Đọc sách: CHẾT HAY VÃNG SANH
(Đào Văn Bình)
Vào ngày 08-04-2010 tôi đã có dịp giới thiệu cuốn sách Tu Tại Gia của GS. Lê Thái Ất. Nay do duyên may, lại được hân hạnh giới thiệu cuốn sách mới vừa xuất bản, có tựa đề rất dài Vãng Sanh Tịnh Độ: Làm Thế Nào Để Phân Biệt Được Một Người Chết và Một Người Vãng Sanh Tịnh Độ của BS. Nguyễn Thanh Giản. (Đào Văn Bình)
Vì tựa đề quá dài làm người đọc khó nhớ cho nên tôi mạo muội rút gọn tên sách thành Chết Hay Vãng Sanh Tịnh Độ? để độc giả dễ nhớ hơn.
Sách được ra mắt tại tư gia một thân hữu tại San Jose trong khung cảnh ấm cúng, đạo vị vào ngày 19-12-2010.
Câu hỏi đặt ra ở đây – là một nhà trí thức, suốt đời để tâm nghiên cứu Phật Giáo cũng như các tôn giáo khác, đồng thời bản thân cần mẫn tiến tu, cuối đời sao ông không viết một cuốn sách về Phật Giáo thật “cao viễn” mà lại viết về chuyện rất xưa, “xưa như trái đất” nhưng rất thực tiễn mà ông bà cụ kỵ chúng ta đã làm - đó là phát nguyện và niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh Độ?
Tại cái thế giới hữu hạn và vô thường này, cái chết là chuyện đương nhiên “Nhân sinh tự cổ tùy vô tử”. (Nguyễn Công Trứ)
Một ngày, một giờ, một phút trên hành tinh này không biết bao nhiêu người từ giã cõi đời, mà thần thức không biết phiêu bạt về đâu?
Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh? Khi hồn đã lìa khỏi xác thì dù có trăm, ngàn giáo sĩ cầu nguyện van vái cũng chẳng ăn thua gì.
Lúc sống chẳng lo, lúc chết lo sao kip? Cũng như sĩ tử đi thi, chẳng lo “dùi mài kinh sử” khi vào trường thi, trống đánh thùng thùng thì hồn vía lên mây, bụng dạ, chữ nghĩa đâu mà làm bài thi?
Chính vì xót thương chúng sinh mà Đức Phật đã chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ để chúng sinh, với cuộc sống quá bôn ba, bận rộn, đôi khi lười biếng, chỉ cần Niệm Phật cũng có thể vượt qua ba ác đạo và thẳng tiến lên Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà hay vãng sinh Tịnh Độ cũng thế.
Theo sự hiểu biết của tôi và cũng là nội dung của cuốn sách này, đồng thời cũng là sự chỉ dạy của Chư Tổ, cầu vãng sinh không phải là cầu cho chết sớm mà là cầu sống thư thái, nhẹ nhàng, đạo hạnh.
Người cầu Vãng Sinh từ từ dứt bỏ hoặc dứt bỏ ngay những ràng buộc, muộn phiền làm khổ ta và khổ người, nhất là lúc lâm chung.
Người cầu Vãng Sinh không bao giờ Sợ Chết, không nuối tiếc ảo ảnh quá khứ mà ngay sau khi chết, hoan hỉ tiến lên Thế Giới Cực Lạc của Phật A Di Đà để “đồng cư” với các bậc hiền thánh khác, tiếp tục cuộc hành trình cao cả là tiến lên Phật quả mà mình không đủ khả năng hoàn tất ở Thế Giới Ta Bà.
Chúng ta hãy nghe tác giả giải thích “Xin nhắc lại là tất cả mọi người đều cũng có cơ hội đó. Nếu ta biết nắm lấy cơ hội đó thay vì chỉ suy nghĩ , mong cầu, tiếc nuối hoặc ước vọng lang bang thì cơ hội đó sẽ mất không tìm thấy một lần thứ hai.
Vậy thì cơ hội đó là lúc nào? Đó là lúc ta ngáp ngáp trên giường bệnh. Lúc đó thật đau đớn, thật hoang mang, thật nuối tiếc, thật hối hận nếu đã tạo một lỗi nặng, thật lo ngại nếu những người thân chưa ổn định được cuộc sống. Nhưng dù có những vấn đề được đặt ra, chúng ta cũng không thể làm được bất cứ điều gì cả ngay ở thời điểm đó. Vậy tốt hơn hết là bỏ hết…
Đó chính là lúc ta thoát khỏi cái Ngã và tâm ta quyết hướng dẫn ta đi theo Đức Phật A Mi Đà, (*) Đức Đại Thế Chí, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Các ngài sẽ đón ta lúc sắp lâm chung dưới hình thức những hóa thân hoặc những luồng ánh sáng rõ ràng.” (Tr. 12 & 13)
Để làm nòng cốt cho cuốn sách, tác giả đã trình bày bốn Lá Thư Tịnh Độ của chính tác giả gửi cho Cư Sĩ Diệu Âm ở Úc Châu vào năm 2007 để luận bàn về vãng sinh.
- Trong lá thư thứ nhất, tác giả viết “Gần đến ngày đó (vãng sinh) có người tổ chức một đạo tràng niệm Phật, có người mở tiệc chay ăn mừng lúc chia tay những người thân dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người.” Rồi “Ánh sánh tiếp dẫn của Đức A-Mi-Đà và các vị Bồ Tát được nhiều người nhìn thấy, có quay Video. Có thân nhân còn cảm thấy mùi thơm. Thân xác người chết sau bốn giờ trở lên vẫn còn mềm mại, hồng hào thay vì nét mặt kinh hoàng…” (tr. 23)
Và về phương diện y khoa, “Người ta dùng cách đo nhiệt độ trên thân thể người sắp chết và người chết rồi để biết được người nào vãng sanh.” (tr. 24)
- Trong lá thư thứ hai, tác giả đề cao pháp môn niệm Phật, pháp môn duy nhất để vãng sinh Tịnh Độ. Nhưng tác giả nhắn nhủ hai điều: Thứ nhất, vãng sinh không có nghĩa là trả hết nghiệp. Thứ hai, “Nếu ta cầu xin vãng sinh mà còn sợ chết thì chữ Tín (trong Tín, Nguyện, Hành) kể như chưa nghiêm túc lắm” (tr. 29), tức bán tín, bán nghi.
Một giải đáp quan trọng khác trong lá thư thứ hai này là “Nếu chúng ta coi Tịnh Độ là 100% sức tu trì của chúng ta thì Thiền, Mật Tông, Sám Hối có cần thiết nữa không? Tôi cho rằng vẫn cần thiết vì nó hỗ trợ cho hạnh nguyện vãng sanh của chúng ta chứ không có sự đối nghịch nào ở đây.” (tr. 30)
-Trong lá thư thứ ba, vào ngày Chủ Nhật, đi chùa, sau hai tiếng đồng hồ qùy dưới Phật đài đọc Tứ Hoằng Thệ Nguyện (**), tác giả luận bàn với một số bạn đạo và họ thường hỏi nhau “Hiện nay vấn đề quan trọng nhất của đời mình là gì?” (tr. 42)
Tất cả đều đồng ý là “Không ai muốn trở lại làm người nữa.” (tr. 42) Điều này hoàn toàn đúng. Những ai đã từng tin Phật, đã từng đọc sách Phật đều sợ hãi cuộc sống nơi cõi Ta Bà này kể cả những người đã tột đỉnh vinh hoa, phú quý.
Đến như Cụ Nguyễn Công Trứ, đã làm tới đại tướng rồi mà còn phải thốt lên:
Kiếp sau xin chớ làm người.
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Chứ đừng nói chi đến những người bình thường phải chạy vạy tối tăm mặt mũi để vươn lên trong cuộc sống đầy khổ lụy này. Mà muốn không trở lại làm người để xoay vần trong thế giới ngũ trược, ác thế này nữa, với sức lực quá yếu kém của chúng ta, không còn cách gì khác hơn là dựa vào tha lực, tức sự tiếp độ của Phật A-Mi-Đà.
- Trong lá thư thứ tư, tác giả khẳng định niềm tin kiên cố, hành trì niệm Phật, giữ giới rất quan trong cho sự vãng sinh.
Phần kế tiếp tác giả giới thiệu hai bộ kinh A Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ và 48 Hạnh Nguyện của Phật A Di Đà - trụ cột của pháp Tịnh Độ. Rồi Kinh Thủ Lăng Nghiêm (phần Niệm Phật Viên Thông), Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát).
Bên cạnh đó, tác giả khuyến khích mọi người ăn chay để giảm bớt hoặc chấm dứt nghiệp sát sinh để con đường tiến vào Tịnh Độ giải thoát thênh thang rộng mở.
Có lẽ phần quan trọng nhất của cuốn sách này nằm trong chương Tóm Tắt Phép Tu Của Tôi và chương Hỏi - Đáp từ trang 136 tới trang 151.
Chương Tóm Tắt Phép Tu Của Tôi: Tác giả tâm tình “Tôi đã chọn sau khi sau khi nghiên cứu rất kỹ không những Đạo Phật mà cả các tôn giáo khác nữa. Tôi đã chọn và không xem sự lựa chọn của tôi là đúng nhất…Tôi đã chọn pháp môn niệm Phật sau khi đã thử khá nhiều các phương thức khác.” (tr.136)
Thế nhưng bên cạnh việc Niệm Phật, tác giả thầy cần “Làm các việc tốt đẹp có nghĩa là ta phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và mở mang trí tuệ.” (tr. 139).
Lời nhắn nhủ sau cùng là “Nếu ta còn chấp ngã nặng, còn tự ái tối đa là ta còn rất khó vãng sanh.” (tr. 142).
Chương Hỏi-Đáp: Có những đoạn vấn đáp rất hay. Tôi xin trích ra một vài đoạn.
Hỏi: “Một tín đồ ngoại đạo hỏi rằng, ta xin dựa vào sức gia trì của Phật A-Mi- Đà để được vãng sanh Tịnh Độ thì cũng chẳng khác gì chúng tôi xin Thượng Đế để vãng sanh ở cõi trời. Vậy khác nhau ra sao?”
Đáp: “Khác nhau là người Phật tử cầu xin Đức Phật A-Mi- Đà nhưng thật ra không phó mặc hoàn toàn cho Phật mà niệm Phật là dựa vào Phật A-Mi- Đà để khơi dậy cái phần Phật tính trong mỗi tâm chúng ta. Phần Phật tính này đã có sẵn, sẽ được Phật A-Mi-Đà đưa về cõi Tịnh Độ."
Hỏi: “Đạo Phật có phải là một tôn giáo bi quan, yếm thế không?“
Đáp: “Nhất định là không. Đức Phật thấy đời là bể khổ nên chỉ dẫn cho ta vượt ra ngoài. Ngài hướng dẫn cho chúng ta có một Thân Tâm An Lạc, như vậy sao gọi là bi quan, yếm thế được!”
Tôi hoàn toàn đồng ý với lý giải của tác giả. Bi quan yếm thế là thấy đời toàn là một mầu đen và không lối thoát. Bày ra những lối thoát để con người vượt qua những bất hạnh của cuộc sống, rồi làm thăng hoa hay “nở hoa” cuộc sống thì đó là đạo cao thượng chứ không phải đạo yếm thế.
Trong một đoạn hỏi đáp khác, theo kinh điển Phật Giáo, tác giả khẳng định rằng không có một “linh hồn” bất biến và cố định như quan niệm của một vài tôn giáo khác. Mà nó là tập hợp của Thọ, Tưởng, Hành, Thức tùy duyên mà biến hiện.
Nó “Biến thành Trí rất kém cỏi ở loài súc sinh. Biến thành Trí rất đói khát ở loài Ngạ Quỷ. Biến thành Trí rất đau khổ ở Địa Ngục. Biến thành trí vất vưởng nơi cuối bãi đầu ghềnh như nhà thần giao cách cảm (ngoại cảm) Phan Thị Bích Hằng nói về thần thức của một cán binh chết chết chôn ở một bãi cát nhưng lại là nhà tắm của một nông dân. Dù hài cốt đã dời về quê nhưng đam mê của anh ta cứ mãi kéo hồn anh lưu luyến nơi này để lén nhìn cô gái tắm truồng. Nhưng cũng thần thức đó nếu do tu hành mà lên được Cõi Tịnh Độ thì tâm linh đó biến thành bốn trí: Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát Trí, Bình Đẳng Tánh Trí và Đại Viên Cảnh Trí.” (tr. 148) Hay nói khác hơn đó là trí tuệ của chư Phật.
Ở phần cuối, tác giả giới thiệu một số bài đọc thêm như Ý Nghĩa Tràng HạtLời Khai Thị của Đại Sư Ấn Quang.
của Tỳ Kheo Thích Phước Thái,
Lời Kết
Sách không dày, chỉ 173 trang, chữ lớn cho các bậc cao niên dễ đọc, lời văn chân tình, mộc mạc, bày tỏ quyết tâm của tác giả lúc lâm chung sẽ không sa vào ba ác đạo Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, cũng không muốn sinh lên Cõi Trời hưởng dục lạc mà chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi, ngay từ bây giờ chuẩn bị Vãng Sinh Tịnh Độ, “tạm cư” ở Tịnh Độ để tiếp tục tu hành và có thể 1 triệu 600 năm nữa “Cho đến khi Đức Di Lặc ra đời, chúng ta sẽ cùng xuống thế với Ngài – cũng như nhiều vị cao minh khác đã từng xuống thế với Phật Thích Ca” để thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát.
Sách in để biếu tặng tất cả các Phật tử thân kính, không bán. (***)
Quý vị muốn có sách xin liên lạc với tác giả theo địa chỉ:
BS. Nguyễn Thanh Giản
2304 Monte Vista Dr.
Pinole, CA 94564
ĐT: (510) 758-0346
California 19-12- 2010
(*) Trong suốt cuốn sách tác giả dùng danh từ A-Mi-Đà Phật thay vì A Di Đà Phật với lý do giải thích nơi trang 36: “Cả hai cách gọi đều đúng. Cách gọi thứ nhất (A-Mi-Đà) thì giống âm hơn. Người Tàu gọi là Amituofo. Còn cách thứ hai A Di Đà Phật đã có từ ngàn xưa và xem ra vẫn có hiệu quả đưa ta về Cực Lạc”(**)Tứ Hoằng Thệ Nguyện bao gồm: Chúng sanh vô biên nguyện độ tận. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô thượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
(***) Dù sách biếu không, cũng xin quý vị gửi theo cước phí để chia xẻ gánh nặng với tác giả nếu phải gửi biếu vài trăm cuốn.