Nhị thủ - Vấn đề chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức

langmaiweb

Registered
Phật tử
Tham gia
15 Thg 4 2011
Bài viết
10
Điểm tương tác
0
Điểm
1
Nhị thủ
Cái tâm phân biệt của ta có thể là một chướng ngại. Ví dụ ta nghĩ rằng tâm nhận thức và cái thế giới thực tại mà ta đang tìm hiểu là hai thực thể có thể tách rời ra khỏi nhau mà tồn tại. Đó là vấn đề chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Các nhà khoa học thần kinh não bộ ưa đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà những hoạt động vi tính của các tế bào thần kinh trong thế giới khách quan lại làm phát sinh ra được cái tâm thức chủ quan của con người?” (How come that objective computation activities of the neurons produce our subjective consciousness?) Một phần lớn các nhà khoa học vẫn còn tin rằng có một thế giới khách quan tồn tại ngoài tâm thức. Dù ta có nhận thức nó hay không thì nó vẫn cứ tồn tại. Và như vậy có nghĩa rằng sự có mặt của thế giới thực tại khách quan kia không tùy thuộc gì vào sự có mặt của tâm thức. Đã từ lâu, các triết gia đã đặt câu hỏi là liệu có thể có một thế giới khách quan nằm ngoài tâm thức hay không? Ngay từ thế kỷ thứ 18, David Hume đã nói: “Dù rằng ta không có nền tảng chứng cớ nào để tin rằng có một thực tại khách quan bên ngoài, ta vẫn không có cách gì hơn là hành động như là cái thực tại khách quan bên ngoài đó luôn luôn có mặt.” (Although we have no ground for believing in an objective reality, we have also no choice but to act as if it is true.) Phần lớn chúng ta đều tin rằng có một tâm thức chủ quan bên trong ta đang tìm cách vươn ra để tìm hiểu một thực tại khách quan bên ngoài (a subjective consciousness in here reaching out to an objective world of reality out there). Cái phân biệt đó theo đạo Bụt là chướng ngại lớn nhất cho sự phát sinh của tuệ giác. Cái tâm phân biệt đó trong đạo Bụt gọi là nhị thủ (dual grasping, tiếng Phạn grahadvaya), tức là tình trạng tâm ý kẹt vào ý niệm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai thực tại khác nhau, có thể tồn tại ngoài nhau.
Nhà đạo học, nhất là nhà Phật học, được huấn luyện kỹ càng về vấn đề này: đối tượng nhận thức và chủ thể nhận thức nương vào nhau mà phát khởi cùng một lúc, chủ thể nhận thức và đối tượng không thể có mặt cái này trước cái kia sau, hoặc độc lập với nhau. Trong tất cả các trường phái Phật học, thế giới vật chất trong đó có hình hài năm giác quan cùng với các cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức (gọi tắt là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức) đều được nhận thức là đối tượng của tâm thức (pháp, dharma, object of mind). Đối tượng tâm thức biểu hiện một lần với tâm thức, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức nương vào nhau mà phát hiện một lần, tồn tại trong một sát na (giây lát ngắn nhất) và làm nền tảng cho sự phát sinh nhận thức của sát na kế tiếp. Đó gọi là nguyên tắc câu sinh (cùng sinh ra một lần, sahajàta) hay câu hữu (cùng nương vào nhau mà có mặt một lần, cái này không có mặt thì cái kia cũng không có mặt, sahabhù). Sahabhù cũng được dịch là tương tức (interbeing). Đây là cái tương đương với cái mà khoa học gọi là chồng chập (superposition) hay vướng mắc (entanglement).
Trong đạo Bụt không có pháp (sự vật) nào có thể tồn tại như một thực thể riêng biệt, cái này có đó vì cái kia có đó, cái này nằm trong cái kia, mà mình cứ tưởng cái này nằm ngoài cái kia. Tất cả đều thuộc về một màn lưới chằng chịt. Nếu một cái có mặt thì tất cả đều có mặt, nếu một cái không có mặt thì tất cả đều không có mặt. Đó là lời tuyên bố của một vị thiền sư Việt Nam ở thế kỷ thứ 12 tên là Đạo Hạnh (có thì có tự mảy may, không thì cả thế giới này cũng không: tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không). Cái thấy của đạo Bụt là không có gì có tự tính riêng biệt, không có ngã và pháp riêng biệt. Đó là tuệ giác ngã khôngpháp không. Tất cả đều nương vào nhau mà có mặt. Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức cũng thế. Cũng giống như một tờ giấy có hai mặt trái và phải. Trái và phải nương vào nhau mà có mặt, nếu không có trái thì không có phải, nếu không có phải thì không có trái. Cho nên tách rời chủ thể nhận thức ra khỏi đối tượng nhận thức là một sai lầm căn bản. Trường phái triết học hiện tượng luận (phenomenology) cũng có chủ trương tương tợ: “Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. Ý thức không thể có mặt như một chủ thể không đối tượng.”(Conscience est toujours conscience de quelque chose.) Tâm thức của chúng ta không phải là một cái gì đứng ngoài đối tượng nhận thức, độc lập với đối tượng nhận thức. Nhiều nhà khoa học đã hé thấy điều này. Họ nói: “Nhà khoa học không thể chỉ là một quan sát viên đứng bên ngoài thực tại nhìn vào thực tại, mà phải là một tham dự viên thì mới có cơ hội hiểu được bản chất của thực tại.” (Scientist should be a participant rather than an observer.) Nếu ta nhìn địa cầu như một khối vật chất, nằm ngoài ta thì ta chưa thấy được địa cầu đích thực. Ta phải thấy ta là một phần của trái đất, và trái đất đang có mặt trong ta, ta phải thấy ta là đất mẹ và đất mẹ là ta. Nhà sinh vật học Lewis Thomas quan sát địa cầu và thấy đất Mẹ là một cơ thể, một tế bào của vũ trụ, cho nên ông ta đã viết cuốn The lives of a cell (những hình thái của sự sống trong một tế bào). Tế bào này là đất Mẹ. Khi thấy được địa cầu là một sinh mạng thì mình đã vượt được ý niệm địa cầu chỉ là vật chất. Sinh mạng là sự sống bao hàm tâm linh và tâm thức. Khi ta gọi địa cầu là đất Mẹ, ta cũng thấy địa cầu không còn là vật chất mà là một bà mẹ kỳ diệu đã sinh ra bao nhiêu chủng loại của sự sống, trong đó có con người, các vị thánh, các vị Bụt và các vị bồ tát. Nhìn trái Đất như thế là ta nhìn bằng tính mẫn cảm, bằng tâm kính trọng, lòng khâm phục và niềm yêu thương, chứ không phải chỉ nhìn bằng trí năng. Nhìn như thế thì sự giao cảm sẽ có mặt, ranh giới giữa chủ thể và đối tượng không còn, và những cái thấy trực giác có thể xảy ra. Như vậy là ta thoát ra được cái gọng kềm của nhị thủ, nghĩa là cái tập khí đã từng làm cho ta kẹt vào cái ý niệm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai thực tại riêng biệt, cái này là chủ quan, cái kia là khách quan, và cái này phải vươn ra để tìm hiểu cái kia.


(nguồn langmai.org: Tâm sự với một nhà khoa học trẻ tuổi)
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên