Bài học từ cuộc sống

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
Tâm Bình thế giới bình
Khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài nhận ra rằng trên thế gian này không có khổ, nhưng vì chúng sinh do vọng kiến, nghĩa là thấy và hiểu sai lầm nên hành động sai lầm, mới tạo thành khổ đau của muôn loài ở thế gian. Ba điều sai lầm là thấy sai, hiểu sai và hành động sai chủ yếu phát xuất từ tâm. Vì vậy, Phật nói Ngài đã nhận ra được ngôi nhà ngũ ấm và từ đây về sau, người chủ ngôi nhà không còn tạo ngôi nhà mới nữa, tức là Ngài không còn tái sanh trong cõi sinh tử luân hồi
Cái gì tái sanh và cái gì tạo nên sự tái sanh? Đức Phật khẳng định rằng tâm tạo ra tất cả. Trong kinh Hoa nghiêm có dạy rõ điều này qua bài kệ:

<ADDRESS>Nhược nhơn dục liễu tri</ADDRESS><ADDRESS>Tam thế nhứt thiết Phật</ADDRESS><ADDRESS>Ưng quán pháp giới tánh</ADDRESS><ADDRESS>Nhứt thiết duy tâm tạo.</ADDRESS>Nghĩa là tất cả mọi việc do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Vì vậy, nhận ra tâm mình và làm chủ tâm mình, chúng ta không còn tạo ác nghiệp, thì không còn khổ và không còn sanh tử luân hồi.
Các vọng kiến ngăn che sanh ra ham muốn khác nhau là chỉ cho nghiệp, phiền não và trần lao. Phiền não tạo nghiệp và nghiệp tạo khổ. Gốc của phiền não không có, nghĩa là nếu chúng ta không tạo nghiệp thì cũng không có khổ. Ví dụ lòng tham của con người là phiền não, do lòng tham mới tạo nên nghiệp. Nếu không có lòng tham, thì không tạo nghiệp ác như giết người, cướp của, hay buôn bán bất hợp pháp, v.v... Vì lòng tham muốn có lợi nhuận lớn và người khác cũng vậy, cho nên mới sinh ra lừa dối nhau, đưa tới phá sản, tội lỗi.
Lòng tham có tham danh, tham lợi và căn bản sâu kín là tham ái, tham dục mà đoạn được là sanh tử luân hồi chấm dứt. Lợi và danh phục vụ cho ái dục, ba cái tham này gắn liền với nhau và tạo tội liên tục. Người có địa vị và danh vọng cao, nhưng gia đạo không an, con hư, vợ hỏng, thì họ rất khổ.
Đức Phật đã ý thức được sự tác hại của tâm tham, nên Ngài đã sớm từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm đạo. Đối với mọi người, ai cũng ham thích cung vàng điện ngọc và kẻ hầu người hạ, nhưng với trí tuệ của thái tử Sĩ-đạt-ta, Ngài thấy đó là khổ, sung sướng chẳng bao nhiêu, nhưng khổ đau gây ra cho thiên hạ thì không lường được. Thái tử có ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa và có trăm ngàn cung nữ ca hát, thị vệ hầu hạ. Người tham dục thấy như vậy là sướng và có khi còn muốn hơn nữa, nhưng dưới mắt của Sĩ-đạt-ta, thì đây là tội lỗi, vì một mình Ngài hưởng mà phải bỏ công sức xây dựng đến 3 tòa lâu đài, tốn kém của dân, là món nợ rất lớn, thì hưởng xong, phước hết, không sống được trong lâu đài nữa. Phước tạo rất khó, nhưng hưởng thì nhanh và dễ hết thì khổ, họa tới không lường được. Cho nên Sĩ-đạt-ta thấy vui trong tham dục để khổ, khổ thân, cho đến khổ tâm. Tất cả những điều này do đâu mà có? Đương nhiên nó phát xuất từ tâm ham muốn của con người tạo nên. Thật vậy, tất cả những tòa lâu đài trên thế gian này đều tàn phá thiên nhiên và phát xuất từ tâm tham hưởng thụ của con người, từ đó tạo nên khổ đau cho mình, cho xã hội và cho muôn loài. Ngày nay, lòng tham của con người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và thiên nhiên đã đáp trả lại cho chúng ta bằng những tai họa khủng khiếp.
Phật thấy tâm tạo ác, nhưng cũng tạo thiện, vì tâm làm chủ, cho nên Phật dạy tu hành là chuyển đổi tâm ác thành thiện. Ngài Thế Thân chia tâm chúng ta ra hai phần là ác và thiện để chúng ta phát huy phần thiện và chuyển hóa phần ác thành thiện. Theo Bồ-tát Thế Thân, chúng ta có 8 phần tâm vương mà gốc của nó là vô thưởng vô phạt. Tâm ví như ông vua là chủ vô thưởng vô phạt, vì mọi quyết định do quan và tướng, tức là tâm sở liên hệ với tâm vương. Tâm vương là chủ, nhưng không có tâm sở thì không làm được gì, cũng như làm vua phải có quan và tướng mới làm được. Trong quan và tướng có trung thần và nịnh thần, gian thần, nhưng gian thần và nịnh thần thì đông, còn trung thần chỉ có 11. Ngài ví gian thần như phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là 6 tên quan nguy hiểm luôn đứng cạnh tâm vương. Vì vậy, khi vua bị lòng tham tác động nhiều thì nguy hiểm vô cùng, hoặc lòng sân hận, kiêu mạn, nghi ngờ tác động vô tâm vương mới khởi lên ác xấu. Nói chung là tánh ác xấu tác động khiến tâm vương khởi. Ta ngồi yên không có gì, nhưng nghe một người nói tốt, thì ta khởi ý tốt, nghe người nói xấu, ta khởi ý xấu. Trong 6 căn bản phiền não vừa nói thì 5 cái trước không quan trọng bằng cái thứ 6 là ác kiến và ác kiến cũng sanh ra thêm 5 cái xấu nữa là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, tạo thành 10 triền, 10 sử. Tâm vương bị 10 triền 10 sử ràng buộc và sai khiến, nên khổ, ví như ông vua ngồi trên ngai vàng mà như là ngồi trên đống lửa. Lửa này là 10 triền và 10 sử, nếu vua không sáng suốt sẽ bị cận thần chi phối, sai khiến, họ làm sẵn báo cáo sai rồi buộc vua ký tên vào. Như ông Khang Hy làm vua lúc mới 3 tuổi, nên mọi việc do cận thần sắp xếp, đứng đầu là Ngao Bái nhiếp chánh đại thần quyết định; vì trung thần yếu, còn gian thần, nịnh thần, lộng thần thì mạnh và đông quá, nên vua phải chịu, phải đợi đến khi Khang Hy 12 tuổi mới khôn và trưởng thành. Ông nói rằng ông trưởng thành sớm là nhờ đời trước đã tu làm Sa-môn, nên đời này thiện tâm sở bên trong mạnh; cho nên 12 tuổi mà đã đủ bản lĩnh nắm quyền. Vua Khang Hy mới thấy ai là trung thần, ai là nịnh thần, là gian thần và nhờ trí tuệ sáng suốt mà ông sắp xếp lại việc điều hành triều chính. Phật dạy rằng làm sao trí tuệ sanh ra thì đủ sáng suốt để ta sắp xếp được tất cả những điều xấu ác trong tâm và tạo điều kiện để nó trở thành tốt. Vì vậy, có thể nói tất cả mọi người đều tốt và xấu, nếu biết thì mọi việc sẽ thành tốt, không biết thì thành xấu. Khang Hy nhờ có trí tuệ nên thấy người tốt, người xấu và ông sắp xếp lại đúng chỗ, biến xấu thành tốt, vì hoàn cảnh xấu không có thì không làm xấu được. Hoàn cảnh xấu là vua 3 tuổi chưa biết gì, nên họ làm loạn; nhưng vua 12 tuổi biết rõ mọi việc, mới bắt xử những người xấu thì hết loạn. Chưa biết thì người nịnh nói theo ta, ta thương họ và cất nhắc họ là ta sử dụng người nịnh, nên chết. Có trí tuệ thì dù họ nói gì, ta cũng biết rõ sự thật.
Đời Đường có vua Đường Thái Tông lên ngôi và sử dụng học giả Ngụy Trưng dám nói thẳng, nói thật, nhờ vậy vua mới biết được việc nên làm, mới có ngài Huyền Trang phát triển Phật giáo. Vua Đường có trí tuệ, nhận thấy người nịnh nói hay, nhưng không thật và vua thấy lộng thần tự bịa chuyện nói là ý chỉ vua để ban chức cho người này người nọ làm xã hội đảo điên. Đường Thái Tông thấy rõ như vậy mới ban lệnh phải sống theo pháp luật, không theo lịnh của vua nữa. Ông vua này rất bình tĩnh và sáng suốt.
Tâm vương cũng thế, khi tâm chúng ta bình tĩnh, sáng suốt, sẽ nhận thấy những thứ xung quanh tác động chúng ta là 10 triền cái, tức tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. 10 triền cái này chi phối con người và xã hội. Giới cấm thủ là cố chấp việc nào đó, nên không dám thay đổi. Hoàn cảnh và thời thế thay đổi, nhưng cố chấp là chết. Ví dụ Phật cho 1 y 1 bát, nhưng mùa đông lạnh, Phật cho 3 y để một cái nằm, một cái đắp cho đủ ấm để sống, nếu cố chấp giữ 1 y là chết. Vì vậy, ở cuộc đời này không có gì cố định, phải có trí tuệ thấy sự thật chuyển hóa, thì chúng ta chuyển hóa theo đó. Phật dạy giới định tuệ mà chính tu là dùng định, tức tập trung để phiền não đừng chi phối chúng ta.
Dùng 11 thiện tâm sở để phá bứt mắt xích của 10 triền cái để tâm chúng ta yên. 11 thiện tâm sở là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, hành xả, bất phóng dật và bất hại. Người tu phải sử dụng 11 thiện tâm này làm phương tiện tu hành. Tôi vượt khó khăn nhờ sử dụng thiện tâm sở thứ 11 là bất hại, nghĩa là làm gì cũng được, nhưng không hại người. Nếu không làm tốt thì thôi, đừng làm hại, vì làm tổn hại phải bị quả báo. Xưa kia Phật cứu 500 người thương buôn, mà Ngài phải giết tên cướp, nên Ngài cũng phải chấp nhận quả báo này. Vì vậy, khi thành Phật rồi, Ngài cũng bị một nạn cuối cùng là nạn bị thương ở chân, nhưng là trả quả báo nhẹ.
Trên bước đường tu của chúng ta, quan trọng phải làm sao tránh làm hại người, hại vật; vì làm hại thì sớm muộn gì, quả báo cũng tới. Làm ác nhiều thì quả báo nặng, làm ác ít, quả báo nhẹ. Phải tránh điều hại và hại này, chúng ta phân ra là miệng, thân, hay tâm làm hại. Phật do thân làm hại tên cướp biển, nhưng tâm Ngài không ghét thù hắn. Vì cứu người mà Ngài phải giết hắn, là thân tạo ác nhưng tâm không tạo ác, tức tâm thương người lương thiện bị cướp giết, nên Phật chấp nhận quả báo này. Tên cướp bị giết hận Phật suốt bao nhiêu kiếp cứ theo Phật để báo thù và tâm Phật cũng nghĩ đến tên cướp, nghĩa là vô tình làm hại sẽ gây hối hận suốt đời cho đến nhiều đời. Oan gia này đi theo Phật và chờ cơ hội tốt để trả thù, nhưng không được, vì Phật làm thiện quá nhiều, nên chung quanh Phật, người thiện nhiều, là thường có Thiên long bát bộ bảo vệ. Tâm Phật cũng thiện nhiều, nên quả báo này không xảy ra được. Đến khi Ngài thành Phật phải trả quả báo này, mới khiến có người em họ của Phật là Đề-bà-đạt-đa hại Phật bằng cách xô đá rớt xuống làm chảy máu chân Phật. Lòng Phật thanh thản trả được món nợ xưa. Còn chúng ta vay, nhưng không muốn trả; trong khi Phật luôn tìm cách để trả và Ngài đã trả 8 cái nợ cuối cùng mà Ngài đã vô tình làm khi hành Bồ-tát đạo.
Tu Thanh văn làm an lạc thì dễ, nhưng tu Bồ-tát muốn chuyển ác thành thiện thì làm sao vừa lòng tất cả mọi người. Nếu chúng ta vừa lòng kẻ cướp thì xã hội này sẽ ra sao. Bắt tập trung cải tạo những người phạm pháp, xã hội mới yên. Hành Bồ-tát đạo là vì muốn người ăn ngon ngủ yên, nên phải bắt trộm cướp, xì-ke; còn con kiến cũng không dám giết thì xã hội sẽ đi về đâu. Chúng ta cần cân nhắc trên bước đường hành Bồ-tát đạo, quả báo càng nhẹ càng tốt, công đức càng nhiều càng tốt. Luôn có tâm bất hại đối với người và vật, nhưng bất đắc dĩ ta mới phải làm tổn hại.
Tâm thứ hai mà chúng ta phải sử dụng là tâm hành xả, nghĩa là những gì đã qua, chúng ta bỏ qua, tâm chúng ta thanh thản thì huệ mới sanh được. Để tâm thanh thản, trí tuệ sanh, cái gì cũng đưa về quá khứ, để nhìn hiện tại chính xác. Phải hành xả là bỏ, còn làm mà nghĩ đến thành tích, không đi xa được. Cố gắng làm tốt, nhưng xong việc phải bỏ để ta tiếp tục đi tới. Mang bệnh thành tích, làm ít, nhưng kể không hết, thì ai quý trọng được. Vì vậy, suốt đời giúp người, nhưng không để trong lòng và không nói, thì người thọ ơn quý trọng ta.
Phật nói vô lượng kiếp Ngài đã hành Bồ tát đạo, tạo vô số công đức, nên thấy Phật là chúng ta thương liền. Phật không cần chúng ta biết ơn và trả ơn. Kinh Pháp hoa nói 60 kiếp trước Phật đã độ Xá-lợi-phất phát tâm bồ-đề, nên kiếp này thấy Phật là Xá-lợi-phất đắc quả liền. Riêng tôi, ai thấy tôi mà sanh quý trọng, thì tôi biết đó là bồ-đề quyến thuộc trong những kiếp trước. Ai thấy tôi mà bực bội thì đó là oan gia gặp lại. Oan gia nên giải, còn công đức quá khứ thì nên tiếp tục dìu dắt nhau.
Tâm hành xả và bất hại quan trọng; ngoài ra, thiện tâm sở đầu tiên là tín, tức niềm tin cũng cần thiết. Vì vậy, chúng ta phải sống thành thật để giữ niềm tin với nhau. Điều gì làm không được thì nói không được, đừng nói mà không làm sẽ làm mất chữ tín thì không ai dùng mình. Niềm tin là mẹ sanh ra tất cả thành công, người làm mất niềm tin không tồn tại được. Trước nhất là niềm tin đối với thầy, bạn thân cận gần gũi với ta, làm việc chung với ta. Những người này không tin cậy nhau thì sớm muộn gì đoàn thể cũng tan rã.
Niềm tin giữa thầy và bạn mà thầy là Phật, bạn là Bồ-tát. Chọn Phật làm thầy và bạn là Bồ-tát, chắc chắn cuộc đời ta sẽ thăng hoa. Riêng tôi có được trí tuệ sáng suốt là nhờ Phật lực gia bị và việc thành tựu là nhờ Bồ-tát hợp lực. Làm sao gầy dựng niềm tin giữa huynh đệ và nâng lên là Phật và Bồ-tát. Chúng ta sống trong thế giới có niềm tin thì những nịnh thần, loạn thần, kẻ xấu không tác động được và bất cứ ở đâu cũng có bạn tốt, Phật sự thành công.
Tóm lại, 11 thiện tâm sở luôn áp dụng, thì sẽ có kết quả tốt đẹp. Sử dụng ác tâm sở nhiều thành ma, sử dụng thiện tâm sở nhiều thành Bồ-tát và hoàn toàn thể hiện thiện tâm sở trong cuộc sống thì thành Như Lai. Mong rằng tất cả đệ tử Phật phát huy được thiện tâm sở trọn vẹn để thành tựu quả vị Phật.
HT.Thích Trí Quảng
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
BƯỚC QUA CHÊNH VÊNH

Vì sao ta chênh vênh?
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có lúc trải qua trạng huống chênh vênh, thấy mình không vững chãi trước mọi thứ. Đó là điều đương nhiên bởi ai chẳng có lúc yếu lòng, có lúc thiếu sáng suốt nếu không muốn nói tới phần đông người thường yếu đuối và mờ mịt trong suy nghĩ nên không thấy được vấn đề, đôi khi rất đỗi bình thường nhưng lại làm quá lên, tự tạo những nỗi khổ đau, mệt mỏi cho mình.

Thực tế là, có những sự việc thực sự kinh hoàng, đáng suy nghĩ và là nguyên nhân chi phối chúng ta rất nhiều. Đó có thể là những bất ổn bên ngoài thuộc về hoàn cảnh sống nói chung hay gọi chi tiết là môi trường chính trị-xã hội-kinh tế tác động tới thân-tâm con người. Và, đó cũng có thể là những “bất ổn” bên trong thuộc về tâm-sinh lý của mỗi người như tình cảm, bệnh tật hay những khiếm khuyết nào đó mà mình xem đó là bí mật của riêng mình, là “phần kín” khó giãi bày mà mình cố công gìn giữ…
Ta sinh ra ở một thời đại hay trong một vùng quốc gia, thủy thổ, thiết chế xã hội, chính trị… có nhiều bất ổn làm cho ta cảm thấy thiếu niềm tin hay bị bó hẹp suy nghĩ. Cụ thể, có những người sinh ra giữa một xã hội người áp bức người, ở đó quyền lực thống trị thuộc về số ít và số đông cam chịu làm nô lệ cả về thân xác lẫn tinh thần, giống như một cái máy.

Khi ấy, nếu ta là thực thể có mặt trong điều kiện ấy ta cũng thấy chênh vênh, luôn sống trong sợ hãi vì chẳng biết lúc nào mình sẽ trở thành nạn nhân của trò áp bức. Sống trong thời chiến, nhiều người kể lại những năm tháng nơm nớp ấy chính là những nỗi ám ảnh quá khứ khó lòng nguôi ngoai. Sự chênh vênh về cuộc sống bấp bênh, đầy khó khăn của một giai đoạn kinh tế khủng hoảng cũng làm mình sợ hãi, vì có thể mình sẽ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, thất nghiệp, thiếu thốn đến đói khát…
Suy cho cùng, những điều kiện sống bất ổn, không thỏa mãn mong muốn được tự do, bình an, đầy đủ… của con người chính là nguyên nhân làm cho chất lượng sống (về tinh thần) không cao. Những nỗi sợ hãi, lo lắng và bất an này đến từ yếu tố vật chất như sự nghèo túng, thiếu thốn, mất tự do thân thể… được triết học hiện đại gọi là “vật chất quyết định ý thức”.
Bên cạnh đó, còn có những vấn đề tình cảm hay những “nỗi đau tinh thần” thuộc về một người đến từ những khiếm khuyết tâm-sinh lý mà họ luôn xem đó là “nỗi buồn riêng tư”, không thể bày biện, hoặc nếu có nói thì cũng không ai hiểu. Sự “đeo bám” của tâm lý nặng nề từ nhận định về bản thân yếu kém có thể nói theo ta như hình với bóng, và hình như ai cũng bị sự “ám muội” này, bởi không có ai là hoàn hảo một cách tuyệt đối. Sanh ra làm người, có người được đầy đủ sáu căn như cũng có nhiều người sáu căn không đủ đầy. Và họ, đôi khi (hay nhiều khi?) vẫn thấy mất tự tin và đôi khi tự ti, tủi thân vì chính cách đối xử giữa người với người.

Một cụm từ “người bình thường” so với “người không bình thường” (tự hiểu) của những ai khuyết tật đủ để họ đau đáu suy nghĩ về thân phận của mình. Hay, có một thời người ta gọi người khuyết tật là “tàn phế” để rồi sau đó nhiều người khuyết tật đã lên tiếng “chúng tôi tàn nhưng không phế” để minh chứng cho suy nghĩ sáng suốt còn đó thì dẫu đôi tay, đôi chân thiếu vắng hay thậm chí nằm một chỗ thì cũng không phải là “phế nhân”.

Với tư duy đó, không ít người khuyết tật đã phát huy thế mạnh của mình ở những bộ phận còn lành lặn, hoặc sống vui, sống lạc quan, yêu đời để hiến tặng một bài pháp về con đường ở ngay dưới chân mỗi người, quan trọng là ta có chịu đi hay không. Thế nên, thi thoảng gặp được những con người khiếm khuyết một phần thân thể hay trong biểu hiện giới tính có phần chuệch choạc so với hiểu biết về giới của cộng đồng mà họ vẫn sống hữu dũng trước những ánh nhìn kỳ thị, quan ngại và còn góp nhặt yêu thương, cống hiến những giá trị cao đẹp (từ vật chất tới tinh thần) mà những-người-bình-thường khác không làm hay không làm được - báo chí luôn ngợi ca như một điển hình, một tấm gương đáng học hỏi, đáng làm mô phạm cho cuộc đời…
Buồn ơi, chào em!
Có một thi kệ thực tập mà một thiền sư đã đề xuất, được nhiều người yêu mến, trân trọng ghi lại như một cẩm nang trên bước đường vượt thoát khổ đau, kiến tạo an vui, hạnh phúc cho mình, đó là: “Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời”.
Sự thực tập này mang tính dừng lại, quán sâu để từ đó gội rửa tâm hồn mình từ chỗ mịt mù tăm tối, từ chỗ nhìn đâu cũng thấy đen thui, đáng chán thành chỗ có một con đường để đi, chỉ cần mình biết thương yêu, biết trân quý bản thân cũng như những gì đang có. Hành động mỉm cười mỗi sớm mai thức dậy là một sự thực tập mang tên chế tác an vui.

Cười thật an, thật tươi (như hoa nở) để chào đón giây phút hiện tại ta còn sống là một quán niệm mang ý nghĩa tôn trọng và biết ơn sự sống tự thân của mình và cũng là hành động nhận diện sự thật “thân người khó được mà ta đang được thân người đây, đó là hạnh phúc đâu dễ dầu gì có được”. Nên, hãy hạnh phúc đi!

Đó, còn là, trong cõi người này, còn bao người nghèo cùng, túng bấn gấp nhiều lần ta; hay còn bao nhiêu người đang phải vật lộn với mưu sinh, chiến đấu với bệnh tật nan y trong cuộc chiến sinh tồn… Ta cứ nghĩ dài và nghĩ rộng ra, bao quát cả một xã hội mà ta đang sống đến toàn thế giới rồi đến những cõi khác, nhất là ba cõi trong tam đồ ác đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh). Những cõi mù mù tăm tăm ấy, nhất là địa ngục, sống chết muôn lần, đau khổ liên miên không dứt kia đáng thương và đáng tội nghiệp hơn ta bội phần, ta khổ chừng này có đáng gì đâu?
Cứ thế mà quán để mà “thương nhìn cuộc đời”, để mà biết ơn giấy phút ta sống dậy sau một thời gian thùy miên để cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có. Đó cũng là một cách để giã từ những tri giác sai lầm rằng ta đang bất hạnh, ta đang khổ đau và tiếp tục đẩy mình đi sâu, đi xa vào mê lộ của u tối, khổ đau triền miên, dẫu mình chẳng phải là người khổ nhất.
Buồn ơi, chào em! Đây cũng là một sự thực tập, một thiền ngữ để nhắc ta nhẹ nhàng đối mặt với những buồn thương chất ngất đang phủ trùm trong tâm trí ta. Thiền ngữ nhắc ta nhận diện mình đang buồn, đang chênh vênh có nghĩa là nhắc về sự có mặt của tâm hành ấy trong ta. Nếu ta nhận diện và bình tĩnh chào nó bằng một ái ngữ dễ thương (chào em) sẽ ngăn ta căng cứng lên, chống đối hoặc loại bỏ nó như cái cách mà y học hiện đại thường dùng là phẫu thuật cắt bỏ.
“Phẫu thuật” những nỗi buồn đau, chênh vênh trong tâm thức khác với cách cắt bỏ của y học hiện đại. Theo đó, ta phải thực tập chậm rãi, bình tĩnh, tự tin bằng sự quán niệm về nó. Nhưng muốn nhìn thấu triệt nó để cắt gọt tận gốc rễ thì ta phải chầm chậm lại, dừng lại thì mới có đủ năng lượng để mà quán chiếu. Khi ta cứ chạy điên cuồng và tâm ta lúc nào cũng muốn mình không khổ đau, phải hạnh phúc liền liền dù trước đó và thậm chí hiện tại mình đã tạo ra khổ đau ngút ngàn cho đời, cho người, cho mình bằng những ý nghĩ sai trái, lời nói đầy độc tố, hành động thiếu từ bi… thì ta càng mong muốn (càng tham) thì càng đớn đau, vật vã mà thôi.

Vì vậy mà Đức Phật chọn một trong những pháp môn căn bản để dạy môn đệ của mình dứt trừ khổ đau, kiến tạo hạnh phúc chính là thiền định. Nhưng, muốn thiền định thì trước tiên và trên hết là phải gìn giữ những nguyên tắc đạo đức (giới luật) thì mới giúp cho thân tâm định và khi ấy trí mới sáng ra để thấy đường đi, đi vững chãi, không còn chênh vênh. Trong Phật giáo gọi đó là “tam vô lậu học” (Giới-Định-Tuệ), con đường đi từ tối ra sáng, giải thoát khổ đau, cập bến bờ an vui mà bất kỳ hành giả nào cũng phải thực tập thì mới nếm được pháp vị của nó.
Thế gian hay nhắc những người nôn nóng, sầu khổ, vụt chạc trong cuộc sống, ứng xử với mình, với người bằng câu: “Cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó”. Đối với người con Phật, nhìn sâu vào câu này cũng thấy đó là một công án thiền phải chiêm nghiệm để thực tập.

Cứ từ từ là thiền chỉ (dừng lại), chuyện đâu còn có đó (nhìn sâu - thiền quán, để thấy là sự sự vật vật, hiện tượng biểu hiện trong mình, quanh mình vốn theo định luật nhân-duyên-quả, cái gì đến lúc tới thì nó phải tới, ta có sợ bỏ chạy thì nó vẫn theo ta liền tức thì, vì đó là nghiệp, theo ta như hình với bóng thì chạy đâu cho thoát). Cái quan trọng vẫn là cách ta đón nhận những điều đã và sẽ xảy ra bằng sự hiểu biết, thương yêu. Hiểu rằng nhân quả công bằng, rất rõ ràng, ta đang khổ đau hay hạnh phúc, bình an đều là kết quả mà ta đã gây. Ta khiếm khuyết hay lành lặn, môi trường ta sống bình an hay nhiều độc tố… đều là kết quả mà ta từng tác tạo nhân trước đó…
Bên cạnh nhận diện sự thật ấy để đón nhận bằng tâm từ ái (buồn ơi, chào em) ta còn bắt đầu gieo tạo những hạt giống lành, trùng tu lại những nham nhở, khiếm khuyết trong ta, quanh ta, từng chút một và kiến thiết một cảnh giới an lành từ chính cách ta nghĩ, từ miệng ta nói, thân ta làm (tam nghiệp). Nói gọn là đoạn ác, làm lành, trong đó cái ác đầu tiên phải đoạn chính ta thôi trách móc, thôi những giằng xé đớn đau mà ta đã từng làm, từng cảm nhận bằng sự chênh vênh của mình từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ, kiếp này qua kiếp khác trước đó.

Ờ, đoạn ác, là đoạn những suy nghĩ ấu trĩ, lời nói bạo động, gieo rắc đau thương, phiền muộn, và tuyệt đối không làm những điều tổn hại mình, tổn hại người ở hiện tại cùng tương lai muôn kiếp… Nguyện vậy, tin vậy, hành vậy thì ta sẽ nhẹ nhàng bước qua những chênh vênh, nông nỗi. Nhanh thôi!
Chúc Thiệu (Đạo Phật Ngày Nay)
 

tanphuqm

Cựu Thành Viên Diễn Đàn
Tham gia
27 Thg 10 2006
Bài viết
1,775
Điểm tương tác
90
Điểm
48
LỜI CẦU NGUYỆN BAY TRONG GIÓ


Trong những năm trở lại đây, hiện tượng mọi người lên chùa, đền lễ Phật, bái Thánh cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mình và cho người thân trong những ngày đầu năm rất rầm rộ.
Như một sự kiện đến hẹn lại lên vào thời điểm đầu năm, từng dòng người, biển người chen chúc, xô đẩy nhau, thậm chí giẫm đạp nhau để vào cho được đền, chùa thắp hương cầu nguyện, cầu an.

TÂM THÀNH THÌ PHẬT CHỨNG
Cầu nguyện, cầu an là một nhu cầu chính đáng, thể hiện sự khát vọng, mong ước có được sự may mắn, tốt lành trong cuộc sống đầy biến động khôn lường như hiện nay. Nhìn ở góc độ nhân văn, cầu nguyện thể hiện vẻ đẹp của đời sống tinh thần, thể hiện sự quan tâm đến bản thân và những người xung quanh. Lời cầu nguyện đầu năm càng có ý nghĩa hơn vì nó mang ước vọng cho cả một năm sau đó.

Đến chùa, đền bày biện lễ phẩm cúng bái các vị Phật, Thánh luôn cần sự trang nghiêm, kính cẩn và thanh tịnh. Ở đó, chúng ta cầu nguyện rất kính cẩn, chí thành. “Tâm thành thì Phật chứng”. Cầu nguyện chính là thành tâm chuyển tải một thông điệp đến chư vị Phật, Thánh mà chúng ta tin cẩn.

DỤNG"TÂM" CẦU NGUYỆN
Việc cầu nguyện có ý nghĩa rất đặc biệt, vì nó khởi phát từ một khát vọng nung nấu mãnh liệt. Dù thế, dù không ai bảo ai, lời cầu nguyện thường khởi phát từ tâm niệm của một cái tôi cá nhân tư lợi mạnh mẽ, từ mong ước những điều có thể hết sức phi lý… Họ cầu nguyện và mong mỏi được đáp ứng. Vì thế nếu không được đáp ứng, không ít người than trách vì sao lời cầu nguyện của mình không được linh ứng? Có người quay trở lại bất tín với niềm tin mà mình đã đặt nhiều hy vọng trước đó.

Nếu dụng tâm cầu nguyện đầy tư lợi như thế, với dòng người, biển người chen lấn cầu nguyện, thì lời cầu nguyện cũng cuồn cuộn như nước biển Đông dâng đầy đến các bậc Phật, Thánh. Linh ứng hay không linh ứng? Đáp ứng những lời cầu nguyện đó chẳng khác nào đeo thêm đá vào lòng tư lợi của chúng ta.

KHÔNG NÊN CẦU NGUYỆN SUÔNG
Chúng ta không thể cầu nguyện để đạt được mọi thứ, càng không phải cầu nguyện để ơn trên thỏa mãn tất cả những tham vọng của chúng ta. Không có bậc Phật, Thánh nào giúp chúng ta để gây bất lợi, trở ngại cho người khác.
Chúng ta cũng không thể cứ việc ngồi cầu nguyện thì mọi việc sẽ như ý. Giống như việc đứng trước một con sông mênh mông rộng lớn, mà chỉ chắp tay cầu nguyện ơn trên cho mình sang được bờ bên kia. Phần lớn chúng ta cầu nguyện ơn trên cho qua sông, chứ không cầu nguyện cho một chiếc thuyền. Vì thế chúng ta vẫn cứ mãi ở bên này sông mà trông ngóng.
Vì thế, cầu nguyện phải đi đôi với hành động thiện nguyện. Cầu nguyện được bình an, sức khỏe, hạnh phúc hay giàu có là một khát vọng chính đáng, xuất phát từ động cơ chính đáng và cũng là một cách tư duy tích cực để chúng ta hành động chính đáng. Được như thế, lời nguyện cầu của chúng ta mới trở nên linh ứng.

LỜI CẦU NGUYỆN BAY TRONG GIÓ
Chuyện kể rằng, người Tây Tạng có một thói quen thường ngày, đó là khắc câu thần chú “Om mani padme hum” lên những lá cờ treo trên đỉnh núi, hay khắc vào vách đá, những tảng đá trên cao… để thần lực của câu thần chú tốt lành này bay theo gió đến tất cả mọi vùng trên thế giới, cùng mình cùng người hưởng được sự an lành đó. Họ không giữ lời cầu nguyện đó cho riêng mình và họ cũng không làm việc này chỉ cho riêng mình.
Từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, cho dù cuộc sống khổ cực thiếu thốn, họ vẫn đều đặn dành thời gian miệt mài thành tâm khắc từng nét từng chữ “Om mani padme hum” trên đá, trên núi hay bất cứ nơi đâu mà họ đi đến. Họ âm thầm lặng lẽ, tỉ mẫn làm việc và nhờ cơn gió mang lời cầu nguyện tốt lành đó bay đi, bay đi mãi khắp thế gian.

Có bao giờ, lời cầu nguyện của bạn, của tôi vượt ra khỏi cái vòng tư lợi cá nhân nhỏ hẹp để vươn ra ngoài không gian rộng lớn, để lời cầu nguyện bay đi, bay đi mãi trong gió...

(GN)Nguyên Trọng
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên