Bắt đầu hành trình ấy là việc “tầm sư”, thông qua một vị thầy chúng tôi biết thầy Thích Hạnh Tín ở Huyền Trang tự (Long Khánh, Đồng Nai) là vị thầy trẻ có nhiều ưu tư cho giáo dục và hoằng pháp. Thầy cũng là người có nhiều gắn kết với giới trẻ, từng giúp một sư chú xuất gia tại chùa của mình nên tôi mạo muội xin thầy “cho con được… xuất gia gieo duyên”. Mới đầu, thầy có chút… e dè khi nghe lời đề nghị của tôi, nhưng sau đó thầy hứa khả nhưng cũng kiểm tra lại cho chắc: “Long đã suy nghĩ kỹ chưa?”, “Dạ kỹ”, thầy hỏi và tôi trả lời như thế!
Mà chỉ mới là xuất gia gieo duyên thôi, đâu đã “cắt ái từ thân” mà thầy lo ạ? Thầy mỉm cười: “Nhưng sẽ cạo trọc đầu, và sẽ phải sống trong môi trường thiền môn: ngày 4 thời kinh kệ, sáng 4g dậy rồi, tới giờ chỉ tịnh (ngủ nghỉ) thì phải im lặng hoàn toàn, tất cả giống như môi trường quân đội vậy…”. Cuối cùng, những khó khăn mà thầy đưa ra đều được tôi khẳng định rằng sẽ quyết vượt qua: “Con làm được mà thầy”.
Đồng ý và chọn ngày cho tôi xuống tóc, thầy hứa sẽ thông báo trước một tuần. Trong một tuần ấy quả thật tôi rất hồi hộp vì không biết sau khi mình thọ pháp xuất gia thì hình tướng sẽ thay đổi thế nào? Cả tuần ấy tôi cứ soi gương và… tưởng tượng về hình tướng đầu tròn áo vuông mà mình sắp nhận. Ngày Phật thành Đạo (8-12 Kỷ Sửu) được chọn là ngày tôi xuất gia, nhưng sau đó vì duyên sự đặc biệt nên tôi xuống tóc trước đó 2 ngày…
Những ngày sống nơi cửa Phật
Đó là những ngày an lạc mà tôi cảm nhận rất rõ qua từng hơi thở, qua những giây phút thực tập chánh niệm! Trước tiên là nhờ ĐĐ.Hạnh Tín - người đã gieo duyên xuất gia cho tôi. Thầy nhắc: “Trong những ngày được làm Thích tử xuất gia, Chúc Thiệu phải tinh tấn nhen, đừng buông lung…” (thầy gọi pháp danh của tôi - NV). Nhờ lời động viên ấy cùng với sự thực tập của những sư chú ở tại Huyền Trang tự đã yểm trợ cho thân và tâm của tôi rất nhiều. Thân thì được sự “giám sát” của Tăng thân nên tôi vô cùng tề chỉnh trong màu áo nâu, giản dị, chân phương. Tâm cũng được sự bảo hộ bởi lực của Tam bảo nên tôi không phóng suy nghĩ mình theo những dục vọng hay những nỗi khổ niềm đau mà nếu là trong những lúc bình thường tôi sẽ dễ dàng bị cuốn theo, dễ tổn thương.
Và trong chùa nấu ăn chay rất ngon nên tôi ăn cơm cũng được ngon hơn thường ngày. Là một người chu đáo, biết chăm lo cho chúng nên thầy đã nhờ những Phật tử thuần thành góp tay cho những bữa ăn ngon cho quý thầy, quý chú. Những bữa cơm chùa ăn với rau, với trái vả nhưng rất ngon và thanh tịnh.
Những giờ chấp tác cũng là thời gian mà tôi được rèn luyện tính cách “nhà sạch thì mát” của thầy. Thầy trụ trì xắn tay ra ngoài khu vườn rộng thênh của Huyền Trang tự để cùng quý chú nhặt lá cây, rồi đội chiếc nón lá đi lòng vòng xem thợ làm chánh điện, kiến tạo ngôi Tam bảo xanh, sạch, uy nghiêm… Đó là bài pháp thân giáo mà thầy quyết thực hiện, như tâm sự mà thầy chia sẻ: “Quản chúng thì mình phải là người gương mẫu”.
Bài học về nếp sống thiền môn tôi còn học được ở sư chú Chúc Tấn, Đồng Thanh, Thị Hiền, Thông Tuệ… các chú ấy tuy tuổi đời mới có 20, nhưng tuổi được ở chùa thì đã 3, 4 năm nên những gì quý chú ấy biết đáng để tôi học hỏi. Kinh kệ, nghi thức trong chùa… đều là những bài học mà tôi mò mẫm, tuy còn lạ nhưng rất thích. Tay chắp hình búp sen, câu niệm Phật hay dáng đi đứng của những bậc thiện tri thức, bậc thầy thuộc hàng Tăng bảo đương nhiên thanh thoát hơn nhiều so với kẻ phàm phu như tôi. Biết vậy nên nhìn những tấm y vàng đi trong buổi sáng tinh sương, từ Tăng phòng ra chánh điện tụng kinh, mỗi bước đi khoan thai ấy cũng đã đủ dắt tôi vào chốn bình yên. Nâng chén trà sớm, tôi khẽ hát bài Thiền ca “Đây là Tịnh độ”, câu hát vang lên trong nắng sớm: “Đây là Tịnh độ/ Tịnh độ là đây/ Mỉm cười chánh niệm/ An trú hôm nay/ Bụt là lá chín/ Pháp là mây bay/ Tăng thân khắp chốn/ Quê hương nơi này…/ Thở vào hoa nở/ Thở ra trúc lay/ Tâm không ràng buộc/ Tiêu dao tháng ngày…”.
Bỗng tôi thấy yêu quá hình ảnh của nơi mà tôi thọ pháp xuất gia gieo duyên, yêu cả màu áo đẹp ấy - màu áo xuất thế, màu của giải thoát và thanh tịnh… Và tôi ước… được tiêu dao tháng ngày như lời bài thiền ca trên...
(GNO- Lưu Đình Long