N

Sống theo lý tưởng Bồ tát

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Sống theo lý tưởng Bồ tát
HT Thích Minh Châu


Trong đạo Phật có hai tư trào, hai xu thế tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì bổ sung hỗ trợ cho nhau; cả hai tư trào đó đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại.

Thứ nhất là tư trào hướng nội, ]quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là bộ mặt thật xưa nay của chính mình, con người thật của mình.

Thứ hai là tư trào hướng ngoại, mà sách Phật thường gọi là lợi hạnh độ sanh[/b]. Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sanh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là nỗi bất hạnh lớn lao nhất là sống chết luân hồi. Thực chất của tự trào hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sinh trong thế giới vũ trụ.

Cả hai xu hướng nói trên tiêu biểu cho hai hạnh lớn của đạo Phật là trí tuệ và từ bi, và đức Phật là bậc Thánh được Phật tử toàn thế giới ca ngợi, tôn sùng như là thể hiện một cách hoàn hảo nhất hai đức hạnh trí tuệ và từ bi đó.

Tôi xin lần lượt phân tích cặn kẻ hơn hai xu thế của đạo Phật, mà tôi tin rằng có một giá trị hiện sinh lớn (great exitstential dimension) đối với thời đại hiện nay của chúng ta.

Xu thế hướng nội: Quay về con người thật của chính mình.


Chúng ta có thể suy nghĩ gì về cuộc sống thác loạn, chạy theo lạc thú vật chất đang là đặc trưng nổi bật của những xã hội có trình độ văn minh vật chất cao, và cả của những xã hội đang phát triển, nhưng bị nền văn minh đó làm cho mê hoặc và chói lòa? Có sức mạnh sâu kín gì nằm ở đằng sau những tệ nạn xã hội như ma túy, tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mãi dâm, loạn dâm và bạo dâm, đồng tính luyến ái, bệnh tâm thần, nạn tự sát cá nhân hay tập thể v.v . . . ? ở đằng sau tất cả nếp sống thác loạn đó là xu thế của con người bất hạnh muốn thoát khỏi cái ta hạn hẹp và vị kỷ, muốn thoát khỏi một tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng, thường trực mà tiếng Anh gọi bằng danh từ chung là anxiety. Nhưng vì sao lại có tâm trạng bất an và ưu tư thường trực đó mà con người hiện đại muốn tìm sự lãng quên trong nếp sống thác loạn, đôi khi mất cả tính người.

Phải chăng là con người tưởng rằng, vì nội tâm đầy ưu tư và buồn chán, cho nên phải hướng ra bên ngoài để tìm lạc thú vật chất? Phải chăng con người tưởng rằng càng chiếm hữu nhiều của cải và tiện nghi vật chất, con người sẽ càng được thêm hạnh phúc, mọi nỗi ưu tư trong nội tâm sẽ được xóa bỏ.

Ảo tưởng này đâu có mới mẻ mà có tính muôn thuở ở ấn Độ cổ đại, đã từng có triết phái Duy vật (Carvaka) chủ trương như thế. Và ở thành phố Athène thời Socrates, có những triết gia thuộc phái ngụy biện (Sophistes) cũng đã từng bênh vực cho một lối sống khoái lạc vật chất tối đa như là một lối sống lý tưởng, xứng đáng được con người mơ ước.

Đạo Phật nói đó là ảo tưởng của những người khát nước mà còn ăn mặn, và càng ăn mặn càng bị khát. Đạo Phật vạch ra rằng, nỗi bất an và ưu tư nội tâm chỉ có thể giải quyết ở trong nội tâm, chứ không thể giải quyết ở bên ngoài. Phương pháp tu Thiền của đạo Phật – mà người phương Tây quen gọi là đạo Phật Thiền (Zen Buddhism) chính là phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm. Nội tâm chúng ta không khác gì mặt nước hồ, bị những đợt gió dục vọng chạy theo ngoại cảnh làm cho nổi sóng và vẩn đục. Chúng ta ưu tư chúng ta bất an chính vì chúng ta hằng ngày sống với cái nội tâm nổi sóng đó, trong khi cả lớp nước hồ sâu thẳm, trong lặng thì chúng ta bỏ quên như là xa lạ, không phải của mình.

Mục đích của Thiền không ở ngoài việc chỉ bày cho chúng ta những phương pháp thích hợp để làm cho bề mặt của nội tâm ta không còn nổi sóng, không còn dao động, để có thể nhìn sâu vào những lớp nội tâm rộng lớn, trong lặng vốn là cái tâm thật của chúng ta, chân tâm của chúng ta.

Nội tâm con người, từ bề mặt cho đến những bề sâu, một khi được làm cho vắng lặng, thì sẽ trong sáng như gương, sẽ là nguồn an lạc và hạnh phúc, sẽ là chân lý là ánh sáng, là Niết Bàn. Phương pháp tu Thiền rất nhiều vì bản tính con người muôn vàn sai biệt, người thì độn căn, người lợi căn, có người nặng về tham, có người lại sân và si nhiều; hay là ngược lại. Thế nhưng mục đích cuối cùng phải đạt tới của mọi phương pháp tu Thiền là an tịnh nội tâm, làm vắng lặng và trong sáng nội tâm, biến nội tâm từ dao động trở thành yên tịnh, từ mê mở trở thành sáng suốt. Tâm sáng suốt, đó chính là trí tuệ Bát-nhã, chính là cái mà sách Anh ngữ thường gọi là trí tuệ siêu việt Transcendental wisdom. Có được trí tuệ Bát-nhã, thì tức là thành Phật, bậc Thánh nhìn thấy tất cả biết hết tất cả (Omnicient).

Một ông vua mà giới sử học quốc tế thường biết đến như là một anh hùng đã lãnh đạo quân dân Việt Nam hai lần chiến thắng đội quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, đội quân đã từng làm mưa làm gió trên các chiến trường châu âu, và Châu Á thời bấy giờ. Ông vua đó Trần Nhân Tông. Ông vua đó, sau khi đánh bại quân Nguyên Mông đã không chịu ở lại ngôi vua để tận hưởng vinh quang của chiến thắng, mà đã nhường ngôi cho con, xuất gia theo đạo Phật, trở thành vị Thiền sư lỗi lạc, lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Những tác phẩm Phật học của ông, toát lên nhiều tư tưởng kỳ đặc. Một trong những tư tưởng đó là theo nguyên văn lời ông.

“Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Bụt,
Cốc mới hay chính Phật là ta”.
(Cư Trần Lạc Đạo Phú - hội 5)

Nghĩa là theo Trần Nhân Tông, con người thật của chúng ta chính là Phật, và chính vì chúng ta quên mất cái bổn, cái gốc đó cho nên chúng ta mới là chúng sinh, có trí óc mê muội và thân tâm đau khổ bất hạnh. Niềm ưu tư, bất an có thường trực trong nội tâm của chúng ta chính là bắt nguồn từ ở chỗ chúng ta quên mất con người thật của chúng ta là Phật, sống với con người giả của chúng ta là chúng sinh. Đạo Phật của Trần Nhân Tông cũng như của đời Trần nói chung là một đạo Phật hướng nội rất rõ nét, rất sinh động. Trên từ vua cho đến các quan lại, tướng lãnh, binh sĩ, dân thường nếu mọi người đều tin rằng mình là những vị Phật sẽ thành, do đó ngay trong hiện tại phải sống xứng đáng với vị Phật ở trong mình, sống với những đức hạnh của Phật như là từ bi, trí tuệ, dũng khí, vô úy... thì hãy hỏi có giặc ngoại xâm nào, kể cả quân đội Nguyên Mông thiện chiến, có thể xâm phạm bờ cõi Việt Nam mà không bị đánh bại.

Cổ đức có câu:

“Khổ hải vô biên,
Hồi đầu thị ngạn”.

Nghĩa là:

“Biển khổ mênh mông,
Nhưng quay đầu lại thì sẽ thấy bờ ngay”.

Quay đầu lại hướng về nội tâm, quay đầu lại sống với con người thật của mình, và con người thật đó chính là Phật với đầy đủ hai đức hạnh trí tuệ và từ bi. Đó chính là phương thuốc mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người hiện đại, con người hiện nay đang lãng đãng như khách phong trần trên khắp các nẻo đường, tìm kiếm sự thật và hạnh phúc, tuy biết rằng sự tìm kiếm đó là vô vọng. Đạo Phật nói: Thôi hãy đừng tìm kiếm đâu xa nữa? Hãy trở về với chính mình, với con người thật của mình.

Trần Nhân Tông, nhà vua–Thiền sư mà tôi đã giới thiệu trên đây có hai câu thơ chữ Hán:

“Gia trung hửu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.

Nghĩa là:
“Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền”.

Trong nhà có sẵn ngọc, không cần tìm kiếm đâu xa nữa, cũng như nói chính mình là Phật rồi, thôi đừng cầu Phật, tìm Phật ở đâu xa nữa. Và vì đã là Phật, cho nên ngoại cảnh dù có biến đổi, hấp dẫn như thế nào cũng không thể ảnh hưởng chi phối. Nội tâm con người vẫn bình lặng. Đã bình lặng thì sáng suốt, không gì không thấy, không biết. Và đó chính là Thiền rồi, cũng không cần học hỏi Thiền làm gì
.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27/11/06
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Xu thế hướng ngoại: Một cuộc sống hoàn toàn vô ngã, vị tha, tích cực, năng động, phong phú.

Con người, sau một quá trình tìm kiếm lâu dài không có kết quả, cuối cùng biết trở về với chính mình, thì bỗng thấy cái gọi mình là ta thực ra không tồn tại. Cả thân và tâm chỉ là một dòng, một chuỗi hiện tượng tâm và sinh lý biến chuyển liên tục trong từng sát na một và ở bên trong hay là ở đằng sau dòng chảy liên tục đó, không có một cái gì gọi là linh hồn hay là cái ta vĩnh cửu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Suragama) một bộ kinh Đại thừa quan trọng đã minh họa thuyết Vô ngã của đạo Phật bằng một ảnh dụ rất sinh động và cụ thể:

“Cũng như trăm ngàn biển cả trong lặng mênh mông, mà bỏ đi tất cả rồi chấp nhặt một bọt nước làm mình...”. Chấp thân tâm này là ta, cũng như biển cả quên mình là biển cả rồi chấp nhặt một bọt sóng là biển cả.

Con người giác ngộ lý vô ngã của nhà Phật, phát hiện thấy mình không phải là cái bọt nước, mà là cả đại dương rộng lớn, mình là đồng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, mọi loài hữu tình, và từ nhận thức đầy trí tuệ này, con người phát ra một lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, của tất cả mọi loài. Sống như vậy, đạo Phật gọi là sống theo lý tưởng Bồ-tát (Bodhisattva ideal). Đó là lý tưởng sống hòa nhập vào mọi người, mọi chúng sinh, đúng theo nguyên lý mọi người, mọi chúng sinh đều bình đẳng, cùng một thể.

Tôi tin rằng lý tưởng Bồ-tát, như được trình bày trên đây, là một lý tưởng có giá trị hiện thực lớn đối với thế giới hiện đại, vì các tôn giáo lớn trên thế giới đều có thể chấp nhận và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của đạo Phật trên những mức độ khác nhau, và với những tên gọi khác nhau.

Đạo Gia-tô nói: “Hãy thương người như thể thương mình”. Đạo Hồi nói: “Người Hồi giáo trong bốn biển đều là anh em”. Đạo Phật nói: “Hãy yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ yêu thương đứa con một của mình”.

Tất cả những lời lẽ khác nhau đó đều nói lên một nội dung thống nhất là tình thương rộng lớn, bao trùm lên mọi người không phân biệt chủng tộc và dân tộc, màu da và giới tính v.v. . . Tình thương rộng lớn đó phải là nét đặc trưng nổi bật nhất của một trật tự đạo đức mới, rất cần thiết cho xã hội và thế giới hiện đại, ở phương Tây cũng như phương Đông.

Đạo Phật khuyến cáo mọi người hãy quay về với người thật của mình, thế nhưng con người thật của chúng ta lại là vô ngã. Nó không hạn chế trong cái thân và tâm vô thường hạn hẹp này, nó là cũng một thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh và mọi loài hữu tình khác. Và sống hòa nhập với mọi người, mọi chúng sinh chính là lối sống vô ngã vị tha theo lý tưởng Bồ-tát.

Nói tóm lại, hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng sau khi phát hiện con người thật của mình lại không có mình không có ta, lại là vô ngã, đồng nhất thể với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác, cho nên đạo Phật lại chủ trương một cuộc sống năng động tích cực, hướng ngoại không phải là để tìm và hưởng thụ những lạc thú vật chất tầm thường và phi đạo đức, mà là để mưu lợi ích và đem lại an lạc cho mọi người, mọi loài Trong cả hai xu thế hướng nội và hướng ngoại này, nổi bật lên chủ thuyết Vô ngã của đạo Phật, nó không khác gì sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý, đạo đức và thực tiễn tu hành của đạo Phật.

Khi đức Phật còn tại thế và cả sau khi Ngài đã nhập diệt, tại bất cứ nơi nào đạo Phật có mặt thì lý tưởng vô ngã vị tha bao giờ cũng là chuẩn mức bất di dịch của nếp sống đạo đức Phật giáo, đối với người xuất gia cũng như người tại gia. Lý tưởng đó chói sáng Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển, Phật giáo Nam tông cũng như Phật giáo Bắc tông, hồi Phật còn tại thế cũng như mãi mãi về sau này. Bất cứ mọi người nào mà chối bỏ lý tường đó, sống ngược lại với lý tưởng đó, thời không thể được xem như là người Phật tử chân chính, chứ đừng nói gì đến bậc A-la-hán. Ấy thế mà vẫn có người viết sách phê phán, lý tưởng của A-la-hán là vị kỷ hẹp hòi. Họ không hiểu rằng muốn thành A-la-hán, điều kiện tiên quyết là phải diệt trừ mọi tư tưởng về cái ta, phải giác ngộ về lý vô ngã vị tha.

Chúng ta hãy nghe lại lời đức Phật khuyến dụ lớp học trò đầu tiên của Ngài:

“Này các Tỳ kheo, các người cần phải tu hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và loài Người...” (Mahavagga, 19)

Cần nhắc lại rằng, sớm từ năm 300 trước Công nguyên, vào một thời mà đạo Phật Đại thừa chưa hưng khởi thì Hoàng đế Asoka ở Ấn Độ đã phái nhiều đoàn truyền giáo mang thông điệp của đức Phật Thích-ca đến tận các xứ Xiri, Hy Lạp, Ai Cập và Bắc Phi và nhiều vùng xa xôi khác trên thế giới. Theo truyền thuyết, một phái đoàn truyền giáo của Asoka đã đến tận nước Việt Nam, và có xây một bảo tháp ở đây. Truyền giáo ở đất nước xa xôi, bất chấp những trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán v.v... là một hành động không những vị tha mà còn dũng cảm nữa. Và đã có biết bao nhiêu người đi mà không trở về trong sự nghiệp truyền giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới.

Thiếu sót cơ bản của con người hiện đại là đã đánh mất con người thật của chính mình, mà chạy theo cái Ta giả với những khao khát thèm muốn không bao giờ có thể thỏa mãn. Con người hiện đại ở xã hội văn minh phương Tây, có thể sống một dời sống tiện nghi vật chất thật đầy đủ, nhưng chỉ thiếu một cái là hạnh phúc, là sự an ổn nội tâm để thật sự thụ hưởng tất cả mọi của cải và tiện nghi vật chất đó.

Đúng như vậy, của cải và tiện nghi vật chất, lạc thú vật chất không thể là mục đích tự nó, và cứu cánh được Bởi vì, tối thiểu, con người phải có sự bình tĩnh và thanh thản của tâm hồn mới có thể tận hưởng những lạc thú vật chất hay tinh thần. Thế nhưng từ lâu, do cuộc sống thác loạn và hướng ngoại, mất hài hòa với bản thân, với thiên nhiên và xã hội, con người của xã hội văn minh phương Tây đã đánh mất sự bình tĩnh và thanh thản đó của tâm hồn, là điều kiện tiên quyết và cơ bản của một hạnh phúc chân chính và thật sự.

Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, Socrates đã vạch ra tất cả sự vô nghĩa lý của một lối sống tôn thờ khoái lạc vật chất như là độc nhất và tối thượng. Chúng ta có thể đọc lời phê phán sắc sảo đó của Socrates trong bài đối ngoại Phillebus của Plato. Trong cuộc đàm thoại, Socrates đã dẫn đối phương của mình là Protarchus đến kết luận vô lý này là con người chỉ cần hưởng lạc thú tối đa, ngoài ra thì không cần gì hết, kể cả lý trí, sự thông minh, trí nhớ, kiến thức và quan niệm đúng đắn. Nghĩa là theo Protarchus, con người miễn là được hưởng lạc thú tối đa, còn thì không cần gì nữa hết, kể cả sự thông minh, lý trí, trí nhớ v.v. . .

Socrates nói: “Như vậy thì không có trí nhớ làm sao ông nhớ được ông đã được hưởng lạc thú: bởi lẽ ngay sau khi hưởng lạc thú, ông không còn còn nhớ gì được hết, và hơn nữa, vì ông cũng không có quan niệm đúng đắn, ông cũng không nghĩ được rằng ông đã được hưởng lạc thú, và bởi vì ông cũng thiếu khả năng lý trí, ông cũng mất khả năng nhận thức được rằng ông sẽ còn được hưởng lạc thú trong tương lai. Ông phải sống cuộc sống của con sò hay là của những con vật sống nào khác mà trú xứ là đáy biển mà linh hồn bị dấu kín ở trong vỏ cứng. Có phải tất cả là như thế chăng, hay là chúng ta có thể nghĩ một cái gì khác?”

Protarchus: “Chúng ta không thể nghĩ khác được”.

Socrates: “Nếu vậy thì phải chăng chúng ta có thể nghĩ rằng một lối sống như thế là đáng mong ước?”

Protarchus: “Này Socrates, lập luận của ông làm tôi điếc cả tai ...”

Tôi dẫn chứng cuộc đàm thoại của Socrates để nói rằng con người hiện đại, sống một cuộc sống văn minh vật chất cao ở cuối thế kỷ XX này vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ ấu trĩ như Protarchus ở Athenes cách đây hai mươi lăm thế kỷ .

Tất nhiên, đạo Phật một mặt lên án cuộc sống chạy theo những dục vọng vật chất thấp hèn, mặc khác cũng không phải đề cao cuộc sống nghèo đói, kham khổ, đạo Phật lại càng phê phán lối tu hành hạ xác thân, ép xác khổ hạnh, chỉ làm cho thân người bệnh hoạn và đầu óc con người u mê. Đức Phật khuyến chúng ta tránh cả hai cực đoan chạy theo dục lạc vật chất và sống ép xác khổ hạnh. Đức Phật khuyến cáo học trò mình cũng như tất cả mọi người sống nếp sống lành mạnh, giản dị, hướng thượng, chói sáng đạo đức, giới hạnh và trí tuệ, một nếp sống mà tất cả mọi người giàu hay nghèo, xuất gia hay tại gia, ở phương Đông hay phương Tây đều có thể sống hay hướng đến. Một nếp sống như vậy sẽ đem lại sự bình tĩnh nội tâm sự sáng suốt của trí tuệ, giúp cho con người có thể thấy được sự vật như thật. Chính nhờ đó mà con người có thể sống hài hòa với bản thân và làm chủ bản thân, sống hài hòa với xã hội, với thiên nhiên. Và trong nhịp sống hài hòa đó, với bản thân, với xã hội và thiên nhiên, con người mới tìm thấy hạnh phúc thật sự.

Nếu tất cả mọi người đều chấp nhận và sống nếp sống như vậy, thì cả thế giới chiến tranh và bất ổn này sẽ sớm trở thành một thế giới hòa bình và hạnh phúc, kỷ nguyên XXI sắp tới đây sẽ trở thành kỷ nguyên của con người, kỷ nguyên trong đó các giá trị nhân bản là thước đo, là chuẩn mức của mọi giá trị, đường ranh giới phân biệt thật hay giả, thành công hay thất bại, chánh kiến hay tà kiến. Một kỷ nguyên trong đó con người trở thành vị quan tòa tối thượng, đánh giá mọi hệ thống chính trị xã hội, xem hệ thống nào ưu việt, đầy sức sống, hệ thống nào lỗi thời, phải cương quyết tự cải tổ lại hay là rút lui khỏi vũ đài lịch sử.

Xu thế hướng nội, quay về với con người thật của chính mình không thể bị hiểu nhầm, là tiêu cực, tự thu mình trong tháp ngà. Trên đây, tôi có nói đến một xu thế khác của đạo Phật, xu thế hướng ngoại dẫn tới một cuộc sống vị tha tích cực, vì lợi lạc của tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, có ghi những lời dạy của đức Phật, khuyến cáo các đệ tử của mình hãy tích cực hoằng hóa độ sanh, và nhất là thực hành Bốn nhiếp pháp để gần gũi chúng sinh, mưu lợi lạc cho chúng sinh, gần gũi mọi người, đem lợi lạc cho mọi người.

Bốn nhiếp pháp đó là ái ngữ tức là lời nói dịu hiền, dễ nghe, bố thí tức là giúp đỡ chúng sinh trên các mặt cung cấp của cải vật chất, giảng giải đạo lý, giáo pháp của đức Phật, che chở, bảo vệ chúng sinh nếu cần thiết, và tùy hỷ với tất cả mọi điều lợi lạc cho chúng sinh, và cuối cùng, đồng sự tức là cùng làm việc với chúng sinh v.v... Bốn nhiếp pháp, ái ngữ, bố thí, lợi hành, đồng sự là như vậy, chúng thể hiện nếp sống vị tha tích cực của đạo Phật. (Xem Tăng Chi I, 387). Cùng với Bốn nhiếp pháp, người Phật tử giác ngộ về thuyết vô ngã còn ra sức tu tập, thực hành Bốn vô lượng tâm, tức là mở rộng lòng từ lòng bi, lòng hỉ, lòng xả, bao trùm tất cả chúng sinh khắp mười phương. Đồng thời cũng tu tập thực hành sáu hạnh ba la mật, tức là bố thí, giới hạnh, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định, trí tuệ. Sáu hạnh này được tu tập và thực hành đến chỗ hoàn hảo, triệt để sẽ giúp cho những người sống theo lý tưởng Bồ-tát, có thể vứt bỏ hoàn toàn cái Ta nhỏ hẹp, vị kỷ, sống hòa nhập vào tất cả chúng sinh, tất cả mọi người.

Đó là nếp sống của những người Phật tử giác ngộ về lý Vô ngã của đạo Phật. Nếp sống đó không có gì là tiêu cực thụ động. Trái lại, nó rất tích cực, năng động và phong phú, đa dạng. Mong rằng nó tỏ ra hấp dẫn đối với con người hiện đại, đối với xã hội hiện đại.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung: Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP (Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Bên trên