H

Thiền không chỉ riêng thiền

Hơi Thở

Registered
Phật tử
Tham gia
25/6/14
Bài viết
7
Điểm tương tác
4
Điểm
3
Những người đến với thiền chắc hẳn đều mong muốn tìm được sự an tịnh trong tâm mình. Một số muốn tiến đến con đường giải thoát, giác ngộ hay thu được năng lượng, phát huy những sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình. Nhưng dù với mục đích nào thì để đạt được điều đó cũng cần có một quá trình đòi hỏi người tập thiền phải rèn luyện cả ngay và ngoài lúc ngồi thiền. Rèn luyện, hoàn thiện mình trong từng hơi thở khi ngồi thiền đã đành nhưng ngoài khi đó, ta cũng phải có những hành động, suy nghĩ phù hợp để hỗ trợ cho việc thiền được hiệu quả và cũng để thiền phát huy tác dụng ngược lại trong đời sống hàng ngày của người tập. Bởi nếu không có sự tương hỗ lẫn nhau thì việc thiền chỉ trở nên kém hiệu quả và vô nghĩa. Như vậy, thiền thì không chỉ riêng ngồi thiền là đủ.

Việc ăn uống tác động rất nhiều đến việc ngồi thiền, chính xác là việc lắng định tâm khi thiền. Các bạn ngồi thiền nhưng vẫn giữ chế độ ăn thịt, ăn mặn thì chắc chắn hiệu quả sẽ không được cao như những người ăn chay. Chap từ ngày chuyển qua chế độ ăn chay đã thấy trong mình có một sự thay đổi rất lớn. Đó là việc mình cảm thấy thân thể nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với khi còn ăn thịt trước đây. Vấn đề không nằm ở số cân nặng vì thực tế là sau vài tháng ăn chay thì Chap còn tăng cân chứ chẳng phải gầy ốm, thiếu chất như nhiều người vẫn nghĩ. Sự nhẹ nhàng đó là cảm giác bên trong cơ thể mình, cũng khó để mà diễn tả nhưng có lẽ bạn nào từ ăn mặn chuyển sang ăn chay trường chắc đều sẽ có cảm nhận như Chap. Từ đó mà mình luôn cảm thấy thư thái, tâm hồn nhẹ nhõm, thanh thản và khiến tâm dễ lắng lại khi ngồi thiền.

Ăn chay không chỉ mang đến sự nhẹ nhàng cho cơ thể mà cũng là chế độ ăn phù hợp đối với sức khỏe con người chúng ta. Điều này thì khỏi phải bàn rồi bởi Chap Zen đã có rất nhiều chia sẻ, đưa ra các bằng chứng chứng tỏ con người nên chọn lựa chế độ ăn chay chứ không phải bất kỳ một chế độ nào khác. Điều Chap muốn nói ở đây là, ăn chay tốt cho sức khỏe, cùng với việc tập luyện yoga hay một bộ môn thể thao nào đó tăng cường sức mạnh cơ thể thì cũng là điều bạn nên làm để hỗ trợ cho việc thiền. Bởi khi ta có một sức khỏe tốt thì tự nhiên tinh thần mình cũng trở nên khỏe mạnh. Khi đó việc thiền cũng sẽ đạt nhiều hiệu quả hơn là khi ta cảm thấy mệt mỏi trong tâm do sức khỏe có vấn đề phải không nào? Việc gì cũng vậy, ta sẽ luôn thực hiện tốt với một cơ thể tràn trề năng lượng hơn là uể oải, ốm yếu. Và Chap nghĩ yoga là một lựa chọn phù hợp nhất cho những ai đang thực tập thiền hàng ngày. Bởi yoga không chỉ là một môn thể dục, thể thao đơn thuần mà còn là một môn khoa học hướng tới sự hợp nhất giữa cơ thể và trí não, tâm hồn chúng ta. Yoga chú trọng tới sự phát triển thể chất và trau dồi sức mạnh tinh thần, kết hợp sự chú ý vào hơi thở trong từng động tác. Trong yoga cũng có thiền. Như vậy, người đã tập thiền thì cũng không nên bỏ qua yoga để hỗ trợ cho mình cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Mà sẽ thật đáng tiếc nếu người tập yoga không tập luyện cả thiền.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta không nên quên mất việc giữ gìn chánh niệm trong mọi hoạt động hàng ngày từ việc làm cho tới nói năng, suy nghĩ. Đừng đợi đến khi ngồi thiền thì ta mới an được tâm mình. Hãy cố gắng để tâm được an ngay mọi thời điểm trong cuộc sống. Như Chap đã nói đó, nó là sự tương hỗ không thể thiếu. Vì thế các bạn hãy chú trọng xây dựng cho mình phong thái của người thiền, như những bậc thiền sư mà ta đã từng thấy. Họ luôn nhẹ nhàng, từ tốn và luôn nở những nụ cười rất tươi trên môi. Đó là do họ đã trải qua một quá trình tự mình tu sửa những điều chưa tốt ở bên trong họ. Chính vì thế mà công phu thiền định của họ chắc chắn sẽ cao hơn những người chỉ biết ngồi thiền không mà không có sự tu sửa, chỉnh đốn mình hàng ngày. Có thể bạn không theo đạo Phật, ngồi thiền chỉ để tận hưởng những phút giây yên bình, sâu lắng trong tâm mình nhưng liệu bạn có muốn kéo dài trạng thái đó cho tới lúc nhắm mắt? Bạn có thể đó, chỉ cần bạn chú ý giữ gìn chánh niệm của mình, tức là cố gắng để cho tâm trí mình không miên man chạy theo các vọng tưởng tới lui không ngừng trong đầu mình, kiểm soát các cảm xúc, nhất là những cảm giác khó chịu, tức giận, sợ hãi, đố kỵ, ham muốn, kiêu mạn, suy nghĩ tích cực, ăn nói thận trọng… thì như vậy bạn sẽ sớm tiến gần hơn với mục đích mà bạn đến với thiền đó. Những khi mà cảm xúc xấu nổi lên thì thay vì trút giận lên người khác, tìm kiếm một nguồn vui để xua đuổi phiền não hay tìm một lí do trốn tránh trách nhiệm, sai phạm của mình… thì bạn hãy cố gắng nhìn vào chính cảm xúc đó bên trong mình. Làm như vậy thì bạn sẽ nhanh chóng nhận diện được gốc gác của mọi cảm xúc đó và xoa dịu nó ngay để trở về trạng thái cân bằng.

Một điều nữa cần chú ý đó là bạn phải luôn cố gắng tập trung tâm trí và luôn tỉnh táo nhận diện vọng tưởng để mà không chạy theo nó nữa. Bởi vọng tưởng không chỉ làm cho ta mất tập trung mà nó còn dễ gây ra những cảm xúc không tốt trong mình. Điều này đã được Chap chia sẻ trong bài: “Vọng tưởng – tay sai đắc lực của bản ngã”, các bạn có thể tham khảo lại để hiểu rõ việc cần thiết phải kiểm soát vọng tưởng là như thế nào. Bạn có thể giữ sự tập trung bằng cách đếm hơi thở (sổ tức) hay theo dõi hơi thở (tùy tức) trong khi mình làm bất kể việc gì. Chap thì hay áp dụng sổ tức hơn vì đôi khi cảm thấy mình dễ bị vọng tưởng lôi kéo hơn nếu vừa theo dõi hơi thở vừa làm việc.

Trong việc nói năng thì mình cũng hạn chế những lời nói không cần thiết, thực tập việc im lặng bởi im lặng là một phần rất quan trọng trong thiền định mà Chap cũng từng chia sẻ với các bạn trong bài viết: “Tầm quan trọng của việc im lặng trong thiền”. Những gì mình nói ra đều cố gắng giữ ở mức hài hòa nhất trong mọi tình huống, nhất là những thời điểm căng thẳng, dễ dàng có tranh luận với người khác thì khi đó dù mình sai hay đúng thì cũng khéo léo nhún nhường để việc tranh cãi không xảy ra, khiến mình bị mất chánh niệm và có thể có những lời nói mất kiểm soát làm đau người khác. Những lúc đó thì mình lại nhanh chóng tìm trở về hơi thở của mình, hít thở thật sâu vài cái rồi từ từ, đều đều trở lại để lấy được sự cân bằng trong tâm mình.

Để nói trong vài ba câu mà giúp các bạn luôn giữ gìn được chánh niệm của mình trong mọi việc làm, hành động, suy nghĩ hàng ngày thì quả là một điều không tưởng nhỉ? Bởi trong cuộc sống, ta luôn phải đối diện với rất nhiều tình huống đưa ta đến mọi cảm xúc khác nhau mà để kiểm soát, điều trị nó thì không phải vài câu nói là giải quyết được hay chỉ cần thực tập ngày một ngày hai là làm được hết. Nó đòi hỏi một quá trình lâu dài và sự quyết tâm bền bỉ ở chính bạn vì hơn ai hết bạn là người hiểu rõ nhất những gì diễn ra trong mình, chỉ là bạn có đủ tỉnh táo mà nhận ra và có muốn điều trị nó trở về trạng thái tĩnh lặng như lúc ngồi thiền hay không. Điều Chap muốn nói ở đây là đừng để thiền chỉ gói gọn trong việc ngồi thiền, giúp ta định tâm được vào thời điểm đó bởi thiền không sinh ra để làm điều đơn giản như vậy. Thiền sẽ giúp chúng ta thấy được những sức mạnh bên trong mình mà chẳng ai có thể đạt được nếu không thực tập nó. Nhưng để có được sức mạnh của sự tập trung và tự do nội tâm nhờ thiền định thì ta cũng phải luôn giữ gìn chánh niệm, giữ gìn thân, khẩu, ý của mình cho hài hòa, trọn vẹn trong mọi thời điểm để hỗ trợ cho việc tĩnh tâm khi ngồi thiền, nhập định trở nên dễ dàng. Mong các bạn sẽ chú ý giữ gìn và thực hiện.

Chap Zen

Nguồn: hoitho.vn
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên