Ý nghĩa độc đạo trong thiền quán tứ niệm xứ

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27 Thg 11 2006
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
Ý NGHĨA ĐỘC ĐẠO

TRONG THIỀN QUÁN TỨ NIỆM XỨ


TN HỮU LIÊN

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1:Nội dung kinh Niệm Xứ (Satipatthànasutta)

Để việc tu hành đạt đến lợi lạc cao nhất, điều quan trọng nhất, hành giả phải học thông hiểu rành nội dung của bài kinh, và phải xem đây là một công thức tối cần không thể thiếu đối với việc hành thiền Phật giáo, vì tất cả những lời chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp của Đức Thế Tôn về việc hành thiền quán đều được ghi lại một cách khúc chiết rõ ràng và giản dị, ai học rồi cũng có thể hiểu được và hành theo. Những gì là nội dung của kinh?

1.1. Duyên khởi:
Kinh Niệm xứ do Đức Phật thuyết giảng cho các Tỳ kheo tại đô thị Kammàssadhamma, xứ Kuru, nay là thủ đô Delhi của Ấn Độ.

1.2. Chánh kinh:
Bài kinh tập trung về bốn nền tảng hay cơ sở thực hành quán niệm (Tứ Niệm Xứ) gồm thân (kàya) thọ (vedanà) tâm (citta) pháp (dhamma), được Đức Phật gọi là con đường độc nhất (ekàyana-magga) đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Bốn cơ sở quán niệm gồm:

1/ Quán thân trên thân.

2/ Quán thọ trên các cảm thọ.

3/ Quán tâm trên tâm.

4/ Quán pháp trên các pháp.

1.2.1. Quán thân trên thân : (kàye kàyanupassanà)
Đề mục quán thân trên thân bao gồm sáu phương pháp quán niệm :
1.2.1.1. Quán niệm hơi thở : Vị hành giả tìm nơi thanh vắng như khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống … ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, tỉnh giác quán niệm hơi thở vào ra.

- Thở : vô dài, tuệ tri “tôi thở vô dài” : thở ra dài, tuệ tri “ tôi thở ra dài”

- Thở : vô ngắn, tuệ tri “ tôi thở vô ngắn” thở ra ngắn, tuệ tri “ tôi thở ra ngắn”

- “Cảm giác toàn thân” tôi sẽ thở vô; “Cảm giác toàn thân” tôi sẽ thở ra.

- “An tịnh thân hành” tôi sẽ thở vô; “An tịnh thân hành” tôi sẽ thở ra.

Khi thực hành pháp quán niệm trên, vị hành giả cần tuệ tri hay chú tâm nhận biết về hoạt động của hơi thở ; giống như người thợ quay, khi quay dài biết rõ mình đang quay dài ; hay quay ngắn biết rõ mình đang quay ngắn. Vị hành giả thực hành như vậy, thì được gọi là sống quán thân trên nội thân ; hay sống quán thân trên ngoại thân ; hay sống quán thân trên nội, ngoại thân; hay sống quán tánh sanh khởi trên thân, hay sống quán tánh diệt tận trên thân, hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây” vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước bất kỳ vật gì trên đời.

1.2.1.2. Quán niệm các oai nghi cử chỉ của thân: Vị hành giả khi đi, biết rõ: “tôi đi” hay khi đứng, biết rõ: “tôi đứng”; hay khi ngồi, biết rõ: “tôi ngồi”; hay khi nằm, biết rõ : “ tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy.

1.2.1.3. Quán các hành tướng: Vị hành giả khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm ; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm ; khi mang áo Tăng già lê ( sanghàti ), mang y bát , ăn uống , nhai nếm, đại tiện, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hay im lặng đều biết rõ việc mình đang làm.

1.2.1.4. Quán niệm các thân phần: Vị hành giả chánh niệm quán sát thân gồm 32 vật bất tịnh – tóc, lông móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, não, hoành, cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước khớp xương, nước tiểu. Khi thực hành pháp này, vị hành giả cần phải tuệ trí hay biết rõ từng thân phần của cơ thể, tựa như một người phân biệt rõ các loại ngủ cốc được trộn lẫn với nhau trong một cái túi.

1.2.1.5. Quán niệm vị trí các giới hay các yếu tố (dhàtu) trên thân: Vị hành giả quán sát vị trí thuộc địa, thủy, hỏa, phong và sự sắp đặt của chúng trên thân. Vị ấy phân biệt rõ vị trí và sự sắp đặt của bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió trong thân thể tựa như người đồ tể thiện xảo phân biệt rõ từng phần thân thể con bò bị xẻ thịt.

1.2.1.6. Quán niệm các giai đoạn phân hủy của tử thi : Vị hành giả quán niệm về tám giai đoạn phân hủy của thi thể, biết rõ tính chất, biết rõ bản chất không thể khác của thân thể:
(a). Thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một, hai, ba ngày, trương phồng lên, xanh đen lại, thối nát ra.

(b). Thi thể bị các loại quạ, diều hâu, kênh kênh, chó, giả can, côn trùng ăn.

(c).Thi thể với bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, được các đường gân cột lại.

(d).Thi thể với bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt, nhưng còn dính máu được các đường gân cột lại.

(e).Thi thể chỉ còn xương nằm rải rác chổ này chổ kia.

(f).Thi thể chỉ còn toàn xương trắng như vỏ ốc.

(g).Thi thể chỉ còn là một đống xương lâu hơn một năm.

(h).Thi thể chỉ còn xương tan thành tro bụi.

1.2.2. Quán thọ trên các cảm thọ(vedanàsu_vedanànupassanà):

Vị hành giả tập trung quán niệm và biết rõ ba cảm thọ: lạc thọ (Sukhavedanà) khổ thọ (Dukkhavedanà) bất khổ bất lạc thọ( adukkham_ asukhavedanà) về ba cảm thọ đấy là thuộc về vật chất hay không thuộc về vật chất : ví dụ khi cảm giác lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy biết rõ từng loại cảm thọ mình đang cảm nhận. Tương tự, khi cảm giác lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, liên hệ đến vật chất hay không liên hệ đến vật chất ; vị ấy biết rõ từng loại cảm thọ của mình đang cảm nhận.

Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán thọ trên các nội thọỉ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội, ngoại thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ; “Có thọ đây”, vị ấy an trú chánh niệâm như vậy, với hy vọng đạt đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa không chấp trước bất cứ một vật gì trên đời.

1.2.3.Quán tâm trên tâm( citte_cittanupassanà):

Vị hành giả tập trung theo dõi và biết rõ 16 loại tâm qua tám cặp :

(1). Tâm có tham hay tâm không có tham.

(3). Tâm có sân hay tâm không có sân.

(5). Tâm có si hay tâm không có si.

(7). Tâm có tập trung hay tâm tán loạn.

(9). Tâm quảng đại hay tâm không quảng đại.

(11). Tâm giới hạn hay tâm vô thượng.

(13). Tâm có định hay tâm không có định.

(15). Tâm giải thoát hay tâm không giải thoát.

Vị hành giả tập trung theo dõi và biết rõ về 16 loại tâm như thế thì được gọi là quán tâm trên nội tâm ; hay sống quán tâm trên ngoại tâm ; hay sống quán tâm trên nội, ngoại tâm ; hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm ; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm ; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng đạt được chánh trí, chánh niệm và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước bất cứ một thứ gì trên đời.

1.2.4. Quán pháp trên các pháp (dhammesu_dhammanupassanà):

Đề mục này bao gồm các pháp quán niệm như sau:

1.2.4.1.Quán niệm về năm triền cái (pãnca nìvaranas) : Vị hành giả phải xét xem tâm mình, nếu có ái dục ( kàmacchanda) ; biết rõ nội tâm tôi có ái dục, không có ái dục, biết rõ nội tâm tôi không có ái dục ; đối với ái dục chưa sanh nay sanh khởi hay ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, hay ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

Đối với các triền cái còn lại như : sân hận (byapàda/ pàtigha), hôn trầm thụy miên (thìnamiddha), trạo hối (uddhaccakkucca), nghi (vicikicchà). Vị hành giả thực hành quán niệm trên thì được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp ; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp ; hay sống quán pháp trên các nội ngoại pháp ; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp ; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có pháp đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng đạt được chánh trí, chánh niệm và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước bất cứ một vật gì trên đời.

1.2.4.2. Quán niệm về năm thủ uẩn ( pãnca_upàdanakkhandhas): Vị hành giả tập trung suy tư, biết rõ về năm thủ uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi và sự đoạn diệt của chúng.

1.2.4.3. Quán niệm về sáu nội ngoại xứ (cha_ajjhattikababra_àyatanas) : Vị hành giả quán niệm và biết rất rõ mắt (cakkhu) và các sắc (rùpa), biết rõ do duyên mắt và các sắc, kiết sử (samyojana) sanh khởi ; đối với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi ; hay kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt ; hay kiết sử đã được đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Vị ấy thực hành và biết rõ như trên đối với các nội và ngoại xứ còn lại, tức là, tai (sota) và tiếng (sadda), mũi (ghàna) và hương (gandha) , lưỡi (jivhà) và vị (rasa), thân (kàya) và cảm xúc (photthabba), ý (mana) và pháp (dhamma).

1.2.4.4. Quán niệm bảy giác chi ( satta_sambhojjhangà) : Vị hành giả xem xét tâm mình, nếu có niệm giác chi (sati_sambhojjhangà) biết rõ “nội tâm tôi có niệm giác chi”; hay không có niệm giác chi biết rõ “nội tâm tôi không có niệm giác chi”, đối với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy. Vị ấy thực hành xem xét như vậy đối với các giác chi còn lại nghĩa là trạch pháp giác chi (dhamma vicaya sambhojjhangà), tinh tấn giác chi (viriya samghojjhangà), hỷ giác chi (pìti sambhojjhanmà), khinh an giác chi (passadhi sambhojjhangà), định giác chi (samàdhi sambhojjhangà), xả giác chi (upekkhà sambhojjhangà).

1.2.4.5. Quán niệm về bốn sự thật : ( cattàri ariyasaccani ) : Vị hành giả xem xét và biết rõ như thật về khổ (dukkha), khổ tập (dukkhasamudaya), khổ diệt (dukkhanirodha) và con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhagàminì-magga).

1.3. Kết luận: Thành quả sự tu tập Tứ Niệm Xứ :

Đức Phật kết thúc bài kinh bằng lời tuyên bố rằng tuỳ thuộc ý chí và nỗ lực, vị nào thực hành bốn Niệm Xứ này trong thời gian bảy năm… bảy tháng … thậm chí trong bảy ngày, có thể đạt được hai quả vị : chánh trí ngay trong hiện tại ( ditthadhamme annà) hay quả bất hoàn (anàgàmita), nếu còn hữu dư y ( upàdisesa). Các Tỳ kheo hoan hỷ tín tín thọ lời thế tôn dạy.

1.4. Những lời dạy của Đức Thế Tôn liên hệ Tứ Niệm Xứ:

Ngoài bản kinh này, Đức Thế Tôn còn có những lời dạy căn bản về pháp môn Tứ Niệm Xứ này như sau : “Này các Tỳ kheo, con đường để diệt trừ dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, con đường để diệt trừ dục ái, hữu ái, vô minh ái đó chính là Tứ Niệm Xứ”ù[5-296]. Nhưng chúng ta ai cũng biết chính dục ái, hữu ái, vô minh ái, hoặc dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, thuộc về tập đế trong tứ thánh đế và cũng là toàn bộ nguyên nhân sanh tử, khổ đau. Để đoạn trừ chúng chính là Tứ Niệm Xứ.”

Một lời dạy về Tứ Niệm Xứ “Này các Tỳ kheo cho đến khi nào các người tu tập giới khéo thanh tịnh, trên cơ sở giới khéo thanh tịnh này các ông hành trì Tứ Niệm Xứ theo ba phương diện là: nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời”. [5 – 222]

Và hơn thế nữa, Sàriputta hoàn toàn tin rằng Tứ Niệm Xứ là truyền thống và chứng đắc Phật quả của ba đời chư Phật. “Bạch Đức Thế Tôn, phàm có những bậc Alahán, Chánh Đẳng Chánh Giác nào trong quá khứ, tất cả bậc Đức Thế Tôn ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi đã chứng ngộ chánh đẳng chánh giác.

Bạch Thế Tôn, phàm có những bậc Alahán Chánh Đẳng Chánh Giác nào thời vị lai, tất cả các BậcThế Tôn ấy sau khi đoạn tận năm triền cái, các pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên bốn Niệm xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi sẽ chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Còn Đức Thế Tôn, Bạch Thế Tôn là bậc A_la_hán Chánh Đẳng Chánh Giác, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ, sau khi khéo an trú tâm trên Tứ Niệm Xứ, sau khi như thật tu tập bảy giác chi chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác” [5_251-252].

Và một lời dạy khác nữa về Tứ Niệm Xứ là : “Tứ niệm xứ này, này các Tỳ kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn tuyệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn” [5_280].

Do vậy, điều này đã được nói lên : “ Đây là con đường độc nhất, này các Tỳ kheo, để thanh tịnh hóa chúng sanh, để nhiếp phục sầu bi, để đoạn tận khổ đau, để thành đạt chánh đạo, để chứng đắc Niết bàn, đó là Tứ Niệm Xứ”.

Hay nói khác đi, Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất để đi đến giải thoát và nói đến đạo Phật là nói đến Tứ Niệm Xứ, hễ nói đến giải thoát là nói đến Tứ Niệm Xứ, phi Tứ Niệm Xứ không tìm thấy giải thoát. Giả như có ai đó nói rằng . “ có thể có một con đường khác để có thể đi đến giải thoát” thì tôi đảm bảo con đường đó, bước chân đầu tiên đặt vào giải thoát cũng phải bước qua Tứ Niệm Xứ. Để sáng tỏ ý này, chúng ta bước vào những chương sau.
 
Last edited by a moderator:

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27 Thg 11 2006
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
CHƯƠNG 2 : Giải thích tính độc đạo


2.1. Theo bản sớ giải Kinh Trung Bộ :
Theo bản này giải thích cụm từ Ekàyanamagga như là con đường độc nhất, không phân nhánh, con đường mà người ta phải bước đi một mình, không có người đồng hành, con đường dẫn đến một mucỉ tiêu duy nhất là Niết bàn.
2.2. Theo Thiền Sư Usìlananda :
_ Thiền Sư này được một vị Thiền Sư lỗi lạc bậc nhất tại Myanmar là Ngài MAHÀSI SAYADAW lựa chọn đi hoằng pháp tại các nước khác, bằng kiến thức thâm sâu về Phật pháp cộng với kinh nghiệm thực chứng ngài giải nghĩa ekàyana như sau “eka là một, àyana là con đường”. Nhưng con đường này được hiểu với năm nghĩa sau :[11, 11-12]
+ Đây là con đường đơn độc không có ngả rẽ, vì không có ngả rẽ nên khi đi trên con đường này, bạn được bảo đảm từ lúc bắt đầu đi cho đến lúc giải thoát.
+ Phải đi “một mình” trên con đường này, nghĩa là trong lúc hành thiền bạn phải thực hiện một cách đơn độc, không người đồng hành, cho dù bạn đang sống trong một tập thể, nhưng sự thật bạn đang đi con đường riêng của mình, bạn đơn độc không ai đi cùng với bạn, và không ai có thể ban tặng cho bạn định tâm và trí tuệ, chỉ có hành thiền một mình. Do đó, đây là con đường “duy nhất”, con đường bạn phải đi một mình.
+ Đây là con đường của một đấng cao thượng, con đường do đức Phật tìm ra.
+ Gọi là độc đạo vì con đường này đã dẫn đến một mục tiêu duy nhất là Niết bàn.
+ Là con đường duy nhất chấm dứt mọi đau khổ, hủy diệt mọi phiền não.
2.3. Theo kinh Tứ Niệm Xứ:
Đây được gọi là “độc đạo” vì chính là đạo của Đức Thế Tôn “Phật Đạo”. Đức Thế Tôn là vị làm sinh khởi con đường chưa được sinh khởi, con đường ấy chỉ có trong Pháp và Luật này chứ không có nơi nào khác. Tại sao “Niệm xứ” được gọi là đạo? Vì con đường bát thánh đạo ngoài Niệm xứ ra còn có các chi phần khác như chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định. Song chánh niệm là trung tâm giáo lý của Đạo Phật. Chính tứ chánh cần là bốn sự nỗ lực để thực hành Tứ Niệm Xứ, vì nội dung của nó là đoạn trừ tham, sân, si, là mục tiêu, là công việc của Tứ Niệm Xứ…
Nói đến Thất giác chi Đức Phật dạy rằng: “ chỉ cần tu tập trọn vẹn một giác chi trong thất giác chi thì hành giả đã thành tựu trọn vẹn thất giác chi”. Cũng thế, nếu tu tập trọn vẹn giáo lý Tứ Niệm Xứ thì hành giả thành tựu trọn vẹn đạo đế.
Như vậy nếu phân tích kỹ, chúng ta thấy rằng giáo lý Tứ Niệm Xứ là nội dung của chi phần chánh niệm trong bát chánh đạo, cũng là nội dung của niệm căn, niệm lực trong ngũ căn ngũ lực, cũng là niệm giác chi trong thất giác chi. Do vậy điều này đã được nói lên : Đây là con đường độc nhất đi đến giải thoát. Và đây chính là toàn bộ con đường thiền định của Phật Giáo.
Nói đến thiền định Phật Giáo gồm có thiền chỉ và thiền quán. Thiền quán chính là thiền Tứ Niệm Xứ ( Satipatthàna) chỉ duy nhất hướng đến mục tiêu tối hậu Niết Bàn. Trong khi đó thiền chỉ được thành tựu ngang qua các thiền chứng (jhànas) và các phạm trú ( brahmavihàras). Theo Bodhi, các thiền chứng ( jhànas) và các phạm trú ( brahmavihàras) có thể dẫn đến Niết Bàn nhưng cũng có thể dẫn đến các mục tiêu “ ngoại biên” . Mặc dù Bodhi không chỉ rõ điều ông gọi các mục tiêu “ngoại biên” của các thiền chứng và các phạm trú, ta có thể hiểu rằng : ý ông muốn ám chỉ kết quả sanh thiên của Jhànas vàBrahmavihàras và điều này chúng ta dễ nhận thấy trong Kinh tạng Pàli khi đề cập đến sự kiện tái sanh các cõi trời dục giới hay sắc giới của sự thực hành các Jhànas và các cõi Brahmavihàras của việc tu tập tâm Từ (mettà), Bi (karunà), Hỷ (mudita), Xả (upekkhà) trong trường hợp người thực hành chưa đoạn tận các lậu hoặc (àsavas). Các kết quả này có thể được xem là “ ngoại biên” hay “tạm thời” của jhànas và Brahmavihàras bên cạnh mục tiêu chính của chúng ta là tạo điều kiện hay dọn đường cho người thực hành đạt đến mục tiêu tối hậu là Niết Bàn hay giải thoát khổ đau. Nếu vậy, nhận xét của Bodhi hoàn toàn có cơ sở.
Kinh Tứ Niệm Xứ không nói gì đến mục tiêu “ ngoại biên” hay “tạm thời” nào ngoài việc nhấn mạnh sự thực hành Niệm xứ nhằm hoàn thiện chánh trí (nõàna) và chánh niệm (sati) nhờ đó vị hành giả sống không nương tựa, không chấp trước một thứ gì trên đời. Nói khác đi, mục tiêu của Niệm xứ là hướng thẳng đến giải thoát khổ đau hay là Niết bàn, mà trong văn cảnh bài văn gọi là “ sống không nương tựa, không chấp trước một thứ gì trên đời”, do tham ái và chấp thủ được dập tắt nhờ công năng chánh trí và chánh niệm. Bài kinh thông báo cho chúng ta hai mục tiêu mà vị hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ có thể kỳ vọng là đạt được chánh trí trong hiện tại ( ditthadhammannà ) hay ít ra cũng đạt quả Bất hoàn ( anàgamità ). Chánh trí ở đây đồng nghĩa với quả vị Alahán (Arahattaphala) hay giải thoát khổ đau ngay trong đời này. Bất hoàn hay còn gọi là Bất lai ( anàgàmità), có nghĩa là hành giả không còn trở lại trạng thái sinh tử khổ đau khi thành tựu mục tiêu hay quả vị này. Có lẻ vì ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, nghĩa là mục tiêu hướng thẳng đến Niết Bàn như đã đề cập mà Tứ Niệm xứ luôn luôn được nhấn mạnh và đề cao trong số các pháp tu của đạo Phật.
Điều tuyệt vời của bản kinh này không nằm ở mặt lý thuyết, chúng chỉ xuất hiện ở mặt hành trì mà thôi. Và khi đi vào hành trì mới chứng minh được “Tứ Niệm xứ là con đường độc nhất (ekàyana_magga) đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn”.
2.4. Ứng dụng trong đời sống thường nhật :
Một lý do khác khiến cho Tứ Niệm xứ được nhấn mạnh, được đề cao ấy là bởi pháp môn này thâu tóm hầu như toàn bộ các tư tưởng và phương pháp thực hành căn bản của Đạo Phật. Điều này được thể hiện rõ trong việc ứng dụng hành trì Tứ Niệm Xứ.
2.4.1. Hành trì Tứ Niệm Xứ :
2.4.1.1. Đi vào pháp quán thân trên thân :
Ở đây bao hàm hai pháp môn căn bản của Đạo Phật là niệm hơi thở vào hơi thở ra ( ànàpànasati) và niệm thân( kàyagatasati) mà ý nghĩa và sự vận dụng của chúng được mô tả đầy đủ trong hai bản kinh ànàpànasati và kàyagasati của Kinh Trung Bộ.
Phổ quát tính của Tứ Niệm xứ so với pháp môn Niệm hơi thở vô - hơi thở ra có thể được thấy qua câu nói của Đức Thế Tôn : “ Này các Tỳ kheo, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến bốn Niệm xứ được viên mãn [ 4_ 465]. Câu nói này cho thấy niệm hơi thở là căn bản của Tứ Niệm xứ, hay cũng là pháp môn mở đường và bổsung cho Tứ Niệm xứ.
Vì sao chỉ đơn giản tìm nơi trống vắng như khu rừng hoặc gốc cây, hoặc ngôi nhà trống, ngồi kiết già lưng thẳng an trú niệm trước mặt chú tâm vào hơi thở ra vào như thế nào ghi nhận như thế ấy, mà Đức Thế Tôn bảo là con đường độc nhất ?.
Chúng ta không ai không biết về hơi thở, nghĩa là hơi thở nó có tầm quan trọng đối với sự sống còn của một sinh mạng, vì vậy không cần định nghĩa thì ai cũng nhận ra nó một cách dễ dàng, điều này ai cũng làm được, không đòi hỏi trình độ học vấn ra sao, con của dòng họ nào, không đòi hỏi tuổi tác, giới tính chi cả, nghĩa là nó rất là phổ thông nhưng lại rất quan trọng đối với con người nên ai cũng có thể hành theo một cách dễ dàng.
Cái diệu của pháp này ở chỗ, chúng ta chỉ cần tập trung sự chú ý vào hơi thở, ngắn biết ngắn, dài biết dài, không phản ứng gì cả, giữ tâm một cách vô tư, tỉnh táo, cứ như vậy tập đi tập lại nhiều lần mới tạo được thói quen. Khi ấy ra nhìn đời cũng vậy, đến đây, vị hành giả có được một nghệ thuật sống, thấy mọi việc xảy ra xung quanh mình như thế nào là ghi nhận như thế ấy, chúng ta không bị dao động trước những biến động của cuộc đời, phải giữ tâm bình thản, chỉ tập sơ như vậy mà đã được sự khôn ngoan trong cuộc sống. Từ đây, cuộc đời này sẽ không bao giờ làm bạn rối loạn, dẫu nó là thác loạn, nó thường xuyên biến động như vũ bão, nhưng chúng ta đủ tỉnh táo để vượt qua, nghĩa là đến đây bạn đã có sức mạnh tâm lý rồi.Và cũng từ đây chúng ta nên nhìn sâu vào hơi thở, và ở chỗ này có nhiều việc để làm. Đức Phật dạy là vậy, nhưng khi ngồi lại thì tâm lý phiền muộn khởi lên, hôn trầm khởi lên, trạo hối khởi lên, tham công tiếc việc khởi lên… Chúng ta phải nhiếp phục tất cả bằng cách ghi nhận chúng rồi bám chặt vào hơi thở, chúng sinh biết chúng sinh, chúng hiện hữu biết chúng hiện hữu, chúng diệt biết chúng diệt, rồi cứ bám sâu vào hơi thở, như em bé ôm chặt vú mẹ không để cho rời. Giữ như vậy tạo thành sức mạnh tâm lý, và năng lực nhiếp phục là định. Như vậy thì sự vật không còn chi phối, hạnh phúc có ngay. Nhưng đây không phải là chỗ dừng chân của hành giả mà phải bước tiếp. Từ tâm lý ổn định đó, bắt đầu thấy rõ mọi chuyện từ hơi thở nói lên : nó vốn là giả có, không thật, cái mà gọi là hơi thở vốn chẳng qua do các duyên như : sự vận chuyển của không khí, cùng với sự co bóp của phổi nhờ có sự hoạt động của con người. Cái gọi là mình là ta nó mong manh lắm, nó vô thường lắm, nó huyễn, nó giả có như hơi thở vậy, một khi hơi thở ra mà không vào hoặc vào mà không ra, thì thân ấy hóa ra người thiên cổ, nếu để lâu vài bữa thì sình chướng, dòi rúc, thối hôi, khi ấy có ai dám nhận là mình, là cái của mình, hay là tự ngã mình nữa chăng: tỉnh ngay.
Đi vào niệm thân cũng vậy, thân này là kết quả tinh khí khi bà mẹ có thai, được nuôi lớn bằng máu của mẹ, thai đó tồn tại lớn lên như thế nào hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của bà mẹ cũng như tự bản thân thai nhi. Khi ra đời cũng thế, phải nhờ sự nuôi dưỡng của cha mẹ, bầu bạn, lớn lên quay lại yêu mình, rồi lại ôm bao nhiêu thứ cho cái thân này, rồi đi mê mải cái hoàn toàn không ai làm chủ được, hợp thành bởi nhiều nhân, nhiều duyên. Rõ ràng cái không tên tuổi, không mặt mũi, không thật mà mình chấp ngay là mình chưa kể gặp phải cơn gió độc, hoặc tai biến hoặc ăn nhằm trái dại thì ôi thôi không còn gì để nói nữa. Với cái nhìn như vậy, tự tâm thức rời khỏi chấp ngã, thì tham ái không khởi, sân không khởi , giải thoát đến hoàn toàn trọn vẹn, Niết bàn đến hiện tại, pháp tự động như vậy, hễ một khi thấy sự thật là huyễn, là giả là không thật có thì tất cả tham, sân, si, tự nó rơi rụng giống như mình đi ra khỏi giấc mơ trong buổi tối thì tự động không giận người trong mộng, không yêu người trong mộng, cũng như tự động biết đây là cục than hồng nóng tự động không nắm nó thôi, chứ không cần nỗ lực gì cả. Cũng vậy, khi thấy cái ngã cuộc đời này đã hư rồi, đã giả dối rồi thì tự động không tham, tự động không sân, dĩ nhiên là giải thoát đến. Quán đến đây cho ta thấy nội dung của Kinh Kim Cương cũng dạy chỉ chừng ấy thôi, điều này thể hiện rõ qua bài kệ bốn câu sau:
“Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”.
Rõ ràng tư tưởng Kinh Kim Cương dạy chúng ta có thái độ nhìn ngắm vạn vật vũ trụ thì phải nhìn sao cho thấy rõ được thật tướng của vạn pháp vốn là giả có không thật, nó như mộng như huyễn, như bọt nước như sương trên đầu ngọn cỏ, chúng quá mong manh và tạm bợ, không phải điều này ai cũng dễ dàng nhận ra đâu. Nó đòi hỏi những người phải có thói quen tư duy bình tĩnh, tỉnh táo mới thấy được, chính điều này đã dạy cho chúng ta không khởi tâm trú trước bất cứ một thứ gì trên đời, quả là một trạng thái sung sướng hạnh phúc, sống trong trần mà chẳng nhiễm trần.
Nói “không trú trước” là đồng nghĩa với câu “vô thủ trước Niết bàn” của bên Đại Thừa, lại tương tự với câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Rõ ràng tư tưởng Tứ Niệm xứ bàng bạc trong tất cả các kinh Đại Thừa. Nhưng cái diệu cái dụng nhất không phải ở hơi thở, không phải cảnh giới bên ngoài, cũng không phải ở thân mình, mà ở ngay nơi tâm mình, nên đến đây hành giả phải nhiếp tâm hơn thế nữa, làm thế nào để yêu hơi thở như cái tối thượng đáng yêu nhất trong cuộc đời này, rồi hãy bám sát nó đừng rời nó, phải làm công việc này như là sự nghiệp của mình, nên lúc nào cũng phải giữ niệm trên đối tượng đó và cái niệm đó đã rời khỏi tham, sân, si. Trong việc hành trì đó đã nhắc nhở chúng ta nhớ hoài các pháp hoàn toàn vô thường, vô ngã, không có thật nên đừng có tham luyến nữa, đừng có tham ái nó nữa và chỗ này là tuệ, là Phật tử. Nội dung của kinh Pháp Hoa cũng chừng ấy thôi. Cũng vì “khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là mở bày cho chúng sanh có được Phật trí và đây chính là việc làm của Tứ Niệm xứ vậy.
+ Ở niệm thân, còn có quán về tứ oai nghi, ấy là việc làm quá quen thuộc, lại đơn giản không cầu kỳ chỉ việc đi, đứng, nằm, ngồi, biết mình đang đi, đứng, nằm, ngồi, nhưng cái tối diệu là ở chỗ giữ tâm chánh niệm tất cả oai nghi đi, đứng, nằm như vậy để làm lắng được vọng tâm. Một khi vọng tâm lắng chìm rồi thì chân tâm hiển hiện . Và việc làm của kinh Kim Cương cũng chỉ dừng lại ở chỗ hàng phục vọng tâm để đạt được chân tâm, và đây lại là việc làm của Tứ Niệm xứ.
+ Còn quán về tứ đại, và quán về ba mươi hai yếu tố trong cơ thể cũng vậy. Điều quan trọng của pháp môn này là đừng chán nản cứ nhìn hoài, tự động pháp ấy nói cho mình chân tướng, thật tứơng của các pháp là huyễn, là duyên sinh nên vô thường, vô ngã. Từ ấy mọi tham ái chấp trước rơi rụng, an lạc khởi ngay. Đến đây hành giả mở rộng ra, nhìn mọi vật xung quanh cũng thế, thấy rõ chúng là duyên sinh vô ngã nên tự động sống không chấp trước bất cứ thứ gì trên đời, tự động thấy yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống vô cùng, vì họ không hiểu chút gì về pháp Phật nên họ mãi đua tranh, cấu xé nhau, dằn vặt lẫn nhau, gây khổ cho nhau thật là tội nghiệp, thật là đáng thương. Chính đó cho chúng ta nhận định, quả nhiên pháp Phật lợi lạc vô cùng, có sống đúng, có hành đúng với pháp Phật mới thấy được cái linh, cái diệu, cái tuyệt đối của Pháp : Quả không có con đường nào khác, ngoài con đường hành trì Tứ Niệm xứ trong việc đoạn tận khổ đau để đạt cứu cánh Niết Bàn.
Ấy chỉ là bước hành trì thô mà kết quả đạt được quả là tối diệu huống chi chúng ta đi vào thực hành tế hơn ấy là quán thọ trên các cảm thọ:
2.4.1.2. Tu tập quán thọ trên các cảm thọ:
Nói tế hơn ở thân là hẳn nhiên rồi, vì những gì thuộc về thân là thuộc về sắc chất ai cũng nhìn thấy được. Về thọ lại thuộc danh nên không thể nhìn thấy mà chỉ cảm nhận được, biết được những trạng thái nóng, lạnh, vui, buồn, dễ chịu, khó chịu… Công việc của pháp quán này là: chúng ta không nên phản ứng lại khi có bất kỳ trạng thái nào khởi lên, hay đang tồn tại, hay đang mất đi, mà chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là ghi nhận chúng như chúng đang là, cứ làm như vậy, đến một ngày nào đó công phu đó tự cho mình thấy được thực tướng cảm thọ nó tức cười lắm, nó chỉ có khi các căn tiếp xúc với các trần có ra cảm thọ, rồi mình bị nô lệ bởi tất cả các cảm thọ. Dường như cả cuộc đời này, con người luôn đi tìm kiếm cảm thọ, ưng giàu sang phú quí cũng là cảm thọ, luôn đi tìm cái xứng ý vừa lòng cũng là cảm thọ. Quả là tất cả đều không thực, khi đó mới tỉnh, ôi cuộc đời mình, tổ tiên mình, ôi đang đi lang thang trong vùng không thật có rồi tham khởi, sân khởi, si khởi, ái dục khởi, hữu khởi, thủ khởi, sầu bi khổ ưu não khởi, chính cảm thọ mà lại chấp tất cả đó là của mình rồi bao nhiêu phiền toái của cuộc đời từ đây mà có, thật là khủng khiếp, thật là đáng sợ. Nhìn một hai lần còn dao động còn lo sợ, còn hồi hộp chứ nhìn nhiều lần và nhiều lần thì tỉnh táo lắm, vì đã biết cảm thọ sinh không gốc gác, các cảm thọ diệt cũng không gốc không gác. Cái không gốc, không gác chi cả mà mình cứ yêu, cứ đắm, cứ say ; chuyện này là chuyện buồn cười thật, lúc bấy giờ mình tỉnh táo lắm, liền đứng qua một bên độc lập với các cảm thọ, không bị các cảm thọ khống chế nữa. Hay nói khác đi, đến đây, mình là chủ nhân để phán xét tất cả các cảm thọ, thì làm gì mà có chuyện bị cảm thọ cuốn trôi, nhận chìm. Mình đứng ngoài giống như bậc hiền triết đứng trên bờ suối nhìn nước chảy thản nhiên tự tại. Cũng thế, người thực hành pháp quán này cũng có thái độ trầm tĩnh, an lạc để nhìn dòng thác cảm thọ tuôn trào, nó vô thường kinh khủng lắm. Vớùi cái nhìn này đi vào đời chẳng khác nào như hoa sen sống trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, nghĩa là hành giả thản nhiên nhìn được mọi thứ xung quanh, tuy có vui chút chút nhưng nguy hiểm vô cùng, tự động tâm lý tỉnh táo nhẹ nhàng thanh thản, phiền muộn tự tiêu tan, đây là con đường thực hành có làm mới thấy. Và việc làm này có thể hành trì trong mọi nơi, mọi lúc trong đời, vì đây là việc làm của tự thân vận động, tự thân biết, bên ngoài không ai biết gì và chỉ có đời mới cung cấp cho chúng ta những cơ hội và những thử thách cần thiết bổ sung cho sự thực hành được sâu sắc và thực tiễn.
2.4.1.3. Bước kế chúng ta đi vào quán tâm trên tâm:
So với hai pháp quán trên thì quán tâm là tế hơn, mặc dù tâm cũng thuộc về danh nhưng so với thọ tâm tế hơn nhiều vì không thể nhận biết qua cảm giác, mà phải tỉnh giác biết tâm gì đang khởi lên ; cái lỗi lớn nhất của chúng ta là luôn đồng hóa mình với tâm mình nên khó nhận biết, nên cấp độ quán đòi hỏi chúng ta phải đủ tỉnh táo, đủ giác tỉnh để ghi nhận tâm ta đang khởi là gì ? Là tham hay là sân hay là si hoặc ngược lại ; hay nó thuộc về vật chất hay phi vật chất, chỉ việc làm đơn giản là ghi nhận chúng như chúng đang là, chỉ cần nhắc như vậy là tỉnh ngay, vọng tâm dừng ngay. Một khi tập trung theo dõi sâu rồi, chúng ta có thể theo dõi tâm xem động cơ nào làm cho tâm khởi lên, và chìm xuống như thế nào, chừng ấy mới biết rõ nó gồm nhiều yếu tố bên trong và nhiều yếu tố bên ngoài sinh ra, nó không thuộc của ai, nó sinh ra không gốc gác, nó diệt đi không gốc gác, khi tự nó đã không có rồi thì mình không thể nhận nó là tâm mình được, thường thì chúng ta luôn bỏ chân tâm, đi trôi nổi theo vọng tâm, chẳng khác nào gả cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Kết quả là trôi nổi xứ người, cũng như mình nổi trôi trong sinh tử luân hồi, vì vậy muốn chấm dứt gốc gác luân hồi, phải theo sát tâm và phải chấm dứt ngay từ nơi tâm, nghĩa là bất cứ tâm gì khởi lên, chúng ta chỉ việc ghi nhận và phải quả quyết : “ tâm này không phải là tôi, không phải của tôi, không phải tự ngã của tôi”. Phải nhìn tâm mình với một thái độ như nhìn mây trôi trên trời , không vướng bận chi cả, mình vẫn thản nhiên, tự tại. Cũng vậy, với tâm đến hay đi là việc làm của nó, mình thản nhiên không phản ứng gì, chỉ ghi nhận biết là vậy. Đây là kỹ thuật, là kinh nghiệm đi tìm chân tâm. Khi ghi nhận biết như vậy, thì tự động chúng vắng mặt không hoạt động nũa, và đây là việc làm của những ai còn đủ trẻ đủ khỏe. Với người cao tuổi, yếu sức chỉ nên làm một việc , bất cứ niệm nào khởi lên thì thầm nhủ “ không phải là ta, của ta hay tự ngã của ta”. Dầu chưa đạt được giác ngộ nhưng đã đạt được trạng thái vô thủ trước rồi, đến đây là “thỏng tay vào chợ” như kinh Đại Thừa thường nói. Vì một khi mình làm chủ thái độ tâm lý của mình đối với mọi sự biến dịch của sự vật bên trong cũng như bên ngoài, thì chúng ta thấy sống an lạc, nhẹ nhàng, nhìn mọi vật như gió thổi mây bay. Việc làm này tuy đơn giản, nhưng Đức Thế Tôn luôn dạy chúng ta phải hành trì với nhiệt tâm tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác vì bởi lẻ đây là con đường tự mình hiểu, tự mình trách nhiệm lấy mình, là con đường độc lập tự do tâm lý, con đường tự tri, tự giác, nếu thiếu tâm lý trên mình dễ bị nản chí, thối tâm trước những khó khăn ở bước đầu, vì giai đoạn đầu toàn đối diện với vọng tâm quá nhiều làm rối.
Đến đây, chúng ta đã biết thân mình cấu tạo như thế nào, biết hơi thở như thế nào, biết cảm thọ như thế nào, biết tâm lý lên xuống sinh diệt ra sao, biết luôn cả thái độ đối trị chúng nữa. Tất cả như huyễn, không có thật, là do trùng trùng duyên khởi, và do duyên diệt. Như vậy từ pháp môn này chúng ta đã nhận chân được giáo lý duyên khởi. Giáo lý này được xem là giáo lý chỉ có trong Đạo Phật, không có ở đạo khác và đây là giáo lý chỉ đạo cho tư tưởng Đại thừa và đức Phật đã từng nói “ thấy được giáo lý duyên khởi tức là thấy được pháp thấy được pháp, tức là thấy Như Lai”. Quả là giáo lý duyên khởi cao siêu, huyền diệu quá nhưng chúng chỉ xuất hiện trong thân một tầm tay này. Tức trong thân một tầm tay này mà Đức Thế Tôn tuyên bố “ tất cả”. Và thân một tâm này chính là thân, thọ, tâm, pháp, chính là Tứ Niệm xứ mà có ra tất cả. Quả là, giáo lý Tứ Niệm xứ là giáo lý độc nhất vô nhị, nhưng phải hành, và phải sống mới thấy cũng như người uống nước “nóng lạnh tự tri”.
2.4.1.4. Quán pháp trên pháp:
Tuy nhiên phổ quát tính của Tứ Niệm xứ hay sự dung nhiếp của pháp môn này thể hiện rõ nét ở đề mục quán pháp trên các pháp ; nơi mà các tư tưởng và giáo nghĩa căn bản của Đạo Phật được sử dụng làm đối tượng cho sự nuôi dưỡng chánh niệm và phát triển trí tuệ. Trong số các ứng dụng thuộc đề mục này chúng ta thấy có:
Phương pháp xem xét về năm triền cái : tham dục, sân hận, hôn trầm thùy miên, trạo hối, nghi. Đây chính là thức ăn giúp cho vô minh tồn tại và phát triển. Để vô minh không tồn tại và phát triển nữa chỉ cần hủy diệt thức ăn của nó, tức là diệt ngũ triền cái bằng cách chúng khởi lên chỗ nào là chúng ta ghi nhận chỗ ấy. Đồng thời phải tỉnh giác rằng ngũ triền cái là đống tội lỗi, là cái đẻ ra những rối loạn trong con người ngay cuộc đời này, và chính nó là thức ăn của vô minh, nên chúng ta phải đánh một trận chiến với chúng trước, nên chúng ta phải nhiệt tâm, tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác để thấy chúng hiện lên như thế nào, thấy luôn sự nguy hiểm của chúng, liền khởi tâm đi thoắt qua liền. Chính đây là con đường độc nhất đi đến giải thoát, không còn con đường nào nữa, ngoài cái việc duy nhất là mình phải hành mà thôi.
Tiếp là phương pháp quán niệm về năm thủ uẩn : là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; quán niệm về mười hai xứ gồm : mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và các pháp ; quán niệm về Tứ Đế gồm : khổ, tập, diệt, đạo ; quán niệm về bảy giác chi gồm: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Trong tất cả các pháp trên có cùng một cách hành : nghĩa là phải nhiệt tâm tinh cần, chánh niệm tỉnh giác, và phải hiểu pháp mới đi vào suy tư pháp, mến pháp, hành pháp, có hành pháp thì pháp ấy mới nói lên tất cả vô lượng nghĩa, vô lượng từ, tức là trong đó thấy được pháp duyên sinh, pháp vô ngã, pháp vô thường và thấy luôn sự nguy hiểm của vô thường. Từ đây khởi tâm ly tham, giải thoát khởi, chỗ này là chỗ vô sinh, vô diệt, là Niết Bàn, thoát ly mọi sự trói buộc của nhân duyên.
Qua tất cả các đối tượng quán ở đề mục pháp cho chúng ta thấy phạm vi ứng dụng rất rộng của Tứ Niệm Xứ và pháp môn này bao hàm nhiều nền tảng giáo lý và phương pháp thực hành quan trọng của đạo Phật. Điều này được thể hiện bàng bạc ở tất cả các kinh văn thuộc hệ tư tưởng Đại Thừa.
2.4.2. Tứ niệm xứ qua lăng kính kinh Hệ phát triển:
+ Nói đến kinh Lăng Nghiêm tức là nói đi vào đại định, trước phải sửa soạn cái tâm cho rỗng rang bằng cách khai tâm là tâm không có trong, không có ngoài cũng không có trong ngoài, điều này đồng nghĩa với việc xây dựng chánh kiến, tức là phải có cái nhìn về sự vật như thật tướng mà nó đang là. Tiếp bước nữa là lập đàn tràng tụng chú ăn chay, nghĩa là sửa soạn một quyết tâm tu, có quyết tâm thì hành mới được, việc làm này là cách nói khác của nhiệt tâm bên Tứ Niệm xứ . Rồi bắt đầu trì giới. Sau cùng đi vào thiền quán sáu căn, sáu trần, sáu thức tức là quán thập bát giới. Vậy nội dung kinh này nặng về thiền quán thập bát giới là cách nói khác của ngũ uẩn, và đây chỉ là một phần ở đối tượng quán pháp của Tứ Niệm Xứ mà thôi. Nếu nói theo ngôn ngữ toán học : kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ là tập hợp con của nội dung kinh Tứ Niệm Xứ.
+ Đi vào kinh Kim Cương, chúng ta thấy rõ một điều : vì người đời nặng về chấp thủ làm ngăn cản sự thành đạo đắc quả, để thức tỉnh họ nên nội dung của kinh này dạy phải rời chấp thủ, tất cả những gì đã khởi lên đều nằm một trong bốn chấp : chấp ngả tướng, chấp nhân tướng, chấp chúng sanh tướng, chấp thọ giả tướng, phải chú tâm vào chánh niệm phải khởi chánh kiến, công việc này chỉ là tạo chánh niệm chỉ là một chi phần trong Tứ Niệm Xứ.
+ Đến với kinh Viên Giác : bước đầu cũng phải sửa soạn cho có chánh kiến, cho có chánh niệm, tự nhiên giác tỉnh biết thực tướng là gì, sau đó đi vào chỉ quán, lại là công việc của Tứ Niệm Xứ.
+ Đến với Duy Thức : chúng ta quen đi vào ba mươi bài tụng đúng không, nội dung của hai mươi lăm bài tụng đầu chỉ rõ sự có mặt sự hình thành của trăm pháp, năm bài kệ sau dạy về quán duy thức để nhận thấy biến kế là vô ngã, biến y tha vô ngã, biến duyên thành thật là vô ngã, hay nói cách khác là quán tâm, tâm sở là vô thường, không thật có, là vô ngã. Đây là quán ba pháp ấn, cũng là một phần quán pháp của Tứ Niệm Xứ.
+ Đối với pháp môn niệm Phật thì sao ?
Khi tiếp cận với hệ tư tưởng Đại Thừa Phật giáo, chúng ta không quên nhắc đến pháp “ niệm Phật” hay “ trì chú”. Đây là những pháp thoại được xưng tụng trong giờ tịnh độ, nên rất quen thuộc với những ai theo hệ Bắc tông hay Khất Sĩ. Hành pháp này không cầu kỳ, rất đơn giản, chỉ cần truyền miệng năm ba phút là có thể làm theo được liền, và ai cũng có thể thực hành được. Và đây là một trong bốn mươi đề mục thiền định, nghĩa là dùng nó làm đề mục để loại trừ mọi tư tưởng xấu, quấy, ác. Nói như vậy nghĩa là chúng ta “ niệm Phật” hay” trì chú” là lúc chúng ta niệm lời chơn, không nói điều sằn bậy, còn ý đang tập trung vào lời niệm nên không nghĩ bậy, thì thân không có lý do gì mà làm việc xấu ác. Nhờ đó ba nghiệp tham, sân, si lắng xuống, dịu xuống mà thôi, và đây lại là việc làm của Tứ Niệm Xứ, ở bước đầu là giai đoạn “ngồi lại an trú niệm trước mặt.”
Hơn thế nữa, “niệm Phật” hay “ trì chú” chỉ là một trong bốn mươi đề mục thiền định, chỉ thuộc phần tu định, chưa phải tu tuệ nên quả đạt đựơc không phải đạt đến mục tiêu tối hậu là cứu cánh Niết Bàn. Có lẻ một phần “do tính cách sâu xa của những đức tính đặc biệt của đấng Giác Ngộ, hoặc vì hành giả bận tâm tưởng niệm những đức tính đặt biệt thuộc nhiều loại, cho nên chỉ đạt được định cận hành, không đạt đến định an chỉ”, [1, 361 ], đây không phải là bước dừng chân của bậc phạm hạnh mà phải bước tiếp theo vào tu tập tuệ nên phải đi sâu vào pháp “ quán Niệm xứ”.
Hiện nay, thiền quán Tứ Niệm Xứ được gọi là thiền Minh Sát (Vipassanà) được trân trọng gìn giữ và hành trì rộng khắp tại Miến Điện và các nước Phật giáo Nam tông như Tích Lan,Thái Lan, Campuchia … cũng như đang dần ảnh hưởng ra các nước phương Tây trên thế giới. Các trung tâm Thiền được thiết kế xây dựng với tầm vóc qui mô ở Miến Điện bởi nhiều trường phái nổi tiếng khác nhau như:
_ Trường phái Mahàsi
_ Trường phái Shwe-Oa-Min
_ Trường phái của U Bakhin mà hậu duệ là Goenka. Các trường phái thiền này hành trì trên nền tảng kinh Tứ Niệm Xứ của Phật với những nét đặc trưng riêng. Hiện nay trường phái niệm thọ của U Bakhin đã được đệ tử là Goenka phát triển rộng khắp sang Ấn Độ và nhiều nước khác trên thế giới.
Như vậy, Tứ Niệm Xứ đã dung nhiếp toàn bộ giáo lý của nhà Phật, chỉ cần làu thông hiểu rành, hành cho lão luyện Tứ Niệm Xứ tự động mọi pháp khác hiển bày. Quả là giáo lý của Đức Phật luôn được trình bày một cách nhất quán : “Một là tất cả, tất cả là một”.
 

NA TIÊN

Registered
Phật tử
Tham gia
27 Thg 11 2006
Bài viết
423
Điểm tương tác
79
Điểm
28
CHƯƠNG 3 : Lợi ích đạt được khi hành trì Tứ Niệm Xứ


3.1. Theo Kinh Tạng để lại :
Một khi chúng ta thành thục pháp Tứ Niệm Xứ rồi, thì những bức tường của cái ngã tự động sụp đổ, lòng tham dục tự tiêu, thái độ bảo thủ và ngoan cố sẽ không còn nữa, chúng ta trở nên cởi mở hơn, linh động hơn và có thể lấy bất cứ cái gì trên đời làm áng xứ tu tập đều được cả; mọi sự trên đời luôn là bước tiến của chúng ta. Vâng, pháp này quá tuyệt, quá diệu, vì lẻ ấy mà trước khi sắp nhập Niết Bàn Đức Thế Tôn không quên nhắc lại nếp sống tối thắng của một Tỳ kheo, nên tu thiền định, thiền quán: “Và nầy Ananda, Tỳ kheo quán thân trên thân… quán thọ trên thọ … quán tâm trên tâm , quán pháp trên pháp nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy , này Ananda, Tỳ kheo là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa người khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vật gì khác. Những vị ấy , này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của chúng ta” [ 5_ 255-256].
Luận đề này được Đức Thế Tôn nêâu ra nhằm nhấn mạnh pháp môn Tứ Niệm Xứ và kêu gọi môn đệ của mình tập trung vào vịêc thực hành mới thấy được diệu quả ngay trong hiện tại và diệu quả ấy được đề cập như sau :
Ngoài hai mục tiêu được đề cập trong bài kinh Niệm xứ là đạt chánh trí ngay hiện tại, tương ứng với quả vị Alahán hay sự đoạn tận kiết sử và lậu hoặc và quả Bất lai, tương ứng với sự diệt trừ năm hạ phần kiết sử. Tứ Niệm xứ còn chứng minh khả năng đặc biệt ở pháp môn này trong việc dọn đường cho mục tiêu tối hậu là có khả năng loại sạch các pháp ô nhiễm được kinh Tăng Chi Bộ trình bày như sau :
+ Năm nghiệp phiền não : sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men…
+ Năm dục trưởng dưỡng : ham muốn sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu…
+ Năm xan tham : xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp…
+ Năm triền cái : dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi…
+ Năm sanh thú : địa ngục, loài bàng sanh, cõi ngạ quỉ, loài người, chư thiên…
+ Năm tâm hoang vu : nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tự tin đối với bậc đạo sư, nghi ngờ đối với Pháp, nghi ngờ đối với chúng tăng, nghi ngờ đối với học pháp, tức giận đối với các vị đồng phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành tâm hoang vu.
+ Năm tâm triền phược : tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái nhiễm đối với các dục tâm, không ly tham đối với thân, không ly tham đối với sắc, ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, hưởng thọ sung sướng về giường nằm, sung sướng về thụy miên, sống đời sống phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư thiên.
+ Năm thủ uẩn : sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
+ Năm hạ phần kiết sử : sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh… [6 – 225 – 230].


3.2. Theo chư thiền sư đã và đang hành trì :
Bên cạnh lợi lạc mà kinh điển để lại, chư thiền sư đương thời cho ta biết rằng : pháp môn Tứ Niệm xứ là một pháp môn thiền quán cổ mà mầu nhiệm, giúp chúng ta lọc bỏ đi những sai lầm và giả dối, vén lên tấm màn che phủ thực tại, để ta có thể trực tiếp tiếp xúc với sự vô thường của cuộc sống, sự khổ đau kiếp người, và sự thật không có cái tôi cố định và riêng lẽ. Từ đó ý thức rằng mọi tham ái, nắm bắt, ghét bỏ của mình là vô nghĩa lý và hoàn toàn vô ích, tự động lòng ái dục tắt hẳn và gánh nặng được buông xuống. Đây là cả một quá trình hoán chuyển và thoát xác cực kỳ quan trọng trong đời sống phạm hạnh của chúng ta. Chính nhờ vậy chúng ta thấy được hàng loạt lợi lạc như sau :
_ Trạng thái tâm trong sáng.
_ Tâm quân bình và ổn định.
_ Chữa lành một số bệnh.
_ Tăng trưởng trí tuệ.
_ Đạt được điều chúng ta mong mỏi là thoát khỏi bốn đường ác đạo.
_ Chứng ngộ giáo pháp cao thượng.
_ Hơn thế nữa, thiền quán Tứ Niệm xứ còn được gọi thiền Minh Sát hay Vipassanà, là Thiền Tuệ, một khi thành thục quán tuệ thì “có hàng trăm lợi ích không thể nào nói cho xiết, nhưng vắn tắt là những điều này : tẩy trừ các cấu uế đủ loại, nếm vị ngọt của thánh quả, có khả năng đạt đến diệt tận định và xứng đáng được cúng dường” [1- 1159].
Như vậy, từ các thông tin và khảo sát trên, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa câu : “Con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi phiền não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn” dùng để nói về Tứ Niệm Xứ và lý do pháp môn này được nhấn mạnh và đề cao trong đạo Phật.


KẾT LUẬN
Chúng ta là những người tu học theo đạo Phật thì phải nhận thức rằng từ cái học bằng cách nghe, nói, thuyết giảng, tiến lên cái học nhờ suy ngẫm quán chiếu, và rốt cùng của cái học là cái hành, nghĩa là chúng ta phải tự tiêu hóa những cái mà chúng ta nhận được qua sự học, sự tiếp thu thành những nguồn năng lượng nuôi sống huyết mạch của chúng ta. Có như vậy chúng ta mới tự cải thiện mình, cải tiến mình thành bậc vô học, tuy vừa học vừa hành có chậm nhưng kết quả không sai chạy. Bên cạnh đó, chúng ta luôn ý thức một cách khiêm tốn nhưng vô cùng mạnh mẽ rằng : ngoài chúng ta ra không có một cá nhân khác nào có thể cứu độ chúng ta.
Học Phật là học để thành Phật, vậy muốn đạt đến quả vị ấy thì chúng ta phải tinh tấn hành chánh đạo, đạo của Như Lai, nghĩa là phải thực hành thiền quán tức là hành “ Tứ Niệm Xứ”. Có hành pháp mới thấy được cái diệu của pháp, là giúp chúng ta nhận chân được mạng sống của chúng ta chỉ kéo dài trong một sát na hơi thở, nó quá vô thường, biến dị, nên chúng ta cần định tâm để sống trọn vẹn với sát na mình tồn tại, và sát na ấy chỉ có giá trị khi chúng ta sống tỉnh thức hay sống theo thiền quán Tứ Niệm Xứ. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với lời tuyên bố của Đức Thế Tôn về bài kinh này “ Tứ Niệm Xứ là đạo lộ duy nhất đưa chúng sanh vượt khỏi sầu ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn.”
Điểm cần lưu ý ở đây là, phần lớn Tăng Ni trẻ chúng ta, ai cũng sợ người khác xem mình là vô dụng, là không quan trọng, là vô ích nên từ đó nỗ lực làm việc này làm việc kia để chứng tỏ mình ngược lại, điều đó có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng bị chao đảo trước hoàn cảnh, đó là tâm lý thiếu định tĩnh, thiếu nội lực tu tập nên dễ dàng bị hoàn cảnh đổi xoay. Và đây không phải việc làm của người phạm hạnh, mà việc làm của chúng ta là phải tu tập làm sao để đạt được tâm như như bất động. Vậy chúng ta nên làm tròn bổn phận của mình trong mọi lúc, và chúng ta nên nhớ rằng, chính chúng ta là người quá may mắn, hiện tại được làm người có trí tuệ, lại được thọ học pháp của Như Lai, vì thế chúng ta không nên quá quan tâm đến thân thể và vật chất lợi dưỡng làm hoang phí một đời, mà phải tinh tấn hành pháp để đạt được giải thoát ngay kiếp này, vì :

“ Thân ta đảo ngọc hầm châu
Khéo nương lực lấy lo cầu chi ai
Tự mình chế phục hôm mai
Cứu tinh không có ở ngoài ta đâu”
PC _ 160

THƯ MỤC THAM KHẢO
[1] Bhadanta Cariya Buddhaghosa _ Thích Nữ Trí Hải dịch : Thanh Tịnh Đạo – NXB Tôn Giáo, 2001.
[2] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch : Kinh Trung Bộ - tập I - Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992.
[3] Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch : Kinh Trung Bộ tập III - Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992.
[4] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch : Kinh Trường Bộ tậpII - Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991.
[5] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch : Kinh Tương Ưng Bộ V – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1993.
[6] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch : Kinh Tăng Chi IV – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997.
[7] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa : Kinh Viên Giác – Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
[8] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa : Duy Thức – Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
[9] Giác Nguyên – Họ đã nghĩ như thế – Tổ Phương Các 1997.
[10] Sadaw U Kundalalihivamsa – Thích Thiện Minh dịch : Chín Yếu Tố Phát Triển Thiền Quán – NXB TP. Hồ Chí Minh 2000
[11] U.Silananda – Aggasami - Trần Minh Tài dịch : Đại niệm xứ – Như Lai Thiền Viện, 2001.
[12] Walpula rahula – Thích Chơn Thiện dịch : Nghiên Cứu Tư Tưởng Kinh Kim Cang – Lưu hành nội bộ, 1992.
[13] Hoà Thượng Thích Trí Tịnh : Kinh Pháp Hoa – Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2001.
[14] Tâm Minh – Lê Đình Thám : Kinh Lăng Nghiêm, Nhà XB Tôn Giáo, 2004.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Who read this thread (Total readers: 0)
    Bên trên