Tấn Hạnh

Phước báo khi có Thân người trong việc tu học

Tấn Hạnh

Registered
Phật tử
Tham gia
20/7/11
Bài viết
339
Điểm tương tác
375
Điểm
63


Chúng ta thường nói thân người là vô thường, là bất tịnh đáng chán bỏ. Thế Tôn dạy, kẻ thù lớn nhất của ta, chính là bản thân ta.
Chúng ta chán ghét cái thân này, thường nhắc nhở mình, dạy bảo người phải buông bỏ cái thân, không được yêu quý...

Chúng ta ra sức ruồng bỏ cái thân cho là bất tịnh bằng chính những sinh hoạt. Ruồng bỏ cái tâm suy nghĩ cho là vô thường, nên ra sức không suy nghĩ. Một mực giữ tâm thanh tịnh mới đúng với tinh thần tu học.

Nhưng lúc nào đó thấy việc tu học không đạt được thanh tịnh thì lại sanh ra trách cứ bản thân. Do đó tâm sầu khổ vì thấy không tu được. Cứ thế cái vòng lẫn quẫn của thanh tịnh và không thanh tịnh cứ triền miên tái xuất, làm cho tâm người tu không thấy được sự an lạc thật sự. Tâm đã không an, thì thân thể cũng không an!.

Đây là trăn trở của những người tu học, với tâm thiết tha cầu đạo. Ngày đêm nhọc lòng, nhọc tâm ra sức công phu, hành thiền mà sao vẫn không thanh tịnh, không an lạc thật sự.

Vì sao? Vì chúng ta chỉ thấy được một mặt của vấn đề tu học. Chỉ thấy được cái vô thường, bất tịnh đáng bỏ đi và cần phải bỏ. Cái thanh tịnh đạt được cần phải đạt.
Mà không biết rằng, trong vô thường có cái thường. Trong bất tịnh có cái tịnh. Trong phiền nảo có an lạc...

Chúng ta còn nhớ một hình ảnh mà Thế Tôn đã từng dạy, về sự quý báu khi có được thân người.

Được thân người là hiếm có. Thế Tôn đã mô tả hình ảnh một con rùa mù, trăm năm mới ngoi lên mặt biển một lần. Khi nào thì mới có được duyên, rùa mù kia gặp được một bọng cây trôi trên mặt biển ?. Hình ảnh này cho ta thấy sự hiếm có của một cơ hội có được.

Đức Phật dạy, được thân người cũng hiếm có như vậy. Vì sao hiếm có? Không lẻ Thế Tôn dạy chúng ta yêu quý thân mạng khi được làm người?

Vậy thì thân người này ngoài sự vô thường, sự bất tịnh thì đâu có gì đáng giá? Vậy nuôi giữ nó để làm gì?

Thoạt nghĩ qua ta dường như thấy mâu thuẫn, và không hiểu được. Tất nhiên là như vậy! Vì sao? Vì chúng ta chỉ thấy được cái vô thường, cái bất tịnh từ cái nhìn, cái quán tưởng trong việc tu học. Nên chúng ta không hiểu được cái thâm diệu hoàn bị trong những lời dạy của Đức Phật.

Những lời dạy của Thế Tôn là thoát trên tất cả, không bị kẹt mắc. Người khéo hiểu thì sẽ đạt được lợi lạc trong tu học.

Ý nghĩa quý giá khi có được thân người mà Thế Tôn muốn chỉ dạy cho chúng ta, chính là cơ hội được có thân để tu học trong một cõi mà nghiệp báo gần như hội tụ đầy đủ cho công cuộc tu học đạt giải thoát.

Cá vượt vũ môn, chính là đây. Không một cõi nào, trong 6 cõi luân hồi, có được sự hội tụ đầy đủ của nghiệp báo như cõi người. Có
sung sướng cùng cực và cũng có đau khổ cùng cực. Đây cũng chính là nguyên nhân, vì sao kiếp cuối cùng của bậc Đẳng Giác trước khi viên mãn thành Phật, lại phải sanh ở cõi người tu học lần cuối.

Đức Phật đã mô tả, cõi người như trung tâm trong 6 cõi. Hội đủ tất cả hiện tượng từ thấp nhất đến cao nhất của 6 cõi. Người tu học giải thoát, khi có duyên được sanh làm người để tu học, thì cũng giống như người ra trận mà được trang bị đầy đủ vậy.

Khi chúng ta xem một vở diễn, thấy người diễn viên cười khóc trong vai diễn. Mới cười đó, lại phải khóc ngay đó. Cái khóc cái cười dường như không có biên giới xác định.

Đời người chúng ta là y như vậy. Người diễn, khóc cười cho vai diễn, cũng chính là khóc cười cho cuộc đời mình. Người xem, khóc cười theo thân phận của người diễn, cũng chính là khóc cười cho thân phận làm người của chính mình. Thấy sự tương đồng, tương lân mà hiểu cho cuộc đời.

Một người đang vui vì công danh thăng tiến, rượu uống đang nâng ly, nụ cười chưa kịp tắt thì nước mắt trực sa vì vừa hay tin đứa con bị tai nạn mà tử vong.
Cha mẹ đang sum vầy bên con cháu ngày hôm qua, sáng nay đã nằm yên không nhút nhít.
Vợ chồng ngày trước còn mặn nồng, nay đã xa lạ vì hờn giận, hay ghét bỏ không muốn nhìn mặt nhau.
Tiền bạc của cải mới ngày hôm qua, nay đà khánh kiệt, người thì xa lánh.
Thân thể ngày trước còn căng mộng đẹp, nay đã nhum nheo tàn tạ.
Đây chưa phải là nổi thống khổ lớn nhất của con người, mà ta đã cảm hiểu được ranh giới của hạnh phúc và đau khổ dường như không xác định được.

Hoa kia có tỏa hương ngào ngạt. Khi hương lan tỏa khắp vùng, mùi hương được nhiều người ngửi thấy, thì cánh hoa cũng đã về chiều, sẽ tàn trong sớm của ngày mai.

Một thân người thì sáng đang khỏe mạnh, còn ăn rất ngon. Vậy mà chiều đến, một cơn bệnh chụp qua, thân thể mõi mệt, hơi thở nặng nề. Những cơn đau từ nhỏ đến lớn cứ thắt từng cơn trong xương thịt. Ánh mắt mờ đi vì yếu sức. May mắn thì thuốc than hết bệnh. Không may vì nghiệp tàn thì đành trút hơi mà ra đi.

Đó là sự chuyển biến liên tục không dừng nghĩ mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc của mỗi một con người. Sự hội tụ của phước báo và nghiệp báo gần như hòa vào nhau không còn xác định được ranh giới. Hạnh phúc của Thiên đường và đau khổ của địa ngục dường như hiện tiền tất cả nơi đây. Từng thời gian không ngừng chi phối mỗi một con người.

Một kiếp người dù ngắn hay dài, đều quay điên cuồng trong diễn biến, từ đau khổ sang sung sướng, rồi sung sướng sang đau khổ. Từ mất rồi được, từ được rồi mất. Từ ghét rồi yêu, từ yêu rồi ghét. Từ bệnh rồi khỏe, từ khỏe rồi bệnh. Từ khóc rồi cười, từ cười rồi khóc. Rồi từ sống chuyển qua chết...
Ngắn hay dài, cứ thế mà diễn biến. Vòng xoay tái diễn trong từng khoảng khắc thời gian không lường trước. Biết khi nào là sẽ được vui, khi nào là sẽ bị buồn. Được và Bị, thay nhau quần vũ một kiếp người.

Cõi người chính là nơi hiển thị đầy đủ nghiệp báo của 6 cõi. Nên cõi người là một nơi tu học cho quá trình tiến hóa giải thoát vượt bậc nếu nhận ra.

Những bậc tu hành tiến hóa, nhận ra được sự quan trọng của cõi người, mà sử dụng làm phương tiện tu học, đạt sự giác ngộ không thể đo lường được.

Bởi vậy, người có thân sanh ra trong cõi này, còn duyên may gặp được Chánh Pháp của Đức Phật, thì quý giá biết dường nào. Nếu không tu học thì các Thầy Tổ thường bảo là phí đi một kiếp làm người.

Và chúng ta càng hiểu vì sao, Thế Tôn nói về khổ đau - vô thường của kiếp người cho chúng ta nhận rỏ. Lại dạy cho chúng ta về sự quý giá khi có được thân người. Cả hai sự dạy bảo đều đưa chúng ta đến sự hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của tu học và giải thoát. Không gây mâu thuẫn lẫn nhau, mà chính là đưa chúng ta đến sự hoàn bị của trí tuệ tu học.

Rời xa chúng sanh thì không có đạo. Vì chúng sanh thấy bị trói buộc nên mới cầu mong sự giải thoát. Nơi nào mong cầu sự giải thoát, nơi đó có trí tuệ của giải thoát hiển bày. Vì mỗi hiện tượng xảy ra đều là pháp tu học. Chỉ cần đưa mắt nhìn, trí tuệ quan sát, chúng ta sẽ thấy ngay bài học giải thoát cần phải học. Trí tuệ của Phật dạy bảo chúng ta mỗi ngày. Mọi hiện tượng đang diễn biến trong cuộc đời sanh tử của chúng ta chính là những bài pháp nhiệm màu, dạy chúng ta nhận ra thâm nghĩa của vô thường, vô ngã.

Không lìa cấu uế để tìm thanh tịnh, không lìa phiền nảo để tìm an vui, không lìa tham sân si mà tìm cầu
cứu cánh giải thoát...
Tất cả đều là phương tiện hiển bày cho ta nhận ra chân tướng của giác ngộ. Nếu bỏ bên này, tất không có cái gọi là bên kia. Không có cấu uế thì tìm cầu chi cái thanh tịnh, không có phiền nảo thì cần tìm gì cái an vui, không có tham sân si thì cần gì tìm giải thoát...

Nên biết, tất cả chỉ là phương tiện, không có cái cần lìa và không có cái đạt được. Tất cả chỉ rỗng không, an nhiên, mầu nhiệm.

Hãy sử dụng cơ hội được làm người này, để tiến một bước dài trên con đường đến giải thoát. Chính là sử dụng được cơ hội như một chú rùa mù trăm năm ngoi lên mặt biển lại gặp được bọng cây. Quý hóa lắm!.

Đừng để khi tái sanh lên cõi sung sướng không đau khổ, hay cõi đau khổ không sung sướng thì việc tu sẽ khó tiến được một bước dài ngoạn mục như ở cõi người này. Quý giá chính là ở sự trớ trêu của kiếp người, nơi có đủ hỷ nộ ái ố, nơi có sanh diệt họp ly làm động lực thức tỉnh người mê. Khiến người mê tỉnh lại sau cơn mộng dài triền miên của sanh tử. Tỉnh lại để thấy ta không còn là người mộng, mà là khách dạo mộng. Như một Thiền sư đã viết:

Gá thân mộng, Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi, Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, Nhắn khách mộng.
Biết được mộng, Tỉnh cơn mộng.






 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chúng sinh sợ Quả

Registered
Phật tử
Tham gia
12/3/12
Bài viết
293
Điểm tương tác
104
Điểm
43
Cám ơn Thầy Tấn Hạnh nhiều!
Chúc Thầy tinh tấn!
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên