Ý nghĩa bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo (lược giảng) - Pháp sư Huệ Tịnh

quehuongcuclac

Registered
Phật tử
Tham gia
9 Thg 10 2022
Bài viết
36
Điểm tương tác
16
Điểm
8
Ý nghĩa bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo
---​
- Bài khai thị của Pháp Sư Huệ Tịnh tại Tu viện Huệ Quang, TP HCM, VN.
  • Các chú thích nhỏ bổ sung trong ngoặc đơn.
  • Đính kèm file PDF.

---​

Nam Mô A Di Đà Phật!

Kính thưa thầy Định Huệ, thưa thầy Nguyên Trang, thưa quý thầy cô, thưa các vị liên hữu.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!

Hôm nay, có quý thầy cô ở các tỉnh khác đến đây nghe pháp là một điều đáng mừng cho Phật Giáo. Tu viện Huệ Quang đang xây dựng, không bao lâu nữa nơi đây sẽ có ngôi chánh điện trang nghiêm, hy vọng sẽ cống hiến nhiều hơn nữa cho Phật Giáo và độ càng nhiều chúng sanh hơn. Mong rằng tất cả mọi người đều đồng lòng hướng về Tu viện Huệ Quang, cùng nhau góp sức khiến cho ngôi Tam Bảo này sớm được hoàn thành.
Ở đây tôi không dám nói hai từ "khai thị", chỉ là cùng mọi người thảo luận về giáo pháp, tức là Pháp môn Tịnh Độ thuần chánh, và hôm nay tôi xin giới thiệu với mọi người về ý nghĩa sâu rộng trong kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo.
Theo Phật Giáo truyền thống, trước khi niệm Phật, chúng ta đều đọc một bài kệ tán Phật, bài kệ tán Phật đó là:

A Di Đà Phật thân sắc vàng
Tướng hảo quang minh không ai bằng
Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc
Trong ánh sáng có vô số Phật
Vô số Bồ Tát hiện ở trong
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát.

Bài kệ tán Phật này có hàm ý về nội dung như thế nào? Và do vị Pháp Sư nào soạn?
Có lẽ nhiều liên hữu chưa biết bài kệ tán Phật này là do Pháp Sư Trạch Anh thời Bắc Tống của Trung Quốc soạn, bởi không có nhiều người biết đến vị Pháp Sư này. Ngài căn cứ vào đâu để viết kệ tán Phật này? Ngài căn cứ vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ và pháp quán tưởng để viết ra. Nội hàm và ý nghĩa của bài kệ này thật ra không được sâu rộng, đối với sự vãng sanh Tịnh Độ của chúng sanh cũng không sâu sắc.
Hôm nay tôi xin giới thiệu với đại chúng một bài kệ tán Phật do Đại Sư Thiện Đạo, là sơ tổ của Tông Tịnh Độ viết. Bài kệ tán Phật này nhiều vị còn chưa biết, vì những trứ tác của Đại Sư Thiện Đạo đã bị thất lạc ở Trung Quốc đến nay đã 1100 năm, cho nên bài kệ tán Phật này mọi người không biết cũng không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng hiện tại những trứ tác của Đại Sư Thiện Đạo đã trở lại Trung Quốc, lưu truyền đến Đài Loan và Việt Nam rồi. Khi chúng ta đọc những tác phẩm của Đại Sư Thiện Đạo thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận bài kệ này thù thắng hơn bài kệ truyền thống mà chúng ta thường đọc. Bài kệ này hiển lộ công đức, diệu dụng của Đức Phật A Di Đà, cho nên bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo thù thắng hơn các bài kệ tán Phật khác.
Khi đọc qua bài kệ của Đại Sư Thiện Đạo khiến cho những chúng sanh căn cơ thấp cảm thấy thật gần gũi với Đức Phật A Di Đà, giúp cho người niệm Phật đối với việc vãng sanh tin chắc trăm phần trăm, giúp cho người niệm Phật nhận biết, hiểu được giáo lý Tịnh Độ. Nếu hiểu được nội dung của bài kệ tán Phật này thì nội tâm, tín tâm của chúng ta đối với sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà càng vững chắc, càng an tâm và càng hoan hỷ.
Các vị liên hữu, chúng ta niệm Phật thì hiện đời được tăng trưởng phước báu, tiêu trừ nghiệp chướng và sở cầu được viên mãn như ý, nhưng việc này chỉ diễn ra vài mươi năm trong cuộc đời mà thôi. Việc quan trọng nhất của đời người là thoát ly sanh tử luân hồi, thành tựu Phật Đạo, đây là điều quan tâm nhất của người học Phật, bởi vì mục tiêu của người học Phật, niệm Phật là có được chắc chắn vãng sanh Cực Lạc hay không.

Xin hỏi quý liên hữu, chúng ta niệm Phật có quyết định vãng sanh Cực Lạc không ạ?
Đại chúng đáp: Dạ có.

Nếu hiểu được giáo lý Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo, và hiểu được ý nghĩa của kệ tán Phật, chúng ta có tín tâm quyết định đời này vãng sanh. Giáo lý Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo giúp chúng ta an tâm, kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo có thể giúp chúng ta hoan hỷ, kệ tán Phật đã hiển lộ ánh sáng cứu độ của Đức Phật A Di Đà và sự hy vọng được vãng sanh Cực Lạc của chúng ta.
Kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo cũng giống như kệ tán Phật truyền thống, cũng có tám câu, mỗi câu có bảy chữ. Mời thầy Hữu Chơn đọc qua bài kệ tán Phật này và đại chúng cùng đọc theo:

Sắc thân Di Đà như núi vàng
Tướng hảo quang minh chiếu mười phương
Chỉ có niệm Phật ánh sáng nhiếp
Nên biết Bản Nguyện mạnh vô cùng
Sáu phương Như Lai hiện lưỡi chứng
Chuyên xưng danh hiệu đến Tây Phương
Đến đó hoa nở nghe Diệu Pháp
Nguyện hạnh Thập Địa tự nhiên thành.


(Trích trong Vãng Sanh Lễ Tán)

(Bổ sung) Âm Hán:
Di Đà thân sắc như kim sơn
Tướng hảo quang minh chiếu thập phương
Duy hữu niệm Phật mông quang nhiếp
Đương tri Bản Nguyện tối vi cường
Lục phương Như Lai thư thiệt chứng
Chuyên xưng danh hiệu chí Tây Phương
Đáo bỉ hoa khai văn Diệu Pháp
Thập Địa nguyện hạnh tự nhiên chương.

Bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo thù thắng hơn bài kệ tán Phật truyền thống ở điểm nào? Bài kệ tán Phật truyền thống là nương theo Quán Kinh, nương nội dung cốt lõi của Quán Kinh mà soạn ra. Còn Đại Sư Thiện Đạo viết bài kệ tán Phật, không những dựa vào nội dung của Quán Kinh, mà còn đem công năng diệu dụng trong văn kinh để soạn thành. Bài kệ tán Phật truyền thống chỉ dừng lại ở mức độ tán thán Phật, chưa nói nên được công năng diệu dụng và sự thù thắng của văn kinh trong Quán Kinh, cho nên bài kệ tán Phật truyền thống đối với chúng ta không được gần gũi như bài kệ của Đại Sư Thiện Đạo.
Bài kệ tán Phật truyền thống căn cứ vào đoạn nào trong Quán Kinh để viết ra?
Trong Quán Kinh nói rằng: "Này A-nan, ông nên biết thân Phật A Di Đà rực rỡ như sắc vàng diêm phù đàn của trăm nghìn muôn ức cung trời Dạ Ma, thân Phật cao sáu mươi sáu vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, tướng bạch hào giữa đôi mày uyển chuyển xoay về bên hữu như năm núi Tu Di, mắt phật xanh trắng phân minh rộng như nước bốn biển lớn, các chân lông nơi thân phát ra ánh sáng như núi diệu cao, viên quang của Phật to rộng như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới, trong ấy có trăm nghìn muôn ức na do tha hằng hà sa hóa Phật, mỗi vị có vô số hóa Bồ Tát làm thị giả".
Bài kệ tán Phật truyền thống đem đoạn văn kinh này gom lại làm thành bài kệ. Nhưng đi sâu vào Quán Kinh thì còn có một đoạn văn kinh quan trọng hơn, đoạn kinh này nói nên mục đích tồn tại của Đức Phật A Di Đà, mối quan hệ mật thiết của Phật A Di Đà với người niệm Phật, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh, đáng tiếc là bài kệ tán Phật truyền thống không nói đến đoạn kinh này. Ngược lại, bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo đã nói rất rõ nội hàm của đoạn văn kinh quan trọng trong Quán Kinh.
Đại Sư Thiện Đạo là một cao tăng đời Đường, có thể có những vị chưa biết đến Đại Sư Thiện Đạo. Các vị liên hữu, những vị nào đã biết đến Đại Sư Thiện Đạo, nghe qua Đại Sư Thiện Đạo xin giơ tay lên ạ. Từ trước tới nay, Đại Sư Thiện Đạo được tôn xưng là hóa thân của Đức Phật A Di Đà, Tông Tịnh Độ hoàn toàn dựa vào pháp mạch tư tưởng của Đại Sư Thiện Đạo mà thực hành. Vì sao? Bởi vì nói đến Tông Tịnh Độ, về mặt phân tích giáo lý thì chỉ có pháp mạch truyền thừa của Đại Sư Thiện Đạo mới đầy đủ điều kiện của một tông phái. Đối với những vị chưa học hiểu giáo lý thì không dễ dàng xác định, nhưng nếu chúng ta được học hiểu giáo lý thì chắc chắn rằng chúng ta cần phải quay về pháp mạch của Đại Sư Thiện Đạo mới được gọi là Tông Tịnh Độ "thuần chánh". Bởi vì pháp mạch của Đại Sư Thiện Đạo được truyền thừa từ Đại Sư Đạo Xước, Đại Sư Đạo Xước đã tiếp nhận từ Đại Sư Đàm Loan, Đại Sư Đàm Loan thì được truyền thừa từ Bồ Tát Long Thọ và Bồ Tát Thế Thân. Mà những tác phẩm về phương diện này của Bồ Tát Long Thọ, Bồ Tát Thế Thân đều hoàn toàn thấu đạt trọn vẹn giáo lý trong ba bộ Kinh Tịnh Độ, các ngài đem tinh hoa của các Kinh Tịnh Độ thâu nhiếp vào trong các tác phẩm quan trọng, đó là Vãng Sanh Luận và Dị Hành Phẩm.
Cống hiến lớn nhất của Bồ Tát Long Thọ đối với Tông Tịnh Độ chính là Dị Hành Phẩm.
Tuy Bồ Tát Thế Thân xiển dương Duy Thức (tông), nhưng lại viết ra Vãng Sanh Luận, là bộ luận có ý nghĩa vô cùng sâu xa đối với Pháp môn Tịnh Độ.
Tiếp đến, Đại Sư Đàm Loan đem tư tưởng Tịnh Độ của hai vị Bồ Tát nói trên viết ra Vãng Sanh Luận Chú, sau đó tư tưởng Tịnh Độ được truyền đến Đại Sư Đạo Xước và Đại Sư Thiện Đạo.
Đại Sư Thiện Đạo là Hóa Thân của Đức Phật A Di Đà, ngài mười mấy tuổi xuất gia, hai mươi mấy tuổi đã chứng được Niệm Phật Tam Muội. Hơn nữa, ngài còn trứ tác Năm Bộ Chín Quyển và toàn bộ giáo lý ấy đã trở thành cơ sở giáo lý đầu tiên của Pháp môn Tịnh Độ. Ngài là vị Tổ Sư đã hoàn bị giáo lý Tông Tịnh Độ, cho nên Đại Sư Thiện Đạo là vị tập đại thành Tông Tịnh Độ, cũng là tổ sư đầu tiên của Tông Tịnh Độ. Nói về Lịch Đại Tổ Sư xiển dương Tông Tịnh Độ thì chỉ có pháp mạch của Đại Sư Thiện Đạo là nói về Pháp môn Tịnh Độ thuần chánh, tinh chuyên và vô cùng thuần túy.
Nhưng rất tiếc, những trứ tác của ngài đã bị thất lạc vào cuối đời Đường ở tại Trung Quốc (sự kiện Đường Vũ Tông diệt pháp), trứ tác của ngài chỉ còn Vãng Sanh Lễ Tán, nhưng tác phẩm này cũng không được nhiều người biết đến.
Tuy trứ tác của Đại Sư Thiện Đạo bị thất lạc ở Trung Quốc nhưng đã được lưu lại toàn bộ ở Nhật Bản, tư tưởng của Đại Sư Thiện Đạo đã được các vị tu sĩ học tại Nhật Bản nghiên cứu và phát triển rộng lớn, vì vậy số lượng tín chúng niệm Phật ở Nhật Bản rất đông. Bởi vì có nhiều Pháp Sư, Đại Đức đã nghiên cứu giáo lý Tông Tịnh Độ qua những trứ tác của Đại Sư Thiện Đạo, đem tư tưởng cứu độ bình đẳng vô điều kiện của Đức Phật A Di Đà mà Đại Sư Thiện Đạo đã nói để hoằng dương ở Nhật Bản, đồng thời giúp cho mọi người hiểu rằng "vãng sanh Tây Phương Cực Lạc không khó mà rất dễ dàng", chỉ cần niệm Phật thì chắc chắn được vãng sanh. Bất kỳ là người nào dù xuất gia hay tại gia, người biết tu hành hay không biết tu hành, người học cao hiểu rộng hay người ngu si không biết một chữ, chỉ cần mọi người niệm Phật thì đều được Đức Phật A Di Đà cứu độ một cách bình đẳng.
Căn cơ chúng sanh vốn dĩ không đồng, nếu nói rộng ra thì căn cơ chúng sanh có Tam Bối Cửu Phẩm, nghĩa là Ba Bậc Chín Phẩm, nếu nói rộng thêm nữa thì căn cơ chúng sanh là vô vàn sai biệt không thể nói hết. Nhưng trong trăm sai nghìn biệt ấy, chúng sanh chỉ cần niệm Phật thì đều được bình đẳng cứu độ như nhau, bởi vì người xuất gia cũng nhờ vào công đức của câu Nam Mô A Di Đà Phật mà được vãng sanh, người tại gia cũng nương vào công đức của câu Nam Mô A Di Đà Phật mà được vãng sanh, cho nên đều gọi là bình đẳng. Tuy căn cơ của chúng sanh không bình đẳng, nhưng chỗ nương tựa thì hoàn toàn bình đẳng, công đức của Đức Phật A Di Đà không thể nghĩ bàn, là vô lượng vô biên, công đức của Đức Phật A Di Đà không tăng không giảm (công đức vô thượng), dù là bậc cao tăng niệm Phật thì đối với công đức của Đức Phật A Di Đà cũng không tăng, người ngu si niệm Phật thì đối với công đức của Đức Phật A Di Đà cũng không giảm, bởi vì công đức của Đức Phật A Di Đà là vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, công đức này là vô tướng. Công đức của những vị cao tăng tinh tấn tu học vẫn là có giới hạn khi so với công đức của Phật A Di Đà, công đức của Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền cũng có hạn (hữu thượng) đối với công đức của Đức Phật A Di Đà (vô thượng). Các vị ấy là Bồ Tát mà còn cầu vãng sanh Cực Lạc, cũng nương vào công đức của Đức Phật A Di Đà chứ không phải do niệm Phật giỏi mà được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Các vị liên hữu, các vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc có phải do nương vào công đức của Đức Phật A Di Đà không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.

Công đức vãng sanh Tây Phương Cực Lạc của chúng ta là nương vào công đức của Đức Phật A Di Đà, như vậy có giống với công đức mà Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền nương vào không ạ?
Đại chúng đáp: Giống ạ.

Nếu luận về căn cơ chúng sanh thì không bình đẳng, nhưng nương vào công đức của Đức Phật A Di Đà mà niệm Phật vãng sanh thì mọi người đều bình đẳng, bởi vì đều nương vào công đức của câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, chứ không phải nương vào sức tu hành của bản thân mà được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta tu hành thì công đức có hạn, bởi vì công đức tu hành của chúng ta có xen tạp phiền não hữu lậu, cho nên chúng ta cần phải nương vào sức công đức của câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm.
Nội hàm vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc như vậy, giáo lý vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc như vậy, chỉ có Pháp mạch tư tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo mà thôi! Chúng ta tiếp xúc với giáo lý Tịnh Độ trước đây là tư tưởng Tịnh Độ "truyền thống", Tịnh Độ truyền thống KHÔNG PHẢI là tư tưởng Tịnh Độ thuần chánh, không phải là tư tưởng Tịnh Độ triệt để. Vì sao nói tư tưởng Tịnh Độ truyền thống là không thuần chánh, không triệt để? Vì Tịnh Độ truyền thống là Tịnh Độ XEN TẠP giáo lý tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Thiền, Mật và giáo lý khác ngoài Tông Tịnh Độ. Cho nên giáo lý Tịnh Độ truyền thống không thuần chánh, không triệt để, như vậy sẽ có những hiện tượng không tốt và đem lại cho chúng ta cảm giác vãng sanh là hết sức khó khăn, không dễ dàng, dù chúng ta niệm Phật cả một đời vẫn cảm thấy không chắc chắn vãng sanh. Chúng ta nghĩ rằng tu Pháp môn Tịnh Độ là dễ, nhưng giáo lý Tịnh Độ (truyền thống) lại đem lại cảm giác không chắc chắn, không dễ dàng vãng sanh, bởi vì người giảng cũng nhầm, mà người hiểu cũng nhầm.
Pháp môn Tịnh Độ (thuần chánh) là pháp môn dễ dàng, Pháp môn Tịnh Độ thuần chánh là pháp môn nói về sự Cứu Độ của Đức Phật A Di Đà. Pháp môn Tịnh Độ nói về lòng từ bi, đại bi cứu khổ cứu nạn của Đức Phật A Di Đà, Tịnh Độ thuần chánh là nói về Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà vào biển khổ để cứu độ chúng sanh. Đức Phật A Di Đà có lòng yêu thương muốn cứu giúp chúng ta, ngài có sức mạnh cứu độ chúng ta ngay trong hiện đời này, ngay bây giờ cứu độ chúng sanh vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Ngài phát nguyện (nghĩa) "mười phương chúng sanh niệm Phật thì đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thành Phật", Đức Phật A Di Đà luôn mong đợi những chúng sanh nào còn đang ở trong lục đạo luân hồi mau vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đức Phật A Di Đà không phải chỉ có tấm lòng đại từ đại bi thương yêu chúng ta mà ngài không có năng lực cứu độ chúng ta, ngược lại, ngài hoàn toàn có năng lực cứu độ tất cả chúng sanh trong mười phương.
Trong kinh điển Đức Phật A Di Đà nói rằng "mười phương chư Phật đều đầy đủ lòng đại từ đại bi cứu độ chúng sanh, nhưng đối với chúng sanh ở cõi Ta Bà này thì chư Phật trong mười phương đều lắc đầu". Vì sao? Vì chúng sanh ở cõi Ta Bà là chúng sanh có phiền não đầy dẫy, nghiệp chướng nặng nề mới đầu thai trở lại cõi Ta Bà này. Trong Kinh Địa Tạng nói "khởi tâm động niệm đều là tội, đều là nghiệp", chúng sanh ở cõi Ta Bà này là chúng sanh Cang Cường khó điều phục, cho nên chư Phật trong mười phương không có cách nào cứu độ, thế nên trong kinh điển nói "chúng sanh ở cõi Ta Bà này, mười phương chư Phật đều lắc đầu không thể cứu độ".
Nhưng may mắn thay cho chúng ta là có một Đức Phật trong mười phương chư Phật có tấm lòng đại từ đại bi, và có đầy đủ năng lực cứu độ chúng ta, ngài biết chúng sanh ở cõi Ta Bà này phiền não nặng nề, ác nghiệp đầy dẫy nên ngài phát nguyện cứu độ chúng ta. Điều mà ngài phát nguyện khác với chư Phật trong mười phương, ngài muốn cứu độ chúng sanh trong mười phương, không những ngài phải trải qua năm kiếp tư duy, mà ngài còn tham khảo 210 ức cõi Phật ở mười phương thế giới, 210 ức cõi Phật là đại biểu cho mười phương chư Phật, ngài chọn lấy tinh hoa của các cõi nước Phật, sau đó đem tinh hoa ấy cùng với trí tuệ của ngài tạo nên cõi nước Tây Phương Cực Lạc, đồng thời ngài đã trải qua năm kiếp tư duy để phát 48 đại nguyện. Vì viên mãn 48 đại nguyện này, ngài trải qua Triệu Tải Vĩnh Kiếp để tích lũy lục độ vạn hạnh (thành tựu công đức vãng sanh thành Phật cho chúng sanh, cũng là thành tựu Bản Nguyện). Nếu chư Phật bình thường thì chỉ trải qua 3 A-tăng-kỳ kiếp là thành tựu quả vị Phật rồi, nhưng Đức Phật A Di Đà thì khác, ngài trải qua Triệu Tải Vĩnh Kiếp tu hành mới thành Phật.
Tại sao ngài thành Phật lại trải qua thời gian lâu xa như vậy? Bởi vì ngài biết rằng cứu độ chúng sanh là điều rất khó khăn, cho nên ngài phát nguyện phải lâu dài, phải rộng lớn như vậy, và đối tượng cứu độ phải rộng lớn, phải bao hàm tất cả chúng sanh trong mười phương. Do đó một khi ngài thành Phật thì ngài cứu độ được tất cả chúng sanh trong mười phương pháp giới, nếu ngài không thành Phật thì ngài không thể cứu độ tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà, ngài thành Phật là nhắm vào cứu độ đối tượng chúng sanh niệm Phật, vãng sanh thành Phật. Chúng sanh như chúng ta là đối tượng chính được Đức Phật A Di Đà cứu độ, sự giải thoát của chúng ta là đưa đến sự thành Phật của Đức Phật A Di Đà, sự phát nguyện của Đức Phật A Di Đà vì chúng sanh chúng ta, niệm Phật vãng sanh thành Phật. Cho nên chúng sanh chúng ta mong thoát ly sanh tử luân hồi, muốn vãng sanh thành Phật thì hỏi rằng Đức Phật A Di Đà đã thành Phật hay chưa? Nếu Đức Phật A Di Đà không thành Phật thì chúng ta không có hy vọng vãng sanh thành Phật, còn nếu Đức Phật A Di Đà đã thành Phật thì chúng ta có hy vọng, niệm Phật chắc chắn sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thành Phật.
Đức Phật A Di Đà đã thành Phật rồi! Lúc ngài thành Phật là căn cứ vào lúc chúng sanh vãng sanh thoát ly sanh tử luân hồi, cũng chính là lúc chúng ta vãng sanh thành Phật. Nếu như Đức Phật A Di Đà đã thành Phật rồi thì chúng ta niệm Phật chắc chắn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thành Phật (Phật A Di Đà đã thành Phật tức Bản Nguyện đã thành tựu cho nên có diệu dụng tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật vãng sanh thành Phật).

Các vị liên hữu, Đức Phật A Di Đà đã thành Phật hay chưa?
Đại chúng đáp: Dạ rồi.

Đức Phật A Di Đà đã thành Phật bao lâu rồi?
Đại chúng đáp: Dạ mười kiếp.

Nếu ngài đã thành Phật được mười kiếp thì trong mười kiếp đó chúng ta phải vãng sanh thành Phật rồi mới đúng chứ, sao chúng ta còn lăn lộn oan uổng trong luân hồi cho tới ngày hôm nay, nguyên nhân là gì? Trong Kinh A Di Đà nói (nghĩa) "chúng sanh trước đây niệm Phật thì đã vãng sanh rồi, chúng sanh hiện tại niệm Phật A Di Đà thì đang được vãng sanh, và nếu tương lai chúng ta gặp được sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà thì tương lai chúng ta vãng sanh" (lý nhân quả đồng thời).

Gặp được sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà là thế nào? Các vị đã gặp được pháp cứu độ của Đức Phật A Di Đà chưa?
Đại chúng đáp: Dạ gặp rồi ạ.

Nếu gặp được pháp cứu độ của Đức Phật A Di Đà thì nhất định đời này chắc chắn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu niệm Phật mà không tin tưởng sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, không nắm chắc việc vãng sanh thì chứng tỏ vẫn chưa gặp được pháp cứu độ của Đức Phật A Di Đà, như vậy thì làm thế nào để nhận được sự cứu độ của ngài chứ? Chúng ta cần phải hiểu được giáo lý Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo, bởi vì giáo lý Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo là thuần túy, là vô cùng chính xác, những Pháp môn khác giảng về Tịnh Độ là xen tạp, mà xen tạp thì hiệu quả vãng sanh Cực Lạc không thể chắc chắn trăm phần trăm được. Giáo lý về Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo thì rất nhiều, nhưng bài kệ tán Phật này có thể nói là đại biểu cho giáo lý Tịnh Độ của ngài.
Trong phần giảng nghĩa bổ sung kệ tán Phật (Vãng Sanh Lễ Tán) có nói rằng (nghĩa) "bài kệ tán Phật này bao hàm nghĩa nghĩa lý của ba Kinh Tịnh Độ, là bản hoài của ba thời chư Phật", ba Kinh mà Tông Tịnh Độ dùng để y cứ chính (chánh y) đó là: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà. Đây là ba bộ Kinh Tịnh Độ thuần chánh của Tông Tịnh Độ, không xen tạp các pháp tu khác, đồng thời chúng ta phải hiểu được cốt lõi của ba bộ kinh là ở chỗ nào thì mới biết được chính xác hàm ý của ba bộ Kinh Tịnh Độ. Nói gọn lại thì cả ba Kinh Tịnh Độ đều chỉ nêu nên một điều "niệm Phật thì chắc chắn được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc", nếu đối với ba Kinh Tịnh Độ mà giải thích rằng "niệm Phật không chắc chắn vãng sanh" là giải thích sai rồi! Bởi vì Đức Phật mà chúng ta niệm là Nam Mô A Di Đà Phật, câu Nam Mô A Di Đà Phật là công đức được kết tinh của Đức Phật A Di Đà, (nói về công đức cứu độ) đối với công đức của mười phương chư Phật thì công đức của Đức Phật A Di Đà là lớn nhất, là quý nhất, công đức của Đức Phật A Di Đà rộng lớn vô cùng như vậy, được hàm chứa trong câu Nam Mô A Di Đà Phật. Vì vậy chúng sanh chỉ cần niệm câu Vạn Đức Hồng Danh "Nam Mô A Di Đà Phật" thì chắc chắn được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, bởi vì sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật này tiêu trừ nghiệp chướng vô lượng vô số kiếp của chúng ta, và đem lại tư lương niệm Phật cho tất cả chúng sanh.
Câu Nam Mô A Di Đà Phật này giống như chiếc thẻ ngân hàng trung ương Việt Nam, nếu chúng ta có chiếc thẻ ngân hàng này thì chúng ta sẽ có tất cả tiền của ngân hàng trung ương. Cũng vậy, đối với công đức của câu Nam Mô A Di Đà Phật thì chúng ta có được cái thẻ cứu độ của Đức Phật A Di Đà, rộng lớn trong mười phương vô lượng vô biên pháp giới, thẻ ngân hàng lục tự hồng danh giúp chúng ta chắc chắn đều được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, thoát ly sanh tử luân hồi, giúp chúng ta ở Tây Phương Cực Lạc mau chóng thành Phật, bởi vì câu danh hiệu này gom chứa đầy đủ công đức trí tuệ của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà đem thẻ ngân hàng trung ương tặng chúng ta là ngài đem hết tiền trong ngân hàng lục tự hồng danh để tặng cho chúng ta.
Đức Phật A Di Đà tặng cho chúng ta rồi thì chúng ta phải làm gì đây? Chúng ta chỉ cần tin tưởng, chỉ cần niệm Phật, chúng ta phát nguyện, sau khi mạng chung thì được Đức Phật A Di Đà cứu độ. Còn hiện tại từ nay về sau thì chuyên tin chuyên niệm câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, không tạp tu, không tạp hạnh, không niệm các Đức Phật khác và các Bồ Tát khác, không tụng kinh khác, không trì những bài chú khác ngoài niệm câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Bởi vì mười phương chư Phật tuy từ bi nhưng không thể cứu độ chúng ta, đối với tất cả những gì chúng ta làm từ nhỏ tới lớn không giúp chúng ta vãng sanh, nếu chúng ta không tin điều này thì chúng ta không thể giải thoát, bởi vì đọc tụng tất cả các kinh điển khác cũng chỉ giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, khai phát trí tuệ mà thôi, còn muốn giải thoát thì tất cả các kinh điển ấy không thể giúp chúng ta. Cho nên trong tám mươi bốn ngàn Pháp môn hay tất cả các kinh điển cũng không thể giúp chúng ta giải thoát, chỉ có niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật mới cứu độ chúng ta, mới giúp chúng ta giải thoát thành Phật. Giáo lý này được nói trong ba Kinh Tịnh Độ, nhưng cần phải hiểu chính xác nội dung cốt tủy của ba bộ kinh, nếu không chúng ta sẽ bị nhầm lẫn. Ba bộ kinh này cũng chính là Bản Hoài của ba Phật, ba Phật chính là ba chủ thể: Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mười phương các Đức Phật.
Thế nào gọi là Bản Hoài? Bản hoài là mục đích duy nhất.
Vậy mục đích duy nhất của mười phương chư Phật là gì? Là cứu độ chúng sanh lìa xa luân hồi sanh tử, không còn tạo nghiệp chịu khổ nữa. Mục đích cao cả như vậy thì chỉ có Đức Phật A Di Đà với câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật mới làm được mà thôi.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian này tuyên thuyết Pháp môn niệm Phật thì mới nói nên được bản hoài của ngài, mười phương các Đức Phật cũng tán thán công đức câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chứng minh người niệm Phật chắc chắn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, cho nên ba phật và ba Kinh Tịnh Độ đều hiển bày trong bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo.

(Lược giảng nghĩa kệ)

Bởi vì thời gian có hạn nên tôi chỉ giới thiệu sơ về bài kệ tán Phật mà thôi.

Câu đầu tiên trong bài kệ là:

Sắc thân Di Đà như núi vàng.
(Âm Hán: Di Đà thân sắc như kim sơn)

Nói kim sơn là nói đến Tu Di sơn, kim sơn là nói đến núi vàng. Núi Tu Di để dẫn dụ là cao hơn, rộng hơn so với tất cả các núi khác, cho nên nói thân của Đức Phật A Di Đà so với thân của các Đức Phật khác là cao hơn, thế nên nói "sắc thân của ngài là như núi vàng".
Vàng trong "núi vàng" có nghĩa là gì? Đại diện cho cái gì? Có đặc sắc gì?
Có ba ý nghĩa để chứng minh: Gần Gũi, Phổ Biến và Quý Giá.
Núi vàng ở đây là chỉ cho sự Gần Gũi của Đức Phật, Đức Phật A Di Đà đối với tất cả chúng sanh chúng ta không bao giờ thay đổi và so với tất cả các Đức Phật khác thì cao quý hơn. Núi vàng ở đây còn cao hơn núi Tu Di và tất cả các núi khác, nên nói đến núi vàng là chỉ cho sự cao vời của Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật A Di Đà có gần gũi với chúng ta không?
Đại chúng đáp: Có ạ.

Bởi vì Đức Phật A Di Đà không còn vô minh phiền não nữa, sự thanh tịnh của Đức Phật A Di Đà so với mười phương chư Phật và các vị Bồ Tát là trên hết.
Sự Phổ Biến của Đức Phật A Di Đà là cứu độ, từ mười kiếp trước ngài đã thành tựu thệ nguyện cứu độ chúng ta, và mười kiếp trở lại đây ngài ra sức cứu độ mười phương chúng sanh, sau này khi thời kỳ pháp diệt ngài cũng vẫn cứu độ tất cả chúng sanh. Đức Phật A Di Đà đáp ứng, đồng ý cứu độ chúng ta, ngài đối với tất cả chúng sanh đều nguyện cứu độ không bao giờ thay đổi, cho nên dùng vàng để ví dụ.
Vàng ròng là Cao Quý, thế nên nói Đức Phật A Di Đà so với mười phương chư Phật giống như vàng, rất cao quý, nên Đại Sư Thiện Đạo nói "sắc thân Di Đà như núi vàng" chính là có hàm nghĩa như vậy.

Tiếp đến câu thứ hai là:

Tướng hảo quang minh chiếu mười phương.

Câu thứ hai này nói nên toàn bộ bản hoài của ngài, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: "Đức Phật Vô Lượng Thọ có tám mươi bốn ngàn tướng, trong mỗi tướng có tám mươi bốn ngàn tùy hình hảo, trong mỗi tùy hình hảo lại có tám mươi bốn ngàn ánh sáng, trong mỗi ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới nhiếp thủ không bỏ những chúng sanh niệm Phật". Nói đến tám mươi bốn ngàn ánh sáng là nói đến con số vô lượng, nên Đại Sư Thiện Đạo nói là "tướng hảo quang minh chiếu mười phương". Tiếp theo Đại Sư giải thích diệu dụng và mục đích của ánh sáng, như Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói "nhiếp thủ không bỏ chúng sanh niệm Phật", nghĩa là người niệm Phật thì được vào trong ánh sáng nhiếp thủ của Đức Phật A Di Đà, Đức Phật A Di Đà không bao giờ bỏ chúng ta, cho nên nói nhiếp thủ không bỏ.
Nhiếp thủ nghĩa là gì? Nghĩa là bảo hộ chúng ta, giúp chúng ta đi lại không tai nạn, được bình an, giúp chúng ta thường được lợi ích, cho đến lúc lâm chung ngài cũng không bỏ chúng ta. Khi chúng ta lâm chung, Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ chúng ta, tiếp dẫn chúng ta về Tây Phương Cực Lạc, nhiếp thủ nghĩa là bình thường Đức Phật A Di Đà luôn ở bên cạnh bảo hộ chúng ta, lúc chúng ta lâm chung thì tiếp dẫn chúng ta, vĩnh viễn không rời xa chúng ta, cho nên nói "nhiếp thủ không bỏ chúng sanh niệm Phật". Căn cơ của chúng sanh là trăm sai nghìn biệt, có những bậc cao tăng đại đức, có chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, phiền não đầy dẫy, nhưng nếu niệm Phật thì đều được bảo bọc trong ánh sáng cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Giống như cái ly này, trong ly có nước, nước trong ly ví như nước của Đức Phật A Di Đà, ly thì có nhiều loại, có ly làm bằng sứ, có ly làm bằng gốm, có ly làm bằng vàng ròng, nhưng ly ở đây là ly từ bi, nước trong ly là nước cam lồ, là nước pháp của Đức Phật A Di Đà.
Cam Lồ nghĩa là gì? Cam lồ nghĩa là hồi sinh. Giống như một người đã chết rồi, uống nước cam lồ này vào thì sẽ sống lại, khiến cho những điều không thể xảy ra sẽ xảy ra, ví như một người chịu khổ trong địa ngục không thể thoát ra, nếu uống nước cam lồ thì liền thoát khỏi địa ngục. Chúng sanh thì không thể nào ra khỏi lục đạo luân hồi, nếu có nước cam lồ thì ra khỏi lục đạo luân hồi, chúng sanh không thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, nhưng nếu có nước cam lồ thì có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, chúng sanh không thể thành Phật, nhưng nếu uống nước cam lồ thì có thể thành Phật, nói đến nước cam lồ là nói đến sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà, tất cả công đức của Đức Phật A Di Đà đều gom chứa vào trong câu Nam Mô A Di Đà Phật, chúng ta chỉ cần niệm Phật thì đều nằm trong ánh sáng nhiếp thủ của ngài. Căn cơ của chúng sanh thì không giống nhau nhưng nước cam lồ chỉ có một vị, cho nên Đức Phật A Di Đà nói rằng chỉ cần niệm Phật thì ngài nhiếp thủ không bỏ.
"Nam Mô A Di Đà Phật" giống như cái bao thật lớn, chúng ta niệm Phật thì chúng ta được đặt vào trong bao quang minh nhiếp thủ của ngài, khi chúng ta lâm chung thì ngài đem cái bao đó về Tây Phương Cực Lạc.
Người niệm Phật không phải khi lâm chung mới quyết định vãng sanh, mà hiện tại đã xác định chắc chắn vãng sanh. Lâm chung vãng sanh là quyết định ở hiện tại, vì nếu không có sự quyết định ở hiện tại thì không quyết định ở lâm chung, hiện tại chúng ta quyết định vãng sanh thì lâm chung chúng ta quyết định vãng sanh.
Vì sao lâm chung quyết định vãng sanh? Bởi vì Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ không bỏ.
Cho nên Tông Tịnh Độ có một câu đặc biệt đó là Bình Sinh Nghiệp Thành, nghĩa là chưa đến lúc lâm chung mà nghiệp vãng sanh đã thành tựu. Do đó người niệm Phật là người đã tốt nghiệp rồi, không hề nói rằng người học Phật không có tốt nghiệp, không có vãng sanh.
Có nhiều người nói rằng cần phải phát tâm rộng lớn, trải qua nhiều đời nhiều kiếp, những hạnh khó làm phải làm được, những việc khó bỏ phải bỏ được, những hạnh khó nhẫn phải nhẫn được, phải tinh tấn tu học, chứ làm gì có việc niệm Phật thành Phật, niệm Phật một đời được vãng sanh. Nhiều người tu hành không dám nói niệm Phật chắc chắn vãng sanh, nhưng người chân thật niệm Phật dám nói như vậy, tai sao? Vì người đó tin có Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ không bỏ.
Các vị liên hữu, việc vãng sanh đã quyết định chưa? Các vị đã quyết định chắc chắn vãng sanh rồi phải không? Về Cực Lạc là vô cùng hoan hỷ, vô cùng thù thắng phải không?
Tất cả những điều tôi vừa nói đều hiển lộ trong bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo, cho nên trong bài tán Phật ở câu thứ ba Đại Sư Thiện Đạo nói:

Chỉ có niệm Phật ánh sáng nhiếp.

Chúng ta niệm Phật thì được Đức Phật A Di Đà nhiếp thủ không bỏ, nếu chúng ta tu các Pháp môn khác thì không được nhiếp thủ không bỏ, đạo lý này rất dễ hiểu, bởi Đức Phật A Di Đà là đức Phật như thế nào? Ngài là vị Phật có ánh sáng vô lượng, vì vậy câu danh hiệu này là câu Danh Hiệu Quang Minh, chúng ta niệm câu danh hiệu quang minh là chúng ta ở trong quang minh, ở trong ánh sáng, nếu chúng ta không niệm Phật thì không ở trong ánh sáng, cho nên Đại Sư Thiện Đạo nói gọn trong câu "chỉ có niệm Phật ánh sáng nhiếp". Do đó phương pháp và mục tiêu rất rõ ràng, chỉ cần niệm Phật mà thôi, làm cho chúng ta rất dễ hiểu, cũng rất dễ tu hành, ngài cũng không nói là có tu hành hay không tu hành, bởi vì đây là Pháp môn siêu việt tu hành, vì niệm Phật thì ai cũng biết niệm, như loài chim có biết tu hành không? Các vị liên hữu ở đây đều lớn tuổi, trí não thân thể đều đã suy thoái thì làm sao nói đến chuyện tu hành nổi, chỉ có niệm Phật mà thôi, các vị tín tâm nhớ Phật niệm Phật thì đều có thể vãng sanh Cực Lạc thành Phật, như thế thì đâu có nói đến chuyện tu hành. Đây là Pháp môn hoành siêu, vượt lên trên tất cả hạnh, chúng ta không tu hành nhưng lại có đại tu hành, bởi vì có đại công đức của Đức Phật A Di Đà giúp chúng ta vãng sanh thành Phật. Chỗ này Tông Tịnh Độ có một tên gọi rất đặc biệt: không siêu mà siêu, không tu mà tu, không hành mà hành. Điểm quý giá của Tịnh Độ Tông chính là ở chỗ này.
Giống như một cụ già muốn từ bờ bên này sang bờ bên kia thì không thể nương vào sức của cụ ấy mà qua được. Cũng vậy, chúng sanh chúng ta muốn từ bỏ bờ sanh tử đến bờ giải thoát thì phải nương vào thuyền đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, chúng ta nương vào thuyền đại nguyện của Đức Phật A Di Đà khi thuyền chạy thì chúng ta cũng được theo, thuyền đến bờ bên kia thì chúng ta cũng đến bờ bên kia (cơ & pháp nhất thể), cho nên Đại Sư Thiện Đạo nói (câu thứ bốn):

Nên biết Bản Nguyện mạnh vô cùng.

Bản Nguyện này tức là căn Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà, có nghĩa là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện của Đức Phật A Di Đà (nguyện 18 là gốc rễ thâu nhiếp 47 nguyện còn lại). Nguyện thứ 18 là nguyện niệm Phật vãng sanh, vậy làm thế nào để niệm Phật vãng sanh? Đại Sư Thiện Đạo nói "nên biết Bản Nguyện mạnh vô cùng", nói Bản Nguyện mạnh ở đây nghĩa là nói về sự mạnh mẽ, vô cùng mạnh, không phải là yếu ớt, nói Bản Nguyện mạnh vô cùng là nói về sức mạnh trăm phần trăm, nếu bạc nhược thì không thể nào có sức mạnh, bởi nhờ có sức Bản Nguyện mạnh vô cùng cho nên tất cả phàm phu chúng ta niệm Phật thì đều được vãng sanh thành Phật, do chúng ta đều nương vào Bản Nguyện mạnh mẽ của Đức Phật A Di Đà.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán rằng:

Sức Bản Nguyện Phật ấy
Nghe danh muốn vãng sanh
Đều được đến nước kia
Đạt được Bất thoái chuyển.

"Phật ấy" là Đức Phật A Di Đà, "Bản Nguyện" là nguyện căn bản của Đức Phật A Di Đà, tức là nguyện thứ 18, sức mạnh của Bản Nguyện là giúp cho tất cả chúng sanh hễ niệm Phật thì tự nhiên được vãng sanh, cho nên hiện tại chúng ta niệm Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh, đạt Bất thoái chuyển. Cho nên nói "sức Bản Nguyện Phật ấy, nghe danh muốn vãng sanh, đều được đến nước kia, tự được bất thoái chuyển", nghĩa là chắc chắn vãng sanh thành Phật, tự nhiên không còn thoái chuyển nữa. Thông thường Bất thoái chuyển có ba loại, còn ở đây bất thoái chuyển không phải là ba loại thường được nói đến, ở đây muốn nói không thoái chuyển đối với giai vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nghĩa là niệm Phật thì không còn bị thoái chuyển nữa.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói "đều được đến nước kia" nghĩa là tất cả mọi người mọi loài (niệm Phật) đều tự nhiên được về Tây Phương Cực Lạc.
Trong bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo, ba câu trước là nói nên yếu nghĩa của Kinh Quán Vô Lượng Thọ, câu thứ tư là nói nên yếu nghĩa của Kinh Vô Lượng Thọ, và bốn câu còn lại là nói nên yếu nghĩa của Kinh A Di Đà. Cho nên trong câu thứ năm nói:

Sáu phương Như Lai hiện lưỡi chứng.

Trong Kinh A Di Đà nói sáu phương Như Lai đều hiện tướng lưỡi rộng dài để minh chứng cho lời nói của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là chân thật. Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói gì? Ngài nói (nghĩa) "chuyên xưng danh hiệu đến Tây Phương", câu này ở trong Kinh A Di Đà là câu nào? Trong Kinh A Di Đà nói "nghe danh hiệu Đức Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu từ một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn", chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn trong Kinh A Di Đà được Đại Sư Thiện Đạo dùng bốn chữ để giải thích là Chuyên Xưng Danh Hiệu. "Nhất tâm bất loạn" nghĩa là chuyên nhất, là không tạp, "chấp trì danh hiệu" nghĩa là xưng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Trong Kinh A Di Đà nói (nghĩa) "chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn", điều này rất dễ thực hiện, ở đây có nghĩa là chọn chuyên trì danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì tất cả chúng ta đều làm được, nếu như bảo chúng ta phải chuyên cái này phải chuyên cái kia (kiêm chuyên nhiều pháp) thì chúng ta làm không được, mà đã làm không được thì sẽ không có sự chuyên nhất.
Tư tưởng Tịnh Độ truyền thống giải thích rằng "nhất tâm bất loạn" là phải có công phu, công đức. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm! Chúng ta niệm Phật từ sơ sinh cho đến lúc lâm chung hoàn toàn không có công phu gì cả, chúng ta phiền não rất nặng nề, vọng tưởng vô cùng, một chút định lực cũng không có. Chúng ta tu hành tuy không có công phu, nhưng chúng ta niệm Phật thì tự có đầy đủ công đức, nên chúng ta chỉ cần chuyên niệm danh hiệu không xen tạp là được. Đối với chúng ta thì niệm Phật rất đơn giản, dễ dàng, bởi vì nó đơn thuần, giản đơn nên dễ dàng, vì đơn giản dễ dàng nên chúng ta đều làm được, cho nên Đại Sư Thiện Đạo nói rằng (câu thứ sáu):

Chuyên xưng danh hiệu đến Tây Phương.

"Chuyên xưng danh hiệu" là phương pháp, "đến Tây Phương" là mục tiêu.

Hai câu thứ bảy và câu thứ tám nói:

Đến đó hoa nở nghe Diệu Pháp
Nguyện hạnh Thập Địa tự nhiên thành.


Chúng ta niệm Phật thì đến được Tây Phương Cực Lạc, đến được Tây Phương Cực Lạc thì nghe được Diệu Pháp của mười phương các Đức Phật, được nghe Đức Phật A Di Đà thuyết pháp. Diệu Pháp là pháp không thể nghĩ bàn, "không thể nghĩ bàn" là những điều không thể làm được mà có thể làm được, nếu như dựa vào sức chúng ta tu hành thì không thể đến Thập Địa được, nhưng chỉ cần chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta siêu việt Thập Địa, đạt đến giai vị Đẳng Giác (Nhất sanh bổ xứ). Hiện tại ngay cả Sơ Địa hay Sơ Tín chúng ta cũng không đạt được, nhưng đến Tây Phương Cực Lạc thì Sơ Tín hay Sơ Địa đều không thành vấn đề, cho nên nói "nguyện hạnh Thập Địa tự nhiên thành", Thập Địa ở đây là chỉ cho Bồ Tát Đẳng Giác. Muốn đạt đến Đẳng Giác phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, nhưng nếu niệm Phật thì siêu việt giai vị Đẳng Giác, được giống như Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Thế Chí. Bồ Tát Di Lặc còn 56 triệu năm nữa mới thành Phật, còn chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc liền được thành Phật, chúng ta sẽ nói với Bồ Tát Di Lặc rằng: "xin lỗi ngài, chúng con đến Tây Phương Cực Lạc thì liền thành Phật rồi".
Đến Tây Phương Cực Lạc thì đều được thành Phật, đều giống Đức Phật A Di Đà, có vô lượng thọ, vô lượng quang. Nhưng ở mỗi quốc độ chỉ có một Đức Phật, nên Tây Phương Cực Lạc thì chỉ có Đức Phật A Di Đà thành Phật, còn những vị khác đều gọi là Bồ Tát.
Vì vậy chúng ta đều phải tôn kính tất cả những Pháp môn khác, nhưng chúng ta niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì thành Phật còn nhanh hơn Bồ Tát Di Lặc thành Phật, đây là đặc sắc của Tông Tịnh Độ. Đặc sắc của Tông Tịnh Độ là hoành siêu, "hoành siêu" nghĩa là không dùng sức của chúng ta mà dùng sức của Đức Phật A Di Đà, cho nên kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo vô cùng thù thắng và có mối quan hệ mật thiết với chúng ta, thậm chí vô cùng mật thiết không thể xa rời. Kệ tán Phật truyền thống nói (nghĩa) "phải tự trang nghiêm, phải có công đức và chắc chắn rằng Phật là Phật còn tôi là tôi (cơ & pháp không nhất thể)".

Tôi xin nói một kết luận ngắn gọn, bài kệ tán Phật này hiển thị tám ý nghĩa, hiển thị Thể-Tướng-Dụng của Đức Phật A Di Đà.

"Thể" ở đây như trong Kinh Vô Lượng Thọ nói (nói về bản nguyện), cũng là câu "nên biết Bản Nguyện mạnh vô cùng" trong bài kệ tán Phật.

Tiếp theo trong Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói đó là ba câu, câu một, câu hai và câu ba trong kệ tán Phật:

Sắc thân Di Đà như núi vàng
Tướng hảo quang minh chiếu mười phương
Chỉ có niệm Phật ánh sáng nhiếp.


Ba câu này là Tướng và Dụng.

Bốn câu sau là Kinh A Di Đà nói:

Sáu phương Như Lai hiện lưỡi chứng
Chuyên xưng danh hiệu đến Tây Phương
Đến đó hoa nở nghe Diệu Pháp
Nguyện hạnh Thập Địa tự nhiên thành.


Kinh A Di Đà là bộ kinh kết luận nên Thể-Tướng-Dụng đều được kết tinh trong Kinh A Di Đà. Bộ Kinh A Di Đà là nói nên giáo siêu, hoành cơ, phương pháp tu hành và lợi ích đạt được.
Muốn kiến lập được một tông phái thì phải căn cứ trên bốn điểm, cũng là bốn trong tám ý nghĩa (của kệ tán), đó là:
1, Giáo lý.
2, Căn cơ.
3, Phương pháp.
4, Lợi ích.
Đây là bốn trụ cột của Phật Giáo.
Kệ tán Phật này đã thâu tóm được ý nghĩa ba bộ kinh căn bản của Tông Tịnh Độ, tức là Tam Kinh Tịnh Độ.
5, Nói nên cốt yếu của ba bộ Kinh Tịnh Độ và nói nên kinh điển y cứ chính của Tông Tịnh Độ.
6, Nói nên bản hoài của chư Phật.
7, Nói giáo lý Tông Tịnh Độ như con thuyền bất thoái, là đỉnh cao của Phật Pháp Đại Thừa, bởi vì giúp chúng ta mau chóng thành Phật, và chỉ cần niệm Phật là mau chóng về Tây Phương Cực Lạc. Cho nên Pháp môn Tịnh Độ hết sức thù thắng, đặc sắc trong hệ thống Phật Giáo Đại Thừa.
8, Hiển thị phương pháp và mục đích của Tông Tịnh Độ, đây cũng là điểm cuối cùng của Tông Tịnh Độ. Hiển thị ở đây chính là phương pháp, mục đích tu hành của mười phương chúng sanh. Mục đích của chúng ta là gì? Chính là thành Phật độ chúng sanh. Phương pháp là gì? Chỉ cần niệm Phật, niệm Phật thì mau chóng vãng sanh, vãng sanh liền mau chóng thành Phật, thành Phật liền độ chúng sanh.

Các vị tại gia tu hành vì mục đích gì? Có phải là thành Phật không?
Đại chúng đáp: Dạ phải.

Phương pháp là gì?
Đại chúng đáp: Là niệm Phật.

Địa cầu này có khoảng 9 tỷ người, mục đích của 9 tỷ người này là gì? Là muốn lìa khổ được vui, thoát khỏi luân hồi được an lạc. Tất cả chúng sanh ở địa cầu này muốn thoát khổ được vui, phương pháp chính là cần phải niệm Phật. Cho nên Tổ Sư dạy: "niệm Phật thành Phật".
Chúc mọi người tin Phật, niệm Phật, vãng sanh thành Phật.
Cảm ơn đại chúng, cảm ơn tất cả mọi người.
Nam Mô A Di Đà Phật.

--- HẾT ---

(Chú thích bổ sung)

Hỏi: Tất cả chư Phật đồng chứng Tam Thân viên mãn Bi Trí không khác, hành giả tùy phương lễ niệm mà lập thời khóa xưng danh một vị Phật đều được vãng sanh. Tại sao chỉ tán thán Tây Phương và khuyên chuyên lễ niệm Phật A Di Đà?

Đáp: Chỗ chứng đắc của Chư Phật bình đẳng không khác, nếu xét về hạnh nguyện cứu độ thì đều có nhân duyên. Đức Phật A Di Đà vốn có thệ nguyện sâu nặng, dùng danh hiệu ánh sáng để nhiếp hóa mười phương chúng sanh được tín tâm niệm Phật cầu vãng sanh (cứu độ mọi căn cơ). Chúng sanh chuyên xưng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, trên đến trọn đời (bình sinh nghiệp thành), dưới đến mười tiếng hay một tiếng (lâm chung nghiệp thành), nhờ nguyện lực của Phật ấy nên đều được vãng sanh dễ dàng. Do đó, Đức Thích Ca cùng chư Phật đều khuyên chúng sanh hướng Tây Phương. Đây là điểm khác biệt.

(Trích trong Vãng Sanh Lễ Tán)
 

Đính kèm

  • Ý nghĩa bài kệ tán Phật của Đại Sư Thiện Đạo.pdf
    164.3 KB · Xem: 100

Chủ đề tương tự

Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên