N

Bớt hý luận - lo tập trung hành để mà thấy tánh

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
31/8/15
Bài viết
1,933
Điểm tương tác
348
Điểm
83
Ngưởi điẹn thấy hý luận là một vấn nạn cực kỳ nan giải và trở nên hết sức bình thường xung quanh người học Phật. Hầu như ai cũng thích hý luận, ai cũng tự cho mình giỏi, ai cũng muốn mình tranh cải là đúng, nếu suốt ngày cứ như vậy mà ko chịu hành tu sửa tâm tánh thì bao giờ thấy tánh, thấy được pháp môn bất nhị, bao giờ có thể ngộ nhập chơn tâm.
Hý luận nó có tác hại vô cùng lớn nó sẽ làm cho hành giả đi sai đường mà chánh Pháp Như Lai để lại, nó làm tăng trưởng ngã mạn tham sân si cho hành giả tu tập, nó sẽ tạo tác tam nghiệp thân khẩu ý từ hành giả, tu để thanh tịnh tanh nghiệp nhưng vì thích hý luận nên tam nghiệp lại bùng phát mạnh hơn.
Nhưng thật nguy hại là rất nhiều Phật tử lại xem chuyện nguy hiểm hí luận này là chuyện hết sức bình thường và không dũng cảm nhận ra để mà sửa đổi. Vì thế, hôm nay người điên này mở cái chủ đề nhảm nhí này để cảnh tỉnh nếu ai mắc phải:

KHÔNG HÍ LUẬN


Hôm nay chúng ta bàn về đề tài hí luận. Hí luận là những lời nói không có ý nghĩa, không có sự thực, những lời nói làm rối loạn đạo tâm. Vì vậy, hí luận gây tác hại không ít cho việc tu hành của người Phật tử chúng ta.

Tác hại thứ nhất, hí luận làm chúng ta mất chánh định. Đã là những lời nói làm loạn tâm thì chắc chắn không thể có định. Không định thì trí tuệ vắng mặt. Trí tuệ vắng mặt thì ta làm bậy và kết quả là khổ.

Tác hại thứ hai, hí luận làm chúng ta xao động mất yên ổn. Nói việc này nghĩ việc kia, lăng xăng theo bên ngoài. Mất yên ổn tức là không được tịch diệt, đây là một khuyết điểm lớn của người tu hành. Vì tịch diệt là vui, người tu chúng ta ai cũng muốn đạt được niềm vui trong quá trình tu học. Niềm vui này xuất phát từ việc khắc phục những điểm dở, những lăng xăng trong tâm của mình.

Tác hại thứ ba, hí luận làm chúng ta không được tự tại. Thường khi nói nhiều chúng ta sẽ nói những điều không hay, hoặc không kiểm soát được lời nói của mình. Chưa kể những lúc vì tham sân si mà mình nói thì mất tự chủ hoàn toàn. Mất tự chủ thì không thể tự tại. Nên chúng ta phải cẩn trọng đối với hí luận.

Sau đây chúng ta sẽ bàn qua từng vấn đề một.

Trước nhất nói về lỗi loạn tâm. Ai cũng biết, tất cả người tu chúng ta không kể là tu theo pháp môn nào, tất cả phương tiện hành trì của mỗi tông đều nhằm để nhiếp tâm. Như tông Tịnh độ, niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật chủ yếu là để thâu nhiếp tâm loạn động của mình. Nhiếp nghĩa là gom lại, nắm lại cho được thống nhất. Nhiếp tâm là gom tâm lăng xăng, lộn xộn, nghĩ việc nọ việc kia của mình lại một chỗ. Ai niệm Phật được nhiếp tâm, thì chắc chắn người ấy được Phật rước, tùy theo công phu của mỗi người mà có các cảnh giới khác nhau.

Nếu Phật tử tu thiền, theo đường lối của Hoà thượng Viện trưởng dạy, đừng lý sự tới những công việc lăng xăng bên ngoài, buông bỏ vọng tưởng. Bản thân cần phải định tỉnh, sáng suốt. Muốn đạt đến trạng thái định tỉnh sáng suốt này, chúng ta phải sắp đặt công việc hài hòa với việc tu tập của mình. Làm thế nào để từng giờ từng phút, chúng ta có thể giải quyết mọi công việc mà vẫn làm chủ được. Làm chủ được mình rồi, chúng ta sẽ tỉnh sáng, sẽ tự tại được đối với các pháp. Ngay khi ấy là có thiền định.

Việc hí luận làm chúng ta bị loạn tâm, dù tu pháp môn nào mà tâm loạn, không làm chủ được mình, cứ ngược xuôi theo những lăng xăng bên ngoài, tức là chưa tu đúng lời Phật dạy. Những lời nói bình thường đã là không thực, hà huống những lời nói đem lại sự buồn bực, chia lìa, vô ích. Là Phật tử chúng ta phải chấm dứt những lời nói như thế. Chúng ta tu ngay từ trong ý nghĩ của mình thì sẽ không dẫn tới lời nói sái quấy. Vừa dấy nghĩ, chúng ta phải kiểm soát ngay xem ý nghĩ này đúng chưa. Nếu nó phát sinh từ tham sân si thì dừng lại đừng nói thành lời. Nếu thắng được, dừng được, mọi ý nghĩ tạp nhạp thì chúng ta không hí luận, dần dần chúng ta sẽ sống gần với tâm an ổn.

Người Phật tử khi tiếp xúc nên nói lời thành thật và nói những lời có nghĩa. Làm sao lời nói của mình đem lại sự vui tươi an lạc và đoàn kết cho mọi người. Việc gì không cần thiết không nên nói. Các thiền sư dạy phải giữ miệng mình như cây quạt mùa đông, mới có chút phần tương ưng. Chúng ta thì ngược lại, ai cũng thích nói. Cái gì cũng nói được, chuyện không đáng nói cũng nói, chuyện của ai đâu chẳng dính dáng đến mình, cũng nói. Nói để mất thời giờ, nói để loạn tâm, nói không suy nghĩ, nói để lãnh hậu quả tai hại… Nói như vậy là tạo khẩu nghiệp không tốt.

Tụng kinh niệm Phật chưa phải là tu. Thuyết pháp giảng kinh chưa phải là tu. Chỉ vì người xưa thấy chúng ta thích hí luận, nên lập bày các phương tiện như tụng kinh, niệm Phật, đọc sách v.v… để dừng bớt cái miệng của mình. Bước đầu trong việc tu hành là cốt làm sao dừng được hí luận, dừng được tâm loạn. Tâm không loạn là tâm sáng suốt, tâm sáng suốt là đúng với tâm Phật.

Phật là giác, chúng ta là con Phật thì chúng ta phải giác, chưa giác hoàn toàn như Phật thì cũng phải giác được ít phần. Phật từ bi thì mình phải từ bi, Phật không dính mắc thì mình đừng dính mắc, Phật là người hỷ xả thì mình cũng là người không cố chấp. Như vậy mới đúng nghĩa con Phật. Trong việc tu hành, không cần tìm ở đâu khó khăn, mà chỉ cần biết cách tu là đủ. Bây giờ Phật tử đi chùa cũng được, ở nhà cũng được, làm bất cứ việc gì cũng vậy, chủ yếu là tỉnh táo, sáng suốt, đừng để loạn tâm. Chẳng hạn, sinh hoạt mỗi ngày là nấu cơm, đi chợ, quét nhà, ngủ nghỉ, tụng kinh v.v... thì cố gắng làm y như vậy, đừng để những thứ tạp nhạp xen vào làm rối loạn chương trình của mình. Nếu có việc đột xuất phải quán chiếu ngay để giải quyết. Người được như vậy, nhất định sẽ tu tiến.

Chủ yếu của việc tu là phải đều đặn và liên tục, không thể tu một ngày mà thành Phật ngay. Vì nghiệp tập của chúng ta nhiều đời tăm tối, ràng rịt. Bây giờ muốn gỡ phải gỡ dần từng chút. Hôm nay tật nóng nảy của mình lóe lên như lửa nháng. Biết vậy, ngày mai lỡ nó lóe lên nữa, mình kềm hãm lại ít hơn. Cứ vậy, lần lần mình dập tắt nó hoàn toàn. Lúc nào cũng công phu như vậy, thì nghiệp tập ngày càng mỏng. Muốn nghiên cứu Phật Pháp cũng vậy, mỗi ngày dành một thời giờ hay nửa giờ đọc sách Phật, đều đặn liên tục như thế, trí tuệ sẽ mở sáng dần. Khi phát huy được trí tuệ, bớt dần tập nghiệp thì chúng ta có thể thực hiện được trọn vẹn đạo lý, đạt đến chỗ như ý trong việc tu học của mình.

Tác hại thứ hai của hí luận là mình không hưởng được niềm vui tịch diệt. Tất cả các pháp môn Phật dạy là những pháp Ngài thể nghiệm bằng cuộc đời của mình. Ngài đã thực hiện, đã sống trải, đã đạt được và chỉ lại cho chúng ta. Bây giờ chúng ta muốn được như Ngài thì cũng phải theo trình tự đó mà đi. Trước tiên phải đừng lao xao lộn xộn, phải sáng suốt nhiếp tâm, thì mới lần vào được chỗ an vui vĩnh viễn. Con đường của Phật đi là đời sống độc hành, Những thứ vui ồn ào bên ngoài không thể đưa đến tịch diệt, giải thoát. Càng chạy theo thú vui của thế gian, chúng ta càng mệt mỏi, càng vướng mắc khổ luỵ. Chúng ta phải khéo léo tránh đi, phải mạnh dạn sáng suốt làm chủ, như vậy mới đạt được trí tuệ, không bị pháp trần mê hoặc. Việc tu hành phải do tự mình giải quyết, không ai thay thế được. Nếu chúng ta không quyết tâm thì không nhất tâm. Mà không nhất tâm thì không định tỉnh, không nuôi dưỡng được sự sáng suốt, làm sao có ngày thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Người tu phải gan dạ chịu đựng. Gan dạ bỏ tất cả những gì cần bỏ. Chịu đựng được tất cả những gì khó khăn. Làm được như vậy, nghĩa là mình có thể vượt qua và chiến thắng những chướng duyên. Đó là niềm vui phấn chấn trong sự tu hành. Nếu tu hành không có niềm vui, không có tịnh lạc, không có sự phấn chấn thì nhất định mình sẽ bỏ cuộc. Vì đâu phải khi nào việc tu cũng xuôi chèo mát mái. Có lúc thăng lúc trầm, cho nên niềm vui riêng của việc tu hành là điều không thể thiếu. Nó là sức sống trong nhà thiền, là tuệ mạng của người Phật tử. Tuy chỉ là niềm vui đơn giản, nhưng nó tạo sự phấn chấn hứng thú cho chúng ta. Chẳng hạn có những điều Hòa thượng giảng, nghe thì nghe, chép thì chép, nhưng hiểu thì mình còn… khiêm nhường, không chịu hiểu. Rồi bất thần hôm nào đó, mình nhè chậu kiểng lũi vô, đầu tóe lửa, mắt đổ sao nhưng mà… bung ra. Đơn giản. Bình dị. Đó chính là niềm vui tạo sự hứng thú trong việc tu hành.

Tác hại thứ ba của hí luận là mình không làm chủ được mình. Người mà như cái máy, đụng đến là nhảy, ấn tới là bung thì định tỉnh chỗ nào ? Đây là điều phải lưu ý! Phật dạy mình phải định tỉnh. Từ định tỉnh phát sinh trí tuệ. Định tuệ rất quan trọng, không thể thiếu trong đạo Phật. Như ở đây Hòa thượng dạy, trong đi đứng nằm ngồi, vừa có niệm dấy khởi, biết đó là vọng, buông đi. Biết tức là tuệ. Biết và buông được, không bị kéo lôi tức có định. Cho nên ngay khi mình biết vọng tức là định tuệ hiện tiền. Định tuệ hiện tiền thì không có gì xâm phạm được mình. Thẳng tắt đơn giản, nhưng nó đòi hỏi lúc nào mình cũng phải tỉnh, phải sáng suốt. Hễ biết được thì phát huy trí tuệ, buông được thì định hiện tiền.

Tất cả cảnh giới đều là ảo hóa không thật, chỉ tùy tâm hiện. Một khi tâm thanh tịnh thì tùy trạng thái tâm mà các cảnh giới hiện ra. Chúng ta không nên quan tâm, không nên chạy theo và nhất là không nên đắm trước những cảnh giới ấy. Nếu chạy theo thì bị ma dẫn rơi vào đường tà.

Đôi khi tu một thời gian, bỗng nhiên mình phát lòng từ. Thấy cảnh khổ của thế gian mình thương, thấy người tạo ác mình buồn, rồi khóc thôi là khóc, đòi cứu người này, cứu người kia… Đó là do công dồn ép khiến như thế. Nhưng bức xúc quá thì mất bình thường. Những hiện cảnh khổ đau trên cuộc đời này không thật và chính tâm từ của mình cũng không thật. Chúng ta khóc thì làm được gì ? Phật nói, ngài chỉ là bậc đạo sư, là người dẫn đường, đi hay không tùy mỗi người, nghiệp tập của ai thì tự người ấy giải quyết. Chúng ta nên lo giải quyết cái nghiệp của mình, lo thương mình. Cái già, cái bệnh chưa giải quyết, chưa làm chủ được. Rồi chết đến chưa biết đi về đâu, mà nói thương người này người kia thì thêm phiền phức. Trí tuệ đặc sệt như dầu hắc, thì thương để làm gì ? Lòng từ bi cần phải đi đôi với trí tuệ thì mới không trở thành hệ lụy.

Tóm lại, chúng ta phải làm chủ được hí luận. Không làm chủ được bệnh này thì không tự tại. Không tự tại thì không giải thoát. Khi tự tại rồi chúng ta không còn sợ luân hồi sanh tử. Khi đã làm chủ được thân tâm, làm chủ được sinh mệnh của mình, thì tất cả những cái gọi là già - bệnh - chết - luân hồi - sanh tử - khổ não… chỉ là trò đùa. Người tu Phật làm thế nào tập trung được năng lực để làm chủ, nhất tâm đừng hí luận, để có được niềm vui tịch lạc. Có được niềm vui này rồi thì xem như mình không bao giờ thoái chuyển trên đường tu hành. Phật nói người dứt được hí luận, được nhất tâm thì có thể đạt được đạo giải thoát. Đây là điều chắc chắn. Người đã có trí tuệ, có niềm vui với chánh pháp rồi thì tu tập tăng tiến, không lầm chạy theo các duyên bên ngoài, thẳng tắt mộtđường, người này đạt đến chỗ cứu kính không khó. Ngược lại, người buông xuôi bỏ mặc cho ý nghĩ hành động lời nói buông lung, không làm chủ được thì con đường dẫn đến tự tại giải thoát còn xa vời lắm. Ngày xưa các Thiền sư không nói nhiều. Thường các Ngài ở trong núi hoặc những chỗ xa xôi, ai cần thì tìm đến hỏi. Các Ngài thường trả lời bằng hành động, vì lời nói không đủ sức mạnh để cho người nhận đúng vấn đề. Chỉ có những hành động, những biểu tượng may ra giúp người hỏi nhận được yếu lý. Nói nhiều đôi lúc sẽ làm cho người ta trượt dài trên ngôn ngữ, mất tác dụng.

Tôi kể câu chuyện này để minh chứng điều đó. Một Thiền sư nọ có người cháu cũng là đệ tử rất hiểu Phật pháp và có đạo đức. Nhân có việc, vị Thiền sư phải đi xa. Sau thời gian khá lâu, Ngài trở về quê hương thì được tin đệ tử mê một người đẹp, tiêu tan sự sản, bỏ hết đạo lý Phật pháp. Ngài vẫn bình thản, không nói một lời nào về việc này. Hôm đó, Ngài ghé thăm cháu. Thấy nhà cửa ngổn ngang bừa bãi, người cháu vẫn cứ ca hát ăn chơi suốt đêm. Sớm hôm sau, Ngài từ biệt cháu với một lời đơn giản “Chú đi”. Sửa soạn giày xong, nhưng tay run Thiền sư không buộc được giày, phải nhờ đến cháu. Đợi cháu buộc giày xong, Ngài nói: “Cháu thấy không, chú đã già, tay run không còn cột giày được nữa. Trong cuộc đời này ai rồi cũng vậy, cũng già và cũng chết”. Nói xong ông lặng lẽ ra đi.

Bài thuyết pháp ngắn gọn nhưng đầy chân tình đã cảm hóa được người cháu quay về. Hai hôm sau tất cả những cuộc vui được dẹp bỏ.

Chúng ta thấy Ngài không hề sử dụng ngôn từ nhiều, cũng không hề nóng giận, không hề la rầy. Sử dụng ngôn từ nhiều, có khi người ta hiểu sai ý mình, người xưa nói giáo đa thành oán là vậy. La mắng nóng giận có khi đẩy người ta vào hố sâu tội lỗi, đã không có lợi ích mà còn tai hại nữa. Cho nên Thiền sư giáo hóa bằng cách gợi ý cho chúng ta tự thoát ra, trong nhà thiền gọi là nhổ đinh tháo chốt. Công việc của Thiền sư chỉ có thế, nghĩa là mở cửa để đó, ai muốn thì ra, không thì thôi.

Giờ tôi nói đến phần giải thoát của người tu. Phần này có hai mặt, một là giải thoát tương đối, hai là giải thoát tuyệt đối. Ở mặt giải thoát tương đối chúng ta vẫn phải còn công phu. Nghĩa là phải có sự tu hành, ngăn ngừa các điều xấu, bỏ hí luận, cố gắng phát huy trí tuệ, làm chủ được mình và luôn luôn đem đạo lý phổ vào trong đời sống. Người biết tu thì trong hoàn cảnh nào cũng tu được. Hoàn cảnh càng khó khăn, càng bất như ý chừng nào, mình tu được thì càng mau thành công chừng nấy. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài tinh tấn được trong hoàn cảnh khó khăn nên Ngài thành Phật trước ngài Di Lặc.

Chúng ta thường hay than thời này tu khó lắm! Nhưng nếu theo lời Phật dạy thì rõ ràng “khó” là những phương thuốc, những kinh nghiệm quí báu giúp mình tiến nhanh, nếu mình biết tu và chịu tu. Còn cho là khó rồi bỏ qua, buông xuôi, sợ sệt thì biết đến bao giờ mới tu được ? Người Phật tử chân chính phải quyết tâm, bình tỉnh, gan dạ. Chúng ta là tác nhân của hoàn cảnh hiện tại này, chạy trốn sao được. Tự thân, tự miệng, tự ý mình huân tập phát ra tạo thành. Vì vậy, chúng ta phải gan dạ chấp nhận vàø tự giải quyết lấy.

Nhiều khi chúng ta cũng biết nợ thì phải trả, nhưng con nợ đòi gắt, đòi không đúng lúc. Nhè lúc mình thiếu lại đến đòi, thì có khi trả mà mình nổi cáu, nổi khùng lên cự lại với họ. Giờ phải cố gắng nguyện với lòng, với Tam bảo, những gì mình đã gây tạo thì xin sẵn sàng trả hết, vui vẻ hồn nhiên mà trả, để được nhẹ nhàng, thảnh thơi. Có trả hết thì mới thanh tịnh, giải thoát. Chớ còn giữ lại, còn vướng mắc tăm tối với người thì còn vướng nợ. Mà còn vướng nợ thì làm sao buông tay thanh thản được.

Thứ hai, nói về giải thoát tuyệt đối. Đây là phần công phu đã hoàn bị. Qua quá trình tu hành, trí tuệ chúng ta phát triển tròn đầy. Lúc này nói tu nhưng thật ra chúng ta sống bình thường. Ngài Lâm Tế bảo, tùy thời mặc áo ăn cơm, việc đến không chấp nhận, không sợ sệt lầm mê bởi bất cứ cảnh gì, sống hoàn toàn với chính mình. Đó là giai đoạn tối hậu của người tu. Một khi có đầy đủ đạo lực, tâm trong sáng rồi thì ta sẽ đạt được chỗ này. Nói đạt là một cách nói, trong nhà thiền tối kỵ nói đạt nói chứng. Song thật tình không phải là không có. Có nhưng vượt ngoài ngôn thuyết hình tướng nên không thể dùng lời lẽ diễn đạt được. Một khi công phu, đạo lực đầy đủ thì tự nhiên ta thầm nhận thôi.

Muốn đạt được giải thoát tuyệt đối, chúng ta không thể ngồi đó mong cầu, mà phải phát huy việc tu hành ở phần giải thoát tương đối. Mau hay chậm, được hay không là do nơi sự phấn đấu của chúng ta. Người xưa nói cây mọc trên gò sỏi, hoặc ở nơi khô cằn mới có giá trị, mới là loại gỗ quí. Vì vậy chúng ta đừng sợ hoàn cảnh khó khăn. Chính hoàn cảnh khó khăn là thước đo việc tu hành của mình. Một khi đã có quyết tâm thì hoàn cảnh nào, khó khăn nào mình cũng chuyển được. Không chuyển được liền thì từ từ rồi cũng chuyển được. Đây là chỗ lý thú trong kinh nghiệm tu hành. Người quyết tâm ở lãnh vực nào thì sẽ thành công trong lãnh vực đó. Có vậy chúng sanh mới chuyển phàm thành thánh, chuyển giải thoát tương đối thành giải thoát tuyệt đối.

Mạng người không có gì bảo đảm già chết gần kề, chúng ta phải lo sắp đặt việc tu hành của mình cho ổn định. Cố gắng khắc tỉnh, tu ngay từ gốc. Tụng kinh không thể ngộ đạo, ngồi thiền suông cũng chưa chắc được gì. Chính yếu là phải phát huy được cái gốc bên trong. Đó là tâm. Ngày mai chẳng có gì bảo đảm, thời khắc qua rồi chẳng lấy lại được. Phải nhìn thẳng vấn đề, nhìn cho thủng cái thân giả dối này, sinh ra lớn lên rồi già chết, chỉ vậy thôi. Có gì để chạy theo, để vướng mắc ? Đã chạy theo, đã vướng mắc rồi thì sinh sợ hãi. Mất thân này chụp thân khác, trầm luân trong sanh tử không biết đến bao giờ. Nếu tỉnh ngộ được lẽ này, buông bỏ những thứ không thật, chuyên tâm thiền định để phát sinh trí tuệ, sống trở lại được với tâm chân thật chẳng sanh diệt, thì còn gì an vui bằng.

Điểm cuối cùng tôi muốn nhắc đến là bạn hữu. Trong việc tu hành ngoài tự thân chúng ta ra, còn có kinh điển, thầy tổ và bạn hữu hỗ trợ thêm. Bạn hữu là những người mình có thể gần gũi tương trợ khi gặp khó khăn. Bởi khi tu, có lúc mình cũng nản lòng, xoay chuyển, bạn hữu là người rất cần trong những lúc này. Nếu chúng ta gần gũi được những người bạn có năng lực, mạnh mẽ, trí tuệ thì khi mình lui sụt, họ sẽ nhắc nhở để mình tiến lên.

Ngược lại, trong số bạn hữu của mình, người nào yếu đuối thì chúng ta cũng thương yêu trong sáng suốt, tìm phương tiện nâng đỡ nhắc nhở họ cùng tiến. Nhà thiền có câu chuyện này. Trong pháp hội của một Thiền sư nọ, chẳng may có một đệ tử bị bệnh tham, gặp cái gì anh cũng lượm bỏ túi. Chuyện được phát giác và trình lên Sư phụ. Nhưng dường như ông thầy không quan tâm. Trong chúng rất bực mình và quyết tâm làm dữ. Họ đồng lòng với nhau nếu thầy không đuổi vị này đi thì pháp hội sẽ giải tán. Thiền sư nghe rồi liền họp tăng chúng lại nói: “Thôi thì các vị đã vững vàng, ai nấy đều đã trưởng thành, có khả năng làm được mọi việc. Quí vị có thể đi đây đi đó được. Còn người đệ tử này bệnh hoạn dẫy đầy, cần phải được chăm sóc nhiều lắm, nếu thầy không cứu nó thì ai cứu nó ?”. Nghe đến đó, mọi người không dám nói gì nữa và vị đệ tử tham lam kia tự động bỏ cái tật xấu xa của mình.

Chúng ta cũng nên học gương này. Đã có duyên gặp được Phật pháp, có duyên trong cùng pháp hội thì chúng ta phải thông cảm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc cần thiết. Giúp huynh đệ tu được cũng có nghĩa là tự giúp mình thăng tiến.

Xin chúc tất cả quí vị thành công

Theo thầy Thích Thanh Từ
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

MinhTâm

Registered
Phật tử
Tham gia
4/6/15
Bài viết
139
Điểm tương tác
34
Điểm
28
BẢY YẾU TỐ KHIẾN TĂNG ĐOÀN HƯNG THỊNH
Thích Nữ Liên Hoa

(trích)
2.4. Đa văn (Văn huệ):

Đa văn là nghe nhiều. Ở đây chỉ cho nghe giáo pháp của Phật.

Nghe giảng, đọc sách, thảo luận với thiện hữu tri thức để hiểu thấu đáo lời Phật dạy đều gọi là Văn huệ. Trong Tam huệ học (Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ), Văn huệ là giai đoạn đầu tiên trên bước đường tu tập tiến đến trí tuệ.
Giai đoạn đầu, chúng ta thường thân cận bậc trí để lắng nghe diệu pháp, nhưng nghe xong phải khéo tư duy quan sát (tư huệ) để áp dụng thiền tập trên những đề mục đã tư duy ấy.
Nói cách khác, người học Phật không nên có thái độ học pháp, đón nhận pháp như người sưu tập chìa khóa mà không sử dụng, chất đầy nhà chỉ thêm choáng chỗ. Thái độ chân chánh khi học pháp là phải biết lắng nghe, nghe xong áp dụng tu tập trong nếp sống hằng ngày thì mới có lợi ích. Đó là ngƣời biết từ cửa Văn huệ bƣớc vào ngôi nhà Phật pháp.
Nghe pháp mà không hành trì thì trọn đời cũng không nếm đƣợc pháp vị :

“Người ngu dẫu trọn đời
Thân cận bậc hiền trí
Vẫn không biết chân lý
Như cái muỗng múc canh.

Người trí dầu một khắc
Thân cận với bậc hiền
Cũng thấy ngay chân lý
Như lưỡi nếm vị canh”

[ PC.64-65]
Do vậy, người nghe pháp cần tránh ba lỗi:

Lỗi thứ nhất, tâm trí bưng bít, không hân hoan, không nồng nhiệt đón nhận pháp, giống như cái bình đóng kín không thể đổ sữa vào;

Lỗi thứ hai, tâm buông trôi không chú ý lắng nghe, nghe tai này chạy sang tai kia, như cái bình lũng đáy đổ sữa vào sẽ chảy hết;

Lỗi thứ ba, nghe pháp với một tâm trí và thái độ bất tịnh như ham muốn vinh dự hay tiếng tăm nào đó, hoặc vị kỷ hay tham dục…, giống như cái bình bị ô uế.

Chúng ta đừng để các điều này ngự trị trong tâm và hãy đón nhận pháp với tâm trạng hân hoan, cởi mở và trong sáng như cái bình trống, cái bình không lũng đáy, cái bình được súc sạch để diệu pháp thấm nhuần thân tâm.

Đồng thời, chúng ta vui mừng đón nhận pháp như một bịnh nhân lắng nghe sự hướng dẫn của ngƣời thầy thuốc để uống thuốc cho đúng và hết bịnh. Cũng vậy, chúng ta lắng nghe diệu pháp, hành trì pháp để trị bịnh tham, sân, si và căn bịnh đau khổ triền miên do ôm giữ cái ta nhỏ bé này.

Đức Phật dạy: “ Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói ngƣời ấy không bị trói buộc bởi đau khổ”. [9,214-215]

Hay nói cách khác, con đường giải thoát là con đường không có bóng tối của vô minh, con đường đoạn tận ái theo một quá trình thân cận bậc trí để nghe diệu pháp đi đến đoạn tận năm triền cái: Do thân cận bậc chân nhân nên nghe được diệu pháp, nhờ nghe diệu pháp nên khởi tín tâm, nhờ có tín tâm nên như lý tác ý, nhờ có như lý tác ý nên được chánh niệm tỉnh giác, nhờ có chánh niệm tỉnh giác mà các căn được chế ngự, nhờ các căn được chế ngự nên có thân, khẩu, ý thiện hành, nhờ có thân, khẩu, ý thiện hành mà năm triền cái đựoc đoạn diệt. Năm triền cái là thức ăn nuôi dưỡng vô minh, khi năm triền cái diệt thì vô minh không có nhân duyên để tồn tại.
[8,9-26]
Như thế, con đường đoạn tận vô minh để trí tuệ có mặt cũng bắt đầu từ việc lắng nghe diệu pháp (Văn huệ). Chịu khó lắng nghe, suy gẫm và thực hành phải đựoc vận dụng khéo léo và cùng lúc, để việc tu tập có hiệu quả hơn. Và vì vậy, nói đến Văn huệ là nói đến Tƣ huệ và Tu huệ, chúng không thể tách rời nhau. Nếu dừng lại ở giai đoạn đầu (Văn huệ), hành giả trở thành những người học rộng, nghe nhiều, giàu có kiến thức, nhưng đời sống tâm linh thì nghèo nàn nhỏ bé.

Chúng ta nên tránh lối học pháp và nghe pháp theo kiểu tầm chương trích cú, lối tư duy mang màu sắc hữu ngã….Vì như thế, nó sẽ làm tăng thêm ngã mạn, tạo nhiều chướng duyên, ngăn cản bứớc đi tâm linh của chính mình.

Chính vì thế, Đức Thế Tôn luôn khuyến khích chư đệ tử phải siêng năng học pháp, nghe nhiều để mở mang tri thức.

Từ cánh cửa tri thức này, và bằng con đƣờng thiền quán, hành giả sẽ bước vào lĩnh vực của trí tuệ, lĩnh vực chứng đạt tâm linh – nó bao la rộng lớn và thông suốt mọi ngọn ngành của vạn vật, vượt xa cái tri thức nhỏ bé hữu hạn mà con người tìm kiếm qua sách vở.

Đây là tác dụng tích cực của người học rộng nghe nhiều.

Trong nếp sống tu học, lắng nghe là một nghệ thuật sống rất tuyệt vời và sống động.

Nghe nhiều, nói ít là đức tính khiêm nhường cần thiết cho vị tỳ kheo. Nhờ biết lắng nghe, chúng ta sẽ học hỏi và được chỉ dạy từ nhiều phía, thầy tổ, bạn bè….

Hơn nữa, Đức Phật dạy, tỳ kheo đệ tử Phật khi ngồi lại với nhau, nếu có thảo luận thì nên thảo luận về Phật pháp, bằng không thì giữ im lặng của bậc Thánh. Im lặng ở đây là nếp sống thiền định. Vì thế để hội chúng được thanh tịnh, ngoài việc nghe pháp, học pháp, trau giồi phạm hạnh, vị tỳ kheo phải nỗ lực hành thiền để chứng đạt chân lý, không nên tranh luận việc thế sự làm dấy khởi tạp niệm, tạp tưởng trong tâm, lãng phí thời gian tu tập của mình và các bạn đồng phạm hạnh.


Nguồn: dentutraitim.com
 

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
31/8/15
Bài viết
1,933
Điểm tương tác
348
Điểm
83
TRÍCH PHẬT NÓI KINH PHÁP ÐÚNG, PHÁP SAI Hán dịch: Ðời Hậu hán, Sa môn An Thế Cao. Việt dịch: Thích Chánh Lạc

Hoặc bấy giờ có vị Tỳ kheo khéo nói những lời hay đẹp, còn các Tỳ kheo khác thì không nói được như vậy. Vị ấy nhân khéo nói được những lời hay đẹp nên tự khen mình chê người. Ðó không phải là pháp hiền giả. Hiền giả thì không như vậy. Vị hiền giả học rằng chính ta không phải nhờ lời nói hay đẹp, cũng không phải nhờ biết nói những lời hay đẹp mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.

Hoặc có vị Tỳ kheo vì lời nói không hay đẹp, lại cũng không khéo nói, nhưng chỉ như pháp thọ giáo, hoặc tùy hành nhiều hay ít, nhờ việc làm đó được cung kính, làm như vậy được đa văn. Vị ấy với pháp này, nhờ thọ trì pháp, thực hành chắc thật, không tự khen mình chê người. Ðó là pháp hiền giả.

Hoặc bấy giờ nghe có một vị Tỳ kheo lớn tuổi, có nhiều tri thức, là bạn hữu giàu có, còn các Tỳ kheo khác thì không bằng. Vị ấy liền theo vị Tỳ kheo lớn tuổi có nhiều tri thức ấy, rồi tự khen mình, tự kiêu ngạo và khinh chê kẻ khác. Ðó không phải là pháp hiền giả. Hiền giả thì không như vậy. Bậc hiền giả chỉ suy nghĩ, học hỏi rằng “Chính ta không hẳn nhờ theo vị lớn tuổi, cũng không phải nhờ có nhiều tri thức, cũng không nhờ theo người có nhiều phước đức mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si.

Hoặc bấy giờ có vị Tỳ kheo còn nhỏ, cũng không có nhiều tri thức, phước đức cũng ít ỏi, nhưng thọ pháp, muốn tùy pháp hành, hoặc nhiều hay ít, nhờ đó được có tiếng tăm. Vị ấy theo pháp, tùy pháp chơn thật nhưng không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Ðó là pháp hiền giả.

Hoặc bấy giờ có vị Tỳ kheo biết nghe kinh, có thể thuyết kinh, biết luật, biết rõ và thâm nhập kinh, còn các Tỳ kheo khác thì không được như vậy. Vị ấy nhờ thâm nhập, thông suốt kinh nên tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Ðó chẳng phải là pháp hiền giả. Bậc hiền giả thì không như vậy. Hiền giả nên học như vầy: “Chính ta không phải nhờ thâm nhập, cũng không phải nhờ thông suốt kinh điển mà có thể đoạn trừ được tham dục, có thể đoạn trừ được sân hận, có thể đoạn trừ được ngu si”.

Hoặc bấy giờ có vị Tỳ kheo không có thâm nhập, cũng không có thông suốt kinh điển, chỉ thọ pháp, tùy pháp, chánh cần, tùy pháp hành, nên nhờ đó mà được cung kính, nhờ đó mà được tiếng tăm. Ðó là nhờ trì pháp, tùy pháp, thực hành điều chơn thật, cho nên vị ấy không tự khen mình, không tự kiêu ngạo, cũng không khinh chê kẻ khác. Ðó là pháp hiền giả.

Hoặc có Tỳ kheo đã được đệ nhất thiền, còn các Tỳ kheo khác thì không được như vậy. Vì được đệ nhất thiền nên vị ấy tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Ðó không phải là pháp hiền giả. Hiền giả thì không như vậy. Hiền giả chỉ học: " Ðệ nhất thiền, đức Phật dạy, phải tự mình biết điều ấy, thọ trì pháp chơn thật ấy, không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Ðó là pháp hiền giả.

Hoặc có Tỳ kheo được đệ nhị thiền, hoặc được đệ tam thiền, hoặc được đệ tứ thiền, như đã nói về đệ nhất thiền. Ðó là pháp hiền giả.

Hoặc có Tỳ kheo hiểu Không hành ý, hoặc có lúc hiểu Thức hành ý, hoặc có lúc hiểu Phi thường hành ý, hoặc có lúc hiểu Vô hữu tư tưởng hành ý, hữu tư tưởng hành ý. Còn các Tỳ kheo khác thì không được như vậy. Nhờ đó được tư tưởng vô hữu tư tưởng hành nên tự khen mình, tự kiêu mạn, khinh chê kẻ khác. Ðó không phải là pháp hiền giả. Hiền giả thì không như vậy. Hiền giả chỉ học: " Vô hữu tư tưởng hành, cũng như hữu tư tưởng hành, đức Phật dạy ta có cái này, thọ pháp, tùy pháp chơn thật nên không tự khen mình, không tự kiêu mạn, không khinh chê kẻ khác. Ðó là pháp hiền giả.

Ðức Phật bảo: “Này các Tỳ kheo! Ta đã nói về pháp hiền giả, cũng nói pháp không phải hiền giả. Các Tỳ kheo hãy nên tự tư duy. Ðối với pháp không phải hiền giả cũng nên tư duy. Hãy thực hành pháp hiền giả, xả bỏ pháp không phải hiền giả. Hãy thọ hiền giả, tùy pháp, Tỳ kheo nên học như vậy.
 

Lovingthesilenttears

Registered
Phật tử
Tham gia
8/12/15
Bài viết
117
Điểm tương tác
38
Điểm
28
Có thật là việc thấy tánh hay không thấy tánh là do "hành"?
Liệu bản thân topic "Bớt hý luận - lo tập trung hành để mà thấy tánh" phải chăng bị rơi vào bẫy ngụy biện?
Hỏi vui chủ Topic 2 câu trên vậy thôi nhé, góp thêm 1 góc nhìn phản biện 1 vấn đề,
Chúc mọi người luôn giữ vững được cái tôi của mình:)
 

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
31/8/15
Bài viết
1,933
Điểm tương tác
348
Điểm
83
HỌC MÀ KHÔNG TU LÀ ĐÃY SÁCH TU MÀ KHÔNG HỌC LÀ TU MÙ - Thích Thanh Từ

Buổi nói chuyện hôm nay, tôi không nói những phát minh mới, chỉ trình bày đường lối chủ trương của tu viện để các thiền sinh nắm vững mà tu học cho đúng, không còn nghi ngờ, và nếu có trình bày cho người học hiểu thì phải chính xác và rõ ràng.

Muốn rõ đường tu hành của Tu viện Chơn Không, trước hết phải nhìn lui về lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Phật giáo Trung Hoa từ đời Tấn tới đời Đường chia ra mười tông phái. Về sau, từ các đời Nguyên, Minh, Thanh còn lại bốn tông là: Thiền, Giáo, Tịnh và Mật Giáo trùm cả Thiên Thai tông, Hoa nghiêm tông, Tam Luận tông, Pháp tướng tông... Nói chung, các tông có chủ trương học kinh, luật, luận đều thuộc về giáo. Còn Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông hoằng hóa; nhưng có hai tông nổi bậc là Giáo và Thiền. Giáo chỉ cho những vị tu sĩ chuyên học và trì tụng kinh điển, chùa nào học và trì tụng kinh điển thì được coi như tu theo Giáo. Còn Thiền thời bấy giờ nhắm thẳng Thiền thoại đầu, do chư Tổ dòng Lâm Tế từ đời Tống xiển dương. Hai bên Thiền và Giáo có chủ trương khác nhau nên công kích lẫn nhau.

Thiền thì công kích Giáo là kiến giải suông, chỉ học hiểu mà không thực hành. Giáo thì công kích Thiền là thiền ngu dốt, không thông giáo lý, vì thiền chuyên tu thoại đầu chủ trương độn công phu. Nghĩa là thiền sinh chỉ tin vào vị thầy hướng dẫn, vị hướng dẫn cho một câu thoại đầu, thiền sinh phải dồn hết tâm lực khán câu thoại đầu đó cho tới ngày ngộ, chứ không học kinh điển, ngoại trừ những buổi khai thị của vị thầy đó thì có tham học. Do đó, hai tông có cớ để công kích nhau. Còn Tịnh Độ và Mật tông thì có chủ trương đường lối riêng, nên ở đây không bàn tới.

Xét ra, Thiền và Giáo bên nào cũng có ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Giáo ưu ở chỗ học kinh điển, nhưng khuyết ở chỗ học hiểu mà không hành, chỉ đem kinh điển ra giảng nói, tụng đọc thôi. Kinh luật Phật dạy để cho người thực hành, chớ không phải dạy để giảng thuyết suông hay tụng đọc suông mà không thấy chân lý. Thiền chuyên khán thoại đầu, được cái ưu là dồn hết tâm lực trong câu thoại đầu, không bị chi phối bởi những kiến giải. Nhưng vì không học kinh điển, nên chỉ tu đến khi nào ngộ mới có thể ra giáo hóa được, nếu chưa ngộ thì lúc đó đành chịu độn công phu! Thiền được coi là một tông phái không trọng giáo. Bởi không trọng giáo nên lâm vào cái lỗi lớn là tu mà không thông giáo lý Phật, và sau lại vấp thêm lỗi thứ hai nữa là vì không trọng giáo chỉ chuyên khán thoại đầu để chờ ngộ đạo. Song mỗi pháp hội năm bảy trăm thiền sinh, người ngộ đạo chỉ một hai thôi, những người khác thì sao? Đó chính là cái nhân của thiền thoại đầu biến các chùa Thiền tông thành Tịnh Độ sau này. Tại saovậy? Vì khán thoại đầu mà không ngộ thì tốt hơn trở lại niệm Phật, vì niệm Phật nhẹ nhàng ít nhọc hơn khán thoại đầu (ví dụ khán câu "Niệm Phật là ai?" Thiền sinh dồn hết tâm lực vào câu hỏi mà không trả lời được, để chờ ngộ...). Người khán thoại đầu tin vào lời của vị thầy chỉ dạy, hướng theo đó tu cho tới khi ngộ đạo, chớ không trông cậy vào kinh Phật.

Về sau, có nhiều người cho rằng tin Phật, nhứt là Phật A Di Đà, trong 48 lời nguyện có lời nguyện là: "Ai niệm danh hiệu Ngài, sẽ được Ngài đón về Cực lạc". Tin và tu như vậy dễ hơn. Do đó, người tu Thiền dần dần chuyển sang Tịnh Độ. Chính ở Việt Nam các chùa thiền tông sau này biến thành chùa Tịnh Độ cũng vì lý do đó. Không phải ai khán thoại đầu cũng đều ngộ, nếu không ngộ thì cả đời tu không sáng sủa. Hai tông Thiền và Tịnh đều có ưu và khuyết. Tịnh Độ ưu là tin vào đức Phật A Di Đà, khuyết là cõi Cực lạc quá xa. Thiền thoại đầu khuyết là không tin Phật mà chỉ tin vào vị thiền sư hướng dẫn, ưu là ngộ ngay nơi chính mình. Đó là ưu, khuyết của hai tông Thiền Tịnh. Về sau Tịnh Độ có phần hưng thịnh vì thiền thoại đầu thiền sinh tu lâu ngày thấy nhọc nhằn mà không ngộ đạo, lần lần chuyển sang Tịnh Độ, niệm Phật nhẹ nhàng dễ hơn. Đó là lý do người sau phải suy nghĩ. Giáo thì nặng về kinh, chỉ học, trì tụng, thuyết giảng suông mà không ứng dụng tu hành. Thiền thì khán thoại đầu mà không chịu học kinh, vì học kinh điển sợ thành kiến giải. Cả hai đều có tính cách thái quá, cho nên tu viện Chơn Không chủ trương Thiền Giáo song hành. Về Giáo, thiền sinh phải học kinh, luận,sử. Về Thiền, phải thực nghiệm tu tập. Các thiền sư thường nói Giáo là lời Phật nói hay miệng của Phật không hai. Vì tâm và miệng của Phật không hai, nên thiền giáo không hai. Vì vậy tu viện Chơn Không chúng tôi chủ trương Thiền Giáo song hành. Từ lâu, tôi thường nói với tất cả thiền sinh rằng: "Đối với Tam Bảo, tôi có niềm tin rất sâu, cho nên lúc nào cũng cố gắng làm cho ngọn đèn Phật pháp sáng tỏ, không muốn nó bị lu mờ. Nếu chúng ta chuyên tu thiền thoại đầu thì quên học kinh luận, mà quên học kinh luận thì vô tình phế Pháp bảo. Mười người tu thoại đầu, chắc gì mười người ngộ, hay năm người ngộ, hay một người ngộ thôi? Nếu không ngộ thì ngọn đèn Phật pháp dần dần tắt mất, đó là điều mà tu sĩ chúng ta phải thận trọng.

Ở Việt Nam, trong thời chúng tôi tu học thì Phật giáo chia tổng quát làm ba nhóm (chia thành nhóm chứ không chia thành phái).

- Nhóm thứ nhất lấy kinh điển Phật làm nghề sanh nhai, đi tụng tán để có tiền sinh sống, được gọi là thầy cúng, thầy đám. Nhóm nầy cũng khá đông.

- Nhóm thứ hai là những người tốt, nhưng vì ít học ham tu nên nặng về tín ngưỡng, tu một cách mù quáng, tu mà không hiểu giáo lý, cho nên chỉ biết cúng rằm cúng vía, tụng kinh tính bộ, lạy tam thiên Phật, lạy Pháp Hoa từng chữ. Tu nhiều là cúng nhiều, lạy nhiều, tụng nhiều. Đó là chủ trương của nhóm thứ hai, gốm có một số chùa ở thôn quê, và ở thành thị cũng có.

- Nhóm thứ ba là những người học có bằng cấp, hiểu giáo lý đạo Phật như triết học. Đó là trường hợp của chúng tôi học ở Phật học viện, học rất nhiều môn, học có chương trình, có thi cử đàng hoàng. Bởi lo thi cử nên ai nấy cắm đầu học, học để thi lấy bằng! Rốt cuộc trong khi học giáo lý của Phật, cũng không có thì giờ để tu. Việc tu thì gượng gạo, một ngày 24 giờ, chỉ để một hai thời công phu cho qua ngày, chớ không có sự chuyên tu. Đến khi mãn khóa học ra trường phải đi giảng dạy, mà giảng dạy thì phải tổ chức. Vừa lo giảng dạy, vừa lo tổ chức cho giáo hội nên cũng không có thì giờ tu. Vật nhóm thứ ba này được ưu điểm là có học nhưng lại thiếu tu. Lúc Hội Phật Học Việt Nam cất chùa Xá Lợi, có xin sư cụ Pháp chủ Khánh Anh hai câu đối để ghi trong giảng đường.

Sư cụ cho hai câu:

"Học mà không tu là đãy sách. Tu mà không học là tu mù".
 

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
31/8/15
Bài viết
1,933
Điểm tương tác
348
Điểm
83
DỨT TRANH CÃI - Thiền Sư Lại Quả

Dứt tranh cãi là việc làm cần kíp trước mắt. Hiện tại cách Phật sau hai ngàn năm trăm năm, chính là lúc mở đầu cho thời kỳ đấu tranh gay gắt, làm cho thế giới cùng thế giới tranh, người với người tranh, tranh lâu ắt loạn. Xét tận gốc của nó chẳng ngoài tự tâm, do vì tâm đạo đức càng kém, tâm nhân ngã càng to. Nếu có thể xem việc đời như mây trong hư không lúc tụ thì có, khi tán thì không, quán mình, người như hoa mùa xuân, mới nở thì đẹp đẽ, tàn rụng thì như bùn nhơ, hễ đối xử người như mây như hoa thì người nào chẳng nhường nhịn được, việc nào chẳng bỏ qua được. Đến đây, có được bậc thượng sĩ xuất sắc khéo hòa giải đấu tranh, thấy người cãi cọ đánh nhau, dịu dàng khuyên giải. Hoặc người vu oan ta quấy, ta phải tùy họ để xử trí. người cả đời chẳng thích đấu tranh, nếu người khác muốn tranh thì cho hết phần mình để họ khỏi đấu tranh. Người nói ta tốt, chẳng thấy vui, người nói ta xấu chẳng thấy buồn. Người chê bai ta, ta chẳng chê bai người. Người tìm ta đấu, ta chẳng tìm người đấu. Như vậy, danh tiếng lợi dưỡng đều nhường cho người, ta chẳng tranh giành. Danh tiếng lợi dưỡng của ta có, người muốn tranh với ta, ta đều cho họ. Hai bên nhường nhau, làm gì có tranh!

Người nói ta phá giới, ta chẳng đỏ mặt cũng chẳng giải thích, trái lại coi người ấy là bạn tốt giúp tăng đạo niệm cho ta. Người muốn y bát đồ đạc của ta, ta lượng sức xả cho. Người muốn tánh mạng ta, ta xả cho họ, nếu không thể xả thì cũng không động niệm. Buồn thay! Do vì chấp ta nên mới chấp người, giả sử người tranh, ta cũng tranh, ắt bị thế gian chuyển. Người tranh ta không tranh thì chuyển được thế gian. Muốn đập vỡ sự tranh cãi, trước tiên phải vô ngã. Thử hỏi : Ngã làm sao mà vô? Thực ra, chẳng phải diệt ngã rồi thành vô, mà chỉ cần xem mọi người như ruột thịt, nguyện người hữu ta vô, người giàu ta nghèo thì tâm ta mới. Ngã là cái nhà của đấu tranh. Vô ngã là then chốt để dứt đấu tranh. Mọi người đều vô ngã thì đấu tranh làm sao có? Người làm được như thế đến chết không thay đổi thì đến giai đoạn làm được như thế đến chết không thay đổi thì đến giai đoạn cuối của thời mạt pháp, trở lại thế gian này dùng Phật pháp giáo hóa khắp nơi, dầu thời thế như thế nào cũng chẳng bị chuyển. Thật là đứa con ngoan của Phật Thích Ca.
 

nguoidienhocphat1

Well-Known Member
Quản trị viên
Tham gia
31/8/15
Bài viết
1,933
Điểm tương tác
348
Điểm
83
PHÁT THỆ NGUYỆN LỚN - Thiền Sư Lại Quả

Thế gian và xuất thế gian đều có phát thệ nguyện lớn. Hai người tranh giành đất đai, người nào cũng cầu thắng, Bồ Tát ắt làm mản nguyện cho người có đạo đức thành tâm tin Phật. Nếu người có đạo đức lại bại, người không đạo đức lại thắng, cũng là do cảm ứng của nhân quả chẳng đồng mà xảy ra như thế.

Chúng ta là người trụ Tòng Lâm, trước phát nguyện lớn quyết liễu sanh tử, kể phát nguyện lớn quyết thành Phật đạo, lại phát nguyện lớn độ hết chúng sanh. Hoằng nguyện này là thường khóa hàng ngày chẳng chút gián đoạn ngừng nghỉ. Nếu ngừng nghỉ một chút, có thể bị đọa địa ngục, đây gọi là thệ. Đã lập thệ nguyện, thì không thể trái nguyện một chữ mới là đủ cả hạnh nguyện, lời nói việc làm phù hợp với nhau. Chỉ nói ăn mà chẳng từng nếm thì chẳng thể no, đây là nói suông. Như phát nguyện mà chẳng hành thì chẳng hành thì chẳng thể đến, đây là nguyện suông, bất quá chỉ tu cái nhân phát nguyện mà thôi. Người tu hành chẳng nên chỉ tu cái nhân phát nguyện mà nhất định cần phải hành cái việc của phát nguyện mới đúng.

Lại, nguyện có tà chánh, cũng có lớn nhỏ. Thế nào là nguyện tà? Như phát nguyện cầu tài, tham sắc, học Tiên đắc đạo, đây gọi là nguyện tà. Phát nguyện chánh là phát nguyện độ chúng sanh, phát nguyện liễu sanh tử, phát nguyện học kinh giáo, phát nguyện thành Phật đạo, đây gọi là nguyện chánh. Nguyện lớn là chẳng vì tự độ, phải độ tất cả chúng sanh trên khắp quả đất, chẳng độ một loài mà phải độ tất cả chúng sanh trong lục đạo, chẳng độ chúng sanh trong một thế giới mà phải độ chúng sanh khắp mười phương thế giới, đây gọi là nguyện lớn. nguyện nhỏ là phát nguyện độ chính mình, chẳng nguyện độ người khác, phát nguyện độ chúng sanh địa ngục, chẳng nguyện độ loài súc sanh, phát nguyện độ cha mẹ mình, chẳng nguyện độ cha mẹ người khác, đây gọi là nguyện nhỏ.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên