N

Niệm phật như thế nào mới được phật a di đà tiếp dẫn về tây phương cực lạc

nhuphong

Registered
Phật tử
Tham gia
11/8/14
Bài viết
41
Điểm tương tác
0
Điểm
6
1.png

PHẬT LỊCH 2558-201
NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI ĐƯỢC PHẬT A DI ĐÀ TIẾP DẪN VỀ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC.
Cư sĩ Như Trụ biên soạn và ấn tống

LỜI NÓI ĐẦU

Cõi Tây Phương Cực Lạc hay cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà là cõi bất thoái chuyển. Vậy bất thoái chuyển là gì? Là không bị thụt lùi. Cõi uế độ còn bị ba độc tham sân si làm chướng ngại đường tu nên thường bị thụt lùi mà không tiến lên được. Cõi Tịnh Độ không còn ba độc tham sân si làm chướng ngại nên mới tu thẳng thành Phật được. Vì thế gọi là cõi bất thoái chuyển vậy. Chỉ có Bát Địa Bồ Tát là Bất thoái Bồ Tát trở lên mới thấy được cõi Tịnh Độ. Thời kỳ Phật Thích Ca còn tại thế gian, một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử của Phật không thấy được cõi Tịnh Độ. Vì sao? Vì quả vị A La Hán chỉ tương đương với Sơ Địa Bồ Tát (Nhất Địa Bồ Tát) mà thôi. Vì không thấy nên không biết và không hiểu. Bởi thế trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói pháp môn niệm phật là pháp môn thế gian khó tin, và Kinh A Di Đà là kinh duy nhất Phật tự nói ra mà không có người thưa thỉnh là như vậy. Trong các Tổ hoằng hương Pháp môn niệm Phật ở Trung Quốc dựa vào tiểu sử thì chỉ có Tổ Thiện Đạo, tổ thứ hai Tịnh Tông là hóa thân của Phật A Di Đà “chuyên tâm niệm Phật, dốc sức chuyên cần bèn được niệm Phật tam muội. Ở trong định tận mắt thấy cảnh trang nghiêm của Tịnh Độ” (Trích tiểu sử ghi trong Niệm Phật Cảnh). Ở Nhật Bản có tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân là sơ Tổ Tịnh Tông, hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí cũng chứng Niệm Phật Tam Muội. Trong lời khai thị cho đệ tử trước khi vãng sinh : “Thầy mấy chục năm nay công phu niệm Phật được bái kiến Cực Lạc trang nghiêm và chân thân của Phật, Bồ Tát là chuyện bình thường, nhưng nhiều năm giữ kín mà không nói ra, nay đến lúc tối hậu nên bày tỏ đôi chút…” (Trích Niệm Phật Tông Yếu). Có chứng được Niệm Phật Tam Muội mới thấy được cõi Tây Phương Cực Lạc. Có thấy cõi Tây Phương Cực Lạc mới biết và hiểu đúng ý nghĩa chân thật của Di Đà Bản Nguyện hay nguyện 18 của Đức Phật A Di Đà. Mới hiểu đúng ý nghĩa, khế lý, ý nghĩa cao siêu, ý nghĩa chân lý tuyệt đối và khoa học của kinh A Di Đà thì việc hoằng dương Pháp Môn Niệm Phật mới giúp người tu hiểu đúng ý nghĩa pháp môn mà thực hành niệm Phật, mới có thể vãng sinh Tây Phương Cực Lạc ở thời mạt pháp như hiện nay được.Càng vào sâu thời kỳ mạt pháp, tâm chúng sinh càng đầy tán loạn. Vì thế người tu Pháp môn niệm Phật phải tuân theo lời khuyên dạy của Tổ Thiện Đạo, Tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân, là lời nói đầu của bài biên soạn này, nhằm mục đích chia sẻ với bạn đồng tu về Pháp môn niệm Phật vậy.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !

MỤC LỤC
I. Người tu pháp môn niệm Phật phải nương vào Di Đà bản nguyện mà niệm Phật.
II. Người tu pháp môn niệm Phật phải chuyên tu niệm Phật.
III. Người tu pháp môn niệm Phật phải tuân theo lời khuyên dạy của tổ Thiện Đạo, tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân và pháp tu của ngài Từ Vân Sám Chủ của tổ Ấn Quang mà thực hành niệm Phật.
IV. Người tu pháp môn niệm Phật phải giữ được chính niệm (tin nguyện) cho đến trước khi lâm chung. Đến khi lâm chung Phật cùng Thánh chúng tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc.
V. Sơ đồ nhân duyên quả của pháp môn niệm Phật.
VI. Kết luận.
I. Người tu pháp môn niệm Phật phải nương vào Di Đà bản nguyện mà niệm Phật.
1. Di Đà bản nguyện: Di Đà bản nguyện hay nguyện 18 là đại nguyện tiếp dẫn chúng sinh về Tây Phương Cực lạc của đức Phật Di Đà mở ra pháp môn niệm Phật là pháp tha lực.

Nội dung của Di Đà bản nguyện: “Nếu chúng sinh nào muốn về nước ta, một lòng tin ưa xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, như không được sinh Ta không thành Phật”.Di Đà bản nguyện thâu tóm thành ba điều kiện: tin sâu, nguyện thiết, xưng danh hiệu Phật. “Muốn về nước ta” là cầu vãng sinh. Đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là tin sâu. Một lòng cầu vãng sinh gọi là nguyện thiết. Trong Kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói pháp môn Niệm Phật là pháp môn thế gian khó tin, nên Đức Phật chỉ nói ba điều kiện là: tin, nguyện và chuyên niệm. Trong ba điều kiện thì tin đứng hàng đầu. Bởi vì có tin thì mới có nguyện. Có nguyện mới chuyên niệm. Nếu tin mà không nguyện thì gọi là tin xuông. Nếu nguyện mà không chuyên niệm gọi là nguyện hão. Trong niệm Phật Tông yếu, tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân sơ tổ Tịnh Tông Nhật Bản, hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí dạy: “ Tuy được nghe danh hiệu Phật mà không tin cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không niệm Phật cũng như không có tín tâm. Bởi thế nên thường niệm Phật”.
2. Chính niệm: Chính niệm là niệm chân thật khởi từ tâm người tu pháp môn niệm Phật. Chỉ có một lòng cầu vãng sinh mới là chân thật. Vì cầu vãng sinh là cầu giải thoát và cầu thành Phật. Còn lại kể cả cầu Phật cũng đều là cầu nhân ngã. Nên một lòng cầu vãng sinh gọi là chính niệm. Lại nữa, một lòng cầu vãng sinh là nguyện thiết mà nguyện muốn thiết phải có tin sâu. Vì thế tin sâu, nguyện thiết hay tin nguyện cũng là chính niệm vậy.
Một lòng cầu vãng sinh hay chính niệm thuộc về tâm là mục đích của người tu pháp môn niệm Phật, còn niệm Phật chỉ là phương tiện giúp người niệm Phật thực hiện mục đích là cầu vãng sinh mà thôi. Niệm Phật hay xưng danh hiệu Phật là hành động của miệng thuộc về khẩu nghiệp, nên niệm Phật gọi là chính nghiệp. Nhiều bạn đồng tu thường hay cho rằng niệm Phật là chính niệm thì không phải vậy. Trong Niệm Phật Tông Yếu, Tổ Pháp Nhân Thượng Nhiên dạy: “ Không để ý đến thiện ác trong tâm mình chỉ một lòng cầu vãng sinh mà niệm Phật. Đó là tha lực niệm Phật. Nếu cho rằng mình nghiệp chướng nặng nề khó được vãng sinh là một sai lầm lớn”. Theo lời dạy của Tổ thì phải giữ được chính niệm khi niệm Phật mới nhận được tha lực của Phật, còn không giữ được chính niệm hoặc không có chính niệm thì niệm Phật đó là tự lực niệm Phật.Nguyện mười bốn trong bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà chỉ rõ dấu hiệu khi niệm Phật nhận được tha lực và tác dụng của tha lực đối với người niệm Phật. “Nếu có chúng sinh thấy được quang minh chiếu chạm thân mình, đều được an lạc, tâm từ, hành thiện, sinh về nước ta. Nếu không như nguyện không thành Chính Giác”. (trích kinh Vô Lượng Thọ do cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập). An là thân ít bệnh tật, không bị tai nạn. Tâm ít gặp những điều ngang trái hoặc có gặp cũng không sinh phiền não. Thích yên tĩnh, ở yên v..v.. nên luôn được vui vẻ. Thấy chúng sinh khổ, khởi lòng thương xót là tâm từ. Thiện căn có tăng mới làm điều thiện. Thiện căn tăng, ác căn sẽ giảm, ác căn là tham sân si giảm làm tâm người niệm Phật giảm bớt tán loạn.Vì thế, kinh Quán Vô Lượng Thọ có đoạn “Một tiếng Niệm Phật tiêu trừ tám mươi ức kiếp trọng tội sinh tử, lại được tám mươi ức kiếp công đức vi diệu”. Đoạn kinh này đã làm rõ tác dụng của nguyện mười bốn vậy.Xưng danh hiệu Phật hay niệm Phật chỉ là tín hiệu địa chỉ để tha lực hay quang minh của Phật định hướng về người niệm Phật đó. Còn có chiếu chạm hay không là tùy thuộc vào tâm người niệm Phật có chính niệm hay không. Nếu tâm người niệm Phật không có chính niệm, niệm Phật là để cầu nọ cầu kia hoặc có chính niệm mà bị tà niệm che mất thì quang minh của Phật cũng không chiếu chạm được. Vì thế không phải câu niệm Phật nào cũng là tha lực niệm Phât.
Phàm phu tội chướng thời kỳ mạt pháp hiện nay, nghiệp chướng quá sâu dày, thiện căn quá thiếu kém, căn cơ quá hạ liệt, thường bị nội ma là tham sân si quấy phá làm cho tâm đầy toán loạn nên khó giữ được chính niệm khi ngồi yên tĩnh niệm Phật và cản trở khiến người tu không luôn luôn niệm Phật được. Lại còn bị ngoại ma ra sức phá hoại lòng tin vào Di Đà bản nguyện như gửi thông tin qua người khác hoặc nhập vào người khác đến nói hoặc đưa tài liệu khiến người niệm Phật bị lạc đường. Nhưng không phải vì thế mà phàm phu tội chướng khó được vãng sinh.
Trong niệm Phật Tông Yếu Tổ Phát Nhiên Thương Nhân dạy: “Đã sinh làm người trong cõi tán địa này thì tâm đều tán loạn cả. Nếu phải bỏ cái tâm tán loạn mới được vãng sinh thì thật là vô lý. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh là chỗ đáng quý của Di Đà bổn nguyện vậy”. Tổ còn dạy: “Tu Thánh đạo môn (Các tông phái khác như luật tông, thiền tông, giáo tông hay mật tông) thì tột cùng trí tuệ để lìa sinh tử. Tu Tịnh độ môn thì trở lại ngu si để vãng sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh đạo môn thì trau dồi trí tuệ, giữ giới cấm, rèn luyện tâm tính làm tông chỉ. Còn bước vào Tịnh độ môn thì chẳng dựa vào trí tuệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần điều hòa tâm tính, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô tri, cần nương vào Di Đà bản nguyện mà niệm Phật mà cầu vãng sinh.”
Thế nên người tu pháp môn niệm Phật phải nương vào Di Đà bản nguyện mà niệm Phật mới đúng là pháp môn Niệm Phật vậy.
II. Người tu pháp môn niệm Phật phải chuyên tu niệm Phật.
1. Thế nào là chuyên tu niệm Phật? Tổ Thiện Đạo, tổ thứ hai Tịnh Tông Trung Quốc, là hóa thân của Phật A Di Đà trả lời câu hỏi này như sau: “Đức Đại Thánh (Phật Thích Ca) xót thương khuyên người chuyên xưng danh hiệu Phật (Kinh A Di Đà), vì xưng danh hiệu rất dễ. Nếu có thể niệm niệm nối nhau, lấy một đời làm kỳ hạn, thì mười người tu mười người vãng sinh, trăm người tu trăm người vãng sinh. Vì sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chính niệm. Vì cùng với bản nguyện hợp nhau. Vì không trái với kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu, trong một trăm người may ra được một hai người. Trong một nghìn người hy vọng ba, bốn người vãng sinh mà thôi”. ( Trích Hương Quê Cực Lạc ).

2.Tạp tu là gì? Theo lời dạy của tổ Thiên Đạo, nếu chuyên niệm Phật gọi là chuyên tu vì niệm Phật là tu đạo. Còn vừa niệm Phật lại tu thêm với nhiều pháp phương tiện như: tụng kinh, trì chú, sám hối, phóng sinh, nghe giảng kinh v.v.. gọi là tạp tu.
Tạp tu khó được vãng sinh vì sao? Vì tạp tu thực hành nhiều pháp phương tiện khiến cho người tu bị phân tâm, tạo nhiều duyên tạp nên đến khi niệm Phật khó được chính niệm. Bản nguyện chỉ có một phương tiện là niệm Phật. Tạp tu thực hành nhiều pháp phương tiện nên không cùng bản nguyện hợp nhau.
Trong Niệm Phật Tông Yếu, tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân dạy: “Niệm Phật là bổn nguyện của đức Phật A Di Đà nên được mười phương hằng sa chư Phật chứng thành. Các hạnh khác chẳng phải là bổn nguyện, nên chư Phật chẳng chứng thành. Bởi thế nên thường niệm Phật để mười phương chư Phật hộ niệm”. Chư Phật mười phương hộ niệm trước khi lâm chung là để người niệm Phật giữ được chính niệm, đến khi lâm chung Phật cùng Thánh chúng hiện ra trước mặt khiến cho tâm người niệm Phật không điên đảo. Bởi không nhờ tha lực của Phật vào hai lúc này thì người niệm Phật chẳng thể vãng sinh. Vì thế mới gọi Pháp môn Niệm Phật là Tha lực Pháp môn. Nên tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân mới có lời dạy trong Niệm Phật Tông Yếu như sau: “ Niệm Phật là việc mình làm, vãng sinh là việc Phật làm. Vãng sinh là do Phật lực ban cho mà còn cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực chỉ nên xưng danh để Phật lại nghinh.”
Niệm Phật bao gồm tự lực niệm Phật và tha lực niệm Phật. Tự lực niệm Phật ví như lấy đá đè cỏ.Cỏ dụ cho phiền não tham sân hay tâm tán loạn.Nên tự lực niệm Phật chỉ được phúc báo mang đi luân hồi mà thôi.Còn tha lực niệm Phật ví như nhổ cỏ diệt cỏ khiến cho nghiệp chướng tiêu trừ căn lành thêm lớn,sẽ làm giảm bớt tâm đầy tán loạn xuống tâm còn nhiều tán loạn mới có thể vãng sinh được.Vì thế người tu pháp môn niệm Phật phải gắng sức niệm Phật sao cho có nhiều câu niệm Phật là tha lực niệm Phật vậy.
Tạp tu còn khó vãng sinh là do chưa tin vào Di Đà bản nguyện,vì còn nghi ngờ vào việc Phật làm thì làm sao mà có chính niệm được.Vả lại tu các pháp phương tiện (tự lực tu hành) công đức rất ít. Như trong kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “ Người hạ phẩm thượng sinh làm mọi điều ác, do tạo việc ác nên lúc lâm chung lửa dữ nơi địa ngục nhất thời hiện đến. Khi ấy gặp Thiện Trí thức vì họ giảng nói về mười hai bộ kinh (toàn bộ kinh Phật). Người ấy nghe rồi, diệt trừ những tội lỗi trong nghìn kiếp. Nghe kinh công đức ít nên địa ngục vẫn chưa tiêu diệt. Được người trí dạy niệm Phật A di đà một câu thì tiêu diệt tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp.” Kinh Niết Bàn nói: “Một tiếng niệm Phật phân làm mười sáu phần công đức. Nếu có một người bố thí cho chúng sinh khắp cả một thế giới trải qua ba tháng nhưng chỉ đem một phần trong mười sáu phần công đức của một tiếng niệm Phật cũng hơn công đức của người bố thí kia”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “ Quang minh soi chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp không rời chúng sinh niệm Phật” quang minh của Phật không soi chiếu người tu các hạnh khác.
Kinh A Di Đà có đoạn “ Này Xá Lợi Phất! Không có thể nào lấy ít thiện căn phúc đức nhân duyên mà được sinh sang bên nước kia đâu...” nên tạp tu là trái với kinh giáo và không thuận theo lời Phật. Vì thế người tu pháp môn niệm Phật phải chuyên tu niệm Phật mới đúng với kinh Phật và lời Tổ về Pháp môn Niệm Phật vậy.
III. Người tu pháp môn niệm Phật phải tuân theo lời khuyên dạy của tổ Thiện Đạo, tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân và pháp tu của ngài Từ Vân Sám Chủ, của tổ Ấn Quang mà thực hành niệm Phật.
1.Lời khuyên dạy của tổ Thiện Đạo: Trong niệm Phật Cảnh Tổ Thiện Đạo có mười lời khuyên người niệm Phật. Lời khuyên một và hai như sau:
Lời một:
Luôn luôn niệm Phật phải chân thật
Y theo lời Phật chớ hồ nghi
Điều phục tâm viên đừng phóng dật.

Lời hai:
Chỉ nhớ niệm Phật không việc khác
Lắng tâm quyết định nguyện về Tây
Lâm chung tự thấy Như Lai đến.

Lời một Tổ khuyên người niệm Phật phải y vào Di Đà Bản Nguyện mà luôn luôn niệm Phật và khi niệm Phật thì phải điều phục tâm viên. Điều phục là hàng phục và điều khiển. Tâm viên là tâm nhớ nghĩ lung tung hết chuyện này sang chuyện khác chẳng bao giờ dừng như con vượn chuyền cành (viên là vượn). Còn phóng dật là nhớ nghĩ buông luông thiếu đứng đắn. Tâm viên chính là tâm tán loạn vậy.
Lời hai Tổ khuyên “Chỉ nhớ niệm Phật không việc khác”. Việc khác là do tâm viên sinh khởi nên chỉ nhớ niệm Phật mới ngăn chặn việc khác đó làm cho tâm bớt tán loạn.
Thí dụ: người ngồi bán hàng, khách đến thì bán, không có khách thì ngồi niệm Phật. Niệm thầm hoặc niệm mấp máy môi sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật hay bốn chữ A Di Đà Phật cũng được. (Khi niệm Phật tập trung tâm ý vào một điểm ở giữa trán và lắng nghe tiếng niệm Phật của mình thì rất hiệu quả). Hay người đang làm việc bằng trí óc, lúc nghỉ thì niệm Phật thay vì nhớ nghĩ đến việc khác. Còn làm việc bằng chân tay, nếu việc đơn giản như cấy lúa, cắm cây mạ xuống ruộng niệm A Di Đà Phật v.v.. thực hành niệm Phật như Tổ dạy đâu có khó, lại ngăn chặn làm cho tâm bớt dần tán loạn mới giúp giữ được chính niệm khi niệm Phật để rồi: “ Lâm chung tự thấy Như Lai đến” tiếp dẫn mình về Tây phương Cực lạc vậy.
2. Pháp niệm Phật của Ngài Từ Vân Sám Chủ: gọi là niệm Phật mười hơi. Pháp này dành cho người còn đang bận việc làm ăn kiếm sống hay học sinh, sinh viên còn phải đang học hành.
Khóa lễ mười hơi thực hành như sau: Buổi sáng sớm thức dậy đánh răng rửa mặt sạch sẽ, đầu tóc quần áo gọn gang rồi chọn một chỗ đứng quang đãng sạch sẽ ở trong nhà, ngoài hè hay ngoài sân rồi đứng thẳng quay mặt về phía Tây (phía mặt trời lăn). Chắp tay vái ba vái rồi đọc câu: Đệ tử con một lòng cầu sinh Tịnh độ mà niệm Phật. Đọc xong vẫn chắp tay hít hơi vào thật sâu, khi thở ra niệm A Di Đà Phật. Niệm thầm hay niệm mấp máy môi, niệm nhanh cho đến thật hết hơi. Lại tiếp tục hít vào thở ra niệm Phật, như thế cho đến hơi thứ mười. Phải tập trung hết tâm lực vào khi niệm Phật. Niệm Phật xong đọc câu hồi hướng:
Nguyện đem công đức niệm Phật
Hồi hướng bốn ân ba cõi
Nguyện cùng khắp pháp giới chúng sinh
Đồng sinh Tịnh độ tròn Phật đạo.

Đọc xong vái ba vái là xong thời khóa. Niệm Phật mười hơi vọng niệm không có khe hở để sinh khởi nên nhiếp tâm rất tốt. Nếu ngắn hơi, niệm chậm cũng được gần mười câu là gần một trăm câu Phật hiệu. Nếu dài hơi niệm nhanh sẽ được gần hai mươi câu hay hơn, là trên dưới hai trăm câu Phật hiệu. Trong số nhiều câu ấy thế nào cũng có câu là tha lực niệm Phật. Nhưng nhược điểm của pháp này là bị lao hơi chóng mệt không niệm được nhiều. Chỉ mười hơi là vừa, nên gọi là niệm Phật mười hơi vậy.
Buổi tối trước khi đi ngủ lại thực hiện một khóa niệm Phật mười hơi nữa. Còn trong ngày thì y theo lời khuyên của Tổ Thiện Đạo là “chỉ nhớ niệm Phật không việc khác” mà thực hành và không duyên theo một pháp tu nào khác hay một phương tiện hành đạo nào khác thì người đó là chuyên tu niệm Phật. Đến khi tuổi cao được nhàn rỗi hay được nghỉ hưu mà áp dụng pháp niệm Phật của Tổ Ấn Quang thì vãng sinh Tịnh độ đâu có khó vậy.
3. Pháp niệm Phật của Tổ Ấn Quang: Nhiếp tâm thập niệm ký số.
Tổ Thiện Đạo hoằng dương Pháp môn niệm Phật vào thời nhà Đường bên Trung Quốc cách đây hơn một nghìn ba trăm năm.Trước thời kỳ mạt pháp hơn ba trăm năm.Thời đó Phật giáo Trung Quốc hưng thịnh lẫy lừng nhất nên căn cơ chúng sinh còn sáng lẹ, điều phục tâm tán loạn hay nhiếp tâm còn dễ. Nhưng thời nay là thời kỳ mạt pháp. Tổ Ấn Quang nhận định căn cơ chúng sinh thuộc loại độn căn. Nếu chỉ nhiếp tâm thôi thì khó dẹp được tâm tán loạn. Phải áp dụng thêm cách thập niệm ký số. Thập niệm ký số là: khi niệm Phật phải nghe rõ, ghi nhớ rành rẽ từ một cho đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một. Cứ thế xoay vòng mãi. Thập niệm ký số áp dụng cho mọi trường hợp niệm Phật đi đứng nằm ngồi. Nhưng khi ngồi yên tĩnh lúc vắng vẻ, ít tiếng động hoặc ở đạo tràng lúc thầm niệm mà áp dụng Pháp nhiếp tâm thập niệm ký số này thì dễ nhiếp tâm, nên dễ nhận được quang minh của Phật chiếu chạm. Vậy nhiếp tâm niệm Phật là như thế nào? Là thu các căn mắt, tai, ý không cho nó tiếp xúc với cảnh trần. Như mắt nhắm lại thì không thấy gì, còn đi đứng nằm ngồi thì mắt nhìn nọ nhìn kia, khó thu nhiếp căn mắt. Tai chỉ nghe tiếng niệm Phật của mình không nghe tiếng này tiếng khác. Ngồi tĩnh tâm nơi ít tiếng động dễ nhiếp căn tai hơn. Tâm ý chỉ tập trung vào một điểm ở giữa trán rồi đếm câu niệm Phật của mình do tai mình nghe thấy là thu nhiếp ý căn không cho nó tiếp xúc với pháp trần để nhớ nghĩ lung tung. Thu nhiếp ba căn rồi lại niệm Phật nhịp nhàng theo hơi thở và áp dụng thêm pháp niiệm Phật muời hơi, là hít vào sâu rồi thở ra niệm nhanh nhiều câu Phật hiệu thì nhất định lâu mau tùy người sẽ nhận được quang minh của Phât chiếu chạm.
Chú ý: khi nhiếp tâm thập niệm ký số, nếu thấy đầu nặng hay nhức đầu thì chuyển tập trung tâm ý xuống hai lòng bàn chân, nặng đầu, nhức đầu sẽ hết.
Khi ngồi yên tĩnh niệm Phật thực hành như sau: Ngồi bán già hay ngồi khoanh chân cũng được, lưng phải thẳng. Nếu lưng trùng lại ngồi thẳng trở lại. Bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau đặt trên ống chân trước bụng hay ngón tay cái chạm vào ngón tay chỏ đặt lên đầu gối cũng được. Mắt nhắm lại tập trung tâm ý vào một điểm ở giữa trán. Niệm kim cương (mấp máy môi) bốn tiếng A Di Đà Phật.
Trước khi niệm Phật, hít vào thở ra độ năm đến mười hơi cho hơi thở được điều hòa. Mười hơi đầu hoặc nhiều hơn tùy sức. Mỗi hơi niệm năm câu như: hít vào sâu, thở ra niệm nghe đếm từ câu một đến câu thứ năm. Hơi thứ hai, hít vào sâu thở ra niệm nghe đến từ câu thứ sáu đến câu thứ mười, rồi lại quay vòng thở niệm nghe đếm như thế. Hít vào sâu thở ra niệm nhanh nghe đếm được nhiều câu như thế rất dễ nhiếp tâm nhưng chóng mệt.
Nếu thấy hơi mệt chuyển niệm chậm hơn, ba hơi được mười câu như: hơi thứ nhất hít vào niệm một câu thở ra niệm hai câu, hơi thứ hai cũng thế, hơi thứ ba hít vào niệm một câu thở ra niệm ba câu rồi lại quay vòng như thế. Nếu niệm ba hơi được mười câu thấy mệt thì niệm một hơi được một câu như hít vào A Di thở ra Đà Phật. Nếu niệm chậm thấy khó nhiếp tâm lại chuyển sang niệm nhanh. Cứ quay vòng niệm nhanh chậm như thế cho hết thời khóa.
Chú ý: khi nhiếp tâm niệm Phật thập niệm ký số phải nhớ tập trung hết tâm ý vào một điểm ở giữa trán và y theo lời căn dặn của Tổ Ấn Quang: “ Có một bí quyết khẩn thiết bảo nhau khi niệm Phật phải chí thành cung kính. Nhiệm màu rất nhiệm màu”.
Thời gian cho mỗi khóa niệm Phật khi mới tu là 15 đến 30 phút rồi tăng dần 60 phút hay hơn nữa tùy duyên. Nhiếp tâm thập niệm ký số áp dụng trong các khóa tu ở đạo tràng hay ở nhà. Ngoài ra, bất kỳ thời gian nào, ở đâu nếu người niệm Phật muốn thực hành, chỉ cần chọn chỗ ngồi sạch sẽ, quang đãng, quần áo chỉnh tề, trước khi niệm Phật chắp tay đọc đệ tử con một lòng cầu sinh Tịnh độ mà niệm Phật, rồi niệm Phật. Niệm xong chắp tay đọc bài hồi hướng:
“Nguyện đem công đức niệm Phật
Hồi hướng bốn ân ba cõi
Nguyện cùng khắp pháp giới chúng sinh
Đồng sinh Tịnh độ tròn Phật đạo”.

Nếu có hoàn cảnh nhập thất (đóng cửa niệm Phật) thời gian từ 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày hay dài hơn thì rất tốt. Vì khi nhập thất không bị cảnh ngoài chi phối nên niệm Phật được liên tục, kéo dài dễ nhiếp tâm, dễ nhận được quang minh chiếu chạm.
Tổ Ấn Quang nói một câu rất cảm động: “ Ấn Quang tôi vì tâm khó điều phục, nhiều phen dùng thử mới biết là hay. Nguyện cùng những người độn căn đời sau y theo tu tập. Để được đồng sinh về Cực Lạc”. (Tổ Ấn Quang là tổ thứ mười ba Tịnh Tông Trung Quốc).
Pháp nhiếp tâm thập niệm ký số thích hợp với người có nhiều thời gian tu hành. Nếu ngồi yên tĩnh mà thực hiện pháp này thì chỉ một thời gian không lâu sẽ nhận được quang minh của Phật chiếu chạm. Tất nhiên số câu niệm Phật nhận được quang minh chiếu chạm lúc đầu còn ít. Có thời khóa niệm Phật nhận được, có thời khóa niệm Phật không nhận được. Nhận được nhiều, được ít v.v.. còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, hoàn cảnh, đặc biệt phụ thuộc vào người niệm Phật có thường niệm Phật khi đi đứng, nằm ngồi hay không. Vì có thường niệm Phật mới xả bỏ bớt duyên trần làm cho tâm bớt tán loạn để hỗ trợ cho ngồi tĩnh tâm niệm Phật.
Làm sao biết được quang minh của Phật chiếu chạm? Khi ta ngồi yên tĩnh niệm Phật đúng pháp của Tổ. Tâm ý ta tập trung vào một điểm ở giữa trán. Nếu có quang minh chiếu chạm thì người nhạy cảm sẽ thấy ở điểm đó nặng nặng, tê tê hoặc như có một lực nào tác dụng lên nó. Nhưng chỉ có cảm giác chiếu chạm mà thôi. Còn nếu thấy ánh sáng hoặc cảnh giới v.v.. thì phải xả ngay, không duyên theo vì quang minh của Phật thanh tịnh, chân thật không có hiện tướng gì hết. Kinh Kim Cương Phật dạy: “Phàm cái gì đã hiện tướng đều là hư dối”. Nhưng rõ hơn là thấy tâm mình đã chuyển, như nguyện mười bốn đã chỉ rõ: “…đều được an lạc, tâm từ hành thiện...” (đã phân tích ở phần trên). Người niệm Phật nếu tâm mình đã chuyển thì lúc nào cũng thấy vui. Tự nhiên không ham thích hưởng thụ thú vui của thế gian. Cái vui của thế gian chỉ là giả tạm, vui xong lại khổ. Bởi vì còn bị bốn khổ sinh lão bệnh tử đeo bám chẳng lúc nào rời. Vua Trần Thái Tông đã làm bài kệ nói lên tâm trạng này:
Xin chớ so đo khổ với vui
Có chi là khổ có chi vui
Vui trong tham dục vui liền khổ
Khổ chốn tu hành khổ hóa vui
Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui
Mong sao được sống không vui khổ
Để thoát ra ngoài cảnh khổ vui.

Cái vui khổ của thế gian là do đối đãi nhau mà có. Vì nếu không có cái gì gọi là khổ thì làm gì có cái gì gọi là vui. Vui khổ chỉ nương nhau mà tồn tại đó thôi, nên gọi là đối đãi giả tạm. Cùng trong một cơn mưa, người đi đường không có áo mưa khổ, người trồng cây nắng hạn thấy vui, người đang ngồi trong nhà chẳng khổ cũng chẳng vui. Phàm phu tội chướng chúng ta tuy có chuyển tâm do niệm Phật nhận được tha lực nhưng chưa thể đạt tới trạng thái tâm tự tại không vui không khổ ở thế gian được, nên phải gắng sức niệm Phật để được Phật đón về Cực lạc mới thoát khỏi cái vui khổ ở thế gian mà hưởng cái vui không đối đãi như trong kinh A Di Đà Phật dạy: “ Này Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao gọi là Cực Lạc? Chúng sinh cõi ấy không có những khổ, chỉ hưởng toàn vui. Bởi thế cho nên gọi là Cực Lạc”.
Người niệm Phật nếu tâm mình đã chuyển, tự nhiên thấy thức ăn ngon không còn hấp dẫn mình nữa, thậm chí còn sợ, nên ăn chay trường, là do niệm Phật nhận được tha lực của Phật, tâm bớt tham lại có tâm từ thương xót chúng sinh mới ăn chay trường được, và đã ăn chay trường do tâm đã chuyển thì dù ở hoàn cảnh như thế nào cũng không trở lại ăn mặn được nữa. Nếu người tu pháp môn niệm Phật mà vẫn còn ăn mặn, vẫn ham thích thú vui của thế gian là do tâm mình chưa chuyển. Vua Trần Thái Tông lại có bài kệ tiếp để nhắc nhở:
Lưỡi vương vị ngọt tai vương tiếng
Mắt theo hình sắc mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường.

Người niệm Phật nhận đuợc quang minh chiếu chạm là đã được Phật A Di Đà hỗ trợ nhân thiện. Tâm thiện tăng sẽ trở thành người thiện, vì thế kinh A Di Đà Phật Thích Ca gọi người chuyên niệm Phật là thiện nam, thiện nữ. Đã có thêm nhân thiện lại được Chư Phật mười phương hộ niệm hỗ trợ duyên thiện nên thành quả phúc hiện tiền là hay gặp nhiều may mắn. Vì thế trong kinh Phật nói người niệm Phật nhận được bảo châu như ý là như vậy. Nếu một đất nước (quốc độ) người người chuyên tu niệm Phật, nhà nhà chuyên tu niệm Phật thì quốc độ đó chuyển từ uế độ thành thiện độ và nhờ tha lực của Phật, từ thiện độ dân nước đó sẽ được chuyển sinh về Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Thế mới là đại nguyện tiếp dẫn độ tận chúng sinh của Như Lai vậy.
Người niệm Phật nếu tâm mình đã chuyển, khi bệnh nặng gần đến cái chết mà biết lời dạy của tổ Thiện Đạo trả lời Tri Quy Tử trong Niệm Phật Cảnh: “ Phàm tất cả người mạng chung muốn được vãng sinh cần phải không được sợ chết. Thường nghĩ thân này nhiều đau khổ, bất tịnh, nghiệp ác trùng trùng xen tạp. Nếu bỏ được thân hình nhơ nhớp này, siêu sinh Tịnh độ thì thọ hưởng vô lượng niềm vui, giải thoát con đường đau khổ sinh tử. Như vậy mới vừa ý. Ví tợ cởi bỏ chiếc áo nhơ xấu, được thay vào y phục quý đẹp. Chỉ nên buông bỏ thân tâm đừng sinh lòng lưu luyến. Hễ có bệnh thì nhớ về vô thường, một lòng chờ cái chết đến”.
Lời Tổ dậy rất hay vì sợ chết tức là tham sống. Con người lúc sắp chết, niệm tham sống khởi lên rất mãnh liệt, mãnh liệt nhất. Nếu không sợ chết mà chờ nó đến thì những niệm tham khác như tham luyến tình cảm, tham tiếc của cải gọi là những niệm sai lầm, không vượt qua nó được. Nếu người tu pháp môn niệm Phật tâm đã chuyển, đến khi bệnh nặng sắp đến cái chết lại theo lời khuyên dạy của Tổ Thiện Đạo mà “một lòng chờ cái chết đến” thì nhất định người đó sẽ giữ được chính niệm, liền được chư Phật mười phương hộ niệm. Chư Phật mười phương hộ niệm, ngoại ma không phá được nên người tu pháp môn niệm Phật mới giữ được chính niệm cho đến khi “Phật cùng Thánh Chúng hiện ra trước mặt” để tiếp dẫn. Thế thì việc vãng sinh đã nắm chắc trong tay, vãng sinh đâu có khó Tổ Tri Húc dạy: Niệm Phật còn nhiều tán loạn nếu được vãng sinh thì về hạ hạ phẩm, nếu ít tán loạn thì về trung hạ phẩm.
Nếu không còn tán loạn thì về thượng hạ phẩm.
Nếu chứng tam muội sư thì về ba phẩm trung.
Chứng tam muội lý thì về ba phẩm thượng.
Phàm phu tội chướng thời mạt pháp chúng ta tu pháp môn niệm Phật được về hạ hạ phẩm (đới nghiệp vãng sinh) là phù hợp với căn cơ của mình vậy.
IV. Người tu pháp môn niệm Phật phải giữ được chính niệm (tin, nguyện) cho đến trước khi lâm chung. Đến khi lâm chung Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Theo kinh Phật, lúc lâm chung thân ngũ uẩn gồm sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Sắc uẩn là thân thịt xương máu mủ, bốn uẩn còn lại là thần kinh hệ, đang bị phân ly và liệt hoại làm cho thân thể bị đau đớn. Còn tâm thì hiện ra ấm cảnh làm cho điên đảo.
Ấm cảnh là gì? Ấm cảnh là cảnh giới của lục đạo luân hồi do nghiệp nhân thiện ác mà con người gây ra khi còn sống và một số nghiệp nhân quá khứ tạo nên. Đến sát na lâm chung là một loáng thời gian trước khi chết, ấm cảnh hay cảnh giới nào mạnh sẽ lôi kéo thần thức và thân ngũ ấm người chết đó vào cảnh giới tương ứng của lục đạo luân hồi.
Từ đặc điểm trên của khi lâm chung, liên hệ với Kinh A Di Đà “Chỉ có những người một lòng chuyên niệm danh hiệu của Phật A Di Đà… Người ấy khi nào lâm chung Phật cùng Thánh chúng hiện ra trước mặt, tâm không điên đảo, người ấy liền sinh sang nước Cực Lạc của Phật A Di Đà”. Như vậy thì chỉ có những người tu pháp môn niệm Phật giữ được chính niệm (tin, nguyện) cho đến trước khi lâm chung.Vì chính niệm (tin, nguyện) đồng với Đại nguyện tiếp dẫn của Phật thì khi lâm chung Phật cùng Thánh chúng mới hiện ra trước mặt để tiếp dẫn. Phật hiện nên ấm cảnh không hiện ra được, vì thế tâm người niệm Phật mới không điên đảo vẫn giữ được chính niệm (tin nguyện).Trong niệm Phật Tông Yếu Tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân cũng dạy như vậy: “Người niệm Phật có lòng cầu vãng sinh và không nghi ngờ Di Đà bản nguyện, khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được vậy là nhờ chư Phật lai nghinh. Phật lai nghinh để người tu tu pháp môn niệm Phật lúc lâm chung được chính niệm, không phải lúc lâm chung cần phải chính niệm thì Phật mới lai nghinh. Người không biết nghĩa này cho rằng lúc lâm chung cần phải chính niệm niệm Phật Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật nguyện và không hiểu kinh văn nữa”.
Nhưng chính niệm lúc lâm chung mới chỉ là tâm chân thật của phàm phu tội chướng, Phật chưa tiếp dẫn về Tịnh độ được. Phải đợi đến khi tâm chân thật của phàm phu trở thành tâm thanh tịnh, Phật mới phóng quang tiếp dẫn về Tịnh độ của Phật. Lời khuyên người niệm Phật của Tổ Thiện Đạo trong Niệm Phật Cảnh làm rõ ý này.
Niệm Phật trước trừ tâm tham ái
Lâm chung tâm định thấy Di Đà
Tợ trăng sáng tỏ soi đầm biếc.

Có trừ được tâm tham ái mới giữ được chính niệm trước khi lâm chung. Còn khi lâm chung tâm định mới thấy Di Đà. Tâm có định mới sinh trí tuệ. Trí tuệ tâm Phật chính là tâm thanh tịnh. Nhờ có con mắt trí tuệ của tâm thanh tịnh mới thấy Di Đà, bởi thân của Phật là thân năng lượng, giống như hình hiện trên ti vi. Mắt của người không thấy được. Nhưng tâm định vào thời điểm nào của khi lâm chung? Tâm định vào sát na lâm chung, sát na lâm chung là một loáng thời gian trước khi chết, trong một loáng thời gian này, thân ngũ uẩn vừa liệt hoại xong (hơi dứt mạng hết) đột ngột không ngăn che trí tuệ tâm Phật, ví như đèn hết dầu phụt sáng trước khi tắt. Vậy sát na lâm chung tâm người niệm Phật mới được thanh tịnh và Phật A Di Đà tiếp dẫn họ vào thời điểm này. Tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân cũng xác định như vậy : “ Sát na lâm chung dễ như cắt sợi tơ, người ngoài không biết được, chỉ có Phật và người niệm Phật biết được mà thôi” (Trích Niệm Phật Tông Yếu).
Thật đúng với lời dạy của Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà: “… ai đã nguyện thì đã sinh rồi. Ai nay đang nguyện thì nay được sinh. Còn ai mới nguyện thì mai sẽ sinh. Bởi thế cho nên, này Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ, hễ có ai tin thì nên phát nguyện sinh về Cực Lạc”. Dựa vào ý này của Phật Thích Ca, Tổ Tri Húc, tổ thứ chín Tịnh Tông Trung Quốc có lời dạy như sau: “Được sinh cùng chăng toàn do tín nguyện có hay không. Về phẩm thấp cao đều do niệm Phật sâu hay cạn”. Tổ Ấn Quang đã khẳng định lời dạy này của Tổ Tri Húc. “Đây là luận án thép. Nghìn Phật ra đời cũng không thay đổi”. (trích thư gửi Cao Thiệu Lân trong quyển Lá Thơ Tịnh Độ).
Còn những người tu pháp môn niệm Phật không giữ được chính niệm (tin nguyện) cho đến trước khi lâm chung. Khi lâm chung ấm cảnh hiện, làm cho tâm điên đảo. Đến sát na lâm chung, ấm cảnh hay cảnh giới nào mạnh liền lôi kéo thần thức và ngũ ấm thân những người đó vào cảnh giới tương ưng của lục đạo luân hồi. Vì thế tổ Thiện Đạo có lời khuyên dạy như sau: “Việc luân hồi sinh tử rất lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm để luống qua thì nhiều kiếp chịu khổ. Có ai thay thế cho mình ! Nên suy nghĩ kỹ , nên suy nghĩ kỹ ”.
V. Sơ đồ Nhân duyên quả của pháp môn Niệm Phật.
2014-06-11_203734.png


VI. Kết luận:Người tu pháp môn niệm Phật nếu nương vào Di Đà bản nguyện chuyên tu niệm Phật, lại tuân theo lời khuyên dạy của Tổ Thiện Đạo, tổ Pháp Nhiên Thượng Nhân và các pháp tu của ngài Tư Vân Sám Chủ của tổ Ấn Quang mà thực hành niệm Phật, thì nhất định người ấy sẽ được chư Phật mười phương hộ niệm để giữ được chính niệm (tin nguyện ) đến trước khi lâm chung và đến khi lâm chung được Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Thật đúng là: “Một đường Tây phương rộng thênh thang, thẳng tắp về nhà không cần hỏi” (lời của Tổ Thiện Đạo). Viết đến đây tôi lại càng thấy thấm thía và xót xa trước câu nói ghi trong lời tựa của Niệm Phật Cảnh “Niệm Phật rất dễ thực hành. Tịnh độ rất dễ vãng sinh, mà chúng sinh không thể thực hành, không thể vãng sinh, thì chư Phật chẳng biết làm thế nào!”
Tôi hy vọng nhiều bạn đồng tu cũng có tình cảm này để cùng nhau thực hành niệm Phật, để cùng nhau vãng sinh Tịnh độ, để cùng được đền ơn trong muôn một Đức Bổn Sư Thích Ca chỉ đường, Đức Từ Phụ A Di Đà tiếp dẫn và chư Phật mười phương hộ niệm.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI ĐẠI TỪ ĐẠI BI TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT.


Cư sĩ Như Trụ kính biên soạn
Thế danh Dương Nguyễn Thạch
Địa chỉ 110B khu tập thể ba tầng,
phố Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 04.33511553.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên