LUẬN VỀ THÀNH ĐẠO

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27 Thg 11 2006
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
LUẬN VỀ THÀNH ĐẠO
Hòa thượng Hư Vân​

Cổ nhân nói: “Xưa nay, thành đạo dễ, trừ vọng tưởng mới khó”. Luận về Đạo, Lý, Tâm thì Tâm, Phật, Chúng sinh cả ba đều vô sai biệt. Bản tính chân thật của từng người mỗi mỗi sẵn có. Tại thánh bất tăng, tại phàm bất giảm. Nếu người biết Đại Địa Tâm không một tấc đất, thì tất cả thế và xuất thế gian, nào phàm nào thánh, bổn lai vốn không, chẳng có sinh tử. Nên nói: “Xưa nay thành đạo dễ”.

Tâm này tuy vi diệu sáng suốt (diệu minh), nhưng do bị vọng tưởng lớp lớp ngăn che, nên ánh sáng không thể hiển lộ. Mà muốn trừ vọng tưởng cũng chẳng dễ. Vọng tưởng có hai loại: Một – vọng nhẹ. Hai – vọng thô. Lại phân ra vọng tưởng hữu lậu, vọng tưởng vô lậu. Vọng hữu lậu thì chiêu cảm quả báo khổ, vui nhân thiên. Còn vọng vô lậu thì có thể thành Phật tác Tổ, liễu sinh thoát tử, siêu xuất tam giới.

Vọng tưởng thô (là vọng tưởng trượt uế) thì chiêu cảm quả báo khổ nơi ba cõi: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Vọng tưởng khinh (thanh nhẹ) thì tạo đủ các việc thiện như niệm phật, tham thiền, tụng knih, trì chú, lễ lạy, giữ giới sát, phóng sinh v.v...Vọng tưởng thô tương ứng với nghiệp Thập ác: Ý khởi Tham, Sân, Si; Khẩu nói lời vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệt; Thân hành Sát, Đạo, Dâm, tất cả đều là ngiệp Thập ác do Thân, Khẩu, Ý tạo rạ. Tùy mức độ khinh trọng mà chia ra Thập ác Thượng phẩm (cực nặng) thì đọa Địa ngục, Thập ác bậc Trung thì đọa Ngạ quỷ, Thập ác bậc Hạ thì đọa Súc sinh.

Nói tóm lại, bất kể vọng tưởng thô hoặc khinh, đều là một niệm hiện tiền của chúng ta – Mười cõi giới đều do một niệm mà tạo thành, nên nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nếu nói về căn bản thì chúng ta: Nguồn cội vốn phong quang: chẳng dính mảy tơ, chẳng nhiễm mảy trần (nhất ty bất quải, tiêm trần bất nhiễm). Về Vọng thô (trược) thì chẳng phải nói, nếu tạm có chút Vọng khinh (thanh nhẹ), thì cũng là mệnh căn sinh tử chưa đoạn. Hiện nay, đã nói trừ vọng tưởng thì cần nhất là phải nhờ một câu tham thoại đầu hay một danh hiệu Phật để mở cửa vào. Đây gọi là dùng Vọng khinh thay thế, chế phục Vọng thô, dùng thiện công phá ác, trước hàng phục Vọng thô bằng Vọng thanh (thiện lành) thì cũng có thể cùng đạo tương ưng. Tập luyện lâu ngày, công thuần hạnh đạt, cuối cùng Vọng khinh cũng không luôn.

Mỗi nguời chúng ta đều biết rõ vọng tưởng không tốt, muốn đoạn vọng tưởng, nhưng lại bị tập khí điều khiển cuốn trôi, vì biết rõ mà cố phạm. Ta đã quen khởi vọng tưởng, gặp nghịch cảnh thì khởi vô minh, thậm chí còn bị các tính xấu làm biếng, cầu danh, hám lợi, nhớ nghĩ dâm dục v.v...lôi cuốn. Khi vọng tưởng khởi lên, đã biết là vọng tưởng không tốt, nhưng lại cứ buông thả, lao theo nó chẳng thể dừng - là vì sao vậy? - Bởi vì, từ vô thỉ đến nay, tập khí ô nhiễm huân sâu đã thành thói quen, giống hệt như con chó mê ăn phân vậy. Tuy chư vị có cho nó thức ăn ngon, hảo hạng, nhưng hễ nó nghe mùi phân là nhào tới ăn liền. Đây gọi là thói quen huân lâu thành tính.

Cổ nhân dụng công rất miên mật. Xưa nay hành vi của chư Tổ sư đều nhắm vào giúp người cắt đứt, đoạn trừ vọng tưởng. Hiện nay các vị và tôi xuất gia đi hành cước tham học, đều vì chưa liễu sinh tử. Cần phải sinh lòng đại hổ thẹn, phát tâm đại dũng mãnh, không theo vọng tưởng, không để vọng cảnh xoay chuyển. Giả như có vòng sắt nóng trên đầu, cũng chẳng cho đó là khổ mà đánh mất tâm Bồ-đề – Bồ-đề là giác, giác tức là đạo. Đạo tức là bản tâm vi diệu này. Nên biết tâm này xưa nay vốn đầy đủ viên mãn. Chưa tạm có khiếm khuyết. Muốn tu thì phải quay về tự tánh, phải tự mình phát tâm. Nếu mình không phát tâm, thì dù Phật Thích Ca có quay trở lại thế gian này, e rằng cũng không giúp được gì cho quý vị.

Suốt 12 thời, bất kể đi đứng nằm ngồi động tĩnh...tâm thể tự như như, vọng tưởng không sinh, lo gì sinh tử chẳng liễu. Nếu không như vậy thì là lăng xăng không đâu. Từ sáng đến tối, từ lúc sinh ra cho đến khi chết, quý vị đã bỏ phí thời giờ trôi suông. Tuy nói tu cả đời nhưng không thành công cán gì. Ngày 30 tháng chạp đến, khát nước mới lo đào giếng, e không còn kịp, lúc đó có hối cũng muộn màng. Tôi tha thiết xin mọi người hãy nổ lực, cố gắng dụng tâm.

(Hạnh Đoan - Như Thủy - Kiến Châu dịch )
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

lele

Trưởng Ban Tin Tức
Quản trị viên
Thượng toạ
Tham gia
19 Thg 10 2006
Bài viết
1,366
Điểm tương tác
77
Điểm
48
KỶ NIỆM NGÀY ĐỨC THÍCH CA THÀNH ĐẠO

Ngày mùng 8 tháng Chạp (âm lịch) năm nay, như thường lệ, tín đồ Phật tử muôn nơi lại thành kính tưởng niệm ngày Thành đạo của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây cũng là dịp để những người con Phật chúng ta suy tưởng sâu hơn về sự kiện vĩ đại này, từ đó tự tỉnh bản thân xem chúng ta đã, đang và sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì cho xứng đáng với sự kiện hi hữu, vô song đó.

Đức Thế Tôn xuất gia, sau sáu năm tu hành khổ hạnh mới thành đạo. Đó là điều đã xác quyết. Còn năm nào xuất gia, năm nào thành đạo thì có nhiều thuyết khác nhau. Các bậc Cổ đức phần lớn theo thuyết cho rằng 19 tuổi xuất gia, 25 tuổi thành đạo. Còn các nhà nghiên cứu gần đây phần lớn theo thuyết 29 tuổi xuất gia, 35 tuổi thành đạo.

Sau khi xuất gia, Người tu khổ hạnh trong 6 năm, hình thể gầy mòn mà cũng không tỏ được đạo vô thượng. Người thôi tu ép xác mà quyết định tắm rửa sạch sẽ và thụ dụng sữa được dâng. Rồi Người tới Phật- Đà- gia- ra, rải cỏ kết tường ngồi kết già phu, hướng về phương Đông, thân thể trang nghiêm, một mối chính định, lặng yên suy nghĩ, tự phát nguyện rằng:

“Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này!” (Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh)

Đức Thế tôn với tấm lòng đại bi, đại trí, với tinh thần dũng mãnh tinh tiến, ngồi tư duy 49 ngày dưới gốc cây, chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, mạn nghi… và với giặc thiên ma do Ma vương Ba- tuần chỉ huy. Người đã thắng được mọi ma chướng trong ngoài, tâm trí được khai thông.

Cuối cùng, vào đêm mùng 8/12 (tức đêm mùng 8 tháng Pao-sa – tháng 2 theo lịch Ấn), canh hai, Người chứng được quả “Túc mệnh minh”: thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới.

Nửa đêm canh ba, Người chứng được quả “Thiên nhãn minh”: thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó.

Đến canh tư, Người chứng được quả “Lậu tận minh”: thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Khi sao Mai vừa mọc, Người hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, nhất thiết pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã.

Thế là “nảy sinh trí tuệ, nảy sinh nhận thức, định được đạo, đánh giá được pháp, cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn trở lại kiếp người, biết được như chân thật”. (Trung A- Hàm kinh, La- ma thứ 56).

Người viên ngộ, soi tận chỗ tối tăm, trong tâm rỗng lặng, tỏ ngộ hết thảy, thành Đẳng chính giác, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, xưng là Vô thượng Phật Đà, các đệ tử của Người gọi Phật Đà là Thế Tôn, là Thích Ca Mâu Ni.

Đức Thế Tôn sau khi thành đạo, vui sướng vô lượng, tức thì 28 ngày liền hưởng niềm vui giải thoát dưới các gốc cây gần đó.

Bảy ngày đầu dưới gốc cây Tất- ba- la. Về sau gọi là cây Bồ đề vì Phật thành đạo dưới gốc cây đó.

Bảy ngày tiếp theo dưới cây A- du- ba- la. Thời gian này có ma vương Ba- tuần đến đề nghị người nhập diệt nhưng Người không nghe.

Bảy ngày tiếp theo nữa dưới cây Mục- chân- lân- đà. Thời gian này gặp mưa bão, rồng Mục- chân- lân- đà hiện ra dùng thân mình che chở cho Phật. Rồng này xin quy y, là đệ tử thứ nhất trong loại bàng sinh.

Bảy ngày tiếp theo nữa dưới cây La- đô- da- hàng- na. Có hai thương nhân là Đề- vi và Bà- lê- ca đi qua chỗ Phật đã cúng dàng mạch nha và quy y Phật. đây là hai Ưu- bà- tắc (cận sự nam) sớm nhất.

Ngày nay trong chùa, có khi cả ở tư gia, cứ đến ngày mùng Tám tháng Chạp, Tăng Ni Phật tử lại dùng các loại rau, quả, gạo nấu cháo bố thí cho mọi người, gọi là cháo mùng 8 tháng Chạp (lạp bát chúc), để làm lễ kỷ niệm ngày Đức Thích Ca thành đạo.

Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo là một thiên anh hùng ca bất hủ, khải hoàn vang lên, thức tỉnh và cổ vũ loài người tự tin vào chân lý: Con người có khả năng và hoàn toàn có thể tự mình tu tập để đạt đến quả vị cao nhất của muôn loài trong vũ trụ. Và con đường tu tập đó là con đường hiện thực, hết thảy mọi người đều có thể tự mình tinh tiến, tự mình “đốt đuốc” của mình lên mà tự giải thoát.

Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài. Đức Thích Ca chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi đời. Vì sự thương tưởng muôn loài mà Người thành đạo, và Người thành đạo cũng vì sự thương tưởng đó.

Sự kiện Đức Thích Ca thành đạo và quá trình hành đạo sau này của Người đã mang đến cho muôn đời các thế hệ Phật tử niềm tin, lòng tự hào, nguồn nghị lực luôn tươi mới và bất tận trên con đường tu Phật, con đường mà Đức Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả Thích Ca mâu Ni Phật đã khơi nguồn và thực chứng.


Huệ Minh
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên