Trong ta có một cái tôi hờn giận. Cái tôi này bày biện rất nhiều lý do để giải thích cho sự có mặt của nó trong mình. Từ những lý do nghe chừng rất dễ thương như vì thương-yêu nên mới giận hờn, chứ người dưng ai giận chi; vì quan tâm, lo lắng nên mới giận, mới trách, mới hờn đó. Đến những lý do nghe xong và “không thể hiểu nổi” như là, tại sao tôi yêu thương bạn như vậy mà bạn lại không thương tôi; từ nay trở đi tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt bạn, xem như xa lạ nhé.
Nêu ra lý do để lý giải cho sự có mặt, cũng là để truyền đi thông điệp rằng bạn là người quan trọng đối với tôi đấy nhé; hoặc cũng có thể là thông điệp ngược lại: tôi là người dễ giận lắm, đừng có động chạm tới tôi, đừng có cãi lại ý kiến của tôi.
Rồi, giận một cách khó hiểu khi thấy người thương mình hạnh phúc (mà hạnh phúc ấy không phải do mình tạo); giận vì nhỏ bạn sau bao ngày cố gắng và trở nên thành công. Mình giận, vì mình ích kỷ vậy đó, mà mình không biết. Thậm chí, có những người trong lòng cứ bực bội, giận hờn, nóng bức mà ngay cả họ có lúc cũng chẳng biết nó tới từ nguồn cơn nào. Kiểu như “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” vậy!
Nhưng, dù nói gì thì khi cái tôi hờn giận trong ta có mặt thì nó sẽ làm khổ mình rất nhiều, nó sẽ làm mình có cảm giác như bị kim châm vào người, ngồi đứng không yên, ngủ không ngon. Cảm giác ngực mình như bị ai đó ép thật chặt, thở không nổi. Đó là những cảm giác khó chịu, và khó chịu hơn một chút là nó sẽ thôi thúc mình nghĩ, nói, làm những điều gây ra đau đớn cho người khác và đương nhiên là cho cả chính mình.
Cơn giận làm tôi khổ
Nhiều người nhận diện được điều này nhưng để bỏ cái tôi hờn giận ra không phải dễ, bởi nó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Nhưng, thông thường những người có tính giận hờn không có được sự kiên nhẫn, dễ suy diễn và đưa tới những kết luận không thể tưởng tượng nổi. Họ bị một thứ bệnh mang tên “bệnh tưởng” rất nguy hiểm, bởi có thể với một câu nói, cái nhìn, hành động rất bình thường của ai đó cũng có thể xúc chạm tới “nỗi đau” của họ. Có hiện tượng đó là bởi trong họ có quá nhiều vết thương. Khi chúng ta có những vết thương trong tâm (do không chấp nhận thực tại, hoặc do chưa lành) thì ai đó chạm vào dù nhẹ, hoặc thậm chí chạm vào người khác cũng làm ta đau. Và giận hờn là biểu hiện để phản kháng lại người nào đó đã vô tình hoặc cố ý khơi dậy những điều mà mình chưa, hoặc không chấp nhận, hoặc những vết thương còn chưa lành kia.
Để cho cái tôi giận hờn giảm thiểu, dần dần biến mất khỏi mình thì mình phải thực tập. Thực tập nhận diện cơn giận và thực tập chuyển hóa cơn giận. Nhận thức cơn giận làm mình khổ và nguyện bỏ nó là một trong những thực tập đầu tiên, và đòi hỏi phải dũng mãnh, tinh tấn mới được.
Nhận diện cơn giận
Ý thức cơn giận làm tôi xấu cũng là nhận diện căn bản để làm cho cơn giận có mặt không tiếp tục phát triển, lớn mạnh trong mình. Khi đó, mình sẽ tưởng tượng cái mặt mình hầm hầm hố hố, mắt trợn, môi bặm cứng, máu huyết bắt đầu lưu thông không đều, dồn dập… Và mình tự nhủ, nếu không giận thì mình sẽ dễ thương hơn, dễ thương rất nhiều trong mắt mọi người và trong gương soi. Và mình bắt đầu trò chuyện với mình, trò chuyện với cơn giận, rằng, em làm cho ta khổ, em làm cho ta xấu. Xấu là một cái khổ khác, mà nếu huân tập bởi cơn giận thì oan uổng lắm, là phụ ơn ba mẹ mình lắm. Ba mẹ mình sinh mình ra dễ thương, rồi bỗng mình để cho cái tôi hờn giận phát triển không ngừng, tới một ngày nó làm cho đôi mắt mình trở nên sắc như dao găm, cái mặt mình lúc nào cũng cau có, khó chịu. Mình nghĩ tới điều đó để thương ba mẹ mình, và để cho cơn giận lắng xuống thật dịu, thật êm.
Cái giận làm tôi xấu. Đó là nhận diện thêm cái xấu nơi tâm mình, khi đó mình sẽ dễ nghĩ tới những điều kinh khủng, miễn sao làm cho mình hả giận. Có thể là tát ai đó một bạt tai, tung cho ai đó một đạp, kinh hoàng hơn là xách dao, súng hay dùng những thủ đoạn để hãm hại đối tượng mà mình cho là họ gây cho mình khổ đau, làm cho mình bực bội, khó chịu. Mình thường quy chụp và quy kết tội lỗi cho người khác, đối tượng khác như thế mà quên nhìn vào tâm mình, trong vườn tâm ấy có quá nhiều hạt giống giận hờn, bực bội, khó chịu… đã biến mình thành người chuyên nổi sân, dễ nóng giận và hành xử thô tháo như một người điên, như một người say. Hành xử như vậy gọi là thiếu chánh niệm và không có từ bi.
Cái xấu nơi tâm được tưới tẩm hoài bởi cơn giận, những ý nghĩ, lời nói, hành động xấu ác được gieo liên tục vào vườn tâm cũng chính là nguyên do làm mình xấu xí hình tướng (tướng từ tâm sinh) và làm cho những ý niệm, lời nói, hành động của mình đều “phun” ra bao nhiêu là dao găm, và “hạ gục” đối tượng, làm cho họ sống-chết, đau lòng không biết bao nhiêu lần. Phản vệ trước cơn giận hờn của mình sẽ dần hình thành trong họ và đến một ngày chỉ cần nghe tên mình, thấy hình dạng mình là người ta đã né, đã không muốn đối diện. Chính cái xấu của giận hờn làm cho mình bị mọi người xa lánh. Nếu mình nhận diện được điều này và phản tỉnh thì hay biết mấy, chỉ tiếc là thông thường, mình sẽ càng giận, càng trách, càng nổi điên với mọi người và càng làm mình đau!
Chuyển hóa cơn giận
Hãy làm mình đẹp hơn bằng cách đừng ngụy biện, đừng moi móc những lý do mà mình cho là chánh đáng để lý giải cho việc giận hờn một ai đó. Không có lý do nào chánh đáng bằng việc trong ta còn hạt giống tham sân si nên ta còn giận hờn cả. Vì si nên tham, vì tham nên sân; vì si nên không biết rằng giận là xấu, giận là đau cho mình và người nên mình cứ thế dưỡng nuôi nó lớn dậy, gieo trồng cho nó phát triển ngày một nhiều lên trong vườn tâm của mình. Lô-gích của nó là vậy nên mình sẽ bắt đầu quay về chăm sóc thân tâm mình. Nói chuyện với chính mình, thật thà nhất và sám hối với những bậc Thánh trong cuộc đời, những bậc có hạnh nhẫn lớn, có tâm từ bi để thừa tư năng lượng ấy từ các ngài. Năng lượng mát mẻ từ những bậc giải thoát, giác ngộ là một trong những năng lượng có sẵn, bao trùm khắp, chỉ có điều mình có chịu mở lòng đón nhận hay gồng mình lên, đóng hết mọi cánh cửa tiếp nhận để nuôi dưỡng cái tôi hờn giận trong mình, để khổ đau cứ chất chồng lên nhau mà biểu hiện, có mặt.
Mình hình dung năng lượng ấy như sóng điện thoại của tổng đài, phủ khắp, và mình đã có sẵn chiếc điện thoại (tâm từ, bi, hỷ, xả), chỉ cần mình mở nguồn là nó có thể tiếp được năng lượng ấy. Phần còn lại là sự dụng công chế tác nơi mình, sửa dần và kiên nhẫn để mình đẹp hơn, dễ thương, rộng rãi, bao dung và sẵn lòng lắng nghe, sẵn lòng chấp nhận những quan điểm trái với mình.
Hãy thử đi, bắt đầu nhé, gọi tên, tôi nóng tính, thường hờn giận và đã nuôi dưỡng nó bằng năng lượng tham sân si, thường đưa ra nhiều lý do bao biện cho cơn giận hờn. Bây giờ mình sẽ nói chuyện với nó, rằng tớ chào cậu, cậu đã làm tớ xấu xí lâu ngày rồi, cái tôi hờn giận trong tớ ạ. Bên cạnh đó, tôi tiết lộ với bạn một sự thật, rất thật là: hễ là người thì ai cũng có phiền não, dù ít hoặc nhiều.
Chỉ có điều khác nhau là, có người phiền não và bị phiền não nhấn chìm, ngập ngụa trong khổ đau; có người lấy phiền não làm động lực để cải tạo bản thân, làm mình trở nên tốt đẹp hơn. Điều đó, tùy cái nhìn (thế giới quan) của từng người.
Tương ứng với điều đó, có người bệnh liền sanh tâm chán nản, muộn phiền, lo lắng, sợ hãi... và biến mình từ một bệnh thành nhiều bệnh, từ còn sống 3 tháng xuống còn 1 tháng hoặc một vài ngày. Có người, nhờ bệnh duyên mà quay về nương tựa Phật Pháp Tăng (Tam bảo), sám hối nghiệp chướng (vì hiểu bệnh duyên là do nghiệp), đoạn tất cả các việc ác - làm tất cả các điều lành...; từ đó thọ mạng được kéo dài (kết quả của việc tạo an vui, phước lành). Nhưng, dẫu thọ mạng không kéo dài thì người ấy cũng ra đi trong an lành, vì đã biết quay đầu, chọn đường lành để đi.
Cũng vậy, hạt giống giận hờn cùng biểu hiện giận hờn - phàm là người ai cũng có. Và giận hờn là một trong những nguyên nhân - biểu hiện của phiền não. Chỉ có một điều khác nhau là, nếu một người không biết sự nguy hiểm cũng như hệ lụy mà cơn giận đưa tới cho mình và người, hoặc biết mà không đủ bản lãnh để sửa thì sẽ nuôi dưỡng, biến cơn giận thành ngọn lửa thiêu đốt phước đức, trí tuệ, sự bằng an của mình. Ngược lại, nếu ai biết ôm ấp, chuyển hóa cơn giận, chuyển hóa hạt giống giận hờn trong mình thành hạt giống “hiểu và thương” thì người ấy sẽ hạnh phúc, an vui…
Nêu ra lý do để lý giải cho sự có mặt, cũng là để truyền đi thông điệp rằng bạn là người quan trọng đối với tôi đấy nhé; hoặc cũng có thể là thông điệp ngược lại: tôi là người dễ giận lắm, đừng có động chạm tới tôi, đừng có cãi lại ý kiến của tôi.
Rồi, giận một cách khó hiểu khi thấy người thương mình hạnh phúc (mà hạnh phúc ấy không phải do mình tạo); giận vì nhỏ bạn sau bao ngày cố gắng và trở nên thành công. Mình giận, vì mình ích kỷ vậy đó, mà mình không biết. Thậm chí, có những người trong lòng cứ bực bội, giận hờn, nóng bức mà ngay cả họ có lúc cũng chẳng biết nó tới từ nguồn cơn nào. Kiểu như “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” vậy!
Nhưng, dù nói gì thì khi cái tôi hờn giận trong ta có mặt thì nó sẽ làm khổ mình rất nhiều, nó sẽ làm mình có cảm giác như bị kim châm vào người, ngồi đứng không yên, ngủ không ngon. Cảm giác ngực mình như bị ai đó ép thật chặt, thở không nổi. Đó là những cảm giác khó chịu, và khó chịu hơn một chút là nó sẽ thôi thúc mình nghĩ, nói, làm những điều gây ra đau đớn cho người khác và đương nhiên là cho cả chính mình.
Cơn giận làm tôi khổ
Nhiều người nhận diện được điều này nhưng để bỏ cái tôi hờn giận ra không phải dễ, bởi nó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Nhưng, thông thường những người có tính giận hờn không có được sự kiên nhẫn, dễ suy diễn và đưa tới những kết luận không thể tưởng tượng nổi. Họ bị một thứ bệnh mang tên “bệnh tưởng” rất nguy hiểm, bởi có thể với một câu nói, cái nhìn, hành động rất bình thường của ai đó cũng có thể xúc chạm tới “nỗi đau” của họ. Có hiện tượng đó là bởi trong họ có quá nhiều vết thương. Khi chúng ta có những vết thương trong tâm (do không chấp nhận thực tại, hoặc do chưa lành) thì ai đó chạm vào dù nhẹ, hoặc thậm chí chạm vào người khác cũng làm ta đau. Và giận hờn là biểu hiện để phản kháng lại người nào đó đã vô tình hoặc cố ý khơi dậy những điều mà mình chưa, hoặc không chấp nhận, hoặc những vết thương còn chưa lành kia.
Để cho cái tôi giận hờn giảm thiểu, dần dần biến mất khỏi mình thì mình phải thực tập. Thực tập nhận diện cơn giận và thực tập chuyển hóa cơn giận. Nhận thức cơn giận làm mình khổ và nguyện bỏ nó là một trong những thực tập đầu tiên, và đòi hỏi phải dũng mãnh, tinh tấn mới được.
Nhận diện cơn giận
Ý thức cơn giận làm tôi xấu cũng là nhận diện căn bản để làm cho cơn giận có mặt không tiếp tục phát triển, lớn mạnh trong mình. Khi đó, mình sẽ tưởng tượng cái mặt mình hầm hầm hố hố, mắt trợn, môi bặm cứng, máu huyết bắt đầu lưu thông không đều, dồn dập… Và mình tự nhủ, nếu không giận thì mình sẽ dễ thương hơn, dễ thương rất nhiều trong mắt mọi người và trong gương soi. Và mình bắt đầu trò chuyện với mình, trò chuyện với cơn giận, rằng, em làm cho ta khổ, em làm cho ta xấu. Xấu là một cái khổ khác, mà nếu huân tập bởi cơn giận thì oan uổng lắm, là phụ ơn ba mẹ mình lắm. Ba mẹ mình sinh mình ra dễ thương, rồi bỗng mình để cho cái tôi hờn giận phát triển không ngừng, tới một ngày nó làm cho đôi mắt mình trở nên sắc như dao găm, cái mặt mình lúc nào cũng cau có, khó chịu. Mình nghĩ tới điều đó để thương ba mẹ mình, và để cho cơn giận lắng xuống thật dịu, thật êm.
Cái giận làm tôi xấu. Đó là nhận diện thêm cái xấu nơi tâm mình, khi đó mình sẽ dễ nghĩ tới những điều kinh khủng, miễn sao làm cho mình hả giận. Có thể là tát ai đó một bạt tai, tung cho ai đó một đạp, kinh hoàng hơn là xách dao, súng hay dùng những thủ đoạn để hãm hại đối tượng mà mình cho là họ gây cho mình khổ đau, làm cho mình bực bội, khó chịu. Mình thường quy chụp và quy kết tội lỗi cho người khác, đối tượng khác như thế mà quên nhìn vào tâm mình, trong vườn tâm ấy có quá nhiều hạt giống giận hờn, bực bội, khó chịu… đã biến mình thành người chuyên nổi sân, dễ nóng giận và hành xử thô tháo như một người điên, như một người say. Hành xử như vậy gọi là thiếu chánh niệm và không có từ bi.
Cái xấu nơi tâm được tưới tẩm hoài bởi cơn giận, những ý nghĩ, lời nói, hành động xấu ác được gieo liên tục vào vườn tâm cũng chính là nguyên do làm mình xấu xí hình tướng (tướng từ tâm sinh) và làm cho những ý niệm, lời nói, hành động của mình đều “phun” ra bao nhiêu là dao găm, và “hạ gục” đối tượng, làm cho họ sống-chết, đau lòng không biết bao nhiêu lần. Phản vệ trước cơn giận hờn của mình sẽ dần hình thành trong họ và đến một ngày chỉ cần nghe tên mình, thấy hình dạng mình là người ta đã né, đã không muốn đối diện. Chính cái xấu của giận hờn làm cho mình bị mọi người xa lánh. Nếu mình nhận diện được điều này và phản tỉnh thì hay biết mấy, chỉ tiếc là thông thường, mình sẽ càng giận, càng trách, càng nổi điên với mọi người và càng làm mình đau!
Chuyển hóa cơn giận
Hãy làm mình đẹp hơn bằng cách đừng ngụy biện, đừng moi móc những lý do mà mình cho là chánh đáng để lý giải cho việc giận hờn một ai đó. Không có lý do nào chánh đáng bằng việc trong ta còn hạt giống tham sân si nên ta còn giận hờn cả. Vì si nên tham, vì tham nên sân; vì si nên không biết rằng giận là xấu, giận là đau cho mình và người nên mình cứ thế dưỡng nuôi nó lớn dậy, gieo trồng cho nó phát triển ngày một nhiều lên trong vườn tâm của mình. Lô-gích của nó là vậy nên mình sẽ bắt đầu quay về chăm sóc thân tâm mình. Nói chuyện với chính mình, thật thà nhất và sám hối với những bậc Thánh trong cuộc đời, những bậc có hạnh nhẫn lớn, có tâm từ bi để thừa tư năng lượng ấy từ các ngài. Năng lượng mát mẻ từ những bậc giải thoát, giác ngộ là một trong những năng lượng có sẵn, bao trùm khắp, chỉ có điều mình có chịu mở lòng đón nhận hay gồng mình lên, đóng hết mọi cánh cửa tiếp nhận để nuôi dưỡng cái tôi hờn giận trong mình, để khổ đau cứ chất chồng lên nhau mà biểu hiện, có mặt.
Mình hình dung năng lượng ấy như sóng điện thoại của tổng đài, phủ khắp, và mình đã có sẵn chiếc điện thoại (tâm từ, bi, hỷ, xả), chỉ cần mình mở nguồn là nó có thể tiếp được năng lượng ấy. Phần còn lại là sự dụng công chế tác nơi mình, sửa dần và kiên nhẫn để mình đẹp hơn, dễ thương, rộng rãi, bao dung và sẵn lòng lắng nghe, sẵn lòng chấp nhận những quan điểm trái với mình.
Hãy thử đi, bắt đầu nhé, gọi tên, tôi nóng tính, thường hờn giận và đã nuôi dưỡng nó bằng năng lượng tham sân si, thường đưa ra nhiều lý do bao biện cho cơn giận hờn. Bây giờ mình sẽ nói chuyện với nó, rằng tớ chào cậu, cậu đã làm tớ xấu xí lâu ngày rồi, cái tôi hờn giận trong tớ ạ. Bên cạnh đó, tôi tiết lộ với bạn một sự thật, rất thật là: hễ là người thì ai cũng có phiền não, dù ít hoặc nhiều.
Chỉ có điều khác nhau là, có người phiền não và bị phiền não nhấn chìm, ngập ngụa trong khổ đau; có người lấy phiền não làm động lực để cải tạo bản thân, làm mình trở nên tốt đẹp hơn. Điều đó, tùy cái nhìn (thế giới quan) của từng người.
Tương ứng với điều đó, có người bệnh liền sanh tâm chán nản, muộn phiền, lo lắng, sợ hãi... và biến mình từ một bệnh thành nhiều bệnh, từ còn sống 3 tháng xuống còn 1 tháng hoặc một vài ngày. Có người, nhờ bệnh duyên mà quay về nương tựa Phật Pháp Tăng (Tam bảo), sám hối nghiệp chướng (vì hiểu bệnh duyên là do nghiệp), đoạn tất cả các việc ác - làm tất cả các điều lành...; từ đó thọ mạng được kéo dài (kết quả của việc tạo an vui, phước lành). Nhưng, dẫu thọ mạng không kéo dài thì người ấy cũng ra đi trong an lành, vì đã biết quay đầu, chọn đường lành để đi.
Cũng vậy, hạt giống giận hờn cùng biểu hiện giận hờn - phàm là người ai cũng có. Và giận hờn là một trong những nguyên nhân - biểu hiện của phiền não. Chỉ có một điều khác nhau là, nếu một người không biết sự nguy hiểm cũng như hệ lụy mà cơn giận đưa tới cho mình và người, hoặc biết mà không đủ bản lãnh để sửa thì sẽ nuôi dưỡng, biến cơn giận thành ngọn lửa thiêu đốt phước đức, trí tuệ, sự bằng an của mình. Ngược lại, nếu ai biết ôm ấp, chuyển hóa cơn giận, chuyển hóa hạt giống giận hờn trong mình thành hạt giống “hiểu và thương” thì người ấy sẽ hạnh phúc, an vui…
Chúc Thiệu