Thiền và Ngộ (pháp sư Thánh Nghiêm)

an lạc

Registered
Phật tử
Tham gia
30 Thg 10 2012
Bài viết
3
Điểm tương tác
2
Điểm
3
I/. Định nghĩa Thiền:
1. Mặc tưởng:
Tiếng Phạn Thiền-na, dịch nghĩa là Định, Tĩnh lự, Tư duy tu v.v… Định là tâm dừng ở một cảnh. Tĩnh lự, tương đương với tiếng Anh meditation, ngôn ngữ hiện đại gọi là Mặc tưởng. Tư duy tu không phải là tư tưởng, mà là dùng tâm quán chiếu liên tục một pháp nào đó, mỗi lần quên liền quay trở lại, làm cho tâm luôn cột niệm ở pháp đó. Có nghĩa là dùng một pháp biến tâm tán loạn thành tâm tập trung. Sau đó tiến tới tâm chuyên nhất, đây chính là nhập định. Nếu có thể tiến thêm một bước, dứt trừ tâm chuyên nhất này, thì cảnh giới vô ngã và vô tâm sẽ hiện ra. Cảnh giới này được gọi là thấy tánh, khai ngộ. Đó là pháp thứ năm trong sáu pháp ba la mật của Phật giáo - Định ba la mật.


2. Tứ Thiền thiên:
Tiếng Phạn là Catva. Sơ Thiền Ly sanh hỷ lạc, Nhị Thiền Định sanh hỷ lạc, Tam Thiền Ly hỷ diệu lạc, Tứ Thiền Xả niệm thanh tịnh. Theo Kinh Tạp A Hàm quyển 17: “Lúc thọ Sơ Thiền ngôn ngữ vắng lặng, lúc thọ Nhị Thiền giác quán vắng lặng, lúc thọ Tam Thiền tâm hỷ vắng lặng, lúc thọ Tứ Thiền hơi thở ra vào vắng lặng.” Nó là pháp môn cơ sở của Tứ vô lượng tâm, Bát giải thoát, cũng là pháp môn cơ sở của Tứ vô sắc định và Diệt tận định. Và là pháp tu giống nhau giữa Phật giáo Ấn Độ và ngoại đạo. Cũng là pháp môn tu hành chủ yếu nhất của tiểu thừa A La Hán. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi thành đạo và Niết bàn đều vận dụng tứ Thiền. Kinh Trường A Hàm quyển 4, quyển 6, quyển 12 và Kinh Trung A Hàm quyển 1, quyển 42, quyển 56 v.v… đều có miêu tả chi tiết. Ngoại đạo cho rằng nhập vào định thế gian tầng cao nhất (Phi phi tưởng xứ) là được giải thoát. Đức Phật trước khi thành đạo theo học pháp Tứ Thiền Bát Định với tiên nhân A-la-la và Uất-đầu-lam-phất, các tiên nhân ngoại đạo này cho tầng thiền Phi phi tưởng là giải thoát tối cao, nhưng Đức Phật nhận biết đó chưa phải giải thoát (Xem “Quá khứ, hiện tại, nhân quả Kinh”, quyển 3).
3. Tọa Thiền:
Tọa Thiền còn gọi Tư nghĩa (nghĩa suy tư). Tọa Thiền là dùng tư thế ngồi đạt đến mục đích tu Thiền. Phương pháp tọa Thiền do các vị Sư Du-già phát minh. Nghe nói Ấn Độ xưa có một vị hành giả đi vào núi cầu đạo giải thoát, gặp một con sư tử đang khoanh tréo chân ngồi điều hơi thở, liền bắt chước theo, thấy thân tâm đều dễ chịu, do đó mới truyền bá cách ngồi này. Đây có thể chỉ là truyền thuyết, theo cấu tạo sinh lý của sư tử, nếu tréo ngang hai chân hoặc duỗi chân ngồi giống người có lẽ còn có thể làm được. Nhưng khoanh tréo chân ngồi thật không dễ dàng. Trong sách vở ghi chép thời Cổ Ấn Độ (trước Đức Phật), ví dụ như “Áo Nghĩa Thư” (Upanishads) sớm đã giảng về phương pháp tu tập Thiền định. Và tiếng Phạn “Áo Nghĩa Thư” chính là từ hợp âm của “cận tọa”, có nghĩa là “chân thành với nhau mà ngồi đối nhau”. Trong sách dạy dùng điều hơi thở, điều thân, điều tâm và miệng tụng từ “Án” để đi vào Thiền định.
Theo kinh nghiệm tổng hợp từ các vị tu Thiền xưa nay, tư thế ngồi Thiền gọi là cách ngồi “thất chi”: 1. Khoanh tréo hai chân; 2. Sống lưng thẳng; 3. Tay kết ấn Định pháp giới; 4. Buông thỏng hai vai; 5. Đầu lưỡi hơi chạm vào hàm trên; 6. Ngậm miệng; 7. Mắt hơi mở. (Nội dung chi tiết xin xem thêm “Phương pháp nhập môn Thiền” trong quyển “Kinh nghiệm Thiền - Khai thị Thiền”). Điều kiện là ngồi ở chỗ thanh tịnh không người, hoặc trong phòng yên tĩnh không bị quấy nhiễu. Người ngồi phải ít muốn, biết đủ, sau đó mới có thể đạt đến trình độ Thiền định “tâm nhất cảnh tính” (trong tâm chỉ có một cảnh).
4. Thiền Tông:
Thiền Tông phát nguồn ở Ấn Độ, lớn mạnh và trưởng thành ở Trung Quốc, sau đó truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Tương truyền trên hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn đưa cành hoa, Đại đệ tử Ma-ha Ca Diếp mỉm cười, trở thành Tổ Sư đời thứ nhất của Thiền tông. Sau đó đời đời truyền nhau trải qua 28 đời, đến đời Tổ Bồ Đề Đạt Ma thì truyền đến Trung Quốc, Ngài trở thành Sơ Tổ Thiền tông của Trung Quốc. Lại truyền tiếp 5 đời, đến đời thứ 6 Đại Sư Huệ Năng là hoàn thành xong nền móng vững chắc cho Thiền tông. Thiền tông nhấn mạnh: “Không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, sáng tâm thấy tánh, đốn ngộ thành Phật.” Thế nhưng, những trước tác của Thiền tông, từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng, lại dẫn giải không ít kinh điển. Về sau, trong các tông của Phật giáo Trung Quốc, để lại nhiều tác phẩm nhất lại chính là Thiền tông. Nguyên nhân là để giải thích chỗ “không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý”, nên phải dùng số lượng lớn văn tự. Đối với Phật giáo Trung Quốc, Thiền tông là môn phái được hoan nghênh nhất, duy trì lâu dài nhất, truyền bá rộng rãi nhất. Đời Đường từng phát triển thành Năm Nhà Bảy Tông, từ đời Tống về sau dần dần chỉ còn lại hai chi phái lớn, tức là tông Lâm Tế và tông Tào Động. Thiền tông Nhật Bản nhận truyền từ đời Tống nên cũng chỉ có hai chi phái này. Do các nhân tố trên, hiện nay ở các nơi trên thế giới, khi nói đến “Thiền”, người ta liền nghĩ đến Thiền tông.
II/. Định nghĩa ngộ:
Ý nghĩa của “Ngộ” chính là vốn không biết đột nhiên biết. Nhưng chữ “ngộ” trong Phật giáo không giống với nghĩa trên. Có 5 loại ngộ:
1. Ngộ trong nghệ thuật:
Cũng có thể gọi là linh cảm. Bất luận là văn sĩ, nhạc sĩ hay họa sĩ, sáng tác của họ phần lớn không phải dựa vào tri thức hay học vấn bình thường, cũng không hoàn toàn ỷ lại vào việc rèn luyện kỹ xảo. Giới văn học có câu: “Hạ bút như thần giúp, ngàn vạn lời một mạch xong.” Còn họa sĩ thì dựa vào lúc “Bút xuống như thần đến”, bất kể họa phẩm lớn nhỏ, đều có thể múa bút liền thành. Các nhạc sĩ viết nhạc, thường không qua suy nghĩ mà ý ra như nước chảy. Đương nhiên cũng có thuyết “Văn nghèo phải gia công”, cách “đẩy, gõ” của Giả Đảo là một ví dụ điển hình. Nhưng sáng tác mà không có linh cảm chỉ thể hiện được công phu, chứ không thể đạt được sự tự tại, khoáng đạt như “thiên mã hành không” (ngựa thiên lý phi như bay trên đường vắng). Do đó, các nhà nghệ thuật thường là “trời sanh”.
2. Ngộ trong Khoa học:
Các nhà khoa học phát hiện một định luật về mặt học thuật nào đó như vật lý, số học, sinh hoá v.v…, tất nhiên phải có sự rèn luyện cơ bản về mặt học thuật đó, nhưng chủ yếu vẫn là tính tự ngộ. Bất kể là phát minh hay đột phá trọng đại về lý luận hay kỹ thuật, thường là phát sinh dưới tình cảnh “Đi nát giày sắt tìm không ra, chợt được không phí chút công phu.” Newton thấy quả táo rơi xuống đất mà phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, Edison phát minh đèn điện, Einstein nêu lên thuyết tương đối v.v…, đều không phải là việc người bình thường có thể làm được.
3. Ngộ trong Triết học:
Các nhà triết học đối với việc thể nghiệm vũ trụ nhân sinh, thường không ra ngoài ba con đường mà nhà Nho nói: Sanh ra đã biết, do khốn khó mà biết, do học mà biết. Do học mà biết đương nhiên quan trọng, nhưng không thể vượt qua phạm vi của người đi trước. Chỉ có những phát minh của các bậc kỳ tài sanh ra đã biết, và hạng do khó khăn bức bách mà phát minh ra mới có thể khai sáng ra những cảnh giới mới mẻ, đó chính là ngộ cảnh. Các bậc triết gia vĩ đại xưa nay đã để lại cho lịch sử tư tưởng văn hoá của chúng ta rất nhiều lý luận triết học về hình thái, quan niệm. Ví dụ học thuyết “Trí lương tri” của Vương Dương Minh chính là ngộ được lúc bị biếm đến Long Trường – Quý Châu.
4. Ngộ trong tôn giáo:
Thường thông qua nghi thức, tín ngưỡng, lễ bái, cầu đảo, trì tụng v.v… mà cảm ứng được các hiện tượng như thiên khải (trời hiện ra cho chỉ thị), thần thị (thần hiện ra cho chỉ thị), giáng linh (các vị thần linh hiện xuống). Có người trực tiếp thấy được những chỉ thị của thần, có người nghe được lời nói của thần, có người trong cảnh mộng nhận được sự chỉ dạy của thần, có người đột nhiên linh quang loé sáng, thấy mình ở chung với thần, kiến giải vượt hơn người thường, lòng tin đột nhiên tăng mạnh, khởi tâm mình có sứ mạng thương trời xót người, hoặc tự thân chứng nghiệm, chính mắt thấy sự kỳ dị của thế giới thần tiên, thiên đường, địa ngục v.v… Đương sự thường cho đây là khai ngộ, vì việc chưa từng phát sinh đột nhiên phát sinh, việc không thể biến thành có thể. Tín ngưỡng tôn giáo phần lớn phát sinh trong những tình cảnh như trên.
Nhưng trên lập trường Thiền, bốn loại trên đều không phải ngộ cảnh thật. “Ngộ” phải là sự cởi bỏ trung tâm tự ngã, giải phóng phiền não tự tư, phá trừ phân biệt chấp trước. Cho nên phải tiến thêm một bước, vượt lên trên linh cảm và linh nghiệm, mới là ngộ cảnh thật.
5. Ngộ trong Thiền:
Theo Nhà Phật, Ngộ có nghĩa là Giác, gồm ba bậc:
a. Tự giác của Tiểu thừa:
Sau khi phá trừ các phiền não của trung tâm tự ngã, như: Tham, sân, si, mạn, nghi… thì không còn phải chịu khổ báo trong sanh tử luân hồi do các thứ phiền não này gây ra nữa. Muốn được điều này phải tu các pháp môn như Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên v.v…, và có thể đạt quả A-la-hán, phá trừ ngã chấp, thường trụ Niết bàn. Trong quá trình tu hành của Tiểu thừa, đạt đến Sơ quả là khai ngộ, đạt đến Tứ quả là triệt ngộ.
b. Giác tha của Bồ-tát:
Bồ-tát là viết tắt của “Bồ-đề-tát-đoả”, dịch nghĩa là Giác Hữu Tình. Bồ-tát không những tự đoạn phiền não, mà còn phát nguyện rộng độ chúng sanh. Bồ-tát Địa Tạng thậm chí nói: “Chúng sanh độ hết mới chứng Bồ đề.” Bồ-tát mong muốn tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, còn chính mình thành Phật hay không không quan trọng. Sự thật nếu chúng sanh đều nhờ Bồ-tát mà thành Phật, thì Bồ-tát nhất định cũng sẽ thành Phật. Bồ-tát đạo chia làm 52 vị thứ, tiến vào địa vị thứ 11 là khai ngộ, đến khi thành Phật là triệt ngộ, viên ngộ.
c. Tự giác – Giác tha – Giác mãn của Phật
Phiền não của Ngài đã đoạn tận, đã để lại nhân duyên được độ cho tất cả chúng sanh. Ngài là bậc tự lợi, lợi tha, phước huệ đồng tu và viên mãn cứu kính, nên gọi là Đại Viên Mãn Giác.
d. Ngộ của Thiền tông:
Ngộ của Thiền Tông có nghĩa thù thắng riêng. Có hạng người không dựa vào thứ lớp, dưới sự chỉ đạo của bậc minh sư, vừa chạm liền ngộ. Có hạng lúc khổ tham thực cứu ngộ cảnh đột nhiên tự phát. Ngay lúc ngộ cảnh hiện tiền, tâm ngực thông suốt, khoáng đạt không ngại, trong lặng vạn dặm không nhiễm chút bụi trần, cùng với tâm Phật không hai không khác, bình đẳng nhất như. Nhưng Phật ngộ là ngộ vĩnh viễn, và là triệt ngộ. Còn người tu Thiền thường phải ngộ rồi lại ngộ. Thời gian ngộ cảnh xuất hiện cũng có ngắn dài. Người lực tu mạnh tương đối kéo dài lâu, bằng không thì thường ngắn ngủi. Có điều, người từng ngộ vẫn khác hẳn người chưa từng ngộ. Vì họ đã thấy qua mặt thật xưa nay, cho nên lòng tin kiên cố, dễ dàng tiếp tục nỗ lực. Có vị Thiền sư từng nói: “Đại ngộ hơn 30 lần, tiểu ngộ không kể xiết.” Có thể thấy ngộ của Thiền tông không phải vừa ngộ liền giải thoát, hay vừa ngộ liền thành Phật.
Như vậy, ngộ theo Phật giáo có nhanh, chậm, sâu, cạn. Thiền tông thuộc đốn ngộ (ngộ nhanh). Đốn ngộ có thể đạt đến triệt ngộ, nhưng phần lớn phải ngộ rồi lại ngộ, từng lớp đột phá.
III/. Diễn biến Thiền:
1. Thời đại Phật giáo nguyên thuỷ và bộ phái Phật giáo ở Ấn độ:
a. Về quan niệm:
Lấy Chánh Tri Kiến làm cơ sở, Giới Định Tuệ làm phạm vi. Chánh Tri Kiến là tin chắc nguyên tắc chỉ đạo bất biến của Tam pháp ấn: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh”. Sau đó giữ năm giới, tu mười điều lành để làm thanh tịnh ba nghiệp thân, miệng, ý.
Năm giới là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Mười điều lành là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời ác, không tham, không sân, không si. Giới cấm uống rượu là nét riêng của Phật giáo, vì Phật giáo chú trọng khai phát trí tuệ, mà rượu hay khiến người tâm trí mê loạn.
Tu định là tu xuất nhập chín tầng định (cửu thứ đệ định), tức là Tứ Thiền của sắc giới, Tứ định của Vô sắc giới, cộng thêm Giải thoát định của A-la-hán, tức là Diệt tận định, chung lại là chín. Các định cảnh này từ cạn vào sâu, từ sâu ra cạn, thứ lớp ra vào, gọi là Cửu thứ đệ định.
A-la-hán có hai loại giải thoát, một là Định tuệ đồng giải thoát, tức là từ Cửu thứ đệ định đạt thành mục đích giải thoát, bản thân sự giải thoát chính là trí tuệ. Hai là Tuệ giải thoát, trực tiếp từ huệ quán ngộ nhập cảnh giới giải thoát. Đây là quan niệm căn bản của Phật giáo.
b. Về phương pháp:
Tu Ngũ đình tâm quán, Tứ vô lượng tâm, Tứ niệm xứ. Các phương pháp này đều là phương pháp quán hạnh, cũng gọi là Thiền quán hay Thiền số.
Ngũ đình tâm quán là năm cách quán khiến tâm tán loạn dừng lại, và đạt được mục đích nhập định. Gồm: Quán sổ tức, quán bất tịnh, quán nhân duyên, quán từ bi, quán giới phân biệt. Đặc biệt, quán sổ tức và quán bất tịnh được xưng là hai pháp môn cam lồ. Cam lồ là một loại thuốc bất tử trong truyền thuyết Ấn Độ. Dùng hai phương pháp này có thể tiến nhập cảnh giới Niết bàn.
Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, nương vào 4 loại Thiền định của Sắc giới để tu. Đây là nét riêng của Phật pháp. Tại sao? Thiền định thế gian thông thường đắm mê vào cái vui của định. Còn Phật pháp dùng định phát khởi từ bi, sanh đại hoan hỷ, xả bỏ tất cả chấp trước vào định cảnh, làm lợi ích chúng sanh, như thế có thể ra khỏi ba cõi.
Tứ niệm xứ là Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Đây cũng là nét riêng của Phật pháp. Phàm phu cho thân bất tịnh là tịnh, nên chấp trước; nhận chịu các hiện tượng thay đổi không dừng mà không thấy khổ; tâm niệm thường biến đổi mà nghĩ là thường; tất cả hiện tượng đều không thật mà cho là ngã. Quán bốn niệm xứ có thể chán lìa thân tâm, không tham luyến tất cả hiện tượng thế gian, đạt được mục đích xuất thế.
2. Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ:
a. Mục đích
Thiền định trong Phật giáo đại thừa lấy Tam muội làm mục đích. Trong Kinh Đại Thừa thời kỳ đầu, các kinh điển lấy “Tam muội” làm tên tổng cộng có 24 loại, như: “Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh”, “Bát nhã Tam Muội Kinh” v.v… (Xem “Khởi nguyên và phát triển của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu” của Pháp Sư Ấn Thuận). Tam muội có nghĩa gì? Thời kỳ đầu Tam muội chỉ “định”, thời kỳ sau Tam muội chỉ Lực giải thoát phát sinh nhờ định tuệ, có thể nói đó là tên khác của giải thoát. Ví dụ Đại Trí Độ Luận quyển 2 nói: “Tam tam muội đồng duyên nhất thực tướng”, “Tam pháp ấn tức là Nhất thực tướng”. Trong “Kinh A Hàm” đã có ba thứ tam muội là “Không”, “Vô tướng”, “Vô nguyện”, cũng tức là Tam giải thoát. Tam giải thoát đều duyên “Nhất thực tướng”, cũng tức là thực chứng Tam pháp ấn. “Chất đa tương ưng” trong “Ba Lợi Văn Tàng Kinh” (Tương Ưng Bộ) cũng lấy 4 loại tam muội làm tâm (định) giải thoát (Nam Truyền Tạng Kinh quyển 15, bài 45, trang 1452). Giải thoát chính là trí tuệ. Trí tuệ vô lậu có thể sinh ra kết quả giải thoát phiền não. Do đó các vị Tổ sư Ấn Độ từ xưa đến nay đều coi trọng thực tiễn của phương pháp tu Thiền, lấy tam muội làm mục đích.
b. Bốn loại tam muội của Thiền Đại thừa:
“Ma ha Chỉ quán” quyển 2 của Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, sắp xếp phương pháp Thiền quán của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ thành 4 loại tam muội:
b.1. Thiền Tọa Tam Muội: Xuất xứ từ “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh”, còn gọi là Nhất Hạnh Tam Muội, là thường tọa chẳng động, tức là tọa Thiền theo cách nói thông thường.
b.2. Thiền Hành Tam Muội: Xuất xứ từ “Bát Nhã Tam Muội Kinh”, nên cũng gọi là Bát Nhã Tam Muội, là tu theo phương thức kinh hành, không nghỉ, không ngủ, không ngồi, thời gian là 90 ngày.
b.3. Bán Hành Bán Tọa Tam Muội: Theo cách dạy trong “Đại Phương Đẳng Đà La Ni Kinh” và “Pháp Hoa Kinh”, do đó còn gọi là Pháp Hoa Tam Muội. Ngoài tọa Thiền còn tu thêm các phương pháp như lễ Phật, tụng Kinh, sám hối. Phương thức tu Thiền ở các Thiền đường ngày nay phần lớn sử dụng cách bán hành bán tọa này.
b.4. Phi Hành Phi Tọa Tam Muội: Cũng gọi là “Tùy Tự Ý Tam Muội”, hoặc “Giác Ý Tam Muội”, là không quy định cứng ngắc trên 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi, chỉ cần tâm niệm không giải đãi, tùy theo ý hướng của mình mà tinh tấn tu trì, vẫn có thể đạt được Tam muội.
c. Thiền Đại Thừa là đời sống hằng ngày
Kinh A Sai Mạt do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, nói: “Khiến cho Thiền định này trụ nơi tâm bình đẳng, đó là Bồ-tát tu hành Thiền định… Tâm hạnh bình đẳng, tâm tướng bình đẳng, rốt ráo bình đẳng, phát hạnh bình đẳng, gọi là định. Trụ nơi Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ và các pháp bình đẳng, gọi đó là định… Vì tâm mình bình đẳng nên tâm người cũng bình đẳng, gọi đó là định.” Đây là lấy tâm trụ nơi bình đẳng (chúng sanh bình đẳng, chư pháp bình đẳng), đó là Thiền định của Bồ-tát. Đoạn văn này có nghĩa là Bồ-tát tu Thiền định, chỉ cần dùng tâm bình đẳng làm tất cả việc, không nhất định phải thực hành phương pháp tọa Thiền. Điều này cùng một ý nghĩa với “Trực tâm là đạo tràng” trong Kinh Duy Ma, và “Tâm bình thường là đạo” của Mã Tổ Đạo Nhất.
d. Thiền Đại thừa không ngoài 4 oai nghi
Kinh Hiền Kiếp Tam Muội quyển 1 nói: “Tu ba phẩm: Một kinh hành, hai đứng yên, ba tọa định, thay qua đổi lại, từ đây siêu việt.” (Đại Tạng Kinh quyển 14)
Kinh A Súc Phật Quốc quyển thượng cũng nói: “Làm bậc Vô Thượng Chánh Chân”, nếu “Đời đời làm Sa Môn mà không thường ngồi dưới gốc cây, đời đời không thường tinh tấn thực hành ba việc, những gì là ba? Một là kinh hành, hai là ngồi, ba là đứng, ……” (Đại Tạng Kinh quyển 11)
Long Tương Ưng Tụng trong Long Tạng Kinh (Kinh Trung A Hàm phần 2) thời kỳ đầu, xưng tán Phật là Đại Long (Rồng lớn), nói: “Rồng đi, đứng đều định, ngồi định, nằm cũng định, tất cả thời đều định.” (Đại Tạng Kinh quyển 1)
Kinh Duy Ma quyển thượng, phẩm Đệ Tử cũng nói: “ Không khởi diệt định mà hiện các oai nghi, đây là yến tọa.” (Đại Tạng Kinh quyển 14)
Qua 4 mục kinh điển kể trên có thể thấy Thiền định của Phật giáo Đại thừa có nhiều dạng, nó chú trọng đời sống thường ngày, bất cứ lúc nào cũng có thể tu Thiền định, chính là coi trọng định cảnh của tâm, chứ không câu nệ nơi thế ngồi của thân. Đây là chỗ y cứ về mặt lý luận của Thiền tông Trung quốc sau này.
IV. Thiền tông Trung Quốc:
1. Trước Lục Tổ Huệ Năng:
Thiền tông trước Lục Tổ Huệ Năng có 2 hướng: Một do Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền thừa, hai do các Tổ sư ở các tông phái khác truyền. Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến Tứ Tổ Đạo Tín thì phân làm hai nhánh: Ngưu Đầu Pháp Dung và Đông Sơn Hoằng Nhẫn. Thông thường đều cho Hoằng Nhẫn là Ngũ Tổ Thiền tông, vì Ngài là Sư phụ của Huệ Năng. Thực ra Pháp Dung cũng là đệ tử của Tứ Tổ, hơn nữa còn truyền được 7 đời, đến Điểu Khoa Đạo Lâm về sau mới dần thất truyền. Còn về các vị Thiền sư không thuộc hệ phái của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, thời kỳ đầu có Ngài Trúc Đạo Sinh, Tăng Triệu, Pháp Thông v.v…, đều có ảnh hưởng đến tư tưởng Thiền tông sau này. Ngoài ra Nam Nhạc Huệ Tư, Thiên Thai Trí Giả của hệ Thiên Thai, Thanh Lương Trừng Quán, Khuê Phong Tông Mật của tông Hoa Nghiêm, cũng là những vị Thiền sư nổi tiếng.
Thời đại từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng không nhất định toàn là pháp môn đốn ngộ. Như “Nhị nhập tứ hạnh” của Tổ Đạt Ma chủ trương lý nhập và hạnh nhập (Xem “Lược biện đại thừa nhập đạo tứ hạnh” trong “Thiền môn tu chứng chỉ yếu” do tôi biên soạn). Lý nhập là dùng phương pháp trực quán khế nhập lý thể, đốn ngộ Phật tánh. Hạnh nhập gồm 4 pháp quán hạnh, là báo oán hạnh, tùy duyên hạnh, vô sở cầu hạnh, xứng pháp hạnh. Đây là pháp môn tiệm tu có thứ lớp.
“Nhập đạo an tâm yếu phương tiện môn” của Tứ Tổ Đạo Tín cũng đề cập: “Ở chỗ yên tĩnh, trực quán thân tâm tứ đại ngũ ấm.” Lại nói: “Thường quán phan duyên, giác quán, vọng thức, tư tưởng, tạp niệm. Loạn tâm không khởi thì được thô trụ. Nếu tâm được trụ thì không có duyên lự, tức dần được định vắng lặng, cũng dần dứt các phiền não.” (Xem “Nhập đạo phương tiện” trong “Thiền môn tu chứng chỉ yếu”)
“Tu tâm yếu luận” (tức “Tối thượng thừa luận”) của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chủ trương giữ tâm là thứ nhất, lại nói: “Pháp giữ tâm này chính là căn bản của Niết bàn, là yếu môn vào đạo, là tông của 12 bộ kinh, là Tổ của chư Phật ba đời.” Còn nói: “Nếu có thể ngưng lặng giữ tâm, vọng niệm không sanh, thì pháp Niết bàn tự nhiên hiển hiện.” (“Tu tâm yếu luận tiết lục” trong “Thiền môn tu chứng chỉ yếu”). Đây là có tâm để giữ, không phải đốn pháp. Đặc biệt Tổ còn nói: “Nếu có người sơ tâm học tọa Thiền, nên y theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ, ngồi ngay thẳng chánh niệm, nhắm mắt ngậm miệng, nhìn vào tâm, theo ý tưởng gần xa, hành pháp tưởng mặt trời, giữ chân tâm, niệm niệm chớ trụ.” (“Tu tâm yếu luận”). Đây cũng là có phương pháp, hơn nữa còn dùng pháp quán mặt trời của kinh điển Tịnh Độ.
Qua ba đoạn dẫn trên có thể thấy Thiền tông trước Lục Tổ vẫn là sự kéo dài của Thiền quán Ấn Độ, đến Lục Tổ mới xuất hiện Thiền phong ‘chỉ thẳng tâm người, không rơi vào giai cấp’.
2. Thời Lục Tổ Huệ Năng
Lục Tổ Huệ Năng do nghe câu “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia” trong Kinh Kim Cang mà khai ngộ, nên đặc biệt coi trọng Kinh Kim Cang. Lúc mới đăng tòa thuyết pháp, Tổ dạy rằng: “Tịnh tâm niệm Ma ha Bát nhã ba la mật đa”. “Ma ha Bát nhã ba la mật đa” có nghĩa là “Đại trí tuệ đến bờ kia”, cũng tức là dùng đại trí tuệ từ bờ này thuộc sanh tử phiền não độ qua bờ kia thuộc giải thoát. Nhưng chư vị Tổ sư trước Ngài dạy người dùng miệng niệm, còn Ngài dạy dùng tâm niệm.
Lục Tổ không chủ trương Không tâm tĩnh tọa, cũng không chủ trương ngoài tâm cầu Phật. Nếu không thể tự ngộ, cũng phải cầu thiện tri thức chỉ dạy. Lại chủ trương định tuệ là một thể, từng nói: “Định là thể của tuệ, tuệ là dụng của định. Lúc tuệ, định tại tuệ, lúc định, tuệ tại định.” Đây là định tuệ đồng thời, khác với truyền thống trước tu định sau phát tuệ. Ngài lại nói: “Chớ nói trước định sau tuệ, trước tuệ sau định”; “Định tuệ giống như những gì? Giống như đèn và ánh sáng, có đèn liền có ánh sáng, không đèn thì tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn.”
Đối với tọa Thiền, Ngài có quan niệm như sau: “Sao gọi là tọa Thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm không khởi, gọi đó là tọa, bên trong thấy tự tánh không động, gọi đó là Thiền.” Do đó Ngài phản đối: “Có người dạy ngồi, khán tâm quán tịnh, không động không khởi, lấy đây làm công khoá. Người mê không biết, chấp trước thành điên đảo, những người như thế này thật là đông, dạy nhau như thế, nên biết đó là lầm lớn.” Những điều này xuất xứ từ quan niệm của các Kinh đại thừa đã dẫn ở trước là lấy bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi làm tam muội. Do đó, Đại Sư Huệ Năng đặc biệt dẫn hai câu “Trực tâm là đạo tràng” và “Trực tâm là Tịnh độ” trong Kinh Duy Ma diễn giải thành “Chỉ hành trực tâm, đối với tất cả pháp, chớ có chấp trước.” (Xin xem “Lục Tổ Đàn Kinh” và xem thêm “Lục Tổ Đàn Kinh lục yếu” trong “Thiền môn tu chứng chỉ yếu”)
3. Sau Lục Tổ:
Ông Hốt-hoạt-cốc-khoái-thiên, từng nhận chức hiệu trưởng trường đại học Câu Dịch – Nhật bản, phân đoạn Thiền tông Trung Quốc như sau: Từ Tổ Đạt Ma đến Lục Tổ là Thời đại Thuần Thiền, sau Lục Tổ đến cuối đời Đường và thời Ngũ đại là Thời đại Thiền cơ, đến đời Tống là Thời đại Chín muồi. Sau đó dần dần chỉ còn hình thức, đến thời hiện đại, Hòa Thượng Hư Vân và Thiền Sư Lai Quả đã trung hưng lại Thiền tông Trung Quốc.
Thiền cơ là dùng các thủ thuật đánh hét, cơ phong v.v… giúp người tu Thiền phá trừ ngã chấp. Thời đại Chín muồi bắt đầu từ thời Bắc Tống, xuất hiện công án, thoại đầu, mặc chiếu. Công án là chỉ án lệ trong quá trình khai ngộ của các Thiền sư cổ đại. Trước đây còn chưa có người thu thập, chỉnh lý. Đến đời Bắc Tống, Phần Dương Thiện Chiêu biên tập quyển “Tiên Hiền bách tắc”, Tuyết Đậu lại biên tập “Tụng cổ bách tắc”. Ngũ Tổ Pháp Diễn là người đầu tiên đề xướng công án chữ “Vô”, dạy người tham câu “Con chó không có Phật tánh” của Hòa Thượng Triệu Châu; đến Đại Huệ Tông Cảo tiếp tục nỗ lực xiển dương chữ Vô của Triệu Châu. Đồng thời với Đại Huệ là Ngài Hoằng Trí Chánh Giác là người đầu tiên ca ngợi Thiền Mặc Chiếu. Sao là công án? Sao là mặc chiếu? Xin xem “Thiền trong Thiền tông Trung Quốc” trong quyển “Thể nghiệm Thiền – Khai thị Thiền” do tôi trước tác.


V/. Ngộ là gì?
Ngộ cảnh giống như người uống nước, lạnh nóng tự biết, chỉ có người từng ngộ mới biết ngộ đạo là gì. Phương thức ngộ và quá trình ngộ cũng khác theo từng người và khác theo từng lúc. Căn cơ người có lợi độn, công phu tu hành có cạn sâu. Người khác nhau hoặc hoàn cảnh khác nhau thì ngộ cảnh phát sinh cũng sẽ khác nhau. Nhưng có một nguyên tắc có thể đo lường được xem mình có thật ngộ hay không là: Nếu vẫn còn các tâm lý tương ưng với ngã tham, ngã sân, ngã si, ngã mạn, ngã nghi…, thì cho dù có trải qua những chứng nghiệm thần bí cỡ nào, thậm chí tự thấy mình có sự thay đổi cực lớn, vẫn chỉ là một loại cảnh giới của “Giác thọ”, không phải thật ngộ. Ngay lúc phát ngộ, nếu có cảm giác vui không thể tự chế, thì có thể là thật ngộ. Sau đó trở lại bình thường không khác với người khác, chỉ có chỗ bất đồng là đã ít đi các tâm tướng tham, sân, si, mạn, nghi của trung tâm tự ngã. Nếu sau khi ngộ vẫn còn phiền não, thì có khả năng đó chỉ là tiểu ngộ, hoặc có thể là chưa ngộ. Sau khi ngộ ít nhất có một khoảng thời gian tương đối dài, trong tâm lúc nào cũng ở cảnh giới muôn dặm không mây, ngay cả lúc không có mặt trời, mặt trăng, vẫn nhìn thấu tất cả hiện tượng thế gian, nhưng đối người tiếp vật không khác với bình thường, thậm chí càng khiêm tốn hơn.
Dưới đây là các ngộ cảnh giả, hay còn gọi là tướng tương tợ ngộ cảnh.


1. Cảnh khinh an không phải ngộ
Dùng các phương pháp tọa Thiền, cầu đảo, đọc tụng v.v… đều có thể thể nghiệm được hiện tượng thân thể dễ chịu, mềm mại, nhẹ nhàng, tâm cảnh sáng rỡ, vui vẻ…, nhưng đều không phải ngộ cảnh.
2. Cảnh thông minh không phải ngộ
Nhờ tu hành tự nhiên phát sinh hiện tượng nói một hiểu mười, đọc qua liền biết, biện tài thao thao, văn tư mẫn tiệp v.v…, cũng đều không phải ngộ.
3. Cảnh thần thông không phải ngộ
Thần thông chia làm hai loại: Nhờ tu mà có và do quả báo mà có. Quỷ thần có thần thông do quả báo, phàm phu nhờ tu hành được chứng đắc. Gồm 5 loại: Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc. Ngoại đạo có thần thông và quỷ thần có thể biết được quá khứ, vị lai, có thể xuất quỷ nhập thần, biến không thành có, biến có thành không, biết tâm niệm của người khác v.v… Nhưng có thần thông không phải ngộ, thậm chí không dính dáng gì với ngộ. Thế nhưng, người đời thường tưởng người có chút ít thần thông là thánh nhân, và đua nhau lễ bái. Nếu thật là Thánh nhân tuyệt đối không dùng thần thông làm công cụ giáo hoá. Người hay biểu diễn thần thông, phần nhiều thường tự khoe mình có ngộ cảnh cao thâm. Những người này không đáng tin.
 
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT

Ủng hộ Diễn Đàn Phật Pháp không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Diễn Đàn Phật Pháp Online mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.

Mã QR Diễn Đàn Phật Pháp

Ngân hàng Vietcombank

DUONG THANH THAI

0541 000 1985 52

Nội dung:Tên tài khoản tại diễn đàn - Donate DDPP(Ví dụ: thaidt - Donate DDPP)

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên