Cốt yếu của Pháp Niệm Trì Danh Hiệu Phật

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
715
Điểm
113
Còn gọi là Bản Nguyện Niệm Phật, là tin sâu sắc nơi bản nguyện tiếp dẫn độ sanh của Phật A Di Đà, không bỏ sót bất kì chúng sanh nào có duyên với Ngài. Theo đó niệm Phật, Ngài tiếp dẫn hết thảy không bỏ một ai.

VNBN xin giới thiệu Tư Tưởng này bởi Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân. (Sơ Tổ Tịnh Độ Tông Nhật Bản)


NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

CÁC HẠNH VÃNG SANH, NIỆM PHẬT ĐỆ NHẤT

1) Thánh Đạo Môn tuy thâm diệu, nhưng thời điểm và căn cơ chẳng tương ứng. Tịnh Độ Môn hình như là nông cạn, nhưng thời điểm và căn cơ đều tương ứng. Thời Mạt Pháp một vạn năm, các kinh điển khác đều tiêu diệt, chỉ còn pháp môn niệm Phật A Di Đà để cứu độ chúng sanh.

2) Tông Tịnh Độ siêu hơn các tông. Hạnh Niệm Phật siêu hơn các hạnh. Bởi vì thâu nhiếp tất cả các cơ vậy.

3) Chẳng luận có tội hay vô tội, chẳng kể là trì giới hay phá giới, nếu căn cứ vào thời điểm và căn cơ thì chỉ có pháp môn Tịnh Độ (Hạnh Niệm Phật) là yếu pháp để thoát khỏi sinh tử trong đời này.

4) Để đời này thoát khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Để được vãng sinh Tịnh Độ, không gì hơn Niệm Phật.

5) Tu Niệm Phật để cầu vãng sinh Tịnh Độ, thì tương ứng với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà. Tu các hạnh khác để cầu vãng sanh Tịnh Độ thì mâu thuẫn với tâm của Đức Thích Ca, Đức A Di Đà.

6) Để được vãng sinh cõi Cực Lạc, thì dù diệu hạnh gì chăng nữa cũng không hơn niệm Phật. Vì sao thế? Vì niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà vậy.

7) Ngoài niệm Phật, tất cả hạnh khác đều chẳng tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Bởi vậy, tuy là diệu hạnh cũng không bằng niệm Phật. Muốn được sinh sang cõi nước đó, nên thuận theo Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà.

8) Niệm Phật là hạnh tương ưng với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng thành. Các hạnh khác chẳng tương ưng Bổn Nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để mười phương chư Phật hộ niệm.

9) Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ chép rằng: “Quang minh soi chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp không rời các chúng sinh niệm Phật ”. Quang minh của Đức A Di Đà chỉ soi chiếu người niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác. Bởi thế người cầu sinh sang cõi Cực Lạc phải biết Niệm Phật là trọng yếu.

10) Bổn Nguyện thâm trọng sau năm kiếp tư duy chép trong kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ là: “Chẳng kể thiện hay ác, chẳng quản trì giới hay phá giới, chẳng tính tại gia hay xuất gia, chẳng luận có trí hay không có trí. Chỉ pháp Đại Bi Bình Đẳng, nay đã thành Phật ”. Trụ vào cái Tâm Tha Lực ( nguyện lực của Đức A Di Đà) mà Niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc, đã được dự vào sự nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà.

11) Niệm Phật không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức gì cả.

12) Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng Danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc ”, do đó chí tâm niệm Phật để cầu vãng sinh.

13) Niệm Phật lấy không hình thức làm hình thức. Chỉ biết rằng thường niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sinh sang cõi Cực Lạc.

14) Vấn đề niệm Phật tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng xưng Lục Tự Hồng Danh ( NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ) thì đã bao hàm tất cả.

15) Niệm Phật chẳng phải là quán Pháp Thân Phật, chẳng phải là quán tướng hảo của Phật. Chỉ một lòng chuyên xưng danh hiệu Đức A Di Đà, đó là niệm Phật.

16) Chỉ biết rằng: “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”. Ngoài ra không cần nghĩ gì khác.

17) Tất cả căn cơ cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật để vãng sinh. Cái thân hiện nay do túc nghiệp đời trước mà có, nên trong đời này không thể thay đổi. Như người nữ mà muốn đổi thành người nam trong đời này thì không thể được.

Cứ tùy theo thiên tính mà niệm Phật. Người trí thì lấy trí mà niệm Phật vãng sinh. Người ngu thì dùng ngu mà niệm Phật vãng sinh. Có đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Không đạo tâm cũng niệm Phật vãng sinh. Người có tà kiến cũng niệm Phật vãng sinh.

Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng, bậc có từ bi, hạng không có từ bi, do BỔN NGUYỆN KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ, hễ niệm Phật thì đều được vãng sinh.

18) Hỏi: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật hơn kém ra sao? Đáp: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật công đức bằng nhau không có hơn kém. Hỏi: Chỗ này quả thật tôi không hiểu. Vì sao người xuất gia không gần đàn bà, ăn chay trường mà niệm Phật, do đó rất đáng quý. Người tại gia thường hay nghĩ đến sắc dục, ăn thịt uống rượu mà niệm Phật, hẳn nhiên là thấp kém. Làm sao mà bằng nhau được? Đáp. Công đức bằng nhau không có hơn kém. Vì sao vậy? Người không biết BỔN NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ mới có nghi vấn này!

19) Anh Cát Đằng (một đệ tử tại gia thuộc hạng hạ lưu của Ngài) cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Pháp Nhiên nầy cũng mong Phật cứu độ mà niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Hai bên hoàn toàn không khác gì nhau.

20) Niệm Phật của Pháp Nhiên nầy với niệm Phật của anh Cát Đằng hoàn toàn như nhau. Nếu cho rằng không giống nhau, là hoàn toàn không biết ý nghĩa của niệm Phật vậy. Như lấy gấm vóc mà gói vàng ròng, hoặc lấy vải dơ mà gói vàng thì cũng là vàng ròng cả.

21) Hỏi: Niệm Phật khi tâm thanh tịnh với niệm Phật khi tâm động hơn kém ra sao?

Đáp: Công Đức bằng nhau, không có gì sai khác!

22) Hỏi: Tôi tuy niệm Phật mà tâm cứ tán loạn không biết làm sao đây?

Đáp: Chuyện đó thì Pháp Nhiên nầy cũng làm không nổi!

23) Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được. Cũng chính vì thế mới gọi là Pháp Môn Dễ Tu.

24) Đã sinh làm người trong cõi dục giới tâm địa nầy thì tâm đều tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sinh được thì thật là vô lý.

Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh, đó là chỗ đáng quý của BỔN NGUYỆN vậy.

25) Chẳng phải thanh tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp chướng nầy rồi mới niệm Phật, mà do thường niệm Phật thì tội chướng tiêu diệt.

26) Dù trọng tội vô gián (ngũ nghịch) cũng không thể thắng công đức xưng Danh. Thanh bảo kiếm là Danh hiệu Đức A Di Đà, hễ trì niệm thì ma duyên không gần được. Thường xưng niệm Danh hiệu Ngài thì tội chướng tiêu diệt.

27) Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sinh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.

28) Lấy người Niệm Phật mà thí dụ cho hoa sen, vì hoa sen là nghĩa không ô nhiễm. Đối với Danh hiệu của Bổn Nguyện Thanh Tịnh (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) thì sự dơ bẩn của thập ác, ngũ nghịch không thể làm ô nhiễm được nên mới thí dụ như thế.

29) Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn… mà chỉ chuyên cần xưng Danh hiệu. Nếu thường xưng Danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Bởi thế:

“ Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi thiện tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.

Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật ”.

Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sinh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên.

30) Trong nhãn quan của Pháp Nhiên thì:

“ Tam tâm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Ngũ niệm cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Tứ tu cũng là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ”.

31) Người làm biếng Niệm Phật là người đánh mất đi vô lượng châu báu.

Người siêng năng Niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt.

Nên dùng cái tâm cầu vãng sinh mà tương tục Niệm Phật.

32) Danh lợi là dây trói của sinh tử, là lưới sắt để vướng vào ba đường dữ. Xưng Danh là đôi cánh của vãng sinh để lên chín phẩm liên đài.

33) Chúng ta là người bị kẻ thù “tham, sân, phiền não” cột trói mà giam hãm trong lồng chậu tam giới. Hãy nghĩ đến lòng từ bi của Cha Lành A Di Đà, dùng thanh bảo kiếm Danh hiệu mà chặt đứt dây trói sinh tử, lên con thuyền Bổn Nguyện để vượt biển luân hồi, đến bờ Giác Ngộ.

Nước mắt hoan hỷ rơi ướt áo, lòng mong mỏi không nguôi.

34) Đã được thân người khó được, nếu tương lai để rơi vào ba đường dữ thì đáng buồn, đáng tiếc vô cùng.

Chán cõi dơ, ưa Tịnh Độ, bỏ ác tâm, phát thiện tâm thì được tam thế Chư Phật tùy hỷ.

Con đường để ra khỏi sinh tử tuy chẳng giống nhau, nhưng trong thời mạt pháp thì Xưng Danh Đức Phật A Di Đà là hơn cả.

Hạng tội chướng nặng nề ngu si ám độn đi nữa, nếu chịu trì Danh thì sẽ được vãng sinh, vì tương ưng Bổn Nguyện nhiếp thọ của Đức Phật A Di Đà vậy

Tội chướng nặng nề hãy đừng mặc cảm, vì ngũ nghịch; thập ác cũng được vãng sinh. Dù mười niệm hay một niệm đi nữa, hễ chí tâm thì Phật lai nghinh.

35) Hạnh Trì giới (mà không xưng Danh Hiệu A DI ĐÀ PHẬT cầu sinh Tịnh Độ) chẳng phải là hạnh mà Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà nhiếp thọ, do đó cứ theo khả năng của mình mà giữ là được rồi. Điều quan trọng là chuyên cần Niệm Phật.

36) Chẳng kể là phá giới hay giữ giới, giàu hay nghèo, căn cơ cao hay thấp. Hễ xưng niệm Danh hiệu Ngài thì như gạch ngói biến thành vàng ròng. Ngài nhất định lai nghinh.

Đó là thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà.

37) Người Niệm Phật dù không có chút thiện căn gì khác đi nữa, vẫn chắc chắn được vãng sinh.

Hỏi: Niệm Phật mà không phát bồ đề tâm thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không giữ giới thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không có trí tuệ thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà vọng niệm không ngừng thì làm sao được vãng sinh?

Đáp: Hỏi như vậy là vì không biết và hiểu kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ.

38) Phật có đại nguyện tiếp dẫn, chúng ta có lòng muốn sinh sang đó, làm sao mà chẳng toại nguyện vãng sinh?

39) Nếu đi bằng thuyền thì người sáng mắt hay kẻ đui mù đều có thể đến bờ bên kia.

Tuy có con mắt trí tuệ mà không Niệm Phật thì không phù hợp với Nguyện Lực.

Tuy ngu si ám độn mà có thể Niệm Phật xin được nương vào Nguyện Lực của Phật để được vãng sinh.

40) Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sinh mà Niệm Phật. Đó gọi là Tha Lực Niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sinh là điều sai lầm rất lớn.

41) Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ, mà chỉ nên dùng miệng xưng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và phát khởi cái tâm quyết định! Nương Phật Thệ Nguyện chắc chắn vãng sinh!!!

42) Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà vãng sinh là ý chánh (mục đích chính) của Bổn Nguyện.

43) Thâm tâm tức là cái tâm tin sâu. Tin sâu điều gì? Tin rằng: Hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém, nhờ tin vào Nguyện Lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc 100 năm, hoặc 45 năm, 20 năm, 10 năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, hoặc 1 ngày, cho đến 10 niệm, 1 niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh.

Tóm lại, đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là “Thâm Tâm”.

44) Tuy được nghe Danh Hiệu mà không tin thì cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không xưng niệm thì cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng Niệm Phật.

45) Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà là thệ nguyện dùng Danh Hiệu của Ngài để tiếp chúng sanh tội chướng. Do đó, người Niệm Phật (xưng danh hiệu Ngài) thì sẽ được lai nghinh. Đạo lý này tuyệt đối không thể nghi ngờ.

46) Hỏi: Chỉ xưng Danh một niệm mà có thể diệt được trọng tội ngũ nghịch, thập ác ư? Đáp: Đừng nghi!

47) Khi tạo ngũ nghịch mà được nghe Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà thì hỏa xa (cảnh địa ngục) tự nhiên biến mất, liên đài hiện đến lai nghinh.

Người tội chướng nặng nề không có phương tiện gì khác để giải thoát, do xưng Danh Hiệu được vãng sinh Cực Lạc. Đó là nhờ vào Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà.

48) Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung với Niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn?

Đáp: Giống nhau!

49) Phút lâm chung, nỗi khổ của cái chết bức bách, thân thể chịu vô lượng thống khổ, giống như trăm nghìn lưỡi dao đâm vào. Mắt mũi bỗng nhiên mờ mịt, muốn thấy cũng không thể thấy. Miệng lưỡi co cứng, muốn nói cũng không nói được.

Đây là tứ khổ trong tám sự khổ của kiếp người, dù người tu Niệm Phật, tin Bổn Nguyện, cầu vãng sinh chăng nữa cũng khó tránh khỏi nỗi khổ nầy. Nhưng dù mờ mịt, đến khi tắt thở, do Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ thành chánh niệm mà vãng sinh.

Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, điều nầy người khác không biết được, chỉ có Phật và người tu Niệm Phật biết được mà thôi.

50) Người Niệm Phật mà có lòng cầu vãng sinh và không nghi A Di Đà Phật Bổn Nguyện thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh.

Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.

Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chân chánh niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.

51) Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát.

52) Tuy biết rằng: “Dù tội ngũ nghịch cũng không chướng ngại vãng sinh” nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm.

Tuy biết rằng “một niệm cũng đủ” nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng sinh mà niệm suốt một đời.

53) Hỏi: Vì Bổn Nguyện không loại trừ kẻ ác, nên người ta đều muốn tạo ác nghiệp, làm sao đây?

Đáp: Phật A Di Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng người tạo ác nghiệp thì chẳng phải là đệ tử của Phật.

Tất cả Phật Pháp là để chế phục điều ác, vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được, nên khuyên Niệm Phật để diệt tội.

54) Đức Phật A Di Đà thương xót tất cả chúng sinh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành thì Ngài vui, thấy kẻ ác thì Ngài thương xót.

55) Đáng thương thay! Thiện tâm tùy năm mà giảm, ác tâm theo ngày mà tăng!

Người xưa nói: “Phiền não như ảnh tùy thân, muốn bỏ mà không xong. Bồ Đề như trăng trong nước, muốn lấy mà không được”.

56) Hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn. Nên hổ thẹn là mình không có tín tâm!

57) Người tu Tịnh Độ trước hết nên biết hai điều nầy:

“Vì người có duyên dù phải bỏ thân mệnh, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Độ.

Vì sự vãng sinh của mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm Phật”.

Ngoài hai điều trên không tính toán gì khác.

58) Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ.

Sống một mình không Niệm Phật được thì ở chung mà Niệm Phật. Sống chung không Niệm Phật được thì ở một mình mà Niệm Phật. Tại gia mà không Niệm Phật được thì xuất gia mà Niệm Phật. Xuất gia mà không Niệm Phật được thì tại gia mà Niệm Phật. Sống giữa đời không Niệm Phật được thì trốn đời mà Niệm Phật. Trốn đời không Niệm Phật được thì sống giữa đời mà Niệm Phật.

59) Nguyện rằng người tu Tịnh Độ gặp bệnh hoạn nên vui!

60) Thành Phật tuy khó nhưng cầu vãng sinh thì dễ được. Nhờ sức Bổn Nguyện làm cường duyên, nên tuy là phàm phu mà được vãng sinh Báo Độ (Thực Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ).

61) Một vị tăng ở Trấn Tây đi hành cước, khi đi ngang Cát Thủy Lư, ra mắt Pháp Nhiên Thượng Nhân, gặp lúc ngài đang Niệm Phật ở đạo trường nên thị giả tiếp khách.

Vị tăng hỏi: Trong khi xưng Danh hiệu, có nên để tâm mình vào tướng hảo của Phật hay không?

Thị giả đáp: Quả thật là nên.

Vừa lúc ấy ngài mở cửa đạo trường và nói: “Nguyên Không nầy (một pháp danh khác của Ngài) thì chẳng vậy. Hãy nhớ rằng kinh dạy: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi dù chỉ có mười lần, nếu chẳng được vãng sinh, tôi sẽ không ở ngôi Chánh Giác”. ( Kinh PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ).

Và Tổ Thiện Đạo dạy: “Đức Phật kia (Đức A Di Đà) nay đang tại thế thành Phật. Bởi thế nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm thì tức nhiên được vãng sinh”. Theo thiển ý, dù quán tướng hảo của Phật chăng nữa cũng chẳng phải như thuyết quán.

Chẳng bằng nương tựa Bổn Nguyện, miệng xưng Danh hiệu là hơn cả, vì đó là hạnh chân thực ( hạnh tương ưng với Bổn Nguyện).

62) Có người hỏi rằng: Nhật khóa xưng danh sáu vạn, mười vạn lần mà chẳng như pháp: so với xưng danh hai vạn, ba vạn lần mà như pháp. Bên nào tốt hơn?

Ngài đáp: Hạng phàm phu loạn tưởng xưng danh ít lần mà như pháp tu hành, sự thật rất là khó. Chẳng bằng nhật khóa xưng danh cho nhiều. Chỗ trọng yếu của xưng danh là để tâm niệm tương tục, Niệm Phật không ngớt miệng là đủ, cần gì phải cho là như pháp hay chẳng như pháp ư!

63) Hỏi: Thường nghĩ đến chuyện “Bỏ ác tu thiện” mà Niệm Phật, so với thường nghĩ đến ý chỉ của Bổn Nguyện mà Niệm Phật. Điều nào hay hơn?

Đáp: Bỏ ác tu thiện tuy là lời răn chung của chư Phật, nhưng hạng phàm phu thời mạt pháp như chúng ta thường làm ngược lại!

Nếu chỉ tự mình mà chẳng nương vào Bổn Nguyện thì e rằng khó mà ra khỏi sinh tử.

64) Hỏi: Thiện Đạo Hòa Thượng cho rằng Thánh Đạo môn là giáo pháp phương tiện, xuất phát từ đâu?

Đáp: Cuốn PHÁP SỰ TÁN chép:

“ Như Lai xuất hiện nơi ngũ trược.

Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh.

Hoặc nói “đa văn” mà được độ.

Hoặc thuyết “tiểu giải” chứng tam minh.

Hoặc dạy “phước huệ” cùng trừ chướng.

Hoặc giáp “thiền niệm” ngồi tư duy.

Tất cả pháp môn đều giải thoát.

Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”.

Hỏi: Đã nói rằng: “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, sao lại lấy đoạn văn nầy làm chứng cứ?

Đáp: Ở trên nói: “Tùy nghi phương tiện dạy chúng sanh”, kế đến là “Tất cả pháp môn đều giải thoát”, và cuối cùng là “Không hơn Niệm Phật vãng Tây Phương”. Rõ ràng là ngoài Niệm Phật vãng sinh ra, tất cả đều là phương tiện.

65) Thánh Đạo Môn (các tông phái khác) đều tu cái “nhân” của tam thừa, tứ thừa để được cái “quả” của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh Niệm Phật. Còn trong Tịnh Độ Môn thì các hạnh (đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng…) và hạnh Niệm Phật đều là “nhân” để vãng sinh nên có thể so sánh.

Nhưng các hạnh đều chẳng phải tương ưng với A Di Đà Phật Bổn Nguyện, do đó quang minh của Đức A Di Đà chẳng thu nhiếp, mà Đức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế Thiện Đạo Đại Sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”.

66) Các Đại sư hoằng dương Pháp môn Tịnh Độ thời nào cũng có nhiều, tất cả đều khuyên người tu Tịnh Độ phát Bồ Đề Tâm và đều lấy hạnh “Quán Tưởng” làm chánh. Chỉ duy một mình Đại sư Thiện Đạo cho rằng không phát Bồ Đề Tâm cũng được vãng sinh và nhận định rằng hạnh “Quán Tưởng” chỉ là trợ nghiệp cho hạnh “Xưng Danh” mà thôi. Theo thiển ý, người tu Tịnh Độ nếu không tuân theo ý của Ngài Thiện Đạo thì e rằng khó được vãng sinh. Hãy ghi nhớ!

67) Một đệ tử hỏi: Nếu trí tuệ là điều cần yếu để vãng sinh thì con người minh mẫn theo thầy học. Còn nếu chỉ cần xưng danh là đủ thì không mong gì khác. Xin Thầy từ bi khai thị cho, con sẽ tuyệt đối vâng theo như lời Phật dạy vậy.

Ngài đáp: Chánh nghiệp vãng sinh thì trọng yếu là xưng danh. Rõ ràng là chẳng phân biệt có trí tuệ hay không có trí tuệ, cần gì phải học hành cho lắm! Chi bằng cứ lo Niệm Phật, thì sẽ mau được vãng sinh Tịnh Độ, gặp mặt Thánh chúng, được nghe pháp môn. Hơn nữa cõi kia trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng giải mà chứng Vô Sinh Nhẫn. Nếu chưa biết ý nghĩa của Niệm Phật vãng sinh thì học cho biết, đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng Niệm Phật là hơn cả.

68) Thọ giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi. Trước đây có một vị sơn tăng hỏi tôi rằng: “Tôi học pháp môn Tịnh Độ đã lâu, hiểu được đôi chút nhưng chưa phát khởi được tín tâm. Phải dùng phương tiện gì để thành lập tín tâm?”. Tôi đáp: “Hãy cầu nguyện Tam Bảo gia bị”. Vị tăng kia tuân theo lời dạy. Một hôm ông ấy đến chùa Đại Đông, gặp lúc đang gác cây đòn dông ở chánh điện. Ông bèn đứng xem, bỗng nhiên tín tâm phát khởi rồi tự nhủ rằng: “Nếu không có sự tính toán khéo của người thợ thì làm sao cây đòn dông lên đó được?! Người thợ tầm thường còn vậy huống gì sức thiện xảo không thể nghĩ bàn của Như Lai! Mình có cái chí nguyện vãng sinh, Phật có lời thề tiếp dẫn. Vãng sinh Tịnh Độ hẳn nhiên là tương ứng!”

Từ đó không còn tâm nghi ngờ nữa. Sau nầy ông có đến cho tôi biết. Ba năm sau thì được vãng sinh, điềm lành rất nhiều. Bởi thế nên thường cầu nguyện Tam Bảo gia bị.

69) Yếu đạo để hạng phàm phu thoát khỏi sinh tử không gì hơn Môn Tịnh Độ, hạnh Niệm Phật. Nói về căn cơ thì bao gồm thập ác, ngũ nghịch, tứ trọng, báng pháp, xiển đề, phá giới, v.v… Nói về hạnh thì mười tiếng hay một tiếng, ngay cả trẻ con cũng xưng được.

Nói về tín thì một niệm hay mười niệm, kẻ ngu cũng làm được. Bổn Nguyện vốn vì “mười phương chúng sinh” mà có, không để sót bất cứ căn cơ nào, không bỏ rơi bất kỳ ai. Trong mười phương chúng sinh, thì có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay Thánh nhân, trì giới hay phá giới, người nam hay người nữ, ông già hay trẻ con… cho đến căn cơ của thời Tam Bảo đã diệt đều bao gồm cả. Hễ gặp được Bổn Nguyện, được nghe Danh Hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và tin theo mà Niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà dùng Quang Minh Biến Chiếu thu nhiếp chẳng rời.

Hạng tội nặng nghiệp dày, u minh ám chướng lại càng nên nương vào A Di Đà Phật Bổn Nguyện. Vì sao vậy? Lý do là vì A Di Đà Bổn Nguyện vốn vì phàm phu, chớ không phải vì Thánh nhân.

70) Năm điều quyết định chuyện vãng sinh:

1) Bổn Nguyện của Đức A Di Đà quyết định.

2) Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định.

3) Sự chứng minh của Chư Phật quyết định.

4) Giáo thích của Tổ Thiện Đạo quyết định.

5) Tín tâm của chúng ta quyết định.

Do năm nghĩa trên quyết định vãng sinh.

71) Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh.

72) Tuy tam học “Giới, Định, Huệ” hoàn toàn đầy đủ, nhưng nếu không nương Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà mà xưng Danh hiệu Ngài thì không được vãng sinh. Tuy không có “Giới, Định, Huệ”, mà một mực xưng Danh thì chắc chắn được vãng sinh.

73) Hỏi: Vấn đề tự lực và tha lực nên hiểu như thế nào?

Đáp: Pháp Nhiên nầy, tuy không phải là loại căn khí, có thể ra mắt Điện Hạ (Thiên Hoàng) nhưng do Điện Hạ triệu vào. Hai lần vào ra mắt không phải là do khả năng của tôi, mà do sức của Thiên Hoàng, huống gì là sức của Đức Phật A Di Đà!

Chuyện Ngài lai nghinh để tiếp dẫn người xưng Danh là Bổn Nguyện của Ngài, điều nầy thật dễ hiểu.

Những người tội chướng vô trí, không nên hoài nghi vãng sinh. Nếu mà nghi ngờ là hoàn toàn không biết gì về Phật Nguyện cả. Bổn Nguyện được phát ra là để cứu những người tội chướng vậy. Bởi thế hãy nỗ lực xưng Danh chớ khá nghi ngờ. Chỉ sợ không ưa cõi Cực Lạc, không tin Niệm Phật thì sẽ chướng ngại vãng sinh

Vì vậy gọi là “Tha Lực Nguyện”, là “Siêu Thế Nguyện”.

74) A Di Đà Bổn Nguyện phát ra không phải vì hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sinh tử mà là vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để giải thoát.

Những hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sinh. Hạng thiện nhân phàm phu cũng hướng về lời nguyện nầy mà được vãng sinh, huống gì hạng ác nhân phàm phu lại càng nên nương vào Tha Lực nầy chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ A Di Đà Bổn Nguyện căn bản là vì hạng phàm phu mà gồm luôn cả Thánh Nhân nữa. Xin hiểu rõ lý nầy.

75) Tu Thánh Đạo Môn thì tột cùng trí tuệ để lìa sinh tử. Tu Tịnh Độ Môn thì trở lại ngu si để vãng sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh Đạo Môn thì trau dồi trí tuệ, giữ cấm giới, rèn luyện tâm tánh làm tông chỉ.

Còn bước vào Tịnh Độ Môn thì chẳng dựa vào trí tuệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần điều hòa tâm tánh, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô trí; cần nương vào Bổn Nguyện mà Niệm Phật mà cầu vãng sinh.

1) Muốn mau lìa sinh tử: Trong hai loại thắng pháp; Bỏ qua Thánh Đạo Môn, mà vào Tịnh Độ Môn.

2) Muốn vào Tịnh Độ Môn; Trong hai hạnh Chánh, Tạp; Hãy bỏ các Tạp hạnh, mà quay về Chánh Hạnh.

3) Muốn tu nơi Chánh Hạnh; Trong hai Chánh; Trợ Nghiệp; Chớ dính nơi Trợ Nghiệp; Hãy nên chuyên Chánh Định.

4) Chuyên tu Chánh Định Nghiệp; Tức là Xưng Phật Danh; Xưng Danh tất vãng sinh; Bởi do Phật Bổn Nguyện.

77) Yếu đạo để ra khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Hạnh tu để vãng sinh Tịnh Độ tuy nhiều, không gì hơn Xưng Danh. Vì xưng Danh là hạnh tương ưng với A Di Đà Bổn Nguyện. Bởi vậy Hòa Thượng Thiện Đạo dạy rằng:

“Kinh VÔ LƯỢNG THỌ” chép: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi, dù chỉ mười lần mà không được vãng sinh thì tôi chẳng ở ngôi Chánh Giác. Đức Phật kia hiện tại thế thành Phật. Nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm, tất nhiên được vãng sinh”. Do đó ngoài xưng Danh không cần quán tưởng gì khác.

Hiểu và tin như trên, lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường đã xưng Danh tích lũy công đức thì dù cho lúc lâm chung không xưng được Phật Danh vẫn quyết định vãng sinh.

78) Đệ tử Nhất Hiền Chân hỏi: Thưa Thầy! Để mau chóng lìa khỏi sinh tử, thì Chân Ngôn (Mật Tông), Chỉ Quán (Thiên Thai), Hoa Nghiêm, Phật Tâm (Thiền Tông) phải thâm diệu hơn Tịnh Độ chứ

Ngài đáp: Pháp môn thì vô lượng nhưng luận về chỗ cấp yếu, thì tối thượng là Tịnh Độ. Các giáo pháp tuy nhiều nhưng xét đến chỗ cương yếu, thì Tha Lực Đốn Giáo thù thắng hơn cả. Vì dễ tu mà công cao, dễ hành mà lý thâm. Bởi thế Tổ Huệ Viễn nói rằng: “Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao mà dễ tu thì Niệm Phật là hơn cả”.

Ngài Nguyên Chiếu nói rằng: “Niệm Phật Tam Muội là pháp để hạng phàm phu ngu độn trong sát na siêu việt thành Phật. Cho thấy rằng Tịnh Độ Giáo Pháp, Niệm Phật Tam Muội là Đại Thừa, Chí Cực, Tốc Tật, Giải Thoát”.

79) Khai thị của Pháp Nhiên Thượng Nhân cho đệ tử lúc lâm chung: “Thầy mấy chục năm nay, công phu Niệm Phật tích lũy, được bái kiến Cực Lạc trang nghiêm và Chân Thân của Phật, Bồ Tát là chuyện bình thường. Nhưng nhiều năm giữ kín mà không nói ra, nay đã đến lúc tối hậu nên bày tỏ đôi chút. Thầy nếu đoan tọa (ngồi kiết già) mà vãng sinh, người đời hẳn nhiên bắt chước. Mà cái thân người bệnh, cử động khó khăn, e rằng họ sẽ mất chánh niệm. Vì vậy nay Thầy nằm thẳng mà ra đi. Bổn Sư Thích Tôn đã thị hiện đầu Bắc, diện Tây (nằm nghiêng bên phải, đầu hướng Bắc, mặt hướng Tây) mà viên tịch, đó cũng là vì chúng sinh vậy. Thầy làm sao hơn Đức Thích Tôn được!”

LỜI BẠT

Theo thiển ý của dịch giả, có thể nói Pháp Nhiên Thượng Nhân là người đầu tiên chỉ rõ chân diện mục của Tông Tịnh Độ, vạch ra một đường sáng cho tất cả những ai muốn thật sự liễu thoát sinh tử trong một đời. Điều đáng buồn là những lời dạy vàng ngọc nầy chưa hề được giới thiệu với người tu Tịnh Độ ở Việt Nam, dù rằng toàn bộ tác phẩm của Ngài đã được thâu nhập vào Đại Tạng Kinh qua bao thế kỷ.

Dịch giả xin nguyện rằng hễ ai được đọc pháp ngữ nầy đều phát khởi tha lực tín tâm, hoan hỷ Niệm Phật, tin sâu rằng mình đã được dự vào A Di Đà Bổn Nguyện Hải Hội và tương lai chắc chắn được sinh về cõi Cực Lạc bất thối chuyển.

Nam Mô A Di Đà Phật

Mùa đông năm 1997

Viên Thông Nguyễn Văn Nhàn (Dịch giả)

 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

VO-NHAT-BAT-NHI

Well-Known Member
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
23 Thg 8 2010
Bài viết
3,664
Điểm tương tác
715
Điểm
113
-Về TÍN TÂM: luôn ghi nhớ tin tưởng vào bản nguyện của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn và độ thoát sanh tử cho tất cả chúng sanh nào có duyên với Ngài (Tin tưởng, nhớ nghĩ), không bỏ sót một ai dù chúng sanh có nghiệp nặng nhất, tệ nhất.(9 phẩm vãng sanh, hạng hạ phẩm tệ nhất trong chúng sanh, Ngài vẫn thương xót mong mỏi tiếp dẫn không hề bỏ sót)

- Về PHÁT NGUYỆN: quyết chí đời này một lòng một dạ cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, để về với Phật được độ hóa tiêu trừ hết vô minh, xóa sạch chủng tử xấu xa, trở về bản tánh Thanh Tịnh vốn có mà làm lợi ích cho chúng sanh thiên hạ như chư Phật mười phương. Phải luôn biết rằng: mình là Phàm phu, dù niệm Phật có được thanh tịnh nhưng đó là nhờ sự gia trì của bản nguyện của Phật, tự mình chưa đủ năng lực tự tại, phải phát nguyện vãng sanh gặp phật A Di Đà để Ngài dạy dỗ và thọ kí mới là chắc chắn nhất, mới thực sự nhận được lợi ích độ hóa từ bản nguyện.
Nghiệp càng nhiều thì càng phải tha thiết niệm Phật cầu vãng sanh thì mới hợp tình hợp lí, bởi không vãng sanh thì hầu như đọa vào 3 đường ác,tự làm khổ mình lại còn hại người khác, hoàn toàn không có lợi ích gì. Hoặc nếu không ở 3 ác đạo thì cũng là luân hồi sanh tử lẩn quẩn trong hư vọng phiền não chịu sự vô thường, còn vãng sanh thì vừa an vui vừa được độ hóa chấm dứt luân hồi, đoạn tận mầm móng khổ đau, sống với bản tánh vốn có mà an lạc vĩnh viễn.

- Về Hành trì: chúng ta hãy ghi nhớ hai câu từ lời dạy của Ngài Pháp Nhiên:

"Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh."

Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng Danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc ”, do đó chí tâm niệm Phật để cầu vãng sinh.
 
Last edited:
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 4)
Bên trên