Tăng Ni trẻ với việc nghiên cứu và
hành trì Chơn Lý
hành trì Chơn Lý
Ngày nay, hàng Tăng Ni trẻ có nhiều thuận duyên tiếp xúc và học hỏi từ nhiều pháp môn, nhiều trường phái Đông Tây… Cơ hội mở ra rất là lớn, nhưng những thách thức, những cạm bẫy thì cũng không phải nhỏ. Vậy huynh đệ Tăng Ni trẻ chúng ta phải làm gì với những thách thức này?
Thiết nghĩ tại các trường Phật học, chương trình đã được thiết kế rất chặt chẽ, nội dung giáo lý Nam Bắc truyền đều phân bổ đều trong chương trình học. Như vậy cứ phải chạy theo chương trình bài khóa nên huynh đệ hiếm khi có cơ hội đọc, tìm hiểu, nghiên cứu và cao hơn nữa là ứng dụng hành trì những lời dạy của Đức Tổ Sư. Cho nên có thể nói những “baby monks” (Tăng trẻ) and “baby nuns” (Ni trẻ) hiếm khi được uống sữa mẹ, mà uống toàn là sữa hộp, sữa bình… Do đó, sức “đề kháng” cũng không đủ mạnh khi bị “virus” xâm nhập.
Hơn bao giờ hết, mỗi Tăng Ni trẻ phải tự tạo nên “niềm cảm hứng” khi tìm hiểu nghiên cứu và ứng dụngChơn Lý Tổ Sư. Còn lúc nào tốt hơn, hiện nay hệ phái đã có tập nội san, đây là mảnh đất màu mỡ để hàng Tăng Ni trẻ chăm bón vun trồng cho vườn “Chơn Lý” của Tổ Thầy mỗi ngày thêm đơm hoa kết trái. Có thể nói, đây là một trong những cách cúng dường rất thiết thực dâng lên Đức Tổ Sư. Nếu mỗi chúng ta làm được như vậy, thiết nghĩ rằng, ngoài việc đóng góp công sức nhỏ bé vào việc xiển dương chánh pháp; bên cạnh đó, mỗi người sẽ có cơ hội trở về nguồn cội, uống những dòng sữa pháp mà chính Đức Tổ Sư đã để lại qua sự thể nghiệm và thân chứng trong suốt cuộc đời Ngài.
Bất cứ ai khi nhìn vào những đóng góp to lớn của nền văn học Phật giáo cũng đều phải cúi đầu bái phục. Trải qua nhiều thế hệ trước tác, chú giải, dịch thuật đến nay kho tàng kinh điển Phật giáo thật đa dạng và vô cùng phong phú. Có những bộ luận do những vị Luận Sư trước tác, đã để lại cho hậu thế một tư tưởng trác tuyệt. Nhưng nếu không nhờ những thế hệ kế thừa chú giải, phân tích thì những tư tưởng trác tuyệt đó khó được hiểu một cách chân xác như bối cảnh nó được ra đời. Bởi vì mỗi giai đoạn lịch sử đi qua thì cách nhìn nhận của con người cũng có khác đi. Vì vậy, khi nhìn lại bộ Chơn Lý của Đức Tổ Sư, chúng con mong ước chư Tôn đức Hệ phái sẽ cho ra đời một bản chú giải. Bởi vì, có nhiều đoạn trong bộ Chơn Lý trình bày quá cô đọng, vì vậy cần có sự giải thích rõ ràng, cặn kẽ những ý pháp này. Nếu không được chú giải rõ ràng, e rằng qua nhiều thế hệ mỗi người sẽ hiểu mỗi cách khác nhau, và một ngày nào đó có thể hiểu sai lời dạy của Tổ. Cho nên, hơn bao giờ hết, chúng con thỉnh cầu chư Tôn đức Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái sớm cho ra đời bộ chú giải về Chơn Lý, để tư tưởng của Đức Tổ Sư được thấm nhuần đến mọi tầng lớp, mọi căn cơ nếu có duyên với giáo pháp Khất Sĩ. Việc làm này tuy rất khó, nhưng chúng con tin tưởng rằng quý Ngài sẽ làm được vào một ngày sớm nhất trong tương lai.
Bên cạnh đó cần đào tạo những thế hệ giảng sư chuyên giảng giải về bộ Chơn Lý để đáp ứng một số lượng lớn những đạo tràng đang khát ngưỡng để đón nhận giáo pháp Tổ Thầy.
Chúng con cũng biết rằng hiện nay Hệ phái không thiếu những vị có khả năng có thể triển khai lời Tổ dạy, nhưng phải chăng quý Ngài đôi lúc còn dè dặt, e rằng lời Đức Tổ Sư dạy quá cao siêu, khó có ai thực hành được, nên bộ Chơn Lý của Đức Tổ Sư đến nay vẫn chỉ là bộ sách quý đang được tôn thờ ở những nơi trang trọng nhất, chứ chưa được phổ biến rộng rãi như giá trị đích thực vốn có của nó.
Khi nói đến những vấn đề này, có thể nói là quá lớn đối với hàng Tăng Ni trẻ chúng con, nhưng ước mơ này chúng con thiết nghĩ cũng rất dễ hiện thực, còn việc thành tựu hay không thì cần nhiều thời gian, nhiều nhân duyên mới có thể thực hiện được. Và đây có thể nói là ước mơ chung của những hàng đệ tử giáo pháp Khất Sĩ. Bên cạnh đó, chư huynh đệ Tăng Ni trẻ chúng con không những học ở nơi trường lớp, nơi những vị giáo sư với kiến thức uyên thâm, mà chúng con cần phải học nơi những bậc trưởng bối, những bậc thầy hiền đang lặng lẽ âm thầm thực hành những di ngôn của Tổ để lại. Và chúng con tin tưởng rằng nếu kế thừa được những tinh hoa của Đức Tổ Sư, của những bậc Thầy mô phạm, cộng với sự nỗ lực nơi tự thân, thì trong tương lai giáo pháp của Tổ Thầy sẽ được xương minh xán lạn.
Giác Nhẫn – ĐPKS
http://www.tinhxangocminh.net/2012/10/12/tang-ni-tre-voi-viec-nghien-cuu-va-hanh-tri-chon-ly/
http://www.tinhxangocminh.net/2012/10/12/tang-ni-tre-voi-viec-nghien-cuu-va-hanh-tri-chon-ly/