Niệm-Phật là chuyện mình làm,Vãng-sinh là chuyện Phật làm

  • Thread starter imported_gioidinhhue
  • Ngày bắt đầu
I

imported_gioidinhhue

Guest
- Đã sinh làm người trong cõi dục-giới tán-địa nầy thì tâm đều tán-loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán-loạn mới vãng-sinh được thì thật là vô lý. Tán-tâm Niệm-Phật mà được vãng-sinh, đó là chỗ đáng quý của BỔN-NGUYỆN vậy.

- Chẳng phải thanh-tịnh cái tâm của mình, trừ đi nghiệp-chướng nầy rồi mới Niệm-Phật, mà do thường Niệm-Phật thì tội-chướng tiêu-diệt.

- Danh-lợi là dây trói của sinh tử, là lưới sắt để vướng vào ba đường dữ. Xưng-danh là đôi cánh của vãng-sinh để lên chín phẩm liên-đài.

- Đã được thân người khó được, nếu tương-lai lại rơi vào ba đường dữ thì đáng buồn, đáng tiếc vô-cùng!

- Nguyên Không nầy như một đứa trẻ không biết đen trắng, như một người ngu không biết thị phi; chỉ lo niệm Phật tin sẽ vãng sinh.

- Đức Di Đà khuyên Niệm Phật thì nhất định lai nghinh, Đức Thích Ca khuyên Niệm Phật thì nhất định vãng sinh. Nguyên Không chỉ tin một chuyện nầy, mọi chuyện khác đều không biết.

- Đệ tử của thầy chớ nên chuộng nghĩa lý, ưa lý luận. Người tu xưng danh Niệm Phật thì nên trở thành kẻ một chữ chẳng biết, thị phi chẳng hay để sáng tối Niệm Phật.

- Nghe rằng một niệm, mười niệm cũng được vãng sinh rồi lơ là chuyện Niệm Phật, đó là tín chướng ngại hạnh; nghe rằng niệm niệm chẳng rời rồi nghĩ rằng một niệm vãng sinh bất định, đó là hạnh chướng ngại tín. Tin thì tin một niệm cũng vãng sinh, mà hành thì siêng năng xưng niệm suốt đời.

- Người ta đều cho rằng do lâm chung chánh niệm mà Phật Di Đà lai nghinh. Nguyên Không thì chẳng vậy. Lâm chung chánh niệm là do Phật lai nghinh. Bởi thế kinh Xưng Tán Tịnh Độ chép rằng: “Từ bi gia hộ khiến tâm chẳng loạn”. Người tin Bổn Nguyện mà Niệm Phật chớ khá hoài nghi lâm chung chánh niệm. Phật lai nghinh chính là để người tu được chánh niệm lúc lâm chung.

- Nếu đi bằng thuyền thì người sáng mắt hay kẻ đui mù đều có thể đến bờ bên kia.

- Có người nói với ngài rằng: “Niệm Phật như thầy chắc hẳn là hợp với ý của Phật A Di Đà.” Ngài hỏi: “Tại sao ông nói vậy?” Người kia đáp: “Vì thầy là một bậc trí giả, hiểu rõ về công đức của xưng danh Niệm Phật cũng như thâm nghĩa của Di Đà Bổn Nguyện”. Ngài nói: “Rõ ràng là ông chưa thực sự tin vào Bổn Nguyện! Khi tin vào Bổn Nguyện mà xưng danh Di Đà thì hoàn toàn không có sự phân biệt về người tu dù họ là ai chăng nữa. Nếu có thể dựa vào trí huệ để thoát ly sinh tử thì Nguyên Không nầy đã không xả bỏ Thánh Đạo Môn mà chuyên tu Tịnh Độ Môn!”.

- Người Niệm-Phật mà có lòng cầu vãng-sinh và không nghi Di-Đà Bổn-Nguyện thì khi lâm-chung không bị điên đảo. Sở-dĩ được như vậy là nhờ Phật lai-nghinh.

- Phật lai-nghinh là để người tu Niệm-Phật lúc lâm-chung được chánh-niệm, chứ không phải lúc lâm-chung cần phải chánh-niệm thì Phật mới lai-nghinh. Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm-chung cần phải chánh-niệm Niệm-Phật, Phật mới lai-nghinh. Kiến-giải như vậy là không tin vào Phật-Nguyện và cũng không hiểu kinh-văn nữa.

- Tuy biết rằng ‘dù tội ngũ-nghịch cũng không chướng-ngại vãng-sinh’ nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm. Tuy biết rằng ‘một niệm cũng đủ’ nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng-sinh mà niệm suốt một đời.

Hỏi: Vì Bổn-Nguyện không loại trừ kẻ ác, nên người ta đều muốn tạo ác-nghiệp, làm sao đây?

Đáp: Phật A-Di-Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng người tạo ác-nghiệp thì chẳng phải là đệ-tử của Phật. Tất cả Phật-Pháp là để chế-phục điều ác, vì hạng ngu-si phàm-phu không dễ gì làm được, nên khuyên Niệm-Phật để diệt tội.

- Đức Phật A-Di-Đà thương-xót hết thảy chúng-sinh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành thì Ngài vui, thấy kẻ ác thì Ngài thương-xót.

- Người tu Tịnh-Độ trước hết nên biết hai điều nầy:

a/ Vì người có duyên, dù phải bỏ thân mệnh, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp-môn Tịnh-Độ.

b/ Vì sự vãng-sinh của mình, nên xa lìa mọi phiền-nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm-Phật.

Ngoài hai điều trên, không tính-toán gì khác.

- Đã tu Tịnh-Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm-Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm-Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ. Sống một mình không Niệm-Phật được thì ở chung mà Niệm-Phật. Sống chung không Niệm-Phật được thì ở một mình mà Niệm-Phật. Tại gia mà không Niệm-Phật được thì xuất gia mà Niệm-Phật. Xuất gia mà không Niệm-Phật được thì tại gia mà Niệm-Phật. Sống giữa đời không Niệm-Phật được thì trốn đời mà Niệm-Phật. Trốn đời không Niệm-Phật được thì sống giữa đời mà Niệm-Phật.

Hỏi: Thường nghĩ đến chuyện ‘bỏ ác tu thiện’ mà Niệm-Phật, so với thường nghĩ đến ý-chỉ của Bổn-Nguyện mà Niệm-Phật. Điều nào hay hơn?

Đáp: Bỏ ác tu thiện tuy là lời răn chung của chư Phật, nhưng hạng phàm-phu thời mạt-pháp như chúng ta thường làm ngược lại! Nếu chỉ tự mình mà chẳng nương vào Bổn-Nguyện thì e rằng khó mà ra khỏi sinh-tử.

- Một đệ-tử hỏi: Nếu trí-tuệ là cần yếu để vãng-sinh, con nguyện cần-mẫn theo thầy học. Còn nếu chỉ cần xưng-danh là đủ thì không mong gì khác. Xin Thầy từ-bi khai-thị cho, con sẽ tuyệt-đối vâng theo như lời Phật dạy vậy.

Ngài đáp: Chánh-nghiệp Vãng-sinh thì trọng-yếu là xưng-danh. Rõ ràng là chẳng phân-biệt có trí-huệ hay không có trí-huệ, cần gì phải học hành cho lắm! Chi bằng cứ lo Niệm-Phật, thì sẽ mau được vãng-sinh Tịnh-Độ, gặp mặt thánh-chúng, được nghe pháp-môn. Hơn nữa cõi kia trang nghiêm, ngày đêm thuyết pháp sâu xa, do đó sẽ tự nhiên khai phát thắng-giải mà chứng Vô-Sinh-Nhẫn. Nếu chưa biết ý-nghĩa của Niệm-Phật vãng-sinh thì học cho biết, đơn sơ là đủ. Nếu ham học rộng, biết bao nhiêu cho cùng. Hãy siêng năng Niệm-Phật là hơn cả."

- Thọ-giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi. Trước đây có một vị sơn tăng hỏi tôi rằng: "Tôi học pháp môn Tịnh-Độ đã lâu, hiểu được đôi chút nhưng chưa phát khởi được tín tâm. Phải dùng phương-tiện gì để thành lập tín-tâm?". Tôi đáp: "Hãy cầu-nguyện Tam Bảo gia-bị". Vị tăng kia tuân theo lời dạy. Một hôm ông ấy đến chùa Đại-Đông, gặp lúc đang gác cây đòn dông ở chánh điện. Ông bèn đứng xem, bỗng nhiên tín tâm phát khởi rồi tự nhủ rằng: "Nếu không có sự tính toán khéo của người thợ thì làm sao cây đòn dông lên đó được?! Người thợ tầm thường còn vậy huống gì sức thiện-xảo không thể nghĩ bàn của Như-Lai!. Mình có cái chí-nguyện vãng-sinh, Phật có lời thề tiếp-dẫn. Vãng-sinh Tịnh-Độ hẳn-nhiên là tương-ứng!". Từ đó không còn tâm nghi ngờ nữa. Sau nầy ông có đến cho tôi biết. Ba năm sau thì được vãng-sinh, điềm lành rất nhiều. Bởi thế nên thường cầu-nguyện Tam-Bảo gia-bị.

- Niệm-Phật là chuyện mình làm. Vãng-sinh là chuyện Phật làm. Vãng-sinh là do Phật-Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự-lực. Chỉ nên xưng-danh để chờ Phật lai-nghinh.

- Tu Thánh-Đạo Môn thì tột cùng trí-tuệ để lìa sinh-tử. Tu Tịnh-Độ Môn thì trở lại ngu-si để vãng-sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh-Đạo Môn thì trau dồi trí-tuệ, giữ cấm giới, rèn-luyện tâm-tánh làm tông-chỉ. Còn bước vào Tịnh-Độ Môn thì chẳng dựa vào trí-tuệ, chẳng lo tròn đạo-hạnh, chẳng cần điều-hòa tâm-tánh, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô trí; cần nương vào Bổn-Nguyện mà Niệm-Phật để cầu vãng-sinh.

(Những lời vàng ngọc này được trích từ quyển "Niệm Phật Tông Yếu" của Pháp Nhiên Thượng Nhân)
Cập nhật ngày Thứ sáu, 19 Tháng 2 2010 15:05

http://www.huongquang.com/tinhnghie...c-cua-to-phap-nhien&catid=1:tinh-do&Itemid=81
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Chủ đề tương tự

I
Trả lời
0
Xem
3K
imported_gioidinhhue
I
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên