N

Chánh niệm thực tập thiền quán

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chương Mười Một

Đối trị với sự xao lãng- Phần I

Bất cứ thiền sinh nào cũng sẽ gặp phải các vấn đề lo nghĩ hoặc xao lãng trong lúc ngồi thiền. Và chúng ta rất cần có những phương cách để đối trị chúng. Có nhiều phương cách khéo léo có thể giúp ta lặp lại chính niệm dễ dàng và nhanh chóng hơn là chỉ cố gắng dùng ý chí của mình để chinh phục chúng.

Định và niệm lúc nào cũng đi song song với nhau. Cái này bổ túc cái kia. Nếu cái này bị yếu, cái kia cũng bị ảnh hưởng theo. Những ngày nào ta cảm thấy sự thiền tập của mình không được suôn sẻ cho lắm, thường thì đa số vấn đề là do ở một định lực sa sút.

Tâm ý ta cứ trôi bềnh bồng đi khắp nơi. Chúng ta cần một phương pháp để thiết lập lại định lực, cho dù khó khăn đến đâu. Nhưng may thay, trong truyền thống tu tập ta có rất nhiều cách. Thật ra, ta có thể chọn một trong những phương cách cụ thể sau đây để đối trị với sự xao lãng:

1. Phỏng đoán thời gian

Chúng ta đã có dịp bàn qua phương cách này trong một chương trước. Một sự xao lãng nào đó kéo bạn đi xa hơi thở, và bạn chợt giật mình ý thức rằng từ nãy giờ mình chỉ ngồi mơ tưởng viễn vông. Sự khéo léo ở đây là làm sao ta có thể thoát ra khỏi những gì đang lôi cuốn mình, buông bỏ nó, để có thể trở về và hoàn toàn chú tâm lại vào hơi thở.

Bạn có thể làm được việc ấy bằng cách ước định khoảng thời gian mà ta đã bị xao lãng. Không cần phải chính xác. Bạn không cần một con số thật chính xác, chỉ đoán chừng là đủ. Bạn có thể đo lường khoảng thời gian đó bằng giây phút, hoặc bằng những tư tưởng quan trọng. Chỉ cần tự nói thầm: “Nãy giờ mình đã bị xao lãng khoảng hai phút” hoặc “từ lúc nghe tiếng chó sủa” hoặc “từ khi bắt đầu nhớ đến chuyện tiền bạc”…

Khi mới bắt đầu thực tập cách này, bạn có thể tự nói thầm trong đầu. Khi nào quen rồi, bạn sẽ không cần nói thầm nữa, việc ấy sẽ xảy ra không cần ngôn từ và rất nhanh. Vấn đề ở đây là làm sao để ta có thể thoát ra khỏi sự xao lãng đó, và trở về với hơi thở của mình.

Bạn thoát ra bằng cách biến nó trở thành đối tượng chính niệm của mình, chỉ vừa đủ để ta có thể phỏng đoán xem nó đã kéo dài bao lâu. Khoảng thời gian ấy, tự nó không quan trọng. Một khi bạn đã thoát khỏi nó rồi, hãy buông bỏ hết và trở về với hơi thở. Đừng để bị vướng mắc vào sự phỏng đoán.


2. Thở sâu

Khi tâm ta bị tán loạn và xao động, ta thường có thể thiết lập lại chính niệm bằng cách thở vài hơi nhanh và sâu. Hít hơi vào mạnh mẽ và thở ra cũng cùng một cách ấy. Nó sẽ giúp cho cảm giác xúc chạm của hơi thở ra vào nơi đầu lỗ mũi trở nên rõ rệt hơn, giúp ta theo dõi được dễ dàng hơn.

Hãy vận dụng ý chí mạnh mẽ và cố gắng tập trung sự chú ý. Hãy nhớ rằng định lực có thể được tăng trường nhờ vào sự nỗ lực, và qua đó tâm ý bạn lại được an ổn trở về hơi thở.


  1. Đếm hơi thở
Đếm hơi thở là một phương thức đã có từ rất xưa trong truyền thống, còn được gọi là pháp sổ tức. Có những trường phái sử dụng nó như là một phương pháp nền tảng căn bản. Thiền quán *** sử dụng nó như là một phương pháp phụ trợ, giúp thiết lập chính niệm và gia tăng định lực.

Như chúng ta đã có dịp bàn qua trong chương 5, có nhiều cách khác nhau để đếm hơi thở. Nhưng nhớ là bao giờ cũng phải chú tâm vào hơi thở. Bạn có thể ghi nhận một sự thay đổi sau khi thực hành phương pháp đếm này.

Hơi thở trở nên chậm lại, hoặc rất nhẹ nhàng và vi tế hơn. Đây là một dấu hiệu sinh lý cho thấy định lực đã được thiết lập. Lúc này, thường thì hơi thở trở nên rất nhẹ, hoặc nhanh và vi tế đến độ ta không còn phân biệt được rõ ràng hơi thở vào với hơi thở ra. Chúng dường như hòa nhập lại với nhau. Lúc ấy, bạn có thể đếm cả hai như là một chu kỳ thở. Hãy tiếp tục đếm, nhưng chỉ từ một đến năm chu kỳ thở và quay trở lại một.

Khi ta cảm thấy việc đếm hơi thở trờ thành sự khó chịu, hãy tiến sang bước kế tiếp: Bỏ hết những con số và quên đi ý niệm về hơi thở vào và hơi thở ra. Hãy đi thẳng vào cảm giác thuần túy của hơi thở. Hơi thở này hòa lẫn với hơi thở tiếp theo trong một chu kỳ trôi chảy, nhẹ nhàng và thuần túy.

4. Niệm vào ra

Thay vì đếm hơi thở, ta còn có một cách khác nữa, cũng có cùng một công năng. Chú tâm vào hơi thở của ta và niệm kèm theo mỗi hơi thở của mình là “thở vào… thở ra…” hoặc “vào… ra…” Tiếp tục cho đến khi nào bạn cảm thấy không cần đến những ý niệm đó nữa, và buông bỏ chúng đi.


5. Hoán đổi tư tưởng

Có những tư tưởng không bao giờ chịu mất đi. Con người chúng ta rất dễ bị lôi cuốn. Đó là một trong những vấn đề lớn nhất của ta. Chúng ta có khuynh hướng trói buộc với những thứ như là mơ tưởng tình dục, lo nghĩ, tham vọng…

Chúng ta đã nuôi dưỡng những ám ảnh đó qua biết bao nhiêu năm tháng, và cho nó biết bao nhiêu cơ hội được bồi dưỡng bằng cách nghĩ về chúng mỗi giây phút rảnh rỗi.

Và mỗi khi ngồi thiền, ta lại bắt chúng phải đi chỗ khác chơi để cho ta được yên. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng không chịu nghe lời ta. Và những tư tưởng lì lợm ấy đòi hỏi một phương pháp đối trị trực tiếp, một cuộc tấn công toàn diện.

Tâm lý học Phật giáo có phát triển một hệ thống phân hạng rất rõ rệt. Thay vì chia từ tưởng ra thành hai loại “tốt ““xấu”, các nhà học Phật thường nói đến chúng như là “thiện” với “bất thiện”.

Một tư tưởng bất thiện là tư tưởng có liên quan đến tham, sân, si. Chúng là những tư tưởng mà tâm ta có thể dựa vào đó để bị ám ảnh hoặc dính mắc. Chúng được xem là bất thiện vì chúng đưa ta đi xa mục tiêu giải thoát.

Ngược lại, một tư tưởng thiện là tư tưởng có liên quan đến sự độ lượng, từ bi và tuệ giác. Chúng được xem là thiện vì chúng có thể được dùng như những liều thuốc chữa trị cho những tư tưởng bất thiện, và nhờ vậy mang ta đến gần với mục tiêu giải thoát hơn.

Chúng ta không thể nào đặt ra những điều kiện cho sự giải thoát. Nó không phải là một trạng thái được xây dựng bởi những tư tưởng. Và ta cũng không thể nào xác định cụ thể những cá tính mà sự giải thoát sẽ mang lại.

Những tư tưởng về nhân từ có thể làm phát sinh một vẻ ngoài tử tế, nhưng nó không thật. Gặp chuyện nó cũng sẽ sụp đổ hết. Những ý nghĩ về tâm từ chỉ làm phát sinh những tình thương hời hợt bên ngoài. Vì vậy, những tư tưởng thiện này, tự chúng sẽ không thể nào giúp ta giải thoát.


Chúng chỉ được xem là thiện nếu được sử dụng như là những liều thuốc độc để hóa giải độc tố của các tư tưởng bất thiện. Một tư tưởng rộng lượng sẽ hóa giải được lòng tham lam. Nó tạm giúp cho lòng tham lắng yên xuống một chút, đủ lâu để chính niệm có cơ hội làm việc không bị ngăn trở.

Và khi năng lượng của chính niệm đã soi thấu được gốc rễ của cái ngã, lòng tham tự nhiên sẽ tan biến và một tâm từ thật sự sẽ hiển lộ.

Và bạn cũng có thể áp dụng nguyên lý này vào sự thực tập hàng ngày của mình. Nếu như có một tư tưởng nào đang quấy rầy, khống chế, bạn có thể hóa giải nó bằng cách khơi dậy một tư tưởng đối nghịch lại.

Lấy một ví dụ: Nếu như bạn rất ghét anh X chẳng hạn, và gương mặt của anh ta cứ hiện trong đầu mình, bạn dãy đem những tư tưởng tốt lành hướng về anh X, hoặc nhớ nghĩ đến những đức tính tốt của anh. Bạn sẽ có thể làm cho những hình ảnh ấy trong đầu mình chấm dứt. Và ta có thể tiếp tục ngồi thiền.
Đôi khi, chỉ một cách thức này là chưa đủ. Những tư tưởng khống chế ta quá nặng nề. Trong trường hợp này, ta cần phải làm cho nó suy yếu đi phần nào trước khi có thể hóa giải được nó.

Ở đây, mặc cảm tội lỗi, một tâm hành rất là vô ích lại có thể đặc biệt sử dụng. Bạn hãy nhìn cho thật kỹ cái cảm xúc mà mình đang cố gắng loại trừ. Hãy thật sự suy nghĩ và đắn đo về nó. Xem nó khiến cho ta cảm thấy thế nào.Xem nó đã làm già cho đời ta, hạnh phúc của ta, sức khỏe và những mối liên hệc của ta.

Hãy nhìn xem nó đã khiến ta đối xử với người khác như thế nào. Xem nó đã cản trở con đường tu tập, giải thoát của ta ra sao.

Thật ra, kinh điển Pali có khuyên ta nên thực hành những việc này một cách thật tỉ mỉ. Kinh dạy chúng ta nên suy xét cho sâu sắc, và cảm nhận được một sự ghê tởm và ghét bỏ như là ta đang quàng trên cổ mình xác một con thú đã thối rửa rồi vậy. Điều ta hướng đến chính là một cảm giác ghê tởm, thật sự muốn buông bỏ.

Phương cách này có thể tự nó đã giải quyết được vấn đề của ta. Nếu không, sự dính mắc ấy cũng đã bị suy yếu đi, và ta có thể hóa giải được phần còn lại bằng cách khơi dậy những tâm hành đối nghịch.

Tư tưởng tham lam bao gồm tất cả mọi tham vọng, từ sự bủn xỉn, keo kiệt về tiền bạc, cho đến ý muốn được làm một người đạo cao đức trọng… Tư tưởng sân hận bao gồm từ tất cả từ những mơ mộng vu vơ cho đến những ảo tưởng viễn vông… Tâm rộng lượng hóa giải được lòng tham. Tâm từ hóa giải được lòng sân hận. Bạn có thể tìm được một phương thuốc thích hợp cho bất cứ một tư tưởng bất thiện nào, nếu bạn chịu khó xem xét nó kỹ một chút.

6. Nhớ lại mục tiêu của mình

Nhiều khi, có những việc ngẫu nhiên phát khởi lên trong tâm một cách tình cờ. Những chữ, những lời nói, câu văn… khởi lên từ tiềm thức mà không hề có một nguyên do nào rõ rệt. Những đối tượng phát sinh lên. Hình ảnh vụt thoáng qua rồi biến mất. Những kinh nghiệm này cũng khá phiền toái.

Tâm ta như một lá cờ bay lạch phạch trong gió lớn. Nó bị xô đẩy tới lui như những ngọn sóng trên mặt đại dương. Thường thì những lúc như vậy, ta chỉ cần tự nhắc nhở mình: Tại sao ta lại ngồi ở đây? Bạn có thể tự nhắc thầm: “Tôi không phải ngồi đây để hoang phí thời giờ của mình với những ý nghĩ ấy. Tôi ngồi đây để chú tâm theo dõi hơi thở của mình, nó có mặt trong tất cả mọi sự sống.”

Đôi khi chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm tâm bạn trở nên an tĩnh, ngay cả khi bạn chưa hoàn tất ý nghĩ ấy. Nhưng cũng có những lúc bạn phải lập lại câu ấy dăm ba lần mới có thể chú tâm trở lại hơi thở.

Những phương thức tôi vừa trình bày ở trên, có thể được sử dụng riên rẽ hoặc phối hợp với nhau. Nếu thực hành đúng, chúng sẽ là những phương cách rất công hiệu để giúp bạn thuần phục cái “tâm con khỉ” lăng xăng của mình!

Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Rộng mở tâm hồn
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chương Mười Hai: Đối trị với sự xao lãng
Phần II

Bây giờ đây, ta đang ngồi thiền thật đẹp. Thân ta bất động và vững chải, tâm ta an vui và tĩnh lặng. Chúng ta nhẹ nhàng chú tâm theo dõi hơi thở của mình, ra, vào, ra, vào… Tĩnh lặng và an định. Mọi việc đều thật hoàn hảo.

Bỗng dưng có một tư tưởng không biết từ đâu đột ngột khởi lên trong đầu: “Phải chi bây giờ mình có được một cây kem thì tuyệt biết mấy!” Đó rõ ràng là một sự xao lãng. Ta ghi nhận nó, và đem mình trở lại chú tâm vào hơi thở, nhẹ nhàng theo dõi, ra, vào…

Và rồi: “ Mình đã trả tiền nước tháng này chưa nhỉ?” Lại là một sự xao lãng. Ta lại ghi nhận nó, và mang sự chú ý trở về với hơi thở. Ra, vào, ra, vào… “Cuốn phim mà mình chờ đợi sẽ ra ngày hôm nay. Chắc là mình sẽ đi coi tối thứ Ba này. Không, thứ Ba không được, nhưng mà thứ Tư cũng bận lắm. Chắc phải là thứ Năm…”

Lại thêm một sự xao lãng nữa! Bạn lại kéo mình ra khỏi nó và trở về với hơi thở, nhưng có điều là khi bạn chưa kịp làm việc ấy thì đã có một giọng nói nhỏ trong đầu: “Ái chà, nhức mỏi lưng quá! Chịu không nổi!”, và cứ tiếp tục mãi,hết xao lãng này đến xao lãng khác, dường như là bất tận...

Thật là bực mình! Nhưng thật ra thiền tập chỉ là có vậy thôi.Nhưng sự xao lãng đó là vấn đề chính. Chủ yếu là làm sao để đối trị được chúng, học cách ghi nhận chúng mà không để bị dính mắc. Đó là lý do chúng ta ngồi thiền.

Những sự xao lãng, lo nghĩ vu vơ ấy rất là phiền toái, nhưng cái tâm bình thường của ta hoạt động như vậy đó. Đừng bao giờ cho nó là kẻ thù. Nó chỉ đơn giản là một thực tại của ta. Và nếu như bạn muốn thay đổi bất cứ một điều gì, trước hết bạn phải thấy được thực chất của nó.

Lần đầu tiên, khi bạn mới ngồi xuống tập trung sự chú ý vào hơi thở, bạn sẽ nhận thấy rằng tâm ý của mình lung tung vô cùng. Nó như một con ngựa bất kham,chạy nhảy khắp nơi.

Nó húc đầu này, đá vó đầu kia. Nó rượt đuổi chính nó, chạy theo một vòng tròn bất tận. Nó nói chuyện không ngừng. Nó suy nghĩ. Nó tưởng tượng và mơ mộng viễn vông.

Nhưng bạn đừng bao giờ bực tức vì những chuyện ấy. Đó cũng là tự nhiên thôi. Mỗi khi tâm ta xao lãng, không còn chú tâm vào đề mục thiền quán, ta chỉ cần quan sát sự xao lãng ấy trong chính niệm.

Trong thiền quán, khi chúng ta nói đến sự xao lãng là nói đến bất kỳ một vấn đề nào lôi kéo sự chú ý rời xa hơi thở. Điều này khiến ta có thêm một quy luật mới rất quan trọng trong sự hành thiền.

Đó là, mỗi khi có một trạng thái tâm thức nào khởi lên, đủ mạnh để kéo ta ra khỏi đề mục thiền quán, hãy tạm thời chú tâm và chính sự xao lãng ấy. Tạm thời dùng sự xao lãng ấy làm đối tượng thiền quán trong lúc đó.

Xin bạn nhớ rõ là chỉ tạm thời. Điều đó rất quan trọng. Tôi không bao giờ khuyên bạn giữa đường đổi ngựa. Và tôi cũng không khuyên bạn cứ vài ba giây lại đổi đề mục thiền quán của mình một lần.

Hơi thở lúc nào cũng là đối tượng tập trung chủ yếu của ta. Bạn chuyển sự chú ý của mình sang sự xao lãng chỉ trong thời gian vừa đủ để có thể nhận diện được những đặc tính của nó. Nó là gi? Nó mạnh đến đâu? Và nó kéo dài đến bao lâu?

Vừa khi bạn có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy, không cần bằng lời, là bạn đã xong việc với nó và có thể đem sự chú ý trở về với hơi thở.
Ở đây cũng vậy,xin bạn để ý đến cụm từ không cần bằng lời. Những câu hỏi ấy không phải là sự mời gọi chúng ta “nhiều chuyện” thêm. Vì làm như thế là chúng ta đi ngược chiều về phía gia tăng sự suy nghĩ. Chúng ta muốn mình bớt lại sự suy nghĩ. Chúng ta muốn trở về với một kinh nghiệm thuần túy của hơi thở, không cần ngôn từ, không cần ý niệm.

Những câu hỏi ấy là để giúp bạn thoát ra được sự xao lãng, thấy được tự tính của nó, chứ không phải để bạn trở nên bị dính mắc hơn. Chúng có mục đích, chỉ trong một bước, giúp bạn nhận diện được cái gì làm mình xao lãng và rồi buông bỏ nó – một công mà hai chuyện!

Vấn đề là thế này: Khi một sự xao lãng, hay bất cứ một trạng thái tâm thức nào khác khởi lên trong tâm, nó xuất hiện trước trong phần tiềm thức của ta. Và ngay sau đó, nó mới hiển lộ lên trên phần ý thức. Cái khoảng khắc sai biệt ấy rất quan trọng. Vì chính ngay trong khoảng thời gian tích tắc ấy, sự dính mắc xảy ra.

Sự dính mắc ấy có mặt gần như tức thì,và nó xảy ra ngay trong tiềm thức của mình. Khi sự dính mắc ấy khởi lên trên phần ý thức, khi ta bắt đầu nhận diện được, là ta đã bị nó kiềm chế mất rồi! Và chừng ấy, mỗi lúc ta quán sát nó, ta lại càng bị nó trói chặt vào thêm.

Lúc này, thật ra ta không còn có khả năng quan sát bằng một sự nhận diện đơn thuần nữa, ta chỉ nên suy nghĩ về nó mà thôi. Những việc ấy diễn ra trong một chớp mắt. Và vấn đề nằm ngay ở chỗ đó. Khi ta ý thức về một sự xao lãng nào, thì ta đã bị sự xao lãng ấy kiềm chế mình rồi!

Ba câu hỏi: “ Nó là gì? Nó mạnh đến đâu?, Và, nó kéo dài bao lâu?” là một phương thuốc thần diệu để chữa trị cho chứng bệnh này. Muốn trả lời được ba câu hỏi đó, ta bắt buộc phải hiểu được tính chất của sự xao lãng ấy một cách sâu sắc.

Và muốn làm được việc ấy, ta phải tách rời ra khỏi nó, bước lùi lại một bước, và nhìn một cách khách quan. Chúng ta phải thôi không suy nghĩ cái tư tưởng ấy, hoặc cảm nhận cái cảm thụ ấy, thì mới có thể quán sát nó một cách khách quan được.

Tiến trình đó chính là một bài thực tập về chính niệm, một ý thức và sự nhận diện đơn thuần. Năng lực kiềm hãm của sự xao lãng sẽ bị phá vỡ và chính niệm sẽ được thiết lập trở lại. Và từ đó, chính niệm sẽ nhẹ nhàng trở về với đối tượng chính của nó là hơi thở.

Khi bạn mới bắt đầu thực tập phương pháp này,có lẽ bạn sẽ phải nhờ đến ngôn từ. Bạn đặt câu hỏi thành lời và bạn có câu đáp lại cũng bằng lời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bạn sẽ không cần đến chúng nữa. Một khi bạn thực tập quen rồi, bạn chỉ cần đơn giản ghi nhận sự xao lãng,nhận diện những đặc tính của nó, và trở về với hơi thở.

Đó là một quá trình không cần ý niệm và rất nhanh. Sự xao lãng tự nó có thể là bất cứ một điều gì: một tiếng động,một cảm giác, một cảm thụ,một mơ tưởng, bất cứ là một điều gì… Nhưng cho gì đi chăng nữa, ta cũng đừng bao giờ đàn áp nó, đừng cố xua đuổi nó ra khỏi tâm mình. Việc ấy hoàn toàn không cần thiết.

Chỉ cần quán sát nó trong chính niệm, bằng một sự nhận diện đơn thuần. Lặng lẽ khảo sát sự xao lãng ấy, rồi tự nó biến mất. Và tự nhiên bạn sẽ thấy sự chú ý tự nhiên nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Cũng đừng tự trách mình vì đã có những xao lãng ấy. Sự xao lãng là tự nhiên. Chúng đến và chúng đi.

Nhưng cho dù đã có lời khuyên, rồi bạn vẫn sẽ tự trách mình sau mỗi lần xao lãng. Và điều đó là tự nhiên. Hãy quán sát cảm giác hối trách ấy như là một xao lãng khác, và rồi trở lại với hơi thở của mình.

Hãy theo dõi chuỗi tiến trình ấy: Thở. Thở. Một tư tưởng vu vơ khởi lên. Sự bực mình khởi lên vì thấy mình suy nghĩ. Tiếp đó, một sự tự trách mình. Bạn trở về với hơi thở. Thở. Thở. Nó là một chu kỳ rất tự nhiên và nhịp nhàng, nếu bạn biết thực hành cho đúng.

Dĩ nhiên, chìa khóa của vấn đề là sự kiên trì.Nếu bạn có thể nhận diện những xao lãng này mà không bị dính mắc, mọi việc sẽ trở nên rất dễ dàng. Bạn sẽ nhẹ nhàng lướt xuyên qua những xao lãng ấy, và trở về với hơi thở.

Lẽ dĩ nhiên, cũng cùng một sự xao lãng ấy có thể sẽ khởi lên trong giây phút kế tiếp. Nhưng ta chỉ cần nhận diện nó bằng chính niệm. Nếu đó là một tư tưởng xao lãng có gốc rễ lâu đời, nó có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài, nhiều khi hàng năm. Nhưng đừng bao giờ bực mình. Đó cũng là chuyện tự nhiên.

Hãy nhận diện sự xao lãng ấy và trở về với hơi thở. Đừng chống cự lại chúng, chỉ tốn công vô ích mà thôi. Mỗi năng lượng bạn đưa vào sự chống cự sẽ nuôi dưỡng cho những tư tưởng ấy, và làm cho chúng mạnh thêm.

Vì vậy, đừng bao giờ cố gắng xua đuổi những tư tưởng ấy ra khỏi tâm mình. Bạn sẽ không bao giờ chiến thắng được trận chiến đó. Chỉ cần quán sát bằng chính niệm, và tự nó cuối cùng sẽ mất.

Thật kỳ lạ, nhưng bạn càng đơn thuần nhận diện nó bao nhiêu thì nó sẽ càng trở nên yếu đi bấy nhiêu. Nếu bạn quán sát đủ lâu, và đủ năng lực của chính niệm, nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Còn khi bị chống cự lại, nó sẽ càng mạnh thêm. Hãy quán sát nó một cách khách quan, nó sẽ héo hon và tàn tạ đi.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chính niệm là một chức năng có thể tháo gỡ và hóa giải sự xao lãng. Những xao lãng nho nhỏ có thể được giải trừ chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua thôi. Đem ánh sáng chính niệm chiếu lên nó, và nó lập tức tan biến ngay, không bao giờ trở lại nữa.

Còn những ý tưởng có gốc rễ sâu xa, đã trở thành tập quán thói quen, đòi hỏi ta phải có nhiều kiên trì, dùng chính niệm tinh chuyên quán chiếu cho đến khi sợi dây trói buộc bị đứt tung.

Thật ra, sự xao lãng cũng giống như một con cọp giấy! Tự nó không có một quyền lực nào hết. Nó phải được nuôi dưỡng thường xuyên, nếu không nó sẽ chết. Và khi ta từ chối không nuôi dưỡng nó bằng sự sợ hãi, sân hận và lòng ham muốn của mình nữa, nó sẽ bị tiêu diệt.

Chính niệm là khía cạnh quan trọng nhất của thiền quán. Nó là yếu tố chủ yếu mà ta đang cố gắng trau giồi. Vì vậy, ta không cần phải chống lại sự xao lãng. Điều quan trọng là có chính niệm về việc gì đang xảy ra chứ không phải kiểm soát những gì đang xảy ra.

Bạn nên nhớ, định lực là một phương tiện. Nó là thứ yếu so với sự nhận diện đơn thuần. Dưới cái nhìn của chính niệm thì không có một cái gì là xao lãng hết. Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm cũng đều được xem như một cơ hội để giúp chúng ta thực tập chính niệm.

Hơi thở được chọn làm đối tượng cơ bản giúp ta tập trung tâm ý. Và sự xao lãng là đối tượng thứ hai để giúp ta chú tâm. Nó cũng có thật và là một phần của thực tại, cũng như hơi thở.

Thật ra, đối tượng chính niệm của ta là gì, việc ấy không quan trọng. Bạn có thể chính niệm về hơi thở, hoặc có chính niệm về sự xao lãng của mình.Bạn có thể có ý thức rõ rằng tâm mình đang an tĩnh và có định lực mạnh mẽ, hoặc thấy rằng tâm mình đang hỗn độn, rối ren và định lực hoàn toàn suy sụp . Tất cả đều là chính niệm. Ta chỉ cần tiếp tục duy trì sự chính niệm đó, và cuối cùng định lực sẽ được phục hồi.

Mục đích của thiền quán không phải là để chú tâm vào hơi thở mãi mãi và không bị gián đoạn. Đó là một mục tiêu vô cùng vô ích. Mục đích của thiền quán cũng không phải để đạt được một tâm hoàn toàn bất động và an tĩnh.

Mặc dù đó là một trạng thái rất tốt đẹp, nhưng tự nó không thể nào đưa ta đến giải thoát được. Mục tiêu của thiền quán là để có được một chính niệm liên tục, không gián đoạn. Chính niệm, và chỉ có chính niệm mới có thể đưa ta tới giác ngộ.

Sự xao lãng có đủ mọi hình tướng, mức độ và mùi vị. Tâm lý học Phật giáo phân chia chúng ra thành nhiều loại. Một trong những loại đó là chướng ngại. Chúng được xem như là chướng ngại vì chúng ngăn trở hai yếu tố thiền quán của ta : chính niệm và định lực.

Ta nên thận trọng chỗ này : Chữ "chướng ngại " có vẻ mang một ý niệm hơi tiêu cực, mà thật ra chúng là những trạng thái tâm thức mà ta muốn loại trừ. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta phải đàn áp chúng, trốn tránh hoặc ghét bỏ chúng.

Chúng ta hãy lấy lòng ham muốn làm một ví dụ. Ta muốn tránh không kéo dài bất cứ một trạng thái ham muốn nào khi nó khởi lên, vì nó sẽ dẫn đến sự ràng buộc và phiền não. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi khi có những tư tưởng ham muốn khởi lên, ta phải xua đuổi nó ra khỏi tâm mình. Chúng ta chỉ cần đừng khuyến khích và nuôi dưỡng nó ở lại mà thôi.

Ta để cho nó đến, và để cho nó đi. Khi ta nhận diện lòng ham muốn một cách đơn thuần, sẽ không có sự phê phán, khen chê nào hết. Chúng ta chỉ đơn giản bước lùi lại và nhìn nó khởi lên. Cả quá trình sinh động của lòng ham muốn, từ đầu cho đến cuối, cần được quán sát với cùng một thái độ ấy.

Chúng ta không giúp thêm, cũng không ngăn chặn, và cũng không xen vào một chút nào hết. Nó ở bao lâu thì nó sẽ ở bấy lâu. Và trong khi nó có mặt, ta sẽ học hỏi hết những gì ta có thể học được.

Chúng ta quán sát tác dụng của sự ham muốn. Ta nhận thức việc nó gây phiền não cho ta và là gánh nặng cho kẻ khác như thế nào. Ta ý thức rằng nó khiến ta lúc nào cũng cảm thấy không thỏa mãn,luôn ở trong một trạng thái thèm khát và thiếu thốn.

Từ kinh nghiệm trực tiếp đó, ta hiểu được sâu sắc sự ham muốn là một chướng ngại cho ta. Và sự hiểu biết đó không phải là lý thuyết, mà là một thực nghiệm. Tất cả những chướng ngại khác cũng được đối trị cùng bằng một phương thức ấy, và ở đây chúng ta sẽ xem xét chúng từng cái một.

Ham muốn

Giả sử như trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm dễ chịu nào đó khởi lên khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một mơ tưởng thú vị hoặc một ý tưởng tự hào. Nó có thể là một cảm giác hãnh diện. Nó có thể là một ý tưởng thương yêu hoặc một cảm giác an vui do thiền quán mang lại.

Cho dầu gì đi nữa, chắc chắn theo sau sẽ là một trạng thái ham muốn – ta có được những gì mình đang mơ tưởng, hoặc muốn kéo dài cảm giác thú vị, dễ chịu ấy.

Và cho dầu bất cứ nó là gì, bạn cần đối trị những ham muốn ấy như sau. Ghi nhận tư tưởng hoặc cảm xúc dễ chịu ấy khi nó khởi lên. Ghi nhận trạng thái ham muốn đi kèm theo nó như là một cái gì riêng biệt. Ghi nhận chính xác cường độ và tầm mức của sự ham muốn ấy. Và rồi, ghi nhận xem nó kéo dài bao lâu và khi nào biến mất. Sau khi làm xong những việc ấy,bạn đem sự chú ý trở về với hơi thở của mình.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Ghét bỏ

Giả sử trong lúc ngồi thiền có một kinh nghiệm khó chịu nào đó khởi lên khiến bạn bị xao lãng. Nó có thể là một cái gì làm bạn sợ hãi hoặc một sự lo âu, phiền toái nào đó. Nó có thể là một mặc cảm tội lỗi, buồn chán hoặc một cái đau.

Cho dù ý nghĩ hoặc cảm thụ đó là gì đi nữa, bạn sẽ thấy mình tìm cách xua đuổi hoặc đàn áp nó – cố gắng trốn tránh, chống cự hoặc chối bỏ nó. Và phương cách đối trị của ta ở đây cũng tương tự.

Hãy theo dõi sự phát sinh của tư tưởng hoặc cảm thụ khó chịu ấy. Ghi nhận trạng thái ghét bỏ kèm theo nó. Quán sát xem nó kéo dài bao lâu và khi nào thì qua mất. Và rồi đem sự chú ý trở về với hơi thở.

Hôn trầm

Hôn trần có nhiều cấp bậc và cường độ khác nhau, nó bao gồm từ một chút uể oải cho đến một trạng thái hôn mê, không còn biết gì hết. Ở đây, chúng ta nói về một trạng thái của tâm thức, chứ không phải là của cơ thể. Buồn ngủ hoặc sự mệt mỏi của cơ thể là những điều hoàn toàn khác hẳn và trong hệ thống phân loại của Phật học thường xếp vào những cảm thụ vật lý.

Hôn trầm rất gần gũi với sự ghét bỏ, vì nó là một cách khéo léo để tâm ta trốn tránh những vấn đề nào đó cảm thấy khó chịu. Hôn trầm cũng giống như là ta tắt đi bộ máy tâm thức của mình, làm lu mờ đi những tri giác và nhận thức của ta. Nó là một sự giả vờ ngu ngốc như mình đang ngủ.

Kích động

Những trạng thái bất an vào lo lắng là những biểu hiện của sự kích động trong tâm. Tâm ta phóng nhảy khắp nơi,không chịu ở yên một chỗ.

Bạn có thể cứ suy đi, nghĩ lại loanh quanh chỉ có một vài vấn đề. Cái mạnh nhất ở đây là một cảm thụ không an ổn.

Tâm ta từ chối không chịu dừng yên ở bất cứ nơi nào. Nó chạy nhảy không ngừng. Và phương thuốc cho tình trạng này cũng tương tự.


Sự bất an truyền đạt một cảm thụ đặc biệt đến tâm thức ta. Bạn có thể cho nó là có một mùi vị hoặc một kết cấu đặc biệt nào đó. Gọi đó là gì đi chăng nữa, cảm giác bất an ấy vẫn có những đặc tính riêng biệt mà ta có thể nhận diện được.

Hãy tìm nó. Khi bạn thấy nó, hãy ghi nhận sự có mặt của nó. Ghi nhận khi nào nó khởi lên. Theo dõi nó kéo dài bao lâu, và khi nào chấm dứt. Và rồi trở lại với hơi thở.

Nghi ngờ

Nghi ngờ cũng có một cảm giác cá biệt của nó trong tâm thức. Kinh điển Pali diễn tả tâm trạng nghi ngờ rất hay. Nó cũng giống như cảm giác của một người bị lạc lối hoang mang trong sa mạc, và anh ta đến một ngã tư đường không có bảng chỉ dẫn. Nên đi theo lối nào đây? Không làm sao biết được. Và anh ta cứ đứng đó phân vân mãi.

Một trong những hình thức nghi ngờ có mặt trong lúc ngồi thiền là những câu độc thoại trong đầu, tương tự như thế này: “Tại sao mình cứ ngồi yên như thế này để làm gì? Có thật sự ích lợi gì không chứ? Ồ! Nhất định là có rồi. Nó giúp ích cho mình nhiều lắm. Trong sách nói như vậy mà. Không đâu, việc này thật là điên rồ. Mất công sức, mất thì giờ thôi, chứ chẳng có lợi ích gì hết. Nhưng không, mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Mình nói mình cố gắng học thiền, và mình sẽ nhất định học thiền. Mà mình có cứng đầu quá không? Chẳng biết nữa. Mình chẳng biết gì hết…”

Đừng để bị rơi vào chiếc bẫy này. Nó cũng chỉ là một chướng ngại mà thôi. Một làn hỏa mù của tâm thức, với mục đích không cho ta nhìn thấy được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

Muốn đối trị tâm ngờ vực, ta chỉ cần ý thức được trạng thái thay đổi không yên này của tâm, như là một đối tượng của thiền quán. Đừng để bị kẹt trong chiếc bẫy ấy. Bước lùi lại và nhìn nó cho rõ. Xem nó mạnh đến đâu. Xem khi nào nó đến và kéo dài bao lâu. Rồi xem nó từ từ đi qua, và ta lại trở về với hơi thở.

Đó là những phương cách chung bạn có thể sử dụng để hóa giải bất cứ một sự xao lãng nào khởi lên. Tôi dùng chữ xao lãng để chỉ cho bất cứ một trạng thái nào khởi lên và làm trở ngại cho sự thiền tập của ta.

Có một số chướng ngại rất là vi tế. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên nêu ra một vài ví dụ. Những trạng thái tiêu cực đa số thường rất dễ nhận diện, như là: bất an, sợ hãi, nóng giận, bức rức, chán nản và thất vọng.

Sự dính mắc và tham muốn thì hơi khó nhận diện hơn một chút, vì chúng có thể được áp dụng vào những gì chúng ta cho là cao thượng hoặc đáng quý. Ta có thể ham muốn cho mình được hoàn thiện hơn. Ta có thể đeo đuổi những đức tính tốt lành. Ta có thể dính mắc vào những kinh nghiệm an tĩnh, hạnh phúc trong lúc ngồi thiền.

Buông bỏ những cảm giác cao quý ấy không phải là dễ. Nhưng cuối cùng chúng chỉ làm tăng trưởng thêm lòng tham của ta mà thôi. Thật ra, chúng chỉ là một sự mong muốn được thỏa mãn và một cách khéo léo để tránh né thực tại.

Nhưng khó nhận diện hơn hết là những trạng thái tâm thức tích cực mà nhẹ nhàng len lỏi vào trong sự thiền tập của ta. Hạnh phúc, an vui, hài lòng, cảm thông và từ bi đối với tất cả mọi người ở khắp mọi nơi.

Những trạng thái này rất là ngọt ngào và tốt lành, đến nỗi ta không có lòng dạ nào mà tự tách mình ra khỏi chúng.

Nó khiến ta cảm thấy như là mình đã phản bội nhân loại. Nhưng bạn đâu cần cảm thấy như vậy? Tôi không bao giờ khuyên bạn nên bác bỏ những trạng thái tâm thức ấy, hoặc biến mình trở thành gỗ đá.

Tôi chỉ muốn bạn hãy nhìn chúng như chúng đang thật sự hiện hữu. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm thức. Chúng đến và chúng đi. Chúng sinh lên rồi chúng diệt đi. Khi bạn tiếp tục thiền tập, những trạng thái này sẽ càng xảy ra thường xuyên hơn.

Điều quan trọng là đừng để bị dính mắc vào chúng. Chỉ cần quán sát từng cái một khi nó khởi lên. Xem nó là gì, mạnh bao nhiêu, và kéo dài đến bao lâu. Rồi xem nó từ từ trôi đi mất.

Nó cũng chỉ là một vở tuồng nữa trên sân khấu tâm thức của mình mà thôi. Cũng giống như hơi thở có từng giai đoạn, những trạng thái tâm thức cũng thế. Mỗi hơi thở có phần bắt đầu, phần giữa và phần cuối. Mỗi trạng thái tâm thức có các giai đoạn sinh khởi, tăng trưởng và hoại diệt.

Bạn nên cố gắng quán sát để thấy rõ được những giai đoạn này. Lẽ dĩ nhiên việc ấy không phải dễ. Như chúng ta đã biết, mỗi tư tưởng và cảm giác đều khởi lên bắt đầu từ trong phần tiềm thức của ta, rồi sau đó mới khởi lên trên bề mặt của ý thức.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Thường thì ta chỉ ý thức được chúng sau khi chúng đã xuất hiện trên bình diện ý thức, và có mặt ở đó trong một thời gian. Thật ra, chúng ta chỉ ý thức được sự xao lãng sau khi nó đã thôi không còn quấy rầy ta nữa, và đang bắt đầu phai mờ đi.

Cũng chính ngay ở điểm này, ta đột nhiên ý thức tự nãy giờ mình đang lo nghĩ, mơ tưởng xa xôi, viển vông, hoặc là gì đó. Rõ ràng, lúc đó mọi việc cũng đã quá trễ rồi. Chúng ta có thể gọi hiện tượng này là bắt con sư tử bằng đuôi, hành động đó không khôn ngoan chút nào hết.

Cũng giống như khi đối diện với một con thú dữ, ta cũng phải tiến đến ngay trước những trạng thái tâm thức của mình. Và với sự kiên trì, ta sẽ nhận diện được những xao lãng ấy, khi chúng vừa mới khởi lên từ phần tiềm thức sâu kín trong tâm.

Vì những trạng thái tâm thức khởi lên từ dưới tiềm thức, muốn bắt được ngay khi nó vừa xuất hiện, ta phải nới rộng nhận thức của mình xuống dưới phần tiềm thức ấy. Việc này cũng hơi khó, vì ta không thể thấy được những gì có mặt nơi đó, ít nhất là cũng không được rõ ràng như trên bình diện ý thức. Nó đòi hỏi một sự thực tập. Và một định lực thâm sâu cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng ấy.

Định lực sẽ làm chậm lại sự xuất hiện của những trạng thái tâm thức này. Nó cho ta thời gian để cảm nhận từng cái một, khi chúng vừa mới khởi lên từ phía dưới tiềm thức, ngay cả trước khi ta thấy được sự có mặt của chúng trên phần ý thức. Định lực sẽ giúp ta nới rộng nhận thức của mình xuống phần tăm tối nằm sâu ở phía dưới, nơi tư tưởng và cảm giác của ta bắt đầu phát khởi.

Khi định lực của bạn thâm sâu, bạn sẽ có khả năng nhìn thấy được những tư tưởng và cảm giác chầm chậm khởi lên, riêng rẽ như những bong bóng nước, mỗi cái cá biệt và có những khoảng trống ở giữa nhau.Nó nổi lên thật chậm rãi từ dưới tiềm thức. Nó ở lại trên bề mặt ý thức một đôi chút, rồi từ từ trôi đi mất.

Nhận diện đơn thuần những trạng thái tâm thức là một công việc đòi hỏi một sự chính xác đặc biệt. Nhất là đối với cảm thụ hoặc cảm xúc.

Chúng ta dễ đi quá đà đối với những cảm xúc của mình, có nghĩa là cộng thêm vào đó những gì dư thừa. Và ta cũng rất dễ bị thiếu hụt, không tiếp xúc hết, không nhận thức được hoàn toàn cảm xúc của mình.

Mục tiêu mà ta muốn đạt đến là kinh nghiệm được mỗi trạng thái tâm thức một cách thật trọn vẹn, như nó thật sự đang hiện hữu, không thêm thắt vào và cũng không bỏ sót bất cứ một điều gì hết.

Chúng ta hãy lấy ví dụ về cái đau nơi chân của mình. Cái thật sự đang có mặt ở đó chỉ là một dòng cảm giác thuần túy và biến chuyển.

Nó luôn luôn biến đổi, không bao giờ là cùng một cái, từ giây phút này sang giây phút kế. Nó di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, và cường độ nó tăng giảm khác nhau. Cái đau không phải là một vật. Nó là một sự kiện. Ta không nên dán lên nó bất cứ một ý niệm nào, hoặc liên kết nó với bất cứ một cái gì khác.

Với một sự nhận diện đơn thuần, ta sẽ kinh nghiệm nó đơn giản như là một dòng năng lượng có thứ tự trôi chảy, và ngoài ra không là gì khác. Không có tư tưởng và không có sự bác bỏ. Chỉ là năng lượng.

Trên con đường thiền tập, chúng ta cần xét lại quan điểm của mình về vấn đề hình thành khái niệm. Đối với đa số chúng ta, sự thành công trong học đường và trong cuộc đời, là nhờ vào khả năng biết sử dụng, sắp xếp những hiện tượng tâm thức một cách hợp lý. Đó là khả năng biết nhận định.

Công danh, sự nghiệp, những thành công trong đời sống hàng ngày, những liên hệ hạnh phúc… phần lớn những thành đạt ấy là nhờ vào khả năng biết nhận định của mình.

Nhưng trong thiền tập, chúng ta tạm gác bỏ qua một bên tiến trình nhận định và sử dụng khái niệm ấy, và chú tâm trực tiếp đến cái bản chất của những hiện tượng tâm thức. Trong thiền tập, chúng ta muốn kinh nghiệm tâm thức mình một cách trực tiếp, khi mọi khái niệm hoàn toàn chưa sinh khởi.

Nhưng tâm bình thường của chúng ta lại nhận định cái hiện tượng ở chân ấy là đau đớn. Ta nghĩ đến nó như là một “cái đau”. Nhưng đó chỉ là một khái niệm. Nó là một nhãn hiệu ta dán lên trên cái cảm giác ấy. Rồi chúng ta tạo nên một ảnh tượng trong đầu, hình ảnh của một cái đau, có hình dạng rõ ràng.

Bạn dường như thấy được một biểu đồ của cái chân đau, và ngay chỗ đau được vẽ bằng những đường nét rõ ràng, và còn có màu sắc nữa. Việc ấy rất sáng tạo và vô cùng thú vị,nhưng không phải là cái ta muốn. Chúng chỉ là những khái niệm khô cứng được ta gắn kết vào thực tại sinh động, Và thường thường ta sẽ tự cho rằng, “Chân tôi bị đau”.

“Tôi” là một khái niệm. Nó là một sự dư thừa cộng thêm vào cái kinh nghiệm thuần túy của mình. Khi bạn thêm cái “tôi”vào là bạn tạo ra một khoảng cách giữa thực tại và cái ý thức quán sát thực tại ấy.

Những tư tưởng như là “tôi” hoặc “của tôi” hoàn toàn không có chỗ đứng trong một kinh nghiệm trực tiếp. Chúng không chỉ là những “phụ gia” vô ích, mà còn rất là thâm hiểm.

Khi ta mang cái “tôi”vào tức là ta nhận cái đau là mình. Ta chỉ làm cho cái đau ấy quan trọng thêm mà thôi.

Và khi ta bỏ cái “tôi”ra ngoài, cái đau sẽ không còn là đau đớn. Nó chỉ là một dòng năng lượng thuần túy có cường độ cao. Nó còn có thể kỳ diệu nữa kìa!

Nếu bạn thấy cái “tôi” ấy đang len lỏi vào trong kinh nghiệm của cái đau, hoặc bất cứ một cảm giác nào khác, bạn hãy theo dõi nó trong chính niệm. Hãy nhận diện đơn thuần cái hiện tượng nhận-cái-đau- làm –mình ấy của ta.

Mục tiêu chung của chúng ta thật ra rất đơn giản. Ta muốn thật sự nhìn thấy được mỗi cảm giác của mình, cho dù đó là đau đớn, hỷ lạc hay là chán chường. Ta muốn kinh nghiệm được nó một cách trọn vẹn và thuần túy, dưới một hình thái tự nhiên nhất, chưa bị làm sai lạc.Và chỉ có một phương cách duy nhất mà thôi.


Thời điểm của bạn phải thật chính xác. Ý thức về mỗi cảm giác phải được phối hợp ngay cùng một lúc với sự sinh khởi của cảm giác ấy. Nếu bạn nắm bắt trễ một chút, bạn sẽ hụt mất phần đầu, và không thấy được tất cả.

Và nếu bạn vẫn còn nắm giữ cảm giác ấy, khi nó đã phai mờ rồi, thì cái mà bạn giữ đó chỉ là ký ức về nó mà thôi. Nó đã đi qua mất. Và trong khi bạn lo nắm giữ ký ức ấy, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội nhìn thấy sự sinh khởi của một cảm giác kế tiếp.

Đây là một công việc vô cùng tinh tế. Bạn lúc nào cũng phải có mặt trong giây phút hiện tại, tiếp nhận và rồi buông bỏ, mà không được một chút chậm trễ. Nó đòi hỏi một sự tiếp xúc nhẹ nhàng. Sự liên hệ của bạn với cảm giác, không bao giờ có thể là của quá khứ hoặc tương lai, nhưng luôn luôn đơn giản là cái ngay trong lúc này.

Tâm bình thường của chúng ta lúc nào cũng tìm cách đặt khái niệm lên trên mọi hiện tượng, và nó làm một cách rất khéo léo. Mỗi cảm giác khơi dậy một chuỗi những ý niệm.

Lấy ví dụ về cái nghe chẳng hạn. Bạn đang ngồi thiền, và có ai đó ở phòng bên cạnh đánh rơi một cái đãi. Âm thanh ấy chạm vào tai bạn. Ngay lập tức trong đầu bạn hiện lên hình ảnh của căn phòng cạnh bên. Có lẽ bạn cũng thấy luôn được người đánh rơi cái đĩa ấy.

Nếu đây là một khung cảnh quen thuộc, như là trong nhà bạn chẳng hạn, có thể bạn sẽ hình dung ra tất cả như trong một cuốn phim ba chiều, về ai làm rơi đĩa và chiếc đĩa nào bị đánh rơi.

Và toàn bộ sự kiện ấy xảy ra trong chớp mắt. Nó nhảy vọt lên từ tiềm thức với những chi tiết thật rõ rệt, trong sáng, và hấp dẫn đến nỗi nó tống khứ hết mọi chuyện khác ra khỏi tâm ta.

Chuyện gì đã xảy ra cho cái cảm giác nguyên sơ lúc ban đầu, và cái kinh nghiệm nghe thuần túy ấy? Nó hoàn toàn bị đàn áp và lạc mất đâu đó trong những sự lộn xộn và quên lãng. Ta bỏ lỡ thực tại. Ta đi vào một thế giới mộng tưởng.

Đây là một ví dụ khác: Bạn đang ngồi thiền và chợt có một âm thanh chạm đến tai mình. Nó là một tiếng động không rõ rệt lắm, một tiếng lạo xạo đâu đó, mà có thể do bất cứ một cái gì. Và những gì xảy ra kế tiếp có thể là thế này: “Cái gì vậy? Ai thế? Âm thanh ấy xuất phát từ đâu vậy? Có xa chỗ mình ngồi không? Có gì nguy hiểm không?... “

Và cứ thế mà tiếp tục, không có câu trả lời, chỉ toàn là những tưởng tượng và phỏng đoán của ta mà thôi. Nhận định bằng ý niệm là một tiến trình rất xảo quyệt và khôn khéo. Nó len lỏi vào trong kinh nghiệm của ta, và rồi hoàn toàn chiếm đoạt hết.

Trong thiền tập, nếu ta nghe một âm thanh, ta chỉ cần nhận diện đơn thuần về cái kinh nghiệm nghe ấy. Nó và chỉ riêng nó mà thôi! Thật ra, những gì xảy ra rất là đơn giản, mà nhiều khi vì vậy chúng ta lại bỏ qua và không chịu nhìn thấy.

Làn sóng âm thanh chạm vào màng nhĩ của ta theo một phương cách đặc biệt nào đó. Những làn sóng ấy được chuyển thành những tín hiệu điện trong bộ não, và rồi những tín hiệu ấy biểu hiện thành một dạng âm thanh trong tâm thức của ta. Và chỉ có vậy thôi.

Không có hình ảnh. Không có phim chiếu. Không có ý niệm. Không có sự độc thoại, thắc mắc. Chỉ đơn giản là một tiếng động. Thực tại không trang điểm và đơn sơ một cách kỳ diệu.

Khi bạn nghe một tiếng động, hãy có chính niệm về tiến trình nghe đó. Còn tất cả những cái khác chỉ là dư thừa, được thêm thắt vào. Bỏ chúng đi. Và luật đó có thể áp dụng hết cho tất cả mọi cảm giác, mọi cảm thụ, mọi kinh nghiêm của bạn.


Hãy nhìn lại kinh nghiệm của chính mình cho thật kỹ. Đào cuyên qua hết những tầng lớp của mớ đồ cũ vụn vắt trong tâm thức, để xem cái gì thật sự có mặt. Bạn sẽ vô cùng kinh ngạc khi khám phá ra rằng nó đơn giản và nhiệm mầu đến như thế nào!

Cũng có những lúc, sẽ có nhiều cảm giác cùng khởi lên một lượt. Bạn có một tư tưởng sợ hãi, một cảm giác co thắt trong bụng, một cái lưng đau, ngứa ở lỗ tai bên trái, tất cả cùng có mặt trong cùng một lúc.

Đừng ngồi đó bối rối. Đừng thay đổi tới lui, hoặc phân vân không biết nên chọn cái nào làm đối tượng. Sẽ có một cái là mạnh nhất. Chỉ cần bạn mở rộng ra, và hiện tượng nào dai dẳng nhất, nổi bật nhất, tự nó sẽ bắt bạn phải chú ý đến nó.

Hãy chú tâm đến nó một đôi chút, chỉ đủ lâu để nhìn thấy nó phai mờ đi. Rồi trở về với hơi thở của mình. Nếu có một cái nào khác nổi bật lên, hãy cho nó vào. Và khi xong rồi, lại trở về với hơi thở.

Nhưng bạn nên cẩn thận, quá trình này cũng rất có thể bị lạm dụng. Đừng cứ ngồi đó và tìm kiếm một cái gì để làm đối tượng chính niệm. Hãy luôn giữ chính niệm trên hơi thở, cho đến khi có một cái gì khác xen vào lôi kéo sự chú ý của mình đi.

Khi nào bạn thấy việc ấy xảy ra, đừng chống cự lại. Hãy để sự chú ý của bạn nhẹ nhàng chuyển sang đối tượng xao lãng ấy một cách tự nhiên, và giữ chính niệm.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chương Mười Ba: Chính niệm (Sati)

Chính niệm là chữ dùng để dịch chữ sati trong tiếng Pali. Sati là một sinh hoạt. Nhưng thật ra nó là gì ? Ta không thể có một câu trả lời chính xác, ít nhất là không thể bằng văn tự. Văn tự được thành lập trên bình diện những biểu tượng của tâm thức, vì vậy chúng được dùng để diễn tả những thực tại nào có liên hệ đến những suy nghĩ có tính cách biểu tượng.

Chính niệm là tiền biểu tượng, có nghĩa là nó trước khi có biểu tượng. Nó không bị trói buộc bởi lý luận. Nhưng dù vậy, chính niệm vẫn có thể kinh nghiệm được – một cách rất dễ dàng – và nó cũng có thể diễn tả được, nếu ta nhớ rằng ngôn ngữ chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Tự chúng không phải là mặt trăng.

Kinh nghiệm thật sự của ta nằm ngoài ngôn ngữ và các biểu tượng. Người ta có thể giải nghĩa chính niệm bằng những danh từ hoàn toàn khác hẵn với những gì chúng ta sử dụng ở đây, và như vậy vẫn có thể đúng.

Chính niệm là một tiến trình rất vi tế mà bạn đang sử dụng ngay trong giây phút này. Sự thật rằng tiến trình này vượt ra ngoài và bên trên ngôn ngữ, không có nghĩa là nó không có thật- mà ngược lại.

Chính niệm là một thực tại làm phát sinh ngôn ngữ- và những ngôn ngữ ấy thật ra chỉ là một bóng dáng lờ mờ của nó. Vì vậy, điều quan trọng chúng ta cần nhớ là những điều theo sau đó, chỉ là những bóng dáng tương tự của thực tại mà thôi.

Ta sẽ không thể nào thấy và hiểu nó hoàn toàn được. Thực tại bao giờ cũng nằm ngoài những suy luận bằng lý trí. Nhưng có điều là ta có thể kinh nghiệm được nó. Phương pháp thiền quán *** mà đức Phật đã chỉ dạy hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, là những bài tập tâm thức có mục đích giúp ta kinh nghiệm được một trạng thái chính niệm miên mật, không gián đoạn.

Khi bạn mới nhận biết một điều gì, thoạt tiên sẽ có một khoảng khắc của sự nhận diện đơn thuần thoáng qua rất nhanh, ngay trước khi bạn bắt đầu lập ý niệm về vật ấy, trước khi bạn định nghĩa nó. Đó chính là một trạng thái tỉnh thức.

Thông thường thì trạng thái này rất ngắn ngủi. Nó là một giây phút chớp nhoáng, khi bạn vừa mới để mắt nhìn vào một vật, khi bạn nới chú tâm vào nó, trước khi bạn định nghĩa và đặt tên cho nó, cô lập và tách rời nó ra khỏi phần còn lại của thực tại. Nó xảy ra trước khi bạn bắt đầu suy nghĩ về sự vật ấy – trước khi tâm bạn nhận định: “Ồ, đó là một con chó.” Giây phút chú tâm nhẹ nhàng của một ý thức đơn thuần.

Trong giây phút chớp nhoáng này, bạn kinh nghiệm sự vật không như là một sự vật. Bạn kinh nghiệm một sự trôi chảy nhẹ nhàng của một kinh nghiệm thuần túy, đan kết vào với thực tại, chứ không hề có mặt riêng rẽ.

Chính niệm cũng giống như một cái thấy toàn diện, so với một cái nhìn tập trung nhỏ hẹp và bị giới hạn. Và cái thấy của chính niệm có tàng chứa một tuệ giác sâu sắc ấy sẽ biến mất ngay khi bạn thu nhỏ tâm mình lại, đối tượng hóa và biến nó trở thành một sự vật.

Trong tiến trình nhận thức bình thường của ta, bước chính niệm đầu tiên này rất là ngắn ngủi, gần như là không thể nào thấy được. Và trong những bước kế tiếp, chúng ta có thói quen hoang phí sự chú ý của mình vào những việc như là tìm hiểu nó, đặt tên cho nó, và hơn hết, tạo nên một chuỗi ý tưởng đầy những biểu tượng về nó.

Giây phút chính niệm ban sơ kia trong phút chốc đã tan biến mất. Và mục đích của thiền quán là giúp ta có thể kéo dài được giây phút chính niệm ấy. Khi giây phút chính niệm này được kéo dài, bằng sự thực tập, bạn sẽ thấy nó rất sâu sắc, và có thể thay đổi được hoàn toàn quan điểm của mình về cuộc sống.

Nhưng trạng thái đó cần phải được học hỏi, và có một sự thực tập thường xuyên. Một khi bạn đã học được rồi, bạn sẽ thấy rằng chính niệm có rất nhiều khía cạnh thú vị.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Những đặc tính của chính niệm.

Chính niệm là một tấm gương soi thực tại. Nó phản ảnh những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại này, đúng thật như là đang xảy ra. Không có thiên kiến. Chính niệm là một sự quán sát không phán xét. Nó là một khả năng quán sát nhưng không phê bình của tâm.

Nhờ vậy, ta có thể nhìn sự vật mà không chỉ trích, không lên án. Không có một điều gì làm cho ta ngạc nhiên. Ta chỉ đơn giản quân bình chú ý vào sự việc như nó thật sự đang hiện hữu, trong trạng thái tự nhiên của nó. Ta không cần phải quyết định và cũng không phê phán. Chỉ quán sát.

Khi tôi nói “không cần phải quyết định và cũng không phê phán” là có ý ví dụ thiền sinh với một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Ông ta quan sát đối tượng của mình dưới ống kính hiển vi mà không có một nhận thức, một thiên kiến nào trước, chỉ nhìn sự vật đúng như nó đang hiện hữu.

Cũng bằng cách đó, hành giả quán sát những tính chất vô thường, vô ngã và bất toại nguyện của mọi hiện tượng. Chúng ta không thể nào khách quan quán sát những gì đang xảy ra trong ta, nếu ta không cùng một lúc chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm mình.

Điều này đặc biệt đúng đối với những tâm thức tiêu cực. Muốn quán sát nỗi sợ của mình, trước nhất ta phải chấp nhận là mình sợ hãi. Chúng ta không thể nào khám xét được nỗi khổ của ta, nếu ta không chịu chấp nhận nó trọn vẹn. Và đối với những nhức nhối, buồn lo, bực tức, và tất cả cảm thụ bất an khác cũng vậy.

Chúng ta không thể nào quán sát được một việc gì trọn vẹn, nếu ta cứ bận rộn chối bỏ sự có mặt của nó. Bất cứ một kinh nghiệm nào đang có mặt trong ta, chính niệm sẽ chấp nhận nó.

Nó chỉ đơn giản là một sự kiện khác của cuộc sống, thêm một việc nữa để ta có ý thức. Không tự hào, không mặc cảm,không có gì là cá nhân- cái gì có mặt thì nó có mặt. Chính niệm là một sự quán sát vô tư. Nó không thiên vị một bên nào. Nó không bị dính mắc vào những gì nó nhận thức. Nó chỉ đơn thuần nhận thức.

Chính niệm không bị những trạng thái tốt đẹp làm mê đắm,và cũng không tránh né những trạng thái xấu xa. Không nắm bắt những gì dễ chịu, cũng không xua đuổi những gì khó chịu.

Chính niệm đối xử với tất cả mọi kinh nghiệm đều bình đẳng như nhau, mọi tư tưởng bằng nhau, và mọi cảm thụ cũng bằng nhau. Không có gì được đưa lên, không có gì bị đè xuống. Chính niệm không có sự thiên vị. Chính niệm là một ý thức không cần khái niệm.

Một cách khác để diễn tả chánh niệm là “sự nhận diện đơn thuần.”Nó không phải là suy nghĩ. Nó không có liên quan gì đến tư tưởng hoặc khái niệm. Nó không dính líu gì đến ý tưởng, ý kiến hoặc ký ức. Nó chỉ nhìn và quán sát.

Chính niệm ghi nhận hết những kinh nghiệm, nhưng không hề so sánh. Nó không dán nhãn hiệu hoặc phân loại chúng. Nó quán sát mọi việc như là chúng đang xảy ra lần đầu tiên.

Đây không phải là một sự phân tích dựa trên ký ức và những suy tưởng. Mà đó chính là một kinh nghiệm trực tiếp và tức thì về bất cứ một điều gì đang xảy ra, không cần đến tư tưởng. Chính niệm có mặt trước tư tưởng trong tiến trình nhận thức.

Chính niệm là sự ý thức trong giây phút hiện tại. Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chính niệm quán sát những gì đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Nó vĩnh viễn ở trong giây phút hiện tại, lúc nào cũng đứng yên trên đầu những ngọn sóng thời gian đang lướt ngang qua.

Nếu bạn nhớ về cô giáo dạy lớp mẫu giáo của mình, đó là ký ức. Khi bạn ý thức rằng mình đang nhớ về cô giáo dạy lớp mẫu giáo, thì đó là chính niệm. Và nếu bạn nhận thức việc ấy và tự bảo thầm “Ồ, tôi đang nhớ,” thì đó là suy nghĩ.

Chính niệm là một ý thức không có một cái ngã. Nó xảy ra không cần đến một cái “tôi” nào hết. Với chính niệm, chúng ta nhìn mọi hiện tượng mà không cần cộng thêm những ý niệm như là “tôi” hoặc “của tôi”.

Ví dụ, có một cái đau nơi chân. Bình thường, tâm bạn sẽ nói, “Tôi bị đau”. Với chính niệm, ta chỉ đơn giản ghi nhận cảm giác ấy như là một cảm giác. Ta sẽ không gắn thêm lên nó một ý niệm về một cái “tôi” dư thừa.

Chính niệm ngăn chận không cho ta cộng thêm bất cứ một cái gì vào nhận thức của mình, hoặc bỏ bớt ra. Ta không nhấn mạnh một cái gì. Ta không tô đậm một cái gì. Ta chỉ quán sát những gì đang thật sự có mặt- không bóp méo.

Chính niệm là một ý thức về sự thay đổi. Nó quán sát dòng biến chuyển không ngừng của mọi hiện tượng. Nó theo dõi sự vật trong khi chúng đang thay đổi. Chính niệm nhìn thấy được tiến trình sinh ra, lớn lên và già đi của mọi hiện tượng. Nó nhìn thấy chúng tàn hoại và tiêu diệt.

Chính niệm theo dõi sự vật trong từng giây phút, không gián đoạn. Nó quán sát tất cả mọi sự kiện- vật lý, tâm lý hoặc cảm thụ- bất cứ thứ gì đang có mặt trong tâm. Ta chỉ ngồi yên và nhìn xem tấn tuồng đang diễn ra.

Chính niệm thấy được tự tính căn bản của các hiện tượng đi ngang qua. Nó quán sát sự vật sinh khởi và diệt mất. Nó thấy được phản ứng và cảm xúc của mình đối với chúng. Nó nhìn thấy được ảnh hưởng của chúng trên kẻ khác.

Trong chính niệm, ta là một người quan sát vô tư, không thành kiến, với một công việc duy nhất là ghi nhận hết những gì đang đi qua thế giới nội tâm của mình.

Xin bạn ghi nhớ điểm chót ấy. Trong chính niệm, ta quán sát thế giới bên trong ta. Hành giả thực tập chính niệm không quan tâm gì đến thế giới bên ngoài. Mặc dù nó có đó, nhưng trong thiền tập chúng ta học khảo sát về những kinh nghiệm của chính mình, tư tưởng của mình, cảm thụ của mình và nhận thức của mình.

Trong thiền tập, tâm ta chính là phòng thí nghiệm. Thế giới bên trong ta có tàng chứa những dữ kiện rất phong phú, phản ảnh được hết thế giớ chung quanh, và còn rộng lớn hơn thế nữa. Khảo sát những chất liệu này sẽ đưa ta đến giải thoát.

Chính niệm là một sự quán sát có tham dự. Hành giả vừa là người quán chiếu mà cũng vừa là người tham dự. Nếu ta đang theo dõi cảm thụ hoặc cảm xúc của mình, thì cũng cùng ngay trong lúc ấy,ta đang cảm nhận nó.

Chính niệm không phải là một chức năng thuộc về tri thức. Nó chỉ thuần túy là một ý thức. Chính niệm rất vô tư và khách quan, nhưng không có nghĩa là nó dửng dưng hoặc lạnh lùng. Ngược lại, nó là một kinh nghiệm sống rất linh động, một sự quán chiếu có tham dự trong quá trình của sự sống.

Chính niệm rất khó có thể nào diễn tả được bằng ngôn từ. Không phải vì nó quá phức tạp mà là vì nó quá đơn giản và rộng mở. Và đó cũng là một vấn đề chung trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Nếu bạn để ý sẽ thấy rằng, những ý niệm cơ bản thường lại là những gì mà người ta khó lĩnh hội nhất. Thử mở một quyển tự điển Anh Việt ra và bạn sẽ thấy. Những chữ dài và phức tạp lại thường có những câu định nghĩa rất chính xác. Trong khi những chữ căn bản như là “the”“be” có thể lại có rất nhiều định nghĩa khác nhau, có khi dài đến cả trang.

Trong khoa học vật lý cũng thế, những chức năng khó diễn ta nhất lại là những cái cơ bản nhất- ví dụ như những gì có liên quan đến thực tại cơ bản về lượng tử học (quantum mechanics).

Chính niệm là một chức năng tiền biểu tượng, nó không cần đến biểu tượng. Bạn có thể tìm tòi,sử dụng những biểu tượng của ngôn ngữ cả ngày, và rồi bạn sẽ khám phá ra rằng mình không thật sự hiểu gì hết. Chúng ta không thể nào diễn tả được trọn vẹn chính niệm là gì. Nhưng ta có thể nói được nó làm những gì.

Ba chức năng căn bản của chính niệm

Chính niệm có ba chức năng căn bản. Đó là:

  1. <LI style="COLOR: rgb(35,31,32)">Chính niệm nhắc nhở ta về những gì mình phải làm. <LI style="COLOR: rgb(35,31,32)">Chính niệm giúp ta nhìn sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu
  2. Chính niệm giúp ta thấy được thật tính của mọi hiện tượng
Bây giờ chúng ta hãy nói chi tiết hơn về những chức năng này.

Chính niệm nhắc nhở ta những gì phải làm

Trong thiền tập, chúng ta đặt sự chú ý của mình vào một sự vật duy nhất. Khi tâm ta đi lan man ra khỏi đề mục này, chính niệm nhắc nhở tâm ta đang bị tản mác và ta cần phải làm gì. Chính niệm mang tâm ta trở về với đề mục thiền quán.

Tất cả những điều đó xảy ra tức thì, không bằng ngôn từ. Chính niệm không phải là suy nghĩ. Công phu thiền tập lâu ngày sẽ giúp ta biến khả năng này thành một thói quen, và mang nó vào trong mọi lĩnh vực khác của cuộc sống.

Một thiền sinh tinh tiến lúc nào cũng thực tập nhận diện đơn thuần đối với mọi sự việc xảy ra, ngày hay đêm, trong lúc ngồi thiền hay không ngồi thiền. Đây là một mục tiêu rất cao thượng mà chúng ta cần hướng đến, và nó có thể mất nhiều năm hoặc đôi khi phải đến mấy mươi năm.

Thói quen dính mắc vào tư tưởng của ta cũng đã có gốc rễ rất lâu đời, không dễ gì bứng nhổ nó đi trong một sớm một chiều. Chỉ có một phương cách duy nhất là cứ kiên trì thực tập chính niệm cho thật miên mật.

Khi ta có chính niệm, ta sẽ thấy được khi nào mình đang bị kẹt vào thói quen suy nghĩ. Nó sẽ giúp ta dừng lại và bước ra khỏi tiến trình suy nghĩ ấy, và ta có được tự do. Rồi chính niệm sẽ mang sự chú ý của ta trở về cới đề mục chính.

Nếu bạn đang ngồi thiền, bạn sẽ trở lại chú tâm đến đối tượng thiền quán. Nếu bạn không ngồi thiền, bạn chỉ cần áp dụng một sự nhận diện đơn thuần,thuần túy ghi nhận những gì đang khởi lên mà không để bị dính mắc: “ À, cái này khởi lên… và rồi cái này…và bây giờ là cái này…”

Chính niệm vừa là sự nhận diện đơn thuần, vừa là chức năng nhắc nhở chúng ta nhận diện đơn thuần, mỗi khi ta lơ đễnh. Nhận diện đơn thuần là ghi nhận. Nó tự thiết lập lại chính nó bằng cách ghi nhận rằng mình không có mặt trong giây phút hiện tại.

Vừa khi bạn ghi nhận rằng từ nãy giờ mình không ghi nhận gì hế, thì ngay chính lúc đó là bạn đã có sự ghi nhận, có nghĩa là bạn đã thiết lập lại chính niệm.

Chính niệm cũng có một cảm thụ riêng biệt của nó trong tâm thức. Nó có một vị riêng- nhẹ nhàng, trong sáng,nhiều năng lượng. Ngược lại, những tư tưởng bình thường khác có những tính chất nặng nề, cân nhắc, và khó khăn.

Nhưng một lần nữa, bạn nên nhớ rằng những điều này cũng chỉ là ngôn từ mà thôi. Sự thực hành của chính bạn sẽ chỉ cho bạn thấy sự khác biệt ấy. Khi đó, bạn sẽ có thể giải thích bằng ngôn ngữ của bạn, còn những chữ nghĩa dùng ở đây chỉ là
dư thừa, vô ích. Hãy nhớ, sự thực tập mới là vấn đề chính.

Nhìn sự vật đúng thật như đang hiện hữu

Chính niệm không thêm vào một cái gì, và cũng không bỏ ta bất cứ một cái gì. Nó là một sự nhận diện đơn thuần, chỉ nhìn xem cái gì đang có mặt. Ý nghĩ của ta thường tô điểm cho kinh nghiệm, chồng chất lên thêm những ý tưởng của mình, nhận chìm ta xuống cơn lốc xoáy của những lo âh, dự tính sợn hãi và mơ ước.

Khi có chính niệm, chúng ta sẽ thôi không làm những việc ấy nữa. Ta chỉ ghi nhận chính xác điều gì đang khởi lên trong tâm, và rồi ghi nhận cái kế tiếp. “À, cái này… và cái này… và bây giờ là cái này.” Điều đó rất đơn giản.


Thấy được thật tính của mọi hiện tượng

Chính niệm, và chỉ có chính niệm mới có thể nhận thức được rằng, ba đặc tính trong đạo Phật là ba sự thật sâu sắc nhất của hiện thực. Trong tiếng Pali, ba đặc tính đó là anicca (vô thường), dukkha (bất toại nguyện, khổ) và anatta (vô ngã- không có một thực thể độc lập, thường hằng và riêng rẽ).

Nhưng những sự thật này trong đạo Phật không bao giờ được trình bày như là những giáo điều tuyệt đối, bắt ta phải mù quáng tin theo. Người học Phật cảm thấy những sự thật này rất là phổ biến và hiển nhiên cho bất cứ ai muốn khảo sát một cách đúng đắn.

Chính niệm là phương pháp khảo sát đó. Chính niệm tự nó có đầy đủ năng lực để làm hiển lộ cái thực tại sâu kín nhất mà con người chúng ta có thể quán sát được. Dưới sự quán chiếu ấy, ta có thể thấy được những điều này:

  1. <LI style="COLOR: rgb(35,31,32)">Bản chất của mọi sự vật trên thế gian này, xét cho cùng là luôn luôn biến đổi. <LI style="COLOR: rgb(35,31,32)">Tất cả mọi việc trên thế gian này, xét cho cùng đều là bất toại nguyện
  2. Không có một thực thể nào thường hằng hoặc không thay đổi, chỉ có những tiến trình liên tục diễn ra mà thôi.
Chính niệm cũng giống như một kính hiển vi điện tử. Có nghĩa là nó tinh vi đến nỗi có thể giúp ta thật sự tiếp xúc trực tiếp được với thực tại mà ta chỉ biết qua lý thuyết về quá trình nhận thức của mình. Chính niệm có thể nhìn thấy được tính chất vô thường của mỗi nhận thức.

Nó thấy được chất tạm thời và tự tính thay đổi của những nó tiếp xúc. Nó cũng thấy được bản chất bất toại nguyện của những sự vật nào vẫn còn tồn tại có điều kiện. Nó hiểu rằng, bám víu vào những vở tuồng tạm bợ này sẽ chẳng mang lại một lợi ích nào. Ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc bằng cách ấy.

Và sau hết, chính niệm nhìn thấy được bản chất vô ngã trong tất cả mọi hiện tượng. Nó thấy được rõ rằng chúng ta đã chọn lấy một số nhỏ nhận thức hoặc tri giác nào đó, cắt đứt và tách lìa chúng ra khỏi dòng kinh nghiệm, rồi xem đó như là một thực thể riêng biệt và có bản chất thật sự. Chính niệm có thể thực sự nhìn thấy được những việc ấy. Nó không nghĩ về chúng, nó trực tiếp thấy chúng.

Khi chính niệm được tăng trưởng đầy đủ, ta có thể nhìn thấy được ba thuộc tính này của sự sống một cách trực tiếp và tức thời mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng. Thật ra, bản chất của ba thuộc tính ấy, vô thường, vô ngã và bất toại nguyện – cũng chỉ là một.

Sở dĩ có sự phân biệt ấy là do kết quả của một sự diễn đạt khó khăn, khi ta cố gắng diễn tả tiến trình chính niệm đơn giản này bằng những biểu tượng, ý tưởng đầy thiếu sót và rườm rà.

Chính niệm là một quá trình, nhưng nó không xảy ra theo thứ tự từng bước một. Chính niệm là một quá trình xảy ra trong một đơn vị trọn vẹn: ta ghi nhận rằng mình không có chính niệm; và sự ghi nhận ấy, tự chính nó là kết quả của chính niệm.

Chính niệm là sự nhận diện đơn thuần, và nhận diện đơn thuần có nghĩa là nhìn sự vật như nó đang thật sự hiện hữu, không thêm, không bớt, không bóp méo; và sự vật như nó thật sự hiện hữu chính là anicca (vô thường), dukkha (bất toại nguyện) và anatta (vô ngã).

Tất cả những điều đó chỉ xảy ra trong một vài sát-na, một khoảnh khắc của tâm thức. Nhưng việc ấy không có nghĩa là bạn sẽ lập tức đạt được giải thoát ngay sau khi mình mới vừa có chính niệm.

Làm sao để mang chất liệu chính niệm ấy vào trong cuộc sống hằng ngày là một quá trình khác. Và học cách duy trì trạng thái chính niệm cho được dài lâu lại là một quá trình khác nữa. Nhưng đó là những quá trình rất là thú vị và hạnh phúc, chúng hoàn toàn rất xứng đáng với công sức của ta.

Chính niệm (Sati) và Thiền quán (***)


Chính niệm là trái tim của thiền quán và là chìa khóa của cả tiến trình ấy. Nó vừa là mục đích, vừa là phương tiện của thiền quán. Ta đạt đến chính niệm bằng cách tinh tiến giữ chính niệm.

Một chữ Pali khác cũng được dịch thành chính niệm là appanmada, có nghĩa là không lơ đãng hoặc sự vắng mặt của điên rồ. Một người lúc nào cũng chú ý đến những gì đang xảy ra trong tâm, sẽ đạt đến một trạng thái hoàn toàn an ổn và tốt lành.

Chữ Sati trong tiếng Pali cũng có hàm nghĩa là ghi nhớ. Ghi nhớ ở đây không có nghĩa là những ký ức về các hình ảnh, ý tưởng thuộc quá khứ, nhưng là một cái biết rõ ràng, trực tiếp, không lời về cái gì có và cái gì không, về cái gì đúng và cái gì sai, về những gì mình đang làm và nên làm như thế nào.

Chính niệm nhắc nhở hành giả chú tâm đúng lúc đến đối tượng thích hợp và với sự cố gắng đúng mức để thực hiện được việc quán chiếu. Khi năng lượng của chính niệm đầy đủ, hành giả sẽ luôn luôn ở trong trạng thái an vui và tỉnh giác.

Trong tình trạng này, những trạng thái “chướng ngại” hoặc “kích thích”của tâm thức sẽ không thể nào khởi lên được- không còn tham lam, sân hận, si mê và lười biếng.

Nhưng chúng ta đều là con người và vì vậy đều có những lỡ lầm. Phần lớn chúng ta cứ lỗi lầm liên tiếp. Mặc dầu cố gắng hết lòng,nhưng đôi khi chúng ta vẫn để cho chính niệm mình bị sơ xuất, và bị mắc kẹt vào những lỗi lầm đáng tiếc.

Nhưng đó cũng là điều bình thường của con người mà thôi. Chính niệm giúp ta ghi nhận được những sơ xuất ấy. Và cũng chính niệm nhắc nhở ta vận dụng chính niệm để tự kéo mình ra khỏi. Những lỗi lầm này sẽ tiếp tục xảy ra, nhưng nhịp độ của nó sẽ dần dần giảm đi theo sự tu tập của ta.


Và một khi chính niệm đã đẩy được những tâm thức vẩn đục này sang một bên, những tâm thức khác tốt lành hơn sẽ thay thế chúng. Thù hận sẽ được thay thế bằng tình thương, đam mê sẽ được thay thế bằng sự buông xả. Chính niệm cũng ghi nhận được những đổi thay này, và nó nhắc nhở hành giả biết cố gắng tinh tiến để duy trì những trạng thái tốt lành ấy.

Nhờ chính niệm mà tuệ giác và tình thương được lớn mạnh. Thiếu chính niệm, chúng sẽ không bao giờ có thể tăng trưởng và thành thục được.

Nằm sâu kính trong tâm thức ta là một cơ chế tinh thần luôn chấp nhận những kinh nghiệm mà tâm ta cho là đẹp, là dễ chịu và loại bỏ những kinh nghiệm được cho là xấu, là khó chịu và đau đớn.

Cơ chế ấy làm phát khởi những tâm thức mà chúng ta đang cố gắng tu tập để tránh – như là tham lam, đam mê, sân hận và ghen tức.

Chúng ta muốn tránh những tâm thức chướng ngại này, không phải vì chúng là điều xấu ác theo nghĩa thông thường, nhưng bởi vì chúng rất là độc đoán; bởi vì chúng xâm lấn tâm ta, chiếm hữu hoàn toàn sự chú ý của ta; bởi vì chúng cứ chạy quanh quẩn theo những suy nghĩ vòng vo; và bởi vì chúng ngăn che ta với thực tại sinh động.

Những chướng ngại ấy sẽ không thể nào khởi lên khi chính niệm có mặt. Chính niệm là sự chú ý vào giây phút hiện tại. Vì vậy nó là một liều thuốc trực tiếp hóa giải được hết tất cả những tâm thức nào làm trở ngại cho việc ấy.

Là một thiền sinh, chỉ khi nào chúng ta lơ đễnh, sống trong thất niệm, cơ chế phân biệt ấy mới có thể dành quyền kiểm soát – nó nắm bắt cái này và loại bỏ cái kia. Và từ đó, những mâu thuẫn sẽ xuất hiện làm lu mờ đi ý thức của ta.

Chúng ta không còn khả năng ghi nhận được những gì đang xảy ra. Ta quá bận rộn với một ý nghĩ trả thù hoặc tham lam, hoặc là gì gì đó… Chính niệm sẽ nhận diện được sự kiện ấy.

Chính niệm sẽ nhớ lại phương pháp thực tập, và tập trung lại sự chú ý của ta, khiến cho những rối loạn ấy từ từ phai nhạt đi. Và cũng là chính niệm cố gắng duy trì cho nó được lâu dài, để những chướng ngại ấy không còn nổi lên được nữa. Vì vậy, chính niệm là một loại thần dược hóa giải được hết tất cả mọi chướng ngại.

Nó vừa là biện pháp chữa trị mà cũng vừa là một biện pháp ngăn ngừa. Chính niệm phát triển đúng mức là một trạng thái hoàn toàn tự tại,không bị dính mắc vào bất cứ một việc gì trong cuộc đời này. Nếu ta giữ được trạng thái này, ta sẽ không cần phải nhờ đến bất cứ một cái gì khác để chuyển hóa những khó khăn của mình.

Chính niệm là một ý thức sâu sắc. Nó nhìn thấy sự vật một cách thẩm thấu, xuyên qua mọi bình diện của ý niệm và tư tưởng. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho ta một niềm tin vững chắc và kiên cố, không ngờ vực. Nó được biểu hiện bằng một sự chú tâm chuyên nhất, không gián đoạn, không lay động và cũng không bao giờ thối chuyển.

Năng lực của chính niệm không những chỉ cô lập các chướng ngại trong tâm thức, mà còn làm phơi bày cơ chế hoạt động của nó ra, để rồi tiêu hủy đi. Chính niệm là thanh tịnh mọi ô uế trong tâm. Kết quả là một tâm thức hoàn toàn trong sáng và an ổn, hoàn toàn bất động trước mọi phong ba và thăng trầm của cuộc sống.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chương Mười Bốn: Niệm và định
Thiền quán cũng tương tự như một hành động giữ thăng bằng của tâm. Bạn cố gắng phát triển hai phẩm chất riêng biệt của tâm –niệm và định. Lý tưởng nhất là hai yếu tố này làm việc chung với nhau. Chúng hỗ tương cho nhau. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải phát triển hai yếu tố này song song với nhau và giữ cho chúng được quân bình.

Nếu một cái này trội hơn và lấn áp cái kia, tâm ta sẽ mất đi sự thăng bằng và việc thiền tập không thể thực hiện.

Định và niệm là hai chức năng hoàn toàn khác biệt. Mỗi cái giữ một vai trò riêng biệt trong thiền tập, và sự liên hệ giữa chúng với nhau cũng rất là rõ ràng và tế nhị.

Định còn được gọi là trạng thái nhất tâm. Nó gồm sự ép buộc chú tâm vào một điểm cố định. Xin lưu ý đến chữ ép buộc. Định là một hoạt động có tính cách cưỡng ép và bắt buộc. Nó có thể được phát triển bởi sự ép buộc đơn thuần bằng sức mạnh kiên trì của ý chí. Và khi đã được phát triển rồi, nó vẫn duy trì một phần nào tính ép buộc của nó.

Ngược lại, chính niệm là một chức năng rất khéo léo, nó đưa đến một sự nhạy cảm tinh tế. Định và niệm là hai người bạn đồng sự cùng đi trên con đường thiền tập. Niệm là một người bạn rất tế nhị. Nó chú ý và ghi nhận hết mọi sự việc. Và định mang lại sức mạnh. Nó giúp cho sự chú ý ấy được giữ yên trên một đề mục duy nhất.

Niệm chọn đối tượng thiền quán, và ghi nhận khi nào sự chú ý của mình bị xao lãng. Định là kẻ thật sự làm công việc giữ cho sự chú ý được ở yên trên đối tượng ấy. Nếu một trong hai yếu tố này bị yếu, công phu thiền tập của ta sẽ lập tức bị sụp đổ ngay.

Ta có thể định nghĩa: định là một khả năng tập trung tâm ý trên một đối tượng duy nhất và không gián đoạn, một trạng thái nhất tâm. Cũng cần nên nhấn mạnh, chính định (正定) là một trạng thái nhất tâm hiền thiện. Có nghĩa là nó không bị ảnh hưởng bởi tham, sân, si.

Cũng có những trạng thái nhất tâm bất thiện, nhưng chúng không đưa ta đến giải thoát. Bạn có thể đạt được nhất tâm trong một trạng thái mê đắm dục lạc. Nhưng nó không đưa bạn đi đến đâu cả.

Chú tâm không gián đoạn vào một đối tượng thù ghét sẽ không giúp ích gì cho ta. Thật ra, những trạng thái định bất thiện ấy rất là ngắn ngủi, nhất là khi ta dùng chúng để làm hại kẻ khác. Chính định (正定) tự nó không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thứ xấu xa đó.

Định là một trạng thái khi tâm được gom tụ lại, và nhờ đó có được cường độ và sức mạnh. Chúng ta có thể ví nó với một chiếc kính lúp. Những tia nắng chiếu rọi xuống bề mặt của một tờ giấy không làm được gì khác hơn là sưởi ấm nó. Nhưng cũng cùng bấy nhiêu tia nắng đó, nếu ta dùng một cái kính lúp để hội tụ chúng lại, chiếu rọi vào một điểm duy nhất, tờ giấy sẽ bốc cháy.

Định lực chính là chiếc kính lúp. Nó chế tác ra một sức mạnh đốt nóng cao độ, cần thiết, giúp ta soi chiếu vào những ngõ ngách sâu kín trong tâm. Chính niệm chọn đối tượng cho chiếc kính lúp soi lên, và rồi nó nhìn qua thấu kính ấy để xem những gì đang có mặt.

Ta nên xem định lực như là một công cụ, một phương tiện. Và cũng như mọi công cụ khác, nó có thể được dùng cho mục đích tốt hoặc xấu. Một con dao bén có thể được dùng để chạm trổ những đường nét mỹ thuật, và cũng được dùng để gây thương tích cho kẻ khác.

Tất cả đều tùy vào người sử dụng. Định lực cũng vậy. Sử dụng đúng, nó có thể giúp đưa ta đến bến bờ giải thoát. Nhưng nó cũng có thể được dùng để phục vụ cho bản ngã. Nó có thể được sử dụng trong một khuôn khổ của sự thành đạt và tranh đua.

Bạn có thể dùng định lực để thống trị kẻ khác. Bạn có thể dùng nó cho một mục tiêu ích kỷ. Thật ra, vấn đề là định lực tự nó không thể giúp cho ta nhìn thấy chính mình được. Nó không thể làm sáng tỏ những vấn đề căn bản của ngã chấp và tự tính của khổ đau.

Ta có thể dùng nó để đào sâu vào những trạng thái tâm lý sâu kín. Nhưng dù vậy, ta vẫn không hiểu được năng lực của ngã chấp. Chỉ có chính niệm mới có thể làm được việc đó. Nếu như chính niệm không có mặt để nhìn vào thấu kính ấy, để thấy được những gì đã được định lực phơi bày, thì tất cả chỉ là công dã tràng.

Chỉ có chính niệm mới hiểu. Chỉ có chính niệm mới làm phát sinhh tuệ giác. Định lực vẫn còn bị nhiều giới hạn khác.


Những trạng thái định thâm sâu chỉ có thể đạt được trong những môi trường đặc biệt và thích hợp. Những người tu Phật đã bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng các thiền đường và tu viện. Mục đích chính là tạo nên một khung cảnh, điều kiện yên tĩnh để ta có thể phát huy được khả năng định này.

Không có tiếng động ồn áo, không bị gián đoạn. Và cũng quan trọng không kém là tạo cho hành giả một môi trường tình cảm an ổn.Sự phát triển định lực sẽ bị ngăn chận bởi năm điều chướng ngại, như ta đã trình bày trong chương 12. Đó là: ham muốn, dục lạc, ghét bỏ, hôn trầm, kích động nghi ngờ.

Tu viện là một môi trường mà những tình cảm náo động và phiền toán này sẽ được giới hạn đến mức tối đa. Những người khác phái không sống chung với nhau nhờ vậy dục vọng ít có cơ hội khởi lên. Ta không được phép giữ một tài vật gì, nhờ vậy sẽ tránh được những tranh chấp, chiếm hữu, giúp giảm đi cơ hội của sự tham lam và them khát.

Ta cần nên nhắc lại một chướng ngại khác của định lực. Trong một trạng thái định thâm sâu, ta có thể bị thu hút vào đối tượng thiền định của mình, và quên hết mọi vấn đề nhỏ nhặt khác. Ví dụ như là thân ta, ta là ai, và tất cả những thứ khác chung quanh mình. Chính ở chỗ này mà tu viện lại là một môi trường rất thích hợp.

Ở đây, chúng ta có người khác lo cho mình bằng cách chăm sóc những nhu cầu vật chất như là thức ăn, chỗ ngủ và an ninh của ta. Không có những bảo đảm đó, ta sẽ do dự và không bao giờ dám đi vào những mức định thâm sâu hơn.

Ngược lại, chính niệm không bao giờ có những vấn đề này. Chính niệm không bị phụ thuộc, và cũng không đòi hỏi phải có một hoàn cảnh hoặc môi trường đặc biệt nào hết. Chính niệm chỉ là một chức năng ghi nhận. Vì vậy, nó có thể tự do ghi nhận bất cứ một cái gì khởi lên –tham dục, ghét bỏ, tiếng ồn ào.

Chính niệm không hề bị giới hạn bởi bất cứ một điều kiện nào. Nó có thể có mặt trong bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào. Và chính niệm cũng không cần phải có một đối tượng cố định để tập trung.

Nó quán sát sự thay đổi. Có nghĩa là nó có vô số những đối tượng khác nhau để chú ý. Nó chỉ theo dõi những gì đang ngang qua tâm ta, và không phân loại. Những sự xao lãng và gián đoạn cũng được ghi nhận cùng với một sự chú tâm như bất cứ một đề mục thiền quán chủ yếu nào.

Trong trạng thái chính niệm, sự chú ý của ta biến chuyển theo bất cứ sự thay đổi nào có mặt trong tâm. “Thay đổi, thay đổi, thay đổi… Bây giờ là cái này, và bây giờ là cái này…”

Chúng ta không thể làm phát triển chính niệm bằng sự ép buộc. Nghiến răng, gồng người dùng ý chí cũng sẽ không đem lại cho ta một lợi ích nào. Mà thật ra, nó còn làm trở ngại cho sự tiến bộ của ta nữa.

Chính niệm không thể nào được phát huy bằng một sự tranh đấu. Nó chỉ tăng trưởng bằng sự hiểu biết, bằng sự buông bỏ, bằng cách dừng yên lại trong giây phút hiện tại, và giữ mình cho được thoải mái với bất cứ điều gì ta đang trải nghiệm.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chính niệm sẽ tự động xảy ra. Ngược lại thế. Nó đòi hỏi một năng lượng. Nó đòi hỏi một sự tinh tiến. Nhưng sự tinh tiến này không phải dùng sức mạnh ép buộc. Chính niệm được phát triển bằng một sự cố gắng dịu dàng.

Ta nuôi dưỡng chính niệm bằng cách thường xuyên nhẹ nhàng nhắc nhỡ mình, biết theo dõi và chú ý đến những gì đang có mắt trong giây phút hiện tại. Kiên trì và từ tốn là bí quyết. Chính niệm được nuôi dưỡng bằng sự thường xuyên mang ta trở về trong trạng thái tỉnh thức, một cách dịu dàng, nhẹ nhàng và thật từ tốn.

Ta không thể nào sử dụng chính niệm cho sự ích kỷ được. Chính niệm là một ý thức không có một cái ngã. Trong một trạng thái chính niệm thuần túy không có cái “tôi”. Vì vậy sẽ không có một cái “tôi” nào để mà “cho tôi” hoặc “của tôi”.

Trái lại,chính niệm mang đến cho ta một cái nhìn rõ ràng và chân thật về mình. Nó giúp ta có thể bước lùi lại một bước, ra khỏi những ham muốn và ghét bỏ, để có thể thật sự nhìn lại chính mình và nói ”À, thì ra tôi thật sự là như vậy!”

Trong trạng thái chính niệm, ta sẽ thật sự thấy được rõ mình là người thế nào. Ta thấy được thái độ ích kỷ của mình. Ta thấy được những khổ đau của mình. Và ta cũng thấy được mình đã tự tạo nên những khổ đau ấy ra sao.

Ta thấy mình gây nên đau đớn cho kẻ khác. Ta nhìn xuyên thấy qua những lớp giả tạo mà bình thường ta vẫn dùng để tự lừa dối mình, và nhìn thấy được sự thật! Chính niệm sẽ đưa ta đến tuệ giác.

Chính niệm không bao giờ cố gắng để đạt đến một cái gì hết. Nó chỉ nhìn và theo dõi. Vì vậy, sự ham muốn và ghét bỏ không có chỗ đứng. Sự tranh đua và chiến đấu để thành công cũng không có giá trị gì trong quá trình này. Chính niệm không nhắm đến một mục tiêu nào cả. Nó chỉ quán sát những gì đang hiện hữu.

Niệm có một chức năng rộng lớn và to tát hơn định. Niệm bao gồm tất cả. Ngược lại, định có tính cách chọn lọc và phân biệt. Nó chú tâm vào một cái duy nhất và bỏ ra ngoài tất cả những cái khác. Chính niệm thu nhận hết. Nó lùi lại đứng bên ngoài tụ điểm của sự chú tâm, và nhanh nhẹn ghi nhận hết tất cả những sự thay đổi nào khởi lên.

Nếu bạn chú tâm vào một tảng đá, định lực sẽ chỉ thấy có mỗi mình tảng đá. Ngược lại, chính niệm sẽ bước ra ngoài tiến trình ấy,nó ý thức được tảng đá, ý thức được định lực tập trung trên tảng đá, ý thức được cường độ của nó, và lập tức ghi nhận bất cứ một sự thay đổi nào của sự chú tâm khi định lực bị xao lãng.

Chính niệm sẽ ghi nhận khi có một sự xao lãng xảy ra, và cũng là chính niệm sẽ mang sự chú ý của ta trở về với tảng đá. Niệm lực khó phát triển hơn định lức, vì nó là một chức năng rất rộng lớn và sâu sắc.

Định chỉ là một sự tập trung tâm ý, cũng giống như một tia sáng laser. Nó có năng lực đốt cháy và đi thẳng vào trong tâm thức ta và soi sáng những gì đang có mặt ở đó. Nhưng có điều nó không hiểu những gì nó thấy.

Chính niệm có thể quán xét cơ chế hình thành của lòng ích kỷ và thấu hiểu những gì nó thấy. Chỉ có chính niệm mới có thể xuyên thủng được tấm màn bí mật của khổ đau và cơ chế bất toại nguyện. Chính niệm có thể khai phóng bạn!

Tuy nhiên, ở đây là là một tình huống loanh quanh bế tắc. Chính niệm không hề phản ứng là với những gì nó thấy. Nó chỉ nhìn và hiểu. Chính niệm là tinh hoa của sự nhẫn nại. Vì vậy, những gì ta thấy cần phải được chấp nhận hoàn toàn, thừa nhận và quán sát một cách bình thản. Điều này không dễ, nhưng nó vô cùng cần thiết.

Chúng ta si mê, ích kỷ, tham lam và rất khoe khoang. Ta ham mê sắc dục và ưa nói dối. Đó là sự thật. Chính niệm có nghĩa là nhìn thấy những sự thật này và biết nhẫn nại với mình, biết chấp nhận con người thật của mình.

Nhưng việc làm đó rất ngược đời. Ta không muốn công nhận nó. Ta muốn chối bỏ nó, hoặc thay đổi nó, hoặc bào chữa cho nó. Nhưng sự chấp nhận lại chính là cốt tủy của chính niệm.

Nếu chúng ta muốn trưởng thành trong chính niệm, ta phải biết chấp nhận những gì mà chính niệm tìm thấy. Nó có thể là sự nhàm chán, bức rức hoặc sợ hãi. Nó có thể là sự yếu đuối, thiếu kém, hoặc lỗi lầm. Là gì đi chăng nữa, thì đó cũng là con người thật của ta. Đó là một hiện thực.

Chính niệm chấp nhận hoàn toàn những gì có mặt. Nếu bạn muốn chính niệm được tăng trưởng thì chấp nhận một cách kiên nhẫn là phương cách duy nhất. Bởi vì chính niệm chỉ có thể được phát triển nhờ vào sự thực tập chính niệm liên tục, nhờ vào sự cố gắng duy trì chính niệm, và những điều đó cũng có nghĩa là kiên nhẫn. Ta không thể ép buộc và cũng không thể thúc ép tiến trình ấy.Nó sẽ tiến triển theo nhịp độ riêng của chính nó.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Trong thiền tập, niệm định lúc nào cũng đi đôi với nhau. Chính niệm dẫn lối cho định lực. Chính niệm giữ vai trò của một giám đốc điều hành. Định lực cung cấp năng lực cho chính niệm,giúp nó có thể xuyên thấy được vào những bình diện sâu kính nhất trong tâm thức. Kết quả của sự hợp tác đó là một tuệ giác và hiểu biết sâu sắc.

Hai yếu tố niệm và định cần phải được kết hợp với nhau một cách quân bình. Nhưng cũng cần hơi nhấn mạnh yếu tố chính niệm một chút, vì chính niệm là trái tim của thiền quán. Những tầng định thâm sâu nhất thật ra cũng không thật sự cần thiết cho sự tu tập giải thoát.

Dù vậy, một sự cân bằng bao giờ cũng rất quan trọng. Tỉnh thức, chú ý nhiều quá mà không có sự tĩnh lặng sẽ dẫn đến một trạng thái nhạy cảm cuồng nhiệt quá độ, tương tự như trường hợp lạm dụng chất gây ảo giác (LDS).

Quá nhiều sự tập trung, tĩnh lặng mà không có sự tỉnh thức, chú ý, sẽ dẫn đến triệu chứng “ông Phật bằng đá”, khi ta ngồi yên bất động và không biết gì hết, tĩnh lặng như một khối đá! Cả hai trường hợp đều nên tránh.

Giai đoạn mới bắt đầu của sự tu tập thiền quán đặc biệt rất tế nhị. Nếu ta quá chú trọng đến chính niệm trong thời điểm này, nó sẽ làm chậm trễ cho sự phát triển định lực. Khi mới bắt đầu tập ngồi thiền, một trong những điều đầu tiên bạn ghi nhận là tâm ý mình náo động và bận rộn vô cùng.

Trong truyền thống Nam tông gọi hiện tượng đó là “tâm con khỉ”. Trong truyền thống Tây Tạng, nó được ví như một dòng thác tư tưởng. Nếu trong thời điểm này, bạn chú trọng đến yếu tố niệm thì sẽ có quá nhiều đối tượng để chú ý, đến nỗi việc định tâm không thể thực hiện được. Đừng nản lòng. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người. Và có một giải pháp rất đơn giản.

Trong giai đoạn đầu, hãy dồn hết công phu vào việc đạt đến trạng thái nhất tâm. Hãy kiên nhẫn thực tập, tiếp tục mang tâm mình trở lại với một đối tượng duy nhất, một lần, một lần nữa, rồi thêm lần nữa…

Hãy kiên trì thực tập. Những bài thực tập và hướng dẫn cho phương pháp này đã được trình bày trong chương 7 và 8.

Sau một vài tháng thực tập, bạn sẽ có được một định lực đáng kể. Và từ đó bạn có thễ mang định lực này ứng dụng vào chính niệm. Nhưng bạn nhớ giữ cho quân bình, đừng để định lực nhiều quá sẽ đưa ta đến một trạng thái sững sờ, ngớ ngẩn.

Trong hai yếu tố niệm và định, niệm bao giờ cũng vẫn là quan trọng hơn. Ta cần phải thiết lập chính niệm nay khi cảm thấy đã có sự thoải mái. Chính niệm sẽ cung cấp nền tảng cần thiết cho sự phát triển một định lực sâu hơn.

Những sai lầm trong sự cân bằng giữa hai yếu tố này sẽ dần dần được tự điều chỉnh qua thời gian. Chính niệm sẽ tự nhiên làm phát sinh chính định. Khi chính niệm càng phát huy, bạn càng ghi nhận được những xao lãng một cách nhanh chóng hơn, và bạn càng thoát ra khỏi nó và trở về với đối tượng thiền quán của mình sớm hơn.

Kết quả tự nhiên là một định lực mạnh mẽ hơn. Và cũng thế, chính định sẽ hổ trợ và làm tăng trưởng cho chính niệm. Định lực ta càng mạnh bao nhiêu, ta sẽ càng ít bị lôi cuốn mỗi khi có một sự xao lãng khởi lên.Bạn chỉ đơn giản ghi nhận sự xao lãng ấy, và rồi đem sự chú ý trở về với đề mục thiền quán.

Vì vậy, hai yếu tố niệm định có khuynh hướng cân bằng và hỗ trợ cho nhau phát triển một cách rất tự nhiên. Ở đây chỉ có một quy luật bạn cần ghi nhớ là: Trong giai đoạn đầu, bạn cần phải chú tâm cố gắng vào việc phát triển định lực trước, cho đến khi nào “tâm con khỉ” của bạn bắt đầu được yên lắng đôi chút. Sau đó chú trọng vào chính niệm.

Khi nào bạn cảm thấy náo động, xôn xao, hãy nhấn mạnh vào yếu tố định. Khi nào bạn cảm thấy ngẩn ngơ, mù mờ, hãy nhấn mạnh vào yếu tố niệm. Nhưng nói chung thì niệm là yếu tố cần nhấn mạnh hơn.

Chính niệm hướng dẫn cho sự phát triển trong thiền tập, vì chính niệm có khả năng ý thức được chính nó. Chính niệm sẽ giúp cho bạn có được một cái nhìn sáng tỏ về sự tu tập của mình. Chính niệm cho bạn thấy được mình đã thực tập như thế nào.

Nhưng cũng đừng nên lo lắng về việc ấy quá. Đây không phải là một cuộc đua. Bạn không cần phải tranh tài với bất cứ một ai, và cũng không cần thei một thời biểu nào hết.

Một trong những điều khó hiểu nhất mà chúng ta phải biết học là: Chính niệm không hề phụ thuộc vào bất cứ một cảm thụ hoặc một trạng thái tâm thức nào. Thường thường chúng ta có một số hình ảnh cố định về thiền tập.

Thiền tập là một cái gì được thực hành trong những hang động vắng vẻ, bởi những vị tu sĩ đi đứng thật chậm chạp. Nhưng thật ra đó chỉ là những điều kiện để giúp hành giả luyện tập mà thôi. Đó là môi trường giúp ta muôi dưỡng định lực và phát triển chính niệm.

Một khi ta đã biết cách thực tập chính niệm rồi, ta có thể bỏ đi những gò bó của sự tập luyện ấy, và cần nên buông bỏ nó. Bạn không cần phải cử động chậm chạp như một con ốc sên mới gọi là có chính niệm. Bạn không cần phải điềm tĩnh nữa.

Bạn có thể chính niệm trong khi đang cố tìm giải đáp cho một bài toán số tích phân. Bạn có thể có chính niệm giữ một sân đá banh. Bạn cũng vẫn có thể có chính niệm ngay giữa một cơn giận điên cuồng!

Những hoạt động tâm lý và vật lý không thể nào làm cản trở được chính niệm. Nếu như bạn thấy tâm mình quá động, bạn chỉ cần quán sát tự tính và cường độ của nó. Nó chỉ là một phần của một vở tuồng tạm diễn ta trong tâm ta mà thôi!

Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chương Mười Lăm: Thiền tập trong đời sống hằng ngày
Tất cả những nhạc sĩ đều biết chơi những thang âm. Khi bạn học chơi dương cầm thì đó là điều đầu tiên bạn học, và từ đó bạn sẽ không bao giời ngừng chơi những thang âm. Những nhạc sĩ dương cầm tài danh nhất thế giới cũng vẫn phải chơi các thang âm. Đó là một kỹ năng cơ bản không thể ngừng luyện tập.Các tay bơi lội đều phải luyện tập những động tác của tay chân. Đó là những điều căn bản bạn học khi mới tập bơi, và bạn sẽ không bao giờ ngừng luyện tập. Trước mỗi cuộc đua bơi ở thế vận hội, các lực sĩ môn bơi lội bắt đầu bằng cách ôn luyện những động tác căn bản ấy. Những kỹ năng cơ bản lúc nào cũng phải được giữ cho thật nhạy bén.

Và ngồi thiền là lĩnh vực mà các thiền giả dùng để luyện tập những kỹ năng khiếu cơ bản của chính mình. Môn chơi ở đây là trải nghiệm sự sống của chính mình, và dụng cụ được sử dụng là những giác quan! Ngay cả những hành giả lâu năm nhất cũng vẫn phải tiếp tục luyện tập ngồi thiền, vì nó giúp điều chỉnh và làm bén nhạy những kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc chơi của họ.Nhưng chúng ta đừng quên rằng, ngồi thiền tự nó không phải là cuộc chơi ấy. Nó là một sự luyện tập. Môn chơi mà những kỹ năng ấy được ứng dụng chính là sự trải nghiệm cuộc sống. Thiền tập mà không được ứng dụng vào đời sống hàng ngày thì sẽ rất là vô ích và hạn chế.

Mục đích của thiền quán không gì khác hơn là để chuyển hóa tận gốc rễ những kinh nghiệm về tri giác và nhận thức một cách vĩnh viễn và toàn diện. Nó sẽ chuyển đổi hoàn toàn kinh nghiệm sống.Thời gian ngồi thiền là những giờ phút ta bỏ ra để gieo trồng những tập quán tâm thức mới. Bạn học những phương cách mới để tiếp nhận và hiểu được những cảm giác. Bạn phát triển những phương thức mới để đối phó với các tư tưởng, cũng như sự xô đẩy bất tận của các cảm xúc. Và thái độ này cũng cần phải được áp dụng vào đời sống hàng ngày. Bằng không, thiền tập sẽ trở thành khô cằn và không có hoa trái. Nó sẽ chỉ là một phần lý thuyết riêng rẽ, không dính dáng gì đến phần còn lại của cuộc sống.

Điều quan trọng là chúng ta cần phải cố gắng nối liền hai phần ấy lại với nhau. Có một số tiến trình liên kết sẽ diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên trong cuộc sống, nhưng tiến trình ấy chậm chạp và không đáng tin cậy. Có rất nhiều khả năng là bạn sẽ phải đối diện với cảm giác không có gì tiến triển và từ bỏ tiến trình ấy vì thấy nó không có hiệu quả.Trên con đường tu học, một trong những giây phút đáng nhớ nhất là lúc bạn nhận thấy rằng mình có thể thiền tập ngay giữa những sinh hoạt bình thường của đời sống hàng ngày.Bạn đang lái xe trên xa lộ hoặc mang thùng rác ra đường, và đột nhiên chính niệm phát khởi lên rất rõ ràng. Đó là hoa trái bất ngờ của một công phu thực tập và nuôi dưỡng chính niệm tinh cần, và đó cũng là một niềm vui lớn. Nó mở ra một cánh cửa sổ nhỏ cho ta thấy được tương lai.

Bạn đột nhiên hiểu rõ được ý nghĩa của sự thực tập. Cơ hội đó giúp bạn ý thức rằng sự chuyển hóa ấy có thể trở thành một phần vĩnh viễn của kinh nghiệm cũa mình. Bạn hiểu rằng, trong cuộc sống, ta có thể thật sự đứng ngoài vòng kiềm tỏa, áp lực của những ham muốn và tham vọng của chính mình, không để bị chúng lôi cuốn và sai sử. Bạn nếm được một chút mùi vị ngọt ngào của sự giải thoát. Giây phút ấy vô cùng nhiệm mầu! Nhưng kinh nghiệm đó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu bạn biết mang sự thực tập và đời sống hàng ngày.Giây phút quan trọng nhất trong thiền tập là khi bạn rời khỏi tọa cụ của mình. Khi giờ công phu chấm dứt, bạn có thể đứng dậy và rũ bỏ hết mọi việc, hoặc bạn có thể mang sự thực tập ấy ứng dụng vào mọi sinh hoạt khác trong đời sống. Điều cốt yếu là bạn cần phải hiểu rõ thiền tập là gì. Nó không phải là một thế ngồi đặc biệt nào đó, và cũng phải chỉ là một số bài tập của tâm thức.

Thiền tập là sự đào luyện chính niệm và đem ứng dụng chính niệm ấy khi nó được phát triển. Bạn không cần phải ngồi yên mới có thể là thiền. Bạn có thể thiền trong khi rửa chén. Bạn có thiền trong khi tắm, trong khi đi xe đạp, hoặc trong khi viết thư… Thiền có nghĩa là ý thức và nó cần phải được áp dụng vào mọi sinh hoạt của đời sống. Việc ấy thật không dễ!Trong thiền tập, chúng ta thường chọn tư thế ngồi yên trong một hoàn cảnh tĩnh lặng, vì đó là một môi trường thuận lợi nhất. Thiền trong khi di động thì khó hơn bội phần.Thiền giữa những sinh hoạt bận rộn của đời sống hàng ngày lại còn trăm lần khó hơn nữa. Và thiền giữa những sinh hoạt đầy ngã ái như là yêu đương hoặc cãi vã thì đó là một thử thách tối hậu.

Đối với những thiền sinh mới thì đối phó với những vấn đề đơn giản thôi cũng đủ khó khăn rồi! Nhưng mục tiêu tối hậu của thiền tập là giúp cho ta có được định lực và chính niệm vững vàng đủ để không bị lay chuyển trước những xao động và áp lực của xã hội ngày nay. Cuộc sống lúc nào cũng mang đến đủ mọi thử thách mà một thiền sinh nghiêm túc sẽ không bao giờ bị nhàm chán.

Mang chính niệm vào những sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày không phải là một việc làm đơn giản. Cứ thử đi và bạn sẽ thấy. Điểm chuyển tiếp từ lúc bạn chấm dứt giờ ngồi thiền và bắt đầu “đời sống thật” là một bước nhảy rất dài, quá dài đối với phần lớn chúng ta! Sự an tĩnh và tập trung của ta tan biến hết ngay vài phút sau khi xả thiền, và ta cảm thấy mình chẳng có gì khác biệt hơn lúc chưa ngồi thiền.Để nối liền khoảng cách này, các thiền giả nhiều kinh nghiệm có đặt ra một số bài tập để giúp chúng ta làm cho sự chuyển tiếp này được trôi chảy. Họ đem chia cắt bước nhảy dài ấy ra thành từng bước nhỏ. Và mỗi bước nhỏ có thể được thực tập riêng rẽ.
Kinh hành


Sự sống hằng ngày của chúng ta đầy những sinh hoạt và sự di động. Ngồi bất động hàng giờ gần như là chuyện hoàn toàn trái nghịch với những kinh nghiệm bình thường của ta. Những trạng thái sáng suốt và tĩnh lặng có được trong lúc ngồi thiền thường có khuynh hướng tiêu tán hết khi ta vừa đứng dậy. Vì vậy, chúng ta cần phải có những bài tập chuyển tiếp, giúp cho mình có một khả năng duy trì được sự tĩnh lặng và chính niệm ấy ngay giữa những hoạt động.Và kinh hành có thể giúp cho ta làm được việc đó, chuyển từ một trạng thái bất động yên nghỉ sang cuộc sống hàng ngày. Đây là một phương pháp thiền trong di động, và nó cũng thường được dùng để thay thế cho ngồi thiền.Kinh hành rất hữu ích vào những lúc bạn cảm thấy tâm mình có nhiều bất an. Một giờ đi kinh hành thường có thể giúp bạn vượt qua được năng lượng bất an đó, mà vẫn mang lại cho ta một sự sáng suốt. Và nhờ đó bạn có thể trở lại ngồi thiền với nhiều lợi ích hơn.

Trên con đường tu tập, chúng ta thường được khuyến khích nên tham dự những khóa tu nhiều ngày để hỗ trợ thêm cho sự ngồi thiền hằng ngày. Một khóa tu là một thời gian tương đối khá dài và chỉ dành riêng cho sự hành thiền. Đối với những người cư sĩ tại gia thì thời gian ấy là hai hoặc ba ngày.
Những thiền sinh lâu năm trong môi trường của một tu viện có thể bỏ ra hằng tháng và không làm một việc gì khác. Thời gian tu tập khá khắt khe, và đòi hỏi rất nhiều từ cả thân lẫn tâm.Trừ khi bạn đã hành thiền được ít nhất vài năm, thời gian bạn ngồi cũng như lợi ích mang lại đều có giới hạn. Ngồi thiền liên tục trong suốt mười tiếng đồng hồ sẽ mang lại cho hành giả sơ cơ một trạng thái đau đớn ghê gớm, vượt quá mức chịu đựng của định lực.Vì vậy, một khóa tu muốn có được nhiều lợi ích cần phải có những sự thay đổi về tư thế, cũng như có những sự di động. Và thường trong các khóa tu, người ta xen kẽ những giờ ngồi thiền với giờ đi kinh hành. Mỗi lần khoảng một tiếng đồng hồ với những khoảng nghỉ ngắn xen vào giữa.

Để đi kinh hành, bạn cần một chỗ đủ rộng để có thể đi thẳng tới được ít nhất từ năm đến mười bước. Bạn sẽ đi tới đi lui thật chậm rãi. Dưới mắt người thường, bạn trông rất là kỳ cục và xa cách với cuộc sống chung quanh. Bạn không nên thực hành trước sân nhà, nơi có thể thu hút cái nhìn xoi mói của những người hàng xóm. Hãy chọn một nơi riêng tư!Bài tập đi kinh hành rất đơn giản. Chọn một khoảng cách không có chướng ngại và bắt đầu từ một phía. Đứng yên với sự chú tâm trong chừng một phút. Hai tay bạn giữ sao cũng được, phía trước, phía sau, hoặc để buông hai bên, miễn là cho thoải mái. Rồi khi thở vào, dở một gót chân lên. Khi thở ra, nghỉ chân đó trên những ngón chân của nó. Rồi lại khi thở vào, nhấc chân ấy lên và đưa tới trước, và trong khi thở ta đặt chân xuống và chạm mặt đất.Lặp lại chuỗi cử động ấy cho bàn chân kia. Đi chậm rãi cho đến cuối khoảng đường, đứng yên chừng một phút, quay người trở lại, và đứng yên chừng một phút nữa khi đi trở lại. Và rồi bắt lại từ đầu.

Giữ cho đầu được thẳng và cổ buông thư. Mở mắt để dễ giữ quân bình, nhưng đừng chăm chú nhìn vào bất cứ một cái gì. Đi tự nhiên. Giữ một tốc độ thật chậm rãi nhất mà ta vẫn cảm thấy thoải mái, và đừng quan tâm đến sự vật chung quanh. Để ý xem có một sự căng thẳng nào khởi lên trong thân không, và buông thư chúng khi vừa ghi nhận được.Đừng cố gắng để có một dáng điệu quý phái. Đừng cố gắng làm cho đẹp. Đây không phải là một bài tập thể dục, và cũng không phải là một điệu vũ. Đây là một bài tập chính niệm. Mục tiêu của bạn là để có được một ý thức sáng tỏ, một sự nhạy cảm cao độ, và một kinh nghiệm của một bước đi trọn vẹn, không bị chướng ngại.Hãy đặt hết sự chú ý của mình vào những cảm giác có mặt nơi bàn chân và cẳng chân. Cố gắng ghi nhận hết mọi dữ kiện càng nhiều càng tốt về mỗi bàn chân khi nó đi động. Hãy tiếp xúc thẳng với cái cảm giác bước tới thuần túy ấy, và ghi nhận từng chi tiết thay đổi trong mỗi bước chân.

Cảm nhận từng bắp thịt nào đang làm việc. Kinh nghiệm mỗi cảm xúc li ti thay đổi khi bàn chân tiếp xúc với mặt đất và khi nhấc chân lên. Hãy chú ý đến cách thức mà sự di động bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng và trôi chảy này được cấu thành từ một chuỗi cử động co giật nho nhỏ và phức tạp. Cố gắng đừng bỏ lỡ một sự ghi nhận nào. Để nâng cao mức độ nhận thức của mình, ta có thể chia cắt sự cử động ấy ra thành những phần riêng biệt . Mỗi bàn chân đều đi qua những giai đoạn dở lên, đưa qua và đặt xuống. Và mỗi giai đoạn ấy lại có phần đầu, phần giữa và phần cuối.Muốn tiếp xúc chuỗi cử động này, bạn có thể bắt đầu bằng cách ghi nhận rõ ràng từng giai đoạn một. Niệm thần trong đầu “dở lên, đưa qua, đặt xuống, xúc chạm, ép xuống” v.v… Đây là một bài tập giúp ta quen với chuỗi tiến trình di động, và bảo đảm cho ta sẽ không bỏ sót một chi tiết nào.

Khi bạn bắt đầu ý thức được vô số những sự kiện li ti có mặt, bạn sẽ không còn có thì giờ cho ngôn từ nữa. Bạn sẽ hòa nhập vào một dòng ý thức tuôn chảy không gián đoạn về sự đi động. Bàn chân sẽ trở thành toàn thể vũ trụ của bạn. Nếu tâm ta xao lãng, ghi nhận sự lơ đễnh ấy như thường lệ, và rồi mang sự chú ý trở về với bước chân kinh hành.Khi đi kinh hành đừng nhìn xuống bàn chân của mình, và khi đi tới đi lui cũng đừng có hình ảnh nào trong đầu về cánh chân hoặc bàn chân của mình. Đừng suy nghĩ mà hãy cảm nhận nó. Bạn không cần có một ý niệm về chân, bạn không cần hình ảnh. Chỉ ghi nhận hết những cảm giác nào đang trôi qua. Lúc đầu, có thể bạn sẽ có khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Vì chúng ta sử dụng những bắp thịt chân theo một cách mới, vấn đề là chưa quen mà thôi.Nếu bạn cảm thấy bực mình, ghi nhận, rồi buông bỏ nó đi.

Phương pháp kinh hành này có mục đích làm tràn đầy tâm thức bạn với những cảm giác đơn sơ, và nó làm đầy đến mức tất cả mọi cái khác đều bị đẩy sang một bên. Không có chỗ trống cho tư tưởng, và vì vậy cũng không có chỗ trống cho cảm thụ. Không có thì giờ cho sự nắm bắt, và cũng không có thì giờ để ta đông cứng các hoạt động lại thành những ý niệm.Không cần phải có một cái ngã nào. Nó chỉ là một chuỗi cảm giác của sự xúc chạm và chuyển động, một dòng sông kinh nghiệm sống trực tiếp, trôi chảy không ngừng. Ở đây chúng ta thực tập thoát vào trong thực tại, thay vì là ra khỏi nó. Và những tuệ giác nào ta có được sẽ có thể trực tiếp ứng dụng ngay vào trong đời sống hằng ngày đầy ý niệm của mình.
Tư thế

Mục đích của sự tu tập là làm sao để ta có thể hoàn toàn ý thức được hết mọi khía cạnh của kinh nghiệm mình, trong mỗi giây phút không hề bị gián đoạn. Phần lớn những gì chúng ta làm và kinh nghiệm đều trong vô thức, có nghĩa là chúng ta làm mà không biết mình làm, vì thiếu chính niệm. Thân ta ở đây mà tâm ta hoàn toàn ở một nơi khác. Chúng ta đa số sống trong một trạng thái tự động “không người lái”, bị lạc trong màn sương mù của mộng tưởng và những bận tâm suy tính.
Một trong những khía cạnh của hiện thực thường bị lãng quên nhất là thân ta. Những vở tuồng với các hình ảnh màu sắc hoạt họa trong đầu, chúng rất hấp dẫn, khiến ta không còn để ý gì đến những cảm giác về xúc chạm và sự chuyển động trong thân mình. Những dữ kiện ấy lúc nào cũng tuôn chảy theo những đường dây thần kinh lên đến bộ óc, trong mỗi phút giây, nhưng phần lớn bị ta ngăn chận lại bên ngoài ý thức. Nó tràn vào những tầng lớp thấp hơn, và không thoát đi đâu được.



Trong đạo Phật, ta có những bài thực tập giúp mở tung cánh cửa ngăn này và cho phép những dữ kiện ấy tuôn chảy vào trong phần ý thức. Đó cũng là một phương cách để biến phần vô thức trở thành ý thức.Trong suốt một ngày, cơ thể ta đã trải qua biết bao sự méo mó và vặn vẹo. Bạn hết ngồi rồi lại đứng. Bạn đi rồi lại nằm. Bạn cúi xuống, chồm lên, chạy, bọ trườn… Các thiền sư khuyên bạn thường xuyên chú ý đến cái vũ điệu bất tận này. Trong một ngày, mỗi vài phút bạn nên bỏ ra chừng vài giây để kiểm soát lại tư thế của mình. Nhưng không phải là để phê phán gì hết. Đây không phải là một bài tập để điều chỉnh lại tư thế, hoặc là cải thiện bề ngoài của mình. Quét sự chú ý của mình từ đầu cho đến chân, và cảm nhận xem ta đang giữ thân mình như thế nào. Niệm thần trong đầu “đi” hoặc “nằm” hoặc “đứng”.Nghe như có vẻ quá sức đơn giản, nhưng bạn đừng bao giờ coi thường tiến trình này. Đây là một bài tập vô cùng hiệu quả. Nếu bạn thực hành cho nghiêm chỉnh, nếu bạn biến nó thành một thói quen trong tâm, nó có thể chuyển hóa được những kinh nghiệm của bạn. Nó giúp bạn tiếp xúc được với một khía cạnh mới của cảm giác, và bạn sẽ cảm thấy mình như một người mò vừa mới được sáng mắt.
Hành động chậm rãi



Mỗi hành động của ta được kết hợp bằng những phần riêng rẽ. Một hành động giản dị như là cột dây giày cũng được làm bằng một chuỗi cử động vi tế và phức tạp. Nhưng đa số những chi tiết ấy đều không được chú ý đến. Muốn thực tập để có một thói quen chính niệm, bạn hãy tập làm những hành động đơn giản ấy với một thái độ cực kỳ chậm rãi – cố gắng chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt trong việc làm ấy.Ví dụ như khi ngồi uống trà chẳng hạn. Có biết bao nhiêu việc để cho ta trải nghiệm! Quán sát tư thế ngồi của mình, cảm nhận cái quai cầm của tách trà trong những ngón tay. Ngửi mùi hương thơm của trà. Ghi nhận vị trí, sự sắp xếp của tách nước, lá trà, cánh tay, và cái bàn. Theo dõi tác ý muốn nâng tay lên phát khởi trong tâm, cảm nhận cánh tay ta đang đưa lên, cảm nhận tách trá chạm vào môi và nước chảy vào trong miệng. Nếm hương vị trà, rồi quan sát tác ý muốn để tay xuống. Cả tiến trình ấy rất là kỳ diệu và đẹp vô cùng, nếu bạn có mặt trọn vẹn, và khách quan chú ý đến từng cảm giác cũng như dòng tư tưởng và cảm thụ của mình.Và bạn có thể đem cách thức này áp dụng vào mọi sinh hoạt khác trong đời sống hằng ngày. Cố ý làm chậm lại ý nghĩ, lời nói và cử động của mình. Điều đó sẽ cho phép ta đi sâu và hiểu rõ chúng hơn bình thường. Những gì bạn khám phá sẽ là rất nhiệm mầu.

Trong thời gian đầu, ta có thể cảm thấy khó giữ được sự chậm rãi có chủ ý này trong các việc làm bình thường của mình, nhưng rồi kỹ năng ấy sẽ dần dần phát triển. Có những tuệ giác lớn bùng vỡ trong lúc ngồi thiền. Và những tuệ giác lớn ấy cũng có thể bùng vỡ trong khi ta quán sát những hoạt động nội tâm của mình, ngay giữa những sinh hoạt bình thường hằng ngày.Nơi đây chính là phòng thí nghiệm giúp ta thật sự thấy được cơ thế cảm thụ và hoạt động của lòng ham muốn. Chính nơi đây ta mới có thể thật sự đo lường được mức hiệu quả của lý trí, và thấy được sự khác biệt giữa cái nguyên do thật sự và chiếc áo giáp giả tạo ta khoác lên để tự dối mình và kẻ khác.

Chúng ta sẽ thấy rằng đa số những dữ kiện này rất đáng ngạc nhiên,và có thể là khó chịu, nhưng chúng đều mang lại nhiều lợi ích cho ta. Sự chú ý đơn thuần sẽ mang lại trật tự cho những vấn đề bừa bộn còn nằm sâu kín trong những ngõ ngách của tâm thức. Và khi bạn vẫn giữ được một ý thức sáng tỏ giữa những bận rộn trong cuộc sống, bạn cũng sẽ có được sự sáng suốt và tĩnh lặng khi đem ánh sáng chính niệm chiếu soi vào những xó xỉnh cảu tâm thức.Bạn sẽ bắt đầu thấy được trách nhiệm của chính mình đối với những khổ đau. Bạn thấy rõ rằng những sầu khổ, sợ hãi và căng thẳng là do chính mình tự tạo nên. Bạn sẽ thấy được ta đã gây nên những khổ đau ấy bằng cách nào. Và càng thấy rõ bao nhiêu, chúng lại càng mất đi khả năng trói buộc mình bấy nhiêu.
Phối hợp với hơi thở

Trong khi ngồi thiền, ta chú tâm vào đề mục chính là hơi thở. Sự chú tâm hoàn toàn vào hơi thở liên tục biến đổi sẽ đưa ta trở về ngay với giây phút hiện tại. Và ta cũng có thể dùng nguyên tắc ấy ứng dụng vào những sinh hoạt hằng ngày. Bạn có thể phối hợp công việc đang làm với hơi thở. Nó sẽ mang lại môt nhịp điệu trôi chảy cho những cử động của ta, và giúp những giai đoạn chuyển tiếp bớt vụng về và đột ngột hơn. Ta sẽ dễ chú tâm vào việc đang làm hơn, và chính niệm được lớn mạnh hơn. Ý thức ta nhờ vậy dễ an trú trong hiện tại. Một cách lý tưởng thì thiền quán phải được thực tập hai mươi bốn giờ một ngày. Và đó là điều thực tiển mà ta có thể làm được.Trạng thái chính niệm là một trạng thái tâm thức sẵn sàng. Tâm ta không bị đè nặng bởi những sự bận tâm và lo lắng. Những gì khởi lên sẽ được đối phó ngay lập tức. Khi ta thật sự có chính niệm, hệ thần kinh của ta lúc nào cũng được tươi mới và lành mạnh, nó nuôi dưỡng tuệ giác.

Khi có một khó khăn nào khởi lên, bạn chỉ giản dị đối phó với nó, nhanh chóng, hiệu quả và không làm lớn chuyện. Bạn không đứng đó bối rối, và cũng không chạy đi tìm một góc vắng vẻ nào đó để ngồi xuống thiền. Bạn chỉ đơn giản đối phó thẳng với nó. Và trong những trường hợp hiếm hoi, khi không tìm được giải pháp nào, ta cũng không để mình bận tâm về nó. Ta chỉ chuyển sang cái kế tiếp đang cần đến sự chú ý của mình. Trực giác của ta trở thành một chức năng cụ thể.
Những giây phút dư thừa


Ý niệm về một giây phút lãng phí không có đối với những thiền sinh nghiêm túc. Những khoảng thời gian trống trong một ngày có thể được biến thành thời gian hữu ích. Bất cứ một giây phút rảnh rỗi nào cũng có thể được dùng để thiền tập. Khi ngồi lo lắng trong phòng nha sĩ, hãy quán chiếu sự lo âu ấy. Khi cảm thấy bực dọc lúc đứng xếp hàng trong ngân hàng, hãy quán chiếu sự bực mình ấy. Khi cảm thấy nhàm chán trong lúc chờ xe buýt, hãy quán chiếu sự nhàm chán ấy. Hãy cố giữ cho mình lúc nào cũng chú ý và tỉnh thức trong suốt một ngày. Hãy có chính niệm về những gì đang xảy ra trong giây phút này, cho dù nó có nhỏ nhặt và buồn tẻ đến đâu. Hãy lợi dụng những giây phút bạn được ở một mình. Hãy lợi dụng công việc nào có tính cách máy móc, tự động. Sử dụng mỗi giây phút dư thừa cho sự thực tập chính niệm. Hãy sử dụng hết tất cả thời gian mà bạn có!

Chú tâm vào mọi hành động


Bạn nên cố gắng giữ chính niệm trong mọi việc làm và nhận thức của mình trọn ngày, bắt đầu với nhận thức đầu tiên khi bạn vừa mới thức dậy, và chấm dứt với tư tưởng cuối cùng trước khi bạn rơi vào giấc ngủ.Đây là một mục tiêu cực kỳ lớn lao. Bạn đừng mong rằng mình có thể nhanh chóng đạt được. Hãy tiến từng bước một, chậm rãi, và để cho khả năng của mình được tăng trưởng dần. Một cách hay nhất để thực hiện được việc này là chia cắt một ngày của ta ra thành nhiều phần nhỏ. Dành ra một khoảng thời gian nào đó, chỉ riêng cho việc duy trì chính niệm về tư thế của thân, rồi từ đó nới rộng vòng chính niệm ấy ra đến những sinh hoạt đơn giản khác, như là ăn uống, rửa chén, thay quần áo…

Thỉnh thoảng trong ngày, bạn cũng có thể bỏ ra chừng mười lăm phút để thực tập quán sát, theo dõi những những trạng thái tâm thức riêng biệt, như là những cảm thụ dễ chịu, khó chịu và trung hóa; hoặc những tâm thức chướng ngại hay tư tưởng của mình. Tùy bạn sắp xếp. Điều quan trọng là hãy thực tập ghi nhận những gì đang xảy ra và duy trì chính niệm cho thật trọn vẹn trong suốt một ngày.Hãy cố gắng đạt đến một chương trình sinh hoạt thường ngày sao cho có thể giảm thiểu được tối đa sự khác biệt giữa khi ngồi thiền và những thời gian khác trong ngày. Hãy để cho cái này trôi chảy tự nhiên sang cái kia.

Thân ta không bao giờ hoàn toàn dừng yên được. Lúc nào cũng có những sự di động để ta quán sát. Ít nhất cũng là sự chuyển động của hơi thở. Tâm ta cũng không bao giờ ngừng suy nghĩ, chỉ trừ trong những trạng thái định thật thâm sâu. Lúc nào cũng có chuyện khởi lên để cho ta theo dõi. Nếu bạn thực hành thiền quán nghiêm túc, sẽ không bao giờ bạn cảm thấy thiếu đối tượng để mình chú ý.Sự thực tập của bạn có thể ứng dụng được vào trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Cuộc đời là một phòng thí nghiệm. Nó cung cấp những cơ hội thực hành và thử thách cần thiết, giúp cho sự thực tập của ta được sâu sắc và chân thật. Nó là lò lửa đỏ tôi luyện, thanh lọc hết những lỗi lầm và giả dối trong sự thực tập. Nó là một sự thực nghiệm axít, cho ta thấy rõ khi nào mình thật sự tiến bộ, và khi nào ta chỉ tự dối mình.Nếu công phu thiền tập của bạn không giúp bạn đối phó được với những khó khăn và xung đột trong đời sống hàng ngày thì nó còn rất là nông cạn. Nếu những phản ứng cảm xúc của bạn không được rõ ràng hơn, dễ chế ngự hơn, thì bạn chỉ đang hoang phí thì giờ của mình mà thôi. Và bạn sẽ không bao giờ biết được trình độ của mình đang ở mức nào, cho đến khi bạn thật sự dám chịu những thử nghiệm này.

Duy trì chính niệm là một phương pháp thực tập mở rộng, lúc nào cũng có mặt. Ta không thể nào thực tập trong một lúc này và rồi không thực tập trong những lúc khác. Lúc nào ta cũng thực hành cả. Thiền tập mà chỉ thành công khi bạn ngồi yên trong tháp ngà yên tĩnh sẽ là thứ thiền tập còn non nớt. Thiền quán là sự thực tập chính niệm trong từng giây, từng phút. Hành giả học cách nhận diện đơn thuần những tính chất sinh, trụ, hoại, diệt của mọi hiện tượng trong tâm. Chính niệm không từ chối cái nào và cũng không bỏ sót một cái nào. Nó gồm có tư tưởng, cảm thụ, hành động và sự ham muốn, đầy đủ tất cả.Chính niệm quán sát hết tất cả và theo dõi liên tục. Nó không phân biệt và không cần biết đó là đẹp đẽ hay xấu xa, cao thượng hay đáng hổ thẹn. Nó nhìn sự vật như đang thực sự hiện hữu với những biến đổi của chúng. Không có một khía cạnh nào của kinh nghiệm lại bị bỏ sót hoặc tránh né. Nó là một tiến trình hết sức chu toàn.
Giữa những sinh hoạt hằng ngày, nếu khi nào bạn cảm thấy có một sự nhàm chán, hãy quán chiếu sự nhàm chán ấy. Thử tìm xem nó có cảm giác như thế nào, hoạt động như thế nào, cơ cấu của nó gồm những gì.Nếu bạn nổi giận, hãy quán chiếu cơn giận ấy. Khảo sát về cơ chế, cấu trúc của cái giận. Đừng bỏ chạy. Nếu bạn thấy mình đang bị bóng tối của sự tuyệt vọng vây hãm, hãy quán chiếu nỗi tuyệt vọng ấy.Quán sát sự tuyệt vọng đó một cách tò mò và thật khách quan. Đừng nhắm mắt mù quáng bỏ chạy. Hãy thử khám phá và vẽ rõ lại đường đi nước bước trong cái mê đồ ấy. Nhờ đó, bạn sẽ có thể đối phó dễ dàng hơn với cơn tuyệt vọng lần tới, nếu nó lại đến.

Thực tập thiền quán giữa những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày là điểm chính yếu của pháp môn ***. Sự thực tập này rất gian nan và nhiều đòi hỏi. Nhưng nó sẽ mang lại cho ta một trạng thái tâm thức linh động vô song. Một thiền giả bao giờ cũng giữ tâm mình rộng mở trong từng giây phút. Họ luôn luôn khảo sát sự sống, khám xét kinh nghiệm của chính mình, quán sát hiện hữu một cách chăm chú và khách quan. Nhờ vậy mà lúc nào họ cũng sẵn sàng mở rộng để tiếp nhận sự thật, dưới bất cứ hình thức nào, từ bất cứ nơi nào và vào bất cứ khi nào. Đó là tâm thức rất cần thiết cho sự giác ngộ.


Kinh nghiệm của những người đi trước cho thấy rằng sự giác ngộ có thể đạt đến bất cứ lúc nào, nếu tâm ta sẵn sàng và tĩnh lặng. Những việc tầm thường nhất cũng có thể đủ để khơi dậy sự giác ngộ: ánh trăng qua cửa sổ, tiếng chim kêu, tiếng gió xuyên qua những hàng cây…Những gì chúng ta nhận thức không quan trọng bằng cách ta nhận thức. Trạng thái rộng mở và sẵn sàng ấy vô cùng quan trọng. Nó có thể cảy ra cho bạn ngay trong lúc này nếu bạn sẵn sàng. Cảm giác xúc chạm của ngón tay bạn trên quyển sách này có thể khơi dậy điều ấy. Âm thanh của những chữ này trong đầu bạn cũng có thể là đủ. Bạn có thể đạt được sự giác ngộ ngay trong giây phút này, nếu bạn sẵn sàng.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Chánh niệm thực tập thiền quán
CHƯƠNG CUỐI: PHẦN MỘT

Lời kết: Năng lực của tâm từ
Phương pháp thực tập chính niệm được trình bày trong quyển sách này, nếu cố gắng thực hành, chắc chắn sẽ chuyển hóa được đời bạn. Giờ đây, tôi xin được giới thiệu và nhấn mạnh thêm về một khía cạnh khác của đạo Phật, con đường này đi song song với chính niệm, đó là metta, hay tâm từ. Thiếu tâm từ, chỉ riêng chính niệm khó có thể nào phá vỡ được sự dính mắc và ngã chấp. Và ngược lại, chính niệm là một nhân tố căn bản cần thiết để phát huy tâm từ. Hai điều này lúc nào cũng phải song hành với nhau.

Mỗi người trong chúng ta đều có đầy đủ những hạt giống và tiềm năng thương yêu. Nhưng chỉ với một tâm thức tĩnh lặng, không bị ảnh hưởng bởi tham lam, sân hận và ganh tỵ, những hạt giống thương yêu này mới có thể trưởng thành. Nhờ mảnh đất phì nhiêu của chính niệm mà hoa tình thương được nở rộ. Chúng ta cần nuôi dưỡng những hạt giống thương yêu ấy trong ta và trong người khác, giúp chúng cắm rễ và trưởng thành.

Tôi có dịp đi nhiều nơi trên thế giới để dạy Phật pháp, và vì vậy tôi phải mất nhiều thời gian ở những sân bay. Một hôm, tôi ngồi ở sân bay Gatwick gần London để chờ một chuyến bay. Tôi có nhiều thời gian trống, nhưng đối với tôi điều đó không bao giờ là vấn đề. Thật ra nó là một niềm vui vì tôi có cơ hôi để thực tập thiền quán. Thế là tôi ngồi đó giữa phòng đợi của sân bay, chân xếp bằng trên ghế , mắt nhắm lại, trong khi quanh tôi người ta lũ lượt đến và đi, hối hả đổi chuyến bay. Trong những hoàn cảnh này, khi ngồi thiền tôi thường thực tập niệm tâm từ, đem tình thương ban rải đến cho mọi người, ở khắp mọi nơi. Với mỗi hơi thở, mỗi mạch nhảy, mỗi nhịp tim, tôi để cho toàn thể con người mình được thấm nhuần và tỏa sáng một tình thương, một tâm từ.

Giữa sân bay náo nhiệt ấy, chìm đắm trong một cảm thụ của tâm từ, tôi không còn để ý đến sự ồn ào và xô bồ của thế giới chung quanh. Nhưng bỗng dưng tôi có cảm giác như có một người nào đó đang đến ngồi sát bên tôi. Tôi vẫn không mở mắt, tiếp tục hành thiền và phóng rải tâm từ. Rồi tôi cảm thấy có hai bàn tay nhỏ xíu ôm choàng lấy cổ tôi. Tôi từ từ mở mắt ra, và thấy đó là một em bé gái nhỏ thật dễ thương, chắc chỉ độ chừng hai tuổi. Mắt cháu màu xanh thật sáng, với những lọn tóc vàng, đang ôm chầm lấy tôi thật sát. Ngồi trong phi trường, trước đây tôi có thấy cháu đi với mẹ cháu, bàn tay bé nhỏ nắm chặt lấy ngón tay của mẹ. Có lẽ cháu đã rời mẹ cháu và chạy sang chỗ tôi. Tôi nhìn lên thì thấy mẹ cháu cũng vừa đuổi tới nơi. Thấy nó đang ôm cổ tôi, mẹ cháu bảo: “Xin Thầy ban phước cho cháu và để nó đi.”

Tôi không biết đứa bé nói tiếng gì, nhưng tôi bảo cháu bằng tiếng Anh: “Cháu đi đi.Mẹ cháu có nhiều nụ hôn cho cháu lắm, nhiều đồ chơi và nhiều kẹo nữa kìa. Còn ta chẳng có gì hết. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé vẫn cứ bá chặt vào cổ tôi, không chịu buông ra. Và người mẹ lại nhìn tôi, chắp tay lại và nói với một giọng rất ân cần: “Xin Thầy ban phước cho cháu và để cho cháu đi.”

Lúc này, những người khác trong phi trường cũng bắt đầu để ý đến chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi quen biết với đứa bé gái, hoặc là tôi với nó có liên hệ với nhau.Họ tin chắc rằng tôi và đứa bé nhất định phải có một sự ràng buộc nào đó. Nhưng trước hôm ấy, tôi chưa từng gặp nó bao giờ. Tôi cũng không rõ cháu nói ngôn ngữ gì nữa. Và tôi lại phải năn nỉ : "Cháu đi đi. Cháu và mẹ cháu còn phải lên phi cơ cho kịp giờ. Trễ rồi đó. Mẹ cháu có nhiều đồ chơi và kẹo lắm kìa. Ta đâu có gì đâu. Hãy đi đi."

Nhưng đứa bé vẫn không chút nao núng. Nó lại còn ôm chặt lấy tôi hơn nữa. Người mẹ thấy vậy đến nhẹ nhàng gỡ tay của đứa bé và nhờ tôi ban phước cho nó. "Cháu ngoan lắm." Tôi nói," Mẹ cháu thương cháu lắm. Nhanh lên. Coi chừng trễ chuyến bay rồi đó. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé gái vẫn không chịu đi. Nó òa khóc lên. Cuối cùng, mẹ nó phải bế nó lên. Đứa bé vùng vẫy và la khóc. Nó muốn tụt xuống và chạy lại tôi. Nhưng lần này mẹ nó cố giữ nó lại và mang nó lên phi cơ. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cháu vẫn còn đang cố thoát ra khỏi mẹ cháu để chạy lại với tôi.

Có thể vì chiếc y tôi mặc mà đứa bé gái này tưởng tôi là ông già Nô-en hoặc một nhân vật thần thoại nào đó chăng ? Nhưng cũng có thể là một lý do khác. Trong lúc tôi đang ngồi trên ghế và thực hành niệm tâm từ, metta, phóng rải những tư tưởng yêu thương ra khắp nơi với mỗi hơi thở. Có thể đứa bé gái này đã cảm nhận được điều đó. Trẻ con rất nhạy cảm trong lĩnh vực này, tâm thức của chúng dễ dàng hấp thụ được những cảm thụ chung quanh chúng. Khi bạn giận, chúng cảm nhận được sự rung động ấy, và khi bạn tràn đầy yêu thương và hạnh phúc,chúng cũng cảm nhận được. Có thể đứa bé gái ấy muốn đến gần tôi vì nó cảm nhận được một tâm từ. Giữa tôi và nó có một sự ràng buộc- bởi một sợi dây của tâm từ.

Bốn trạng thái siêu việt

Tâm từ rất nhiệm mầu. Chúng ta ai cũng có khả năng thương yêu cả. Cho dù ta có nhận biết hay không, năng lượng và hạt giống của thương yêu bao giờ cũng có mặt trong ta. Tâm từ là một trong bốn trạng thái siêu việt mà đức Phật nói đến trong kinh. Ba tâm kia là tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Bốn trạng thái siêu việt ấy liên kết mật thiết với nhau, ta không thể nào phát triển một cái này mà lại không cần đến ba cái kia. Một cách dễ hiểu hơn là lấy ví dụ của tình thương cha mẹ. Khi một người đàn bà trẻ biết rằng mình đang có thai một đứa bé, cô sẽ cảm thấy có một tình thương vô bờ bến đối với đứa con trong bụng. Cô ta sẵn sàng làm tất cả mọi việc để bảo vệ nó. Cô sẽ cố gắng hết sức mình để cái bào thai được khỏe mạnh và tốt lành. Người mẹ trẻ ấy có đầy những tư tưởng thương yêu và hy vọng về đứa con trong bụng mình. Cũng giống như tâm từ, metta, tình cảm của một người mẹ đối với đứa con là vô bờ bến, bao trùm tất cả và hoàn toàn vô điều kiện !

Khi đứa bé sinh ra và lớn lên, nó bắt đầu khám phá thế giới chung quanh, cha mẹ sẽ bắt đầu có tâm bi đối với nó. Mỗi khi đứa bé bị té trầy đầu gối, u đầu sứt trán, cha mẹ luôn cảm nhận được cái đau của con mình. Có nhiều bậc cha mẹ còn nói rằng, mỗi khi con đau là họ cũng cảm thấy như chính mình đang đau. Nhưng đây không phải là một sự thương hại, vì lòng thương hại chỉ tạo nên khoảng cách giữa ta và người khác. Tâm bi là một tâm muốn cho người khác được bớt khổ đau. Tâm bi dẫn ta đến những hành động thích hợp. Và một hành động thích hợp của tâm bi là muốn làm sao để sự đau đớn sớm chấm dứt, để con mình không còn khổ nữa.

Thời gian trôi qua, đứa con lớn lên và cắp sách đến trường. Cha mẹ nhìn con mình kết bạn mới, học hành tiến bộ, tham gia các môn thể thao... Có thể đứa con học xuất sắc về môn toán, hoặc được nhận vào đội đá banh, hoặc được bầu làm lớp trưởng...Cha mẹ không bao giờ cảm thấy ganh tỵ về những thành công của con mình, ngược lại còn hân hoan vui mừng theo nó nữa. Đó chính là tâm hỷ. Ta mừng vui cho kẻ khác như là niềm vui của chính ta. Mặc dù người khác có vượt trội hơn ta, may mắn hơn ta, chúng ta vẫn hoan hỷ với những thành công của họ, mừng vui theo với niềm hạnh phúc của họ.

Và rồi khi đứa con trưởng thành. Nó ra trường, có sự nghiệp, lập gia đình và có con cái. Đây là lúc cha mẹ thực tập tâm xả. Lẽ dĩ nhiên, chắc chắn đây không phải là một thái độ lạnh lùng và dửng dưng. Nó là một sự bình an, hạnh phúc vì thấy rằng mình đã làm hết những gì cần phải làm cho con. Ta cũng ý thức được sự giới hạn của mình. Và lẽ dĩ nhiên, cha mẹ vẫn tiếp tục thương yêu và giúp đỡ con cái, nhưng họ biết rằng mình không còn kiểm soát được chúng nữa. Đó là sự thực tập của tâm xả. Mục đích tối thượng của thiền tập là nuôi dưỡng và phát triển bốn trạng thái này của tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả.

Hạt giống có mặt trong mỗi chúng ta

Mỗi sự vật sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời qua những cách khác nhau. Cũng vậy, mỗi người biểu lộ tâm từ qua những phương cách khác nhau. Có người bộc lộ sự nồng nhiệt một cách tự nhiên, có người hơi kín đáo và do dự khi mở con tim mình ra... Có người thực tập tâm từ một cách khá vất vả, trong khi có người lại không có khó khăn gì nhiều... Nhưng không một ai lại hoàn toàn không có tâm từ ! Chúng ta đều sinh ra với một bản năng thương yêu, metta. Bạn hãy nhìn những đứa bé thơ mỉm cười rạng rỡ trước một hình ảnh của một gương mặt người, bất cứ là gương mặt của ai. Tội nghiệp một điều là có nhiều người không ý thức được khả năng thương yêu của mình. Tiềm năng thương yêu ấy bị chôn vùi bên dưới những sân hận, giận hờn,ghét bỏ mà ta đã huân tập trong một đời – mà có lẽ là rất nhiều đời- qua những tư tưởng và hành động bất thiện.

Nhưng ai trong chúng ta cũng đều có thể nuôi dưỡng lại con tim biết thương yêu ấy, cho dầu trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Chúng ta vẫn có thể tưới tậm và nuôi dưỡng hạt giống từ bi, cho đến ngày hoa tình thương nở rộ và bay về trăm hướng. Vào thời đức Phật, có một người tên là Angulimala ( Ương-quật-ma-la). Anh ta là một kẻ sát nhân giết hại rất nhiều người. Anh ta tàn ác đến nỗi đeo trên cổ mình một xâu chuỗi làm bằng ngón tay của những người anh đã giết. Và anh có ý định chọn đức Phật để làm nạn nhân thứ một ngàn của anh ! Mặc dù đứng trước những lời đồn về bề ngoài dữ tợn của của Angulimala, đức Phật vẫn có thể nhận thấy được tiềm năng thương yêu của anh. Và nhờ khơi dậy được tiềm năng đó trong chính anh ta mà đức Phật đã cảm hóa được anh, và giảng Pháp cho kẻ giết người không gớm tay này. Sau khi nghe lời giảng của đức Phật, Angulimala đã buông gươm xuống và quy y Phật. Anh ta xin xuất gia và đi theo tăng đoàn của ngài.

Trong kinh kể rằng, nhiều năm trước, Angulimala bắt đầu đi giết hại nhiều người vì tin theo lời chỉ bảo của một đạo sĩ mà anh nhận làm thầy. Bản chất của Angulimala không phải là tàn bạo, cũng không phải là ác độc. Thật ra khi còn nhỏ anh là một cậu bé rất hiền lành. Trong tim anh có đầy sự thương yêu, dịu dàng và thân thiện. Sau khi xuất gia, những tiềm năng ấy trong anh lại được hiển bày, và chỉ trong một thời gian ngắn anh đã đạt được sự giác ngộ. Câu chuyện về Angulimala nhắc nhở ta một điều. Đôi khi con người có thể có những hành động rất nhẫn tâm và tàn bạo, nhưng ta nên hiểu rằng đó không phải là tự tính của họ. Có thể vì hoàn cảnh, điều kiện trong cuộc đời đã khiến họ có những cách hành xử bất thiện ấy.

Trong trường hợp của Angulimala, đó là vì anh hoàn toàn tin tưởng theo lời hướng dẫn của thầy mình. Và đối với tất cả chúng ta, không phải chỉ riêng gì những kẻ tội phạm, có rất nhiều lý do và điều kiện khác nhau- thiện và bất thiện – đã đưa đẩy làm cho ta có cách hành xử như ngày hôm nay.

Cùng với những bài thiền tập đã trình bày trong sách này, tôi xin được giới thiệu thêm một bài thiền tập niệm tâm từ. Trước hết, bạn bắt đầu bằng cách loại bỏ hết những tư tưởng tự ghét bỏ hoặc tự trách móc mình. Bắt đầu mỗi thời ngồi thiền, bạn hãy tự niệm thầm những câu sau đây, và phải thật sự cảm nhận được sự chân thành của mình.

"Mong sao cho tâm tôi có đầy những tư tưởng từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho tôi được nhiều rộng lượng. Mong sao cho tôi được thoải mái. Mong sao cho tôi được vui vẻ và hạnh phúc. Mong sao cho tôi được khỏe mạnh. Mong sao cho con tim tôi được dịu dàng. Mong sao cho tôi luôn nói lời ái ngữ. Mong sao cho tôi luôn hành động tử tế. Mong sao cho những gì tôi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ sẽ giúp cho tôi nuôi dưỡng thêm tâm từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho chúng giúp tôi được thêm rộng lượng và tử tế. Mong sao cho chúng giúp tôi được nghỉ ngơi. Mong sao cho chúng làm khơi dậy những hành động thân ái trong tôi. Mong sao cho những kinh nghiệm ấy sẽ là suối nguồn hạnh phúc và an vui. Mong sao cho chúng sẽ giúp tôi giải thoát ra khỏi mọi sự sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an. Bất cứ nơi nào tôi đến trên thế gian này, trong bất cứ một phương nào, mong sao cho tôi luôn tiếp xúc với mọi người bằng một niềm an vui và thân thiện. Mong sao cho tôi được bảo vệ trong mười phương khỏi những tham lam, sân hận, ghen tỵ, nhỏ nhen và sợ hãi”.

Khi chúng ta phát triển tâm từ trong ta, ta sẽ thấy rằng nó cũng có mặt trong người khác – cho dù bị vùi lấp đến đâu. Đôi khi ta phải đào thật sâu, và đôi khi nó hiển nhiên ngay trên bề mặt.

Nhìn xuyên qua những vết dơ bẩn

Đức Phật có kể câu chuyện về một thầy nọ tìm thấy một miếng vải dơ trên đường. Tấm giẻ rách ấy bẩn thỉu đến nỗi thầy ấy không dám sờ tới. Ông ta lấy chân đá nó một hồi cho những thứ dơ bẩn ấy rơi ra bớt. Kinh tởm, ông ta lấy hết can đảm dùng hai ngón tay cẩn thận cầm nó lên đưa ra xa, sợ chạm vào người mình. Dầu vậy, vị thầy ấy vẫn nhận thấy được tiềm năng và giá trị của miếng vải ấy, ông ta mang về và giặt rửa thật nhiều lần cho thật sạch. Cuối cùng, nước giặt trở nên trong, và phía dưới những lớp bẩn thỉu, dơ dáy ấy là một chất liệu có thể sử dụng ích lợi. Vị thầy ấy thấy rằng, nếu ông có thể tìm được thêm những miếng vải như vậy, ông có thể may được cho mình một chiếc y thật tốt.

Cũng vậy, vì một người nào đó có những lời lẽ lỗ mãng và ác độc, người ấy có thể được xem như là hoàn toàn vô dụng. Ta khó có thể nào thấy được những hạt giống và tiềm năng thương yêu trong họ. Nhưng đây chính là chỗ ta nên thực tập sử dụng những phương tiện thiện xảo. Bên dưới lớp vỏ thô lỗ và cục cằn của người ấy, bạn vẫn có thể tìm thấy được một hạt trân châu sáng chói và tỏa chiếu, nó chính là chân tính của họ.

Một người có thể dùng những lời lẽ thô lỗ đối với người khác, nhưng đôi khi vẫn hành xử rất thương yêu và dịu dàng. Họ có thể là những người "khẩu xà tâm Phật". Đức Phật so sánh hạng người này với một ao nước bị rong rêu phủ kín. Muốn dùng nước ấy, bạn phải biết dùng tay gạt những rong rêu sang một bên. Cũng vậy, đôi khi chúng ta cần bỏ qua những sơ xuất bên ngoài của một người, và nhìn thấy con tim chân thành của họ.

Nhưng nếu có một người có lời nói không dễ thương và cử chỉ, hành động cũng không dễ thương thì sao ?Hạng người này cũng vẫn có một con tim chân thật. Thử tưởng tượng bạn đang đi trên sa mạc. Bạn không mang theo nước, và chung quanh không có nước. Bạn mệt và khát. Mỗi bước đi làm bạn khát thêm và lại càng khát thêm. Bạn tuyệt vọng, cầu mong cho có nước uống. Và lúc ấy, bạn tìm thấy một dấu chân trâu. Trong dấu chân trâu ấy có một chút nước, nhưng không nhiều lắn vì lỗ rất cạn. Nếu bạn lấy tay vốc nước lên, nó sẽ nổi bùn. Trong cơn khát, bạn quỳ và cúi xuống. Từ từ, bạn đưa miệng mình kề sát xuống và húp từ ngụm nhỏ, chầm chậm, không để cho bùn dơ bị khuấy lên. Mặc dù bùn dơ có mặt nhưng nước vẫn trong. Bạn có thể làm hết cơn khát của mình. Cũng với cùng một thái độ cố gắng ấy, bạn có thể tìm thấy được một con tim chân thành trong một người mà hoàn toàn có vẻ như không có chút gì muốn hối cải.

Thiền viện của tôi nằm ở một miền đồi núi thuộc vùng đồng quê tiểu bang West Virginia. Khi trung tâm thiền này mới mở, có một ông hàng xóm ở cuối đường tỏ vẻ dường như không có thiện cảm với chúng tôi. Mỗi ngày tôi thường đi bộ rất lâu, và mỗi khi thấy ông ta, tôi vẫy tay chào, nhưng lần nào ông cũng nhíu mày và quay đi nơi khác. Dù vậy, lần nào gặp ông tôi cũng đưa tay vẫy chào và phóng gửi những tư tưởng từ bi, tốt lành đến cho ông. Tôi không hề nản lòng trước thái độ của ông ta, tôi không bao giờ bỏ cuộc với ông. Mỗi khi gặp ông, tôi vẫy tay chào. Sau chừng một năm trời, thái độ của ông bắt đầu thay đổi. Ông ta không còn nhíu mày nữa. Tôi cảm thấy rất vui. Sự thực tập ban rải tâm từ có lẽ bắt đầu có hoa trái. Một năm sau nữa, khi tôi đi ngang ông trong lúc đi bộ, có một phép lạ xảy ra. Ông lái xe đi ngang qua và đưa một ngón tay lên khỏi tay cầm lái. Và tôi nghĩ : "Ồ, thật là tuyệt vời ! Từ bi quán có hiệu quả quá ! " Và rồi lại một năm nữa trôi qua, mỗi lần gặp ông tôi vẫn vẫy tay chào và chúc lành cho ông. Năm thứ ba, ông giơ hai ngón tay lên về hướng tôi. Và năm kế đó, ông dở lên cả bốn ngón tay khỏi tay cầm lái.

Thời gian vẫn trôi qua. Một ngày nọ tôi đang đi trên đường và gặp ông đang cho xe vào ngõ nhà mình. Lần này ông dở hẳn tay mình lên khỏi tay cầm lái, đưa ra bên ngoài cửa xe, và vẫy lại tôi. Sau đó không lâu,một ngày nọ, tôi gặp ông đậu xe bên một con đường rừng nhỏ. Ông ta ngồi bên phía tay lái và đang hút thuốc lá. Tôi đến cạnh bên ông và chúng tôi bắt chuyện. Lúc đầu chúng tôi nói về chuyện thời tiết, và dần dần, ông bắt đầu kể câu chuyện của ông.

Mấy năm trước đây ông bị một tai nạn rất nặng, một cây to ngã đè lên xe tải của ông. Ông bị gãy hết phần xương lớn trong người và bị hôn mê trong một thời gian rất lâu. Lần đầu tiên tôi gặp ông trên đường, lúc ấy ông cũng mới vừa bắt đầu bình phục. Ông không vẫy tay chào lại tôi không phải vì ông là một người khó chịu, nhưng vì ông không thể cử động hết những ngón tay. Nếu tôi bỏ cuộc thì có lẽ tôi không bao giờ biết được ông là một người tốt như thế nào ! Có một ngày nọ, khi tôi phải đi xa, ông ghé sang trung tâm để tìm tôi. Ông lo lắng vì đã nhiều ngày không thấy tôi đi bộ. Bây giờ chúng tôi là bạn.

Thực hành niệm tâm từ

Đức Phật dạy : "Ta đem tâm quán chiếu khắp thế gian này, và ta không thấy một ai mà lại thương người khác hơn thương chính mình. Vì vậy những ai thương mình nên thực hành niệm tâm từ."Chúng ta thực hành ban rải tâm từ đến chính mình trước, với chủ ý chia sẻ những tư tưởng thương yêu ấy đến cho người khác. Phát triển cảm thụ ấy. Hãy tử tế với chính mình cho thật trọn vẹn.Chấp nhận mình là như vậy. Làm hòa với những khuyết điểm của ta. Ôm ấp và chấp nhận những yếu kém của mình. Hãy từ tốn và tha thứ cho chính mình ngay trong giây phút này.

Nếu có tư tưởng khởi lên, rằng ta phải là như thế này hoặc như thế khác, hãy buông bỏ chúng đi. Hãy để cho những cảm thụ thương yêu và tha thứ này ăn sâu trong ta. Để cho năng lực của tâm từ dâng tràn khắp thân và tâm mình. An nghỉ trong sự ấm áp và tỏa sáng của nó. Và rồi nới rộng cảm thụ này đến với người mình thương, người mình không quen biết, hoặc cũng không thương không ghét- và ngay cả đến những người thù ghét mình nữa !

Tất cả chúng ta hãy tưởng tượng rằng tâm mình được giải thoát ra khỏi mọi ham muốn, sân hận, ganh tỵ và sợ hãi. Để cho những tư tưởng của tâm từ ôm ấp ta và phủ kín ta. Để cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố của thân và tâm ta được thấm nhuần trong tâm từ. Hãy buông thư cơ thể. Hãy buông thư tâm mình. Hãy để cho thân và tâm ta được tràn ngập những ý nghĩ thương yêu. Hãy để cho sự an vui và tĩnh lặng của tâm từ thâm nhập toàn thân ta! Mong sao cho mọi người, mọi loài trong khắp mọi phương, trong khắp cõi thế giớ, đều có trái tim thương yêu. Hãy cầu cho họ có hạnh phúc, hãy cầu cho họ được nhiều hạnh phúc, hãy cầu cho họ có được những người bạn tốt và chân thành. Mong sao cho mọi người và mọi loài đều được sống trong cảm thụ của tâm từ- tràn đầy, cao thượng và vô biên. Mong sao cho tất cả không bị ai thù nghịch, không bị lo âu và sầu khổ.Mong sao cho mọi người luôn sống trong hạnh phúc!

Cũng như việc ta đi bộ, chạy bộ, hoặc bơi lội để giúp cho cơ thể được tráng kiện, sự thực tập niệm tâm từ một cách đều đặn sẽ làm con tim mình được vững mạnh. Lúc đầu, nó có thể là sự thực hành của ta chỉ ở bề ngoài mà thôi. Nhưng khi ta cứ tiếp tục liên tưởng đến những ý nghĩ từ bi một cách đều đặn, nó sẽ trở thành một thói quen, một thói quen rất tốt lành. Theo thời gian, con tim ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, và phản ứng thương yêu của ta sẽ trở nên tự động. Và khi con tim của mình đã được vững chải rồi, ta có thể dễ dàng ban rải tư tưởng từ bi, thương yêu đến những người khó tính nhất.

Mong sao cho những người thù ghét tôi luôn được khỏe mạnh, vui vẻ và an lành. Mong sao cho họ không gặp điều nguy hại nào, không gặp một khó khăn nào. Mong sao cho họ không bao giờ bị đau đớn. Mong sao cho họ lúc nào cũng được thành công.

“ Thành công?” Có người sẽ hỏi: “Làm sao ta có thể cầu mong cho kẻ thù ghét mình thành công được? Nếu như họ muốn giết hại mình thì sao?”

Khi chúng ta mong cầu cho người thù ghét mình được thành công,ta không có ý nói về môt thứ thành công của thế gian, hoặc thành công trong những việc làm bất thiện hay thiếu đạo đức. Chúng ta có ý nói đến sự thành công thuộc về lĩnh vực tâm linh. Rõ ràng là kẻ thù ghét ta không hề thành công về tâm linh, bằng không họ đã không làm những điều gì có thể gây hại cho ta!

Khi chúng ta nguyện cho kẻ thù ghét mình “ Mong cho họ được thành công,” là ta muốn nói rằng “Mong sao cho người thù ghét tôi được thoát khỏi những sân hận, tham lam và ganh ghét. Mong sao cho họ được an vui, dễ chịu và hạnh phúc.” Tại sao một người lại có những hành động tàn nhẫn hoặc không dễ thương? Có lẽ vì người ấy đã lớn kên trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu may mắn. Có lẽ do những nguyên nhân sâu xa nào đó trong cuộc đời người ấy, mà ta không biết đến, đã khiến họ hành xử khó thương như vậy. Đức Phật khuyên ta nên nghĩ đến họ giống như là những người đang bị cơn bệnh khốn đốn hành hạ. Chúng ta có bao giờ bực tức hay giận hờn một người mắc bệnh không? Hay là ta có lòng thương và muốn giúp đỡ người ấy? Có lẽ kẻ thù ghét ta cần nhiều tình thương của ta hơn là những người thân, vì khổ đau của họ lớn hơn gấp bội phần. Vì vậy, họ là những người cần tâm từ của ta nhiều nhất. Chúng ta nên giữ họ trong trái tim mình, như những người thân thương nhất của ta.

Mong sao cho những ai đã làm hại ta sẽ được giải thoát khỏi những ham muốn, sân hận, ganh tỵ và sợ hãi. Hãy để cho những tư tưởng của tâm từ ôm ấp họ và phủ kín họ. Hãy để cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố của thân và tâm họ được thấm nhuần trong tâm từ. Hãy cầu cho họ buông thư cơ thể của mình. Hãy cầu cho họ buông thư tâm mình. Hãy để cho thân và tâm họ được tràn ngập những ý nghĩ thương yêu.Hãy cầu cho sự an vui và tĩnh lặng của tâm từ thâm nhập toàn thân của họ!

Thực tập niệm tâm từ có thể thay đổi được những đường lối suy nghĩ tiêu cực của mình, và củng cố lại những tư tưởng tích cực. Khi ta thực tập niệm tâm từ, tâm ta sẽ được tràn ngập hạnh phúc và an vui. Ta sẽ được an ghỉ. Tâm ta được định. Và khi tâm ta trở nên tĩnh lặng và an vui, mọi sự ghét bỏ, sân hận, và thù hằn sẽ phai mờ đi mất.

Nhưng tâm từ không phải chỉ giới hạn trong tư tưởng. Chúng cần phải được biểu lộ ra thành lời nói và hành động của mình. Ta không thể phát triển tâm từ bằng cách cô lập mình với thế giới chung quanh. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghĩ những tư tưởng tốt lành về tất cả mọi người bạn tiếp xúc mỗi ngày. Nếu có chính niệm, bạn có thể thực hành điều này trong mỗi giây phút bạn tiếp xúc với người khác. Khi bạn gặp một người nào, bạn ý thức rằng, cũng như bạn, người ấy muốn có hạnh phúc và không thích bị khổ đau. Chúng ta ai cũng mong ước điều ấy. Mọi chúng sinh đều muốn điều ấy. Cho đến một con côn trùng nhỏ bé nhất cũng muốn trốn tránh đớn đau. Ý thức được điểm tương đồng này, ta sẽ thấy rằng tất cả mọi sự sống đều rất gần gũi với nhau.

Người đàn bà đứng sau quầy hàng trả tiền, người đàn ông qua mặt bạn trên xa lộ, cặp tình nhân trẻ nắm tay nhau băng qua đường, cụ già ngồi trong chiếc ghế cho bồ câu ăn… Mỗi khi bạn gặp một người nào, loài nào, bất cứ một sinh vật nào, hãy ghi nhớ một điều ấy. Hãy mong ước cho họ được hạnh phúc, an vui và được mọi điều tốt lành. Đó là một sự thực tập có thể thay đổi cuộc đời bạn, và cả những cuộc đời khác chung quanh bạn.

Lúc đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy có một sự chống cự lại sự thực tập này. Sự thực tập dường như hơi gượng ép và giả tạo. Có lẽ bạn không thể nào cảm nhận được những loại tư tưởng ấy. Có lẽ bạn cảm thấy mình có thể dễ dàng phóng tâm từ đến một số người này, và lại cảm thấy rất khó khặn đối với một số người khác. Ví dụ, những đứa bé thơ bao giờ cũng dễ khơi dậy lòng thương yêu trong ta. Hãy học nhận diện những tình cảm tiêu cực của mình và chuyển hóa chúng.

Với chính niệm, từ từ từng chút một ta có thể làm thay đổi được những phản ứng của mình. Phóng gửi tư tưởng từ bi đến một người nào, có thật sự thay đổi được người ấy không? Thực tập niệm tâm từ có thể thay đổi được thế giới này không? Khi bạn phóng tâm từ đến những người ở xa hoặc những người mình không quen biết, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không thể nào biết được ảnh hưởng của nó. Nhưng bạn có thể nhận thấy được ảnh hưởng của việc niệm tâm từ trên sự an vui của mình. Điều quan trọng là sự chân thành trong lời mong cầu hạnh phúc của ta cho kẻ khác. Sự thật là ảnh hưởng ấy xảy ra tức thì. Nhưng chỉ có một cách duy nhất để biết được điều này là tự chính mình hãy thử lấy.

Thực tập niệm tâm từ không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn làm ngơ trước những hành động bất thiện của kẻ khác. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là ta sẽ đáp ứng lại những hành động ấy bằng một đường lối thích hợp. Có một vị hoàng tử tên là Abharaja Kumara, một hôm tìm đến gặp Phật và hỏi là có bao giờ đức Phật đối xử khắt khe với một người khác hay không. Lúc ấy, vị hoàng tử đang bế đứa con nhỏ của mình ngồi trong lòng. Đức Phật hỏi: “Này hoàng tử, giả sử như đứa con này của hoàng tử lấy một miếng gỗ nhỏ bỏ vào miệng và ngậm lại, hoàng tử sẽ làm gì?” Vị hoàng tử đáp: “Nếu nó bỏ một miếng gỗ vào miệng nó, tôi sẽ giữ lấy nó thật chặt và dùng những ngón tay móc vào miệng nó để lấy ra. Dầu nó có la và vùng vẫy mấy đi nữa, tôi cũng sẽ móc cho bằng được miếng gỗ đó ra khỏi miệng, cho dù nó có bị chảy máu.” “Tại sao hoàng tử lại làm như vậy?” “Bởi vì tôi rất thương con của tôi. Tôi muốn cứu mạng sống của nó.” Đức Phật nói: “Cũng vậy đó, hoàng tử! Đôi khi ta cũng phải khắt khe đối với đệ tử của mình, không phải vì ghét bỉ, mà vì tình thương của ta đối với họ.”

Như vậy là tình thương, chứ không phải là lòng sân hận, đã thúc đẩy hành động của ngài. Đức Phật đã cung cấp cho ta năm phương cách để giúp ta đối xử tốt lành với kẻ khác. Đó là năm giới quý báu. Có người cho rằng giới luật làm cản ngăn và giới hạn sự tự do. Nhưng thật ra, chính giới luật đã giải thoát chúng ta. Giới luật giúp ta tránh được những khổ đau mà ta thường gây ra cho chính mình và người khác khi hành xử thiếu chính niệm. Giới luật giúp ta bảo vệ người khác khỏi bị hại, và khi ta bảo vệ người khác là ta cũng đang bảo vệ chính ta! Năm giới quý báu ngăn ngừa chúng ta không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối hoặc nói lời cay độc, và không sử dụng những chất gây say khiến ta hành xử thiếu chính niệm.

Phát triển chính niệm qua thiền tập cũng có thể giúp ta đối xử với người khác bằng tâm từ. Trên tọa cụ, chúng ta theo dõi tâm mình khi có những sự thương ghét khởi lên. Chúng ta học cách thư giãn tâm mình khi các tư tưởng ấy khởi lên. Chúng ta học nhìn thương ghét chỉ là những trạng thái tạm thời, và rồi buông bỏ chúng. Thiền tập giúp ta nhìn cuộc đời dưới một ánh sáng mới và cho ta một lối thoát. Càng thực tập sâu sắc bao nhiêu, ta sẽ càng trở nên khôn khéo bấy nhiêu!

Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Rộng mở tâm hồn
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
CHƯƠNG CUỐI: PHẦN HAI

Đối trị phiền giận


Khi chúng ta giận ai, ta thường trở nên cố chấp và chỉ nhìn thấy được một khía cạnh nhỏ hẹp nào đó của người ấy. Thường thì chỉ trong chừng một vài giây cũng đã đủ để cho ta nói vài lời cay độc, một cái nhìn ghê tởm, một hành động thiếu suy nghĩ… Trong tâm ta, những khía cạnh tốt đẹp khác của người ấy đều bị tiêu tán hết. Tất cả còn lại chỉ là cái phần của người ấy mà đã khơi dậy cơn giận của ta.

Khi ta làm điều này là ta đã chấp giữ và cô lập một phần rất nhỏ nhoi, luôn thay đổi, của một con người toàn vẹn, và rồi xem đó là thật, là cố định. Chúng ta không nhìn thấy hết mọi yếu tố và năng lực đã cấu thành con người ấy. Chúng ta chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất của người đó – cái phần mà đã làm chúng ta nổi giận!

Trong nhiều năm qua, tôi có nhận được nhiều là thư gửi ra từ trong tù, từ những phạm nhân muốn tìm học Phật pháp. Có nhiều người đã phạm những tội rất nặng, như là giết người. Dù vậy, bây giờ họ đã có một cái nhìn khác biệt và muốn thay đổi đời mình. Tôi có nhận được một lá thư chất chứa nhiều tuệ giác và đã làm tôi xúc cảm rất sâu đậm. Trong lá thư, người ấy kể lại những phạm nhân khác thường hay la hét và chế giễu như thế nào mỗi khi thấy người lính canh xuất hiện. Anh ta cố gắng giải thích cho những tù nhân khác rằng người lính ấy cũng là một con người! Nhưng họ đã bị lòng căm thù làm mờ mắt. Tất cả những gì họ thấy chỉ là bộ đồ lính của anh ta, chứ không thấy được một con người phía dưới lớp quần áo ấy!

Khi chúng ta nổi giận đối với một người nào, ta có thể tự hỏi mình như sau: “ Có phải tôi đang giận những sợi tóc trên đầu người đó không? Tôi giận da của người ấy? Hay rằng của người ấy? Bộ óc của anh ta? Trái tim của anh? Tính hài hước của anh? Sự dịu dàng của anh? Tính rộng rãi của anh? Nụ cười của anh?...” Và khi chúng ta chịu bỏ thời giờ ra để xem xét hết tất cả những yếu tối và tiến trình cấu thành người ấy, cơn giận của ta tự nhiên sẽ nhẹ xuống.

Bằng sự thực tập chính niệm, chúng ta học cách nhìn lại mình và người khác được rõ ràng hơn. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta đối xử với kẻ khác bằng một tình thương. Trong mỗi chúng ta là một cốt lõi của sự tốt lành. Trong nhiều trường hợp, như trường hợp của Angulimala, chúng ta không thể nào nhìn thấy được chân tính của họ. Hiểu được ý niệm về vô ngã sẽ giúp con tim ta được nhẹ nhàng hơn, và giúp ta dễ tha thứ hơn cho những hành động khó thương của người khác.

Chúng ta sẽ biết đối xử với chính mình và kẻ khác bằng tâm từ. Nhưng nếu người khác muốn làm hại ta thì sao? Nếu người khác lăng mạ, sĩ nhục ta thì sao? Có thể bạn sẽ muốn trả đũa lại-và đó cũng là một phản ứng bình thường thôi. Nhưng rồi nó sẽ dẫn đi đến đâu? Kệ số 5 kinh Pháp Cú dạy rằng: “ Hận thù không thể tiêu diệt hận thù.” Một phản ứng sân hận chỉ đưa đến thêm nhiều sân hận. Và nếu bạn đem từ bi đáp lại hận thù, sự sân hận của người kia sẽ không thể nào tăng trường. Dần dần nó sẽ phai mờ đi. Cũng bài kệ trên trong kinh Pháp Cú viết tiếp: “Chỉ có tình thương mới diệt được hận thù.”

Một người luôn để tâm thù nghịch đức Phật là Devadatta (Đề-bà –đạt-đa) có bày mưu để giết ngài. Ông xúi giục vua Ajatassattu (A-xà-thế) cho một con voi uống say và thả nó chạy đến nơi mà ông biết đức Phật đang có mặt. Mọi người trên đường thấy con voi say hung hăng như điên cuồng đều hoảng sợ bọ chạy. Gặp đức Phật đi trên đường, họ báo cho ngài hay và bảo ngài nên tránh đi. Nhưng đức Phật vẫn tiếp tục đi tới.Thấy vậy, thầy Ananda, thị giả của Phật, nghĩ rằng mình phải ngăn chặn con voi điên ấy lại. Khi thầy Ananda bước ra chặn phía trước đức Phật để bảo vệ ngài, đức Phật bảo Ananda hãy tránh sang một bên. Sức mạnh của thầy Ananda không thể nào ngăn chặn được con voi say ấy!

Khi con voi say tiến đến gần đức Phật, nó nhấc cao đầu lên, hai tai mở to như hai cánh quạt, vòi nó đưa lên cao một cách điên cuồng. Đức Phật chỉ đứng yên ngay trước mặt nó và phóng rải tâm từ của ngài đến con thú ấy- và con voi say đứng sựng lại.Đức Phật dịu dàng đưa bàn tay của ngài lên, lòng bàn tay hướng về con thú dữ, ban phóng tình thương của ngài đến cho nó. Con voi từ từ quỳ xuống, khuất phục ngoan ngoãn như một con cừu. Chỉ bằng năng lực của tâm từ, đức Phật đã có thể khuất phục được một con thú dữ điên cuồng!

Phản ứng sân hận đối lại với sân hận là một phản ứng có điều kiện. Nó là kết quả của một sự huấn luyện hơn là một bản chất tự nhiên của ta. Nếu khi còn thơ, chúng ta được huấn luyện thực tập kiên nhẫn, dịu dàng và từ tốn, thì tâm từ sẽ trở thành một phần của đời mình. Nó trở thành một thói quen. Bằng không, sân hận trở thành thói quen. Nhưng dù vậy, dầu đã trưởng thành, chúng ta vẫn có thể thay đổi được cái thói quen phản ứng của mình. Chúng ta vẫn có thể tập cho mình phản ứng theo một cách khác.

Có một câu chuyện khác về cuộc đời đức Phật có thể dạy cho chúng ta cách đáp lại những lời nặng nề và sỉ nhục của kẻ khác. Có một người thù nghịch đức Phật, mua chuộc một cô gái điếm tên là Cinca đến để bêu xấu và làm nhục Phật.

Cinca bó những thanh gỗ nhỏ lại và độn vào trong bụng, phía dưới áo, trông giống như một người đang mang bụng chửa. Trong khi đức Phật đang giảng Pháp cho một thính chúng vài trăm người, cô bước ra trước đứcPhật và nói: “Này ông lừa đảo kia. Ông làm bộ như mình là một người thánh thiện để giảng đạo đức cho hàng trăm người này. Nhưng hãy nhìn xem ông đã làm gì với tôi! Tôi mang cái bụng bầu này là do ông đó.”

Đức Phật vẫn điềm tĩnh, không chút tức giận, không thù ghét. Với một giọng đầy từ bi và thương yêu, đức Phật nói với Cinca: “ Này cô kia, ở đây chỉ có cô và tôi biết được việc gì đã xảy ra.” Cinca bị bất ngờ khi nghe câu trả lời của đức Phật. Vì quá lung túng nên khi bước cô bị vấp té. Sợi dây bó những thanh gỗ bị đứt tung và chúng rơi xuống đất. Bụng cô nhỏ lại, và mọi người đều thấy cái mưu chước gian dối của cô. Vài người trong đám đông muốn đánh phạt cô, nhưng đức Phật ngăn lại: “ Đừng làm như vậy! Đó không phải là cách ta đối xử với cô ta. Ta nên đem giáo lý chỉ dạy cho cô ta. Và đó mới là điều thích hợp.” Sau khi nghe đức Phật giảng dạy, tâm tính của cô Cinca hoàn toàn thay đổi. Cô trở nên hiền lành, dễ thương và lòng đầy tâm từ.

Khi có một người nào muốn làm cho bạn tức giận hoặc làm gì để hại bạn, hãy giữ những tư tưởng tốt lành của mình đối với người ấy. Đức Phật dạy: Một người trong tâm tràn ngập những tư tưởng từ bi cũng giống như mặt đất. Người ta có cố gắng làm tiêu hoại đất bằng cách dùng cuốc đào xới lên,nhưng đó chỉ là những việc làm vô ích. Cho dù họ đào xới trọn đời mình, hoặc nhiều đời đi chăng nữa, mặt đất này vẫn không suy suyễn. Quả đất này vẫn còn nguyên vẹn, vẫn tròn đầy. Cũng giống như đất, đối với một người có tâm từ sự tức giận sẽ không thể nào chạm tới được.

Trong một câu chuyện khác về cuộc đời của đức Phật, có một người tên là Akkosina, có nghĩa là “không còn sân hận”. Nhưng thật ra anh ta lại hoàn toàn ngược lại: anhh rất nóng tính. Khi anh ta nghe nói rằng đức Phật không bao giờ nổi giận với bất cứ ai, anh quyết định tìm gặp. Khi thấy đức Phật, anh ta đến trước mặt ngài và bắt đầu chửi rủa thậm tệ, anh dùng đủ mọi từ ngữ xấu xa để sỉ nhục đức Phật.

Sau một hồi, anh ta im lặng vì thấm mệt. Khi ấy, đức Phật hỏi anh có người thân hay bạn bè gì không. Anh ta trả lời: “Có chứ”. Ngài lại hỏi: “Khi anh đến thăm những người ấy, anh có thường mang quà tặng họ không?” Anh đáp:” Lẽ dĩ nhiên, lúc nào ta cũng mang theo quà.” Đức Phật hỏi: “Nhưng nếu họ không nhận quà của anh thì anh làm gì?” “À, thì ta mang về cho mình và gia đình mình hưởng thụ.” Đức Phật nói: “Cũng giống như vậy, hôm nay anh đến đây va mang cho tôi những món quá, nhưng tôi không nhận. Anh hãy mang chúng về nhà cho gia đình của anh.” Với sự kiên nhẫn, khôn khéo và tư bi, đức Phật kêu gọi chúng ta hãy thay đối lối suy nghĩ của mình về những “món quà” tức giận của kẻ khác.

Nếu chúng ta đáp lại những lời lẽ sỉ nhục, giận dữ bằng chính niệm và tâm từ, ta sẽ có thể nhìn được vấn đề một cách trọn vẹn và rõ rệt hơn. Có thể người kia không hề ý thức được những gì mình nói. Có thể những lời ấy không hề có ác ý gì đối với ta. Chúng có thể hết sức thật thà và vô tình. Có lẽ vì tâm trạng của ta lúc nghe những lời ấy không được tốt đẹp lắm. Có lẽ ta không nghe rõ được tất cả hoặc là hiểu lầm ý của người kia. Cẩn thận xem xét lại những gì họ nói cũng là một điều rất cần thiết. Nếu chúng ta vội nổi giận, ta sẽ không thể nào thấy được cái thông điệp phía sau những lời ấy. Có thể người ấy muốn nêu lên một điều gì đó, mà ta cũng cần lắng nghe.

Chúng ta, ai cũng đếu có gặp những hạng người chuyên “chọc tức” mình. Thiếu chính niệm và tâm từ, chúng ta sẽ tự động phản ứng bằng sân hận hoặc ghét bỏ. Với chính niệm, chúng ta có thể thấy được rõ những phản ứng của tâm mình đối với một số lời nói và hành động. Cũng giống như lúc đang ngồi trên tọa cụ, ta có thể theo dõi sự khởi lên của những ham muốn và ghét bỏ. Chính niệm cũng giống như một tấm lưới an toàn, bảo vệ ta khỏi những hành động bất thiện. Chính niệm giúp cho ta có thì giờ, và thì giờ sẽ giúp cho ta có sự chọn lựa. Chúng ta không cần để cho những cảm thụ của mình lôi cuốn đi. Ta có thể đáp ứng bằng tuệ giác thay vì là si mê.

Niệm tâm từ

Niệm tâm từ không phải là những gì chúng ta làm khi ngồi yên một chỗ trên tọa cụ: suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ… Chúng ta cần phải để cho năng lực của tâm từ biểu lộ ra trong mỗi sự tiếp xúc của mình với kẻ khác. Tâm từ là một nguyên lý nền tảng của mọi tư tưởng, lời nói và hành động tốt lành. Với tâm từ, ta sẽ nhận thấy rõ được những nhu cầu của kẻ khác và sẵn sàng để giúp họ. Với tâm từ, ta cảm nhận được một niềm vui chân thật trước sự thành công của kẻ khác.

Chúng ta cần có tâm từ để sống và làm việc hài hòa với những người chung quanh. Tâm từ sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những khổ đau do lòng sân hận và ganh tỵ gây nên. Khi chúng ta nuôi dưỡng được tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, không những ta sẽ làm cho cuộc sống của những người chung quanh được dễ chịu hơn, mà chính cuộc đời ta cũng trở nên an vui và hạnh phúc hơn. Năng lực của tâm từ, cũng giống như ánh sáng mặt trời tỏa chiếu, tác dụng của nó là vô biên và vô tận.

Mong sao cho tất cả những ai đang bị giam cầm, dầu hợp pháp hay không hợp pháp, đang ở trong sự kiềm chế của cảnh sát, trên khắp thế giới, sẽ được đối xử hạnh phúc và an vui.Mong sao cho họ thoát khỏi mọi tham lam, sân hận, thù hằn, ganh tỵ và sợ hãi. Hãy cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi. Hãy đễ cho sự bình an và tĩnh lặng được thấm nhuần toàn thể thân và tâm họ.

Mong sao cho tất cả những ai nằm trong các bệnh viện, đang chịu đựng những khổ đau vì bệnh tật sẽ được nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho họ thoát khỏi mọi đau đớn, sầu khổ, thất vọng, lo âu và sợ hãi. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.
Mong sao cho tất cả những bà mẹ đang sanh nở được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Cầu cho mỗi giọt máu, mỗi tế bào, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố trong toàn thể thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.

Mong sao cho tất cả những đứa trẻ bị lạm dụng và ngược đãi bởi người lớn được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho các em luôn được tràn đầy những tư tưởng từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho các em lúc nào cũng được nhẹ nhàng. Mong sao cho các em được thư thái.Mong sao cho trái tim của các em được dịu êm. Mong sao cho những lời em nói được dễ thương. Mong sao cho các em được thoát khỏi mọi sự sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an.


Mong sao cho tất cả những nhà lãnh đạo đều rộng lượng, tử tế và thương yêu. Mong sao cho họ cảm thông và hiểu được những kẻ bị trị, những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó, bị áp bức và kỳ thị. Mong sao cho trái tim họ yếu mềm trước nỗi khổ của dân chúng. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho mỗi giọt máu, mỗi tế bào, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố trong toàn thể thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi. Hãy để cho sự bình an và tĩnh lặng được thấm nhuần toàn thể thân và tâm của họ.

Mong sao cho tất cà những kẻ bị trị, những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó, bị áp bức và kỳ thị, được nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho họ thoát khỏi mọi đau đớn, sầu khổ, thất vọng, lo âu và sợ hãi. Mong sao cho mọi người ở mười phương thế giới được an lành, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ được kiên nhẫn, can đảm, hiếu biết và sự cương quyết để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và những thất bại trong cuộc đời. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.

Mong sao cho mọi chúng sinh ở mọi nơi, trong bất cứ hình dạng nào, với hai chân, bốn chân, nhiều chân hoặc không chân, đang sinh ra hoặc sắp được sinh ra, trong kiếp này hoặc kiếp sau, đều có được một tâm an vui. Mong sao sẽ không có loài nào lường gạt hoặc khinh miệt loài nào. Mong sao sẽ không có loài nào sát hại loài nào. Đối với tất cả mọi chúng sinh, mong sao cho tôi có được một con tim vô biên, trên, dưới và khắp chung quanh, không bị ngăn ngại bởi thù hận hoặc ganh ghét. Mong sao cho mọi chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và có được một hạnh phúc hoàn toàn.

Tâm từ vượt ra mọi biên giới của tôn giáo, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ và quốc gia. Nó là một quy luật cổ chung và cổ xưa, buộc chặt tất cả chúng ta lại với nhau- không phân biệt ta có một hình dạng nào. Tâm từ cần được thực tập một cách vô điều kiện. Cái đau của kẻ thù ghét tôi cũng là cái đau của tôi. Cái giận của họ cũng là cái giận của tôi. Tâm từ của họ là tâm từ của tôi. Nếu họ vui,tôi cũng vui. Nếu họ an ổn, tôi cũng thấy an ổn. Nếu họ khỏe mạnh, tôi cũng khỏe mạnh. Cũng như chúng ta chia sẻ với nhau những khổ đau không phân biệt, ta cũng nên chia sẻ tâm từ với tất cả mọi người, ở mọi nơi.

Không có một quốc gia nào có thể tồn tại mà không cần nương tựa vào sự giúp đỡ của những quốc gia khác, và cũng không có một cá nhân nào là cô lập. Muốn sinh tồn, chúng ta cần phải có những loài khác, nhất là những loài rất khác biệt với mình. Sự thất đơn giản là như vậy. Chính vì những sự khác biệt ấy mà sự thực tập tâm từ là một điều hoàn toàn cần thiết. Nó là sợi dây buộc chặt tất cả chúng ta lại với nhau!

Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Rộng mở tâm hồn
 

Thiên Không

Active Member
Thành viên BQT
Tham gia
19/4/18
Bài viết
783
Điểm tương tác
212
Điểm
43
duc-phat-nhu-lai-ngoi-thien.jpg
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Top