nghe Pháp, đắc vô sinh nhẫn.
Thế nên cho dù có ở bồng lai tiên cảnh, hay ở Tu Di thiên cung, kéo dài trăm ngàn vạn kiếp, cũng không bằng cất một bước hướng về núi Thanh Lương vậy.
7) Văn Thù sở nhân và pháp yếu: Quán Phật Tam Muội Hải Kinh ghi: Sau khi Thế Tôn thuyết Quán Phật tam muội cho chúng nghe rồi, Văn Thù Bồ Tát lại bảo với đại chúng rằng: "Vào thời Bảo Oai Đức Như Lai trong quá khứ, có người con trưởng giả tên là Giới Hộ. Khi còn trong bụng mẹ đã thọ tam quy y. Đến năm tám tuổi, cha mẹ thỉnh Phật về nhà cúng dường. Đứa bé thấy Phật bước đi thong dong an lạc, dưới chân sinh hoa, có ánh sáng tỏa chiếu. Thấy vậy rất hoan hỉ, bèn lễ lạy Phật. Lễ rồi chăm chú ngắm nhìn, không hề rời mắt. Một lần thấy Phật rồi, thời có thể diệt trừ được tội lỗi sinh tử suốt trăm vạn ức na do tha kiếp. Từ kiếp đó trở đi, thường được gặp gỡ trăm ức na do tha hằng hà sa Phật. Các Thế Tôn này đều nói về tam muội Quán Phật. Sau đó có trăm vạn vị Phật xuất hiện đều đồng một danh hiệu là Chiên Đàn Hải, thời cậu bé ấy được chính mình hầu hạ chư Phật, không có giây phút nào bỏ không, luôn lễ Phật cúng dường, chắp tay chiêm ngưỡng Phật. Do năng lực của nhân duyên công đức quán Phật này, mà lại gặp được trăm vạn a tăng kỳ Phật. Từ đó trở đi, liền được trăm vạn ức Niệm Phật Tam Muội, trăm vạn a tăng kỳ toàn Đà La Ni. Khi đắc được các pháp ấy rồi, thì chư Phật hiện ra trước mặt nói Pháp vô tướng cho nghe. Trong một khoảnh khắc liền đắc Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Cậu bé lúc ấy do thọ tam quy y, một phen lễ Phật và chiêm ngưỡng tướng Phật, tâm không biết chán, do nhân duyên ấy mà gặp vô số Phật, thì huống gì là chuyên niệm, suy xét trọn vẹn, chiêm ngưỡng sắc thân của Phật. Cậu bé ấy nào phải ai xa lạ, chính là ta đây vậy." Phật bảo A Nan: "Ông hãy đem các lời nói của Văn Thù Sư Lợi mà tuyên nói cho toàn thể đại chúng, cùng với chúng sinh trong vị lai. Nếu ai mà lễ bái, nếu ai mà niệm Phật, nếu ai mà ngắm nhìn Phật, phải biết những người ấy bằng ngang với Văn Thù không hề sai khác."
- Văn Thù Ma Ha Bát Nhã Kinh ghi: Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: "Thế Tôn, phải thực hành như thế nào, thì mau đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề?" Phật nói: "Văn Thù Sư Lợi. cứ như Bát nhã Ba la mật đa nói mà thực hành, thì có thể mau đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Lại có tam muội Nhất Hành, nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào tu tam muội này, cũng sẽ mau đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề." Văn Thù hỏi: "Thế Tôn, thế nào là tam muội Nhất Hành?" Phật đáp: "Pháp giới vốn một tướng, duyên chặt vào pháp giới, thì gọi là Nhất Hành Tam Muội. Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân muốn nhập vào Nhất Hành Tam Muội, thì trước hết phải nghe về Bát nhã Ba la mật, đúng theo lời giảng mà tu học, sau đó mới có thể nhập vào Nhất Hành Tam Muội, duyên đúng theo pháp giới, không thối không hoại, bất tư nghị, vô ngại vô tướng. Thiện nam tử thiện nữ nhân nào muốn nhập Nhất Hành Tam Muội phải ở nơi chỗ vắng vẻ, xả mọi loạn tưởng, đừng giữ lấy tướng nào, trói tâm vào một Phật, chuyên xưng danh hiệu, tùy theo Phật ấy ở phương nào, thì ngồi ngay ngắn hướng về phương ấy. Nếu nơi một Phật mà niệm niệm tương tục được, thì trong niệm ấy sẽ thấy được chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Tại sao vậy? Niệm công đức của một Phật là vô lượng vô biên, cũng không khác gì với công đức của vô lượng chư Phật. Phật pháp bất tư nghị bình đẳng với nhau không hề khác biệt, đều thừa theo nhất như, thành tối chính giác, trọn có đủ vô lượng công đức, vô lượng biện tài. Người nhập Nhất Hành Tam Muội như thế sẽ biết được tướng vô sai biệt của khắp hết hằng hà sa chư Phật và Pháp giới."
- Một hôm Thế Tôn thấy Văn Thù đứng bên ngoài cửa, mới gọi bảo: "Văn Thù vào đây." Văn Thù đáp: "Con không thấy có một pháp nào ở ngoài cửa hết, thì cớ sao Như Lai lại bảo con vào trong cửa?"
- Thế Tôn bảo Văn Thù hãy nhập vào tam muội Bất Tư Nghị Giải Thoát. Văn Thù nói: "Con tức chính là bất tư nghị rồi, thì còn làm sao nhập bất tư nghị gì nữa?"
- Thế Tôn hỏi Văn Thù: "Như Ông là Văn Thù, thì có một Văn Thù nào đó là Văn Thù hay không? Hay không có Văn Thù nào hết để là Văn Thù?" Văn Thù trả lời: "Thưa Thế Tôn, đúng vậy. Con thật sự là Văn Thù, không có gì là Văn Thù hết. Tại sao vậy? Nếu có ai đó là Văn Thù, thì hóa ra thành có hai Văn Thù. Song hiện nay đây, con không phải là không có Văn Thù, quả thật nơi chân lý này nói "là" hay nói "không phải là" đều không được."
- Thiện Tài hỏi về pháp xuất thế gian. Văn Thù đáp: "Ta tìm kiếm tướng thế gian, rốt cuộc không hề có được, vậy ông muốn xuất ly khỏi cái gì đây?" Ngài lại nói: "Tham sân si tức pháp giới bình đẳng, ta đối với các pháp này, không từng đã xuất ly, cũng không hề chưa xuất ly. Nếu có xuất hay không xuất, đều là đọa vào hai kiến."
8) Văn Thù trụ diệt: Văn Thù Bát Niết Bàn Kinh ghi: 450 năm sau khi Phật diệt độ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sẽ tới Tuyết Sơn tuyên thuyết giáo pháp cho năm trăm tiên nhân ở đó, khiến cho thành thục, rồi cùng chư thiên bay lên trong không mà về đến chốn sinh trưởng của mình (tức nước Xá Vệ), rồi ở dưới gốc cây ni câu ngồi kết già phu, nhập vào tam muội Thủ Lăng Nghiêm. Do lực của tam muội này, mọi lỗ chân lông trên thân đều phát ra ánh sáng vàng kim, chiếu khắp mười phương, cho ai có duyên đều khiến được độ. Làm phật sự đó xong, có ánh sáng lửa chói lòa từ các lỗ chân lông phát ra, nung thân vàng kim của ngài, thành tượng lưu ly, dưới hai cánh tay có dấu ấn của chư Phật, đường nét rõ ràng. Trong tượng lưu ly có tượng chân kim, cao đúng 6 thước (tàu), ngồi trên đài hoa sen, rành mạch rõ ràng. Ánh sáng lửa tắt rồi, toàn tượng hiển hiện. Năm trăm vị tiên nhân kia mỗi vị hiện thần biến, đều cùng nhập niết bàn. Khi tất cả diệt độ xong rồi, tám Đại Quỷ Vương đem tượng lưu ly bay lên đặt trên đỉnh núi Kim Cương, dựng tháp cúng dường.
Hỏi: Đại thánh Văn Thù nhập diệt ở đây, trụ trì ở kia, vậy ngài là có diệt thật hay không? Hay không thật diệt? Nếu cho là thật diệt, thì người trụ ở đây là ai? Nếu bảo là không diệt, thì sao không còn thấy có thân tướng qua lại nơi đây nữa?
Đáp: Hoa Nghiêm Kinh có nói: Vì muốn cho chúng sinh phát vui mừng, nên ngài xuất hiện nơi thế gian này, vì nuốn cho chúng sinh sinh luyến mộ, nên ngài hiện bày ra niết bàn. Song thân của Bồ Tát không hề xuất hiện nơi thế gian, cũng không hề vào niết bàn. Tại sao vậy? Bồ Tát thường trụ thanh tịnh pháp giới, tùy theo tâm của chúng sinh mà hiện bày ra niết bàn vậy. Ví như mặt nhật, chiếu khắp thế gian, tất cả các bát nước nào trong là bóng mặt trời đều hiển hiện. Mặt trời có mặt khắp mọi nơi như thế mà không hề có đi lại. Lỡ như có bát nào vỡ đi, thì bóng mặt trời không thấy hiện nữa, đó không phải là lỗi của mặt trời vậy. Mới rõ đại thánh hoặc xuất hiện hoặc mất đi, đều do thích ứng theo chúng sinh. Nhưng pháp thân thì luôn trừng lắng, chưa từng có tướng sinh diệt lại qua. Thể đã chân thường, thì dụng cũng không gián cách, chỉ cần thanh tịnh tâm mình, thì thánh có bao giờ lại không hiện đâu. Đó mới là tướng niết bàn vậy.
Hỏi: Thánh có ba thân, vậy ngài dùng thân nào để trụ ở núi Thanh Lương đây?
Đáp: Ba thân đồng trụ. Trụ tướng ra sao? Trước hết là Pháp Thân trụ: Pháp Thân tức Tỳ Lô Già Na, tự thể có mặt khắp mọi nơi, thể tính của khí thế gian chính là Pháp Thân. Kinh nói "Thân tướng của Phổ Hiền như hư không, y theo chân thật mà trụ chứ không phải trụ theo quốc độ." Nay chiếu theo nghĩa tính và tướng trong Phật Pháp mà phân ra thân và độ, thời cho Pháp Thân trụ nơi Pháp Tính Độ. Do khế chứng mà thôi, rất khó mà suy biết, nên chỉ theo nghĩa mà nói "trụ" thôi, chứ thật ra không hề có hai thể năng và sở.
Kế đến là Báo Thân trụ: tức trí và lý thầm hợp, đức thể theo thể mà chu biến. Như mặt trời hợp với hư không thì gọi là "trụ". Nên Đông Pha nói: "Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi tịnh diệu thân." tương tợ như nghĩa báo thân trụ ở đây vậy.
Sau cùng là Hóa Thân trụ: tức Văn Thù dùng thân ba mươi hai tướng cùng vạn Bồ Tát thường trụ nơi đây. Thường thì tùy loại mà hóa hiện như mục đồng, lão ông, bần nữ, con trẻ v.v.., là hoá thân trụ vậy. Nguyên vì Pháp Thân là thể, Ứng Hóa là dụng. Thể bao hàm các dụng, dụng gốc gác nơi các thể, thể bao trọn nên dụng có khắp, thế nên ba thân không lìa nhau.
Hỏi: Nếu thế, ắt thể đã vô biên, thì dụng cũng ứng hiện khắp, vậy tại sao lại chỉ riêng trụ ở Ngũ Đài mà thôi?
Đáp: Hiện ra nơi Ngũ Đài, là vì ứng theo căn cơ của Trung Hoa, muốn cho người ta có chỗ để quy tâm. Còn nếu nói theo lý lẽ cơ cảm theo sát trần, viên ứng khắp pháp giới, thì đâu có hạn cuộc nơi đâu!
II. Ngũ Đài Sơn
Chu vi hơn 250 cây số, gồm có năm ngọn núi cao vút, trên đỉnh không cây cối, như đắp đất lên thành Đài, nên gọi là Ngũ Đài. Năm Đài đều cao từ 2 đến 3 ngàn mét. cao nhất là Bắc Đài, 3058 m. Quanh năm đóng tuyết, mùa hè mưa nhiều, đôi khi vẫn có tuyết rơi, vào những ngày nóng nhất mà vẫn mát mẻ (thanh lương) như mùa thu, nên gọi là Thanh Lương Sơn.
Bồ Tát Hiển Ứng
1) Đỗ Thuận Hòa Thượng truyện: Tức Pháp Thuận hòa thượng, thuở nhỏ đã được Tùy Văn Đế coi trọng. Ngài có thần năng chữa bá bệnh, có thể đi ngang sông mà giòng nước tách đôi ra. Sau được vua Đường Thái Tông kính trọng, thường thỉnh vào trong cung thuyết pháp. Có lần vua bệnh cầu thần lực của ngài để chữa bệnh. Ngài nói: "Thánh đức ngự khắp cõi, chút bệnh thì có chi lo, chỉ cần đại xá, là thánh thể tự an." Vua nghe lời, bệnh liền khỏi, nhân đó mới ban hiệu cho ngài là Đế Tâm. Ngài có vị đệ tử tên Trí Xung, từ biệt đi Ngũ Đài lễ Văn Thù. Ngài đưa cho phong thư dặn: "Nếu gặp Văn Thù thì mở ra mà xem." Khi Trí Xung đến Ngũ Đài, rừng rậm thâm u, không nơi đâu không lần đến, bỗng gặp ông lão hỏi Xung rằng: "Ông lặn lội tiều tụy để tìm kiếm gì vậy?" Xung đáp: "Muốn tìm gặp Văn Thù, chưa rõ là ở đâu." Ông lão nói: "Văn Thù lâu nay đi hóa đạo tại Trường An, chưa trở về, ông đến đây mà gặp được gì !" Xung hỏi: "Là ai mới được?" Ông lão đáp: "Là Pháp Thuận hòa thượng chứ còn ai nữa !" Xung vừa quay gót lại, ông lão đã biến mất. Xung mở phong thư ra coi, có bài kệ rằng: Du tử xa thăm thẳm, Đài Sơn trải đồi non, Văn Thù chỉ là đó, cần chi hỏi Di Đà. Xung vội quay trở về Trường an, thì ngài đã thiên hóa mất rồi.
2) Phật Đà Ba Lợi vào hang Kim Cương: Phật Đà Ba Lợi (Giác Hộ) người nước Kế Tân thuộc bắc Ấn Độ, nghe nói bên Trung Quốc có nơi trụ xứ của Văn Thù, bèn lặn lội đường xa tìm đến lễ bái. Năm Phụng Nghi nguyên niên (676) đến phía nam Đài Sơn, leo lên đầu non, nhìn quanh nhìn quất, thấy cây cối đụng mây, hoa hương tràn đất, ngẩng đầu thấy năm ngọn núi, trong lòng vui mừng khôn xiết. Ngài mới năm vóc đảnh lễ, hướng lên không bạch rằng: "Như Lai diệt rồi, chúng Thánh ẩn mất, duy Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi, đại bi vô tận, vẫn ở nơi núi này, để dẫn dắt quần sinh, giáo đạo chư Bồ Tát. Con thống hận mình sinh gặp thời nạn, không thấy được Thánh dung, nên lặn lội phương xa, cốt đến chiêm lễ, nguyện ngài đại từ, cho con tạm rõ chân dung, được nghe từ ngữ." Nói xong, sầu khóc, hướng về núi đảnh lễ. Bỗng thấy có ông lão từ trong hang bước ra, nói tiếng bà la môn, bảo ngài rằng: "Ông bảo tâm hoài chí đạo, xa tầm Thánh tung. Nay chúng sinh đất Hán, nhiều kẻ tạo tội nghiệp, các bậc xuất gia, nhiều kẻ phạm giới luật. Đất Tây có bộ Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh có thể diệt được nghiệp cấu trọng ác của chúng sinh, ông có mang theo không?" Ngài đáp: "Bần đạo đến đây chỉ cốt yết lễ, nên không mang Kinh theo !" Ông lão nói: "Không mang Kinh theo, thì đến có ích gì? Dù có gặp Văn Thù, cũng há có thể nhận ra chăng? Ông hãy trở về lập tức, mang Kinh lại đây, để lợi tế chúng sinh đau khổ ở đất nước này, tức là gặp mặt chư Phật, gần gũi cúng dường, thì một Văn Thù kia lẽ nào lại không gặp được sao?!" Ngài nghe xong, vui mừng không cùng, lạy dưới chân ông lão, chưa kịp ngước lên, ông lão đã biến mất. Ngài bi hỉ giao thoa, càng thiết chân thành, lập chí chết thôi, quay về đất Tây cầu Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh. Vào năm Hoằng Đạo nguyên niên trở lại Trường An, đem mọi việc tâu lên vua. Vua Cao Tông rất vui mừng sai Nhật Chiếu Tam Tạng hợp tác với ngài cùng dịch vào năm Vĩnh Thuần thứ hai (683). Dịch xong Vua ban cho ngài nhung lụa ba ngàn bức và cất giữ Kinh lại trong nội cung. Ngài khóc tâu: "Bần đạo được ủy mệnh đem Kinh về vì để tế độ quần sinh, chứ nào phải vì vinh hoa phú quý. Cầu mong Bệ Hạ mở cõi lòng nhân mà cho lưu bố Kinh điển!" Vua cảm động trước ý nguyện của ngài, nên giữ lại bản Hán và trao lại ngài bản Phạn. Sau đó ngài đến Tây Minh Tự cùng nhóm sa môn Chính Thuận v.v... dịch lại lần nữa. Dịch xong, ngài đem bản Phạn đến Ngũ Đài Sơn đi vào hang Kim Cương không trở ra lại nữa...
Hang Kim Cương, tức Kim Cương Quật, theo Kỳ Hoàn Đồ thì đó là nơi cất chứa đủ hết các đồ cúng dường của ba đời chư Phật. Vào thời Ca Diếp Phật, Lăng Già Quỷ Vương tạo ra nhạc thần và cả tạng Tỳ Nại Gia bằng giấy vàng chữ bạc, tạng Tu Đa La bằng giấy bạc chữ vàng. Sau khi Phật diệt độ đều thu nhập vào đó.
3) Vô Trước vào hang Kim Cương: Vô Trước thiền sư đến Thanh Lương Sơn, nghỉ đêm tại Hoa Nghiêm Tự, ngồi già phu trước lầu kinh, thiền luôn ba ngày. Đêm cuối thấy ánh sáng trắng từ phía đông bắc lại, chiếu ngay đỉnh đầu, hồi lâu mới tan mất. Trước cảm thấy thân tâm mát rượi, đắc đại pháp hỉ. Sáng sớm lần theo hướng đông bắc nơi ánh sáng chiếu đến mà đi. Đến cửa Lâu Quán Cốc (hơn 20 dặm phía đông nam của Đài), tâm tưởng đến thánh cảnh, mới lạy vài trăm lạy, rồi già phu thiếp nghỉ. Bỗng nghe tiếng giục bò, giật mình tỉnh dậy, thấy có ông lão quần áo xơ xác nghèo nàn, dẫn bò đi đến trước Vô Trước. Trước bái hỏi rằng: "Lão túc từ đâu tới?" Đáp: "Vào núi xin lương về." Trước hỏi: "Gia cư ở nơi nào?" Đáp: "Ở trong thung lũng này." Ông lão hỏi: "Còn thầy định đi đâu?" Trước đáp: "Định vào hang Kim Cương (ở vách núi phía trái của Lâu Quán Cốc) mà không biết đâu là cửa vào." Ông lão nói: "Tạm ghé nhà lão nghỉ ngơi uống chút trà." Vô Trước đi theo ông lão hơn năm chục bước về hướng bắc, thì đến cổng. Ông lão hô "Quân Đề !", có đồng tử ra mở cổng dẫn bò vào, ông lão mời Trước vào. Trong nhà mặt đất bằng phẳng toàn màu lưu ly, phòng ốc và đồ dùng, không hề có trong thế gian. Sau khi ngồi rồi, ông lão hỏi: "Thầy từ đâu đến?" Đáp: "Phương nam." Hỏi: "Có mang niệm châu tốt đến hay không?" Đáp: "Có thô châu thôi." Ông lão hỏi: "Xin đưa ra cho coi." Vô Trước đưa xâu chuỗi ra cho ông lão coi. Ông lão nói: "Đem cái của chính nhà ông ra coi." Trước nói: "Đây là cái của tôi." Ông lão nói: "Nếu là của ông thì sao lại từ phương nam đến được." Đồng tử dâng lên hai tách lưu ly rót đầy tô mật. Ông lão nâng tách lên hỏi: "Phương nam có cái này không?" Trước nói: "Không có." Ông lão hỏi: "Không có cái ấy lấy gì để uống trà?" Trước không trả lời được. Ông lão lại hỏi: "Phật pháp ở phương ấy trụ trì ra sao?" Trước đáp: "Mạt pháp Tỳ Khưu ít ai phụng trì giới luật." Lại hỏi: "Chúng nhiều ít?" Trước nói: "Khoảng năm ba trăm." Trước lại hỏi: "Phật pháp nơi đây trụ trì ra sao?" Lão đáp: "Rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh xen tạp." Lại hỏi "Chúng nhiều ít?" Ông lão đáp: "Trước ba ba và sau ba ba." Vô Trước không biết nói gì nữa. Ông lão hỏi: "Thầy thường tu tập ra sao?" Trước đáp: "Bát Nhã huân tâm, không đắc yếu chỉ." Lão nói: "Không đắc là yếu chỉ." Lại hỏi "Ông lúc đầu xuất gia, chí cầu việc gì?" Trước đáp: "Muốn cầu Phật quả." Lão nói: "Sơ tâm là đắc.".... Vô Trước bái từ nói: "Nay có chỗ nghi, dám hỏi Đại Đức, chúng sinh trong đời trược, thiện căn ít ỏi, thì phải tu hành pháp gì mới được giải thoát?" Ông lão bèn nói kệ rằng: "Nếu ai tĩnh tọa trong chốc lát, hơn tạo hằng sa tháp bảy báu, tháp báu rồi ra thành vi trần, một niệm tĩnh tâm thành chính giác." Nói kệ xong, sai đồng tử tiễn Vô Trước ra về. Vô trước hỏi đồng tử: "Khi nãy chủ nhân nói trước ba ba và sau ba ba, là bao nhiêu cả thảy?" Đồng tử nói: "Phía đàng sau Kim Cương!" Vô Trước chưng hửng. Khi chào từ giã, Trước lại hỏi hang Kim Cương ở đâu? Đồng tử quay lại chỉ nói: "Cái này là chùa Bát Nhã!" Vô Trước quay lại nhìn, đồng tử và chùa đều biến mất... Bỗng mây lành nổi lên tứ phía, trên có ánh sáng tròn như chiếc gương treo, trong ấy thấp thoáng các hình bóng của chư Bồ Tát, cùng các bóng dáng của tịnh bình, tích trượng, hoa sen và sư tử... một lát sau mới tan biến. Vô Trước cảm khái làm thành bài kệ: "Khắp cùng sa giới thánh già lam, trước mắt Văn Thù tiếp đối đàm, lời lẽ ẩn gì không được rõ, ngoảnh lại chỉ thấy núi non xưa."
4) Pháp Chiếu vào Trúc Lâm Tự: Pháp Chiếu được coi là Tổ thứ tư của Tịnh Độ Tông. Ngài thuộc đời nhà Đường, không rõ năm tháng sinh và quê quán. Có lần trụ tại Vân Phong Tự ở Hành Châu, tu hành rất tinh cần, một hôm trong Tăng Đường, bỗng trong bát cháo nhìn thấy mây lành ngũ sắc, trong mây hiện hình chùa núi. Trong khoảng 50 dặm về phía đông bắc của chùa có ngọn núi, dưới núi có khe suối, phía bắc khe suối có cửa đá. Vào trong khoảng năm dặm có ngôi chùa, tên trên bảng vàng đề: "Đại Thánh Trúc Lâm Tự". Tuy mắt thấy rõ ràng, song tâm vẫn không dứt khoát được. Hôm khác vào lúc trai thời, lại thấy trong mây ngũ sắc ở trong bát hiện hình các chùa ở Ngũ Đài, mặt đất toàn là vàng ròng, không hề có núi rừng uế ác, mà đều là lầu gác ao đài bằng các báu trang nghiêm. Thấy ngài Văn Thù ở giữa cả vạn thánh chúng, lại thấy hiện ra tịnh độ của chư Phật. Ăn xong rồi mới biến mất. Pháp Chiếu tâm nghi chưa dứt khoát được, bèn hỏi thăm chư Tăng có ai từng đến Ngũ Đài Sơn chưa? Có hai thầy Gia Diên và Đàm Huy từng đến đó. Thuật lại thì đúng như những gì ngài thấy trong bát. Sau đó ngài ở Hành Châu Hồ Đông Tự, trong có một đài cao, lập đạo trường "Ngũ Hội Niệm Phật" trong vòng chín tuần lễ. Một hôm thấy mây lành che phủ đài tự, trong mây có các lầu gác, trong lầu có các phạn tăng, mỗi vị cao lớn đến cả trượng, cầm tích trượng hành đạo. Khắp vùng Hành Châu đều thấy Phật Di Đà, cùng Văn Thù Phổ Hiền, một vạn Bồ Tát, đều có mặt trong hội ấy, thân các ngài cao lớn. Ai nấy đều bi hỉ lễ lạy, cho đến khi cảnh tây phương diệt mất. Chiều hôm ấy, ngài gặp một ông lão ngoài đạo trường, bảo rằng: "Trước kia thầy phát nguyện đến thế giới Kim Sắc, để được gặp Đại Thánh, nay sao chưa đi đi?" Ngài ngạc nhiên hỏi: "Thời khó đường xa, làm sao để đi đây?" Lão nói: "Cứ việc đi, đường đi chắc chắn không có gì trở ngại." Nói xong biến mất. Ngài kinh ngạc, trở vào đạo trường chân thành phát nguyện lại mãn hạ sẽ lên đường, dù băng hà núi lửa, cũng không bao giờ thối lui. Ngày 13 tháng 8 năm đó lên đường cùng vài vị đồng chí hướng, quả nhiên không có gì trở ngại. Ngày 5 tháng 4 sang năm mới đến huyện Ngũ Đài, xa thấy phía nam Phật Quang Tự có vài đạo bạch quang. Hôm sau đến Phật Quang Tự, thì đúng y như đã thấy trong bát. Canh tư đêm ấy, thấy có đạo hào quang từ Bắc Sơn chiếu thẳng xuống... ngài bèn chỉnh đốn oai nghi, tìm theo hào quang đến phía đông bắc cách chùa khoảng 50 dặm, thì thấy có núi, dưới núi có khe suối, phía bắc khe suối có cửa đá, thấy có hai người hầu khoảng tám chín tuổi dung mạo đoan chính, đứng ngay nơi cửa, một gọi là Thiện Tài, hai kêu Nan Đà. Khi gặp ngài rất vui vẻ, chào hỏi đâu đó, rồi mời vào cửa. Vào rồi đi về phía bắc khoảng năm dặm, thấy một lầu cửa vàng. Đến gần cửa thì ra là một ngôi chùa, trước chùa có bảng hiệu lớn bằng vàng đề "Đại Thánh Trúc Lâm Tự", y như những gì đã thấy trong bát... Ngài vào trong chùa, đến Giảng Đường, thấy Văn Thù ở bên phía tây, Phổ Hiền ở bên phía đông, mỗi ngài đều ngồi trên sư tử tòa. Âm thanh nói pháp rành mạch rõ ràng. Hai bên Văn Thù cả vạn Bồ Tát, vây quanh Phổ Hiền cũng vô số Bồ Tát. Ngài bước đến trước hai bậc thánh, lễ lạy hỏi rằng: "Phàm phu thời mạt, cách xa thời Thánh, tri thức dần ít, cấu chướng thêm sâu, Phật tính không sao hiển hiện. Phật Pháp bao la, không rõ tu hành phải pháp môn nào mới là ách yếu nhất? Duy nguyện Đại Thánh đoạn nghi cho con." Văn Thù trả lời: "Ông nay niệm Phật, thì giờ đây chính đúng lúc ấy. Các môn tu hành không gì hơn niệm Phật, cúng dường Tam Bảo, phúc và huệ cùng tu. Hai môn ấy chính là thiết yếu bậc nhất. Tại sao vậy? Ta trong kiếp quá khứ do nhân nơi chiêm ngưỡng Phật, do nhân nơi niệm Phật, do nhân nơi cúng dường, mà nay đắc nhất thiết chủng trí. Thế nên tất cả các Pháp, Bát nhã Ba la mật, thậm thâm thiền định, cho đến chư Phật, đều từ niệm Phật mà sinh. Mới rõ niệm Phật là vua trong các Pháp. Ông phải thường niệm vô thượng Pháp Vương, khiến không ngừng nghỉ." Ngài lại hỏi: "Phải niệm như thế nào?" Văn Thù nói: "Ở phía tây thế giới này có Phật A Di Đà, nguyện lực của Phật ấy bất khả tư nghì, ông hãy niệm ngài đừng để gián đoạn. Sau khi mạng chung, chắc chắn sẽ vãng sinh, vĩnh viễn không thối chuyển nữa." Nói lời ấy xong, cả hai Đại Thánh đều duỗi tay vàng xoa đỉnh của ngài, để mà thọ ký: "Ông do niệm Phật mà không bao lâu sẽ chứng vô thượng Bồ Đề. Nếu thiện nam nữ nào nguyện mau thành Phật, thì không gì bằng niệm Phật, mới mau chứng được vô thượng Bồ Đề." Nói xong, hai vị đại thánh cùng nói lên kệ. Ngài được nghe rồi, hoan hỉ phấn chấn, lưới nghi trừ tuyệt, lễ lạy chắp tay. Văn Thù nói: "Ông có thể đi thăm Bồ Tát Viện để tuần tự lễ bái." Ngài y lời dạy thuần tự chiêm lễ đến vườn cây bảy báu... hái quả mà ăn. Ăn xong, thân tâm sảng khoái, đến trước hai Thánh lễ lạy thối từ... Hai trẻ hầu đưa ra đến ngoài cổng, lễ lạy xong, ngẩng đầu lên thời không còn thấy gì nữa... (mới lập thạch ký đến nay vẫn còn). Đến ngày 13 tháng 4, ngài cùng hơn năm mươi vị tăng đồng đến hang Kim Cương, chỗ Vô Trước gặp Đại Thánh, thành tâm lễ ba mươi lăm Phật danh. ngài vừa lễ được mười lần, bỗng thấy chỗ ấy khoảng khoát nghiêm tịnh, cung điện lưu ly hiện ra. Văn Thù, Phổ Hiền, một vạn Bồ Tát, cùng Phật Đà Ba Lợi, đồng ở tại một chỗ. Ngài chứng kiến xong, tự mình rất vui mừng, theo chúng quay về chùa. Canh ba đêm đó, ở lầu tây của Hoa Nghiêm Viện, bỗng thấy nơi lưng chừng núi phía đông chùa có năm ngọn đèn thánh to lớn, ngài nguyện thầm xin phân thành trăm ngọn, tức phân thành trăm ngọn, lại xin phân thành ngàn, tức phân thành ngàn, biến khắp mặt núi. Ngài lại một mình tìm đến hang Kim Cương nguyện gặp Đại Thánh. Đến nơi vừa hết canh ba, thấy vị phạn tăng, xưng là Phật Đà Ba Lợi, dẫn ngài vào Thánh Tự... Đến đầu tháng 12, ngài ở Hoa Nghiêm Viện thuộc Hoa Nghiêm Tự nhập niệm Phật đạo tràng, nguyện không ăn uống, thệ sinh tịnh độ. Đến ngày thứ bảy mới vào đêm, ngay lúc đang niệm Phật. lại thấy có vị phạn tăng bước vào đạo tràng nói rằng: "các cảnh giới của Đài Sơn mà ông đã thấy, tại sao không nói ra?" Nói xong biến mất. Ngài không rõ ông tăng ấy, và cũng không có ý muốn nói. Hôm sau, vào buổi xế chiều, ngay lúc đang niệm tụng, lại thấy có vị phạn tăng khoảng tám mươi tuổi, nói với ngài rằng: "Những điều linh dị mà thầy thấy ở Đài Sơn tại sao không lưu bố cho chúng sinh hay biết, cho họ được thấy nghe mà phát Bồ Đề tâm, đạt được đại lợi lạc?" Ngài nói: "Thật sự tôi không có tâm che đậy Thánh Đạo, mà do sợ họ nghe rồi sinh nghi ngờ hủy báng, thế nên mới không nói." Ông tăng nói: "Đại Thánh Văn Thù hiện đang ở núi này mà còn bị người ta nghi báng, huống gì là các cảnh giới mà ông thấy. Chỉ cần chúng sinh ai thấy nghe được mà phát tâm Bồ Đề, thì hãy vì họ mà làm duyên trống độc." Ngài nghe nói vậy rồi, nên tùy theo trí nhớ mà ghi chép ra... Sau Ngài cũng y theo chỗ mình thấy đề bảng hiệu Trúc Lâm Tự mà kiến lập nên một ngôi danh lam, cũng lấy tên là Trúc Lâm Tự. Mấy năm sau, ngài lại được thấy Đại Thánh hiển ứng lần nữa tại Đông Đài. Lần này ngài cùng với tám vị đệ tử đồng thấy ánh sáng trắng chiếu sáng ở Đông Đài, rồi có mây lạ nổi lên, mây tán ra thấy ánh sáng ngũ sắc chiếu sáng. Trong ánh sáng có hào quang tròn màu hồng, thấy ngài Văn Thù cưỡi thanh mao sư tử. Lúc ấy, tuyết lất phất bay, và hào quang tròn ngũ sắc tỏa rộng ra khắp sơn cốc...
phat2014phap.blogspot.com